Sau tết, thay vì về Phan Thiết thăm nhà, Hải quyết định về Sài Gòn thăm Trí và gia đình Trí, nơi Hải ở trọ hồi còn học ở trường đại học Khoa học. Nhà có hai anh em trai, anh Tài có vợ ra riêng, thêm Hải nữa như dọn thêm một chén cơm, kê thêm cái gường sắt. Nên Hải ở nhà Trí gần hai năm, chia căn gác rộng, chia bàn học với Trí, chia những nổi trống không, chia những nổi bất bình trong xã hội và được gia đình Trí coi như con. Sau hai năm ở trường Khoa học, Hải thấy mình thừa thải trong thành phố ăn chơi, hờ hửng với chiếc tranh, với nổi bất hạnh của biết bao người. Cảm thấy cái học của mình không giúp được ai, Hải ghi tên vô trường bộ binh Thủ Đức và bắt đầu cuộc sống nay Long Khánh, mai Định Quán, gian nan, nhưng đầy tình đồng đội, chia xẻ được phần nào cái lý tưởng của cuộc chiến này với bạn bè. Hải đã lựa chọn không đắn đo: Con đường tranh đấu cho một miền Nam tự do dân chủ dầu cho đường đi này trả bằng nước mắt và xương máu của biết bao người đã và đang dấn thân.
Đường Phan Thanh Giản một chiều, Hải chỉ nhìn chừng bên phía trái rồi băng qua đường để ra Trần Quốc Toản, đến trường Quốc Gia Hành Chánh tìm Trí đang học ở đó. Ai ngờ một chiếc xe PC từ con hẻm lớn phóng ngược chiều để băng qua hẻm bên kia, hất Hải lảo đảo bật ngữa ra sau.
Tức giận, lòm còm bò dậy tìm coi thằng nhóc du côn chạy xe ẩu. Xe PC vất vễnh nằm bên lề đường, một cô gái da hồng rám nắng đang tức tối xoa cái cùi chỏ rơm rớm máu, quay nhìn Hải mắt long lanh mắng:
Qua đường mà không ngó trước ngó sau gì hết vậy, lần sau gặp xe nhà binh cán cho ngủm luôn.
- Ơ!
Bị hất té, bị mắng hối hả, định gầm lại với cô gái du côn chạy xe ẩu rồi đổi thừa cho mình. Nhưng khi thấy cô gái loay hoay dựng chiếc xe PC lên, miệng lẩm bẩm: “Đúng là lính rừng về phố”. Hải bật cười. Cô gái quay phắt lại:
- Vui lắm sao mà cười?
Rồi dịu giọng, hỏi:
- Mà ông có bị sao không? Đường là đường một chiều nhưng cũng phải ngó trước ngó sau mà băng qua, Sài Gòn chứ đâu phải rừng núi mà muốn đi ngang đi dọc, không sợ xe cộ gì hết.
Hải dơ hai tay lên trời than:
- Tung tui té, rồi còn mắng, còn dạy đời, dạy khôn tôi nữa.
- Ông không bị chảy máu chỗ nào hết. Còn tui, chảy máu ở tay nè, chảy máu ở đầu gối nè, rồi không biết cái xe ra sao đây, tại ông qua đường ẩu.
Chẳng lẻ đưa cái mông chắc bầm tím cho cô gái coi và cái lối lý luận: Trong một cuộc đụng xe, bên nào không bị gì cả, bên ngoài, là bên đó có lổi làm Hải lắc đầu chịu thua. Cô gái đi cà nhắt, dắt xe qua bên kia đường, Hải như bị nam châm hút, lửng thửng theo sau. Cô gái dựng xe, kéo cái e, nhỗng người định đạp cho xe nổ máy, nhưng cái bê- đan bên phải vênh lên cao, bình xăng thì nhỏ giọt càng lúc càng nhanh. Hải dọt miệng đề nghị:
- Tiệm sửa xe đằng kia, cô đem xe lại cho người ta sửa.
- Không.
