Vân có bầu, đó không chỉ là niềm vui của vợ chồng cô. Ông bà nội "thằng cu" (như họ vẫn mong) nóng lòng được bồng con của con trai út. Với họ, đó là niềm vui cuối cùng đang tới trước khi từ giã thế giới đầy ánh sáng này. Tưởng tình duyên đã trôi khi tuổi băm đóng những đường hằn không mong đợi trên má con gái, giờ mẹ Vân chuyển nỗi lo lặng lẽ thành niềm vui ngời trên nét mặt. Theo lời mẹ, Vân thấy người mang bầu có nghìn lẻ một điều kiêng kỵ. Dường như từ đi đứng, ăn nói, làm việc của người sắp làm mẹ đều được cổ nhân đúc thành bài từ xửa xưa. Duyên, em gái Vân nhưng đã có hai con, nhìn cái bầu hạnh phúc của chị lè lưỡi, lắc đầu: "Nghĩ tới cảnh nuôi con nhỏ, em lạnh xương sống". Vân chống chế: "Hoang sớm như cô, phí đời". Cô em cười phá lên: "Suýt thành bà cô còn nói dóc - Chợt giọng cô chùng xuống - Nếu chị đến với anh Tùng, chắc giờ con lớn rồi nhỉ". Cô em vô tình khơi lại mối tình đầu đã niêm phong trong lòng Vân.
Hai người yêu nhau khi Vân vào năm đầu đại học kinh tế, Tùng năm cuối học viện Quân y. Đồng hương gặp nhau nơi xa, tình yêu đến với họ trên chuyến tàu cùng về quê ăn Tết. Vân nhớ mãi hình ảnh anh bộ đội khoác ba lô, ôm cành đào hăm hở trong cái rét cuối đông trên sân ga Hà Nội năm ấy. Suốt những ngày tháng có nhau, chưa một lần Vân có dịp hãnh diện trước bạn bè khi được người yêu đón đưa nơi cổng trường. Ngày chủ nhật, chẳng phải bao giờ chàng học viên quân y cũng có giấy ra cổng để bao lần Vân phấp phỏng chờ rồi thất vọng. Cùng sinh viên nhưng Tùng chẳng có được giờ giấc co giãn mênh mông như bọn Vân. Đi chơi với nhau, dù quyến luyến đến đâu anh cũng không thể quá chín giờ. Có lần cùng đi mừng sinh nhật bạn, chiều Vân, anh về trễ, bị vệ binh giữ lại. Nhìn Tùng đứng nghiêm, nghe anh trực ban nhắc nhở với những lời nặng nề, Vân thấy thương anh, thương mình. Thôi thì, sau này thành bác sĩ sẽ khác - Vân tự an ủi. Ra trường, cùng được làm việc ở thành phố quê hương, Vân đinh ninh mọi cách xa đã hết. Nhưng nỗi nhớ, niềm mong của cô vẫn dài theo những ngày xa anh. Là bác sĩ của bệnh viện tuyến cuối quân khu, Tùng thường được tăng cường cho cơ sở hoặc đi khám chữa bệnh cho đồng bào nơi biên giới, hải đảo. "Được đi cũng thích lắm em ạ" - Tùng thường bình về những chuyến công tác vất vả đến hao người của mình bằng câu ngắn như thế. Và theo đó là bao chuyện về những nơi mà người lính rất cần những thầy thuốc như anh. Hôm nghe Tùng báo vừa nhận quyết định đi làm chủ nhiệm quân y một trung đoàn ở biên giới, Vân sững sờ. Cô nén lòng, lặng nhìn nhưng không thấy buồn phảng phất trên nét mặt, giọng nói của anh:
- Thật ra, anh xin ở lại cũng được, bởi bác giám đốc bệnh viện là bạn chiến đấu của ba anh ngày trước. Nhưng anh không thích thế.
- Dại, đó là tính từ người ta dùng chỉ điều anh không thích đấy - Vân không thể bình tĩnh - Thời nay, ai chẳng tìm cách "chạy" cho mình!? Chỉ có kẻ khù khờ mới vô tư thôi.
