“Tít tít tít” - A, có tin nhắn mới.
“Chị về rồi nè, ra chỗ cũ đón chị nhé!”.
Bà chị về phép, tháng đầu tiên đi làm. Chỉ mới một tháng thôi sao? Vậy mà tưởng lâu lắm rồi chớ!
Ngày bà chị về sao mà mưa hoài không ngớt. Mưa to kinh khủng. Mái hiên Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tuy rộng nhưng không cản được từng đợt mưa hình xiên cứ thi nhau trút xuống. Bà chị lúc nào cũng ào ào như vậy...
- Trời ơi, đen quá! - Đàn em thốt lên hốt hoảng khi bà chị vừa bước xuống xe, mình khoác áo gió, đầu đội mũ tai bèo, vai đeo balô con cóc.
- Mặt nở hoa rồi nè, quá trời luôn! - Đàn em cố hình dung lại cái làn da trắng mịn như bông bưởi của bà chị ngày nào - Trời, sao tàn nhanh dữ vậy?
Một thoáng ngượng nghịu hiếm hoi lướt qua trên khuôn mặt bà chị, nhưng sau đó lại xuề xòa ngay:
- Con khốn nạn kia, thấy chị mày về mà cứ đứng đực mặt ra đấy à? - Ôi, vẫn là cái giọng Hải Dương chua như giấm ngày nào. “Hầy!” - Đàn em lao vào. Sau vài giây, tất cả mọi người đều ngoái nhìn hai con bé khùng đang ôm nhau và chí chóe vỗ vào mông nhau bốp bốp.
Thành phố lên đèn. Những cửa hiệu sáng choang, bảng quảng cáo nhấp nha nhấp nháy. Lạ chưa? Thành phố tối nào mà chả rực rỡ thế này. Chở bà chị vừa từ chốn “rừng sâu” trở về, cứ nghe bả lải nhải: “Người thành phố đẹp quá ta ơi!”, “Thành phố đẹp quá mày ơi!” - làm đàn em cứ ngỡ mình cũng ở chốn rừng rú như bả.
Mà có lâu la gì cho cam, vừa tròn một tháng thôi. Chỉ mới 30 ngày không gặp thành phố chứ mấy - đàn em lý lẽ. Nhưng nhiêu đó thôi cũng đủ khiến một người “híp hốp” nhất xóm là bà chị trở nên quê mùa - đàn em thông cảm.

*

Thân nhau mùa hè năm ngoái trong chiến dịch tình nguyện ở một trường cai nghiện, nhưng đàn em vốn “ấn tượng” bà chị từ trước đó. Cái nhóm của bà chị toàn là dân xờ -hờ -hờ, nghĩa đen là “xã hội học”, nhưng nghĩa... đen hơn là “sờ hối hả”ư, “sờ hì hục”. Với mái tóc cụt lủn, cái mặt kên kên, thỉnh thoảng bà chị vẫn cười hô hố giữa sân trường. Đi tình nguyện, bà chị vác theo cái ngông nghênh hô hố như thế vào mặt trận, thế mới lắm chuyện, thế mới có nhiều điều để nhớ...
- Hi hi...
- Cười gì vậy mày?
- Người như vậy mà cũng thành cô giáo, thật là vắt chân lên trán suy nghĩ hoài không ra, hi hi... Vậy mà linh thật!
- Linh gì?
- Thì cứ ra vô trường cai nghiện riết rồi lên đó ở luôn chứ sao! - Đàn em nheo mắt.
- Ừ, chắc vậy quá mày ơi! - Bà chị cũng nheo mắt theo đầy tinh quái.
Lúc đi Mùa hè xanh hai chị em ở cùng đội lao động tình nguyện số 2. Chiến sĩ phân về đội này chỉ có ba người. Thằng bé Long - như cách bà chị gọi - là một tên chiến sĩ hiền và nhiệt tình đến phát tội, suốt ngày bị hai “nữ tặc đồng nghiệp” đè đầu cưỡi cổ. Vậy mà hắn chẳng chút oán hận gì, còn chịu chung cái mác không lấy gì làm hay ho cho lắm: “Đội bị chỉ huy chửi nhiều nhất”.
Qui định bắt buộc phải mặc áo Mùa hè xanh trong suốt mùa chiến dịch, bà chị rủ đàn em mặc “đồ đời” (cách gọi trong trường cai nghiện), đã vậy còn áo gió cột ngang eo, đi dép lào, đội nón lưỡi trai ngược. Chỉ huy bắt gặp, thế là bị làm kiểm điểm cả hai mụ. Đầu tuần phải dậy sớm chào cờ, ngủ nướng chấp nhận nghe chửi.
Đi ăn cơm muộn, nghe chửi. Ngày Hằng bảo vệ đề tài nghiên cứu công trình thanh niên, hai mụ mải chơi trong đội mà quên béng. Lại chửi. Vậy mà mặt hai mụ lúc nào cũng hớn hở mới chết chứ, lại còn vỗ ngực tự hào: “Chúng mình xinh nhất mặt trận và... mất dạy nhất mặt trận!”. Chỉ huy lắc đầu: cấp độ “lì” đã chuyển thành “trơ trẽn” mất rồi!