Cô gái trả lời cộc lốc, rồi cương quyết dắt xe tiếp tục vô con hẽm rộng. Chân đi cà nhắc, mang cái túi da nâu nặng hơi ươn ướt, cô gái lì lợm đi. Hải chùng lòng, chạy theo:
- Cô đem xe vô tiệm cho người ta sửa rồi về, nhà gần đây không?
- Không
- Ở đâu lận?
- Trần Quốc Toản
- Tôi cũng định ra Trần Quốc Toản đây. Xa quá mà! Sao đi đường này?
- Đi đường tắt.
- Đem xe đi sửa, tôi ngồi chờ với cô.
- Không
- À há!
- Gì?
- Không có tiền phải không?
Im lặng
- Tui có tiền
- Ai thèm tiền ông.
- Tui cho mượn, mai mốt tui lại nhà đòi.
- Ai cho ông lại nhà.
- Không cho lại nhà thì lại trường, học ở đâu về vậy?
- Không học đâu hết, người ta đi bơi về, không thấy cái túi ướt nhèm này sao?
Hải nhìn kỹ cô gái. Hèn gì tóc tai không mấy gọn gàng, hơi rối thì đúng hơn, còn âm ẩm. Quần pat nhung nâu đậm chật cứng, áo thun trắng dài ôm chặt người phủ hết mông, trên ngực áo có thêu chữ Dream uyển nhuyển màu nâu. Đôi giày xăng-đan thấp đế da nâu. Vai đeo cái xách da nâu to, màu da nâu chỗ đậm chỗ lợt vì mớ quần áo ướt trong giỏ. Dáng người dong dỏng cao, vai ngang, ốm nhưng trông khỏe mạnh. Gương mặt hồng rám nắng lém lỉnh, cái mũi hinh hỉnh, đôi mắt nâu dài long lanh nhìn thẳng mặt người đối diện không rụt rè. Ở cô gái, nét trong sáng tự nhiên của tuổi trẻ Sài Gòn hiện rõ trong cách ăn mặc thời trang nhưng giản dị, nét vô tư yêu đời hiện trong đôi mắt nâu trong, sự chân thật hiện ở gương mặt không chút son phấn và ánh mắt nhìn trực thẳng không e dè như của nhiều cô gái khi nói chuyện với người đàn ông lạ. Cô gái không có dáng dấp nữ sinh yểu diệu nhu mì mà mấy anh lính rừng như Hải và những người bạn cùng đơn vị thường ao ước được tôn làm thần tượng. Cô gái cũng không có cái dáng dấp híppi thời thượng, ăn mặc diêm dúa, bất cần đời mà nhiều cô thiếu tự tin thường tự tạo cho mình. Nữ sinh không ra nữ sinh, sinh viên không ra sinh viên.
Nhưng ở cô gái có cái gì đó khiến Hải cảm thấy ấm lòng thích chiều chuộng, Hải dịu dàng:
- Thôi đem xe vô tiệm sửa, rồi vô quán chè bên cạnh ngồi chờ. Tui đi mua bánh mì về ăn, tui đói quá, mà cô đi bơi về cũng đói lắm phải không. Một ổ lớn, bốn viên xíu mại, có đủ đồ chua, hành ngò rau thơm, thêm chút ớt không?
Cô gái bật cười lớn, giọng cười khanh khách, miệng cười không che dấu, hàm răng trắng đều, mắt long lanh cười, cánh mũi hinh hỉnh cũng lay lay cười, gương mặt rực sáng trong nắng xuân chiều Sài Gòn, gật đầu không ngần ngại.
Và Hải biết từ đấy Hải đã gắn bó yếu lòng với đôi mắt nâu dài long lanh sáng, với nụ cười hết lòng, với cái trẻ con trong cô bé láu lỉnh này.
Đến khi nghe Kim bảo Hải sáng mai lại trường Sư phạm ở đường Thành Thái để Kim trả tiền sửa xe lại. Hải lại cười to.
- Sao mà cười?
- Kim học Sư phạm?
- Dạ
- Năm thứ mấy?
- Hè sang năm ra trường.
- Rồi Kim sẽ làm cô giáo?
- Thì có sao không?
- Kim sẽ làm cô giáo?
- Bộ đó là chuyện lạ bốn phương sao?
