Cả sườn núi nín thở, lặng ngắt khi chiếc xe bò chở hai mẹ con người thiếu phụ lăn qua vách đá đầy những chiếc rãnh xẻ dọc và sâu.
Kéo xe là một chú bò đực, ức rộng và có bốn vó như vó ngựa, tên Rộng. Buổi chiều chị đã cho Rộng ăn một bó cỏ mật để dành từ mùa đông năm ngoái (khi ấy chưa có chuyện gì xảy ra). Nó nhai chậm rãi. Nếu không hiểu tính nết nó, ắt sẽ tưởng nó kiếm cớ nấn ná để chiều tối không phải đi qua cái vùng rãnh đáng sợ trên vách núi cao. Chị đã nhẫn nại ngồi chờ con bò trên bãi cỏ, ngắm mặt trời từ từ trôi về hướng hoàng hôn. Phía sau, cậu con trai mười tuổi nhai ngấu nghiến cái bánh mì kẹp ruốc...
Cả hai, con bò và đứa con trai, là tất cả những gì chị còn lại sau mười một năm làm vợ. Bây giờ, chị, con trai và chú bò tên Rộng cùng kéo nhau trở về căn nhà nơi đã sinh ra chị. Nơi ấy giờ đây chỉ còn người mẹ già và một căn nhà cạnh lạch suối. Chị không có cách nào nhắn tin được về cho bà cụ. Vả lại, nhắn cũng chẳng để làm gì. Chị đã đi lấy chồng rồi. Mẹ chắc chẳng vui khi thấy mẹ con chị quay về.
Bánh xe bên trái bắt đầu mớm vào một miệng rãnh, làm chiếc xe nghiêng hẳn về phía vực. Thiếu phụ đẩy bộ phía sau xe. Đôi dép lê bám chặt vào mặt đường lởm chởm đá. Đồ đạc trên xe xô phía này rồi lại xô sang phía khác. Giữa lúc im lặng nhất, như trong rạp xiếc người ta vẫn nín thở khi đến hồi gay cấn thì thằng bé chợt nói toáng lên:
- Nếu xe lăn xuống vực, con cũng không chết đâu. Biết đâu lại gặp được một lão cao thủ dạy con múa kiếm.
Bánh xe vẫn đang nghiến sâu vào ổ rãnh, có cơ trượt ngang. Không thấy mẹ nói gì, thằng bé lại tiếp tục:
- Nếu con đi lâu quá thì ở nhà mẹ cứ việc lấy chồng. Đừng chờ con để hỏi ý kiến làm gì.
Thiếu phụ bắt đầu cáu:
- Mày lảm nhảm cái gì thế?
Thằng bé ôn tồn:
- Con xem phim kiếm hiệp, người ta còn cao thượng với cả kẻ thù cơ, huống chi là mẹ mình. Con quyết rồi đấy. Mẹ không nên ở một mình.
Thiếu phụ quát:
- Có im đi không? Để sức mà học chữ. Còn ối việc phải làm đấy. Ngồi sang bên phải xe đi. Bay xuống vực ráo cả bây giờ.
Thằng bé nhớ ra:
- Mẹ bảo học chữ á? Chỗ nhà bà có chữ cho con học không? Có lớp học với cô giáo thầy giáo không?
- Đâu mà chẳng có. Chỉ sợ không đủ sức học. Chỉ hỏi vớ vẩn.
Thằng bé nhìn quanh. Mênh mông là núi. Chỉ thấy cây rừng và vách đá. Lớp học sẽ ở đâu trong trùng trùng điệp điệp lá xanh kia nhỉ?
Bánh xe ì ạch như chẳng chịu đi qua hết cái rãnh sâu này đến cái rãnh sâu khác. Cứ như thần núi đã vạch sẵn những chướng ngại để cách biệt sự âm u của núi rừng với cuộc sống văn minh bên dưới kia. Chị gắng gỏi dồn sức vào đôi tay và đôi chân. Cả trái tim hao mòn của chị cũng gắng gỏi. Chị muốn bảo vệ đứa con trai thoát khỏi những đam mê đang bủa vây bên dưới kia, những đam mê đã giết chết người đàn ông của chị, giết chết cuộc sống yên bình của hai mẹ con. Giờ đây chị chỉ còn cách vượt qua vách núi với những cái rãnh hiểm nghèo này để trở về với núi rừng, nơi những chuyến hàng buôn, những âm mưu, những đam mê chưa dám vượt qua.
