Anh Hân, chủ nhà hàng "Đặc sản đồng quê" đang phát đạt, một tối bỗng đến tìm tôi: - Này, hôm nào chú về quê, nhớ báo cho tôi biết với. Tôi sẽ thu xếp một tuần để học kỳ được món ếch nấu đông của lão E. Là vì 15 năm trước, khi còn làm việc với nhau ở thủy điện Hòa Bình, anh đã về nhà tôi chơi Tết và được đãi món ếch nấu đông (mà người quê tôi gọi là món "gà đồng") của lão E. Lão E là một nhân vật đặc biệt. Lão câm từ nhỏ. Câm, nhưng mà không điếc. Bản tính lại hay ngóng chuyện. Thế nên đầu làng cuối xóm có chuyện gì là lão biết hết. Và lão "kể" lại cho người khác nghe bằng tay cùng với cái giọng ấm e, ấm e (vì thế mà thành tên lão, chứ tên khai sinh của lão là Phượng). Có lần bằng hai bàn tay, lão đã "báo" cho xã biết, bắt quả tang ông đội trưởng của HTX đang xúc trộm thóc khọ Một lần đoàn chèo tỉnh về diễn vở "Thạch Sanh", trưa hôm sau, đang ngủ, ông công an xã bị lão lôi bật dậy miệng ấm e rối rít cùng với những động tác tay khá tục tĩu, hiểu ý, ông công an vội điều mấy dân quân chạy ra chùa, xộc vào hậu cung, bắt sống được anh chàng đóng vai Lý Thông đang đè cô "công chúa". Vì câm, nên đến năm 40 tuổi, lão E vẫn "phòng không". Lão sống trong nếp nhà tranh 3 gian giữa khu vườn rộng cả sào, có cái hầm ếch, lúc nào cũng nhung nhúc hàng trăm con béo mẫm. Tài bắt ếch của lão quả là... đệ nhất vô song trong thiên hạ. Một cái thuổng, một cái giỏ, một cái móc sắt bằng chiếc đũa, đã đi, không bao giờ lão chịu về không. Mùa đông, những con ếch rúc vào "mà" dù kín đáo đến đâu cũng bị lão moi ra. Đêm nằm dỏng tai nghe. Một tiếng ếch kêu, dù ở tít giữa đồng cũng được lão ghi nhớ. Đã vào "bộ nhớ" của lão, coi như con ếch đó đã bị chấm "sổ đoạn trường" rồi. ếch bắt về, lão lựa ra, con nào béo đem bán ngay, cứ lấy dây thắt ngang lưng thành chục. Con gầy, lão thả hầm nuôi vỗ bằng cua đồng, nước gạo và cào cào, châu chấu. Đầu tháng giêng, lão bắt đầu trữ ếch và đi đến các nhà dạm mua sẵn măng tre tươi, trữ củi... Giữa tháng chạp, người làng mang nồi đến nhà lão đặt một nồi "gà đồng" nấu đông ăn Tết. Ai đặt nấu bao nhiêu con, lão nhớ hết, không cần một thứ sổ sách nào, không bao giờ lẫn nồi nhà nọ với nồi nhà kia. Có năm gần như cả làng đến đặt lão, thậm chí cả người làng khác. Hai mươi tháng chạp, lão đến từng nhà có măng mà lão đã hỏi mua từ trước, đào về. Hàng mấy chục cái măng tre, có cái bằng bắp chân người lớn. Đúng ngày ông táo lên trời, lão ních chặt cổng và bắt đầu chế biến măng. Vì không ai được vào nên không ai biết được lão lấy bộ phận nào của măng mà không nồi ếch nào tìm được một lát măng, dù nhỏ. Chiều 25, măng làm xong, lão lại mở cửa như thường. Sáng 27 Tết, lão đi phiên chợ cuối cùng của năm để sắm Tết cho mình. Vì lão không bao giờ ăn thịt ếch. Sáng 28, lão lại "bế quan tỏa cảng" và suốt ngày hôm ấy trong nhà lão chỉ nghe lốp bốp tiếng băm chặt, tiếng lửa reo phù phù trong cái lò lớn, đến trưa, thì mùi thịt ếch nấu tỏa thơm đến nửa làng. Khoảng 10 giờ đêm 28, bếp lò nhà lão tắt. Sáng 29, người ta đến trả tiền lão, mang nồi ếch nấu đông về. Nồi ếch đông xoắm xuýt, cầm dốc ngược không đổ. Miếng thịt ếch trắng