"Sao Mai" vào trận

Trong cuộc đời binh nghiệp trải qua bao buồn vui, thăng trầm, chưa bao giờ Nguyễn Hữu Hạnh sống trong tâm trạng náo nức, phấp phỏng chờ đợi để bước vào trận với những hy vọng lớn như những ngày này. Nếu như trước đây, kể từ ngày tự nguyện hoàn toàn đứng hẳn sang hàng ngũ của nhân dân, nghe tin thắng lớn của quân giải phóng, trái tim Hạnh đã đập dồn rung động thì giờ đây không chỉ thế. Nó đã rộn lên và Hạnh còn náo nức hơn cả “mở cờ trong bụng” khi nghe tin 5 cánh quân lớn của quân ta đang tiến như vũ bão vào gần áp Sài Gòn; tin Thiệu buộc phải từ chức ra đi; tin lão già lẩm cẩm 73 tuổi Trần Văn Hương khi mới lên thay Thiệu đã thề: “cương quyết tử chiến, dù phải hy sinh đến nắm xương tàn” sau ba ngày, bây giờ đã phải chịu để cho hai viện chọn lựa Tổng thống. Trong thâm tâm Hạnh đã nhận thấy thời cơ đã đến với mình ngay từ khi Thiệu ra lệnh rút khỏi Tây Nguyên. Từ hôm bác Tám trao nhiệm vụ lần cuối cùng thời cơ ấy càng rõ. Cho tới khi Hạnh thấy Thiệu xuất hiện trên ti-vi vì Mỹ buộc phải từ chức với lời lẽ đầy hậm hực, kiểu hàng tôm hàng cá, chửi lại quan thầy Mỹ là phản bội rồi tới giờ khi Trần Văn Hương buộc phải để lưỡng viện chọn Tổng thống để cứu vớt tình hình thì thời cơ đã là chắc chắn. Mỹ đã phải đi đến nước cờ này thì giữa ông Dương Văn Minh và Trần Văn Lắm, Chủ tịch thượng viện, hai người này chắc chắn ông Minh sẽ đắc cử. Như vậy, cái thời cơ để chuộc lại xứng đáng lỗi lầm suốt mấy chục năm đi theo Pháp rồi theo Mỹ chống lại nhân dân và thời cơ được thiết thực đóng góp vào sự nghiệp giải phóng đất nước và được hưởng niềm vinh quang làm một người Việt Nam đích thực đã ở trong tầm tay mình.
Hạnh náo nức, mừng vui khôn xiết. Anh đã định lên Sài Gòn từ hai hôm trước, nhưng thấy lên khi ấy còn sớm và sẽ rất dễ bị phe cánh của Thiệu diệt. Còn bây giờ lúc 9 giờ ngày 26 tháng 4 này, sau khi nghe tuyên bố của Hương thì Hạnh càng đứng ngồi không yên. Anh liền gọi điện thoại cho Trung tá Đẩu, Chánh văn phòng của Đại tướng Dương Văn Minh:
- A lô! A lô! Trung tá Đẩu phải không? Tôi Nguyễn Hữu Hạnh đây. Trung tá cho tôi gửi lời chào Đại tướng!
- Đại tướng cũng vừa nhắc đến Chuẩn tướng. Đại tướng đang bận lắm. Hẹn Chuẩn tướng có mặt ở Sài Gòn ngày 29. Không cần lên ngay ngày mai. Ngày 28 vẫn còn sớm.
Vì sao “ngày 28 vẫn còn sớm”, Hạnh đoán biết: ông Minh lúc này đang tập trung giành được phiếu của lưỡng viện và chưa muốn bộc lộ hết những người thân tín của mình. Nhưng theo ý Đẩu thì chậm trễ, Hạnh không thể chờ đến ngày 29. Ngay đêm 27, Hạnh đã bảo vợ con và lính hầu, lái xe chuẩn bị đầy đủ cho cuộc hành trình và lên đường từ sớm ngày 28. Trên đường đi Hạnh rất vui khi nghe đài phát thanh Sài Gòn loan tin: “Hai viện đã biểu quyết để Dương Văn Minh lên làm Tổng thống với số phiếu áp đảo 135/150”. Hạnh muốn có mặt thật sớm ở Sài Gòn. Nhưng lộ 4 bị cắt đứt ở đoạn Long An, xe của Hạnh phải đi vòng xa hơn theo ngả Mỹ Tho - Gò Công - Sài Gòn. Dọc đường, bao lần xe phải dừng lại để tránh pháo và cũng bao lần Hạnh phải xuống xe đưa tấm thẻ cấp tướng ra trình mới đi qua được những “điểm chốt” và những chỗ xe cộ và binh lính của Thiệu đang tranh nhau đường đi gây ùn tắc. Vất vả lắm tới 6 giờ chiều, Hạnh mới đến được tới Sài Gòn. Lúc này đứng trên sân thượng ngôi nhà người bạn cùng một quận với nhà Dương Văn Minh, quan sát Sài Gòn sắp bắt đầu vào giờ giới nghiêm, Hạnh mới thở phào “Nếu ngày mai mới đi chắc là không thể lên đây được!” Hạnh thầm nghĩ thế và cũng nghĩ ngay đến cách ra mắt Dương Văn Minh ngày mai.