Bỗng chiếc xe nhẹ hẳn, như có một sức mạnh thần kỳ đang nhấc bổng nó lên. Hai mẹ con thiếu phụ hoảng hồn khi thoáng nhìn thấy hai cánh tay đàn ông lông lá, đen như một con khỉ già bám chặt vào mép thùng xe, đang cố sức gồng lên cùng đẩy với chị, rồi nhìn thấy hai bắp vế đàn ông thập thõm trên những vệt rãnh. Thiếu phụ đang lo chỉnh lái đuôi xe cho ăn khớp với con Rộng, không dám nhìn ngang nhìn ngửa đã đành, cả thằng bé cũng không dám ngoái đầu lại, sợ xe mất thăng bằng. Thành thử cả hai mẹ con chỉ nhìn thấy thấp thoáng những gì có thể thấy được. Nhưng chị ngửi rất rõ thứ mùi đàn ông nặng trịch.
Thiếu phụ không ra cảm ơn không ra cằn nhằn:
- Không có ông, chúng tôi cũng có thể qua được chỗ này mà. Thật phiền ông quá.
Mùi mồ hôi rừng già bốc lên đánh lộn với sương mù bảng lảng quanh sườn núi.
Thằng bé góp phần:
- Ông có thể không phải nhọc sức cho mẹ con cháu đâu. Mẹ cháu khắc làm được hết. Mẹ cháu cái gì cũng làm được.
Thiếu phụ mắng con:
- Im đi. Người ta cười cho.
Nó vẫn như một ông cụ non:
- Năm ngoái, con Rộng chạy lồng lên định tháo chạy lên đồi với đám bò hoang, mẹ cháu đuổi theo nhanh như tia chớp. Rồi chộp lấy đuôi nó. Quật cho nó một trận tơi bời. Bây giờ nó không dám làm bậy nữa đâu. Ông có thấy nó ra dáng một chàng bò phi thường rồi không? Đi qua những cái rãnh gớm ghiếc này vào lúc chạng vạng mà không hề run chân nhé.
Người đàn ông khẽ hừm hừm trong cổ họng.
Thằng bé lại tiếp tục câu chuyện năm ngoái năm kia của mình.
- Khi bố cháu bị ốm nặng, mẹ cháu cõng bố cháu chạy bộ mấy cây số đến bệnh viện. Cái gì mẹ cháu cũng làm được hết. Mỗi tội, không cứu được bố cháu... Nếu cứu được thì chẳng đến nỗi bây giờ phải kéo nhau về bà ngoại.
Không gì có thể ngăn được miệng một đứa trẻ. Không thấy tiếng trả lời, nó lại nói tiếp:
- Ông không hiểu vì sao à? Vì bố cháu mắc căn bệnh gì mà kỳ lạ lắm. Bình thường bố cháu rất tốt. Nhưng khi theo đám đàn ông hút cái thứ bột gì cứ sì sụp với nhau thì sợ lắm... Người làng bảo nếu mẹ con cháu mà còn ở lại làng thì họ sẽ rào nhà lại, không cho bước ra khỏi nhà, vì sợ mẹ con cháu mang bệnh cho cả làng.
Nó vô tư không hề giấu diếm. Chuyện đã cả làng cả vùng biết thì sợ gì một người không quen biết. Còn mẹ nó thì đang lo cái bánh xe nếu chẳng may bị trượt...
Nếu những chú chim liếu điếu bay qua bay lại trên bầu trời trùng trùng điệp điệp núi non này, sẽ thấy trên cái con đường mòn vắt qua núi có một hoạt cảnh kịch câm thật vui mắt, mà khúc nhạc nền của nó là tiếng thì thõm đầy hào hứng của một cậu bé.
Thiếu phụ cảm thấy vui khi cái bánh xe đã gần thoát được ra khỏi vệt rãnh đáng sợ nhất. Con Rộng oằn người choãi chân để nhích từng bước thận trọng. Mồ hôi của chị rơi trên mặt đường. Còn mồ hôi của con Rộng thấm vào từng mao mạch li ti chảy trong huyết quản. Những giọt mồ hôi tưới cho máu tươi đỏ hơn, chảy gấp gáp và tràn đầy.
Chiếc xe đã qua được đoạn nguy hiểm nhất, phần lớn là nhờ sức lực siêu phàm của người đàn ông. Mà cũng không hiểu đó có phải là một người đàn ông không nữa. Bởi từ cái thế oằn người bên này xe, chị chỉ nhìn thấy một bộ râu dày phủ kín mép xe.
Thằng bé đã chán nói. Khúc nhạc kịch chuyển sang gam lặng.
