Ai cũng biết anh Út Sương Gió. Khắp xóm này từ con nít năm tuổi đến ông già tám mươi đều kể vanh vách khi có ai đó hỏi về anh. Anh nổi danh chỉ vì anh làm mướn. Kỳ vậy. Kỳ đâu mà kỳ bởi anh làm việc bằng hai ba người. Mà anh nổi danh cũng vì cái tánh "ba lơn", nói chuyện cứ khơi khơi, chẳng biết anh nói thiệt hay nói dóc. Có người nói anh "mát", có người nói anh "ở trển xuống", chuyện gì anh cũng thấy đơn giản như đang giỡn vậy. Có bữa, anh oang oang kể:- Hồi hôm qua, tui đi phát cỏ ở ruộng bà Sáu Cà, đang phát ngon lành bỗng nghe "cụp" một cái, tui thấy máu đỏ lòm cả đám cỏ chát, thì ra tui chém đứt đầu con hổ đất to bằng bắp chân, dài cỡ hai thước, lôi về hầm đu đủ ăn tới giờ chưa hết.Ông Ba trợn mắt thò lõ:- Thiệt hả mậy!Anh cười hì hì, khoe hàng tiền đạo sún mất một cái, tỉnh queo: - Giỡn!Ông Ba mất lửa, cầm cây cuốc giá giá: - Thằng quỷ, mầy là cháu nội bác Ba Phi hả mậy!- Nói cho vui mà bác, tui mà không tào lao thì buồn lắm. Đời tui buồn thiệt, bác biết mà.Đúng là ở cái xóm Đình Cũ này chẳng ai có cuộc đời buồn như anh. Đến ba má mình anh cũng không biết là ai, chỉ biết rằng hồi nhỏ thì ông bà Tám nuôi, lớn chút thì đi mót lúa, soi cá về đổi gạo. Theo lời bà Tám, thì cách đây cỡ hăm bốn, hăm lăm năm gì đó, khoảng năm giờ sáng, bà ra mé sông rửa mớ chén bát ông Tám nhậu hồi tối với mấy ông bạn già trong xóm, chợt nghe tiếng khóc oe oe, lúc đầu bà run lập cập tưởng ma vì trời vẫn còn tối, nhưng tiếng khóc ngày càng rõ hơn. Bà căng mắt tìm một hồi thì thấy một cái thúng để sát bụi trâm bầu cặp bến xuồng, trong đó là một đứa con nít nhỏ xíu, ngó bộ dạng chắc đang đói và lạnh lắm. Ông bà không còn đứa con nào khi cả hai đứa đều mất từ nhỏ nên tin đây là đứa con trời cho, mặc dù trong thúng còn có thêm miếng giấy ghi mấy dòng chữ nghiêng nghiêng nhòe nhòe vì mấy giọt nước, có lẽ là nước mắt: "Mong ai đó cứu giùm đứa nhỏ, sau này có dịp đền ơn". Năm anh mười tuổi thì cả ông bà Tám lần lượt qua đời, anh sống một mình trong sự đùm bọc của bà con chòm xóm. Hai mươi tuổi, anh cao nhòng, gân guốc như cây đước, khỏe mạnh như cây chà là quanh năm ngập mặn vẫn lớn lên vùn vụt. Anh làm mướn khắp xóm, bất cứ việc gì, làm ruộng, rửa dừa, xên đất. Dòm anh tròng cổ vô láp cõng nguyên cái máy D8 nặng cả trăm kí-lô đi ào ào qua hai, ba cái mương ai cũng phục sát đất. Chính cái gian nan, cực khổ từ nhỏ tới lớn và cũng chính vì cái kiểu nói hay "đâm xuồng lủng" không đâu ra đâu mà anh được đặt cho cái biệt danh: Út Sương Gió. Ai đặt không biết, cả xóm đều kêu như vậy. Anh nghe vậy. Biết sao?Căn nhà ông bà Tám để lại đã mục nát nhưng anh không sửa vì không có tiền, mà cũng vì cái nhà lớn làm nỗi cô đơn trong lòng anh càng tăng lên. Anh chỉ một thân một mình. Khi cái nhà sập sau một cơn mưa lớn, anh dọn lên ở trên chiếc xuồng có cái mui thấp tè tè, tròn dình, chiếc xuồng bằng cây sao mà ông bà Tám để lại. Ăn, ngủ gì cũng trên đó, muốn tắm thì phóng xuống sông, chiều buồn thì ra trước mũi xuồng câu cá, gió mát hứng tình thì làm vài câu vọng cổ khơi khơi. Cuộc sống đâu có thua ông...