*

- Làm giáo dục viên trường nữ, oai chứ bộ!
- Lúc mới lên tụi nó có coi ra gì đâu. Nhưng bây giờ thì...
- Thì chúng biết rằng cô giáo cũng đếch phải tay vừa chứ gì?
- Mày chỉ được cái nói đúng thôi con mất dạy ạ!
Lại cười hô hố. Bây giờ đã thành cô giáo quản lý hơn trăm nữ “học sinh to”, vậy mà vẫn cứ hô hố bắt ớn. Còn nhớ lúc tiễn bà chị đi, đàn em đã dặn:
- Lên đó không được làm đại ca đâu đấy!
- OK, làm đại bàng thôi chứ gì?
- Không được tuồn thuốc lá vào!
- Ừ, chỉ mang thuốc lắc thôi! - Hô hô, bà chị nắc nẻ, bà chị thật là!
Ở trên ấy là lòng hồ thủy điện Thác Mơ, xung quanh là núi, là rừng. Theo cách nói của bà chị thì ban ngày nóng muốn lột da, ban đêm lạnh muốn cắt thịt. 5 giờ sáng phải thức dậy tập thể dục cùng học viên, ái chà, lại không được ngủ nướng như xưa rồi.
Một ngày làm việc kéo dài hơn 15 tiếng, đưa học viên đi làm, canh học viên ăn, ngủ, tối về đứng lớp bổ túc văn hóa, giáo dục giá trị sống. Toàn là những công việc không tên không tuổi, vậy mà vất vả tợn. Tâm lý phụ nữ vốn thất thường, ma túy vào càng làm thất thường gấp bội. Sơ hở là đánh nhau, sơ hở là chửi lộn, sơ hở là giận “beo” (người yêu) rồi cắt tay tự tử.
Ngày nào mà không giải quyết chừng ba vụ như thế thì có lẽ bà chị nuốt cơm không trôi mất. Nhưng vui nhất, bà chị nháy mắt, là những buổi giao lưu vào sáng chủ nhật, nam nữ gặp nhau chí cha chí chóe. Đứng từ “sam” nữ nhìn qua bên “sam” nam cách nhau cả một khoảng đất rộng, vậy mà những cái mi gió, những “quả tim”, những mật khẩu tình yêu cứ lượn tới lượn về đến hoa cả mắt...

