Gió đêm từ mặt hồ Gươm thổi lên lồng lộng khiến cô bé run lập cập. Cô khoảng mười ba, mười bốn tuổi. Khuôn mặt cô tái mét và đôi môi tím lại. Cái áo len cũ kỹ cũng không giúp cô ấm áp được là bao. Có lẽ, chỉ một chút thôi, ở một phần thân thể. Những luồng gió quái ác cứ lùa vào cái quần đen bạc phếch, mỏng dính, khiến đôi chân khẳng khiu của cô đứng không vững. Thỉnh thoảng cô thọc tay vào túi áo hoặc ngồi thụp xuống, co ro, khoanh tay trước ngực. Bên cạnh cô, những cây mía dài dài, cong cong với phần ngọn nhiều lá non, nằm ngổn ngang. Kẻ qua người lại tấp nập. Hình như mọi người chỉ cốt diện quần áo đẹp, đổ ra khu bờ hồ, đi lên, đi xuống để ngắm nhau và hàng trăm quả bong bóng bay đủ màu sắc, chiếu sáng xuống mặt hồ. Trong đêm đen mịt mùng, vùng ánh sáng hiếm hoi nơi đây đã có một sức hấp dẫn kỳ lạ đối với người dân Hà Nội.
Riêng với cô bé thì cô chỉ mong sao bán mau hết mía để về nhà chuẩn bị cúng giao thừa với mẹ, Nói là nhà, chứ thật ra chỉ là một góc nhỏ dưới mái hiên chợ Đồng Xuân, nơi mà mẹ con cô trú ngụ từ hai năm nay. Nơi nào cô ở, thì gọi là nhà, cô nghĩ thế. Lúc đầu tới đây, mẹ con cô bị những người cũ bắt nạt ghê lắm. Họ cũng là những người bỏ làng xóm, ra Hà Nội lang thang kiếm sống. Cái cảnh “ma cũ bắt nạt ma mới”, ở đâu mà chẳng có, mẹ cô bảo thế.
Nhưng sau một thời gian nhịn nhục, chiều chuộng những “con ma cũ’, thì đời sống của mẹ con cô cũng được ổn định và vui vẻ. Mẹ con cô nay đã có những người quen mới. Họ cùng chia xẻ một góc chợ, cho nhau mượn cái soong, cái chảo. Tặng nhau củ khoai, miếng sắn. Mẹ con cô đã hòa nhập với cái xã hội của những người sống chui ở lề đường Hà Nội. Cô đã quên dần những thángngày đói khổ nơi quê nhà và hài lòng với cuộc sống hiện tại. Cô chỉ thấy nhơ nhớ cái nghĩa trang liệt sĩ rông mênh mông, trong đó, có ngôi mộ của bố cô. Ở đây, không ai biết cô là con liệt sĩ. Không ai biết bố cô đã chết oai hùng như thế nào khi sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế. Không ai biết mẹ con cô có cái bằng “Gia đình liệt sĩ” đang để lót dưới đáy thùng quần áo. Nhưng ở đây cô đã được ăn no hơn. Những miếng thịt mỡ béo ngậy, những miếng thịt gà dính da vàng ươm, cô đã thấy thấp thoáng một tháng đôi ba lần trong những bữa cơm của mẹ con cô. Cô cũng đã được thưởng thức mùi vị của phở, của mì khi cùng những đứa bé đồng cảnh ngộ, lảng vảng bên những hàng ăn trong chợ, chờ khi khách ăn xong thì chụp vội cái bát, húp xì xụp trước khi bà hàng kịp đổ ụp vào cái chậu để dành cho lợn.
Mỗi sáng, mẹ cô bưng một thúng xôi đi bán khắp các hang cùng ngõ hẻm. Còn cô thì được bà Dậu bán hoa cho mượn vài bó huệ bán rong quanh chợ để lấy tiền ăn quà. Cô thích công việc này lắm. Cô ôm những bó huệ trắng ngần và thơm ngát, đứng ngay đầu chợ, chỉ một thoáng là đã bán hết. Khi mặt trời đứng bóng, cô về nhà lục cơm nguội ăn với cà muối rồi chờ cái Túy sang chơi.
Hôm nay là ngày cuối năm, mẹ con cô bán mía cho những người đi chơi bờ hồ để kiếm thêm tiền. Nhưng mẹ cô hơi mệt nên về sớm và cô bán thay cho mẹ. Người đi thì thật đông, nhưng chẳng có mấy người mua, mặc dù cô luôn luôn mời chào. Mãi tới khuya, cô mới bán hết đống mía. Cô đang định đi về thì cô nghe tiếng gọi tên mình ơi ới:
- Mai ơi! Mai ơi!
