Lâm Văn đang là chủ nhiệm bay của trung đoàn, tính tình hiền lành, ăn nói chậm rãi. Từ lâu, đặc biệt là trong cuộc họp này Văn vẫn giữ thái độ thận trọng, anh im lặng và lắng nghe. Văn bay giỏi, ai cũng biết, chỉ có điều mọi người thắc mắc là anh rất ít nói. Lẽ ra, người như anh, phải là người nói nhiều, chức chủ nhiệm bay không phải tự nhiên mà có, nó là kết quả của quá trình rèn luyện và tài năng… Vậy mà, anh vẫn bị tai nạn nghề nghiệp, bởi chính nghề bay của anh. Chuyện đó như sau: Cách đây chừng vài tháng. Văn bay khoa mục đường dài, độ cao 6.000 mét, ban ngày, trời hơi bị mù, tầm nhìn ngang rất tốt nhưng nhìn xuống đất có một lớp mù, chỉ bay có sáu cây số, độ cao nhìn xuống đất chỉ thấy những cánh đồng, con sông, những quả đồi như được phủ một lớp bột mỏng… Đường bay tập, cạnh số 1, Nội Bài-Tuyên Quang. Cạnh số 2, Tuyên Quang-Đồng Mỏ. Cạnh số 3, Đồng Mỏ-Nội Bai. Văn cất cánh chuẩn xác, bay hết cạnh số 1 đúng quy định. Văn báo cáo “Qua điểm 1”, anh làm động tác lượn vòng bên phải, sau khi “cải bằng”, mũi máy bay theo hướng Đồng Mỏ, máy bay của anh bỗng như có ai đó kéo xuống, độ cao giảm rất nhanh. Sĩ quan dẫn đường mặt hiện sóng Ngọc Đào nhìn trên chiếc radar đo cao Mig-17 do Văn lái bất ngờ lao xuống đến độ cao 2.000 mét. Ngọc Đào hét: “04 chú ý, độ cao giảm rất nhanh”, Văn trả lời: “Không, tôi đang bay lên”. Biết Văn đã bị “cảm giác sai”, Ngọc Đào bóp micro ra lệnh “04 kéo cần lái vào trong bụng, chấp hành lệnh ngay…”. Văn trả lời: “Nghe rõ, tôi kéo cần lái vào trong bụng, máy bay đang bay xuống”. Ngọc Đào ra lệnh tiếp: “Tốt, tiếp tục kéo cần lái vào bụng, để góc lên 15 độ”. Bấy giờ, Lâm Văn đã tỉnh, anh nhận ra mình bị “cảm giác sai”. Lúc đó, độ cao của anh chỉ còn chưa tới 1.000 mét. May mà máy bay không lao xuống đất. Anh buộc phải hạ cánh ở một sân bay khác. Có lẽ “cảm giác sai” đã ám ảnh Lâm Văn, làm cho anh không dám mở miệng bình giảng cho đồng đội về bay, cho dù anh đang là chủ nhiệm bay. Lâm Văn đứng lên, mạnh mẽ:- Anh Thành phát biểu, theo tôi, rất có lý. Tôi đề nghị Trung đoàn trưởng cho bay thử ứng dụng chiến đấu ở các độ cao để xác định chính xác tính năng của Mig-17. Xin phép cho tôi và anh Trà cùng bay biên đội cắt bán kính, lượn vòng, vọt lên lấy độ cao. Sĩ quan dẫn đường sẽ ghi chép từng động tác ở từng độ cao, chúng ta sẽ có một bảng so sánh. Từ đó, chúng ta có thể kết luận, nên đánh ở độ cao nào là thế mạnh của chúng ta. Đào Đình Luyện rất hài lòng. Ngoài những cuộc họp, ông có hàng chục cuộc gặp gỡ riêng, ở đâu ông cũng gặp những gương mặt nhiệt tình, những động cơ chiến đấu trong sáng, ai cũng muốn đóng góp, mọi người đều muốn lập công. Đến với bộ phận dẫn đường ông đề cập đến chiến thuật không chiến, đến sự phối hợp giữa phi công và dẫn đường, đến sự phối hợp giữa sở chỉ huy và kíp dẫn đường ở radar. Ông tập trung cho huấn luyện bay địa hình, ông lo lắng về công tác tổ chức chỉ huy và hiệp đồng với cao xạ bảo vệ sân bay… Trong những ngày này, Đào Đình Luyện phải đối mặt với một thực tế. Máy bay của chúng ta vừa ít, vừa kém về tính năng chiến đấu so với máy bay của Mỹ, chúng ta phải đánh như thế nào để vừa có thể bảo tồn lực lượng, vừa rèn luyện bản lĩnh, vừa phát triển được lực lượng, để chiến đấu lâu dài. Điều đó đã làm cho ông mất ăn, mất ngủ.