Hai mẹ con đã đi hết con đường. Buổi chiều, gió lồng lộng thổi suốt bến sông. Nắng đã dịu hẳn, trên mấy chiếc ghế đá dọc theo bờ kè rải rác người ngồi. Một vài người già, một hai cặp tình nhân. Có lẽ họ ra đây hóng gió. Cũng phải thôi. Thành phố ngày càng đông đúc, không khí ô nhiễm ngột ngạt, phải có lúc hít thở không khí trong lành chứ.
- Mẹ ơi, hàng cây  trồng bên bờ kè này là cây gì vậy?
- Cây viết rừng đó con. Con có thấy cây đang ra trái đầy cành đó không. Trái hình giống mũi viết nhọn nên thành tên đó.
Đứa con gái 17 tuổi gật gù. Đã bao giờ nó về quê đâu, vì vậy trong mắt nó cái gì cũng lạ lùng, mới mẻ. Người phụ nữ tóc hoa râm, nhìn đứa con gái đang phơi phới tuổi xuân tự nhủ: Thật hay là mình đã đưa con bé về cùng lần này. Bởi tuy sinh ra nơi đất khách, tuy tiếng Việt nói lơ lớ nhưng làm sao mình có thể để nó lớn lên đứt lìa với cội rễ được. Bởi cuối cùng, sao bao năm mình vẫn "lá rụng về cội" đó thôi.
Đứa con gái chừng như đã mỏi chân, nũng nịu:
- Ngồi xuống một chút đi mẹ ơi. Cái bờ kè mẹ yêu thích này sao dài quá!
- Ừ, nhưng mà nó thật đẹp, phải không?
Người phụ nữ nói với con gái mà như tự nói với mình. Từ lúc hai mẹ con đặt chân lên con đường này, chị không còn quan tâm đến gì khác. Trước mặt chị, trong đôi mắt sâu thẳm của chị chỉ còn con đường dọc bờ sông này. Ôi, con đường ngày xưa của chị đây mà. Vậy mà sao khác lạ biết mấy! Một bờ kè kéo dài suốt con đường, lượn lờ, uốn khúc thật duyên dáng, tuyệt vời như một giấc mơ. Hàng cây viết rừng mọc dài từng khoảng, từng khoảng xanh rờn, xum xuê như đang phập phồng nhịp thở theo con nước lớn, nước ròng trên dòng sông. Hàng cây xanh như lá phổi của thành phố đang gạn lọc, đào thải khí độc để thở ra từng luồng hơi trong lành, tinh khiết.
Trong khi đứa con gái nhìn quanh, nhìn quất, chị phụ nữ như càng lúc càng chìm sâu vào hồi ức của mình. Chị nhớ lại, nhớ lại...
Mặt sông buổi sớm mờ sương, con đò từ từ cập bến. Cô gái chèo đò chỉ cần quẫy vài mái chèo là đã sang bên này sông. Vậy mà những chuyến đò sớm lúc nào cũng đầy ắp người. Bởi nếu không qua đò ngang thì mọi người phải đánh một vòng xa từ con đường đất nhỏ bên kia đến cây cầu đôi bắc ngang mút con đường này. Đông nhất trên chuyến đò ngang vẫn là đám học trò. Và chị, cô gái trẻ ngày ấy hôm nào cũng đứng chờ anh bạn trai của mình trên bến. Cô gái đi ra từ căn nhà lụp xụp trong con hẻm gần đó để đợi bạn và cả hai sẽ cùng sánh bước đến trường, hai ngôi trường cũng kế cận nhau trên cùng  một đường dành riêng cho học trò nam và nữ trong thành phố.
Cô gái chờ không lâu. Hôm nào anh bạn cô cũng đi học rất đúng giờ. Nhà câu cũng nghèo lắm, tít trong xóm nhỏ bên sông. Ba má cậu đi làm hồ, bữa đói bữa no, cố gắng cho hai anh em đi học được lúc nào hay lúc ấy. Hè vừa qua anh cậu mới thi xong bằng trung học đệ nhất cấp đã nghỉ học đi làm tiếp gia đình, chỉ còn cậu được học tiếp lên bậc đệ nhị cấp. Anh cậu nói:
- Hai anh em học cùng lớp mà em lúc nào cũng giỏi hơn. Thôi thì em ráng học, sau này đỡ cực khổ.
