Hắn quê ở Thái Bình. Quê hắn nghèo lắm. Miền Bắc nước ta chỗ nào cũng nghèo, nhưng cái huyện Thư Trì của hắn thì có lẽ lại nghèo hơn cả. Bước ra ngõ là gặp nghèo rồi, vì trên trán ai cũng lờ mờ hằn lên cái chữ “nghèo” to tổ bố. Nhiều lúc cứ tưởng cái mắt mình hoa, đưa tay dụi đi, dụi lại, mở to ra nhìn cho thật kỹ, hy vọng là không còn thấy chữ …”nghèo” quái ác ấy nữa. Nhưng ma mãnh làm sao trên vầng trán mọi người những nếp nhăn vẫn cong queo viết thành cái chữ …”nghèo”. Ở nhiều nơi khác thì cái hàm răng nó tố cáo cái nghèo. Nghèo quá nhai độn ngô khoai hoài nên cái hàm răng nó cứ đưa ra. Nghèo nó luôn đi đôi với khổ. Nhà hắn đã khổ ba đời. Đó là những đời cận đại còn biết được. Có khi là khổ nhiều đời hơn nữa không chừng. Cái khổ nó lại hay song hành với cái dốt. Cả đời vất vả, có khi phải đi ở đợ, đâu có học hành gì mà không dốt. Hắn dốt đặc cán mai, chỉ biết mỗi chữ thập để ký tên. Chữ này là do thủ trưởng của hắn dậy. Hồi mới biết ký tên như vậy hắn mừng ghê lắm đi khoe vung tí mẹt, nhưng khổ nỗi trong cái tập thể của hắn có đến hơn một nửa cũng biết… ký tên như hắn. - Ôi …Cái này thì lạ gì. Tao cũng biết. - Tao cũng biết … - Tao cũng biết … Thì ra nhiều người biết quá nên hắn tiu nghỉu, cái mặt cứ thuỗn thuồn thuột ra. Từ đó hắn không khoe mình biết ký tên nữa. Năm lên mười hai hắn đã tình nguyện xung phong đi B. Đi B sẽ được ăn no hơn ở nhà. Trong xóm hắn cũng khối thằng cùng lứa tuổi hắn ra đi. Ngày hắn ra đi mẹ hắn khóc sướt mướt, nhưng hắn thì vui như tết. Nói thế để cho người …giàu hiểu thôi, chứ mười hai năm sống vất vưởng ở trên cái cõi đời này, hắn chưa hề biết tết vui như thế nào. Quanh năm khố rách áo ôm ấy mà. Cả đời hắn chưa biết miếng thịt heo, thịt bò nó ngon ra làm sao. Hắn chỉ biết mỗi thịt chuột, nhất là vào mùa nước lụt, hắn theo mẹ bơi thuyền vào những rặng tre để đâm chuột. Những con chuột chạy lụt leo lên ngọn tre, thế là mẹ hắn lấy cái đòng đâm. Đi một buổi thì cũng kiếm được vài chục con, cũng đủ ăn liên hoan cho cả nhà.. Hắn nắm tay mẹ mỉm cười: - Mẹ vui lên đi chứ. Con đi B để “no” …giải phóng …Hắn nói ngọng chữ lờ thành ra chữ nờ, Mẹ hắn kéo vạt áo nâu chùi nước mắt dặn dò hắn: - Con nhớ phải biết “no” cho mình nhá … - Mẹ yên "chí" đi ….Con sẽ …”no” mà … Và đúng như lời hắn hứa với mẹ, trong suốt thời gian hắn đi bộ đội, hắn chỉ chú tâm đến cái “no” thôi. Mắt hắn nhanh như cắt, hắn nhìn thấy đồ ăn ở bất cứ nơi nào hắn đi qua, nơi nào hắn dừng chân ngay cả ở giữa rừng già, từ củ mài, củ nâu, con rắn, con ngoé … Có lần hắn suýt chết vì ham ăn đấy. Chả là buổi sáng đoàn quân đang đi chuyển trên đường mòn Trường Sơn thì có báo động khẩn cấp: B52 sẽ tập kích. Đoàn quân dừng lại kiếm chỗ ẩn núp. Nhưng ngay lúc đó hắn trông thấy một con kỳ đà to bằng cườm tay đang bò bên khe nước. Thế là cái bụng hắn bảo hắn là phải vồ cái con kỳ đà này trước … Hắn phóng nhanh về phía con vật, đưa tay chụp lấy cái đuôi nó ghì kéo. Con kỳ đà bám chân vào gốc cây rất chặt. Hắn đang say sưa kéo thì những tiếng nổ long trời lở đất kéo dài như sấm gầm ngay sát hắn. Người hắn tung lên …Mọi người nhìn thấy ai cũng nghĩ là hắn chết rồi. Nhưng một lúc sau hắn lồm cồm bò dậy, máu ứa ra từ hai lỗ tai, từ mũi. Hắn vơ đại nắm cỏ bỏ vào