Lời Người Dịch:
Truyện ngắn sau đây, "1963 / 1982 Nen No Ipanema-Jô", ra mắt người đọc trong tạp chí "Torefuru - Trefle" khoảng 1981 - 1983, là truyện thứ 8 trong tuyển tập "Ngày Đẹp Trời Để Xem Kangaroo - Kangaruu Hiyori". 
 
°
 "Thân hình thon gọn, da rám nắng
tươi trẻ, xinh đẹp,
nàng Ipanema bước đi trên bãi cát.
Nàng bước theo nhịp Samba
uốn éo thanh tú
uyển chuyển mềm mại.
Tôi muốn nói yêu nàng
Tôi muốn dâng nàng trái tim tôi
Nhưng nàng chẳng để ý đến tôi
chỉ nhìn ra biển xa mà thôi" [1]
Năm 1963, Nàng Ipanema đã đăm đắm nhìn ra biển xa như thế. Và bây giờ, Nàng Ipanema năm 1982 cũng vẫn đăm đắm nhìn ra biển xa như thế. Nàng vẫn còn phong kín trong hình ảnh ấy, âm thầm phiêu du trong biển cả thời gian. Giả thử nếu nàng phải già đi, hẳn giờ nầy đã gần bốn mươi rồi. Tất nhiên, tuy cũng rất có thể nàng không già đi đến như thế, nhưng hẳn là nàng cũng không còn thon gọn, mà da cũng không còn rám nắng như thế nữa đâu. Có thể giờ nầy nàng đã có đến ba đứa con, và nắng đã làm hư da nàng rồi. Nghĩa là, có thể nàng trông vẫn còn đôi phần quyến rũ, nhưng không còn tươi trẻ như 20 năm trước nữa.
Dù thế, trong đĩa hát thì dĩ nhiên nàng chẳng già đi tí nào. Trong tiếng kèn Tenor Sax êm như nhung của Stan Getz, nàng mãi mãi là nàng Ipanema 18 tuổi, thanh tú, hiền dịu. Tôi chỉ cần đặt đĩa nhạc lên máy quay đĩa, cho kim chạy trên đĩa nhạc, là nàng hiện ra với tôi ngay.
"Tôi muốn nói yêu nàng
Tôi muốn dâng nàng trái tim tôi"
Mỗi lần nghe đĩa nhạc nầy, tôi lại nhớ đến hành lang trường trung học. Mờ tối, hơi ẩm thấp. Hành lang trường trung học đấy. Trần cao, bước đi trên sàn xi-măng nghe vang lên tiếng giày "cồm cộp". Phía bắc có vài khung cửa sổ, nhưng ép sát bên cạnh là núi, nên hành lang trường trung học lúc nào cũng mờ tối. Và thường vắng lặng. Ít nhất thì trong trí nhớ của tôi, hành lang trường trung học thường vắng lặng như thế.
Tại sao mỗi lần tôi nghe bản nhạc "Nàng Ipanema" lại nhớ đến hành lang trường trung học, thì tôi chẳng rõ. Chẳng thấy lý do mạch lạc nào cả. Chẳng biết Nàng Ipanema của năm 1963 đã ném hòn cuội nhỏ nào xuống lòng giếng ý thức của tôi rồi?
Mà nói đến hành lang trường trung học là tôi lại nhớ đến món xà-lách trộn đủ thứ rau. Có xà-lách, cà chua, dưa leo, ớt xanh, măng tây, có hành tây xắt lát, và có dầu-trộn-xà-lách màu hồng Southern Island Dressing. Tất nhiên chẳng phải cuối hành lang trường trung học có quán chuyên bán món xà-lách trộn ấy đâu. Cuối hành lang trường trung học chỉ có cánh cửa, sau cánh cửa là hồ bơi 25 thước chẳng có gì đặc biệt.