Cô bé còn đang ngơ ngác nhìn quanh thì thấy Thúy đã chạy ào tới, nắm tay cô mừng rỡ:
- Tớ không ngờ gặp đằng ấy ở đây. Tối nay vui quá nhỉ?
Cô bé đáp lời bạn:
- Giao thừ mà lị! Năm nay nhà nước lại thả bong bóng sáng nữa, đâu có tối mò mò như mọi năm.
Thúy nói:
- Chỉ tiếc là không có pháo.
Cô bé đồng ý với bạn:
- Ừ, Tết mà không có pháo, không có vẻ Tết gì cả.
Thúy khoe với bạn:
- Năm nay nhà tớ cúng to lắm. Mẹ tớ gói bánh chưng, mua giò chả với ba con gà nữa.
Cô bé thắc mắc:
- Bố đằng ấy là cán bộ mà cũng cúng à? Lạ nhỉ!
Thúy thì thầm:
- Mẹ tớ bảo là từ hồi 1975, bố tớ vào Nam, thấy bà nội tớ cúng kiếng nên giầu lắm. Thế là bố mẹ tớ cũng lập bàn thờ từ hồi đó cơ.
Mai ngẩn ngơ:
- Thảo nào nhà đằng ấy bây giờ cũng giầu. Thế thì tớ phải nói mẹ tớ lập bàn thờ mới được.
- Ừ, nhà đằng ấy lập bàn thờ đi rồi tớ mang hương sang cho mà cúng, nhà tờ nhiều lắm.
Bỗng cô bé thở dài:
- Nhưng mà tớ ở xó chợ thế thì bày bàn thờ thế nào được?
Thúy nhìn bạn thương hại, nghĩ ngợi một lúc rồi reo lên:
- Tớ nghĩ ra rồi. Chúng mình chỉ cần tìm một cái thùng gỗ nhỏ dùng làm bàn thờ. Mỗi tối, mẹ đằng ấy chỉ việc để ra lề đường, rồi thắp hương, cắm vào cái cốc đựng gạo mà cầu Trời cầu phật là được rồi.
Cô bé nhắc:
- Cầu cả Chúa nữa
Thúy ra vẻ thành thạo:
- Cầu Chúa, cầu Đức Mẹ, phải vào nhà thờ.
- Vậy hả?
Hai cô bé đang tíu tít truyện trò thì bố mẹ Thúy đi tới. Mẹ Thúy nói:
- Con chạy lung tung, làm bố mẹ tìm từ nãy đến giờ, hư quá!
Thúy nũng nĩu:
- Con thấy bố mẹ nói chuyện với chú Thông lâu quá nên đứng đây chờ bố mẹ mà.
Quay sang cô bé, Thúy nói nhỏ:
- Sáng mai tớ sang đằng ấy sớm. Tớ sẽ cho đằng ấy cái bánh chưng con, ngon lắm! Thôi, tớ đi nhé, bạn cũng về ngay đi kẻo lạnh.
Mắt cô bé bỗng cay cay. Cô cảm động vì lời nói của bạn và tủi thân vì biết bố mẹ Thúy vẫn cấm hai đứa chơi với nhau, mặc dù Thúy ở đối diện nhà cô, băng qua đường là có thể gặp nhau rồi. Chỉ khác, nhà Thúy là nhà thật, còn nhà cô chỉ là một góc dưới mái hiên chợ. Tuy là con nhà giầu nhưng Thúy không làm bộ làm tịch và rất thích chơi với cô. Mỗi ngày, sau khi đi học về, thế nào Thúy cũng lén bố mẹ, chạy tọt sang để gặp cô, kể chuyện trường lớp, thầy cô và bạn hữu. Thúy cũng thường kể cho cô nghe những chuyện vui cười hoặc cổ tích mà Thúy đã đọc được trong sách báo. Hai đứa cũng thường hát vang những bài hát quen thuộc mà chúng đã nghe hằng ngày trên đài. Nhiều hôm Thúy còn đem cả thức ăn cho cô nữa. Nhất là những thứ kẹo ngoại, thứ nào cũng ngọt lừ và ngậm mãi mới tan hết trong miệng. Có hôm, bố mẹ Thúy đi vắng, Thúy dẫn cô vào nhà chơi, cô choáng cả mắt vì nhà Thúy đẹp quá. Đồ chơi của Thúy thì nhiều lắm, toàn là đồ ngoại quốc cả. Con búp bê của Thúy lớn như một đứa bé, vặn dây cót lên thì nó biết đi và biết nói tiếng Mỹ nữa.
