Lá cải già mẹ không nỡ bỏ đi
Vại dưa mặn suốt thời thơ bé…
Cả thân mình gầy còm của nó đen như cột nhà cháy, mớ tóc trên đầu nó cũng xơ cứng, cong queo lại, không dài ra nổi. Suốt ngày nó lang thang khắp làng, chán rồi ra ruộng, có khi còn ra tận ngoài thổ chỉ để ngồi chơi với đám con nít giữ trâu, cũng có khi nó thì thầm cái gì đó với mấy bụi cỏ. Nhà nó không có trâu, nhưng nó lại thích giữ trâu. Nó thích cưỡi lên lưng trâu hát nghêu hát ngao chẳng câu nào ra câu nào. Mấy đứa khác thấy mặt nó là cứ nhờ giữ trâu để tụi nó tụ tập lại chơi đá dế.
- Thằng Đen đâu? Đen ơi, tới chừ mà không lo về tắm rửa đi hả, suốt ngày lê la ngoài đường - Tiếng cô Mười, mẹ nó léo nhéo đầu xóm
- Con tắm rồi.
- Tắm rồi cũng lo về mà ăn cơm.
- Ăn với chi rứa mẹ?
- Dưa cải.
- Suốt ngày toàn dưa với với dưa. Ớn quá! Nó bỗng thì thầm: - Mẹ, tối qua con thấy có con gà nhà ai trên giàn gà của mình, hay mẹ bắt mần thịt đi?
- Ai dạy mi nói bậy rứa, gà của ai rồi mai mốt họ cũng đi tìm. Thôi, để tau rọc ít lá chuối mai đi chợ.
- Mẹ, mẹ nhớ mua cho cái quần nữa nghe!
- Cái thằng ni, được voi đòi tiên ha? Biết được mấy chục lá mà mua quần. Suốt ngày mi cà hết lưng trâu tới bờ ruộng, quần mô chịu nổi. - Thôi về cắt lá kẻo không còn thấy đường.
Lấy con dao xắt chuối ra cột vào cây sào nhỏ, cô Mười cắt hết những tàu lá chuối phía dưới, chỉ chừa lại hai lá trên cùng. Vườn chuối nhỏ, chỉ khoảng 20 bụi, mà cũng mới cắt nửa tháng trước nên chẳng được bao nhiêu lá. May mà miếng vườn cô đất hạp với loại chuối chát nên lá luôn tốt, xanh um, to bản. Khu vườn cũng khuất, lá chuối không bị gió làm rách nhiều. Thằng Đen phụ cô ôm lá vào để trước sân. Cô dặn với theo: Từ từ đi, không thì lá rách hết chừ.
Cô tháo dao đem cất rồi lấy con dao xếp ra sân trước rọc lá. Những tàu lá chuối chỉ có con dao xếp ăn trầu của ngoại thằng Đen là rọc sướng nhất. Con dao nhỏ xíu, bén ngót. Cô Mười kê dao sát đường sống lá thoăn thoắt rọc vút lên. Nhìn thấy dễ nhưng có lần thằng Đen thử cầm dao rọc nhưng con dao chỉ chực đi ra ngoài sống lá. Một tàu lá nó làm tới 8 khúc, cô Mười không cho nó làm nữa. Rọc xong đống lá, cô giữ lại một số bẹ để làm dây kẹp. Chia đồng đều kẹp nào cũng có lá lành bọc lá rách bên trong, cô đếm được năm chục la (50 kẹp). Cô hỏi thằng Đen:
- Chừng đây lá, giỏi lắm được 15 ngàn, chừ con muốn mua quần hay ăn cá.
Nghĩ tới nghĩ lui nó nói:
- Con mua cái quần đùi thôi, còn thì mua cá.
Cô Mười nhìn nó cười:
- Bộ mi tưởng quần đùi rẻ lắm hả? Cũng hết 10 ngàn chớ chơi.
- Rứa mẹ đừng mua ở chợ. Con thấy ở hàng bà Khánh có bán, cái quần con mặc vừa, hơi chật một xíu thôi, có 5 ngàn.
- Răng mi biết, bộ tự nhiên bả cho mi thử hả?
- Không, bữa trước thằng cu San xuống khe tắm cởi quần bỏ trên bờ, con xin hắn mặc thử. Quần mẹ hắn mới mua ở hàng bà Khánh cho nên con phải giữ trâu giùm hắn, hắn mới cho thử.