- Không, niềm vui của anh.
- Niềm vui gì? Bộ anh cùng phe với Ba Kim hả?
- Phe gì?
- Phe độc tài, chuyên chế, phe trọng nam khinh nữ. Ba độc tài độc đoán, tuyên bố thẳng thừng: “ Con Kim, con gái mà du côn, bạn bè tứ chiếng, cho nó học Sư phạm coi có hiền ra chút nào không. Không học toán, không học Phú Thọ gì hết, con gái mà học mấy ngành khô khan đó, ế chồng.” Ba ém tài. Năm nào Kim cũng lảnh phần thưởng, tụi con trai ban B mà còn khớp Kim. Kim muốn học ban toán bên Khoa Học nhưng ba ém tài.
Hải khoái chí:
- Anh chịu Ba Kim quá! Ông nói đúng quá!
- Đúng cái gì? Kim tức, Kim nhịn ăn, Kim năn nỉ Má cho Kim ghi danh bên Khoa học, nhưng không ai lay chuyển được Ba. Mà Kim ngu lắm. Không muốn học trường đó, đến chừng thi thì quên hết nổi ấm ức, cắm đầu cắm cổ làm bài. Đến chừng Ba vui mừng khi đi coi bảng kết quả thi tuyển về khoe với má: “Con Kim thi đâu đậu đó.” Bà Đan, chị kế Kim mắng Kim: “ Mày ngu như bò, chỉ giỏi cái miệng, không thích học ở đó thì ráng làm bài chi cho mệt, không vô Sư phạm thì tự do ghi danh vô Khoa học.” Hôm đầu năm học, Thầy Thọ, thầy hướng dẫn, bắt từng đứa lên kể lý do tại sao mình chọn ngành Sư phạm. Bọn con trai, đứa nào cũng vì lý do trốn lính, mấy bà con gái thì bà nào cũng có lý do lý tưởng. Đến phiên Kim, Kim thẳng thừng tuyên bố với thầy: “Em đâu có thích học Sư phạm, Ba em bắt em học.”. Nói tới đó, ức quá, Kim òa khóc hù hù trước mặt cả lớp. Lâu lâu nghĩ lại thấy quê quá.
Hải ngồi nhìn Kim kể liên tu bất tận, không kịp nín thở, như Hải là cái dịp may hiếm có để Kim trút hết nổi “uất ức”, Hải nghĩ thầm: “Anh yếu lòng vì cái du côn của Kim rồi Kim ơi.”
Sáng hôm sau, mới 7 giờ 30, Hải đã có mặt ở trường Sư Phạm Sài gòn nằm trên đường Thành Thái kế bên đường Cộng Hòa có trường đại học Khoa Học cách đây sáu năm Hải đã miệt mài. Sinh viên bắt đầu lai rai đến. Hải ngồi bên hàng cà phê trước trường chờ. Một chiếc xe PC quẹo nhanh từ đường Cộng Hòa, thắng nhanh ngay trước cổng. Kim đó, hôm nay áo dài trắng, mái tóc mượt mà, mái tóc được cắt tỉa từ trán kéo dài từ từ xuống vừa qua khỏi vai, sợi ngắn sợi dài, mái tóc Sylvie Vartan. Đôi kính mát John Lennon tròng kính màu hồng nhạt, vai đeo vái túi được móc bằng những sợi len coton nâu, bên hông giỏ được điểm một cái bông hippi trắng to tướng chiếm gần hết cái giỏ trong đó có vài quyển sách, tắt máy xe. Bổng từ bên kia đường, cổng sau trường Bác Ái, trường dành cho học sinh người Việt gốc Hoa, hai anh thanh niên cở tuổi Kim một người trắng trẻo cao dong dỏng, đeo kính cận, một người hơi ngang cũng trắng trẻo thư sinh, băng qua đường, kêu to:
- Kim!
Kim quay lại:
- À..ha...sao buổi nay đi bộ?
- Xe hư, còn sớm, lại Trần Bình Trọng ăn bánh cuốn không?