@Chiếc xe “đít tròn” chở thượng tá Nguyễn Văn Tiên đậu trước nhà trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện. Ông bước như dồn người về phía trước. Đào Đình Luyện bước ra chào ông ở cửa:- Thưa Tư lệnh,… Nguyễn Văn Tiên vỗ vai Trung đoàn trưởng đoàn Sao Đỏ, nhỏ nhẹ: - Anh Luyện, giữa tôi và anh, chúng ta tuổi xấp xỉ nhau, nói về cấp bậc thì…, mà thôi. Tôi muốn chúng ta bỏ chuyện xưng hô kèm theo chức vụ để chúng ta tâm sự dễ hơn. Chỉ trừ, trước đội ngũ, được không? - Cảm ơn anh, vậy thì… - Từ nay, anh gọi tên tôi là được, tôi cũng sẽ gọi anh như vậy, được không? - Vâng, anh Tiên, tôi muốn báo cáo. Về chuẩn bị chiến đấu, chúng tôi đã làm xong, so sánh lực lượng quá lớn. Anh em phi công và cán bộ chỉ huy vẫn có cách suy nghĩ rất lãng mạn. Tôi rất lo, nếu mang tư tưởng đó lên trời từ thắng trở thành thua không mấy lúc. Tôi sợ, khi đó, tư tưởng hoang mang sợ địch rồi dao động thì thật là nguy.Nguyễn Văn Tiên biết rõ tình cảm đó, nó giống như ông thuở đánh giặc ở Nam bộ thời kỳ đầu kháng chiến. Ông nói:- Tôi rất hiểu tình cảm của anh em. Anh Luyện, ta có nên nói thẳng cho anh em biết để thật bình tĩnh trước và sau chiến đấu? - Thưa anh, thật ra, nếu chỉ có tính năng chiến đấu máy bay Mỹ vượt trội chúng ta, điều đó không có gì phải nói. Anh em phi công biết rõ ta kém Mỹ về máy bay và giờ bay tích luỹ. Mà giờ bay của phi công nó quan trọng lắm.Vấn đề đặt ra là tinh thần chiến đấu, bọn Mỹ có hơn chúng ta? - Tôi và anh, chẳng có điều gì chúng ta phải giấu. Theo anh, bọn Mỹ có tinh thần chiến đấu bằng chúng ta không? Đào Đình Luyện không cần phải suy nghĩ, ông nhớ đến Long, một sĩ quan trẻ, dẫn đường ở sở chỉ huy binh chủng. Đã có lần Long tâm sự thật lòng: “Nếu chúng ta cứ nghĩ rằng người Mỹ không có tinh thần chiến đấu và chúng ta thắng vì có tinh thần chiến đấu thì thật là ngây thơ...”. Ông nói:- Tôi phải nói điều này. Nhưng anh không nên la rầy cậu ấy… Nguyễn Văn Tiên cười lớn:- Ông Luyện ơi, tôi mà ông, tôi nghĩ ông hiểu tôi hơn ai hết. Tôi biết, ông đã từng là cán bộ chính trị trước khi trở thành cán bộ quân sự. Tôi cũng vậy. Chỉ có điều tôi bình an hơn ông.Đào Đình Luyện lảng tránh chuyện về bản thân ông, ông không thừa nhận cũng không phủ nhận. Cuộc đời đầy bi kịch của riêng ông, ông không muốn thổ lộ với bất kỳ ai. Ai hiểu thế nào tùy họ. Ông không muốn nhắc đến, Đào Đình Luyện hỏi: - Anh chắc biết rõ cậu Long, sĩ quan dẫn đường của binh chủng? - Có, tôi có biết. Cậu ấy là một con người trung thực và thẳng thắn. - Anh ta nói với tôi về những người Mỹ rằng: “Người Mỹ, sĩ quan Mỹ rất hãnh diện là công dân một nước hùng mạnh nhất thế giới. Và, chúng ta nghĩ rằng tinh thần chiến đấu của phi công Mỹ kém là một điều sai lầm. Người Mỹ có kỹ thuật, có kỷ luật và có tinh thần chiến đấu. Muốn thắng Mỹ ngoài ý chí chiến đấu của chúng ta hơn Mỹ, trí tuệ của chúng ta cũng phải hơn”.