Cô bé tần ngần ngắm Thúy ấm áp trong chiếc áo len đan hình quả trám màu xanh lơ, nắm tay bố mẹ, đi về phía chiếc ô-tô màu trắng, đỗ ở bên kia đường. Cô bé thèm thuồng địa vị của bạn. Cô thầm nghĩ: “ Giá bố mình đừng làm liệt sĩ thì bây giờ mình cũng được sung sướng như Thúy vậy”.
Chiếc ô-tô chở gia đình Thúy chạy vút đi. Cô bé cũng thẫn thờ lê bước, đi về phía chợ Đồng Xuân, bỏ lại đằng sau long khu bờ hồ đông vui tấp nập. Gió thổi mạnh từng cơn khiến nhiều lúc cô bé có cảm tưởng như cả thân hình cô bay về phái trước. Cứ như thế, cô bé đi dưới bầu trời tồi đen và những ngọn đèn đường lờ mờ trong sương đêm. Cô nhớ tới mẹ và sáng kiến lập bàn thờ của Thúy. Cô mỉm cười, chân bước mau hơn.
Trong lòng đường, một vài chiếc ô-tô sang trọng chạy vụt qua, làm cho những người đi xe đạp, xích lô phải nép sát vào lề. Bỗng cô bé nghe tiếng còi xe kêu pin pin, rồi một chiếc ô-tô ngừng lại. Cô liếc nhìn chiếc xe màu đỏ rồi lại tiếp tục rảo bước. Có tiếng giầy lộp cộp ở phía sau và một giọng nói đàn bà vang lên thật ngọt ngào:
- Mai lên xe cô đưa về cho đỡ lạnh.
Cô bé quay hẳn lại rồi reo lên:
- A cô Trầm! Cô đi đâu mà cô mặc áo đẹp thế?
- Cô đi ăn tiệc về, nhân tiện ghé ngang bờ hồ một tí. Đông và vui quá cháu nhỉ? Thế cháu cũng đi xem bong bóng đấy ư?
- Cháu đâu có đi chơi. Tối nay đáng lẽ mẹ cháu bán mía, nhưng mẹ cháu bị mệt nên về sớm, cháu phải bán thay mẹ cháu đấy chứ.
- Tội nghiệp cháu cô quá! Thôi lên xe cô đưa về. Đêm nay gió rét quá!
Cô bé chưa kịp trả lời thì cô Trầm đã nắm tay lôi đi. Cô bé líu díu bước lên xe ngồi cạnh cô Trầm. Cô cảm thấy ấm áp và cái ghế nệm thật êm ái. Từ hai tháng nay, ngày nào cô trầm cũng ra mua hoa của cô bé. Đôi khi cô còn cho cô bé cả ngàn bạc để ăn quà nữa. Thành ra, bây giờ, cô Trầm như một người thân mới của cô. Cô Trầm khoảng ngoài ba mươi tuổi. Cô Trầm đẹp và hiền hậu. Mỗi khi mua hoa, cô Trầm đều truyện trò rất vui vẻ. Ngày thường cô ăn mặc cũng đẹp nhưng hôm nay cô mặc cái áo đầm màu vàng lóng lánh lại càng sang trọng hơn. Cô bé vẫn biết là cô Trầm giầu, nhưng cô không ngờ cô Trầm lại có cả ô-tô nữa.
Cô Trầm dịu dàng hỏi cô bé:
- Cháu đã được đi ô-tô bao giờ chưa?
- Thưa cô, đây là lần đầu tiên ạ.
- Thế thì cô cho cháu đi chơi một vòng Hà-Nội nhé.
Cô bé hốt hoảng:
- Cảm ơn cô, cho cháu về ngay để còn kịp cúng giao thừa với mẹ cháu.
- Còn sớm mà! Đi một vòng rồi về nhà cô một tí, cô cho cháu áo đẹp để mặc Tết.
Giọng cô Trầm trơ ûnên buồn rầu:
- Cháu ngoan và giống con cô lắm nên mỗi lần gặp cháu là cô nhớ tới con gái của cô. Con cô cũng bằng tuổi cháu, nhưng bị thương hàn chết đã ba năm nay rồi,
Cô bé cũng cảm thấy buồn lây với cái buồn của cô Trầm. Cô nhỏ nhẹ nói:
- Tội nghiệp cô quá! Tội nghiệp cả con cô nữa! Cô giầu thế này mà con cô không sống để mà hưởng.
Cô Trầm hỏi:
- Thế cháu có bằng lòng về nhà cô một chút không?
- Thưa cô vâng ạ. Chỉ một lúc thôi cô nhé. Rồi sáng mai cháu sẽ mang hoa đến để cô cúng cho con của cô. À, con của cô thích hoa gì nhỉ?