Sáng sớm ngày 29 tháng 4, Hạnh đến nhà riêng của tướng Dương Văn Minh ở số 3 Trần Quý Cáp, bởi văn phòng của ông Minh còn ở đây chưa chuyển về dinh Độc Lập. Thấy Hạnh, Trung tướng Mai Hữu Xuân phụ trách sự vụ Phủ Tổng thống bắt tay rồi bảo Hạnh:
- Đại tướng đang bận họp, Chuẩn tướng chờ một chút.
Ngồi chờ ở phòng khách, Hạnh được Xuân cho biết:
- Tình hình đang rất căng thẳng. Thế mà 5 giờ chiều qua Cao Văn Viên, Nguyễn Cao Kỳ và linh mục Trần Hữu Thanh còn định làm đảo chính. Ông Thanh xin yết kiến Đại tướng để thay mặt cho Viên và Kỳ đòi Đại tướng phải để cho bốn bộ: Quốc phòng, Nội vụ, Kinh tế, Tài chính trong Chính phủ, nhưng Đại tướng kiên quyết không chấp nhận.
- Lạy chúa, ông Viên đang nắm quân đội! Hạnh thốt lên và cảm thấy lo lắng, nếu cuộc đảo chính lại thực sự diễn ra vào lúc này.
Dương Văn Minh trong bộ đồ ký giả bệ vệ, nhưng nét mặt đầy ưu tư xuất hiện. Hạnh đứng lên:
- Kính chào Đại tướng! Tôi được điện triệu tập của Trung tá Đẩu, xin trình diện Đại tướng.
Minh chìa tay về phía Hạnh:
- Tốt lắm! “Toa” đến đúng lúc đó. Tình hình đang rất nan nguy và khẩn cấp!
Hạnh thấy yên tâm về cách “ra mắt” của mình đang định có vài lời thăm hỏi sức khỏe của Minh thì Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền và tiếp đó một sĩ quan vào báo có Mê-ri-dông, Đại sứ Pháp đến. Hạnh phải qua sang phòng bên để Minh và Huyền tiếp Mê-ri-dông. Ở đây Hạnh cũng nghe rõ Mê-ri-dông thông báo: “Tổng trưởng ngoại giao Pháp đã liên lạc với Hà Nội về vấn đề thương thuyết, nhưng Hà Nội trả lời: “Rất tiếc đã quá trễ rồi!”.
Nghe tới đó và nghĩ tới chỉ thị của Ban binh vận, Hạnh thấy mình cần có ngay những hành động kịp thời trước tình hình mới. Trong khi đó, lúc Mê-ri-dông về rồi, Minh và Huyền đang trao đổi nhất trí tuyên bố thả ngay tù chính trị và đuổi Mỹ (phái đoàn quân sự Mỹ) ra khỏi miền Nam trong vòng 24 giờ. Hạnh nghĩ: thực ra trước sức tấn công mạnh mẽ như vũ bão của cách mạng, không đuổi Mỹ cũng phải tháo chạy. Hành động này chỉ nhằm vớt vát chút hy vọng về một giải pháp chính trị đã quá muộn màng. Anh liền mở cửa bước ra vì cả ba đã biết nhau:
- “Toa” đã nghe nội dung “moa” và ông Huyền vừa bàn?
Tướng Minh hỏi Hạnh. Hạnh tránh trả lời câu hỏi đó vì không muốn phê phán hành động vớt vát về giải pháp chính trị đó mà khéo léo đi ngay vào vấn đề cấp thiết đối với nhiệm vụ của mình.
- Thưa Đại tướng, còn về tình hình quân sự ra sao?
Minh nói hơi xẵng:
- “Toa” là quân sự không đi xem xét tình hình mà còn hỏi nó ra sao?
