Cash đã quen sự chuyển hướng của hàng không mẫu hạm chạy ngược gió để nhờ gió cộng thêm vào tốc độ cất cánh của phi cơ. Nếu không cộng thêm tốc độ gió, chỉ với tốc độ băng chuyển động, máy bay sẽ không đủ tốc độ cất cánh. Nhưng hôm nay việc xoay chuyển rất bất lợi cho phi công. Cash ấn nút gọi sĩ quan điều phối:- Tàu đang chuyển tạo thành một góc 50 độ so với phương án. Thiếu tá đưa dự liệu gió, góc dạt vào máy tính để điều chỉnh phương án tập họp. Làm ngay đi. Nói rồi Cash quay lại:- Tôi phổ biến xong, chú ý góc bổ nhào, không xuống quá thấp, tầm bắn của đại liên 12 ly 7 là 800 mét. Không được xuống thấp hơn 1.000 mét. Riêng mục tiêu tỉnh lỵ Hà Tĩnh, chúng ta đặt tên là T6, hôm nay chưa đánh. Tất cả rõ rồi thì về khu vực sẵn sàng cất cánh. Những chiếc F-8E, A-4 liên tục đưa lên mặt boong. Bây giờ, gần cột đài radar, trên 20 chiếc đã nằm gọn theo thứ tự cất cánh. Chiếc hàng không mẫu hạm đã nằm xuôi không độ so với hướng gió. Những chiếc phi cơ chiến đấu lần lượt cất cánh và tập hợp. 10 giờ 20 phút những chiếc A-4 có F-8E yểm hộ, đã tiến vào vùng trời Việt Nam, mở đầu cuộc chiến tranh “gây sức ép” của Mỹ đối với Việt Nam.Cùng lúc với cuộc tấn công bằng không quân của hải quân Mỹ vào vùng 2, tại Đà Nẵng và Phù Cát, Nguyễn Cao Kỳ tự mình dẫn đầu một phi đoàn gồm 30 chiếc AD-6, cất cánh, vượt qua Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, bay qua vùng trời Vĩnh Linh lao về Đồng Hới. Radar trên hạm khu trục chỉ huy của Mỹ phát hiện. Người Mỹ đã sử dụng tín hiệu khẩn cấp báo động toàn cầu để báo cho Kỳ biết không được tiến ra khu vực người Mỹ đang hoạt động. Kỳ nhận được tín hiệu cảnh cáo khi hắn đang ở phía Đông tỉnh lỵ Đồng Hới. Nhìn thấy những chiếc F-8 lập thành hành lang bảo vệ bên ngoài cột khói và những chiếc A-4 của người Mỹ đang bổ nhào, Kỳ biết, nếu lao vào khu vực khói bom để đánh hôi, hắn sẽ bị bắn rơi. Kỳ hậm hực gọi:- Vòng lại, theo tôi. Trở lại khu vực Vĩnh Linh. Những chiếc AD-6 chậm chạp, tốc độ nhỏ, bom đạn nặng nề vòng ra biển quốc tế, trở lại. Từ độ cao 3.000 mét, vượt qua đảo Cồn Cỏ, máy bay của Kỳ nhìn thấy khu vực Vĩnh Linh. Nhà cửa nhỏ xíu như những chiếc mô hình, từ trên cao, Kỳ ra lệnh:- Ném bom vào khu dân cư… Bổ nhào… Trừ khu nhà ở đầu cầu và chiếc cầu sắt không được đánh. Còn lại đánh tất cả. Chiếc AD-6 của Nguyễn Cao Kỳ nghiêng cánh, chuẩn bị bổ nhào vào một khu nhà có hình dạng một trường học, Kỳ nghe trên đối không một phi công lạc giọng:- Tôi bị bắn, máy bay khó điều khiển… nó bốc cháy. Kỳ hét lên:Thằng nào? Cố lái ra biển, nhảy dù xuống biển, có tàu cứu nạn… Kỳ nhìn xuống mục tiêu. Lá cờ đỏ nhỏ xíu đập vào mắt hắn. Kỳ cho chiếc AD-6 bổ nhào vào nơi có lá cờ đỏ, mắt hắn trợn lên, hét:- Tao nhào xuống cắt bom vào trường học, vào lá cờ đỏ, ha… ha…Tiếng cười lạc giọng, bộ ria tép đung đưa. Thấy lửa đầu nòng