- Con của cô thích hoa huệ.
- Thảo nào, cô hay mua hoa của cháu. Mẹ cháu cũng thường cúng cho bố cháu hoa huệ nữa.
Nhắc tới mẹ, cô bé lại băn khoăn lo lắng. Nhưng cô chỉ yên lặng, không dám nói gì nữa vì cô muốn tôn trọng nỗi buồn của cô Trầm.
Xe chạy lòng vòng trên những con đường hẹp và tối, rồi vào một con đường rộng rãi, có đèn sáng và những ngôi nhà mới xây cất. Có nhà cao đến ba bốn tầng. Cô bé hỏi:
- Phố này tên là gì vậy cô? Sao mà có nhiều nhà to thế!
- Lát nữa vào nhà cô cháu sẽ thích lắm. Vì nhà cô cũng có hai tầng mà xung quanh lại có vườn hoa và hồ thả cá vàng nữa.
Cô bé chợt nhớ đến lời hứa sáng mai sẽ mang hoa đến cho cô Trầm, mặt cô tiu nghỉu:
- Thế thì mai cháu đâu có cần mang hoa đến nhỉ?
Cô Trầm vui vẻ:
- Không cần đâu cháu, hôm qua cô mua huệ của cháu rồi mà. Vả lại từ nhà cháu đến nhà cô xa lắm, không đi bộ được đâu.
Cô Trầm vừa nói dứt câu thì chiếc ô-tô cũng ngừng lại trước một căn nhà hai tầng khá lớn. Bác tài xế bấm còi pin pin ba lần thì có người chạy ra, mở toang hai cánh cổng sắt để cho xe chạy thẳng vào trong.
Cô Trầm nắm tay cô bé bước xuống xe sau khi nói với bác tài xế:
- Thôi, cho bác về nhà cúng giao thừa. Sáng mai đến sớm mà lãnh tiền mừng tuổi.
Cô bé lo lắng hỏi:
- Ấy chết, sắp đến giao thừa rồi hả cô? Cháu cũng phải về kẻo không kịp. Với lại, không có bác tài thì làm sao cô đưa cháu về được?
Cô Trầm cười khanh khách:
- Cô biết lái xe mà. Vào một lúc rồi cô đưa về ngay.
Cô Trầm nắm tay cô bé, bước lên mấy bậc thềm để vào nhà.
Cô bé ngơ ngác ngắm căn buồng khách bày biện sang trọng và chùm đèn điện sáng trưng ở giữa trần nhà. Qua khung cửa sổ, cô bé thấy bác tài vẫn đứng cạnh chiếc ô-tô nhìn vào. Trong bóng tối lờ mờ của khu vườn, cô thấy bác giơ tay vẫy vẫy, rồi dắt cái xe đạp dựng gần đấy, đi ra phía cổng.
- Cháu vào buồng của cô, cô cho cháu bộ quần áo mới, mặc vào cho đẹp để đón giao thừa nhé.
Tiếng cô Trầm khiến cô bé giật mình. Từ nãy mải ngắm căn buồng, cô quên bẵng sự có mặt của cô Trầm ở bên cạnh. Cô cười ngượng nghịu:
- Nhà cô đẹp quá! Giống nhu lâu đài trong truyện cổ tích vậy. À, cô cho cháu quần áo thì để mai cháu mặc. Bây giờ muộn quá rồi.
- Cô muốn cháu mặc ngay bây giờ để xem có vừa và đẹp không?
- Cô làm như cháu là cô bé lọ lem được bà tiên cho quần áo đẹp vậy.
Cuối cùng thì cô bé cũng chiều theo ý cô Trầm sau khi cô Trầm nói với giọng thật buồn:
- Thực ra, cô chỉ muốn cháu mặc bộ áo này để xem cháu giống con cô đến mức nào.
Cô bé đã trút bỏ cái quần đen bạc phếch, cái áo màu cháo lòng và cái áo len cũ kỹ. Bộ quần áo mới bằng một loại vải mềm mại, màu xanh nhạt có những hoa trắng nhỏ xíu đã khiến cho cô bé không còn nhận ra chính mình khi nhìn vào cái gương soi trong buồng tắm. Một thoáng vui, một thoáng tủi thân chợt đến trong lòng cô. CÔ chợt nhớ tới mẹ đang chờ cô ở một góc hiên chợ Đồng Xuân. Cô muốn mặc lại bộ quần áo cũ, chạy bay về với mẹ. Nhưng cô lại nhớ rằng, cô Trầm đang chờ cô ở ngoài kia. Cô nhanh nhẹn đi ra buồng khách, cô nói to:
- Cô ơi, cháu mặc áo mới rồi đây này, cô xem có đẹp không?
