Trường còn đang loay hoay khóa cửa, Cẩm Thy đã ngả nhoài người sóng soải xuống sofa:
- Về nhà thoải mái qu..u....á, cái giọng kéo dài đặc sến mùi con gái, có nghĩa là...nhõng nhẽo.
Trường kéo vali vào phòng, không quên ghé tay nhéo mũi Cẩm Thy:
- Đi tắm đi cho khoẻ em.
- Cho người ta nằm xíu đi, mệt quá mà.
Đưa tay mở cửa phòng, Trường nghe tiếng Cẩm Thy vọng vào từ phòng khách:
- Ơiiiiii mệtttt quá.... đóiiiiii quá.... thèm bún mắm quá.... Cái giọng không những kéo dài phụng phịu mà còn tông lên nhịp xuống điệu đàng của Cẩm Thy làm Trường bật cười lắc đầu nghĩ thầm trong bụng "Trời ạ, tưởng đâu cưới vợ, ai dè cưới phải đứa con nít", nghĩ thế nhưng trên môi chàng đang nở nụ cười trọn vẹn của kẻ tắm giữa dòng hạnh phúc từ ba năm qua, và càng rạng rỡ hơn sau tuần trăng mật vừa về từ Hawaii, Trường trêu vọng ra:
- Sao em cái gì cũng "quá" hết vậy!
- Em còn một cái "quá" nữa cơ.... nhưng, em đang đói bụng không có hơi nói anh nghe được...
Tay lần tháo cà vạt, Trường lắc đầu một mình, phải như hai cô em gái Trường mà bảo thế thì Trường đã quát " Muốn ăn thì lăn vào bếp, đói thì tự nấu mà ăn ở đó la inh ỏi chỉ tổn tốn hơi", nhưng với Cẩm Thy, Trường phải tìm câu khác trả lời, vì từ những ngày đầu mới yêu, Cẩm Thy đã khoe tuốt tuồn tuột những "khuyết điểm" đáng yêu của nàng "Em không biết nấu ăn" Cẩm Thy đã tha thiết bỏ nhỏ tai Trường câu ấy, và sự không biết "nấu ăn" của nàng đã được khẳng định như đinh đóng cột một lần nữa qua bà nhạc của Trường khi Trường đến nhà xin phép được cưới Thy, Trường còn nhớ giọng bà hiền từ, biện hộ cho nàng, "Em nó còn khờ, với lại, vụng về bếp núc lắm, hơn nữa trong nhà có mỗi mình nó, nên lúc nhỏ bác ít khi cho vào bếp, lớn lên đi học rồi đi làm, bởi thế việc nhà em nó không được đảm đang, bác sợ nó phiền lòng con" Cẩm Thy ngồi áp đầu vào vai mẹ không ra vẻ gì thẹn thùng mắc cở, mà còn nhướng mày thách yêu Trường xem "Dám cưới không?". Lúc đó, không biết vì quá yêu Thy, hay vì ma đưa lối quỷ dẫn đường mà Trường tha thiết thành khẩn "Thưa Bác, con cưới người vợ, chứ không phải cưới bà thợ nấu" Để chứng minh cho lời nói hùng hồn của mình, Trường dõng dạc tiếp "Bất quá Bác cho con về ăn ké ngày ba bữa, không thì hai đứa dọn nhà gần Hong Kong, ra mua cơm món ăn vừa tiện vừa lợi, lo gì Bác"... Cũng vì "chấp nhận thương đau" như thế mà Trường bây giờ đành phải lèo lái qua câu trả lời mà chính chàng cũng không chắc mình có kham nổi hay không.
Đang định hắng giọng bảo đảm cho bao tử cô vợ bé bỏng thì bất chợt Cẩm Thy thò đầu vào:
- Ơ anh thay đồ à, khoang đã... đừng thay, qua nhà mẹ... ăn ké... tiếp theo câu nói vô tư ấy là tràng cười "hì hì "
Trường liếc nhanh đồng hồ: 
 - Hơn tám giờ rồi em, qua phiền Ba Mẹ lắm, thôi để anh...
Cẩm Thy giương cặp mắt chờ đợi..
-...Anh nấu..."mì ăn liền"... Cẩm Thy mở to cặp mắt ra vẻ ngạc nhiên thích thú:
- Anh biết nấu... mì à?
Trường tự đắc:
- Món ruột của anh mà.