Cùng cảnh ngộ, lại cùng đi chung đường nên cô cậu quen nhau. Cả hai đều chăm học, đều mơ ước một tương lai sáng sủa hơn. Họ rất "tâm đầu ý hợp". Đó là những ngày thật đẹp, thật nên thơ như chính tuổi trẻ trắng trong của họ.
Người phụ nữ thở dài. Chị không muốn nhớ thêm. Gió chiều càng lúc càng lạnh khiến chị rùng mình, khép chặt chiếc áo khoác vào người. Chị quay sang con gái:
- Thôi, mình về con, mẹ thấy hơi lạnh.
Đêm ấy khi đứa con gái đã ngủ say, chị lại thơ thẩn một mình trước sân khách sạn. Lòng cứ nhắc: Đừng nhớ! Không được nhớ! Tất cả đã qua rồi, qua lâu lắm rồi. Cả những ngày tháng đẹp đẽ, cả những ác mộng nhớp nhúa. Phải quên, quên hết đi! Nguy hiểm lắm, chẳng ích lợi cho ai, chẳng ai có thể quay đầu lại kia mà...
Nhưng, bờ kè xanh lại hiện ra trước mắt, diện mạo con đường có đổi khác, tên đường cũng thay đổi, tưởng như mọi thứ đã xóa nhòa, bao nhiêu nước đã chảy qua cầu rồi từ ngày đó. Vậy mà, chị không thể chạy trốn chính mình. Giống như cô gái nghèo khổ ngày nào, nhìn xuống đôi bàn tay đen nhẻm bụi than, đêm nay chị cũng run sợ, cũng ray rứt như một đêm nào xa, xa lắm...
- Con học bấy nhiêu đủ rồi. Nhà mình túng bấn quá, cái nghề bán than của nhà ta chắc khó bề sống nổi. Bây giờ người ta nấu rề-sô, xài dầu lửa cho sạch gọn cả.
- Nhưng con mới xong tú tài một mà?
- Thôi đi con, mẹ nghe nói thi tú tài đôi khó lắm. Chắc gì đậu. Lại mất thêm một năm!
- Hay để  con kiếm chỗ làm thêm buổi tối?
Vậy rồi, chị đã xiêu lòng. Nghe lời ba má, chị vào làm trong một công ty. Công việc bàn giấy nhẹ nhàng, chỉ chạy lặt vặt, bưng trà, rót nước vậy thôi. Lúc đầu, chị cũng có tiếc việc học hành dang dở, dần dần mỗi ngày qua chị lại thấy như vậy hóa hay. Cứ nhìn ba má chị hằng ngày ngồi bên lề đường, cân từng ký than cho khách, tay chân, mặt mày lem luốc mà não lòng. Những cần xé than mà ba chị phải đến tận lò than Cái Côn chở về hoặc nhận từ các ghe than miệt Cà Mau lên. Ba chị thường kể:
- Đốt một lò than cực lắm. Hàng mấy tuần liền, không biết coi lửa than sẽ sống, khi cháy khói mù mịt, cay xé mắt. Còn than chín sẽ bay lên khói trắng, cháy đượm, nấu gì cũng ngon, đặc biệt nếu đó là than đước.
Nói gì thì nói, cái nghề bán than sao mà khổ sở, lầm than! Vậy mà đâu phải chỉ có gia đình chị. Cả một dãy đường dọc bờ sông đều tập trung vào cái nghề này, người dân thành phố muốn mua than là tìm đến đây. Con đường đã là con đường than đó thôi. Mới hôm qua đây, đi trên con đường cũ, sau bao năm xa xứ, chẳng phải hai mẹ con vẫn còn thấy những đống than, những cần xé than đen nhẻm chất rải rác đó sao. Một chị ngồi ngóng khách đã trả lời câu hỏi của chị:
- Bây giờ ít than đước lắm bà ơi. Phần đông người ta xài bếp ga, bếp dầu. Họa có nấu món gì đặc biệt, nướng thịt nướng thà gì mới dùng than. Thường chúng tôi bán nhiều cho các nhà hàng, mấy phố nướng, làng nướng gì đó, mà cũng là than tạp thôi, ít có than đước lắm.
Ôi, cô gái bán than! Cô đã đi nửa vòng trái đất về đây. Vậy mà đứng trước con hẻm cũ, cô không dám bước vào dù bây giờ có lẽ chẳng ai còn nhận ra cô. Tại sao cô cứ thấy mình trở lại y hệt con bé ngày nào, nghèo khổ, sợ sệt, đầy mặc cảm tự ti. Và càng mặc cảm hơn khi đứng trước anh bạn trai lúc đó đã trở thành người yêu đầu đời của cô. Vị ngọt mối tình mới chớm không mấy chốc đã thành đắng nghét trên môi. Chàng trai nghèo bên sông vẫn đi học, đỗ đạt rồi thi vào trường sư phạm. Anh ta cứ ngẩng cao đầu mà đi trên con đường mơ ước của mình. Anh không hề trách cô vì cô không vững lòng, anh còn nhiều lần an ủi cô:
- Người nào cảnh nấy. Thôi để anh học cho hai đứa mình vậy. Em ráng đợi, có ngày mình sẽ được sống bên nhau...
Và, cuộc đời không như chuyện cổ tích. Cái ước mơ đó chỉ là ảo tưởng. Đi làm mới vài năm, cô gái đã thay đổi. Cô bắt đầu "ăn trắng mặc trơn", da dẻ mịn màng hơn, mắt liếc sắc hơn, ăn nói cũng dạn dĩ trôi chảy hơn... Quan trọng nhất là cô gái ấy bây giờ rất sợ nghèo, sợ khổ, sợ bàn tay lem lấm bùn than. Ôi, chỉ nghĩ cảnh đời đã qua, sáng sáng bưng than ra, trưa trưa ngồi cân từng ký than tiếp mẹ mãi đến chạng vạng tối mới dọn hàng về, bước vào con đường hẻm cũng tối tăm mù mịt mà cô giật thót cả mình, lạnh toát mồ hôi.
- Em... Em xin lỗi. Rồi anh sẽ gặp một cô gái khác tốt hơn...
Những lời sáo mòn được nói ra như mở một đoạn băng cassette ấy chính là lời chia tay của cô gái "đổi dạ thay lòng" trên bến sông quen thuộc, cái bến sông hiện có bờ kè lượn quanh, chị vừa ngơ ngẩn chiều nay. Cái bến sông đã bao lần cô gái đứng đợi bạn với tâm hồn tươi sáng, trong veo. Cô gái đã chết từ những lời nói rỗng tuếch, thốt ra "cho xong chuyện" ấy.
Rồi, cô đi lấy chồng, lấy chính con trai ông chủ công ty. Cô thực sự "đổi đời" được rồi, cơn ác mộng về cái nghèo, cái đói không đeo đẳng cô nữa, bến đỗ đã thực sự an toàn cho cô chăng?
Người phụ nữ đứng trong sân khách sạn chợt rùng mình. Chị lắc đầu thở ra. Thôi, không nhớ nữa. Mai mình còn phải dẫn con bé về quê nội. Mai, con mình sẽ được ra mắt bên nội nó. Chị đã hứa cùng anh, người cha thân thương của đứa con gái chị:
- Anh cứ yên tâm. Mẹ con em sẽ ổn thôi. Em sẽ đưa con về quê nhận bà nội, nhận mặt họ hàng. Em sẽ xứng đáng với tình nghĩa, với tấm lòng yêu thương của anh.
Nhìn con gái nằm trên giường, lòng chị lại nao nao. Con bé giống hệt ba nó, khi ngủ thật hiền. Mong sao lớn lên con bé cũng nhân hậu, chu đáo như cha nó. Nhớ đến anh, lòng chị đột nhiên nhẹ nhàng, yên tĩnh trở lại. Biết bao lần chị nghĩ mình thật may mắn khi gặp được anh, người chồng thứ hai của chị. Những ngày bơ vơ nơi đất khách quê người, nếu không có anh thì...