Hạnh mừng thầm: Là Tổng tư lệnh, nhưng thực ra lúc này ông Minh cũng không nắm nổi tình hình. Bây giờ mình cần nắm ngay lấy việc chỉ huy quân đội mà chắc rằng thế nào ông cũng giao việc này cho mình nên liền chớp thời cơ:
- Thưa Đại tướng! Tôi về hưu rồi đi coi sao được. Đại tướng có cho quyền tôi mới dám đi.
- Được, “toa” nói văn phòng viết giấy ủy nhiệm đưa “moa” ký rồi đi ngay xuống Bộ Tổng tham mưu.
Hạnh chưa kịp đi thì ông Minh nhận điện báo Trung tướng Đồng Văn Khuyên mới thay Cao Văn Viên đào tẩu làm Tổng Tham mưu trưởng và Tướng Nguyễn Văn Minh tư lệnh biệt khu Thủ đô đã rời bỏ chức vụ chạy ra nước ngoài.
Tướng Minh cau mặt, lệnh cho điện gọi ngay tướng Vĩnh Lộc tới để trao chức Tổng Tham mưu trưởng.
Vĩnh Lộc tới, nhưng từ chối:
- Xin Đại tướng giao cho Ngô Quang Trưởng. Sớm mai này tôi còn thấy Trưởng ở Bộ Tổng tham mưu.
- Không được! Quân đoàn 1 vừa bị tan nát ở Huế và Đà Nẵng, Trưởng vừa mới chạy vào đây không thể đảm đương được trách nhiệm.
Ông Minh nói rồi rời phòng khách. Hạnh nghĩ đây cũng là thời cơ tốt nữa vì biết Lộc cũng đang chuẩn bị cho vợ con “di tản” nên đã mềm dẻo thuyết phục Lộc:
- Trung tướng cứ nhận đi. Trong lúc tình hình lâm nguy thế này còn có ai hơn Trung tướng. Trung tướng nhận, tôi xin giúp một tay. Tôi hiện đang có giấy ủy nhiệm của Đại tướng đi kiểm tra tình hình.
- Thôi được, có thêm “toa”, “moa” sẽ nhận. Nhưng trong lúc chúng nó chạy như chuột cả lũ này sao “toa” lại mặc thường phục?
- Thưa Trung tướng, từ Mỹ Tho lên, tôi có mang quân phục, nhưng đang để ở nhà người bạn.
Nghe Hạnh nói thế, Vĩnh Lộc liền vẫy tay gọi luôn một viên Đại úy đang có việc đi qua, và bảo:
- Đại úy cởi nó ra cho Chuẩn tướng mượn.
Khi viên Đại úy đang cởi nó thì Lộc giật luôn quân hàm trên vai áo của mình đưa cho Hạnh:
- “Toa” tháo bỏ đi hai sao và đeo vào. Còn “moa” trên đường cùng xuống Bộ Tổng tham mưu sẽ rẽ qua nhà lấy cặp khác (1).
- Tuy không có nón và chân còn đi giày “xi-vin”, nhưng lúc này Hạnh đã rõ ràng là một cấp tướng đi bên Trung tướng Vĩnh Lộc xuống Bộ Tổng tham mưu.
Ở đây đang rất hỗn loạn. Bởi hơn ai hết, các sĩ quan ở đầu mối chỉ huy này đã biết rõ 5 cánh quân của Quân giải phóng đã áp sát Sài Gòn. Tiếng đại bác vang rền xung quanh “thủ đô”. Sân bay Tân Sơn Nhất ở kề bên chiều qua đã bị không quân miền Bắc ném bom, trong đêm lại bị một trận pháo kích bằng pháo 130 ly khủng khiếp chưa từng có. Ở đó đang như chợ vỡ bởi cảnh tranh nhau lên máy bay “di tản” và cả cảnh cướp máy bay tháo chạy. Trong khi ấy ở Bộ Tổng tham mưu lại đang như “rắn không đầu” khi Khuyên đã đào tẩu. Các sĩ quan ở đây đã được thông báo về việc Vĩnh Lộc được Tổng thống bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng. Thấy Lộc và Hạnh tới, họ đều ngước mắt đang còn hốt hoảng chờ lệnh.
Vĩnh Lộc nhìn lướt một lượt các tướng tá còn lại gọi tới trình diện rồi vội vàng bổ nhiệm:
- Chuẩn tướng Nguyễn Văn Chức trước là Cục trưởng Cục công binh làm Tổng Cục trưởng Tổng cục tiếp vận.
- Trung tướng Trần Văn Trung vẫn làm Tổng cục trưởng Tổng cục chiến tranh chính trị.
- Đại tá Hồ Ngọc Nhân giữ chức quyền Tham mưu trưởng liên quân.
- Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh làm phụ tá Tổng Tham mưu Trưởng.
Hạnh nghe tới đó mừng rơn. Ở vị trí quân sự đầy quyền lực này, trong Bộ Tổng tham mưu chỉ có đứng sau Tổng Tham mưu trưởng. Phụ tá Tổng tham mưu trưởng hoàn toàn có quyền thay Tổng tham mưu trưởng chỉ huy quân đội. Hạnh thầm nghĩ: Từ giờ phút này mình sẽ còn “mượn oai” của cả Tổng thống để chi phối tình hình và sẽ thẳng tay dẹp bọn nào dám còn định đảo chính như Viên.
Bổ nhiệm xong, Vĩnh Lộc bảo Hạnh:
- Chuẩn tướng vào vị trí chỉ huy luôn đi, “moa” đi thị sát mấy nơi rồi về báo cáo với Đại tướng.
Hạnh càng mừng, bởi anh biết: bây giờ tâm trí Lộc đâu còn dành cho việc “tiêu diệt cộng sản” và “phụng sự Tổ quốc” nên công việc ở Bộ Tổng tham mưu sẽ giao phó cả cho mình. Cũng đến bây giờ anh mới thấy cái tên Hữu Hạnh mà ông nội đã đặt cho anh không còn “bất hạnh” nữa mà đang liên tục gặp “cơ may”.
15 giờ ngày 29 tháng 4, Hạnh ngồi vào ghế chỉ huy của Bộ Tổng tham mưu gọi điện đi các nơi, trước hết là quân đoàn 3:
- Thưa ai ở đầu dây đó? Nguyễn Văn Toàn hỏi lại.
- Tôi Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá Tổng Tham mưu trưởng. Xin Trung tướng cho biết tình hình.
- Nguy ngập, nguy ngập quá rồi Chuẩn tướng! 18 giờ 10 phút chiều qua Việt Cộng đã dùng xe tăng đánh chiếm chi khu Long Thành. 18 giờ 50 phút mất tỉnh lỵ Bà Rịa - 19 giờ 30 phút kho Long Thành bị pháo kích, đường 15 bị cắt, Vũng Tàu chắc cũng bị mất, còn Biên Hòa đang bị bao vây ba mặt. Tôi đề nghị cho rút bộ chỉ huy nhẹ về căn cứ thiết giáp ở Gò Vấp.
Hạnh thầm nghĩ: Viên tướng thiết giáp này muốn về gần sân bay để tìm kế tẩu thoát. Hơn nữa nếu quân đoàn 3 về Sài Gòn thì cả quân đoàn tan nát ngay nên Hạnh liền trả lời:
- Tôi sẽ trình lên Tổng Tham mưu trưởng Vĩnh Lộc. Nhưng về phần Trung tướng, nếu xét thấy việc rút bộ chỉ huy nhẹ về đó là để có thuận lợi trong việc bảo toàn lực lượng và đánh địch thì Trung tướng cứ tùy cơ.
Hạnh nói thế, coi như đã gián tiếp đồng ý với đề nghị của Toàn và viên tướng này đã “tùy thời cơ” luôn sau đó.
Hạnh quay tiếp máy điện thoại gọi xuống sư đoàn 18 của Lê Minh Đảo. Viên tướng được phong vượt cấp bởi tuyên bố sẽ “tử thủ để giữ Xuân Lộc”. Bây giờ đã tháo chạy khỏi Xuân Lộc rồi, giọng Đảo lạc đi:
- Chúng tôi đang bị bọc hậu. Việt Cộng tấn công bằng cả xe tăng, xin Chuẩn tướng cho tôi rút về bên này sông Đồng Nai để cố thủ.
Hạnh nhận thấy, nếu sư đoàn 18 rút đi sẽ có lợi hơn cho Quân giải phóng tấn công vào hướng này nên đồng ý với đề nghị của Đảo và quay máy gọi xuống sư đoàn 22 ở Tân An. Chuẩn tướng Phan Đình Niên ở sư đoàn đã bỏ trốn, tham mưu trưởng sư đoàn báo cáo:
- Chúng tôi đang bị áp đảo mạnh ở hướng chính diện: một sư đoàn Việt Cộng sẵn sàng tấn công. Quốc lộ 4 đã bị cắt đứt hoàn toàn.
5 giờ sáng ngày 30 tháng 4, Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam tư lệnh quân đoàn 4 báo cáo lên bằng điện thoại:
- Chúng tôi bị tấn công mạnh ở ba nơi: Vĩnh Bình, Bạc Liêu và một nơi cách sân bay Trà Nóc 3 ki-lô-mét.