miệng nhai rồi đút nút vào lỗ tai, lỗ mũi để cầm máu. Đúng là trời sanh voi, sanh cỏ …Vậy mà hắn cũng sống và lết dọc đường Trường Sơn mò vào tận trong Nam được.Có điều hắn bị nghễnh ngãng, có lúc hắn nghe, lúc không. Hắn bảo đôi khi nghe người ta nói, cứ ù ù như tiếng máy bay. Năm một chín bảy mươi lăm hắn vừa tròn mười lăm tuổi, hắn theo đoàn quân, xốc xa xốc xếch, quần rách đến đầu gối, vào chiếm giữ Biên Hoà. Hắn choá mắt khi nhìn thấy thành phố nguy nga, nhà cao cửa rộng, xe cộ tấp nập … chả bù cho cái cảnh vắng tanh, với một ít căn nhà tầng còn sót lại từ thời Pháp của thủ đô Hà Nội, mà ngày hắn lên đường xuôi Nam đã có dịp đi ngang. Hắn lúc đó cũng như đồng đội cho là những toà nhà cao tầng đó là những sở chỉ huy của địch, ăng ten TV là những hệ thống máy điện đàm, nên đã có những tay ngố dương cao khẩu B40 nã đạn vào những căn nhà đó. Hắn càng ngày càng say mê cái cảnh phồn hoa đô hội của miền Nam quên cả trở về thăm gia đình ở cái huyện nghèo nàn ngoài Bắc. Mẹ hắn thì mong hắn biết chừng nào. Ngày hoà bình mong con còn sống trở về, nhưng mãi chả thấy con đâu.. Hỏi thăm chả ai biết tin tức gì của hắn cả vì những đứa bạn ra đi cùng với hắn thì đã chết sạch, chẳng còn mống nào sống sót. Lâu dần bà và gia đình cứ nghĩ là hắn đã vùi thây ở đỉnh núi nào rồi. Như mọi người miền Bắc, Bà vẫn cái cảnh cơ hàn như xưa, thậm chí lại còn cơ cực hơn trước. Người ta bắt đầu kiếm đường vượt biển, không chỉ trong Nam mà ngoài Bắc cũng rộ lên phong trào trốn ra nước ngoài. Một tối bà cùng đứa em gái của hắn đang đánh dậm, mò cua ở ven sông thì bị một chiếc ghe máy bắt lên ghe và chở đi. Bà sợ quá van lơn xin họ tha mạng, nhưng họ bắt hai mẹ con bà ngồi im, không được nói gì cả …Mấy ngày đêm bà thấy là chiếc ghe đang lênh đênh trên biển cả. Có tên hạch sách bà về tiền bạc …bà nghĩ thì ra đây là bọn cướp, chúng tưởng mình có tiền nên bắt cóc mình để trấn lột. Bà bảo bà nghèo lắm làm gì có tiền. Có đứa đòi quăng mẹ con bà xuống biển cho nhẹ ghe, đứa thì can ngăn … Cuối cùng thì chiếc ghe đã tắp vào Hồng Kông, bà nghe bọn …cướp reo mừng: Tới rồi, thoát rồi …Hồng Kông đây rồi. Sài gòn những năm sau ngày vận nước đổi thay, ngoài mặt thì ra vẻ êm ả, bình thản nhưng bên trong thì ảm đạm thê lương, đi tới đâu cũng chỉ thấy tiếng thở dài và những khuôn mặt trầm ngâm, người ta không còn cởi mở với nhau như xưa nữa, mọi việc dự tính và ngay cả những ý nghĩ trong đầu người ta cũng giấu nhau, không ai dám thố lộ. Miền Nam bị bao trùm bởi một không khí nặng nề, căng thẳng. Mọi người đều hồi hộp, lo âu. Người thì chạy ngược, chay xuôi, lo tìm đường trốn ra nước ngoài, người thì lo tìm cách tẩu tán tài sản, làm như mình cũng là dân vô sản như ai. Kẻ thì tay nải lên đường tập trung cải tạo. Tất cả đời sống đã đảo ngược trong cái hỗn độn, vô tổ chức, vô chính phủ. Những cái băng đỏ trên cánh tay đứng đầy ở những ngã ba đường, ở những nơi được gọi là công sở. Những ông Cách mạng 30 đã tác oai, tác quái trên đám dân lành vô tội. Người ta sợ mấy ông này hơn sợ cọp. Những hiềm thù xưa được mang ra thanh toán. Khối người đã chết oan mạng bởi những ông này ….Những trai thanh gái tú một thời của miền Nam đã có những lúc chớ hề dám ló mặt ra ngoài. Những mái tóc dài nghệ sĩ của các chàng trai bị ủi một đường tông đơ từ sau ót ra tới trước trán, trông hề không chịu nổi. Những ống quần pát, rộng, điệu đàng của các cô gái bị xẻ một đường lên tới háng, giữa thanh thiên bạch nhật đông người. Các cô bước đi thất thểu, vừa đi vừa túm cái quần, mặt đỏ sượng sùng bên tiếng cười đầy chế riễu thù hận. Những mái tóc, những ống quần vô tội, vô tri mà còn bị trù dập đến tận cùng như vậy, nói chi đến con người. Hắn ngụp lặn trong cái thế giới hỗn tạp đó, hắn làm đủ mọi công việc, thượng vàng hạ cám để mong có tiền. Từ trong bóng đêm tăm tối hắn bước ra ngưỡng cửa của ban ngày, cái gì cũng mới lạ, cái gì thấy cũng ham, cũng thích, cũng muốn vơ vào mình trong lúc bàn dân thiên hạ sống lâu năm ở đây thì dửng dưng, lãnh đạm. Sau vài năm hắn đã kiếm được một mớ tiền, hắn nghĩ phải về thăm nhà một chuyến, để khoe với xóm làng, hắn đã sắm được đủ cả, nào là đài, là đạp, là đổng ….Hắn tay xách nách mang, vác chiếc xe đạp lên vai lội bộ từ bến xe huyện về nhà. Đường về nhà hắn lầy lội lắm, hắn sợ chiếc xe bị bẩn, dính bùn …nên phải làm như vậy. Về tới nhà, bà con hàng xóm đổ xô tới, xít xoa khen cái xe đạp kiểu Saì Gòn coi bảnh kẻng hơn xe Trung Quốc, cái đài nghe to …tiếng nói cứ oang oang. Từ khi hắn về quê, căn nhà vốn vắng vẻ thường ngày đã trở nên nhộn nhịp. Mỗi tối sau một ngày kiếm ăn vất vả, bà con trong xóm lại tụ tập ở nhà hắn để nghe đài, nghe nhạc và chuyện trò râm ran. Hắn về nhà đã không gặp được Mẹ và em gái, chỉ gặp có người anh. Anh của hắn cho biết Mẹ hắn và em gái hắn đang sống ở Mỹ …Hắn bảo với anh hắn: - Đi Mỹ làm gì chứ. Ở Mỹ cao lắm thì cũng như ở Sài Gòn thôi. Sài Gòn hết ý anh à. Em tính đưa anh vào Sài Gòn …bỏ cái chốn nghèo mạt rệp này đi anh ạ. Thế là anh em hắn khăn gói vào Sài Gòn, gom góp tiền bạc mua được một chiếc xích lô, thay phiên nhau đạp. Trong Nam dù sao cũng dễ kiếm cơm hơn. Hắn tiếc đùi đụi là hắn đã bị gạt ra ngoài, tổ chức không còn dùng hắn nữa vì cái bệnh nghễnh ngãng của hắn, cũng tại hắn cả mà, đói cái bụng làm chi để...bây giờ đi đạp xích lô. Nếu không thì biết đâu hắn lại chả kiếm tiền dễ như trở bàn tay. Hắn không giàu có như vài tên đồng đội cũ nhưng nhờ biết dè xẻn, nên cũng sống qua ngày. Đạp xích lô được mấy năm thì hắn chuyển nghề vì có viện trợ từ nước ngoài. Số là những năm gần đây hắn mò tới cái lớp học xoá nạn mù chữ, nên cũng gom góp được ít chữ thánh hiền, hắn thấy cái nghề nhàn hạ, không cần vốn liếng mà dễ kiếm tiền nhất là nghề...thày bói. Thày bói chỉ ngồi...nói thôi là tiền vào rồi. Hắn có tật lãng tai nên ông trời cho hắn cái miệng. Cái miệng hắn dẻo quẹo, hắn ba hoa chích chòe rất hay. Mấy bà, mấy cô mà đến với hắn, nghe hắn bói thì ôi thôi...hắn có nói nhăng nói cuội gì các cô, các bà cũng cho là đúng cả. Hàng xóm thường bảo với hắn: - Anh nói hay quá...Chim trên cành còn phải sa xuống. Tiền trong túi người ta còn phải bò ra... Hắn cười khoái chí: - Mình làm cái nghề này thì phải như vậy mà...Nói để có tiền, tội gì không nói hề hề hề... Hắn đã dăm lần bị chính quyền khu xóm cảnh cáo, hăm đe bắt bỏ tù vì tội bói toán nhảm nhí này, nhưng hắn ỷ là thương phế binh nên hắn cóc sợ ai cả. Cuộc đời hắn có vẻ càng về gìa càng thấy đỡ. Hắn đã tậu được một căn nhà nho nhỏ ở khu chợ Phúc Hải, thành phố Biên Hoà, vợ con đề huề. Vợ hắn là người con gái thanh niên xung phong ngày trước, tình cờ gặp lại nhau ở nơi...