ông gì trong vô tuyến mới coi hồi tối cà. Ờ, Khương Tử Nha. Ổng phải ngồi câu cá trên bờ mà cần câu lại không có lưỡi. Còn anh giật cá phà phà lại được ngồi trước mũi xuồng lắc lư theo nước, gió hiu hiu mát mê hồn. Không biết ai ngon hơn ai? Nghe anh so sánh, cả xóm không nín cười được. Út ơi là Út, Khương Tử Nha câu cá là để tìm cách phò vua giúp nước, câu cá mà đầu óc nghĩ chuyện quốc gia đại sự, còn trong đầu anh có gì đâu ngoài hình ảnh mấy công ruộng, mấy đám dừa cao chót vót, mấy cái đìa chưa xên bùn. So sánh gì độc địa vậy?Nhưng bây giờ trong đầu anh lại có cái khác ngoài mấy thứ kia và cũng đặc biệt hơn gấp trăm ngàn lần. Hình bóng một người con gái. Không ai tin điều này, bởi có khi nào nghe anh nhắc đến chuyện vợ con đâu. Cũng có mấy đám kêu gả con mà anh đâu có chịu, thứ nhất vì anh không thương, thứ hai là anh hổng biết họ thương mình thiệt hay muốn có thằng con rể làm lụng giỏi như anh, nhà nào cũng mấy chục công ruộng, muốn anh về đặng họ khỏi mướn người làm. Ông Ba nói vậy anh nghe vậy, chớ vợ mà ai không muốn, tối nằm một mình trên xuồng cũng buồn đứt ruột chớ chơi đâu. Nếu nói động đất ở xóm Đình Cũ này còn có người tin chớ nói bóng hồng trong tim anh Út là cô giáo Hà thì tới đứa con nít mũi dãi còn thò lò cũng hổng tin nổi. Mà thiệt vậy mới chết. Hôm cô Hà về dạy ở trường cấp một của xóm cũng là hôm mà anh Út thấy trái tim mình run lẩy bẩy. Thấy cổ đi trên lộ, đang ôm cái "đầu bò" hút bùn dưới mương mà hai chân anh lập cập đứng không vững, ủi cái đầu bò vô bờ làm nó hút muốn sập cái bờ đìa. Ông Ba vừa chửi, vừa cười:- Thằng mắc dịch, mầy bị sét đánh hả con, ráng né nghe mậy, cô giáo chứ hổng phải chơi đâu.Mọi người cười ầm lên, anh tỉnh rụi:- Mắc gì né, cho đánh trúng luôn.Tin anh Út thương cô Hà làm chấn động cả cái xóm nhỏ quê mùa, chuyện giật gân này nhanh chóng bay từ đầu tới cuối xóm, bởi gặp bất cứ ai anh cũng nói, nói như xí phần vậy, nhưng với cô Hà thì anh có dám "tỉnh tò" lời nào đâu. Nói với người khác thì bạo miệng bạo mồm chớ mỗi lần đụng cổ đi trên lộ là y như rằng anh tắt đường ruộng mà đi. Hỏi sao vậy? Anh biểu kiếm mấy con ếch dìa nhậu. Mỗi sáng thức dậy, anh ngồi trước mũi xuồng ngó lom lom lên chiếc cầu khỉ bắc ngang sông để nhìn cô Hà thướt tha trong bộ áo dài, tay ôm cái cặp táp đến lớp dạy. Mới đây thôi, anh cùng đám trẻ con tắm sông cởi trần trùi trụi, lên cầu nhảy ùm ùm xuống nước. Bây giờ anh cấm tụi nó lên cầu nhảy xuống, anh sợ tụi nó làm ướt cây cầu cô giáo đi không được, anh đóng lại tay vịn cho chắc, còn đem mấy bụi bông sao nhái về trồng hai bên đầu cầu vàng rực nữa. Anh Út cũng lãng mạn lắm chớ bộ.Chắc cô Hà cũng biết tin này vì tất cả mọi việc làm của anh Út bao giờ cả xóm đều biết. Mỗi sáng qua cầu, cô cũng hay nhìn về phía chiếc xuồng bơ vơ dưới rặng mắm. Mỗi lúc như vậy, tim anh Út đánh lô tô loạn xạ. Cổ còn cười nữa, trời ơi là trời, cái răng lòi xỉ như đâm vào tim anh nhoi nhói. Có lần, cổ hỏi thăm khi thấy anh ngồi trước mũi xuồng câu cá bống:- Câu cá được nhiều hôn anh Út, có mình ên ăn gì hết."Tôi muốn có người ăn chung nè! Không biết có ai chịu ăn với tôi không!". Anh muốn nói như vậy lắm nhưng khi không đầu lưỡi cứng đơ, không rặn được một tiếng. Đành cười hì hì, tay gãi lia lịa mớ tóc bờm xờm như xơ dừa. Cô Hà đi rồi, anh nằm trong mui tự rủa mình, hằng ngày cái miệng bằng mười người khác, gặp cổ tự nhiên câm ngang