Cứ sau mỗi lần hắn cãi nhau với vợ, là y như rằng hắn lại nhớ mẹ nhiều hơn. Cứ mỗi lần hắn rầy la con hắn là cũng y như rằng hắn nhớ mẹ vô cùng, nhớ quay quắt trong cái hố ăn năn và mơ hồ như hắn có cái tội to lắm đối với mẹ. Nói như thế không phải là những lúc gia đình bình yên, sóng gío lặng như tờ thì hắn đã quên mất mẹ đâu, người mẹ mà đối với hắn là tuyệt nhất trên trần gian này. Người mẹ suốt đời tận tuỵ vì hắn, quên cả bản thân mình.
- Này tôi nói cho bà biết nhá, nếu mà tôi biết qua đây bà …cà chớn như thế này thì tôi đã chẳng bỏ mẹ già tôi heo hút với ngày tháng dài nhớ con, nhớ cháu nơi quê nhà, rồi sinh bệnh, rồi chết …
- Này các con hư lắm, Bố bỏ bà nội ở lại để đưa các con qua đây vì cái gì? Không phải là vì tương lai của các con sao …Vậy mà các con không lo học hành. Các con đã làm cho bố không còn cái lý lẽ để bào chữa trước toà án lương tâm của bố. Bố đã phải thú tội trước bình minh:” Bố là đứa con bất hiếu đã bỏ mẹ mình ở lại giữa lúc tuổi già bóng xế, để ra đi tìm êm ấm cho riêng mình.”.
Những câu nói đại khái là như thế đã luôn được hắn nhắc lại mỗi khi sóng gió nổi lên trong cái eo biển nhỏ bé. Con thuyền mà hắn lèo lái như vẫn cứ ì ạch, chẳng đi tới đâu. Nhiều lúc hắn nghĩ cái số trời đã vậy rồi mà, cái cô vợ cứng đầu và những đứa con rắn mặt là những ngọn gió chướng làm con thuyền đôi lúc tròng trành, đổi hướng, quay mòng mòng.
- Tôi đã bảo với mình hoài là gởi tiền về cho chị, cho em thì cũng vừa vừa phải phải thôi. Mình ở bên này làm ăn vất vả lắm, kiếm đồng tiền đâu có dễ. Cứ nghĩ lại mà xem, mình còn khổ hơn họ ở bên ấy nhiều, mình đầu tắt mặt tối …
- Thì tôi có gởi nhiều chi cho cam mà ông cứ nói …
- Bà không gởi nhiều hả! Bà gởi hết cả tiền đi chợ …Bà không thấy sao, mấy tuần nay trong tủ lạnh trống trơn hà …
- Ông nói sao chớ …Thịt cá vẫn đầy trong tủ lạnh đó mà. Không tin ông coi lại đi..
- Này tôi nói cho bà biết nhá ….
Hắn lập lại cái điệp khúc dài ngoằng ấy, rồi hắn ôm đầu.
Hắn lo xa ghê lắm, công ăn việc làm dạo này bấp bênh vô cùng. Cái sở hắn đang làm cứ đe doạ nay óp mai óp. Hắn đã làm ở đây gần sáu năm rồi mà chả có gì chắc cả, nó vẫn cứ rung rinh làm sao ấy, chả biết nó xụp xuống lúc nào. Cái nhà còn nợ hơn chục năm. Lại còn hai cái xe đời mới nữa. Hắn ân hận là đã nghe lồi vợ, lời con, mua cái nợ vào thân, biết vậy thì thôi mua đỡ cái xe đời cô Lựu, trả dứt một lần là xong chuyện, thì yên trí hơn, khỏi phải lo lắng nhiều.” Cái con vợ mình thật đoảng, chớ hề lo phụ cho mình một chút…”. Hắn luôn nghĩ như vậy, cái gì cũng chỉ mình hắn, hắn cô đơn đứng mũi, chịu sào.
- Bố ơi! Con xin mẹ hai chục để mua sách mà mẹ không cho …
- Sao lại không cho?
- Mẹ bảo mẹ hết tiền rồi!