Nhìn Trường loay hoay bắt nước, lột tôm, Cẩm Thy đứng xúyt xoa...
- Hổng ngờ em kiếp trước có tu á nghen. Nàng cười tiếp,
- Nhìn anh em nhớ ông Nguyễn Bính.
Trường chau mày không hiểu
- Nguyễn Bính ngày xưa cũng nấu cơm cho vợ.
-Sao em biết? Chẳng lẽ em là con của vợ ổng à? Trường trêu,
-Thì ổng bảo thế em mới biết, giọng Cẩm Thy vẫn tỉnh bơ.
???
Bắt ghế đẩu ngồi bó gối ngay cửa nhà bếp, Cẩm Thy chậm rãi đọc:
- Sông hồ giờ bặt dấu chân anh
Quân tử về coi việc nấu canh
Viết cuốn trường thiên ân ái đó
Anh quên chép chuyện "Bỏ gia đình"
_
Trường lắc đầu giả chịu thua cô vợ lém lĩnh:
- Thôi đi dọn chỗ ăn..."mì" nè cô nương
- Wow thơm quá... anh giỏi thiệt...ăn xong em nói anh nghe câu "quá" lúc nãy.
- Chắc là "Em còn đói quá " chứ gì,Trường ghẹo yêu,
- Hứ, à anh nè, mai mình ăn món gì?
- Trứng chiên, Trường trả lời nhanh nhảu,
- Thế ngày mốt?
- Trứng luột,
Cẩm Thy vẫn không thắc mắc vì những món trứng chiên, rán, luột của Trường, nàng chỉ cười tủm tỉm, nụ cười vô cùng bí ẩn.
Hai ngày cuối tuần trôi qua, hộp trứng trong tủ lạnh vơi dần, thứ hai đi làm lại, trưa hai đứa dắt nhau ra Quán Kiên Giang, chiều ghé Hong Kong mua cơm món về nhà, cũng nóng hổi vừa thổi vừa ăn chứ bộ. Chớp mắt một tuần trôi qua êm ả.
Tuần thứ hai...
- Anh, em ngán gà chiên, giá xào tận cổ rồi... hay... mình về nhà mẹ há...Cẩm Thy dứt câu nói bằng cái nháy mắt "chết Trường" như ta đây vừa nghĩ ra ý kiến hay. Trường cũng làm bộ ra vẻ đồng ý, mà không đồng ý cũng đâu được, cả tuần với mấy món lặp đi lặp lại, Trường cũng ngán tận cổ rồi.
-Ừ, vậy ghé nhà mẹ. Thế là lại một tuần trôi qua với canh chua cá kho tộ, thịt bò xào đậu ván, tôm kho tàu, canh bí đao... cứ tưởng như thế sẽ yên chuyện, ngờ đâu, tuần sau ba mẹ Cẩm Thy về Việt Nam dự đám cưới chị họ bà con của Cẩm Thy, thế là hai vợ chồng lại nhìn nhau thở dài thườn thượt, về nhà mẹ Trường cũng được, nhưng lái xe 45 phút để ăn xong về tới nhà bụng lại đánh trống nữa rồi, rủi ro ba mẹ Trường cũng về Việt Nam, hoặc đi chơi đâu đó thì phải làm sao, đó không phải là biện pháp lâu dài được, Trường bèn "trổ tài nấu nướng tại gia", chàng làm bếp chính, Cẩm Thy chỉ mỗi việc rửa chén bát mà thôi, vì với chứng chỉ tốt nghiệp công nhận bằng cấp "Không biết nấu ăn" nàng nghiễm nhiên đứng nhìn Trường đi làm về lui cui chạy vào bếp, sau hai tuần cao lương mỹ vị, trở lại cùng trứng rán, chắc không có vấn đề gì, nghĩ thế, Trường mở tủ lạnh, lấy ra bốn trứng, hai trứng chiên, hai trứng luột, Cẩm Thy rùng vai như bảo "em sợ lắm rồi"
- Em muốn ăn canh chua cơ.