Hạnh hỏi:
- Thiếu tướng kháng cự thế nào? - Nam trả lời:
- Tôi đã đẩy lui được đợt tấn công của Việt Cộng cách sân bay Trà Nóc 3 ki-lô-mét. Tôi sẽ cố giữ các vị trí còn lại, các lực lượng của quân đoàn 4 và quân khu 4, mặc dù bị tấn công vài nơi, nhưng vẫn còn nguyên vẹn.
Hạnh nghĩ: Có thể hướng tấn công của Quân giải phóng đang tập trung vào hướng Bắc và Sài Gòn nên chưa sờ đến thủ phủ miền Tây. Phải giữ kín tin này không để ai biết, kể cả Vĩnh Lộc nếu ông ta không hỏi tới và phải “có cách” trị viên tướng đang còn hiếu chiến, chủ quan ở vùng đất quan trọng này. Hạnh giả bộ cổ vũ Nam, nhưng đồng thời thông báo vắn tắt các hướng vào Sài Gòn đang nguy ngập, nhiều tướng đã đào nhiệm không giữ vững tuyến phòng thủ được như Nam để “biểu dương”, song chính là để đánh đòn tâm lý đối với viên tướng này.
“Đánh đòn” đầu tiên với Nguyễn Khoa Nam xong, Hạnh điểm lại lực lượng thấy: Đêm qua ở hướng Thủ Dầu Một do sư đoàn 5 trấn giữ đã bị Quân giải phóng chọc thủng, liên lạc bị cắt đứt. Thế là hướng này trống nên Quân giải phóng đã tiến tràn đến Hố Nai. Tuyến phòng thủ ở đây do sư đoàn 18 và lữ đoàn 5 thiết lập đã chuyển về bên này sông Đồng Nai.
Như vậy lực lượng còn lại chưa chạm trán với quân giải phóng chỉ còn có lực lượng của biệt khu Thủ đô. Ở đây đang còn có các lữ đoàn dù; sư đoàn biệt động quân và 20 xe tăng do Lộc tối qua lúc trở lại sở chỉ huy mới lệnh cho bộ chỉ huy thiết giáp tăng cường vào. Qua báo cáo của tham mưu trưởng biệt khu Thủ đô, Hạnh còn biết: Do đêm qua có nhiều đoàn xe của quân giải phóng từ phía Hóc Môn đã tiến về hướng Sài Gòn nên tư lệnh Lâm Văn Phát mới được bổ nhiệm thay Nguyễn Văn Minh đang còn “hăng máu” đã lập xong “kế hoạch phản công”.
Lợi dụng lúc Vĩnh Lộc cũng đang hoang mang và phân tán về chuyện lo “vợ con di tản”, không toàn tâm toàn ý vào chỉ huy quân đội để “tử thủ”, có vào sở chỉ huy cũng chỉ nắm những nét lớn do Hạnh báo cáo lại, Hạnh đã giấu không báo cáo cho Lộc về việc Phát lập “kế hoạch phản công”. Nếu biết Lộc dễ dàng tiếp thêm sức mạnh do Phát bằng cách điều lữ đoàn thiết giáp bên sông Đồng Nai hoặc gọi quân đoàn 4 ở miền Tây về.
Cũng do có “lợi thế” được Vĩnh Lộc cho ngồi liên tục ở ghế chỉ huy, ngày hôm qua riêng ở biệt khu Thủ đô, Hạnh đã khéo léo rải mỏng lực lượng quân cảnh bằng cách điện cho viên Đại tá chỉ huy yêu cầu tung hết lực lượng chia thành các nhóm nhỏ ra đường phố kiểm tra quân nhân, thu hồi vũ khí, bắt giữ những tên đào ngũ ở các nơi mới đổ về đang gây rối loạn, cướp bóc tài sản của dân thường để bớt đi một lực lượng phòng thủ. Đồng thời biết được tin một số sĩ quan hiếu chiến định phá cầu, Hạnh đã điện đi các nơi “không được tự động phá cầu khi chưa có lệnh của Bộ Tổng tham mưu!”, để quân giải phóng tiến vào Sài Gòn không bị trở ngại. Còn lúc này, Hạnh lại điện đi các nơi trong đó trước hết là tư lệnh biệt khu Thủ đô bằng cách “mượn danh” Tổng thống khuyến cáo cấp dưới: “Tổng thống không có ý định điều động quân đội từ nơi này đến nơi khác. Vì như thế sẽ không có lợi, ảnh hưởng tới việc thương thuyết với cộng sản”.