đất khách quê người. Cả hai đều không tìm được đối tượng nào khác nên đành gá nghĩa trăm năm với nhau. Vợ hắn hơn hắn năm, sáu tuổi gì đó, ngày xưa lúc còn ở trong rừng, hắn vẫn gọi là chị, xưng em ngọt xớt. Bây giờ theo vận nước đổi thay, cung cách xưng hô ngày cũ cũng đã thay đổi. Cuộc đời tạm yên ổn cho đến một ngày. Gần ba chục năm, cái đầu của hắn cũng theo thời gian mà lớn lên chút đỉnh. Hắn biết Sài Gòn không thể nào bằng Mỹ được. Một phần là do thân nhân của hắn nói với hắn về nước Mỹ, một phần là do những thước phim đài tryền hình VN chiếu lại cái buổi sáng kinh hoàng của biến cố 911. Hắn nghe và nhìn thấy trên màn hình cái vĩ đại của nước Mỹ, một siêu cường về mọi măt. Hắn nghĩ là dưới cái thể chế o ép hiện nay của nhà nước ta thì đất nước ta ngàn đời cũng chưa thể theo kịp. Hắn nảy sinh ra ý định muốn được chính mắt thấy, tai nghe về đất nước thiên đường này, xứ sở của những ước mơ. Là con người hầu như ai cũng mơ ước được một lần đặt chân lên đất Mỹ. Thế là hắn ngỏ ý cho Mẹ hắn và em gái hắn biết cái khát vọng to lớn của hắn: - Mẹ ạ, con muốn một lần được đi lang thang trên đất Mỹ, được nhìn tận mắt những cái hay, cái đẹp của nước Mỹ …rồi về chết con cũng vui lòng. Mẹ hắn thương hắn lắm, nên bà đã bảo em gái hắn lo thủ tục bảo lãnh cho hai anh em hắn qua Mỹ với diện du lịch. Hắn mừng rỡ lắm, thấp tha thấp thỏm chờ ngày phỏng vấn. Người anh đã được gọi phỏng vấn trước, nhưng bị từ chối. Hắn muốn rút tỉa kinh nghiệm: - Họ hỏi anh những gì và anh trả lời ra sao mà bị từ chối vậy? - Họ hỏi tao: “ Hiện tại đang làm nghề gì?”. Tao trả lời là tao đang ăn tiền hưu trí. Thế là họ trả lại hồ sơ không thèm hỏi tiếp nữa. Hắn nằm suy nghĩ, tìm tòi một phương cách trả lời sao cho hữu hiệu. Hắn chạy tìm tham vấn ý kiến một số người. Chờ đợi mãi rồi cũng tới phiên hắn. Hắn ăn mặc rất chỉnh tề bước vào toà Tổng lãnh sự Mỹ. Hắn được hướng dẫn vào cửa dành riêng phỏng vấn khách du lịch. Hắn đưa lá thơ mời qua ô cửa kiếng. Hai cô đầm còn rất trẻ nhìn hắn nở nụ cười: - Chào ông. Ông tên là Lê du Hí? Hắn không tin ở tai mình nữa. Rõ ràng là đầm Mỹ mà sao nói tiếng Việt sõi không thể tưởng. Họ nói tiếng Việt còn giỏi hơn cả mình nữa vì họ không nói chữ lờ thành chữ nờ như mình. Thế mới biết người Mỹ tài. Hắn lại có thêm một bằng chứng thuyết phục để thấy rằng nước Mỹ xứng đáng là một siêu sao … - Ông muốn đi du lịch Mỹ quốc? - Vâng … - Ông hiện giờ đang làm nghề gì ạ? Trúng tủ rồi. Hắn tự nghĩ thế. Câu này ông đã học thuộc lòng rồi, ngu gì mà khai là mình làm nghề thày bói, phải phịa ra một cái nghề ngỗng đàng hoàng cho nó oai phong, nên hắn trả lời ngay: - Tôi có một trại nuôi heo. Heo giống có, heo thịt có, số heo rất đông nên phải mứơn một số công nhân giúp việc, do đó tôi tự cho mình giữ cái chức giám đốc. Dạ, tôi là Giám Đốc trại nuôi heo cô ạ. - Dạ thưa ông Giám đốc. Ông cũng thừa biết là …nước Mỹ rất hoan nghênh những du khách ghé thăm, nhưng không hề mong đợi những người lợi dụng chuyến ghé thăm để ở lại luôn trên đất Mỹ … - Vâng tôi biết …Tôi đời nào thèm ở lại Mỹ thưa cô. Vì cô biết đấy, Việt