Năm 1909, khi tiểu thuyết Con Hủi - tác phẩm đầu tay của Helena Mniszek, một nữ văn sĩ Ba Lan chưa được ai biết đến - ra mắt bạn đọc, các nhà phê bình văn học đương thời lạnh nhạt và hờ hững đón tiếp tác phẩm, hạ cố viết đôi lời bình luận công thức và sáo rỗng. Họ đều nghĩ rằng, sau một kiếp sống ngắn ngủi và thầm lặng, tác phẩm sẽ âm thầm và hổ thẹn chịu sự lãnh quên của đời, như vô vàn tiểu thuyết khác của " nữ phái " mà thôi. Không ai có thể ngờ được rằng " Con hủi " của Helena Mniszek lập tức trở thành một hiện tượng văn học làm náo động thị trường xuất bản, được tái bản liên tục hàng chục lần với số lượng kỷ luật hồi ấy, là tác phẩm văn học bán chạy nhất trong khoảng thời gian giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, rồi sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài và đã hai lần được đưa lên màn ảnh. Không những thế, Con hủi còn trở thành đề tài gây tranh cãi gay gắt giữa người đọc và một số nhà phê bình, khiêm tốn không ít giấy mực. Người đọc - đặc biệt là các thiếu nữ nói riêng và phụ nữ nói chung - hâm mộ tác phẩm đến mức cuồng nhiệt, nhiều thế hệ " phái đẹp" coi nó là một tác phẩm hay nhất, là sách gối đầu giường, là đỉnh cao của những niềm hy vọng và mơ ước. Họ đóng bìa da, khảm bạc, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một thứ của gia bảo. Còn giới phê bình thì trái lại. Từ chỗ phảy tay coi thường, một số nhà phê bình cay cú trước nhiệt tình sôi sục " đến không thể hiểu nổi "của người đọc, đã chuyển sang công kích tác phẩm, mở cả " một cuộc chiến trang thực sự " ( như lời nhận xét của báo chí Ba Lan đương thời) chống lại tác phẩm của cô gái trẻ chưa từng có tên tuổi trên văn đàn thuở ấy.
Helena Mniszek
Helena Mniszek tên thật là Ravich Rađô miska thuộc dòng họ Mniszek Tơkhugiơnhixki, sinh năm 1878 tại điền trang Kurơtrưxe tỉnh Vôlưnhe. Năm 1899 bà lấy ông V. Khugiưnxki, chuyển đến sống ở Platerôvô ( Litva), được bốn năm thì chồng qua đời. Năm 1910 bà tái giá, lấy ông A. Rađômiski, theo chồng về điền trang Rôgale, sau đó chuyển đến trang Kukharư ở tỉnh Puôxk (Ba Lan). Năm 1931, bà lại góa chồng, ở với gia đình tại đó, Mùa thu năm 1939, đại chiến thứ hai bùng nổ, bà bị quân Đức đuổi khỏi nhà, phải chuyển đến Xabnhi cùng Pôđlasie rồi mất tại đó năm 1943.Trong 20 năm hoạt động văn học ( 1909 - 1930) bà để lại nhiều tác phẩm, đáng kể nhất là các tiểu thuyết: Con hủi ( 1909), Đại Công tử Mikhôrôvxki ( 1910), Những ngù lông xào xạc (1911), Cậu chủ (1912), Các quận công của rừng (1912), Gahenna ( 1914), Những kẻ thờ phụng quỷ sa tăng ( 1918), Ẩn sĩ ( 1919), Chàng Vecte ( 1921), Quyển của người ( 1922), Nhân sự ( 1922), Hoàng hậu Giezlla ( 1925), Ông bà chủ ( 1927), Từ mảnh đất của nước mắt và máu (1927), Hoa Mộc Lan (1928), Những người hậu chiến (1929), Nam châm của những con tim (1930)... và một số tập truyện ngắn khác