5 giờ 30, Tổng thống Dương Văn Minh gọi Tổng tham mưu trưởng về dinh Độc lập báo cáo về tình hình quân sự - Trước khi đi, Lộc yêu cầu Hạnh trình bày lại tình hình mới nhất mà Hạnh vừa nắm được. Cùng nghe có Trung tướng Nguyễn Hữu Có. Tướng Có cũng đã đến trình diện với Đại tướng Dương Văn Minh để xin được “cùng gánh vác phận sự” từ tối 29.
Rất may cho Hạnh, nếu Tướng Có đến cùng lúc với Hạnh rất có thể cái chức Phụ tá Tổng tham mưu trưởng đã không đến tay Hạnh.
Hạnh báo cáo với Lộc:
- Trình Trung tướng Tổng tham mưu trưởng, từ đêm qua tới giờ phía sân bay Tân Sơn Nhất, quân của biệt khu Thủ đô đang chạm súng với Việt cộng. Có thể họ sẽ giữ được, nhưng sẽ phải chịu nhiều thiệt hại về người và vật chất. Ở phía Biên Hòa và Thủ Dầu Một đã không còn sức chiến đấu. Trung tướng Toàn đã bỏ chạy ra nước ngoài. Chuẩn tướng Lê Công Thành Phó tư lệnh không nắm được quân. Ông ta không còn gì mà chỉ huy. Sư đoàn 18 của tướng Đảo và lữ đoàn 5 thiết giáp bị kẹt ở tuyến Đồng Nai cũng đang ở thế không tiến, không lui được. Hướng Thủ Dầu Một như vậy hoàn toàn bị bỏ ngỏ. Một đoàn chiến xa đang tiến về Sài Gòn đã đi ngang qua Búng. Mặt trận phía này chúng ta không có quân xung kích mà chỉ có lực lượng phòng thủ. Tôi e rằng thời gian ngắn nữa chúng ta sẽ không gạt đỡ nổi.
Nghe xong, Vĩnh Lộc tái người, bởi bất kỳ ai có một chút kiến thức quân sự đều thấy tình hình này đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Lộc vội cầm lấy máy điện thoại gọi lên Phủ Tổng thống xin phép Dương Văn Minh để Lộc được ủy quyền cho Hạnh lên báo cáo.
Buông máy xuống, Lộc bảo Hạnh:
- Chuẩn tướng đi báo cáo với Tổng thống đi, “moa” rẽ qua nhà có chút việc.
Lộc đưa tay về phía Hạnh rồi cả Có và nói:
- Trung tướng nên cùng Chuẩn tướng về báo cáo với Tổng thống.
Lộc bắt tay xong liền lầm lũi đi ra cửa, mặt ngượng ngùng. Hạnh và Có hiểu, đó là cái bắt tay cuối cùng. Đúng thế 2 giờ sau đó, viên tướng dòng dõi hoàng tộc này đã cùng vợ con xa chạy, cao bay ra nước ngoài.
Lộc đi rồi Hạnh và Có chạy đi tìm xe. Cả xe và tài xế đã biến mất. Có phải điện về nhà đưa xe riêng đến để hai người tới gặp Dương Văn Minh.
6 giờ sáng. Vào giờ này mọi khi Minh đang thanh thản đi dạo quanh vườn. Bây giờ ông đã ngồi sẵn ở văn phòng với bộ mặt phờ phạc, ưu tư. Chào Minh xong, Hạnh để tướng Có đang là “cố vấn” quốc phòng cho Tổng thống trình bày. Có báo cáo lại gần như nguyên văn mà Hạnh vừa mới tường trình với Vĩnh Lộc. Ông Minh trầm ngâm suy nghĩ. Nhân lúc đó, Hạnh liền nói thêm:
- Tình hình nguy ngập xin Đại tướng quyết định gấp. Chúng ta không thể trì hoãn được nữa. Trì hoãn sẽ có hại.
Tướng Minh vội quay sang hỏi Hạnh:
- Bây giờ “toa” muốn gì?
Hạnh nghĩ rằng đầu hàng sớm là tốt nhất, nhưng chưa nói thẳng điều đó mà chỉ nói thêm:
- Thưa Đại tướng về chính trị là quyền của Đại tướng. Riêng về quân sự thì Đại tướng phải quyết định gấp. Tình hình quá nguy ngập không cho phép chúng ta chần chừ nữa.
Tướng Minh lại suy nghĩ trầm ngâm một lúc rồi mới nói:
- Thôi để “moa” đi bàn với ông Huyền và ông Mẫu. Các “toa” cứ ngồi đây đợi.