- Mi 10 tuổi rồi, thằng cu San mới có 5 tuổi, mà mẹ thấy hắn cũng có mập mạp chi đâu mà mi mặc vừa?
- Thì con nói hơi chật mà, nhưng con mặc được.
- Mặc như rứa mau rách lắm. Thôi để mẹ mua cho một cái. Mà ai bày đặt cái chuyện đi thử quần đùi người ta. Mi không xấu hổ à?
- Con thấy đẹp quá, mà bữa nớ chỉ có con với hắn chớ mấy.
- Mi đứng thẳng lên mẹ coi. Cô Mười đưa tay phủi phủi bụi đất sau quần thằng Đen- cái quần không ra dài không ra đùi, vá không chừa chỗ nào. Mới tắm mà răng người ngợm đất không ri. Mi có kỳ cọ không hay xối nước lên người rồi chạy. Cái cổ còn đất không đây nì.
Vừa nói cô vừa lấy tay chà xát cổ thằng Đen. Nó vừa đau vừa nhột, vùng chạy.
Cô Mười lấy đôi gióng đẹp trên bếp xuống lồng thúng vô và sắp lá. Đôi gióng này cô chỉ để dành đi chợ nên xài cả năm vẫn còn mới. Gánh lá lại để bên góc sân, cô phủi tay bước vô trong nhà, tìm diêm thắp đèn. Hai mẹ con chỉ có một cái đèn dầu tù mù, trừ khi thiệt cần thiết còn không cô chẳng mấy khi vặn tim đèn lên một chút vì sợ tốn dầu. Mà hai mẹ con cũng chẳng mấy khi thắp lâu, ăn cơm xong, dọn dẹp một chút là cô thổi đèn. Tối trăng hay sáng trăng gì hai mẹ con cũng ra ngồi ngoài sân chơi cho tới lúc buồn ngủ đi ngủ. Thỉnh thoảng có họp hành gì cô lại thấy vui. Tiếng kẻng, tiếng người gọi nhau ơi ới. Những nhà ở cuối xóm đều phải đi ngang qua nhà cô. Những đêm tối trời cô thích nhìn những đốm sáng cứ nối hàng di chuyển ngoằn ngèo từ xa. Khi không thấy bóng người trông chúng thật lạ lùng, vừa ấm áp thân thương vừa lung linh ma quái.
Bưng cái đèn xuống góc bếp, cô bưng lên nồi cơm nhỏ với tô dưa cải. Cả tháng này hai mẹ con cô chỉ có dưa và bát canh rau tạp tàng hái quanh vườn mỗi ngày đến mức cây nào cây nấy chỉ còn trơ cả xương. Cái thứ cải già muối mặn để lâu luôn bốc mùi khăn khẳn. Ăn riết, mồ hôi ra cũng nghe mùi dưa cải, để lại những vệt màu vàng úa trên lưng áo, nách áo, lâu ngày vải dày cộm lên, không có xà phòng giặt không sạch được. Tội nghiệp thằng Đen. Mười tuổi mà trông nó quắt queo, cũng nhờ trời nó vậy mà từ nhỏ đến giờ chẳng đau ốm gì. Thỉnh thoảng sụt sịt cô giã cho vài cối ngãi cứu với muối sống bắt uống là hết ngay. Không biết bịnh sợ thuốc hay nó sợ thuốc mà hễ nó kêu đau kêu mệt kiểu gì cô cũng cứ ngãi cứu mà cho uống, mà lạ chỉ hai ba hôm là nó hết bịnh. Bà con trong xóm vẫn nói đùa mỗi khi thấy nó: Chắc mày con trời quá, ổng mới nuôi được như rứa. Cô Mười nghe chỉ cười nhưng nghĩ: Trời nuôi cái gì, là cô phải chịu bao nỗi khốn khổ vì nó, cả sự ra đời của thằng Đen cũng không phải ý muốn của cô. Mười năm rồi, bà con làng xóm quên hết chuyện cũ, không bàn tán, không chê bai, nhiều người hiểu chuyện còn nói với cô những lời an ủi nhưng cô thì không quên được. Nó là nghiệp chướng, là số phận bi thảm của cô…