- Hết tiền rồi ….?
Hắn quay qua vợ hậm hực:
- Đấy bà nghĩ lại mà xem, con cái xin vài chục mà bà tiếc bà không cho, nhưng chị em bà ở Việt Nam mà ới một tiếng thì bạc ngàn bà cũng có sẵn. Thậm chí bà còn dám đi mượn tiền lời để gởi về nữa. Thiệt tình tôi không biết phải nói làm sao …
Ôi thôi những cơn gío chướng nổi lên chẳng nhiều mà cũng chẳng ít, mỗi tháng vài lần, mỗi lần bom đạn nổ xong thì chiến tranh lạnh kéo dài hằng tuần, vị chi là cũng mất đứt ba phần tư tháng hắn ngồi bâng khuâng nhớ mẹ, hắn nằm thao thức nhớ mẹ, ruột thắt, gan cào. Hắn thắp nhang trên bàn thờ mẹ nhiều hơn. Hắn đấm ngực thì thầm bên di ảnh mẹ như ngày xưa còn bé mỗi lần hắn nũng nịu, thở than, vòi vĩnh:
" Nếu biết thế này thà rằng chẳng tương lai, tương đậu gì cả, con sẽ ở lại bên cạnh mẹ, phụng dưỡng mẹ suốt đời bằng thực tế chứ không bằng đồng tiền và bằng một tình thương yêu xa cách muôn trùng.Qua tới đây con nào sung sướng gì cho cam mẹ ơi! Đi làm suốt đêm, bảy giờ sáng về tới nhà còn phải chực chờ đưa hai cháu đi học, mỗi đứa một trường, giờ học khác nhau, đến chín rưỡi tắm rửa xong leo lên giường ngủ, thật là khó ngủ quá mẹ ạ, trời cứ sáng trưng, con phải mua đồ bịt mắt lại để mà ngủ, mặc dù các cửa sổ con đã che màn đen hết, thế mà thật ông trời oái oăm cứ lúc mình mong trời tối thì ổng lại cứ sáng choang, còn khi mình mong trời sáng thì ổng lại tối mò. Con nhớ mẹ thường bảo là Ổng thử mình đó, đừng nản chí. Trời ơi con hết kiên nhẫn nổi rồi, con buông xuôi luôn mẹ à, chẳng chí, chẳng rận gì nữa đâu. Ngủ được ba, bốn tiếng đồng hồ thì lại phải thức dậy đi đón các công chúa, đón các công chúa về đến nhà là lao đầu vào bếp lo cơm nước, cơm nước xong là chuẩn bị đi làm. Sáng mai bảy giờ …, lại xoay vần như ngày cũ. Con ngu quá phải không mẹ, con ngu quá mà …"
Đã nhiều lúc hắn khóc trước bàn thờ mẹ, nước mắt lăn dài trên má, buồn cho thân phận, và thương mẹ đã phải thui thủi một mình ở chốn quê xa.
Những năm mà người ta vượt biên hà rầm, cái xóm nhỏ này cũng thế, sau một đêm ngủ dậy lại thấy vài người đi mất, họ rủ nhau đi âm thầm, người ở lại xôn xao, buồn ngơ ngác. Công việc đồng áng thì bỏ bê, phần vì phải vào hợp tác, mọi người đều chán nản, phần thì làm nhiều mà chia chác chẳng được bao nhiêu vì phải khấu trừ giống má, phân, thuốc. Xã viên, cứ chỗ nào có ba, bốn người thì y như là câu chuyện có xoay quanh chuyện vượt biên:
- Hai đứa con của Tám Tàng đi tới nơi rồi. Đã có điện tín báo về tới nơi bình yên rồi.
- Họ đi dữ quá làm mình thấy nôn nao ghê.
- Vậy …,hỏi thiệt nha, chị có tính gì không?
- Tính gì bây giờ?
