Suy nghĩ: Trong cuộc đời đôi lúc có những sự tình cờ thú vị. Nhưng tình cờ học được bài học đạo đức quả là điều đáng suy nghĩ: Con - người - đạo - đức là gì?
Có lẽ vì luôn cảm thấy số phận mình không được may mắn nên khi làm bất cứ việc nào tôi đều cố gắng hết sức. Người ta bảo Trời có mắt, mình cứ chịu khó thì nhất định sẽ có ngày được đền đáp - tôi tin thế.
Năm 2003. Tôi sang Mỹ đã sắp nửa năm rồi mà vẫn chưa xin được vào Học viện Âm nhạc nào để học tiếp, đành phải ở nhờ nhà bạn trai của mình tại bang California. Anh ấy là kỹ sư máy tính ở đây. Tôi đành phải làm những việc linh tinh như gia sư chẳng hạn. Thu nhập cũng đủ sống, có điều tôi sang Mỹ đâu phải để làm những việc như thế, sao tôi có thể chịu số phận ấy được?
Cuối cùng thì cơ hội cũng đến. Tháng 5, trong dịp tham gia cuộc thi biểu diễn đàn dương cầm toàn nước Mỹ, tôi được xếp thứ tư. Đây là thứ hạng cao nhất mà người Hoa ở Mỹ đạt được. Cố gắng bao năm của tôi thế là đã được đền đáp: Sau kỳ thi này người ta cho tôi cơ hội được vào học ở Học viện Âm nhạc thành phố Philadelphia. Giáo sư Emerson phụ trách chiêu sinh của học viện này gửi cho tôi một bức e-mail báo tin ấy. Trong thư ông viết: “Chúng tôi mong muốn các học sinh của mình đều là những người có nhân cách cao thượng” – mấy từ “nhân cách cao thượng” này sao mà khó hiểu thế!
Thi viết ấn định vào ngày 30 tháng 7, thi vấn đáp vào ngày 18 tháng 8. Kết quả thi viết của tôi rất tốt. Thi xong, tôi liền xin thôi mọi công việc đang làm. Chiều 14 tháng 8, sau khi luyện đàn 3 tiếng đồng hồ liền, thấy người hơi mệt, tôi quyết định đi nằm một lúc. Mọi khi tôi ngủ rất ngon, thế nhưng hôm ấy tôi bị thức giấc giữa chừng, vì trời nóng quá. Tôi nhớ rõ ràng là mình đã bật điều hòa rồi cơ mà! Tôi bèn thử bật đèn, đèn không sáng. Thử bật tivi, màn hình cũng không sáng. Mất điện chăng? Tôi kéo rèm cửa, chải đầu, chuẩn bị ra ngoài phố xem sao.
Trên đường phố, người qua lại tất bật, cuống quýt, ai nấy căng thẳng, lo lắng. Lẽ nào lại xảy ra một vụ “11 tháng 9”? Hay là bọn khủng bố tấn công? Trời ơi! Tôi vừa làm dấu chữ thập vừa cầu nguyện: Cầu Trời, xin đừng xảy ra bất kỳ tai họa bất trắc nào... Khi vừa tới Trung tâm Điều dưỡng của khu phố, tôi định đẩy cửa vào hỏi xem tình hình ra sao thì bỗng thấy một ông người Hoa đi từ trong ra, chẳng chào hỏi gì cả, kéo tay tôi lôi tuột vào trong, vừa đi vừa nói: “Bà Hà này, bà đến đúng lúc quá, tôi cũng nghĩ là nhất định bà sẽ đến giúp đỡ chúng tôi, đúng không ạ? Cả thành phố bị mất điện, tối như hũ nút, khắp nơi rối tung rối bời, bao nhiêu người vấp ngã, bị thương, chúng tôi đang thiếu người chăm sóc nạn nhân...”. Tôi định thần nhìn, thì ra là ông Huy hàng xóm của chúng tôi, nói tiếng phổ thông đặc sệt giọng Hồng Kông.
Tôi định rút tay ra thì đã bị kéo vào một gian phòng trông như kiểu phòng bệnh viện, chỗ nào cũng thấy người bị thương. “Bà Hà phụ trách 10 giường chỗ này nhé, toàn những người bị thương nhẹ thôi, bà chỉ cần rót nước cho họ uống và thăm hỏi an ủi họ là được”.
Làm thế nào bây giờ đây? Bỏ đi thì không được lịch sự, thôi, đành cứ chiếu lệ làm một lúc rồi lẳng lặng chuồn về nhà thì hơn. Tôi nghĩ vậy và an tâm chịu khó làm việc, vừa làm vừa thỉnh thoảng liếc đồng hồ. Nhiều nhất mình chỉ nán lại đây một tiếng đồng hồ thôi nhé, tôi tự nhủ.
“Bà Hà này, đây là ông Mike, bà làm ơn chăm sóc ông ấy nhé. Ông Mike bị thương trong đường tàu điện ngầm, đã cấp cứu sơ bộ, nhưng chưa thể về nhà được vì nhà ông ấy ở tầng 23, thang máy mất điện, đành phải ở đây vậy”.
“Bà Hà này, đây là bà Robinson, chắc hai bà quen nhau đấy, nghe nói bà dạy con gái bà Robinson phải không? Bây giờ bà hãy trò chuyện tâm sự với nạn nhân nhé. Bà ấy có vẻ căng thẳng quá. Lần trước, một người thân của bà ấy bị chết trong vụ “11 tháng 9”, cho nên lần này chúng tôi nói thế nào bà ấy cũng không tin đây chỉ là một vụ mất điện bình thường. Vả lại, ông chồng bà ấy lúc này không có mặt ở đây...”.