Non xanh đang chuyển mình. Những chiếc lá khiêm nhường suốt mùa đông hé mở dần dưới bầu trời. Một cây chuối rừng mọc nghiêng trên vách đá đã vội nở hoa, chẳng cần chờ mùa mới đến. Những bông hoa đỏ lập loè như những bó đuốc trong hơi sương mờ bao phủ khắp núi non.
Thằng bé nghĩ rằng chính bố nó đang dang tay đỡ cho hai mẹ con vượt qua cái vách núi hiểm trở này. Linh hồn bố luôn vạm vỡ, dù khi mất, bố chỉ còn là một thân xác ốm o. Chắc chắn bố đang rất ăn năn vì đã để sểnh mất hai mẹ con nó.
Chiếc xe đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Nói đúng hơn là tất cả đã thoát hiểm: con Rộng, thiếu phụ, đứa con trai mười tuổi, người lạ mặt. Chiếc rãnh đáng sợ cuối cùng đã ở phía sau.
Con Rộng kêu ò ò, dừng lại thở và ngó nghiêng tìm những búi cỏ.
Những cái rãnh đáng sợ đã không còn là nỗi đe doạ hai mẹ con chị và con Rộng. Có lẽ chị sẽ không phải đi qua con đường có những cái rãnh thần bí này lần nào nữa. Chị đã về lại nhà mình. Chị sẽ nằm lại mãi trên non cao có những triền núi thoai thoải, những bông hoa rừng hồn hậu, những nếp nhà thưa thớt và lặng lẽ. Chị sẽ ở lại nhà mình mãi mãi cùng với nỗi cô đơn yên bình. Thay chị, thằng bé sẽ xuống núi, khi nó đã thành một chàng trai mạnh mẽ. Nó sẽ lại vượt ngược những cái rãnh này để đi đến những chân trời cao rộng.
Bây giờ trước mặt chị là một người mà mẹ con chị đang phải mang ơn. Họ nhìn nhau. Chị chỉ nhận ra một dáng dấp đàn ông. Nhưng bộ râu dài quá nửa ngực đã che mất thời gian trên gương mặt ông ta. Hai cánh tay lông lá bỗng trở nên thừa thãi. Hai ống chân được che đậy bằng những tấm vải dù cũ và rách nát. Một bên mắt bị ríu lại, giống như người ta cầm kim khâu cách vội vã một đường to thô kệch ngay dưới mi mắt phải.
Thằng bé cứ đứng nhìn trân người đàn ông.
Thiếu phụ cắn cắn mảnh khăn che mặt, lúng búng:
- Chúng tôi... may mà gặp được ông.
Người đàn ông xua xua cánh tay vụng về. Hình như miệng ông ta còn mỉm cười. Nhưng chưa kịp nhận ra nụ cười của ông ta thì hai mẹ con thiếu phụ đã đứng ngây ra tưởng mình ngủ mơ, vì người đàn ông đã lủi đi nhanh một cách bất ngờ sau vạt cây rậm rạp ngang sườn núi. Không để lại chút tiếng động. Như thể ông ta là một con sóc, một con chồn, hay một luồng gió vậy.
Sườn núi rộng mênh mông. Phía dưới là suối trong veo. Phía trên là rừng già và những dãy núi đá lởm chởm. Cả xóm hơn hai chục nóc nhà sống rải rác cách nhau hàng vài quăng dao. Có chuyện gì, người đứng bên này hú gọi, người đứng bên kia hú đáp trả. Đàn ông có người lấy hai vợ. Đàn bà có người không biết thế nào là lấy chồng.
Bà ngoại thản nhiên đứng nhìn hai mẹ con mở cánh liếp bước vào nhà. Phía sau là sợi dây kéo con bò đực khoẻ mạnh có bộ lông vàng ươm. Thằng bé nhảy những bước dài lao về phía bà. Nó rối rít khoe những thằng người máy mà ở đây có lẽ chưa ai nhìn thấy. Nó chia cho bà một thằng người máy nom mặt mũi hiền nhất. Bà run run soi thằng người máy trước ánh lửa. Rồi quàng lên người tấm khăn lụa tơ tằm của con gái tặng, có lẽ là món quà đẹp nhất trong suốt cuộc đời bà. Ngoài sân, con Rộng lạ đất kêu ò ò khó chịu...
Đêm đó gian bếp của nhà họ lửa sáng rực. Những bó đuốc chập chờn đi từ mọi ngả đổ về căn nhà nhỏ. Xóm núi đón chị trở về dè dặt nhưng thân tình.