- Thời nào xã hội cũng cần những người biết vì đồng loại. Nếu không thế...
- Xin lỗi - Vân cắt ngang lời anh - Rất may, em chưa mắc chứng "to tim" vì chứa những điều xa vời như anh.
Họ chia tay, không lời hẹn gặp. Nhìn anh hòa vào dòng người xuôi ngược trên đường, Vân chơi vơi, hẫng hụt trong bất lực. Hôm sau và nhiều hôm sau nữa, khoảng trống mất anh lớn dần và bóp nát trái tim cô. Cô cố quên anh nhưng những lúc như thế vô vọng thay cho thất vọng và sự chán nản thế chỗ nỗi đau vô bờ. Nhiều lúc Vân muốn chạy tới ôm chầm lấy anh. Nhưng cái đầu tỉnh táo khi nghĩ tới hạnh phúc khó trọn vẹn bởi những ngày dằng dặc xa của người lính như anh đã giữ chân cô.
Lo trước cho chắc chuyện, ấy là lý lẽ mẹ Vân đưa ra khuyên con gái tìm đến bác sĩ nhờ quan tâm khi vào viện. Bà chọn bác sĩ Hoàng Oanh, chủ nhiệm khoa sản của bệnh viện quận, người nổi tiếng mát tay trong giúp các bà mẹ trẻ "vượt cạn". Hôm Vân đến, bác sĩ Oanh chuẩn bị ăn tối. Nghe chuông reo, chị lấy lồng bàn đậy mâm cơm rồi lật đật ra mở cổng. Thoáng ngạc nhiên rồi hình như chị hiểu ra khi nhìn cái bụng lùm lùm của khách.
- Chắc nghe chỗ này thiếu trách nhiệm, chỗ kia tắc trách dẫn tới hậu quả đáng tiếc làm chị lo chứ gì - Nghe Vân trình bày lý do, Oanh cười, động viên - Chị yên tâm, không sao đâu.
Đang nói chuyện, bỗng chị quay qua phía con gái đang ngồi trước ti-vi:
- Hết chương trình thiếu nhi rồi, con ăn cơm trước đi.
Con bé chừng bốn tuổi, nũng nịu đáp lời mẹ:
- Con chờ mẹ cơ.
- Con ăn cơm rồi tập viết.
- Con không ăn một mình đâu!
Chị nghiêm sắc mặt trước thái độ vùng vằng của con. Vân lên tiếng, cốt lấy lại hòa khí:
- Anh chưa về hả chị?
- Ba cháu là bộ đội, đang ở xa chị ạ.
Vừa rót nước mời khách, Oanh vừa nhìn lên bức tường đối diện. Vân xoay người nhìn về hướng ấy. Cô xửng vửng: Tùng! Suýt nữa Vân thốt lên thành lời. Cô há hốc, lặng người trong bàng hoàng. Nụ cười khoáng đạt, mái tóc xoăn tự nhiên và đặc biệt đôi mắt to tròn kia, với Vân, xiết bao thân thương. Trong ảnh, Tùng đang bế con. Dường như sợ rớt nên ông bố trẻ khom người trông thật khổ nhưng bù lại, nụ cười thật mãn nguyện.
- Anh chị ở xa nhưng gặp được nhau, hay nhỉ?
Không để ý câu hỏi thăm dò vượt quá mức xã giao cùng giọng nói không được tự nhiên của khách, Oanh chân thành:
- Hai đứa quen nhau khi tôi theo đoàn công tác của bệnh viện cùng đơn vị anh thực hiện chương trình quân dân y kết hợp, khám chữa bệnh cho đồng bào vùng sâu biên giới.
- Anh hay về không chị?
- Năm được hơn nửa tháng phép, thỉnh thoảng đi họp hay tập huấn ở quân khu, tạt qua nhà mấy ngày, thế thôi.
Oanh mỉm cười, nom chị thật hiền. Bồi hồi nhớ chuyện xưa, Vân cảm thấy tủi hổ. Cô nghĩ: Có lẽ một phần nhờ những phụ nữ như chị mà đất nước này chưa bao giờ thiếu người đi giữ nước.