Công việc dần dà không tài nào kiểm soát nổi, mỗi lúc lại có thêm nạn nhân vào mà chẳng thấy ai ra cả. Điện vẫn chưa phục hồi, Trung tâm Điều dưỡng khu phố nhỏ bé lúc này đã chật ních nạn nhân. Tôi muốn chuồn về lắm nhưng việc này làm chưa xong thì đã bị giao việc khác. Bất cứ ai cũng có thể cắt đặt công việc cho tôi, cũng như tôi có thể ra lệnh cho bất cứ ai, chỉ cần đấy là việc cấp cứu nạn nhân.
Sau cùng tôi thấy trời đất bỗng dưng tối sầm, tôi lăn ra, bất tỉnh nhân sự.
Lúc tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trên giường bệnh viện, bên cạnh mấy bó hoa. Nụ cười hồn hậu nở trên khuôn mặt bạn trai của tôi: “Cherry, em tỉnh rồi à? Em thật dũng cảm, anh không ngờ em lại dũng cảm như vậy. Lần này anh đã tận mắt nhìn thấy đức tính tốt đẹp nhất của em”.
Thật là một lời khen tuyệt vời! Nhưng tôi đâu cần khen. Tôi chỉ muốn được về nhà thôi. Về để luyện đàn, tôi chỉ nghĩ đến việc mình sắp thi đến nơi rồi.
Ngày 18 tháng 8, tức ngày thứ 3 sau khi xuất viện về nhà, tôi đi thi. Trước mặt các thầy cô giáo của Học viện Âm nhạc Philadelphia, tôi đàn sai một nốt nhạc. Khỉ gió, tất cả là tại cái vụ mất điện khốn kiếp! và cái Trung tâm Điều dưỡng đáng ghét! Thật ra tôi đã biết trước là luyện đàn với cường độ như vậy thì sức khỏe của mình khó mà chịu nổi, lại thêm hôm 14 bị công việc chăm sóc nạn nhân hành hạ suốt đêm. Tại tôi cả thôi, tự tôi đã làm tiêu tan mất tiền đồ xán lạn của mình...
Trong số các giáo sư có mặt hôm ấy, tôi thấy một gương mặt quen quen. Đó là ông Emerson, thành viên Ban Giám khảo cuộc thi dương cầm toàn quốc hôm nọ. Hôm nay không rõ tại sao ông ấy lại cho tôi điểm số cực cao. Phải chăng vì tôi đã làm ông thất vọng? Nhưng tôi không tìm được lý do – ai cũng có thể tìm được cớ để bào chữa cho sai sót của mình, tôi không muốn bị người khác hiểu lầm trên cả hai mặt tài năng và đạo đức. Có lẽ điều hồi nhỏ tôi thường nghĩ tới nay lại ứng vào mình chăng: Số phận may mắn chẳng bao giờ rơi vào tôi cả?
Thế là, sau khi về California, tôi lại dự định tiếp tục cuộc đời gia sư tẻ nhạt như cũ.
Hôm sau, tôi nhận được hai bức thư gửi từ Học viện Âm nhạc Philadelphia.
Bức thư thứ nhất có nội dung thế này:
“Bà Cherry thân mến, chúng tôi hân hạnh báo để bà biết, bà đã được Học viện Âm nhạc Philadelphia nhận vào học. Xin mời bà có mặt tại trường chúng tôi trước ngày 15 tháng 9 năm 2003.
Phòng Chiêu sinh”
Bức thư thứ hai như sau:
“Bà Cherry thân mến. Chắc bà đã nhận được thông báo nhận vào học, nhưng tôi đoán nhất định bà đang nghi hoặc, vì trong lần thi vấn đáp hôm nọ bà đã có biểu hiện không bình thường. Tôi muốn nói là, thật ra ngay từ đầu bà đã mất cơ hội vào học, vì chúng tôi đột xuất cắt tiêu chuẩn tuyển sinh người Hoa trong năm học này. Thế nhưng khi đọc báo đưa tin về vụ mất điện hôm 14 tháng 8 ở California, tấm ảnh chụp bà nằm trên giường bệnh đã làm chúng tôi xúc động sâu sắc. Â m nhạc là nghệ thuật của tâm hồn, chỉ những người có tâm hồn thực sự cao thượng thì mới có thể diễn đạt được nội dung chân thực của âm nhạc đến mức tuyệt mỹ. Bà chính là người học trò chúng tôi đang tìm kiếm, vừa có kỹ xảo chơi đàn tuyệt vời lại vừa có nhân cách cao thượng.
Emerson của bà”
Lần đầu tiên trong đời, tôi ôm mặt khóc vì một điều không phải là sự thành đạt. Lâu nay tôi cứ tin rằng, chỉ cần mình cần cù phấn đấu thì cuộc đời sẽ trở nên hoàn mỹ, không có gì đáng ân hận, vì thế tôi kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình, chưa bao giờ chịu bỏ công sức vào những việc không nhìn thấy sự đền đáp. Thế mà lần này, nhờ làm công việc cứu trợ bất đắc dĩ mà tôi trở thành một người có nhân cách cao thượng.
Lâm Huệ San (Trung Quốc)
 

Xem Tiếp: ----