- Bánh cuốn dì Thanh? Bảnh vậy? Mới được tiền tuần hả? Chờ Kim đem xe vô rồi đi, hay mình chờ nhỏ Thảo Nhiên luôn.
- Bà Nhiên hay đi trể lắm, đi không thì đi theo.
- Mời hay dắt theo đây hai ông? Có mời đàng hoàng thì Kim mới đi.
Hải đứng kế bên Kim, gọi nhỏ:
- Kim!
Kim xoay người, dơ tay che miệng, mắt tròn long lanh sau cặp kính mát, đôi môi bóng nhểnh cong:
- Anh Hải? Anh đứng đây hồi nào mà Kim không thấy?
Rồi Kim quay lại hai người bạn trai chắc học cùng lớp, nói:
- Kim đổi ý, Kim không đi đâu, mai đi, mình rủ nhỏ Thảo Nhiên luôn.
Anh chàng đeo kính cận mặt buồn thiu, nói:
- Thôi mai đi cũng được
Rồi nhìn Hải dò hỏi. Kim phần trần:
- Anh Hải, anh của Kim.
Rồi xoay sang hai người bạn trai giới thiệu:
- Hiển, với biệt danh Hiển Cận, Đạt, với biệt danh Đạt Ngông.
Hải bật cười hỏi:
- Còn Kim? với biệt danh.....?
- Ha...ha...Kim Nhè, mà Kim đâu có ông nào đâu anh.
- Ha...cái này là anh trên trời rơi xuống.
Hai người bạn đi vô trường, anh chàng Hiển cận còn quay đầu nhìn Hải lần nữa. Kim chọc Hải:
- Mới sáng sớm mà anh lại đòi nợ rồi, xui cả ngày. Chút Kim vô học, anh đi đâu?
- Anh ngồi đây chờ Kim ra chơi, rồi anh ngồi chờ tiếp, chờ Kim về, uống vài ly cà phê là xong.
- Đâu có được! Tội chết! Hay l...à...Kim trốn học.
- Kim thông minh quá! Anh chỉ cầu có thế thôi, mình đi Thanh Thế ăn sáng, có paté chou.
- Trời ơi! Anh Hải dụ dổ Kim. Sao anh Hải biết Kim mê bánh patéchou ở Thanh Thế. Còn một chổ có patéchou ngon nữa là Gival
- Thì ngày mai mình đi ăn sáng ở đó.
- Anh Hải gian ác! Bộ định dụ Kim ngày mai trốn học nữa sao?
Hải mang theo hình ảnh cô bé Kim, gương mặt chỉ cần nhếch tí xíu là trông như cười, cái cười làm đôi mắt lunh linh, cánh mũi hinh hỉnh, hàm răng trắng nuốt trở về đơn vị. Hải mang theo hương tóc thơm mùi chanh, con đường Cộng Hòa, con đường Thành Thái ngập tràn hoa huỳnh đàn vàng rực rỡ trở về đơn vị. Hải mang theo giọng hát trong thanh, tiếng cười khanh khách, giọng Sài Gòn nhão nhẹc về đơn vị và trong giấc mơ. Những lúc làm nghiêm, phạt những anh lính trẻ ba gai lười biếng, những anh lính về thăm vợ, thăm người yêu lên trể, Hải cười thầm: Tụi nó mà biết mình chỉ cần một nhíu mày của con bé Kim là mình rối rít, chỉ cần một chu môi của con bé Kim là mình năn nỉ, chắc tụi nó hết sợ mình. Đàn ông con trai chỉ được cái tài bắt nạt nhau, nghiêm như mình đây mà bị con bé Kim nhỏ hơn mình sáu tuổi bắt nạt, ăn hiếp...đủ trò...lòng Hải ấm lại. Và lần đầu tiên trong đời Hải viết một là thư dài thường thượt:
Kim này,
Tối hôm qua không có phiên gát, anh Hải nằm mơ mơ màng màng, anh trở về ngôi vườn nhà anh ở Phú Long, con chó lông nâu có vài đóm vá trắng liếm mặt anh. Con chó anh kể cho Kim nghe, con chó bạn thân nhất của anh hồi nhỏ, "chó đốm" của anh đó. Anh lại liên tưởng đến con bé Kim buổi chiều đầu tiên anh gặp: quần Pat nhung nâu, giày da nâu, cái giỏ da nâu, áo thun trắng, rồi anh buột miệng kêu "chó nâu". Kim thấy tên "chó nâu" có dễ thương không? Anh gọi Kim là Chó Nâu đó! Chu miệng hả? Anh cũng gọi Chó Nâu. Tiếng Chó Nâu dễ thương như đôi mắt nâu, cái miệng cười, đôi má hồng rám nắng của con bé Kim anh có may mắn được làm bạn, làm anh luôn. Kim có mắng anh Hải ba gai cũng không sao, có chê anh mắt một mí cũng chịu luôn, miễn sao được làm thân với Kim Nhè ( Đá nhẹ hìu, không đau tí nào hết!).
