Maria gần như chạy ra đến ngã tư trước cửa nhà. Con đường trong phi trường Takli được trải một lớp nhựa đen bóng, phẳng. Tiếng bánh xe trên máy bay cà xuống đường băng liên tục phát ra những âm thanh như xé vải. Maria bước dài theo hướng có tiếng máy bay. Nàng lại đến một ngã tư, rồi một ngã tư nữa. Bây giờ, dường như Maria bị lạc. Nàng tiếp tục đi và đến một kho khá lớn, bên ngoài có biển “Cấm vào” bằng tiếng Anh. Một người đàn ông Thái Lan đi tới, mỉm cười. Maria ngượng vì đi lạc. Nếu không hỏi, có thể đi đến đâu, nàng cũng không biết, có khi Anderson về đến nhà không thấy nàng lại bổ đi tìm … Maria tự trách mình, nàng gọi người đàn ông Thái, hỏi:- Ông cho tôi biết, nhà của Đại tá Anderson? - Thưa bà, tôi không được phép biết. - Vậy, ông có thể chỉ cho tôi khu phi công. - Thưa bà, tôi không được phép đến đó. - Vậy... - Bà đã đi lạc? - Vâng, tôi đi lạc. Ông ta chỉ hướng có hàng cây lớn: - Thưa bà, ở phía đó là khu vực người Mỹ ở, có hàng rào sắt xung quanh. Maria “ồ” lên, nàng ngỡ ngàng và tự trách mình lẩm cẩm, hàng rào sắt ở cách đây không xa. Maria trở lại, nàng bước dài. Bỗng chiếc xe Jeep cao, thắng ngay phía sau. Maria giật mình quay lại. Anderson trong bộ quần áo liền nhau của phi công còn ướt mồ hôi từ trên xe nhảy xuống. Anderson nhào tới. Maria bất ngờ nhận ra chồng, lóng ngóng, dang hai tay. Anderson ôm gọn Maria trong vòng tay mạnh mẽ của ông. Anderson hôn Maria, kéo nàng lên xe, trở về căn nhà dành riêng cho mình.Đêm đến, trước sân, hai chiếc ghế sắt kề nhau. Maria ngồi bên cạnh Anderson. Nàng kể về đứa con gái của họ đang học năm cuối cùng bậc cao trung, luôn nhớ cha. Cuối cùng, Maria hỏi:- Anh, hiện nay, có phải anh đi ném bom Bắc Việt Nam? - Phải. - Vì sao phải đánh họ? - Bởi vì, họ ủng hộ Việt Cộng. Maria không hiểu:- Việt Cộng là ai? - Là chiến binh cộng sản Bắc Việt Nam xâm lược Việt Nam cộng hòa. Maria nhìn xa xôi, nàng chợt hỏi:- Vậy, Việt Nam cộng hòa và Bắc Việt Nam là hai nước phải không? Anderson chân thật:- Thật ra họ là một nước, từ năm 1945 cho đến năm 1954 cả nước họ là một. Sau hiệp định Genève người ta chia Việt Nam ra làm hai nước. Việt Nam cộng hòa theo chúng ta, còn Bắc Việt Nam theo cộng sản. - Ai chia ra thành hai nước Việt Nam? - Người Pháp và Việt Minh. Nhưng, có Mỹ, Nga, Trung Quốc chứng kiến. Maria chuyển trọng tâm, điều mà nàng quan tâm:- Anh, đánh Bắc Việt Nam có nguy hiểm không? - Có, họ có pháo cao xạ, có không quân. Nhưng, họ còn yếu, chưa làm gì được ta. Đơn vị anh bị không quân họ bắn rơi hai chiếc F-105, đơn vị bạn hai chiếc F-4. Maria lo lắng, như vậy là có đổ máu. Người Mỹ đã chết trận ở Việt Nam, cả ở Nam Việt Nam, đã vượt qua hai con số 0. Dù sao thì…Anderson vẫn còn khỏe mạnh. Maria ngả đầu vào vai Anderson. Từ bờ vai ấy mùi của chàng lan tỏa vào mũi nàng, một thứ mùi quen thuộc, lôi cuốn… 10 giờ ngày 10 tháng 7 năm 1965 biên đội Mig-17 do Phan Thanh Nhạ và Nguyễn Cương rời đường băng bay trực ban trên vùng trời Việt Trì-Nội Bài, có lúc đường bay hướng đến thị xã Phú Thọ. Nhiệm vụ của biên đội là bay tuần tiễu, độ cao bay 7.000 mét… Từ cách đây trên nửa tháng, sau trận đánh AD-6 của biên đội Đức- Lai, hàng ngày Mig-17 vừa tiến hành bay