Nam năm 2003 rồi chứ đâu còn là năm 1975 hay 1978 đâu. Việt Nam bây giờ có khối những tên Tây, kể cả những tên Mỹ,từ xa xôi vạn dặm, còn muốn tới đây để ở, điển hình là cái phố Tây ba lô đó cô. Họ tới đây lập lên cả một con phố giống như dân Tàu đi tới đâu cũng có một cái phố gọi là Phố Tàu … Tôi đang sinh sống ở đây thì dại gì mà bỏ đi. Tôi chỉ ghé thăm nước Mỹ và hy vọng có dịp tham quan một vài trại chăn nuôi của Mỹ để rút tỉa kinh nghiệm, chỉ thế thôi. Hai cô đầm Mỹ cười toe toét, gật gù ra vẻ đắc ý. Hắn thì như mở cờ trong bụng tự nghĩ.” Mày trúng chiêu của tao rồi “ - Ông còn gì muốn nói nữa không? - Có một điều …muốn nói nhưng lại ngại … - Đừng ngại gì thưa ông. Nước Mỹ là nước tự do … - Vâng thưa cô …Tôi thật không vui lắm khi phải đứng trả lời những câu hỏi của cô. Đứng lâu nó mỏi cái chân. Tôi làm việc ngồi nó quen rồi.Toà Tổng lãng sự đâu có nghèo đến nỗi không mua được một chiếc ghế cho khách ngồi … - Ồ …Xin lỗi về những điều không được tiện nghi lắm ở đây. hoàn toàn vì vấn đề an ninh thôi ông ạ. Chúng tôi nhân danh nước Mỹ hoan hỉ chào đón Ông ghé thăm. Thế là hắn được chấp thuận rồi. Hắn muốn nhảy cỡn lên. Ước mơ của hắn sắp được thực hiện. Ở đời cái giả dối vấn thường là những đường đao ngọt bén đánh gục đối phương. Cái giả dối, lừa bịp, đôi khi là con đường ngắn nhất để đi tới thành công. Thật quá trớ trêu và oái oăm thay. "Con cái của bóng tối khôn ngoan hơn con cái của sự sáng " là như thế Hắn ra về thơ thới hân hoan. Không như thông lệ mỗi khi có việc đi Sài Gòn, hắn thường la cà chuyện vãn với vài người bạn thuở còn hàn vi, hôm nay hắn leo lên xe, chạy một mạch về tới nhà. Nhìn thấy hắn đẩy xe vào cửa, vợ hắn hỏi ngay: - Sao? Lại rớt rồi hả? - Nhìn cái mặt thế này mà lại bảo là rớt hả …Mau chuẩn bị cho tôi vài cái va ly đi - Hihihìi. Thế là đậu rồi hả. Mình qua bên ấy lúc về nhớ mua cho em nhiều ….loại thuốc gội đầu nhé, cái loại thơm nhất nước Mỹ đấy … - Được mà, cứ lo chuẩn bị cho tôi đi, muốn cái gì cũng có … - Ừ …Này …nhớ mua cho em một va ly …quần áo lót nữa nhá. Đồ lót của Mỹ mặc nó mát chi lạ anh à …Nó mềm …. - Được rồi, có tất …Nói nhiều quá … Hắn làm như là hắn sẽ đi ngay ngày mai. Vé máy bay chưa mua mà cứ tưởng mình đang ở đâu đó trên đất Mỹ rồi. Hắn mừng là sắp gặp lại bà mẹ tội nghiệp năm xưa thì ít, nhưng lại mừng vì mình sắp được du hí trên đất nước đứng hàng đầu thế giới thì nhiều. Hắn nhớ câu châm ngôn hồi hắn đi học lớp xoá nạn mù chữ: “Đi một ngày đàng, học một sang khôn. Phen này nhất định ông sẽ khá thôi, đố thằng nào dám coi thường ông. Ông cũng giống như là đi du học chứ bộ chơi sao. Ai ở Mỹ về cũng đều tài giỏi cả …không giỏi về học thức thì cũng giỏi về một vài lãnh vực khác “. Hắn thầm nghĩ như vậy. Vợ hắn õng ẹo ôm hắn, âu yếm: - Anh tài thật đấy … - Tài cái con mẹ gì … Rồi bàn tay hắn táy máy cùng với niềm vui đang rạo rực trong lòng, hắn nói ú ớ: - Như cái này này …” May hơn khôn, to …mồng hơn đẹp mặt “. May thôi … Vợ hắn đẩy hắn ra:” Thôi đi ông.Gìa rồi còn nham nhở “. Nói xong bà vợ di chuyển cái thân hình to béo ra phía nhà sau: - Cơm nước sẵn sàng rồi, mình ăn cơm nhá. Hắn mỉm cười: Gớm hôm nay mình có vẻ thục nữ thế, chả giống mọi hôm … Vợ hắn đánh trống lảng: Mình nên đi mua