Chó Nâu này,
Bốn ngày phép định bụng về thăm Trí và gia đình bác Năm thành ra bốn ngày anh ngập lụn trong niềm vui, trong hạnh phúc với con bé Kim. Anh mang niềm vui về đơn vị, anh sinh ra dễ tính với tụi lính, anh yêu đời quá đó Chó Nâu ơi. Mấy ngày nay, gặp cái gì anh Hải cũng liên tưởng tới hình ảnh con bé Kim. Buổi sáng sớm rừng Phước Long sương mù còn dăng dăng, không khí thật trong lành, anh nhớ đến hương tóc thơm mùi chanh tươi Kim vừa xả tóc. Thấy mấy viên đạn dài nhọn đầu, anh lại liên tưởng đến những ngón tay mảnh dài nằm gọn trong tay anh, mềm ấm, buổi tối trước khi anh trở lại Phước Long. Thấy màu vàng của lá cờ treo cao trong trại, anh nhớ đến lời Kim kể: Kim ước chi nhà mình có cây huỳnh đàn, cứ mỗi năm sau tết thì hoa vàng rực rỡ rụng theo gió xuân, tung theo cơn gió lộng, đầy đường Cộng Hòa và Thành Thái, Kim sẽ gom hết hoa vàng khô, Kim sẽ nằm trên trăm ngàn cánh hoa mà ngắm mây trôi biến dạng rồi Kim ngủ luôn một giấc ngủ trưa. Kim tiếc là hoa chỉ rực rỡ võn vẹn một tuần nên ít người để ý đến. Và bây giờ anh bắt chước Kim, anh ước là lúc đó anh Hải về, anh Hải đi thật nhẹ, quì xuống,...hôn lên vầng trán rộng, và thấy môi hồng hé cười trong giấc ngủ trưa đầy mộng đẹp. Kim cho anh ước ao với Kim nhá, cho anh hôn lên vầng trán rộng nha. Anh nhớ Kim quá Kim ơi.
Nếu ai đó để ý, sẽ thấy cái ông trung úy Hải lâu lâu lại mỉm cười, lơ đãng, tại anh nghĩ đến những lời chọc ghẹo của Kim đó. Kim dễ thương, Kim ngây ngô chọc anh Hải, Kim làm anh Hải nhớ con bé Kim lớn to đầu sắp làm cô giáo, Kim làm anh cười hoài. Anh nhớ Kim mà. Cho anh nhớ Kim nhá Kim nhá! Kim không cho phép thì anh cứ nhớ, coi làm gì được anh. Anh Hải ba gai mà. Làm sao anh có thể tưởng nổi con bé Kim sẽ là cô giáo, làm sao con bé Kim có thể khẻ tay mấy đứa học trò nghịch ngợm, hay là mè nheo với học trò luôn cho đủ bộ? (au!). Anh nhớ bữa cơm ở gia đình Kim, vui quá Kim ơi. Đến bây giờ anh vẫn còn nhớ những lời chị em chọc ghẹo nhau trong bữa cơm thân mật đó, ánh mắt trìu mến của ba Kim, của má Kim nhìn đàn con ăn mạnh nói nhiều. Anh nhớ ly cà phê đen đá Kim pha cho anh và ba Kim sau bữa cơm. Con bé Kim ngổ ngáo thế mà pha cà phê thật tuyệt, đậm đà như lời mời nhỏ nhẹ của Kim. Bữa cơm làm anh liên tưởng đến những bữa cơm trưa một mình ở nhà. Đường đi từ trường trung học Phan Bội Châu về nhà buổi trưa dài lê thê. Bụng đói meo sau năm giờ học, cong lưng đạp chiếc xe đạp cọc cạch ngang qua ruộng muối khô khan càng làm cho cổ anh khô, đạp năm cay số, lên cầu Phú Long rồi mới về tới nhà. Ai nấy có công việc của người đó, anh lủi thủi ăn cơm một mình. Má anh ngồi kế bên, múc cho anh tô cánh bí xanh nấu với hành mỡ, múc cho anh dĩa cá nục kho béo ngậy. Hai mẹ con ít nói chuyện với nhau, thật ra cũng không biết nói chuyện gì với nhau, chuyện trường thì má anh không biết, chuyện ruộng nương thì anh không quan tâm tới, có ba anh, có mấy anh mấy chị lo. Nghĩ thương má anh. Trưa nào cũng chờ anh về để dọn cơm cho anh, để chờ múc thêm thức ăn cho anh.