Trường lúc còn độc thân được mẹ cưng thương, có bao giờ mó tay vào bếp, tưởng cưới vợ rồi sẽ cũng được những bữa cơm ngon, có ngờ đâu phải chui đầu vào bếp, còn bị đòi hỏi chê khen này nọ, Trường muốn cáu lên, nhưng, nhìn nụ cười lúc nào cũng như gắn sẵn trên môi Cẩm Thy, Trường lặng im không nói, chàng nghĩ thầm, canh chua thôi, có gì mà khó, biết ăn chẳng lẽ không biết nấu sao, nghĩ rồi, Trường bắt nồi nước, lôi trong tủ lạnh ra hai trái cà chua, vài ba cọng rau quế, vài trái đậu bắp, thêm cọng bạc hà, nhìn cũng bắt mắt quá đấy chứ. Cắm đầu bên bếp lửa nóng hơ mặt mày, mồ hôi chàng lượm thượm, chợt Trường nhớ thương mẹ chàng, những ngày hè oi bức, bà vẫn đứng hàng giờ bên bếp lửa để nấu khi thì nồi phở, lúc thì bún bò, còn ba chàng thỉnh thoảng cũng vào phụ, nhưng thỉnh thoảng thôi còn thường thì ông vắt chân vừa xem ti vi vừa đọc báo, đúng kiểu mẫu của một gia đình Việt Nam, Trường không biết bao giờ mình mới được như thế, mải nghĩ cho số phận "người chồng hiện đại" của mình để nước sôi khi nào chàng không hay, nghe Cẩm Thy gọi chàng giật mình:
- Anh, nước sôi rồi kìa...
Trường vội thả cá vào... vẫn gia vị canh chua thấy mẹ thường dùng, nhưng sao Trường nêm hoài không ra vị chua, để thêm me thì chua quá, để thêm đường thì lại như chè, cá chín rục Trường còn loay hoay không biết sao, Cẩm Thy đứng che miệng cười, bước đến tháo tấm tạp dề trên người Trường, Thy ướm lên mình, nói như ra lệnh:
- Anh ra ngồi xem ti vi đi.
Trường ngó Cẩm Thy như không tin ở tai mình, Cẩm Thy giả lơ như không thấy, nàng nhấc nồi canh "thập cẩm" của Trường xuống, khéo léo lát hai khứa cá khác, động tác gọn gàng, nhanh lẹ, không giống như lời Cẩm Thy khai báo "Em không biết nấu ăn mô nớ". Trường đứng tần ngần bên cửa bếp theo dõi từng "động tĩnh" của Cẩm Thy, loang loáng không đầy mười lăm phút, trước mắt trước là tô canh chua thơm phức, hai khứa cá kho vàng nghính sực nức mùi hành tiêu, Trường choàng tay ôm vai Cẩm Thy như bảo " thì ra em khai gian nhá ", Cẩm Thy nghiêng đầu cười lém:
- Mẹ bảo lấy chồng tự dưng biết nấu nướng, nên tội khai gian em không gánh đâu, rồi Cẩm Thy dài giọng chậm rãi:
- Ơ mà....Anh...không.. biết bà ngoại em ngày xưa là thợ... nấu giỏiiii.... nhất vùng à...! Trường mở căng cặp mắt nhìn, Cẩm Thy thích thú tiếp, vẫn với cái giọng dài đặc sến mùi con gái:
- Anh không biết là... mẹ... em cũng được chân truyền... từ ngoại à...! Trường thắc mắc không nhịn được, chàng chau mày hỏi:
- Nhưng anh đâu thấy em vào bếp bao giờ?
- Em không vào bếp không có nghĩa là em không biết nấu? Cẩm Thy nhướng mày, hất nhẹ cằm trêu Trường như khẳng định "Đúng không?"
???
- Ngày xưa mẹ em cũng đâu vào bếp, nên ngoại hay mắng yêu mẹ, Cẩm Thy giả giọng bà Ngoại nàng, như những lúc mẹ kể cho cả nhà nghe, "Gả chị Ba bây là ngày ngày sáng sớm Má phải thay sẵn bộ quần áo, sắp sẳn giỏ trầu, để họ tới rước là Má đi liền, khỏi phải chờ đợi " lúc đó Cẩm Thy ngớ ngẩn hỏi, "Ngoại đi đâu vậy mẹ?" Ba trêu mẹ "Thì đi nghe người ta mắng vốn cô Ba đó con". Trường chợt hỏi Cẩm Thy một câu nghe càng ngớ ngẩn hơn nàng lúc ấy:
- Rồi...mẹ có bị mắng vốn lần nào hong em?