vé máy bay sớm đi, bây giờ còn rẻ, chứ nếu lọt vào dịp tết hay hè thì mắc lắm … - Ừ …Tôi còn muốn đi ngay bây giờ. Tôi còn nóng hơn bà nữa kìa Rồi ngày hắn lên đường cũng đã tới. Vợ hắn đóng cho hắn hai va ly đầy những kẹo bánh, trà, hương vị quê nhà. Trước khi gia đình hắn leo lên xe ra phi trường. Mấy người hàng xóm cũng ra đưa tiễn. Mỗi người nói một câu, chúc mừng có, nhắn gởi có: - Nhớ khi về có quà cho chúng tôi nhá. Hắn cười bắt tay mọi người: - Có …Mỗi người một chai dầu xanh …. Hắn chia tay vợ con ở sân bay, xách cái túi bước vào nhà cách ly. Hắn ngoái cổ nhìn lại, thấy vợ con còn đứng thẫn thờ ngoài đó. Hắn đưa tay vẫy:” Đi chơi ít bữa thôi mà …Bịn rịn làm chi …Đâu có đi luôn đâu …” Vợ hắn đưa tay dụi mắt. Hắn biết vợ hắn đã khóc.Hắn lẩm bẩm:” Đúng là đàn bà mà,…đã từng là thanh niên xung phong, lăn lộn ở chiến trường mà sao lại yếu lòng thế “. Hắn quày quả bước nhanh theo đám đông, đi về phía quầy trình vé. Hắn bước xuống phi trường LA vào một buổi chiều mưa giăng đầy trời.Nước mắt của trời và nước mắt của người hoà lẫn vào nhau khi hai mẹ con xa cách nhau hơn ba mươi năm mới gặp lại. Mẹ hắn ôm hắn mếu máo, giọng run run: - Thằng cu Hí của mẹ đây ư? Con đã lớn như vầy rồi sao? Trong tâm tư của bà, chỉ có hình ảnh cu Hí gầy gò, đen đúa lúc mười hai tuổi, bỏ bà mà đi Bộ đội thôi. Bà xoa đầu thằng con, bà nắn hai cánh tay thằng con, bà nhìn tận mặt thằng Hí như để tìm lại một vài nét thân quen ngày xưa, nhưng hình như bà đã không tìm lại được gì. Bà rút tờ khăn giấy chậm nước mắt: - Ba mươi năm hơn rồi còn gì …Ba mươi năm,… biết bao là đổi thay. Hắn chợt thấy xao động trong lòng khi hắn biết được mẹ đã già, chân tay khẳng khiu, da đã nhăn. Mẹ bây giờ trông sang trọng hơn ngày xưa, nhưng còn đâu một bà mẹ khỏe mạnh, dãi nắng dầm mưa, trơ gan cùng tuế nguyệt ngày nào. Hắn thấy thương mẹ quá. Hắn ghì chặt lấy mẹ, thì thào: - Mẹ ơi, con thương mẹ. Ba mươi năm rồi con nhớ mẹ … - Thôi mình ra xe về nhà đi. Về nhà đi rồi nói. Thời gian còn dài mà … Tiếng cô em gái hắn cắt đứt dòng xúc cảm của hai mẹ con. Mọi người ra xe về nhà. Trên con đường về nhà cái cảm tưởng đầu tiên của hắn về nước Mỹ là: Một hệ thống đường giao thông hoàn hảo tuyệt vời, xe đông như mắc cửi, phố xá dường như chỉ thấy xe mà chả thấy người. Hắn không ngờ mình lại có những ngày tháng sung sướng như vậy. Ban ngày thì ăn uống, tiệc tùng, rượu Tây uống thoả thích, ban đêm thì thằng cháu dẫn đi …du hí. Thằng cháu con đứa em gái hắn hình như học không giỏi, nhưng ăn chơi thì hết biết. Chỗ nào hắn cũng biết, chỗ nào hắn cũng từng ra vào. Một hôm thằng cháu thấy ông bác sau khi làm vài ly rượu mạnh, ngồi đờ đẫn nhìn qua cửa kiếng. Những hạt mưa róc rách gõ trên nỗi nhớ làm ông bác buồn thiu. Ông bác nhớ nhà, nhớ mụ vợ già béo mập ở quê xa. - Bác à …Làm gì mà ngồi buồn thế. Thằng cháu nói tiếng Việt ngọng cứng. Hắn nghe thấy phát cười. - Ừa …Nhớ nhà … - Thôi …, để tối nay cháu dẫn bác đi coi …múa cởi truồng …bác xem bảo đảm bác hết nhớ nhà … - Và tối đó hai bác cháu đi chơi mãi tới khuya mới về. Trên đường về thằng cháu hỏi ; - Sao bác …thế nào …được không? - Hết xẩy …Mày biết không lúc tao bỏ một đồng ra trước mặt, con bé nhảy ngay lên bàn …ấn sát …vào mặt tao. Tao muốn …nhưng nhớ lời mày dặn là đừng có đụng vào người nó, chỉ nhìn thôi, nên tao cắn răng tao chịu … Thằng cháu cười ngất: Bác nhớ nhá, đừng sờ vào nó. Tụi bảo vệ nó bắt ngay đó. Một tối thằng bé hứng tình thế nào chở ngay ông bác đi tìm bò lạc. Khi đón được bò rồi, ông bác chui lại băng ghế sau xe ngồi cạnh con bò non. Thằng cháu lái đi tìm phòng trọ. Ngồi trên xe con bò non mân mê hắn làm hắn đờ đẫn cả người. Có lúc con bò cười sằng sặc …Thằng cháu hỏi:” Mày cười chi vậy?”