Nhớ Chó Nâu quá, anh sẽ ráng thu xếp về thăm Chó Nâu, về chỉ được nhìn Chó Nâu một tiếng đồng hồ anh cũng cam lòng. Nếu anh về buổi sáng thì anh chờ Kim ngoài cổng trường, còn về buổi chiều thì anh về thẳng nhà Kim, không có Kim ở nhà thì anh ngồi chuyện trò với ba Kim mà chờ Kim. Anh phải nhìn cho được con bé Kim, anh phải nghe cho được giọng cười khanh khách của con bé Kim, anh phải hít cho mạnh hương tóc thơm ngát hương chanh của con bé Kim. Anh nhớ Kim, anh nhớ Chó Nâu.
Lần sau về, Kim phải dẫn anh Hải đi hết mấy chổ ăn hàng của Kim nha. Đừng chạy xe ẩu Kim nhá. Kim mà tung xe lần nữa, không có anh thì lấy ai sửa xe cho Kim. Anh cám ơn một ngàn lẻ một lần cái lần tung xe đó. Cái cùi chỏ của Kim giờ này chắc đã kéo da non thành da già rồi chớ gì.
Nhớ Kim quá Kim ơi!
Anh Hải
Anh Hải ơi!
Hôm qua vừa đi ăn bò bía với đám bạn Hiển Cận, Đạt Ngông, Quý Cà, Nhiên Điệu sau giờ dự thính bên trường Sư Phạm Thực Hành, về nhà, chị Hai Cao đưa thư anh Hải cho Kim rồi còn mắng thêm một câu: Đi cả ngày, tới giờ cơm mới về. Kim không thèm cải lại, nhảy bốn bước là lên tới gác, mừng quá, xé tung cái thư, lăn dài ra giường đọc. Anh viết thư vui ghê, làm Kim cười, Kim thơ thẩn, Kim...thôi không nói. Chị Đan về, thấy bìa thư nằm trên giường, đòi xem. Kim không cho, Kim dấu tịt, bà Đan tò mò lắm. Cho đọc rồi mai mốt lấy lời thư của anh ra chọc trong bữa cơm là Kim nghẹn họng không trả đũa được, ăn cơm không được. Kim đọc bốn lần rồi đó, lần này là thuộc lòng luôn.
Kim viết thư cho anh khi nào thấy hứng, khi nào nghĩ đến anh, cho nên thư của Kim không đầu không đuôi, có khi quên chấm phẩy nữa đó, ráng mà đọc và thường thì viết trong giờ học, cho đỡ chán hi..hi....Con nhỏ Thảo Nhiên khen anh Hải oai làm cái mũi vốn đã hỉnh của Kim càng hỉnh thêm, có ngày gió vô đau bụng chết là Kim bắt đền anh. Anh biết không, thầy Thọ, ông thầy hướng dẫn nhóm Kim, nghe tên nào mách lẽo, thầy hỏi một câu vô duyên: Ông anh trên trời rơi xuống của cô ở binh chủng nào? Kim đâu có biết binh chủng là cái gì đâu, mà anh Hải đâu có kể cho Kim nghe nhiều chuyện lính tráng. Kim hỏi Đạt Ngông, bạn hiền của Kim đó, hắn ta kể đủ loại: hải quân, không quân, pháo binh, thiết giáp, nhảy dù, biệt kích, thám sát...nghe sao ớn quá. Kim bắt đầu làm bài toán loại: hải quân? không, không quân? không, nhảy dù? không, còn lại máy thứ kia, anh Hải là thứ nào vậy?