Cẩm Thy ôm bụng cười ngất, anh tưởng mẹ vụng thật à? không vào bếp nhưng mẹ để ý cách ngoại làm, như em "Cẩm Thy" của anh vậy nớ, vừa nói Cẩm Thy vừa nghiêng nghiêng đầu ra vẻ tự đắc với Trường:
- Mẹ về làm dâu nhà Nội mười mấy chưa ai chê mẹ lấy một lời, cả những bà cô khó tánh trong họ tộc cũng khen mẹ hết lời, Cẩm Thy dừng lại nheo nheo mắt làm ra vẻ trịnh trọng:
- Anh yên tâm, vợ anh rồi cũng thế, nói xong Cẩm Thy che miệng cười khanh khách, Trường đưa tay làm móc càng cua nhéo mũi Cẩm Thy:
- Thế sao em gạt anh
- Anh không hiểu tại sao à?
???
- Kề tai nói nhỏ anh nghe nì
Trường ngoan ngoãn chùn chân xuống cho vừa với chiều cao khiêm tốn của Cẩm Thy, kê gần tai Trường Cẩm Thy hét to như ngày xưa chơi trò cục tác cùng đám con nít quanh xóm:
- Cơm nguội hết rồi, lẹ tay còn chậm tay hết...
Nói rồi nàng biến sau lưng Trường nhanh như sóc, Trường thì thầm: Thì ra mình cưới vợ và cưới cả cô thợ nấu mà không hay.
....
Cuối tuần mẹ Trường gọi về nhà ăn cơm gia đình, Cẩm Thy xuống bếp phụ mẹ chồng cùng hai cô em gái, mẹ chồng nàng bỏ nhỏ:
- Hai đứa có tin gì chưa?
Cẩm Thy đỏ mặc lí nhí:
- Mẹ..., mẹ Trường cười ngất, Cẩm Thy vội quay đi tránh nụ cười nghịch ngợm của hai cô em chồng phá phách tầm cỡ như Thy:
- Để con đi lau bát đĩa, Thy quay đi, hai cô em chồng vói theo:
- Chị Hai có em bé sớm sớm đi cho em bế với...Cẩm Thy lấy tay che mặt:
- Quê quá đi à...
Quay quanh bàn ăn, sau bữa cơm là buổi tâm sự, chi sẻ với đầy đủ thành viên trong gia đình thì còn gì hạnh phúc bằng, mẹ Trường lên tiếng:
- Cậu hai cưới vợ rồi, còn cậu Ba khi nào đây? tính sớm sớm để hai ông bà già còn nghỉ ngơi nữa chứ.
Trường tiếp lời:
- Hai đứa quen tính ra cũng bốn, năm năm rồi còn gì, sao không cưới đi.
Chú Ba, em Trường, tức khổ chủ lên tiếng:
- "Nó" không biết nấu nướng gì hết, cưới "nó" về ăn mì gói cho chết em à?
Trường nhìn Cẩm Thy đùa:
- Mấy cô có chồng tự nhiên biết nấu à.
Biết Trường trêu mình, Cẩm Thy tìm chân chàng dưới gầm bàn đạp một cái rõ mạnh, ông Bố chồng từ tốn:
- Chân cẳng thằng Trường bên kia kìa con.
Ngưng mấy giây, chợt như hiểu ra cả nhà che miệng cười, Cẩm Thy quay mặt nấp sau lưng Trường:
- Chết em rồi.
Cô em Út lên tiếng:
- Anh Ba thấy anh Hai chị Hai dễ thương ghê chưa, không mau mà rước chị Quỳnh Anh về, kẻo ngồi đó nhìn rồi tủi thân.
- Anh nói chị Quỳnh Anh mày rồi, khi nào học xong khóa nấu ăn đạt tiêu chuẩn "gia đình" đi rồi anh mày qua rước. - Chú Ba nói nghe nè, mặc dù sát đáng ra Cẩm Thy nhỏ hơn chú Ba, em Trường hai tuổi, nhưng đứng ở vai vế chị cả, Cẩm Thy ra vẻ chị dâu đĩnh đạc:
- Chú cưới vợ chứ đâu phải cưới cô thợ nấu mà cần ngon hay dở.
Mẹ Trường tán đồng:
- Nó không biết thì học từ từ, về mẹ dạy cho.
- Nhưng đàn bà con gái mà không biết nấu nướng.
Cô em kế Út dẫu môi:
- Thế đã sao, nói như anh, thì thôi anh đợi mà nuôi hai đứa em gái anh đi, ế là cái chắc.
