Có được trong tay tuyển tập “Các nhà văn nữ”, lại có truyện của mình, tôi khoái chí đọc. Truyện ngắn nào trong tuyển tập cũng hay. Trong sách, mỗi nhà văn ngoài tác phẩm còn có phần tiểu sử, tự bạch, ảnh chân dung. Nhà văn bộn bề công việc, trăm thứ lo nghĩ, dường như chẳng mấy quan tâm đến chân dung xấu hay đẹp, già hay trẻ. Điều đáng quan tâm là nội dung, sự tỏa sáng của tác phẩm. Đó mới là cái để biết, để ngưỡng mộ, học tập lẫn nhau. Cách đọc sách của người đi vào nội dung cũng đơn giản lắm, chỉ cần giở mục lục, tìm ngay truyện để đọc. Ngặt nỗi, con gái tôi mới lên năm nhưng đã biết “phê bình” xấu, đẹp. Thấy tôi yêu quý quyển sách nó đòi. Nó lật qua lật lại, lật trang trong, nhìn qua từng bức chân dung các nhà văn nữ, reo lên đầy cảm tính: “Bà này xấu hoắc!”. Tôi nạt: “Xấu cái gì, hình mấy cô nhà văn đó, đẹp thấy mồ!”. Nó cãi lại: “Thiệt, con nói thiệt mà, xấu hoắc!”.
Tôi ngắm nhìn chân dung các nữ sĩ. Hình in đen trắng, lại thu nhỏ nên có là hoa hậu cũng xấu hoắc, huống chi... Nhưng con bé còn quá nhỏ, giải thích lòng vòng thật khó. Tôi cố tìm mấy chân dung xinh đẹp khác, nó vẫn bảo lưu ý kiến “xấu hoắc”. Tức quá, tôi lật ngay chân dung mẹ nói, hỏi: “Cái bà này xấu hay đẹp?”. Ngờ ngợ một lúc nó reo lên: “A, mẹ, mẹ...”. “Mẹ đẹp làm sao, xấu hay đẹp?”. “Mẹ... mẹ đẹp”. Âm “đẹp” nó nói rất nhỏ. Tôi biết nó nể mẹ, sợ mẹ buồn lòng nên nó nói “đẹp”, chớ kỳ thật mẹ nó cũng “xấu hoắc”. Tôi phì cười: “Không đúng, mẹ xấu. Nhưng mà...”. Tôi muốn giải thích cho nó hiểu về mối quan hệ “nội dung và hình thức”, về xấu bên ngoài, đẹp bên trong, về... Nhưng rồi tôi đâm lúng túng, không biết nói sao cho nó hiểu. Trách làm sao được con, khi ở tuổi lên năm, nó chỉ nhận xét bằng trực quan sinh động. Đầu óc non nớt của nó biết được hình thức xấu, đẹp cũng đạt yêu cầu lắm rồi. Tôi cũng thầm khen nó giỏi khi nhận ra chân dung biến dạng, xấu như ma lem của má nó. Đó là một thực tế. Và có lẽ phải ở tuổi thành niên nó mới có thể cảm nhận một cách sâu sắc về giá trị thẩm mỹ từ thực tế đó. Còn giờ đây, đập vào mắt bé hàng ngày là những hình ảnh lộng lẫy của những diễn viên, ca sĩ, hoa hậu, người mẫu trên các trang quảng cáo, các tạp chí thời trang, truyền hình... Hoa hậu, người mẫu hẳn nhiên là đẹp rồi. Gương mặt xinh tươi, thân hình bốc lửa trong những bộ quần áo thời trang, lại biết trang điểm ấn tượng, mỹ nhân trông thật mát mắt. Thú thực, là phụ nữ mà nhan sắc của các cô gái ấy còn làm mình rung động, xao xuyến, huống gì cánh nam giới. Trên các trang bìa của báo, tạp chí thường ngày, chân dung những cô gái đẹp luôn ngự trị cũng là điều dễ hiểu. May mắn thay, nhân loại còn biết tôn vinh cái đẹp. Nhưng cũng chính vì quá ngưỡng mộ vẻ đẹp hình thức bên ngoài mà vẻ đẹp tâm hồn ngày càng khó tìm, khó nhận biết. Nói như thế cũng không có nghĩa là người xấu thì tâm hồn đẹp. Xung quanh ta cũng có quá nhiều người xấu, tâm hồn càng xấu hơn. Những biệt lệ trong xã hội bao giờ cũng tồn tại. Và nói chung, ai cũng mong có được sự hài hòa giữa nội dung và hình thức. Bất cứ cô gái nào cũng mong được vừa xinh đẹp, vừa thông minh, duyên dáng, tốt bụng. Nhưng nói cho cùng, sức hấp dẫn bên ngoài quá mãnh liệt khiến nhu cầu làm đẹp của chị em ngày càng gia tăng. Bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào cũng dành đất cho phái đẹp, chỉ cách làm đẹp, giới thiệu mỹ phẩm, thời trang... Để được