. Con bò nói xí xô xí xào. Thằng cháu thông dịch lại là: Nó nói củ cà rốt của bác còn non, nhỏ xíu à …. Xe đã tới motel. Ba người bước vào phòng. Con bò ra dấu đòi tiền - Nó đòi lấy tiền trước bác ạ. Hắn móc bóp ra định trả tiền, nhưng hỡi ơi mấy trăm bạc trong bóp không cánh mà bay đi đâu mất. Thằng cháu biết ngay là con bò đã dở trò rồi. Nó lột hết quần áo con bò ra khám xét, nhưng không tìm thấy gì. Con bò thì cứ luôn miệng chối bai bải là nó không có lấy. Thằng cháu tức quá tính làm mạnh. Nó nắm tóc con bò, đẩy con bò ngã xoài trên giường. Hai bác cháu ngớ người ra, khi mái tóc của con bò còn nằm nguyên trên tay thằng cháu. Thì ra con bò mang tóc gỉa, và những đồng bạc con bò lấy dấu trong mái tóc giả ấy rơi tá lả trên nền nhà …Hắn tịch thu mái tóc làm kỷ niệm.Hai bác cháu ôm bụng mà cười, con bò đầu trọc lóc nằm tênh hênh. Hắn nghĩ không biết bọn gái chọi bên quê nhà có …điếm thúi vậy hay không? Một lần khác cũng đi bắt bò. Hắn vớ được con bò thơm phưng phức. Hắn đã có kinh nghiệm rồi nên hắn luôn để ý đến cái bóp tiền. Khi vào tới phòng trọ. Con bò đòi tiền. Hắn đưa tiền. Con bò vứt cho hắn cái bao cao su và ra dấu cho hắn …thoát y và nằm chờ, nó vào phòng tắm. Hắn nằm chờ hoài, chờ cả tiếng đồng hồ cũng chả thấy con bò ra …Hắn bực mình tong cửa phòng tắm, nhưng phòng tắm trống trơn. Con bò lấy tiền xong đã lỉnh đi mất theo ngõ ngách đằng sau. Hắn về kể cho thằng cháu nghe. Hai bác cháu vừa tức vừa cười khì. Nói tới chuyện thằng cháu dẫn bác đi ăn chơi thì ôi thôi kể mãi cũng chả hết. Hắn dẫn cả ông bác đi tắm khỏa thân nữa. Vào bãi tắm hắn đâu dám cởi tuốt tuột vì mặc cảm ….Hắn đeo đôi kính râm ngắm nhìn thoả thích từ ông già bà cả cho đến các cô chồi non mơn mởn. Hắn thấy cứ ăn chơi như vầy thì cuộc du lịch hoá ra vô bổ nên hắn ngỏ ý muốn kiếm việc đi làm thêm. Em gái hắn quen vài chợ của người Việt, nên đã xin cho hắn cái chân bốc vác. Cứ theo khách hàng, chất hàng lên xe phụ cho họ. Công việc thật nhàn hạ. Chủ chợ trả tiền mặt. Hắn hy vọng sau sáu bảy tháng ngao du ở xứ Cờ Hoa này, khi trở về cũng có một số vốn kha khá. Hắn nhờ cái miệng và cái nghề thày bói nên thu hút cảm tình của những nhân viện chợ một cách dễ dàng. Trong số này có cô Hoa Hà người Hải Phòng, thành phố hoa phượng đỏ, cũng mới vừa qua Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình, chồng bảo lãnh. Chả biết tình cảm vợ chồng thế nào mà mới chân ướt chân ráo qua đây, cô nàng đã đánh bài …chuồn. Đường anh anh đi, anh đi, …đường em em đi, em đi. Cô Hoa Hà có vẻ chú ý tới hắn nhiều. Hôm trước cô ta nhờ hắn coi chỉ tay. Hắn làm bộ từ chối đôi lần để làm cao, và rồi cuối cùng hắn cũng nắm bàn tay cô, xoa xoa, nắn nắn: - Hoa có bàn tay mềm mại, những ngón tay thon dài …Bàn tay này sách