Hạnh đề nghị được đi theo, Minh đồng ý. Cả hai đến phủ Thủ tướng ở số 7 đường Thống Nhất. Trên đường đi Hạnh càng thấy rõ cảnh hỗn loạn của Sài Gòn. Dân chúng đang thành từng dòng người, bồng bế nhau xuôi ngược, nét mặt đều lộ rõ vẻ hoang mang, hốt hoảng. Kẻ xấu đang lợi dụng hôi của. Ở tòa đại sứ Mỹ, bọn chúng đông như kiến cỏ, chen lấn nhau bu vào tha các thứ ở đây ra làm cho xe của Hạnh không thể nào đi nhanh được.
Đến phủ Thủ tướng, bộ ba Minh - Huyền - Mẫu vội vã họp bàn ngay. Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền muốn để chờ kết quả của phái đoàn thương thuyết do luật sư Trần Ngọc Liễng dẫn đầu từ trại Đa-vit trở về xem sao. Liệu Mặt trận dân tộc giải phóng có chấp thuận được đề nghị nào của phía “Quốc gia” không? Nhưng đến gần 8 giờ phái đoàn ông Liễng vẫn chưa về. Trong khi ấy tình hình mỗi phút càng thêm nguy ngập nên bộ ba này không còn con đường nào khác phải nhất trí quyết định đơn phương tuyên bố bàn giao chính quyền lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Thủ tướng Vũ Văn Mẫu soạn lời tuyên bố và 9 giờ Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố vào máy ghi âm.
Trong lúc tướng Minh đọc lời tuyên bố để thâu băng, Nguyễn Hữu Hạnh điểm nhanh một loạt các viên tướng đang cầm quân xem những tên nào còn “máu mặt” có thể phản ứng với tuyên bố này. Trừ những tên vừa mới bị bắt và đào nhiệm, số còn lại gần như tất cả đã mất hết tinh thần kháng cự. Chỉ còn có Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh quân đoàn 4 và quân khu 4 có thể sẽ quyết “tư thủ” để giữ “Thủ phủ Miền Tây”. Hạnh quay máy điện thoại gọi xuống Nam:
- A lô! Anh Nam đấy phải không? Chào anh. Tổng thống sắp ra một tuyên bố rất quan trọng anh chú ý nghe đài và tuyệt đối chấp hành lệnh của Tổng thống.
- Nội dung Tổng thống nói gì vậy Chuẩn tướng?
- Tôi đâu có hay. Thủ tướng Mẫu đang soạn lời tuyên bố sau cuộc họp giữa ba ông. Tôi chỉ được lệnh của Tổng thống bảo phải thông báo trước xuống tất cả tư lệnh các mặt trận...
Nói xong, Hạnh buông máy không để Nam hỏi gì thêm và tin rằng Nam sẽ phải thực hiện. Cũng từ giờ phút này Hạnh luôn bám sát tướng Minh không trở về Bộ Tổng tham mưu. Tới giờ Dương Văn Minh cũng đã biết việc đào tẩu của Vĩnh Lộc. Còn Nguyễn Hữu Có cũng đã nhanh chân trở về nhà thay quần áo xi-vin để làm “dân thường”. Người thừa hành cao nhất các mệnh lệnh về quân sự của Tổng thống trong chính quyền Sài Gòn và cũng là chỉ huy cao nhất trong quân đội Sài Gòn bên cạnh Tổng thống giờ đây không còn ai khác ngoài Nguyễn Hữu Hạnh. Không còn tướng nào có được vị trí là tướng cận thần Tổng thống duy nhất như Hạnh lúc này.
Thâu băng xong, tướng Minh cho người mang ngay tới đài phát thanh trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm cho phát trên dài. Bản tuyên bố của Dương Văn Minh đơn phương xin “bàn giao chính quyền” được phát đi nhiều lần. Nguyễn Hữu Hạnh cũng đi theo tới đài để chỉ thị cho quân đội và các lực lượng vũ trang Sài Gòn buông súng thi hành lệnh của Tổng thống. Khi đài phát xong chỉ thị đó, Hạnh nhận thấy nó mới chỉ phát được một lần đã yêu cầu phát lại và sử dụng loại băng tự động để tiếng nói được phát đi liên tục. Thấy việc đó đã được thực hiện hoàn hảo, Hạnh mới hoàn toàn yên tâm và thầm reo lên: “Thế là mình đã cơ bản hoàn thành được nhiệm vụ trọng đại mà Ban binh vận cũng tức là của cách mạng giao cho. Cũng là thực hiện được “mệnh lệnh” của lương tâm và trái tim mình”.