Họ thì thầm to nhỏ với nhau, họ bàn tính gần như công khai, thế là ngày mai lại có người vừa bỏ đi đêm qua. Hắn cũng như mọi người, mất ăn, mất ngủ, không biết tính đường nào cho phải, cho đúng. Bà vợ hắn thì năm lần bảy lượt nhắc khéo hắn là phải ra đi thôi, ra đi tìm tương lai cho đàn con, chứ cứ chôn chân ở đây, coi như làm công cốc cho nhà nước thôi. Ngày thì lam lũ, tối về còn phải đi họp, học tập, rút tỉa kinh nghiệm, ôi thôi mình chả còn là của mình nữa, mất hết cả tự do …
- Bà đừng có làm tôi rối thêm, đi thì trước hết cũng phải có vàng, rồi còn phải móc nối đường dây đáng tin cậy, chứ bộ muốn đi là đi được sao!
- Tôi thấy thằng Sáu con anh Năm đó, nó đi đâu có tốn cắc bạc nào.
- Thôi đi bà, bà nói gì đâu không hà
Hắn vòng tay ra sau gáy, dựa lưng vào thành ghế, mắt lim rim, chậc lưỡi, nói nhỏ như nói cho chính mình nghe:
- Thằng Sáu nó đi canh me, nó cũng đã hụt năm ba lần rồi mới đi trót lọt. Nó là dân ba búa, tướng tá vạm vỡ. Nó canh me ở bãi, có chuyến là nó nhảy lên, chẳng ai dám cản nó kể cả chủ tàu, chứ cỡ như tui bà nghĩ thử coi tôi mà leo lên tàu thì họ đạp xuống cái một. Chưa kể còn bà và hai nhóc con nữa làm sao lên tàu…
Vợ hắn đúng là vợ thằng Đậu mà, chuyện gì đối với cái đầu của y thị cũng đều dễ như trở bàn tay, y thị nông cạn không hề biết nghĩ trước, suy sau. Nói như vậy không có nghĩa là vợ hắn dại, vợ hắn không dại đâu, khôn tổ mẹ là khác, khôn nhưng không ngoan, khôn lỏi.
- Này mình ơi, hôm nay cuối tuần mình chở em đi chợ nha
- Tôi không rảnh đâu bà …đi một mình đi.
- Người ta đi đâu cũng có đôi mà vợ chồng mình thì …
Thế là hắn nghe mủi lòng, dù chả muốn đi, hắn cũng phải đi.
- Này mình ơi trả tiền chợ gìum em đi.
Hắn trố mắt nhìn, miễn cưỡng rút bóp ra. Có trăm bạc dằn túi thế là bay cái vèo. Hắn định cự nự mụ vợ nhưng nghĩ giữa chỗ đông người nên hắn thôi. Đẩy đồ ra khỏi chợ, xếp gọn sau cốp xe, leo lên xe đóng cửa lại, hắn bực tức tra hỏi:
- Tiền chợ tuần này đâu mà bà không trả lại còn dừa qua tôi?
- Mình hay thắc mắc quá hà, đừng thắc mắc nhà cửa êm ấm hơn mình ạ.
- Êm ấm cái gì! Gia đình mình không lo chỉ biết lo cho gia đình chị, gia đình em không à. Nói hoài bà không nghe tôi bực bội quá rồi. Cái gì cũng chỉ mình tôi …
Vợ hắn cười õng ẹo:
- Thôi mà.Thì mình là cái eo biển, là nơi mà mẹ con em núp gío mà. Nam nhi trượng phu đừng hơi tí thì cau có vì tiền chứ …
- Nói hay quá hen. Học ở đâu được cái câu này vậy? Sao không đi theo đoàn cải lương Sài gòn 3, Sài gòn 4 …ở đây chi uổng phí tài nghệ.
Vợ hắn cười khì khì:
- Thì học ở trong phim bộ Hồng Kông đó mà …, ở lại đây là cũng vì mình, vì các con thôi …
- Trời đất! thiệt không đó? Bỏ đi Tám ơi …
Đấy mụ vợ của hắn là thế, lẻo mép lắm. Miệng dẻo như cái kẹo cao su:
- Này mình à …, có nên hỏi mượn mẹ ít cây vàng để lo vượt biên không mình?