tướng số gọi là bàn tay qúi nhơn, bàn tay của những tiểu thơ đài các …Bàn tay này có số đào hoa. Con trai theo xếp hàng dài cả cây số … Cô Hoa ẻo người cười khanh khách, bàn tay vẫn để nằm ngoan ngoãn trong tay hắn. Hắn lại bóp nhè nhẹ và chỉ vào một cái gò nhỏ trên bàn tay cô và phán rằng: - Đây này …Cái gò …bồng lai này lúc nào cũng ửng đỏ, là người có duyên thầm, không yêu thì thôi khi yêu thì …nhiều kẻ chết mê, chết mệt. Hỏi thiệt nhá …hiện giờ có bao nhiêu chàng đang ngấm nghé vậy? - Cái anh này …Nói làm người ta mắc cở quá hà ….Có ai đâu, đang bị chồng bỏ, buồn thấy mồ nè. Hắn nghĩ mà tức cười. Bắc kỳ mà bầy đặt nói giọng Nam, bầy đặt ra điệu giống như ký điệu, cô này dân Hải phòng …có khi đã từng là đàn em của Dung Hà chưa chừng đây. Hắn kéo nhẹ bàn tay cô Hoa Hà về phía mình rồi hỏi nhỏ: - Này …đằng ấy có biết Dung Hà không nhỉ? - Dung Hà nào? - Ở Hải Phòng mà không biết Dung Hà à …? - Đâu có biết …Sao lại hỏi vậy? - À …không có gì, tại thấy đằng ấy cũng tên Hà nên hỏi vậy. Hắn quen thân cô Hà từ đấy. Quen mà run lắm, vì sợ chồng cô ta …hiểu lầm rồi đánh ghen. Ở đây mà đánh ghen là có súng nổ, là có chết người. Cô Hà đã đôi phen gạ gẫm hắn ngao du tiên cảnh, hắn thèm chảy rãi nhưng vẫn không dám …, chỉ thỉnh thoảng cầm tay xoa nắn chút chút thôi. Cô Hà nói với mọi người là “ Thằng cha đó cù lần lửa “. Em gái hắn biết chuyện này nên khuyên can hắn và xin cho hắn một công việc khác, để tách hắn và cô Hà ra. Thời gian đi như tên bay. Đã tới ngày hắn phải trở về Việt Nam. Hắn thì muốn trốn ở lại, nhưng mẹ hắn không chịu. Mẹ hắn thương hắn vô cùng nhưng không muốn hắn bỏ bê vợ con bên nhà. Mẹ hắn bảo:” Con về còn lo cho mấy đứa cháu nội của mẹ chứ. Ở luôn đây rồi ai lo cho chúng “. Thế là hắn khăn gói quả mướp buồn thiu, quyến luyến leo lên máy bay. Ngày ra đi hồ hởi vui vẻ bao nhiêu thì ngày về lại hiu hắt sầu thảm bấy nhiêu. Hắn còn đang say mê cuộc sống đầy lạc thú của cõi thiên đàng trần gian này. Như con sâu cuộn mình trong kén, ngủ quên, khi bừng tỉnh dậy, cắn vỏ chui ra hoá bướm muộn màng. Con sâu chợt thấy mình có đôi cánh để bay, nó mở mắt trân tráo nhìn bầu trời trong xanh và hối hả bay lượn, đùa dỡn trên từng cánh hoa đang đua sắc, say sưa như thầm tiếc qũang thời gian ngủ vùi trong kén. Hắn cũng thế. Khi về tới nhà, hắn nhận ra vợ con không phải là người đồng cảm. Vợ dại, con dốt, quê mùa, hủ lậu. Hắn đâm ra chán cái gia đình hắn. Hăn háo hức lao vào cuộc sống xa hoa hưởng thụ, lao vào những hộp đêm, phòng trà, những tụ điểm ăn chơi trác táng. Lao vào những cuộc tình tạm bợ mà kết quả là những đồng tiền hắn dành dụm ngày nào đã dần dà khoác áo ra đi. Hắn bán cả chiếc Atilas và lôi ra chiếc xe đạp cũ kỹ để dùng. Một hôm say khướt. Hắn nhớ lại nghề xưa nên rút lá số tử vi của hắn ra ngồi bàn:” Lá số của mình là Thân cư Thê thiếp, số nhờ vợ …đúng không ta? Cung Thân có Mã khốc khách …Số mình có xe, có ngựa. Đúng không ta? Bây giờ xe đâu còn …À mà xe đạp thì cũng là xe mà …Số ta nhờ vợ thôi thì ta về với vợ …” . Hắn vác cái thân say nhũn con chi chi về gõ cửa nhà. Vợ hắn hé cửa thấy hắn quần áo xốc xếch, mặt mày lem luốc, thở dài và nhẹ nhàng đóng cửa lại, khoá trái thật kỹ. Vào giường, nàng ôm đứa con nhỏ nằm khóc một mình.