- Thì chẳng phải anh bảo hai đứa phải học nấu ăn với mẹ hay sao?, bổn phận đàn bà con gái có nhiêu đó mà cũng không xong, mai mốt ma vào mà rước nhé.
Cẩm Thy phùng mang, Trường ngồi yên mắt giả dán vào ti vi, sau đôi bàn tay chóng cằm ra vẻ suy tư là nụ cười trêu Cẩm Thy, vì chàng biết cô vợ bé bỏng của mình thẳng tính, thấy đâu nói đó, nhưng biết đâu Cẩm Thy nói lọt tai đứa em ngang bướng dở dở ương ương của mình, nên Trường để yên:
- Chị không đồng ý với chú Ba nè, ai bảo đàn bà con gái sinh ra là phải nấu cơm, giặt giũ, lo bếp núc, chăm gia đình?
Hai cô em gái buông dao gọt lê dở, vỗ tay tán đồng, Cẩm Thy có viện binh nàng dõng dạc tiếp:
- Bổn phận là bổn phận chung, trách nhiệm là trách nhiệm chung, nồi cơm nấu ra vì tình yêu mới ngọt ngào, còn những gì bắt buộc vào cái bổn phận vô hình kia, đôi khi làm cơm khô canh lạt, ví dụ điển hình nhá, như mẹ này, mẹ cắm cúi vào bếp nấu từng bữa cơm ngon cho gia đình, là vì mẹ thương chồng, thương con, chứ ai bảo mẹ "phải" làm thế, ai dám "áp đặt" mẹ làm thế. Phải không Bố?
Ông Bố chồng gật gù ra vẻ đồng ý lời cô con dâu lý lẽ, được thể Cẩm Thy tiếp:
- Bố cũng thường buông tờ báo Bút Việt, xa cái ghế cố hữu gia trưởng để vào bếp phụ mẹ khi nhặt rau, lúc rửa bát vậy, vợ chồng cùng làm mới thông cảm và thấu hiểu cho nhau, như chú, khi đẩy máy cắt cỏ, chú có nghĩ đó là bổn phận chú phải làm không? hay vì chú thương vợ nên dành làm việc nặng nhọc, thì ngược lại cũng vậy, vì hiểu và thương chồng gánh gồng những công việc nặng nhọc như thế, nên những người vợ mới chuẩn bị cơm ngon, canh nóng cho chồng, đó là tình thương chứ không phải là bổn phận.
Ba mẹ chồng nàng nhìn nhau cười, Trường cũng cười tủm tỉm, nháy mắt với cậu em:
- Cưới vợ đi, còn muốn bê thợ nấu thì ra đại nhà hàng nào đó rồi lựa chọn đại một bà về mà nấu cho ăn.
Em Trường liếc Trường cười, trong bụng chắc đang an ủi thầm ông anh Hai khổ mạng cưới phải chị vợ miệng lưỡi lí lẽ quá đi thôi.
Không biết chú Ba có "thấu đáo" lời Cẩm Thy nói hay không, chỉ biết khi ra về, Cẩm Thy nghe loáng thoáng giọng chú ấy vọng ra từ phòng riêng:
- Quỳnh Anh, tí anh đến đón em.
Trên đường về, đưa mắt nhìn những đám lá mùa Thu, nửa vàng nửa đỏ, đẹp như tranh, Cẩm Thy liến thoắt chỉ về bụi cây nọ, đám lá kia, chợt cảm giác Trường đang xiết nhẹ bàn tay mảnh khảnh của Cẩm Thy:
- Anh hiểu rồi, cảm ơn em.
- Anh hiểu gì thế, Cẩm Thy làm ra vẻ ngây thơ vô... số tội, vì nụ cười trên môi đã bán rẻ cô:
- Cảm ơn em dạy anh bài học "gia trưởng", mai mốt em nấu cơm, phần rửa chén để cho anh, Trường đưa tay vỗ ngực, Cẩm Thy vội hớt hải chụp tay lái:
- Anh định khỏi rửa chén à? Trường cười, định đưa tay véo mũi Cẩm Thy nhưng chàng xựng lại, Cẩm Thy chun mũi cười.
Vòng xe lao vun vút mang theo hai tiếng cười về ngôi nhà hạnh phúc nằm trên đỉnh đồi yêu đương.

Xem Tiếp: ----