.........
Anh Hải ơi!
Hôm qua thứ bảy, đi dạo phố với chị Đan, có hai ông bận đồ vàng, đeo huy chương, dây nhợ tùm lum theo làm quen. Chị Đan nói nhỏ với Kim: Dân Thủ Đức đó, non chẹt, đừng thèm quen. Hồi đó anh Hải cũng là Thủ Đức mà phải không, anh Hải có bị cô sinh viên nào chê không? Mà sao bây giờ anh Hải oai quá, ba Kim còn khen nữa đó, chắc không cô nào chê nữa đâu. Kim không chê anh Hải non chẹt đâu. Chị Đan làm tàng lắm, yểu điệu lắm, đến giờ này 21 tuổi mà cũng chưa có bồ, chưa kịp thương người ta là người ta có bồ khác mất tiêu, cho bỏ cái tội em chả! em chả!. Chị Đan biểu chị không thích mấy anh sinh viên, anh nào anh nấy gật gà gật gù làm như mình ngon lắm, không oai chút nào hết. Anh coi, dân Thủ Đức thì chị chê là non chẹt, sinh viên thì chị chê là yếu xìu, còn chọc là Kim chơi toàn với con trai có ngày thành con trai luôn, không ai thèm thương. Anh coi chị Đan vô duyên chưa? Vậy mà được mấy anh bên văn khoa gọi là "nàng thơ" mới chết chứ. Mấy anh bị cái mái tóc dài óng ả, dáng điệu thanh cao của chị Đan lừa, chứ mấy anh đâu có biết là chị Đan không thuộc nổi một bài thơ nào hết. Còn anh thì gọi Kim là Chó Nâu, hừm....cũng được, cũng dễ thương. Mà Chó Nâu này hung lắm đó, không tên con trai nào dám hó hé chọc đâu.
..............
Anh Hải à!
Chừng nào anh về phép nữa? Anh hâm dọa là sẽ về bất ngờ nếu được đi họp làm Kim cứ nhonh nhóng ra đường. Chỗ Kim ngồi chỉ cần nhónh cổ chút xíu là nhìn ra cồng được. Kim nhóng cổ hoài mà không thấy anh Hải nào đứng trước cổng hết, mõi cổ luôn, bắt đền anh. Khi nào anh về gặp lúc Kim đang học thì anh nhớ đứng ở trước cổng lớn chứ đừng đứng ở trước cổng bên hông gần hàng cà phê. Còn nếu buổi chiều thì Kim hay đi bơi lắm, ở Phan Đình Phùng đó, mà Kim đi vô chừng không biết đâu mà chờ, anh cứ lại nhà chờ Kim. Mà lỡ hôm nào Kim theo nhỏ Thảo Nhiên về nhà nhỏ ta chơi thì anh chờ đến bao giờ. Thôi Kim bỏ cái tật la cà, đi đâu về nhà cho lẹ để lỡ anh có về thì không phải chờ lâu. Khi anh đến nhà, nhớ bấm chuông hai tiếng ngắn, một tiếng dài là Kim biết dấu hiệu của anh, Kim chạy ra mở cửa trước, nhớ nha! Chó Nâu nằm canh cửa, Chó Nâu mau chân lắm. Chó nâu nhớ anh Hải rồi.
Thôi Kim đi gởi thư này, để anh Hải mong rồi anh Hải giận lẫy, anh Hải không thèm thương lính của anh Hải nữa.
Chó Nâu.
Võ Thị Điềm Đạm
vietnamlibrary.net

Xem Tiếp: ----