Tôi có một người bạn, mỗi buổi sáng thức dậy, anh tự pha hai ly cà phê sữa, một cho mình và một cho vợ. Ly của ông đậm cà phê hơn ly của bà và ít ngọt hơn. Câu chuyện này kéo dài hơn bốn mươi năm cho tới lúc anh ấy qua đời với một chứng bệnh nan y. Trước khi mất, lúc còn tỉnh táo, anh dặn cô em vợ hiện nay vẫn ở chung nhà, cách thức, cân lượng để pha một ly cà phê như thế cho vợ. Ðó không phải là chuyện hình thức suông, hai ông bà ăn ở với nhau có tình có nghĩa cho tới lúc, một người phải ra đi trước để người kia ở lại trên cõi đời này. Cuộc tình đó, bạn bè thường nói đùa “thương nhau ai thấy cũng thèm.” Trên cõi đời này, một số người đã không đi trọn cuộc tình. Lúc trẻ thương yêu nhau tha thiết, về già, phần bận bịu con cháu, phần cơ thể và sinh lý thay đổi, họ dần dần xa nhau. Lấy lý do bà cựa quậy khó ngủ, lấy lý do ông thường ngáy lớn ban đêm, hai người ra ngủ riêng hai chỗ, dần dà thành thói quen, hai người là hai cõi, từ dị sàng tới dị mộng không mấy xa. Ngày xưa họ gọi nhau bằng tiếng “anh-em,” “cưng-mình,” ngày nay họ gọi nhau bằng tiếng “ông- tui,” “ba nó-má nó,” gọi sao thì gọi, miễn là tấm lòng đối với nhau, như gừng càng già càng cay, rượu càng lâu men càng nồng, chứ đừng để cho thời gian làm tình yêu càng ngày càng phai nhạt. Tuổi già không cần phải “càng gãy chân chõng, càng sai chân giường” mà chỉ cần “già râu già tóc, lòng ai có già.” Ở đây chúng tôi không đám mạn phép bàn tới địa hạt sinh lý của người cao niên mà quí vị bác sĩ đã tốn quá nhiều giấy mực rồi, chỉ xin người đời nhẹ tay cho những mái đầu bạc khi họ đã sống, với một phương diện nào đó như những lúc còn trẻ. Thế gian đã có sẵn những “mỹ từ” tàn nhẫn như “già dịch,” “già dê,” “già lựu đạn” để tặng quí vị loạng quạng, vẫn còn níu kéo chút xuân xanh mà cuộc đời khắt khe không cho phép: “Già thời bế cháu đỡ con Già đâu loại ước cau non cuối mùa!” Ở đây chúng tôi chỉ nói tới chuyện tình già. Thuở son trẻ, xa nhau một ngày đã quay quắt, tới tuổi già hai người sống lặng lẽ, có cũng được, mà không cũng chẳng sao. Chúng ta vẫn thường thấy sinh hoạt người già các nước Âu Mỹ, những đôi vợ chồng cao niên vẫn có đời sống tình cảm rất gắn bó, họ khiêu vũ với nhau, âu yếm ngồi bên nhau trên bờ biển, đi du lịch cùng nhau, trao nhau những chiếc hôn, có lẽ không nồng cháy như xưa, nhưng nhẹ nhàng, âu yếm như một thứ tình yêu che chở, gắn bó chỉ sợ một ngày nào đó sẽ không còn bên nhau được nữa. Người Việt Nam, một phần vì văn hóa, tình cảm không bao giờ bộc lộ ra ngoài, không dám để lộ sự yêu thương vợ chồng trước mặt mọi người, dù là con cái của mình. Một phần họ không xem chuyện đó là quan trọng, một phần, dù có, cũng giữ gìn, sợ người ta cho “già mà không nên nết.” Cuối cùng, người phối ngẫu lúc về già, chỉ là cái bóng mờ nhạt. Có nhiều Ông Cụ Cố ngày xưa, chỉ thức với nhau để có một bầy con, chứ không bao giờ chịu ngủ chung với nhau cho đến cuối đời. Khi vợ ở cữ thì ba tháng mười ngày mới vào gặp vợ, trước khi ngủ với “vợ” thì thắp nhang trình vái ông bà, thực dụng và tàn nhẫn với người đàn bà đến thế là cùng. Trẻ đã vậy, nói chi đến tuổi già, ngày mà “lửa đã tắt, bình đã khô rượu.” Phải chăng tuổi già ngày nay không có những mối tình dẹp như mối tình Romeo-Juliet cổ điển của tuổi mới lớn ngày xưa. Ông già Ettore người Ý, 70 tuổi, đã ngồi suốt bốn tháng bên giường vợ, kể từ khi bà bị stroke và hôn mê. Thời gian quá dài đã làm cho ông già tuyệt vọng, ông đã về nhà, vào garage đóng kín và tự tử bằng chất thán khí để “sống chết có nhau”. Chỉ hơn một ngày sau, bà Rossa hồi tỉnh, câu hỏi đầu tiên của bà là “ông ở đâu?” Khi biết rằng người bạn đời của mình đã không còn nữa, tuyệt vọng như Juliet khi thấy Romeo đã chết, bà Rossa đã tự sát để được chết theo ông. Một người bạn từ xa về ghé ở lại nhà chơi vài hôm, lúc ra đi chúng ta còn thấy trong nhà trống vắng, huống gì một người bạn đời đã sống với chúng ta cùng bao nhiêu vui buồn trong vòng ba, năm mươi năm. Rồi ra, dù thương yêu nhau tới mức nào, tạo hóa cũng không bao giờ sắp xếp cho hai người cùng ra đi một lần. Sống với nhau hết lòng, thương yêu nhau cho trọn vẹn. Chúng ta đã chứng kiến bao nhiêu cảnh đời đen bạc, lúc sống chẳng ngó ngàng tới nhau, lúc chết mới “trình diễn” trước quan khách sự thương tiếc của mình với những lời kể lể dành cho vợ, cho chồng. Nếu con người thật sự có linh hồn và quanh quẩn đâu đây, thì những lời giả dối của người phối ngẫu làm cho người chết tức giận, còn nếu người chồng thực lòng yêu thương, hối hận thì linh hồn người ra đi cũng thương cảm, bịn rịn. theo nhà Phật, cả hai điều đều không thể làm cho linh hồn siêu thoát. Người ta kể lại rằng, một người đàn bà nọ lúc sống đối với chồng chẳng ra gì, lúc chồng chết đã nằm trong quan tài, trước mặt họ hàng, người vợ khóc lóc, kêu gào, lăn xả vào chồng đòi được chết theo. Khi người ta đậy nắp quan tài, thì những sợi tóc của người vợ bị vướng vào. Trong cơn hoảng loạn, bà vợ nghĩ rằng chồng lôi kéo bà ta chết theo, nên bà bèn đổi giọng, hốt hoảng van xin: “mỗi người mỗi nghiệp, anh chết nếu có linh hiển, thì xin đừng bắt tôi theo!” đúng như câu thơ “Nào ai dễ có lòng chân thật, Ở thế tin gì miệng đãi bôi!” (N.T.) Xin tặng những đôi vợ chồng già, những đứa con có cha mẹ gần đất xa trời, những bạn bè muôn thuở những dòng thơ sau đây, mà chúng tôi không rõ tên tác giả: “So, if you love me, even a little bit Please tell me now If you wait until I am sleeping, Never to awaken There will be death betweens us And I won't hear you then.” Xin tạm dịch là: “Nếu thật lòng đã yêu tôi Xin anh hãy nói những lời hôm nay Ðừng để muộn... tới ngày mai Khi tôi đã ngủ giấc dài mộ sâu Lời anh nói - Tôi nghe đâu!” Phải rồi, cho nhau ngày hôm nay, ngày mai chẳng có gì để phải hối hận.