nữa. Bà còn nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động xã hội. Con hủi là tác phẩm tiêu biểu và nổi tiếng nhất cùa H. Mniszek. Tác phẩm là một câu chuyện tình thơ mộng và đắm say, trong sáng và mãnh liệt, tươi đẹp nhưng thảm thê của đôi thanh niên tài sắc, cưỡng chống lại những ràng buộc của đẳng cấp quý tộc để bảo vệ hạnh phúc mà họ đã chọn. Chàng - Đại công tước Valdermar Mikhôrôvxki - là một thanh niên quý tộc thuộc dòng họ quyền quý nhất nước, nhiều thế hệ từng đảm nhiệm những cương vị sao sang. Chàng có học thức, giàu có, quảng giao, nhiệt thành, can trường, mới mẻ trong tư duy cả quyết trong hành động, say sưa và nồng nhiệt trong tình yêu. Nàng - Xtefchia Ruđexka - chỉ là đứa con gái một điền chủ nhỏ, thất vọng vì mối tình đầu đã rời gia đình đến làm gia sư cho cô ruột của chàng. Cảm vì sắc, mến vì tài, lại mang trong tâm thức niềm khao khát của cuộc tình truyền kiếp bất hạnh từ đời trước ( ông nội của chàng và bà ngoại của nàng từng yêu nhau tha thiết, nhưng không lấy được nhau), đôi trẻ đã vượt qua những hiểu lầm đầu tiên, cảm nhận được giá trị đích thực của nhau và đến với nhau. Trải qua bao đấu tranh gay go, với gia đình, xã hội và với chính mình để bảo vệ tình yêu, tình yêu của họ đã thắng: họ được làm lễ đính ước và chuẩn bị cho ngày cưới. Nhưng giới quý tộc không cam chịu thất bại, chúng đã hèn hạ dùng những thủ đoạn thâm hiểm để phá vỡ hạnh phúc đôi trẻ. Xtefchia gục ngã trước ngón đòn đê hèn ấy vào đúng ngày hôn lễ được ấn định, trong tấm áo cưới trắng tinh như tâm hồn trinh bạch và cao quý của nàng. Nàng đã chết để cho tình yêu thắng, như nhân ái vĩnh viễn chiến thắng cái ác trên cõi đời này.Cái chết thảm thương của nàng và hạnh phúc dở dang ấy là lời phảng kháng quyết liệt, lên án những bất công đẳng cấp và thói hằn học ghê tởm với hạnh phúc của người khác vẫn tồn tại lẩn khuất trong một số kẻ mang danh con người, ngay trong những tầng lớp tự khoe là cao sang nhất. Và vì thế, nhiều người coi con hủi là một thiên Roméo và Juliette mới, là bi kịch đối kháng giữa tình cảm chân chính với những định kiến xã hội hẹp hòi. Nhưng trên hết, Con hủi là tác phẩm ca ngợi tình yêu - một tình yêu khó khăn và hoàn mỹ, một tình yêu đích thực và lý tưởng, có sức cuốn hút đến kỳ lạ, niềm khát vọng vĩnh viễn của con người. Có phải vì thế mà mặc dù đã 90 năm trôi qua với bao biến đổi biển dâu về nhân tình thế thái, quan niệm xã hội và ngay chính bản thân tình yêu cũng đã đổi thay, nhưng Con Hủi vẫn có chỗ đứng trong trái tim người đọc, nhất là bạn đọc trẻ. Có phải vì thế mà mặc dù người đọc thời nay dễ dàng nhận ra những nét ngây thơ và lý tưởng hóa trong câu chuyện của đôi thanh niên thời đầu thế kỷ. Con Hủi vẫn đánh thức bao hoài vọng, bao khát khao cao quý, muốn được sống hết mình, được yêu hết mình, và khi cần - được hy sinh cho tình yêu ấy. Nguyễn Hữu Dũng