nõn, ăn vừa bùi, vừa béo, vừa ngậy, có vị cay của ơt, có mùi thơm lừng của hạt tiêu và đặc biệt có một vị đắng mơ hồ của măng trẹ Cái vị đắng thật tuyệt, cứ thoang thoảng như có đấy mà lại không đấy. Ba ngày Tết, thịt có khi còn thừa chứ nồi ếch đông thì bao giờ cũng nhẵn như lau... - Món ếch nấu đông ngày ấy, mình vẫn nhớ đến giờ. Anh Hân bảo - Này giá lão E chịu lên đây, mình sẵn sàng trả lão hai triệu đồng một tháng, ăn ở mình lọ Hay là nếu lão dạy cho mình thành nghề, mình trả "học phí" cho lão năm triệu ngay. - Lão E chết rồi. - Sao? Chết rồi ư? Có ai học được cách làm món tuyệt chiêu đó không? Anh Hân thất thanh. Tôi khe khẽ lắc đầu. Phải, lão E chết rồi, một cái chết cay đắng! Năm 41 tuổi, bà thím già của lão thương cháu bơ vơ, đã làm mối cho lão một người đàn bà. Chị ta không biết từ phương nào trôi dạt đến, dắt theo đứa con gái lên 5, ở nhờ nhà bà con. Đám cưới được tổ chức đàng hoàng lắm. Nửa đêm bà thím đích thân dắt cháu vào động phòng. Lúc lật quần áo vợ ra để chấm dứt cái đời trai trinh của mình, lão chợt phát hiện ra bụng chị ta đã phồng tướng. Nổi xung, lão kéo phắt vợ dậy, be rầm lên, tống thẳng ra khỏi cửa. Người đàn bà biết phận, chỉ nức nở ôm con đi. Đến đầu làng, chợt nghe tiếng huỳnh huỵch, tiếng ấm e phía sau. Tưởng lão đuổi đánh, chị ta chạy thục mạng. Một thôi đường mới đuổi kịp, lão dắt chị ta quay lại... Năm tháng sau, vợ lão đẻ một đứa con gái nữa. Và lão đã chăm sóc hai giọt máu không phải của mình bằng một tình thương không bờ bến. Đứa lớn tên gọi con Sít, đứa nhỏ là con Sạ Từ ngày con Sa lẫm chẫm biết đi, không phiên chợ nào lão đi một mình. Giỏ ếch đeo vai, lưng cõng con nhỏ, tay dắt con lớn, ba bố con vừa đi vừa "nói chuyện" như sáo. Đến chợ, lão chưa bán vội, dẫn hai con đi khắp các hàng quà, chúng chỉ cái gì, lão mua cái đó... Con Sa lên 5, vợ lão ốm chết. Từ đó, lão thành gà trống nuôi con... Năm con Sít 20 tuổi thì lão đã yếu lắm, tuy mới ngoài 50. Con Sít đẹp lồ lộ, hàng chục đám đến hỏi nhưng nó nhất định chẳng nhận lời ai, ở vậy nuôi bố, nuôi em... 60 tuổi, lão E ốm nặng. Thấy thế, cả họ Triệu bèn họp lại, bàn việc "lập tự" cho lão để nhỡ lão có làm sao thì còn có người hương khói. Người ta chọn ra một gã trai chưa vợ trong họ, lập "di chúc" và đưa vào cho lão điểm chỉ. Tuy đã gần đất xa trời, nhưng lão E vẫn hiểu được rằng cái điểm chỉ tay ấy sẽ giật khỏi tay hai đứa con gái của lão mảnh vườn, ngôi nhà mà chúng vẫn nương náu dưới bàn tay lão (gã "thừa tự" kia được hưởng). Thế là lão co chặt tay lại, nhất định không điểm chỉ. Mặc kệ, người ta vẫn kéo thẳng ngón tay trỏ lão ra, bôi tí mực nho vào đó rồi ấn vào góc tờ "di chúc". Lão E trợn mắt, rú lên một tiếng rồi tắt thở. Không tài nào vuốt cho mắt lão nhắm vào được... Cả làng đưa tiễn lão về nơi nghỉ cuối cùng, không ai cầm lòng được trước tiếng khóc thê thảm, chân thành của chị em con Sít... - Tiếc thật! Tiếc thật... Anh Hân chắt lưỡi hoài. Tôi bật hỏi: - Anh tiếc cái gì? - Lúc đầu, thú thật là tôi chỉ tiếc cái món ăn "độc chiêu" của lão thôi. Nhưng nghe chuyện, thì tôi lại tiếc một con người... Tôi nắm chặt bàn tay anh.Hết