súng dưới mặt đất chớp chớp liên tục, Kỳ vội vã cắt bom, lượn vòng… Nhưng, máy bay vừa thăng bằng, Kỳ nghe tiếng động rất mạnh vào máy bay, một viên đạn trúng vào thân bên cạnh ghế ngồi của Kỳ, đầu đạn xuyên vỏ thép, đụng nóc buồng lái, va chạm mạnh vào miếng mê- ca trắng ở trước mặt, miếng mê ca bị nứt, viên đạn không xuyên ra được bên ngoài, rơi xuống ngay dưới chân Kỳ. Một viên, hai viên nữa trúng thân và cánh, hắn tái mặt lắc mạnh cần lái, may mà hệ thống điều khiển còn tốt và viên đạn không trúng thùng xăng… Kỳ nhìn ra bên ngoài, máy bay đã ra ngoài biển, hắn hoàn hồn. Máu quậy nổi lên, Kỳ thò tay nhặt viên đạn đồng còn nóng cho vào túi chiếc áo bay với ý nghĩ ngộ nghĩnh: “Đây là món quà, dành cho nàng Tuyết Mai”… Ngôn được nghỉ hai ngày, anh rời đơn vị vào 7 giờ sáng ngày chủ nhật, sau khi ăn sáng xong. Sáu đưa Ngôn ra bến xe Phù Lỗ bằng chiếc xe đạp Phượng Hoàng Sáu được phân phối, sau khi bốc thăm. Chiếc xe màu cỏ úa, gióng ngang, đạp nhẹ. Sáu chở Ngôn qua cổng gác. Ngày chủ nhật, chiến sĩ bảo vệ cũng dễ dàng hơn, nhưng ông Tám cản đường. Sáu dừng xe hỏi:- Có chuyện gì vậy, ông Tám? Ngôn xuống xe, Sáu hai tay giữ chiếc xe. Ông Tám nói: - Xuống xe đi anh Sáu, tôi có câu chuyện muốn nói. Sáu sốt ruột, giọng khó chịu:- Ông Tám ơi, thằng này nó cần đi gặp con Hồng, từ ngày về nước đến nay bao nhiêu tháng rồi, ông có nhớ không? - Nhớ, hơn bảy tháng. Nhưng vài phút đáng là bao. Thôi, tôi nói vắn tắt. Ngôn bước lại gần ông Tám, giục:- Anh Tám, nói đi, tôi nghe. - Tôi biết hôm nay anh Ngôn về Hà Nội, nhờ anh lại nhà tôi ở đầu cầu, cho tôi gởi ít đường và xà phòng cho mẹ nó. Anh nói giúp, đơn vị đang sẵn sàng chiến đấu, vài hôm nữa tôi về. Ông Tám cầm gói nhu yếu phẩm trao cho Ngôn, ông nói thêm:- Chắc là cô Hồng mừng lắm, may mà… Sáu nói ngay:- Không đâu ông, tối qua chúng tôi đã được phổ biến. Bọn Mỹ đã đánh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đài nước Anh đưa tin Nguyễn Cao Kỳ tư lệnh không quân ngụy vác AD-6 ra đánh Vĩnh Linh. - Thôi, anh Ngôn đi đi, tôi chỉ nhờ chừng đó. Coi bộ thằng Kỳ theo đóm ăn tàn, hung hăng dữ. Có lẽ, chúng ta phải cho nó một bài học. Ngôn đến bên cạnh ông Tám, nắm tay ông:- Đánh giặc không đơn giản, chúng ta không thể dùng đại ngôn được. Có lẽ phải bằng trí thông minh của người lính, ông à. Ông Tám ngẩng mặt rạng rỡ:- Đúng lắm, tôi chỉ lo các anh phổi bò thì … thật là tai hại. Sáu cười tít mắt, cánh tay rất dài chụp vai ông Tám:- Chúng tôi đang xem lại mình dữ lắm. Ông cố gắng, mọi người cùng cố gắng, thế nào ta cũng đánh được. Sáu lên xe. Ngôn ngồi sau xe. Họ vẫy chào ông Tám, người chiến sĩ già, ngày ngày lái xe đưa họ ra tuyến trực ban để bay. Ông biết các phi công đang ráo riết chuẩn bị cho lần “đọ cánh” đầu tiên với Mỹ. Ngày ngày, ở đơn vị, không lúc nào không bàn về không chiến, về tránh tên lửa.