Không hiểu tại sao hành lang trường trung học lại làm tôi nhớ đến món xà-lách trộn ấy nhỉ? Điều nầy lại chẳng có lý do mạch lạc gì cả. Món xà-lách trộn gợi tôi nhớ lại người con gái tôi quen ngày trước. Mà liên tưởng nầy thì có lý do thông suốt. Bởi cô bạn ấy lúc nào cũng chỉ ăn mỗi món xà-lách trộn mà thôi.
-"Đã rau ráu làm xong rau ráu bài tập rau ráu tiếng Anh chưa?"
-"rau ráu chưa rau ráu. Vẫn còn rau ráu một tí".
Tôi cũng thuộc loại thích ăn rau trái, nên hễ gặp mặt cô ấy là chỉ ăn rau trộn như thế mãi thôi. Cô ấy là người sùng tín, tin chắc rằng cứ ăn rau trái thật nhiều và cân-bằng vào thì mọi chuyện sẽ song suốt. Chỉ cần mọi người ăn rau trái đều đều là thế giới sẽ hoà bình tốt đẹp, mọi người khoẻ mạnh và tràn đầy tình yêu thương. Nghe cứ như là "Bạch thư Tuổi hồng" vậy.
-"Ngày xửa ngày xưa". Triết-gia nào đấy đã viết. -"đã có thời đại mà vật chất và ký ức đã ngăn cách nhau bởi hố-thẳm hình-nhi-thượng".
Nàng Ipanema năm 1963 / 1982 vẫn tiếp tục bước đi im lìm trên bãi cát nóng bỏng hình-nhi-thượng ấy. Bãi cát rộng mênh mông, những đợt sóng trắng bạc êm đềm mơn trớn không ngừng. Hầu như hoàn toàn lặng gió. Chẳng nhìn thấy gì trên đường chân trời cả. Chỉ có mùi nồng mặn của biển. Mặt trời toả nóng gay gắt.
Tôi nằm dài dưới cây-dù-che-nắng lớn, lấy lon bia từ hộp đông-lạnh, rút khoen mở bia ra. Đã uống mấy lon rồi nhỉ? 5 lon, 6 lon? Chẳng sao cả. Rồi cũng biến thành mồ hôi mà thoát ra ngay ấy mà.
Nàng vẫn tiếp tục bước đi trên cát. Hai mảnh áo tắm bikini màu tươi chói ôm dính khít khao tấm thân thon gọn rám nắng.
-"Chào em". Tôi thử gọi nàng.
-"Chào anh". Nàng nói.
-"Em uống bia nhé?". Tôi dụ nàng.
-"Được quá chứ". Nàng nói.
Thế là hai đứa cùng uống bia dưới cây-dù-che-nắng.
-"Nầy em". Tôi nói. -"Đúng là năm 1963, anh cũng đã gặp em rồi đấy. Cùng chỗ nầy mà cũng cùng giờ nầy nữa".
-"Chuyện xưa quá rồi nhỉ".
-"Đúng thế".
Nàng uống một hơi nửa lon, rồi nhìn đăm đăm vào lỗ khoen mở rộng trên lon bia.
-"Nhưng mà, có thể đã gặp nhau thật chứ nhỉ. Năm 1963 à? Xem nào, năm 1963 thì … Ừm, có thể đã gặp nhau năm ấy rồi".
-"Em có vẻ chẳng thay đổi gì cả". Tôi nói.
-"Chứ em là cô gái hình-nhi-thượng mà lại".
-"Khoảng ấy, em có để ý gì đến anh đâu. Chỉ nhìn ra biển xa mãi thôi".
-"Có thể lắm". Nàng nói. Rồi cười lớn. -"Nầy anh, em xin lon bia nữa, được không?"
-"Được chứ". Tôi nói, và mở khoen lon bia cho nàng. -"Em vẫn bước đi trên bãi biển suốt từ ngày ấy đấy nhỉ?".
-"Chứ sao".