- Mẹ làm gì có tiền.
- Mẹ có mà
- Còn mấy cây để cụ dưỡng già, đừng có léng phéng …
Thế là mụ ta tỉ tê nói với mẹ chồng:
- Mẹ ơi, daọ này xóm mình vượt biên nhiều ghê mẹ nhỉ?
- Ừ! Thiên hạ đi làm gì không biết, bỏ mồ ông, mồ cha không ai nhang nến …
- Đi là phải chứ mẹ. Mẹ không nghe người ta nói nếu cây cột đèn mà biết đi thì nó cũng đi đó mẹ.
Bà mẹ ngạc nhiên trố mắt hỏi:
- Bộ tụi mày cũng muốn đi hả?
- Dạ! Cũng muốn vì tương lai của các cháu, chứ mẹ bảo ở lại đây rồi chúng cũng lại chỉ chân lấm tay bùn, chẳng lối thoát. Nhưng chồng con anh ấy bảo không đủ tiền, nên đành chịu.
Bà mẹ thở dài, và từ ngày đó bà cụ tỏ vẻ đăm chiêu tư lự. Chúng mà đi mình biết ở với ai. Mình gia rồi còn thiết gì nữa đâu. Đi theo chúng thì mồ mả Ông bà ai lo. Cả đời mình đã bám rễ nơi này, quê cha đất tổ bỏ đi sao đành. Bà buồn lắm mỗi khi nghĩ đến phân ly. Gia đình đang xum họp đầm ấm, dù xã hội bây giờ thay thời đổi thế, cuộc sống càng ngày càng khó khăn, ngăn sông cấm chợ, đi lại bị giới hạn nhiều. Nhưng bà cũng như những người dân hiền lành chất phát nơi này, nào có mơ có mộng gì cao đâu, chỉ mong cùng nhau, gia đình quay quần rau cháo qua ngày, có mẹ có con, có bà có cháu. Xã hội ra sao mặc …
Hắn cũng nhìn thấy rõ những thay đổi của mẹ, nên một hôm hắn lân la hỏi chuyện mẹ:
- Dạo này hình như con thấy mẹ không được vui. Có chuyện gì vậy hở mẹ?
Bà mẹ chép miệng cố nén tiếng thở dài:
- Cũng đâu có gì …
Im lặng một lúc bà quay lại nhìn thẳng ngay mặt hắn:
- Tụi bay có chuyện dấu mẹ phải không?
- Dạ đâu có mẹ …
- Lại còn nói là không có. Con vợ anh đã nói cho mẹ biết cả rồi.
- Vợ con? Vợ con đã nói gì với mẹ?
- Nó nói các con muốn vượt biên nhưng thiếu tiền phải không?
- Dạ, dạ,…thì là vợ con nó mơ ước vậy mà. Mẹ đừng để ý …
Bà mẹ đứng lên chậm chạp đi về phía bàn thờ ông bà, thắp nhang, lâm râm khấn vái. Khấn vái xong bà quay về chỗ cũ ngồi xuống, rót ly nước trà. đưa ly trà nóng bốc khói lên miệng nhấp, bà nói:
- Trà bữa nay mùi vẫn thơm nhưng sao vị hơi đắng …
- Dạ, chắc tại con pha hơi đậm hơn mọi ngày
- Ừ! Mẹ hỏi thật, nếu anh muốn đưa vợ con đi nước ngoài, thiếu tiền mẹ gíup …
- Dạ, nếu đi con muốn mẹ cùng đi …
- Mẹ già rồi. Đi làm gì. Ở lại đây lo cúng giỗ, giữ mồ mả ông bà …
- Nếu vậy thì tụi con cũng không đi.
