Tháng Tám năm ấy trời hạn như chưa bao giờ được hạn. Mấy đám ruộng ngoài Xe Loan đất nứt lọt bàn chân con nít, không cách gì cày nổi. Vụ này vậy là phải bỏ. Má nhìn đám ruộng, rồi vác cuốc ra cố đập xới những góc ruộng còn có chút hơi ẩm trồng lên đó mấy luống khoai lang. Cả tháng trời dây khoai mới bắt đầu phủ lên luống với cái ngọn quăn queo, già chát. Má bảo còn kiếm được ít rau về cho heo ăn chớ để không đám ruộng trông tội quá! Nhưng ruộng cấy mà trở thành những luống khoai nham nhở, lỗ chỗ tôi trông càng tội hơn. Lì lợm, sống dai như mấy đám cỏ chỉ trên bờ ruộng mà giờ cũng trơ trụi, chỉ còn mớ dây vàng úa đan chéo với nhau. Má thở dài lo lắng: Rồi không biết lấy cái chi cho vô miệng đây! Bao nhiêu ngày công đi làm thủy lợi rồi, họ biểu xây hồ, đắp đập, đào mương nhưng chờ mãi không thấy nước. Cả làng vẫn dùng những con mương cũ dẫn nước từ đập Bara nhưng cả tháng nay cái đập cũng khô trơ ra đó. Nước dưới khe Cây dừa chỉ còn lại từng vũng, đủ để trâu uống và bọn trẻ con lấy nón vục xuống xối lên mình trâu chớ tưới tiêu gì được. Thứ nước pha bùn đó đổ lên mình trâu chỉ vài phút sau là đóng từng mảng, rồi cũng nứt ra rớt xuống lả tả. Con Út thấy vậy, mỗi ngày nó thức dậy thiệt sớm dắt trâu ra khe, lúc vũng nước còn đầy và trong hơn một chút để cho trâu uống và tắm ướt cho nó. Bĩnh là con trâu khôn, cứ đúng giờ nó dậy đứng chờ sẵn, dậm chân, gõ sừng vào hàng gióng chuồng cốp cốp.
Hình như từ lúc các giếng trong làng bắt đầu khô thì cả làng đều thức. Trẻ con còn ngủ được, người già thì ngày đêm phe phẩy cái quạt mo cau. Nước để dành cho nấu nướng, ăn uống, cho bọn trẻ con tắm, người lớn có khi 3 ngày chưa được tắm, mỗi ngày chỉ một ca nước để rửa ráy. Chiều nào cũng nghe tiếng thím Ba la thằng Tý: Đã biểu mi đứng im trong thau tắm, đừng vung vẩy, chặp nữa lấy nước đâu mà nấu cám heo. Bữa mô mi tắm xong chỉ còn lại nửa thau nước! Thằng nhỏ cãi: Thì hắn cũng thấm vô người con một ít chớ!
Ban đêm người người xếp hàng chờ tới lượt mình vét nước nơi cái giếng đầu làng. Rồi những cái gàu làm từ mũ sắt của lính Mỹ không vét được nước nữa. Ông nội chằm những cái gàu bằng mo cau. Chiếc gàu nhẹ tênh được cột thêm lõi sắt ngắn hay cục đá nhỏ ở một bên thanh gàu để khi thả xuống giếng dễ dàng nghiêng nhẹ sang một bên lấy nước. Nước múc lên từ gàu mo cau không bị đục và những người sau còn có nước mà lấy. Nhà ai có người khỏe còn sang cả làng Thái Lai, phía gần sông để xin nước về. Mấy giếng nước bên đó còn được cả thước nước. Bỗng dưng cái giếng nước đầu làng đêm đêm thành nơi tụ họp rất vui. Mọi người cứ rỉ rả trò chuyện nhưng chuyện mà tôi khoái nghe nhất là chuyện ma. Cứ ngồi nép sát vào người má mà dỏng tai lên nghe, rồi đêm mắc tiểu lại không dám dậy đi, lay hai đứa em dậy đi cho có bạn. Có bữa trời tối hù, đang đi nghe tiếng con gì nhảy từ đọt chuối xuống, làm cả cây chuối lắc lư trông giống y như bóng người xoã tóc, sợ quá hét lên, không kịp kéo quần đâm đầu mà chạy vô nhà. Bữa sau má không cho ngồi hóng chuyện ma nữa nhưng vẫn cứ lén lút nghe.