*

Đêm. Hai chị em ôm nhau ngủ như hai con tôm sú xuất khẩu. Bà chị vẫn chứng nào tật ấy, thỉnh thoảng lại hỏi:
- Của thật hay giả đây mày?
- Thật 80%, giả 20%.
- Xạo mày, làm gì mà to thế?
- Hi hi, to hơn bà chị là cái chắc!
- Con mất nết! - Bà chị vả vào má đánh bốp.
Rồi bà chị kể rằng ở Trung tâm cai nghiện Bình Đức, trong những học viên “dưới tay” bà chị có “thằng” trước đây làm gái mại dâm rồi nghiện hay nghiện rồi túng tiền làm gái, đủ cả. Vào trường ra trại không biết bao nhiêu lần. Rồi nhiễm. Nhiễm gần hết, còn trẻ quá. Bà chị tặc lưỡi.
Có đứa học viên khen tay bà chị đẹp:
- Cô ơi, nhìn tay cô đã quá!
- Đã gì?
- Ben (gân máu) còn nguyên, cô cho em một cọng nhá!
Trời, đã vào đến đây rồi mà còn chưa tởn. Ngày xưa chích choác thế nào mà bể hết ben, chỉ còn là những tia máu nhỏ xíu. Ngày đó lên cơn mà tìm được một cọng còn nguyên chắc mừng vãi linh hồn. Chích vỡ tĩnh mạch thì lại mò xuống động mạch ở gần háng. Thế thì còn gì là thân thể nữa, bảo sao không tàn tạ, rổ rá?!
Ừ, cũng tiếc chứ nhỉ. Đều là con người cả. Đẻ ra cũng từng bú mớm, bi bô rồi lẫm chẫm. Lớn lên một chút lại ê a đến trường. Rồi nhớ, rồi yêu, rồi ước mơ, rồi kỳ vọng... Vậy mà chấm dứt cuộc đời bằng một cái chết do sida, quả là một kết thúc nghiệt ngã. Dù biết là nhân nào quả nấy nhưng vẫn thấy tiêng tiếc thế nào... Xinh đẹp thế, trẻ trung thế, tài ba là thế, nếu không nghiện ngập thì có lẽ cuộc đời đã khác, xã hội mình cũng đã khác.

*

Bà chị về phép bốn ngày thì hết ba ngày rủ đàn em ra quán lai rai. Rượu, bia làm đàn em cứ tưng tưng, mặt đỏ bừng như gà chọi. Bà chị cười bảo kém. Mà ngộ, càng uống bả càng tỉnh như sáo và nói nhiều kinh khủng. Dường như trong câu chuyện của bà chị đang thấp thoáng bóng dáng của một tên con trai nào đó.
Bà chị khôn thật, nhè lúc đàn em xỉn thế này để nói về cái chuyện mà trước giờ vẫn chối. Hèn gì. Đàn em vỗ đùi cái bốp. Hèn gì bữa trước rủ đi siêu thị, bả cứ nhăm nhăm mấy cái áo kiểu, “mặc vào cho nó duyên dáng một chút”, lời giải thích lúc đó có vẻ khó hiểu nhưng bây giờ thì hợp quá. “Hô hô...” - bà chị cười hô hô thì tức là đã phê lắm rồi.
Khác hôm gặp mặt mưa dầm, sáng nay tiễn bà chị về rừng mà nắng đẹp đến lạ. Sài Gòn cũng kỳ, cứ làm như bà chị chỉ hợp với rừng rú thôi vậy. Về phép mấy ngày, cái mặt vẫn chưa kịp trắng ra thì đã phải trở lên cái nơi đầy những tác nhân gây mụn ấy. Nhưng xem ra bả háo hức lắm. Vẫn nón tai bèo, áo gió cột ngang hông nhưng ba lô con cóc thì nặng hơn thấy rõ.
Có gì đâu, toàn là sách tâm lý phụ nữ, sách “cửa sổ tâm hồn”, sách thuốc về những bệnh của phụ nữ lây qua đường tình dục và tất nhiên là có cả... áo kiểu. Sách để dành cho những buổi giáo dục chuyên đề giá trị sống. Còn áo kiểu, hôm trước có đứa học viên nữ nhờ mua giúp. Chả là “beo” của nàng chê dạo này ra giao lưu mà sao ăn mặc lúa lác thế. Ừ thì áo kiểu mặc vào sẽ duyên dáng hơn một chút, cả cô lẫn trò...

Xem Tiếp: ----