Sau cái hôm nói chuyện với con trai về vấn đề đi hay ở. Bà mẹ càng ngày càng trầm tư. Cái vẻ bất ổn hiện rõ trên khuôn mặt gìa nua. Mái tóc dường như lại trắng thêm nhiều. Trong tâm tư bà một cuộc dằng co vô cùng quyết liệt: đi là bỏ hết, ở thì tội cho con cho cháu, suốt đời sẽ chẳng bao giờ ngóc đầu lên được. Bà thức trắng nhiều đêm, con người gầy ốm hẳn đi. Những lúc bà để ý thấy hắn buồn bã, thở ngắn, thở dài và những lúc thấy vợ chồng hắn thầm thì to nhỏ, bà buồn đứt ruột, bà biết chúng muốn đi, nhưng trở ngại chính là bà. Bà thấy thương chúng quá. Một hôm hắn vừa đi làm về. Bà gọi hắn vào phòng, trao cho hắn một gói nhỏ rồi nói:
- Mẹ quyết định rồi, mẹ cùng đi với các con. Đây là số vàng mẹ còn dành dụm được, con cầm lấy thêm vào mà lo mua chỗ.
Hắn mừng đến chảy nước mắt, nghẹn ngào đến ú a ú ớ. Hắn mở chiếc khăn ra, trả lại cho mẹ hai miếng vàng lá:
- Con mượn mẹ bao nhiêu là đủ rồi. Còn đây mẹ cầm lại phòng thân.
Những ngày tháng chờ đợi rồi cũng qua. Đã tới ngày xuống bến. Bầu sô ém gia đình hắn và một số người lạ hoắc ở bờ một con rạch miệt Quán Chim, Long Thành. Mọi người đều hồi hộp lo âu, dù biết chắc là chủ tàu đã mua bến, nhưng biết đâu …, nào ai học được chữ ngờ. Chẳng ai dám nói chuyện, chẳng dám ho he, húng hắng, tất cả núp trong những lùm cây, ngồi thu mình êm như những gò mối nhỏ. Trời chập choạng tối, một chiếc ghe trờ tới, mọi người nhào ra leo lên. Những người khoẻ mạnh thì nhanh chân lên trước. Đột nhiên một tràng súng AK nổ dòn, chiếc ghe vội vã phóng đi. Hắn la lên:
- Còn mẹ tôi chưa lên, chờ chút đi.
Nhưng chiếc ghe như không nghe hắn gào cứ chồm về phía trước bỏ bà cụ già và vài người nữa ở lại giữa đêm khuya.
- Cho tôi xuống, cho tôi xuống …
Chiếc ghe đã ra xa bờ. Hắn ôm mặt khóc nức nở:” Mẹ ơi, mẹ ơi …!!!”
Và thế là mẹ hắn đã rớt lại. Bà không bị giam giũ. Bà về lại ngôi nhà, nhìn cảnh vắng tanh nhớ con, nhớ cháu, bà bị tâm bệnh, vài năm sau thì bà mất. Ngày bà mất hắn không về được. Hắn chỉ nghe tin. Hắn ngẩn ngơ mấy tuần buồn mà không khóc ra được. Từ đó hắn luôn trách mình và mang mặc cảm “đứa con bất hiếu”. Hắn thường nói với mọi người:” Tôi có tội với mẹ tôi. Tôi chẳng xứng đáng là con trai của mẹ.”
Từ cái ngày xuống bến trắc trở đó, tâm trí hắn mất thăng bằng, nên tánh khí thay đổi bất thường. Hắn hay cau có, gắt gỏng. Chỉ cần một chuyện nhỏ như cái móng tay trong gia đình làm gai mắt hắn là sấm sét nổi lên ngay. Tội cho vợ con hắn dưng không mà hứng chịu những cơn mưa bão, trái gío trở trời cứ xảy ra như cơm bữa. Bạn bè hắn thấy cũng ái ngại, khuyên lơn hắn hoài, nhưng cũng chỉ như nước đổ lá khoai.Miết rồi bạn bè cũng mất, chả còn mấy ai lui tới với hắn nữa. Hắn bị xua vào nỗi cô đơn. Những uẩn khúc nghẹn cứng trong từng thớ thịt không nơi giãi bầy, nó ứ lại, nó phồng lên như những huyệt đạo bị bế tắc không được khai thông. Có những lúc hắn ngồi thừ ra một mình, rồi có những lúc hắn nói lảm nhảm một mình. Hắn chưa phải là điên, nhưng hình như cũng có họ hàng đâu đó xa xa..