Nhưng chuyện má sợ ma còn tức cười hơn. Bữa đó má không chờ lấy nước mà đi ngủ sớm để khi gà gáy canh một dậy đi lấy. Má kêu tôi dậy cùng đi. Nghĩ không có ai giờ đó còn thức nên khi thấy bóng người cứ chập chờn phía trước, mỗi lúc một gần chúng tôi, má đặt đôi thùng xuống, cầm chặt đòn gánh trên tay. Có tiếng gì hự hự giữa khuya nghe thiệt dễ sợ. Cái bóng tới vừa tầm cái đòn gánh là má vừa nói vừa lia mạnh đòn gánh sát mặt đất: Tui chỉ đi gánh nước, là người hay ma thì cũng tránh đường cho tui đi. Tôi muốn đứng cả tim khi nghe tiếng la trời: Tui đây mà thím Tám, thôi chết tui rồi! Má vẫn cầm chặt đòn gánh đến sát người vừa la. Thì ra là ông Hai tri đề ở xóm dưới. Quen với việc đi canh nước vào ruộng cho làng bao nhiêu năm nay, tới giờ đó là ông thức dậy đi quanh ruộng dù chẳng có miếng nước nào để mà trổ (nước). Má vừa cười vừa còn run, xin lỗi: Răng chú không lên tiếng, con sợ ma nên lia đòn gánh thử có chưn không, may là gặp chú. “May cái nổi chi, thím phang chi mạnh rứa, ống quyển tui muốn bể luôn đây”. Sau này mỗi khi ngồi nhớ lại chuyện này tôi cứ nhớ cái cách má cầm chặt đòn gánh mà lia vào chân người ta, sợ run người mà trông hùng dũng y như vai diễn Hớn Minh tôi đã xem trên sân khấu xã.
Mùa hạn người lớn lo thắt ruột thì bọn trẻ con chúng tôi vẫn cứ nhởn nhơ như thường. Buổi sáng cho trâu vào hố núi ăn cây lá vì cỏ ngoài đồng khô trụi cả rồi. Trưa thì rủ nhau lấy cây củi vót nhọn đi ghim bẹ tre khô về chụm. Chiều tối nghe có gió hây hây ngoài đồng là chạy ra lăn mình trên những đám ruộng khô nẻ mà chơi đủ trò của con nít. Mùa hạn mặt trời lặn sau núi Chúa rồi mà không gian vẫn còn sáng. Ráng phủ đầy một lớp ánh sáng màu cam trên cánh đồng khô nẻ trông đẹp một cách… điêu đứng. Má tôi nói tôi cứ thấy những cái đẹp khổ sở như vậy thì sẽ khổ cả đời! Chẳng biết có đúng không nhưng mặc kệ, tôi cứ thích nằm giữa ruộng ngửa mặt lên trời cho đến khi tối hẳn mới trở về…
Sau bao nhiêu năm lăn lộn với cuộc mưu sinh, giờ tôi mới hiểu được những nổi khổ ải, lo sợ của má ngày ấy. Người lớn còn chịu được, chứ bọn trẻ thiếu nước kéo dài thì sẽ ra sao, không khéo sinh bịnh hết. Rồi lo cái đói suốt 3 tháng kế tiếp nữa… Mà thật ra, ở cái vùng trung du heo hút nghèo như quê tôi, mùa hạn hay mùa mưa bão đều khổ như nhau. Trước mặt là sông, là biển, sau lưng là rừng, cứ ngỡ bước một bước là đến nơi có vàng có bạc nhưng quanh năm suốt tháng hầu như không ai đi ra khỏi những mảnh ruộng cằn cỗi của mình. Khắp nơi người ta thay đổi thì quê tôi vẫn cứ như vậy, khốn khổ và thơ mộng. Sau cái năm hạn khủng khiếp đó má tôi cũng đã mời thầy về tìm chỗ đào giếng ngay trong vườn nhà. Nhờ thầy giỏi, tìm đúng long mạch gì đó, đào xuống 7 thước là thấy nước. Nước ngọt và trong veo, không phải nửa đêm sợ ma cũng phải dọ dẫm đi vét nước nữa.
Bây giờ thì ở quê tôi đã có đập, có mương, có nước cho mùa cày cấy. Mùa hạn, mặt đồng Xe Loan cũng không còn kẻ ngang kẻ dọc như năm nào. Nhưng những hình ảnh của mùa hạn năm ấy tôi không bao giờ quên được. Tuổi ấu thơ cứ vô tư đi qua những nhọc nhằn, vất vả, mà cũng đã biết lo lắng gì đâu mà thấy vất vả. Cả làng ai cũng như nhau, có thấy ai sướng đâu mà biết mình khổ. Vẫn có nhiều trò để vui. Ăn bát canh rau má nhổ ven đường đắng ngắt với mấy củ khoai lang mà thấy ngon mới kỳ. Xa quê rồi, có lúc quay quắt nhớ quê, thật lạ là nhớ nhiều nhất vẫn là cái mùa hạn xanh trời trắng đất ấy!
THU AN
 Ngày đăng: 25/03/2005
 

Xem Tiếp: ----