Cái giá mà cô gái bán than phải trả để "đổi đời" thật đắt. Sau một thời gian, đứa con trai đầu lòng với người chồng giàu có vừa bập bẹ thì đất nước đổi thay, chồng cô "tếch" ngay sang nước ngoài, vội vã đến nỗi bỏ lại hai mẹ con. Mấy năm sau tin tức nhắn về, anh ta hứa sẽ làm thủ tục rước vợ con sang sum họp. Rồi những ngày khổ cực kéo dài, hy vọng càng mòn mỏi. Đến lúc cô được bảo lãnh thì con trai đã hơn mười tuổi. Oái ăm hơn là anh ta rước mẹ con cô sang Mỹ để nói một câu thật lạnh lùng ngay khi vừa gặp mặt:
- Thủ tục bảo lãnh anh làm lâu lắm rồi. Thời gian chờ đợi dài quá... Em thông cảm, anh sẽ chu cấp cho hai mẹ con...
Và, tất cả chỉ có vậy. Anh chồng cô đã có hẳn một gia đình mới, hoàn toàn không quan tâm gì đến cô. Những lời giả lả cốt để cô khỏi làm rùm beng lên đó thôi. Mà làm sao một phụ nữ lạc lõng trên xứ lạ như cô lại có thể làm gì được chớ?
Người phụ nữ nhìn xuống đứa con gái đang nằm ngủ. Chị thì thầm: Con không biết ba con đã tốt thế nào với mẹ đâu. Ngay lúc mẹ cô đơn, sợ hãi, chính ba con bằng tình đồng hương đã giúp đỡ, cưu mang mẹ và anh con, rồi cũng chính ba con đã yêu thương an ủi mẹ để có con ra đời. Con gái bé bỏng, sự có mặt của con trên cõi đời này đã giúp mẹ rũ sạch tội lỗi, giúp mẹ lấy lại lòng can đảm để tiếp tục sống.
Thoáng cái đã mười mấy năm trôi qua. Chị cúi xuống hôn nhẹ lên trán con gái, nhẹ tay kéo mền tận ngực cho con, lòng vẫn mênh mang nỗi đau, nỗi nhớ. Anh đã bỏ chị sau một cơn bạo bệnh mới năm trước đây. May mà chị còn có hai đứa con. Thằng con trai lớn không vô tình như cha nó, tuy đã lập gia đình, đã sống riêng những vẫn ở rất gần chị. Còn đứa con gái muộn mằn này đây chính là món quà trời cho dành cho chị. Chị còn mong muốn gì hơn!
Người thiếu phụ nằm xuống bên con gái, mắt cứ mở trao tráo trong đêm. Quá khứ như cuộn phim quay chậm cứ lần lượt, lần lượt lướt ngang qua. Bến sông, con hẻm, mái nhà lá tồi tàn, những vụn than bám đen trên tay một thời con gái... Rồi từng cơn giông bão, từng cơn quay quắt tâm hồn. Những ngày ảm đạm chán chường trên đất khách quê người, những niềm an ủi... Tất cả tất cả như trở về cùng chị từ một bờ kè xanh lộng gió buổi hoàng hôn. Tất cả như vây kín chị, bắt chị không được hèn nhát trốn chạy, không được giả bộ làm ngơ trước những lầm lỗi của mình.
Người phụ nữ lại bắt gặp mình đứng trên bến sông. Sáng hôm qua chị vừa đưa đứa con gái lên máy bay về Mỹ.
- Con nói với anh Hai ít hôm nữa mẹ về. Mẹ đã xin gia hạn vé rồi.
- Chừng nào mẹ về? Sao bỗng dưng...
- Có gì đâu. Dì Hiếu rủ mẹ ở lại ăn Tết mà. Lâu lắm mẹ chưa ăn Tết quê nhà. Có cần gì con chạy qua anh Hai, được không?
- Tất nhiên rồi. Nhưng điều gì khiến mẹ đổi ý nhanh vậy?