-"Gót chân em không bị bỏng sao?". Tôi ái ngại.
-"Chả sao. Bởi gót chân em cũng là cấu tạo hình-nhi-thượng mà. Muốn xem không?"
-"Ừ".
Nàng duỗi đôi chân thon dài, cho tôi xem gót chân nàng. Quả thật là gót chân hình-nhi-thượng tuyệt đẹp. Ngón tay tôi chạm nhẹ lên đấy. Không thấy nóng, cũng không thấy lạnh. Ngón tay tôi chạm lên gót chân nàng, nghe có tiếng sóng vang nhẹ dịu dàng. Cho đến tiếng sóng cũng ra vẻ hình-nhi-thượng nữa.
Nàng và tôi im lặng uống bia. Mặt trời chẳng dời đi một li nào. Ngay cả thời gian cũng ngừng lại. Tất cả như bị cuốn hút vào sâu trong một tấm gương.
-"Mỗi lần nghĩ đến em, anh lại nhớ đến hành lang trường trung học đấy". Tôi nói. -"Sao thế nhỉ?"
-"Bản chất của con người là tính liên-hợp đấy anh". Nàng nói. -"Đối tượng của khoa học về con người không phải ở khách-thể, mà là chủ-thể được bao bọc bên trong thân thể đấy chứ".
-"Hừm".
-"Dù sao đi nữa, hãy cứ sống đi. Sống. Sống. Sống. Chỉ có thế. Em cũng chỉ là cô gái có gót chân hình-nhi-thượng mà thôi". 
Nói xong, Nàng Ipanema năm 1963 / 1982 phủi cát dính trên đùi, rồi đứng lên.
-"Cảm ơn anh đã cho uống bia".
-"Có gì đâu em".
°
Thỉnh thoảng tôi lại gặp nàng trong toa tàu điện hầm. Mỗi lần như thế, nàng lại gửi đến tôi nụ cười <Cảm ơn anh đã cho uống bia ngày ấy>. Từ ngày ấy, tuy hai đứa không còn dịp nói chuyện với nhau nữa, nhưng vẫn cảm thấy nối liền được với nhau ở đâu đó trong lòng. Tôi không rõ nối liền với nhau từ đâu. Nhưng hẳn là ở một nơi nào đấy trên thế giới xa xôi có điểm nối kỳ diệu ấy. Và từ điểm nối ấy lại có dây liên-hợp đến hành lang trường trung học và món xà-lách trộn và cô bạn "Bạch thư Tuổi hồng" theo chủ nghĩa ăn rau trái. Nghĩ như thế lại thấy lòng mình dấy lên những hoài niệm về nhiều sự vật, nhiều việc đã qua. Có cảm giác mình sẽ gặp mình ở nơi kỳ diệu nào đấy trên thế giới xa xôi. Và mong rằng nếu được thì nơi ấy sẽ ấm áp cho mình. Và nếu nơi ấy có thêm vài lon bia ướp lạnh sẵn thì không còn gì để nói nữa. Ở đấy, tôi là mình, mình là tôi. Giữa hai thực thể ấy sẽ không còn thứ khe hở nào cả. Nơi chốn kỳ diệu ấy chắc chắn phải có ở đâu đấy.
Nàng Ipanema năm 1963 / 1982 ngày hôm nay vẫn còn tiếp tục bước đi trên bãi cát nóng. Cho đến khi đĩa nhạc cuối cùng mòn vỡ, nàng vẫn không ngừng bước đi.
Phạm Vũ Thịnh dịch 
Sydney, 10-2004
Cước chú:
[1] Bài hát "The Girl from Ipanema" thịnh hành khoảng thập niên 60, nhạc và lời Vincius De Moraes & Antonio Carlos Jobim, lời tiếng Anh của Norman Gimbel, đĩa Saxo của Stan Getz, 1964.
 

Xem Tiếp: ----