Chị nhìn thấy những đứa bé trai mới mười sáu mười bảy tuổi đã có con nhỏ vắt trên vai.
- Ôi, chúng nó còi quá.
Mọi người cười:
- Thì thế. Bọn trẻ bây giờ còi quá.
- Dưới kia họ không cho con trai lấy vợ sớm. Sẽ còi cọc bị tiệt giống mất thôi.
Mọi người ồ à. Rồi có người hỏi chị:
- Nhưng ở dưới đó hay hút cái thứ thuốc bột, con trai có to lớn đến mấy cũng bị vật chết thôi.
Chị buồn sũng người. Như là người ta đang giễu cợt chính chị.
- Sao không ai chặn được nhỉ?
Chị lắc đầu:
- Người ta làm mãi rồi đấy. Nhưng bọn đàn ông hay theo nhau làm cái xấu. Chồng tôi cũng bị như thế đấy.
Không khí lặng đi. Rồi mọi người lại ồ à nhìn ngắm những chú người máy, cái tấm khăn lụa tơ tằm, nhìn thằng bé, nhìn thiếu phụ trong cái dáng dấp ngày xưa mà họ còn lưu giữ lại.
Mọi người lại bảo:
- Về nhà rồi thì lại như con gái thôi. Lại đồng ý đi làm vợ người ta cho phải cái lối đạo.
Chị cúi mặt xuống bếp lửa.
Lửa nồng ấm nhảy nhót như những đôi bàn tay ấm áp vỗ về. Thằng bé nhìn mẹ nó qua ánh lửa, mắt hấp háy trêu chọc. Cả bà ngoại cũng nhìn gương mặt người con gái đã nhiều nếp nhăn của mình qua ánh lửa.
Chị ngồi im lặng chẳng nói gì nữa cho đến khi mọi người chào nhau để về ngủ.
Đêm đến, người mẹ già và chị vẫn ngồi mãi bên bếp lửa. Chờ thằng bé ngủ say, bà ngoại quay qua bảo:
- Con ạ, làm thân đàn ông cõng núi cõng non, làm thân đàn bà phải cõng sông cõng suối. Sông không cõng nổi, về đây rồi thì phải cõng suối. Con còn trẻ, không có người đàn ông trong nhà, núi rừng sẽ phạt.
Chị nhìn mẹ.
- Mẹ à. Ngày xưa khi cha con mất...
- Khi ấy ta già rồi. Không còn trẻ như mẹ nó bây giờ. Nhưng con à, ta cũng đã nhắm cho con một người...
Chị thảng thốt:
- Tại sao mẹ lại...
Bà ngoại thản nhiên:
- Con à, ta biết chuyện của con đấy. Ta biết trước mọi sự rồi sẽ ra thế này mà. Con sống với chồng mà như là sống cạnh cửa mả. Chồng con bị bệnh đã nhiều năm. Hắn cũng không còn là một thằng đàn ông cõng núi cõng non nhiều năm. Nay hắn đã đi, để cho hắn đi mà làm lại cái kiếp sau. Ta đã nhắm một người cho con. Cả cái vùng rừng này chỉ còn lại một người đàn ông cho con thôi.
Chị yên lặng nhìn ra rừng đêm. Nhớ những ngày xa xưa, chị cũng đã yên lặng nhìn ra thế này khi mẹ bảo có người dưới xuôi lên trồng rừng nhìn mặt chị mà ưng mắt, muốn cưới chị về làm người giữ lửa trong bếp nhà.
Tiếng mẹ chị xa xót:
- Nhưng con à, cái người mà ta nhắm cho con, nó trông không giống thằng đàn ông nữa. Nó đi cứu gỗ, bị bọn người xấu làm hại. Nó buồn bỏ vào rừng sống như người ma trong đó. Nhưng bụng nó tốt. Nó thương người tốt. Con có nghe thấy lời ta nói không? Con à...
Thằng bé ngủ say, nói mớ. Nó gọi cha, chân quậy như lũ người máy.
Dưới xa kia, chị đã để lại một nấm đất. Chị nhớ hình thù cái nấm đất nhỏ ấy. Trong lòng cứ cuộn lên những nỗi buồn.
Bà ngoại vẫn thủ thỉ:
- Con à...
Chị không còn nghe rõ lời mẹ nói. Đang cố quên đi cái nấm mộ đáng thương.
Lại cứ thấy trước mắt mình cái hình người đàn ông râu ria chờm xuống ngực. Nhưng sức vóc lại như một chàng trai trẻ...

Xem Tiếp: ----