Mười năm trước, cô mới vừa qua tuổi hai mươi, người nhỏ nhắn, nước da nâu giòn với má lúm đồng tiền, tuy không vào hàng xinh đẹp trong làng nhưng rất có duyên và cũng đã có vài anh chàng ngấp nghé đầu ngõ. Nhưng cô lại không thích những chuyện hẹn hò trai gái mà cứ thích chơi với đám trẻ con, suốt ngày bày trò nghịch phá. Chiều lại còn ra giếng tắm với chúng nó, chị có la cũng kệ. Ngày chị cô đi lấy chồng là lần đầu tiên cô mặc áo dài. Chiếc áo mượn của người chị họ nên dài phủ xuống chân, lại hơi rộng nhưng trông cô cũng trở nên lạ lẫm trong mắt mọi người. Ngượng ngịu nhưng cũng thinh thích cái thứ cảm giác được người khác khen, cô chợt nhớ mình cũng là cô gái đã đến tuổi không thể rong chơi cùng lũ nhỏ nữa. Đám cưới chị tháng 3 thì sang tháng 3 năm sau chị sinh con đầu lòng. Không còn mẹ, cô lên nhà anh rể chăm sóc chị ở cữ. Được đêm đầu tiên yên ổn, đêm hôm sau ông anh rể giở trò sàm sỡ. Căn nhà nhỏ, buồng của chị cách gian nhà ngoài chỉ một tấm phên tre. Sợ chị lên cơn sản hậu, cô cắn chặt răng chống cự trong im lặng nhưng không chống cự nổi với sức mạnh của một người đàn ông lực điền đang trong cơn thèm khát. Cô vẫn âm thầm chăm sóc cho chị đủ 3 tháng 10 ngày rồi trở về nhà với cái thai cũng âm thầm lớn lên từng ngày. Đến lúc không thể giấu được nữa, cô nói cho cha và chị biết. Cha cô là thầy cúng trong vùng. Người ta nói ông cao tay ấn như phù thuỷ, giúp người bệnh đuổi tà ma không biết bao nhiêu lần nên những con ma tìm cách trút hận sang đứa con của ông. Ông không đánh đập cô như cô nghĩ mà lẳng lặng không nói tiếng nào, bỏ vào căn phòng tăm tối dán đầy những thứ bùa chú của mình, và ở luôn trong đó với con mèo đen già theo ông mấy năm nay. Tới bữa, cô Mười đem cơm vào cho ông, ông chỉ ra ngoài mỗi khi cần đi vệ sinh. Cả cái hôm cô Mười đẻ rớt thằng Đen trong nhà, ông chỉ giật mình khi nghe tiếng trẻ con khóc oe oe, rồi ngồi bất động trở lại. Một năm sau ông mất. Sau khi cha mất cô Mười sống một mình với thằng Đen trong ngôi nhà ít người dám tới ấy. Năm sau đó, chị gái cô cũng theo cha. Cô ngẩn ngơ suốt mấy tháng trời. Tại sao chị cô phải chết? Sao trời không đày gã đàn ông khốn nạn đó đi? Sao trời không để cô chết? Cái chết của chị cô cũng thật kỳ dị. Tự dưng cái bụng chị cứ mỗi ngày một lớn, đau âm ỉ. Mới đầu ai cũng tưởng chi lại có mang, chỉ có chị là biết mình đang chết dần. Sau chuyện của em gái, chị không nói với chồng tiếng nào và cũng không còn gần gũi chồng. Chị thấy mình đang chết. Đám tang của cha đã rút kiệt chút sức lực còn lại của chị. Cái chết đến như chị mong muốn, phải đau đớn quằn quại đến không thể chịu được, chị thấy mình có tội, chị nghĩ mình phải trả đủ món nợ mà chị đã vay bằng chính cuộc đời của cha và em gái mình. Chị bình thản giữa những cơn đau xé ruột, cho đến lúc chị đi.