đẹp, trước tiên bạn gái phải biết cách giữ gìn sức khỏe. Phái đẹp luôn nhận được lời khuyên chân thành và nhiệt tình của các chuyên gia tư vấn về sức khỏe. Trước tiên là ăn uống. Để trở thành mỹ nhân, người phụ nữ phải biết ăn những món ít mỡ nhưng phải đảm bảo nhu cầu đạm cho cơ thể, ăn nhiều rau xanh, hoa quả... Có tờ báo còn cung cấp cho bạn gái cả thực đơn làm ốm, mập theo ý muốn. Để giữ thân hình cân đối, bạn gái phải tuân thủ chế độ ăn uống nghiêm nhặt, phải kiêng nhem. Khẩu phần ăn cho mỹ nhân coi bộ đơn giản nhưng kỳ thực vô cùng phức tạp. Chỉ riêng việc ăn thịt gà phải bỏ da cũng lắm nhiêu khê. Hoa quả còn đắt hơn cả thịt. Tóm lại, để trở thành mỹ nhân theo lời khuyên của các nhà tư vấn sức khỏe ấy, bạn phải giàu có, phải có ít nhất một người hầu luôn túc trực... cho nhu cầu làm đẹp. Còn chuyện mặc thì càng lắm nhiêu khê. Một bộ đồ thời trang của một hãng tầm tầm cũng ngốn mất tháng lương. Để ăn mặc có “gu” quần màu này, áo màu nọ, kèm theo bóp cầm tay, quạt, khăn choàng cổ... Ái chà, chỉ riêng việc diện bộ cánh ấy phải có thêm mấy “ô-sin” theo hầu. À, còn giày nữa, không phải một đôi mà đủ đâu. Cứ theo mốt mùa thu, mùa đông, mùa hạ, mùa xuân, chí ít người đẹp phải có cả 20 đôi giày cho phù hợp với những bộ quần áo. Mỗi đôi giày trong các cửa hàng thời trang nghe hét giá mà người tập tễnh làm mỹ nhân xây xẩm mặt mày. Tiếp theo là chuyện ngủ. Để có làn da đẹp, các chuyên gia sắc đẹp khuyến cáo mỹ nhân phải ngủ ít nhất mỗi đêm đủ 8 giờ. Trước khi ngủ, bạn gái ngâm mình trong bồn tắm, làm mặt nạ, thư giãn, rửa mặt thật sạch bằng nước ấm, sau đó là nước lạnh, rồi thoa kem lên mặt... Chà, chuyện thoa kem nào có đơn giản, vùng môi dùng kem khác, vùng mắt kem khác, má kem khác, bàn tay kem khác, bàn chân kem khác... Khi ra đường, để làn da không bị lão hóa, bạn gái phải thoa kem chống nắng, phải che mặt... Các chuyên gia còn khuyên bạn gái muốn trẻ lâu phải hồn nhiên, phải yêu đời, không được làm việc quá sức, tránh stress, vân vân và vân vân... Tôi muốn nói con gái của tôi, là nhà văn, dẫu có nhan sắc trời ban, theo tháng năm, nhan sắc ấy cũng sớm lụi tàn. Vừa làm mẹ, vừa viết văn, không chỉ riêng bản thân mình, mà hầu như hết thảy các nữ đồng nghiệp của tôi đều phải tất tả ngược xuôi, “cày bừa” rất khó nhọc, vất vả. Nhà văn, chà, danh hiệu ấy nghe cũng có vẻ cao sang nhưng mà nghèo kiết xác. Cày cục hết ngày dài lại đêm thâu, viết được quyển tiểu thuyết, có nơi nào in cho cũng đã là may mắn, nói gì đến nhuận bút chỉ mang tính “tượng trưng”. Nhưng đôi mắt to tròn của nó ngây thơ quá, có nói ra bé cũng chẳng hiểu gì. Làm sao con nhỏ biết được nỗi nhọc nhằn của các nhà văn nữ mà mẹ nó là một thành viên. Thời khóa biểu của mẹ nó chẳng ngày nào giống ngày nào, nói chung là tất bật, là giành giật với thời gian. Sáng thức dậy lúc 5 giờ, huơ huơ vài động tác thể dục, vệ sinh cá nhân, lo cho tụi nhỏ ăn sáng, bôi bôi quẹt quẹt chút gì đó lên môi, lên mặt; tắm rửa, sửa soạn cặp sách cho bọn trẻ, bọn nhóc, vội vàng thay quần áo, xớt cái túi xách máng lên vai, leo lên xe, không quên đội mũ bảo hiểm cho hai nhóc, đưa chúng tới trường mẫu giáo. Xong phần lũ nhỏ, mẹ nó phóng xe vù vù tới cơ quan, giải quyết bao sự vụ, đọc vội đọc vàng vài mẩu tin trên báo cho đỡ lạc hậu tình hình, đi gặp gỡ nhân chứng, tìm tư liệu, ăn trưa bằng mấy cái bánh ngọt, có được ly sữa là sang. Có bạn