huấn luyện, vừa làm nhiệm vụ tuần tiễu. Hầu hết đều bay rất sâu, phía sau Hà Nội, do trung đoàn chỉ huy và kiểm soát chặt chẽ… theo quy định của quân chủng, dù chỉ một chiếc bay lên trời, radar của sở chỉ huy không quân vẫn phải mở máy để cảnh giới địch, không được lơ là… Nhạ và Cương đã bay đến độ cao quy định. Chiếc E-2A hai động cơ phản lực cánh quạt, mang trên lưng nó một khối tròn, dẹt, đường kính sáu mét, chiều cao gần một mét, bên trong nó là một ăng-ten thu thập tin tức của mọi tần số radio đối không và radar Bắc Việt Nam ở mọi hướng và cự ly… Nó như một radar trên không, chỉ có điều xác định không chính xác vị trí Mig như radar ở mặt đất. Phi hành đoàn tám người, trong đó tới năm sĩ quan tình báo thành thạo bốn ngoại ngữ Việt-Hoa-Triều Tiên và Nga. Viên sĩ quan ngồi ở vị trí số 3 thu được tiếng trả lời của phi công Bắc Việt Nam báo cáo cất cánh, liền báo cáo cho viên đại tá chỉ huy căn cứ Udon. Lập tức bốn chiếc F-4C, đã nạp đầy ba thùng dầu phụ đeo ở bụng và hai bên cánh, được lệnh cất cánh, độ cao bay rất thấp, chỉ được phép bay trên địa hình 1.000 mét, đến biên giới Việt Nam hạ thấp độ cao, bay trên địa hình dưới 500 mét. Thiếu tá T. Murphy chỉ huy biên đội. Đại úy R. Fegan bay số 3 đã vượt qua một quãng đường dài trên 300 km. Bốn chiếc F-4C đang tiến vào cánh đồng cỏ Mộc Châu. Murphy đã nhìn thấy núi Tam Đảo, hắn lắc cánh báo hiệu cho ba chiếc F-4 trong phi đội sẵn sàng chiến đấu.Trên tai Murphy liên tục nghe thông báo từ chiếc E-2A vị trí và độ cao của hai chiếc Mig. Murphy nhớ rất rõ lời dặn của đại tá G. Davis rằng Bộ Quốc phòng chưa cho phép không lực Mỹ vượt tuyến Hòa Bình - Điện Biên Phủ, cho nên không được để máy bay bị bắn rơi trong khu vực cấm. Murphy lắc cánh hai lần, báo cho phi đội ném thùng dầu phụ mở radar trên máy bay. Fegan vừa hướng mũi chiếc F-4 lên cao, mặt hiện sóng của chiếc radar trên chiếc F-4C số 160 của anh ta có tín hiệu một chiếc Mig ở cự ly 20 km. Fegan báo cáo cho Murphy bằng vô tuyến điện đối không. Murphy hướng mũi máy bay và đã phát hiện Mig. Theo kế hoạch đã được luyện tập, sau khi phát hiện Mig, Murphy sẽ dùng tên lửa có điều khiển phóng từ cự ly rất xa và điều khiển bằng radar bắn rơi Mig. Nếu chiếc số 2 của Murphy cũng phát hiện có thể cả hai cùng bắn vào một chiếc cho chắc chắn. Fegan và số 2 của anh ta cùng bắn vào một chiếc khác. Nếu bốn chiếc Mig thì mỗi chiếc F-4C bắn một chiếc. Hai chiếc Mig của Nhạ và Cương đã bay hai vòng trên khu vực tuần tiễu. Việt Thành rất bình tĩnh, anh dẫn biên đội dõng dạc, khẩu lệnh truyền cho phi công rất rõ ràng. Tại trạm radar, sĩ quan dẫn đường Lê Thiết rất tập trung. Anh thuộc tất cả sóng phản xạ. Trên màn hiện sóng của chiếc radar đo cao gật lên, xuống bảo vệ xung quanh hai chiếc Mig, màn hình không xuất hiện sóng lạ. Tại mặt hiện sóng, chiếc radar của Lê Thiết không có sóng phản xạ lạ ngoài các sóng cố định anh vẫn thấy hàng ngày. Hai chiếc Mig-17 vẫn ung dung bay ở độ cao 7.000 mét, radar dẫn đường vẫn phát hiện Mig, cánh sóng bao trùm hai chiếc Mig không lúc nào lơi lỏng. Biên đội bay rất cao ở sâu trong đất của ta. Hai phi công phân công nhau quan sát, không hề có chút gì khẩn trương và căng thẳng…