Sáng ba mươi Tết, Vân thay đồ chuẩn bị đi chợ, thấy bụng đau ran ran từng hồi. Liền đó, từng cơn đau nhói đến nghẹt thở. Cô vịn tường, ôm bụng, nhăn nhó: "Chắc con tới ngày rồi!". Mẹ Vân luống cuống giục con gái đi tắm, bà gọi tắc xi và chuẩn bị đồ. Đến viện, họ mừng và yên tâm vì hôm nay đúng ngày trực của bác sĩ Oanh. Đang mang khẩu trang, găng tay chuẩn bị vào phòng mổ, thấy Vân, chị ra tận cửa, đưa tay đỡ cô bước lên tam cấp.
Bên ngoài, không khí Tết tràn lên mọi nẻo. Dáng đi tất bật hơn, xe chạy tốc độ hơn, dường như mọi người hối hả làm nốt những việc còn lại trong năm để kịp rước xuân về trong niềm vui trọn vẹn. Và nữa, sắc Tết đang lung linh khắp chốn. Nhưng tất cả như bị chặn lại ngoài cổng bệnh viện này. Ở đây, lặng trong màu trắng tinh khiết là nỗi đau, nỗi lo cùng niềm hy vọng phập phồng. Ngay những người đang làm thủ tục ra viện, hồ hởi bắt tay cảm ơn bác sĩ, cũng chỉ thoáng nụ cười ý tứ trên môi.
Trưa, Vân được đưa lên bàn sinh. Liều thuốc giục khiến cô đau đến từng kẽ tóc. Bác sĩ Oanh đứng cạnh, luôn miệng động viên, chốc chốc lại lấy khăn lau mồ hôi trên trán cô. Vân gắng hết sức làm theo lời bác sĩ. Sau cơn đau tưởng tột cùng, cô đột ngột thấy người nhẹ bỗng. Mọi người cùng ồ lên: "Thằng cu!". Vân lịm đi trong đau buốt và sung sướng.
Khi tỉnh giấc, Vân nhận ra bác sĩ Oanh và con gái đang đứng cạnh. Cô xúc động không chỉ vì những lời hỏi thăm và chúc mừng năm mới chân thành của chị. Vân liếc nhìn đồng hồ, đã hai mươi ba giờ ngày ba mươi Tết.
- Sắp giao thừa, sao chị lại đưa cháu vào đây?
- Nhà chỉ hai mẹ con, mỗi lần trực đêm, tôi gởi cháu cho hàng xóm. Nhưng đêm nay, không tiện, lại sợ cháu tủi thân.
Người ta đón giao thừa bên bàn thờ gia tiên hay những tụ điểm vui chơi. Còn chị... Vân cảm thấy nao lòng khi nghĩ đến đó. Cô bé thôi nhìn em cu đang ngủ, níu tay mẹ:
- Bao giờ đến mùng năm mẹ nhỉ?
- Mùng năm là hết Tết rồi, sao cháu lại mong ngày đó?
Cô bé nhìn Vân, hồn nhiên cười:
- Vì mùng năm ba Tùng cháu mới về.
Có bao gia đình không được sum họp trong những ngày Tết như thế - Vân nghĩ mông lung khi mẹ con Oanh đã xuống cầu thang. Cô gượng dậy, ngước nhìn ngoài cửa sổ. Trên những tầng thượng và những con đường, mọi người đang hướng, đang dồn về phía cầu Mới, nóng lòng chờ xem những tràng pháo hoa. Trước cổng doanh trại quân đội gần đó, hai người lính gác vẫn đứng nghiêm. Vân giật mình nghe tiếng còi xe cấp cứu hú lên thảng thốt rồi đỗ ngay trong sân bệnh viện. Các y bác sĩ xách băng ca chạy ra.
Lần đầu tiên, Vân nhận ra có nhiều người thức đêm ba mươi nhưng không phải để đón giao thừa.

Xem Tiếp: ----