bè rủ rê, thì tấp vô quán cơm bình dân, bữa nào rủng rẻng tiền một chút mới dám xăm xăm bước vô “cơm trưa văn phòng”. Cơm khô queo, cá mặn chát, tanh rình, rau lèo tèo vài cọng, thèm ăn chút trái cây nhưng chẳng dám gọi... vì những thứ tính thêm mắc động trời. Có cơm ăm đã là may, ở đó mà đòi hỏi. Ăn xong, mẹ nó dang nắng chạy về cơ quan (vì tính hay lơ đễnh, thường xuyên bỏ quên nón), tìm một chỗ ngả lưng. 15 phút sau, mẹ nó thức dậy, bắt đầu cho buổi chiều. Ấy là không đi công tác, còn nếu phải hẹn gặp nhân chứng, đi tìm tư liệu thì dù trời nắng như đổ lửa, mưa như trút nước, mẹ nó cũng phải đi. 4 giờ chiều mẹ nó vội vội vàng vàng phóng xe hơn 10 cây số về nhà trẻ đón con (ấy là cơ quan còn chiếu cố cho về trước nửa tiếng). Mẹ nó lại tắm rửa cho lũ nhóc, lo bữa tối, dọn dẹp nhà cửa. Cơm nước xong, để không lạc hậu tình hình, mẹ nó bật ti-vi nghía nửa giờ vào chương trình thời sự trong nước và thế giới. Lũ trẻ chơi giỡn, đánh lộn, khóc ti tỉ. Mẹ nó gầm lên trong “tư thế dọa nạt” làm trọng tài dàn xếp. Sau đó bà mẹ phù thủy phải dành ít phút kể chuyện cho lũ nhóc nghe, pha sữa cho chúng uống cữ tối. Dỗ bọn trẻ ngủ xong đã 10 giờ đêm, mẹ nó ngồi vào bàn viết. Thời khắc cho các bạn gái giữ gìn sắc đẹp đi ngủ thì mẹ nó khởi sự công việc “cày bừa” ban đêm. Để có tiền mua cho bọn nhóc hộp sữa, mẹ nó có khi phải thức suốt đêm cày cho xong bài báo. Hết báo, mẹ nó quay lại công việc viết văn triền miên, luôn bị thôi thúc bởi khát vọng viết lên những tác phẩm bất tử. Cực khổ như vậy mà dám mơ có tác phẩm lớn hẳn mẹ nó là người lạc quan thấy thương. Cặm cụi cày trên máy vi tính ngày này qua ngày nọ, năm này qua năm nọ, hoàn thành xong quyển sách hết đem đến nhà xuất bản này đến nhà xuất bản nọ mà chẳng nơi nào chịu in. Rồi những hợp đồng trói buộc thời hạn nộp kịch bản. Hết ngày dài lại đêm thâu, mẹ nó chống lại cơn buồn ngủ bằng cách ực ngon lành ly cối cà phê không đường, hoặc một bình tích lớn trà đặc. Đã vậy, mẹ nó còn mê đọc sách. Lỡ dính vào quyển sách nào hay là có nguy cơ mẹ nó thức suốt đêm... đến sáng bét lúc nào cũng không hay. Giật mình, mẹ nó đánh thức lũ trẻ dậy, lại vội vội vàng vàng lo ăn sáng, đưa lũ trẻ tới trường. Mấy bữa đó, mẹ nó không còn thời gian để bôi bôi, quẹt quẹt thứ gì lên má lên môi nên càng xấu dữ. Không còn thời gian để chọn quần áo, mẹ nó xỏ đại bộ nào trong tủ, ưu tiên cho cái quần không rách đích. Còn giày hả, mẹ nó chỉ có một đôi, khỏi lựa. Mẹ nó tới cơ quan bụng lép kẹp, tóc tai bù xù, quần áo lôi thôi lếch thếch. Sống chẳng điều độ, dang nắng dang mưa, cơm hàng cháo chợ, cà phê, trà vô tư ực hàng đêm, lại luôn buồn rầu, lo nghĩ, trăn trở, thương vay khóc mướn, Stress là bệnh kinh niên khiến mẹ nó vốn cha sinh mẹ đẻ cũng không đến nỗi nào ngày càng xuống cấp, xấu như ma trơi. Có lúc soi gương, mẹ nói giật mình không nhận ra chính mình. Con mẹ nào mà xấu dữ vậy cà?! A, mình đây sao, con mẹ có làn da cóc cáy, đen thui, má nám đen nám đỏ, tóc cứng như rễ tre, vàng như râu bắp. Không có thời gian tập thể dục, mẹ nó mập ù. Người đã xấu thì chụp ảnh chân dung ắt phải xấu, quan hệ ấy thật là “lô-gích”. Ảnh gốc đã xấu đưa vào giấy xấu, in xấu, hèn gì mà con nhỏ nhìn hổng ra. Con nhỏ dám chê mẹ nó xấu hoắc mới là đứa trẻ trung thực, khách quan. Nhưng dù sao tôi cũng tự an ủi vuốt tóc nó nói: “Ừ, má xấu cho con được đẹp”.
TRẦM HƯƠNG

Xem Tiếp: ----