xương, tức mình thiệt!Chị Thường cặp nách bao gạo ra bến xuồng, réo um sùm:- Anh Út Sương Gió ơi, gạo nè!Anh ló đầu từ mui ra:- Ờ, chờ chút! Tới liền.Chị Thường quăng bao gạo sang cho anh, nhìn từ đầu tới chân, giọng dài thườn thượt:- Chèn ơi, cấp này cạo râu láng o ta. Nè, tui biết hết trơn rồi nghen. Ăn hết bao gạo này trả luôn bốn bao trước, hổng cho thiếu nữa.Không cho thiếu chắc anh chết đói quá, đến mùa nước lên rồi có đi mần ruộng, mần đất gì được nữa đâu. Anh nghĩ Thường quạu quọ vậy chắc có chuyện rồi đây, hồi nào tới giờ, năm bảy tháng anh mới trả một lần cũng được. Sao bây giờ...- Đến tháng Chạp tui trả được hôn? Hồi đó tới giờ cô đâu có đòi.Giọng chị Thường vẫn chua lè chua lét:- Hồi trước hổng đòi, bi giờ đòi đó, ai biểu...Biểu gì chắc anh hiểu mà! Ai biểu người ta thương anh mà anh vô tình chi vậy, ai biểu không biết một con chữ nào mà bày đặt, bày điều yêu cô giáo, hai con mắt tôi đỏ chạch nè, thấy người ta sắp khóc mà không hiểu chút nào hả? Ngu gì đâu! Mặc dù anh hay nói chuyện tào lao thiệt nhưng cũng chưa đến nỗi khờ khạo không biết Thường thương mình. Đâu có ai ở cái xóm này lo cho anh như chị, mỗi lần đem gạo ra xuồng cho anh bao giờ cũng kèm theo vài thứ lặt vặt, khi bịch đường, khi hũ nước màu, thấy áo anh rách vai do dầm mưa dãi nắng chị còn mang ra cả kim chỉ nữa. Có lần chị thử:- Tui vá áo cho anh suốt đời nghen!Anh cười, vô tư như người... cổ đại:- Bi giờ thì được, nhưng chừng nào cô có chồng thì thôi hen. Anh cũng không hiểu vì sao mình lại dửng dưng trước một tấm chân tình như vậy, chắc có lẽ từ nhỏ tới giờ cả cái xóm này với ai anh cũng đối xử như vậy. Nhưng với cô Hà thì khác à. Cổ ở tỉnh xuống mà. Anh dọn cỏ lại cái nền nhà cũ, chắc hẳn đang ôm ấp một dự định gì quan trọng lắm. Đám con nít vừa giúp anh gom cỏ lại, vừa đốt chúng vừa chọc: Tính mần nhà đặng cưới vợ hả anh Út. Trời, tụi này có chút xíu mà tài thiệt. Nói y chang. Anh đang mộng mơ xây dựng một thiên đàng thì đùng một cái giấc mơ kia sụp đổ tan tành. Đang thiu thiu ngủ trưa thì thằng Tâm đi học về, đứng trên cầu la:- Anh Út ơi, thứ năm này tụi em được nghỉ học, đám cưới cô Hà.Anh bật dậy:- Giỡn mậy, có nghe ai nói gì đâu, xạo là chết với tao nghen!Thằng Tâm hét lên như nói với cả xóm nghe:- Thiệt mà, với thầy hiệu phó, nói dóc cho sập cầu té xuống sông đi.Không kịp mặc đồ, anh cứ quần tà lỏn, ở trần chạy ngời ngời lên nhà ông Ba hỏi cho chắc ăn. Đúng là cô Hà sắp có chồng, anh thất thểu ra về, chân đi sao mà cứ lẹo xẹo như dính vào nhau. Trách ai bây giờ, tại cô Hà vô tình hay tại anh nhút nhát, để ý người ta hơn năm rồi mà chẳng nói lời nào, gặp người ta cứ tắt đường ruộng, đường sông đi. Ai mà biết. Mấy lần mon men tới trường, đứng tuốt đằng xa, núp vô gốc còng coi cô Hà giảng bài, hổng biết một chữ bẻ đôi mà anh nhìn say sưa như đứa học trò giỏi nhất lớp. Kẻng tan học vang lên cũng là lúc anh vọt qua rào, chạy một hơi về nhà. Cô Hà thấy thì có nước độn thổ.Tin anh Út thất tình cũng lan nhanh trong xóm như cái hồi anh tuyên bố hùng hồn cứ mặc kệ cho tiếng sét ái tình đánh trúng. Mọi khi, anh ở đầu xóm thì cuối xóm đã nghe cái giọng ồm ồm như vịt đực của anh rồi. Bây giờ, cả ngày anh chẳng nói tiếng nào, cái bản mặt cứ lầm lầm