Cô bé khựng hẳn lại, mắt mở lớn khi không thấy bóng dáng cô Trầm đâu mà chỉ thấy một người đàn ông lùn và béo ụt ịt đang ngồi gác chân lên bàn, phì phà thuốc lá. Cô liếc nhanh căn buồng: cửa ra vào đã được đóng kín mít, hai cánh cửa sổ cũng đã được khép lại tự bao giờ. Khi người đàn ông dụi điếu thuốc vào cái gạt tàn, đứng lên đi về phía cô bé thì cô cũng run lẩy bẩy rồi ngã huỵch xuống sàn, nằm ngay đơ như một xác chết.
Người đàn ông bực bội, xổ một tràng tiếng tàu rồi bế cô bé lên, đặt sấp trên giường trong buồng ngủ. Ông móc trong túi quần, lấy ra một lọ dầu và một đồng tiền bằng bạc. Ông kéo áo cô bé lên và bắt đầu cạo gió.
Người đàn ông chờ mãi mà cô bé vẫn không tỉnh lại. Thỉnh thoảng ông lại dơ tay lên, nhìn đồng hồ, ra vẻ nôn nóng lắm.
Cuối cùng, ông không thể kiên nhẫn hơn được nữa. Ông trèo lên giường, nằm cạnh cô bé. Ông xoay người cô bé lại, ngắm nghía khuôn mặt tái xanh như không còn giọt máu. Đôi mắt ti hí của ông đờ ra và bàn tay với những ngón to như quả chuối mắn bắt đầu di động trên thân thể gầy còm của cô bé.
Người đàn ông đang mơ mơ màng màng thì có tiếng chạy và tiếng còi thổi toe toe. Chuông cửa reo liên hồi rồi tiếng đập cửa rầm rầm khiến ông ta giật bắn người lên. Cửa ra vào bị phá tung và mấy người công an ôm súng xồng xộc đi vào. Một người trong bọn họ, chạy vào căn buồng bên cạnh, nói nhỏ với cô Trầm:
- Cái anh chàng Đài Loan này đi chơi gái không chọn giờ tốt. Cái động này sinh hoạt cả năm có làm sao đâu mà hôm nay bỗng dưng bị tố cáo. Chắc nó chưa sơ múi gì đâu.
Cô Trầm lo lắng hỏi:
- Liệu có sao không anh Ba?
- Yên trí đi, làm thủ tục một tí thôi. Mọi chuyện đã có anh lo cho. Có ăn có chịu mà.
Cô Trầm cười tít mắt:
- Cũng may, bây giờ còn là năm cũ. Nếu không, bị dông cả năm.
Người đàn ông Đài Loan đã chỉnh tề trong bộ áo vét sang trọng và chiếc cà vạt màu đỏ. Ông ta và cô Trầm nói chuyện với nhau bằng tiếng Tàu một lúc rồi cô Trầm nói nhỏ với người công an tên Ba:
- Sư cha nhà nó, nó tưởng em gạt nó.
- Em có nghi ai tố cáo không?
- Không! Không biết tại sao ông Hùng lại biết để ra lệnh cho anh nhanh như thế.
- Từ nay phải cẩn thận hơn mới được. Nếu không thì ở tù cả lũ đấy.
Khi đám công an và người đàn ông Đài Loan ra khỏi căn nhà thì cô bé cũng tỉnh lại. Cô ngơ ngác nhìn quanh và nhìn xuống bộ quần áo đang mặc trên người. Cô Trầm đến bên cô bé đon đả nói:
- Nhanh lên cháu, cô đưa về, kẻo không kịp đón giao thừa với mẹ.
Nghe nhắc đến mẹ, đến giao thừa, cô bé nhẩy tụt xuống giường la lên:
- Chết thật, thì ra từ nãy giờ cháu ngủ mơ.
Cô Trầm mỉm cười, nắm tay cô bé đi ra xe. Vừa lúc đó, chiếc đồng hồ trên tường thong thả buông mười hai tiếng. Chiếc ô-tô màu đỏ chạy vụt đi.
Dưới gốc cây sấu già, gần ngôi nhà hai tầng, một người đàn ông ngồi trên yên xe đạp, mỉm cười trong bóng đêm, lẩm bẩm: “Đêm giao thừa, mình làm phúc giúp cho con bé thoát nạn. Cầu Trời, sang năm mới, xin được việc làm tốt để khỏi phải lái xe cho bọn ma cô, tú bà này nữa.”

Xem Tiếp: ----