Những lúc tỉnh táo, hắn cũng biết thương vợ, thương con lắm. Hắn chợt nhận ra là hắn quá đáng. Như lúc này chẳng hạn. Hắn nhớ lại sáng hôm qua, lúc đưa con gái út đi học, nó hỏi hắn:
- Bố à thứ hai tới là lễ tình nhân đó bố
- Lễ tình nhân thì sao …?
- Thì bố đã mua quà gì cho mẹ chưa …
- Quà cáp gì, nhiều chuyện …
Đứa con gái xụ mặt xuống im lặng. Giờ nghĩ lại thấy thương nó quá. Nó nói đúng mà, đã bao năm nay hắn quên phéng cái ngày lễ tình nhân, quên cả mình có một cô vợ đã mười mấy năm rồi cùng chia ngọt xẻ bùi, cùng gian lao, cùng hoạn nạn.
- Bố ơi ngày mai lễ tình nhân rồi.
Hắn nghe văng vẳng tiếng con gái hắn nhắc. Hắn tươi cười đứng lên giữa nhà dõng dạc:
- Chiều nay Bố mời cả nhà đi nhà hàng, mình ăn mừng lễ tình nhân, hà hà …Có ai hưởng ứng không?
Hắn nghe thấy tiếng vợ hắn nói nho nhỏ trong bếp:
- Con ra xem thử có phải là Bố không? Mẹ thấy không giống bố con tí nào.
Đứa con gái lớn chạy ra, cong tròn hai ngón tay đưa lên mắt dòm bố, cười lớn:
- Đúng là bố rồi mẹ ơi. Hoan hô bố, hoan hô bố.
Thế là cả nhà kéo nhau đi nhà hàng. Trước khi nhập tiệc, hắn rút trong túi ra một cái hộp, rồi trao cho vợ:
- Quà cho em …
Vợ hắn một giây ngỡ ngàng, cảm động quá, hai giọt nước mắt ứa ra, lắp bắp:
- Có phải thật sự là mình không? Có đúng là anh của em không …?
Hai đứa con thì nhao nhao lên: Mở ra xem đi mẹ, mở ra đi …
Vợ hắn tay rung rung mở nắp hộp ra: một bộ dây chuyền, bông tai, nhẫn …Diamond, chiếu sáng, óng ánh.Vợ hắn ôm vào ngực, mắt nhắm lại như tận hưởng nỗi sung sướng dâng trào:
- Mình tốt với em quá …
Thấy vợ vui hắn cũng khoái chí:
- Thì anh là cái eo biển... bình yên, để cho mình và các con núp gío đó mà …
Hai đứa nhỏ giành phần đeo bông tai, dây chuyền cho me. Còn nhẫn thì chúng nhường phần cho bố. Những lời chúc tụng và những ly rượu vang được nâng lên. Bửa cơm gia đình thật vui, thật đầm ấm. Hắn uống thêm beer. Gia đình hắn đã lâu rồi không được vui như thế.
Khi về tới nhà thì hắn đã say quá, vợ hắn dìu hắn nằm trên ghế sô pha, lấy khăn nóng lau mặt cho hắn:
- Mình uống ly nước chanh cho nó giã rượu nha.
Hắn giọng lè nhè:
- Say đâu mà say …hừ …say hồi nào …
Hắn níu tay vợ hắn:
- Này tôi nhắc bà nha, kỳ tới …mà …mà về Việt Nam bà …đừng có ….làm bộ bỏ quên lại đó cái sợi dây …chuyền, cái …cái nhẫn …hột xoàn …hừ … hừ …
Vợ hắn thừ người ra, nước mắt trào dâng, sụt sùi:
- Eo biển …eo biển vẫn...không bình yên.
Hai đứa con gái chạy lại ngồi bên mẹ, ôm mẹ. Ba mẹ con ôm nhau.
 

Xem Tiếp: ----