lì lì như ai ăn hết của. Tụi con nít cũng chẳng đứa nào dám mở miệng ghẹo anh, thằng nào nhắc đến cô Hà là anh cứ nhắm ngay trân cái đít mà sút một phát như Beckham sút phạt, đau thấu trời. Sầu đời, chiều nào anh cũng nhậu, thấy anh ôm chai rượu đế trong vắt ngồi trước mũi xuồng ngửa cổ nuốt ừng ực từng hơi, ông Ba rầy:- Nhậu cũng không hết buồn đâu, quên đi mầy ơi, người ta là cô giáo mà. Con Thường thương mầy thì ưng phứt nó cho rồi, cứ đòi trên trời không hà.Cái điệp khúc "cô giáo mà" ông Ba đã lặp đi lặp lại với anh ít nhất cũng cả chục lần rồi. Cô giáo thì sao? Tôi mồ côi mồ cút thiệt, tôi dốt đặc cán cuốc thiệt, nhưng tôi thương cũng rất thiệt. Tình cảm từ trong lồng ngực tôi bật ra nè, tôi thương cô Hà có phải vì cổ là cô giáo đâu! Nhưng vì cái gì thì anh cũng mơ hồ lắm, hình như là vì cái răng lòi xỉ cô hay cười, mà cổ cười với tất cả mọi người trong xóm chớ riêng gì anh đâu, tương tư làm chi cho cực vậy hông biết. Nhìn lên cái cầu khỉ, hằng ngày nó dễ thương quá chừng sao hôm nay nhìn gân guốc, xấu xí như bộ xương khô của con mẹ phù thủy trong phim hoạt hình, anh muốn dỡ nó quăng xuống sông cho đám rước dâu không qua được, cho cô Hà không thể sang sông theo chồng về xóm Cát. Nhưng làm vậy anh lại sợ cô Hà ghét mình, không thương nhau thì thôi, ghét bỏ nhau làm chi. Liệng chai rượu không còn giọt nào xuống sông cái đùng như trút bỏ khối tình đơn phương mà anh đã mang nặng hơn năm nay, anh cười hặc hặc, mắt nhướn nhướn, miệng lè nhè mấy câu thơ mà anh nghe lóm trong bộ phim Tàu nào đó:Rút gươm chém nước nước vẫn chảyNâng chén tiêu sầu càng sầu hơnBữa sáng đám cưới rước dâu ngang cầu, dưới rặng mắm già vẫn là chiếc xuồng nhỏ lẻ loi cô độc một mình. Sáng nay, anh Út không ra mũi xuồng ngồi như thường ngày để nhìn cô Hà qua cầu, anh nằm úp mặt xuống sạp xuồng thở dài như sắp đến ngày tận thế. Tụi con nít chạy theo đám rước dâu la hét rân trời. Qua lỗ lủng của cái mui xuồng bằng lá dừa nước, anh thấy cô Hà ngừng lại giữa cầu nhìn về phía chiếc xuồng của mình, nhưng hôm nay cô không cười, không khoe cái răng lòi xỉ như mọi bữa. Có chồng thì đi phứt cho rồi. Nhìn chi.Đến trưa, tự dưng chiếc xuồng nhúc nhích và cái giọng ong óng của chị Thường vực anh dậy:- Anh Út Sương Gió ơi, cơm nè. Tui biết anh nhịn đói từ sáng tới giờ. Đúng là bụng anh như có cả ngàn con kiến bò trong đó. Hồi sáng tới giờ rầu thúi ruột có nấu nướng gì đâu. Anh chui ra, dụi mắt rồi nhìn lom lom:- Trời! Cô hả! Bận áo dài coi cũng ngộ quá hén!Bữa nay Thường cũng đi ăn đám cưới, mặc bộ áo dài màu hồng phấn, sắm tuồng lên coi bộ cũng duyên lắm. Người ta đẹp vậy mà anh cù lần quá nên không thấy đó thôi. Vừa dọn cơm ra sạp xuồng, Thường "xí" anh một cái:-Tui ngộ lâu rồi mà không biết, mê đâu không hà!Anh bật cười, cười như để lấy lại thăng bằng, mấy ngày rồi anh có cười được miếng nào đâu. Anh lại nhìn lên cây cầu, dù sao thì mấy đám bông sao nhái ở hai bên đầu cầu vẫn vàng rực, dù sao anh cũng phải quên một hình ảnh đã xa mù, dù sao anh cũng còn nguyên cái xóm nhỏ quê mùa và....Nhìn theo cái eo thon thon của Thường khuất sau bụi trâm bầu, anh bất chợt nao nao. Chút xíu thôi hà. Ngoài sông cái, gió chướng về đem theo cái lạnh se lòng. Mùa cưới tới rồi...