Ừ, điều gì khiến chị nấn ná chốn này, nơi chị chẳng còn ai thân thiết? Bản thân chị cũng không tin mình ở lại vì bạn bè. Cái cô bạn tên Hiếu ấy đúng  là có mời chị ở lại. Cô còn sốt sắng giúp tìm một chỗ ở thật dễ thương, một căn phòng nhỏ, giá rẻ để chị thoải mái sống vài tuần lễ. Nhưng cô cũng chỉ là đồng nghiệp cũ làm chung công ty ngày trước. Vậy thì tại sao?
Nhưng mà, gió lại lồng lộng thổi dọc bờ kè xanh, xanh đến ngút mắt bởi hàng cây viết tỏa bóng trên bờ sông. Mấy đứa trẻ chạy lên chạy xuống các bậc thang thoai thoải dẫn xuống bờ sông. Vài bà mẹ ngồi yên tĩnh trên mấy cái băng đá gần đó dõi mắt canh chừng con. Buổi chiều trên quê nhà thật êm ả, thật bình lặng làm sao! Cái êm ả, tĩnh lặng khiến mắt cứ cay cay, lệ cứ muốn trào ra. Chị hít thật sâu, thật đầy lồng ngực như đã tự lâu rồi chị không được hít thở đầy tràn như thế. Mùi hơi nước, mùi cây cỏ ngai ngái nồng nồng cứ ùa vào hơi thở, rất quen, rất nồng như ngày nào xa, xa lắm. Ngày xưa, mỗi lần đứng trên phà băng ngang sông Hậu, chị vẫn hít thở đầy phổi cái mùi hăng hăng quen thuộc này, thứ mùi vị không lẫn vào đâu được của vùng quê sông nước. Hay vì vậy mà chị muốn ở lại đó chăng? Chị vuốt mái tóc rối tung vì gió, mỉm cười một mình. Không, chắc là không đâu! Nhưng sao mắt chị cứ ngóng về bên kia sông, như mong một dáng người thân thuộc hiện ra trên con đường đất nhỏ giờ đã tráng xi măng, và... một con đò đang chầm chậm lướt sang đây. Một chuyến đò ngang đầy ắp tiếng cười, chở theo bóng ai đi suốt bao tháng năm của cuộc đời chị. Và, chở cả một tuổi xuân thì mơn mởn như cỏ cây đang bước vào xuân như buổi chiều này, như bến sông này hôm nay.
Thật đáng đời cho mày. Cái tiếng nói ấy lại vang lên. Mày đã đi thật xa, thật lâu, lâu đến hơn nửa đời người, xa đến nửa vòng trái đất. Vậy mà trên bến sông này, bên bờ kè xanh thắm đẹp đẽ của thành phố quê nhà này mày mãi mãi là con bé bán than nghèo nàn, nhớp nhúa thuở nào đã tháo chạy, chạy cuống cuồng không dám quay đầu lại phía sau. Đã đến lúc mày phải nhìn lại, không bằng con mắt ngu xuẩn khờ khạo tuổi trẻ mà với con mắt bây giờ, đau đáu, xót xa, sâu lắng của "bóng xế chiều tà". Có vậy mày mới có thể đứng đây nghe gió mùa xuân thổi trên hàng cây, ngắm nhìn cuộc sống đang trải ra kỳ diệu, bình thản trong chiều về, cảm nhận từng hơi thở phập phồng nồng ấm của vùng đất quê nhà...
Đứng lặng bên bờ sông, người phụ nữ như pho tượng lẫn trong hoàng hôn. Chị cảm thấy nhẹ lòng, chỉ còn thoáng một  chút bâng khuâng. Hình như chị đã biết vì sao mình còn nắm níu nơi này. Và cũng biết mình sẽ rời xa nó, một ngày rất gần.
Trước mắt chị, bờ kè vẫn trải dài, phơi mình đón màn đêm. Một bờ kè xanh thẳm, lượn lờ uốn khúc ôm lấy dòng sông tuyệt vời như một giấc mơ... Và, mùa xuân dường như đang lấp ló ngoài cửa, đang vẫy gọi những vì sao nhấp nháy nhấp nháy trên bầu trời.
NGUYỄN NGỌC TUYẾT

Xem Tiếp: ----