Cô Mười đóng cửa căn nhà cũ, kêu người làm một căn nhà nhỏ trong khu vườn bên cạnh cho hai mẹ con ở. Thỉnh thoảng cô sang mở cửa căn nhà cũ quét dọn, hương khói. Hai năm nay đó là việc của thằng Đen. Thằng Đen lại rất thích công việc này. Cứ mỗi lần mở cánh cửa gỗ nặng trịch bước vào gian nhà thờ là nó nổi da gà nhưng lại thấy tò mò, thích thú. Những tờ giấy viết ngoằn nghèo cái thứ chữ kỳ dị, những cái mặt nạ đủ thứ hình dạng quái đản, những hình nhân nằm lăn lốc khắp gian phòng. Lần nào nó cũng cầm lên nhìn khắp lượt, rồi bỏ xuống. Có bữa nó nói với cô Mười là nó nghe y như có tiếng người thở trong những hình nhân đó. Cô Mười đang xếp củi tiện tay quất cho nó một phát vào mông, la nó nói bậy bạ. Thằng Đen cứ ấm ức, nó nghe có tiếng thở rõ ràng, không lầm được. Nhưng cô Mười kể từ hôm đó lại thấy sợ. Bữa trước có người nói: Thằng Đen càng lớn càng giống ông ngoại, hay là cô cho nó theo nghề thầy cúng đi. Cô nghĩ, thôi phải ráng cho thằng Đen đi học, để nó lông bông mãi cũng không được nhưng nghèo thế này biết lấy gì cho nó đi học. Hồi cha cô chết đi cô còn chưa biết làm một thứ gì. Tiếng là gái quê nhưng vì cha cô làm nghề thầy cúng cũng dư sống, có mấy đám ruộng cũng cho người làm rẻ. Cô tối ngày chơi với bọn con nít. Cha mất, cũng may còn có khu vườn nhỏ này. Cô lấy lại ruộng rồi tập làm như người ta để nuôi con. Không có kinh nghiệm, cứ chủ ruộng bên cạnh làm gì cô lại làm nấy nhưng ruộng của cô không mấy khi tươi tốt được mùa như người ta. Hai mẹ con cứ nhờ vào đó sống lần hồi. Có năm cả làng mất mùa, nhà ai cũng đói, cả tháng hai mẹ con chỉ khoai lang với củ truốc. Nghĩ tội, anh Thiết mang sang cho ít gạo nhưng cô không dám nhận. Mười năm nay, những thằng con trai ngày ấy ngấp nghé ngõ nhà cô đã lấy vợ, sinh con đùm đề thì anh vẫn ở vậy. Cô không dám nghĩ anh còn chờ đợi gì ở cô nhưng cứ mỗi lần thấy anh vào ra thui thủi một mình cô lại thấy xót xa. Ngày ấy cũng chưa ai dám bày tỏ tình cảm của mình nói gì tới chuyện hứa hẹn nhưng anh cứ ở vậy làm cô thấy mình mắc nợ anh, không dám nhận sự giúp đỡ của anh. Mỗi lần gặp cô anh lại nhắc chuyện phải cho thằng Đen đi học, để nó suốt ngày ngoài bờ ngoài ruộng, tội. Ở cái làng này cô chẳng biết học để làm gì, mấy nhà có của ăn của để cho con đi học cũng chỉ tới lớp 9 rồi nghỉ, được chia ruộng chia vườn rồi lấy chồng lấy vợ, cũng quanh quẩn trong vùng. Nhưng có lẽ cô phải tìm cách cho thằng Đen đi học. Mà không biết trường có chịu nhận nó vô học không. Rồi thằng Đen nữa, nó có chịu đi học không...
- Mẹ, tiếng thằng Đen gọi làm cô Mười giật cả mình, rứa mai mẹ mua cho con cái quần thiệt rộng đi. Con về lấy dây thun cột lại cho chặt bụng khỏi tuột cũng được. Con mặc được mấy năm lận.
- Quần chưa chật thì rách với mi rồi chớ ở đó mà lo!
- Con mặc ở trong thôi, mặc cái quần cũ ni ở ngoài, không rách mô.
Cô muốn ôm con vào lòng quá. Cái thằng, ai dạy rứa không biết, hay là trời nuôi, trời dạy thiệt. Nghĩ thôi chớ cô không lại ôm nó, kẻo nó lại nói cắc cớ: Mẹ kiếm ông nào đó ôm đi, chú Thiết chờ mẹ kìa. Rồi bỏ chạy. Cô biết nó mắc cỡ. Cái thằng, tưởng mình đã lớn rồi chắc. Cô chợt nói bâng quơ: Chẳng biết đi học thì nó có mắc cỡ không nữa…
- Mẹ nói cái chi rứa, thôi ăn nhanh lên, đèn sắp hết dầu rồi.
Cô ừ, mà nghe miếng dưa cải muối lâu ngày mặn đắng trong miệng.
TRÚC LY
 
 

Xem Tiếp: ----