Tiếng reo thầm đó đã theo Hạnh trên đường về phủ Thủ tướng, bởi Hạnh nghĩ rằng: với sức tiến công như vũ bão, các cánh quân của Cách mạng đã và đang đè bẹp tất cả mọi sự kháng cự của quân Sài Gòn ở các cửa ngỏ vào “sào huyệt” cuối cùng này, trừ những tên ác ôn, thâm thù với Cộng sản, giờ đây sau khi nghe tuyên bố của Tổng thống và “chỉ thị buông súng” của mình, chắc chắn tất cả quân đội Sài Gòn đã rã rời. Không những thế đa số sĩ quan và binh lính còn “tạ ơn Chúa” bởi sẽ thoát được nạn phải bỏ mạng trong cuộc “tắm máu”. Còn nhân dân Sài Gòn thì khỏi nói. Chắc chắn họ cũng đã nhẹ lòng và đang sẵn sàng đón đoàn quân chiến thắng trên khắp các ngã đường vào “Hòn ngọc viễn Đông” còn nguyên vẹn.
Trong khi tuyên bố của Dương Văn Minh và “chỉ thị buông súng” của Nguyễn Hữu Hạnh đang được phát trên đài, tại phủ Thủ tướng đã có mặt nhiều nhân vật trong Chính phủ cũ và mới. Họ tới đây để chuẩn bị đến dinh Độc Lập “dự lễ ra mắt” nội các Vũ Văn Mẫu mà trước đó dự kiến sẽ tổ chức vào 10 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975. Họ đã đến dinh Độc Lập đông đủ. Nhưng lễ ra mắt đó đã không bao giờ có được nữa. Nó đã trở thành “lễ tiếp đón” lực lượng giải phóng lúc 11 giờ 30 cùng ngày sau khi xe tăng của quân giải phóng hút đổ cánh cổng dinh Độc Lập tiến vào dinh và lá cờ của Cách mạng đã phất phới tung bay trên đỉnh cột cờ ở nóc dinh Độc Lập.
Tại “lễ tiếp đón” này, Tổng thống Dương Văn Minh, Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền và toàn bộ nội các chưa kịp “ra mắt” của Vũ Văn Mẫu, tất cả mặt mày đều tái nhợt, bàng hoàng.
Họ không nghĩ rằng quân giải phóng và các cán bộ cách mạng đã tiến vào dinh Độc Lập nhanh đến thế.
Trong nội các và những người của chính quyền Sài Gòn có mặt ở đây lúc này chỉ có vài người là thần sắc không biến đổi mà còn ngược lại, trong đó có Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh. Nhưng lúc đó, các sĩ quan quân giải phóng cùng cán bộ các lực lượng khác của Cách mạng vao dinh Độc Lập không ai để ý tới.
Khi ấy Hạnh đang là người của ông Minh đứng ở cầu thang lầu 2 nhanh nhẹn đón và chỉ dẫn các sĩ quan và cán bộ Cách mạng vào “phòng đại lễ” - nơi ông Minh và cả bộ sậu của chính quyền Sài Gòn đang ngồi chờ để “bàn giao chính quyền” cho Chính phủ Cách mạng lâm thời...
Nhưng ông Minh đâu còn chính quyền để mà bàn giao.
Nguyễn Hữu Hạnh cười thầm khi thấy một cán bộ quân giải phóng đã nghiêm khắc bác bỏ lời nói đó của ông Minh và buộc ông phải đến đài phát thanh đọc lời “cáo chung” “đầu hàng vô điều kiện” chính phủ Cách Mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Với Nguyễn Hữu Hạnh, đây là phút giây sung sướng nhất cuộc đời kể từ ngày nhận “cộng tác” với Cách mạng qua bác Tám “vô tư”.
Từ đây niềm vui đã liên tiếp đến với anh. Đấy là khi anh được Nhà nước ta tặng thưởng Huân Chương Thành Đồng. Là khi được bầu làm Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là lúc được Ủy Ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cấp cho căn biệt thự ở đường Phan Kế Bính. Còn vui nữa, anh đã được là một thành viên trong buổi họp mặt các cán bộ và các “cơ sở” nằm trong lòng địch như anh của Ban binh vận miền Nam. Ở đây ngoài bác Tám “vô tư”, anh đã được gặp đông đủ các đồng chí lãnh đạo trong Ban, trong đó có các đồng chí Bảy Dự, Tư Chí, Sáu Vũ, Mười Thợ đặc biệt là đồng chí Bảy Lương- những người mà anh mãi mãi biết ơn, bởi đã đem lại sự đổi đời cho anh để anh có thể ngẩng cao đầu, tự hào là một người Việt Nam.
HẾT

Xem Tiếp: ----