Hồi nhỏ, tôi rất ít được nhận các món đồ chơi. Gia đình tôi khá giả, bố tôi là đại lý độc quyền hãng guốc sơn và guốc mộc khắp miền Nam, có cửa hàng chi nhánh ở Cần Thơ và giao bán khắp các tỉnh miền Tây. Lâu lâu, bố tôi lại tham dự hội chợ triển lãm và được cấp bằng khen Medaille d'or hay Medaille d'argent treo đầy nhà, có thứ được tặng từ Foire de Phnom Penh, hay Đấu Xảo Hà Nội chẳng hạn. Vậy mà nhớ mua cho tôi một món đồ chơi thì hầu như bố tôi không nghĩ đến.Tôi ham đồ chơi lắm nên góp nhặt lon sữa bò tự chế thành những cái xe khi đẩy nó xoay tròn tròn coi cũng ngộ. Lần vớ được con thò lò, tôi thích lắm. Dù không rõ vì sao lại gọi là thò lò, nhưng búng nó quay và nhín nó quay, quay tít suốt ngày, tôi cũng thấy hay hay. Búng thì nó quay, lảo đảo như người say, ngả nghiêng chông chênh, sức chuyển giảm dần rồi đổ ụp xuống, lăn quay ra đó.Tôi nhặt lên, búng lại, con thò lò lại quay. Tôi nhẩn nha chơi với nó suốt ngày không thấy chán, dẹp hết mấy cái xe làm bằng lon sữa bò hay các món khác đi. Có một lần mẹ tôi trông thấy tôi búng con thò lò quay tít, bà đứng lại nhìn một đỗi. Xem chừng tôi bị thu hút bởi sức quay của con thò lò, bà ôn tồn hỏi tôi: mày xem vậy mà không thấy chóng mặt sao?Tôi bảo: nó quay chứ con có quay theo nó đâu mà chóng mặt. Mẹ tôi cười khểnh phê phán: con nít con nôi tưởng việc gì cũng dễ. Vậy mà rồi có lúc mày sẽ thấy choáng váng đó con. Nói xong mẹ tôi bỏ đi. Tôi cũng không để tâm đến việc ấy.Thời gian bẵng đi bao năm tháng, bất chợt cái lần vào quân trường Thủ Đức, những lần cầm súng di hành ra bãi tập, rõ ràng nhìn giữa cái nắng chói chang của vùng Chợ Nhỏ, Linh Xuân Thôn ra bãi 25, hàng người nối đuôi nhau mà ngủ gục lúc nào không biết.Ông Đại Đội Trưởng của tôi vốn hết sức cẩn thận, cứ đưa SVSQ ra khỏi cổng là bắt gắn lưỡi lê vào đầu súng. Các đại đội bạn đi ngang đều tủm tỉm cười kháo nhau " đây là lính của ông Phới ". Thực ra tên ông DDT của tôi là Phái, nhưng bạn nhạo đổi thay giọng quảng Ngãi để chọc chúng tôi thôi. Còn anh em chúng tôi thì buồn buồn trong lòng, trường đóng ngay trên ngã ba Xa Lộ Biên Hòa, đi di hành ngay trong thành phố mà làm như đi " oánh giặc ".Có lẽ những điều nói hành nói tỏi của tụi tôi thấu đến tai ông cũng nên, vậy nhân một lần tập họp trước khi ra quân, ông đã vừa cảnh cáo vừa giảng giải cho tụi tôi rõ: các anh đừng tưởng mặt trận ở đâu xa, nó lù lù ngay ở trước mặt bất cứ lúc nào. Hơ hỏng là bị thịt đứt đuôi ngay tức khắc. Đã mặc bộ áo trận trên người là coi đã bắt đầu chết ngay từ phút đó rồi, may mắn lắm còn trụ được thêm phút giây nào là ân huệ của trời ban cho, đừng tưởng bở.Sau này, gần ngày ra trường để thằng nào thằng ấy cũng đều trở thành " thượng sĩ gân " với chức vụ Trung đội trưởng, chúng tôi mới biết kinh nghiệm chiến trường của ông. Thì ra ông đã một lần hơ hỏng ở Hưng Yên khiến quân số của ông đi đứt gần một nửa nên từ đó ông ân hận vô vàn.Lại nữa, khi chiến dịch Mậu Thân nổ ra ngay trong thành phố, tôi càng thấm thía chẳng có tiền tuyến lớn hay hậu phương nhỏ gì hết, chỗ nào cũng có thể mặt trận tất tận. Rồi tháng 4.75, bao nhiêu đô thị, thành phố ùn ùn kéo nhau đi thì quả thật cái chết đang đuổi theo sát nút mọi người.Tôi chợt nhớ lại con thò lò và những lời của mẹ. Ôi thôi, ai cũng quay tít, mệt hết thở, quân hồi vô phèng, lính làm thịt lẫn nhau, tệ hại là nhiều thằng hận cá chém thớt nên cứ nhè tìm vợ con sĩ quan để " trả thù dân tộc ". Dạo đó, nhiều người đã nghĩ: thôi kệ, ở lại dù có bị hành vẫn sướng hơn, chứ ra đường cảnh hỗn quân, hỗn quan, đầu không phải lại phải tai thì khốn.Nước có nguy mới thấy đâu là tài ba lương đống. Mấy bố phét lác nhanh chân vọt hết cả. Bất nhẫn là lại dối lừa đàn em cho mắc kẹt chết chùm để các bố dông được yên. Đất nước " giải phóng ", quân dân cán chính trải qua những tháng ngày tù cải tạo, thằng nào cũng chửi thượng cấp vung xích chó. Chính lúc đó nhìn đâu cũng thấy quay tít như con thò lò. Vợ các ông, bà nào không chịu nổi cảnh hẩm hiu là chập chững tìm một ông cán bộ dựa. Con thò lò quay tít không ngừng, một ngày nào đó anh chồng hết thời khập khiễng về thì nhà đã có chủ mới. Tử tế thì chị vợ cho trú tạm một đêm, quẳng cho cái chiếu nằm chèo queo ở hàng hiên, còn bà thì du dương với anh cán trong chính nhà của mình. Bằng không thì có ngay anh khu vực đến mời đi chơi chỗ khác.Con thò lò xem vậy mà có giá trị kinh hồn. Nó quay làm mọi người cũng quay theo, bát nhào bát nhào suốt từ thôn quê thành thị. Tôi mới thấy mẹ tôi tiên đoán cái chuyện ngồi xem con thò lò quay mà bỗng chóng mặt là sao. Cảm thương bà mẹ tội nghiệp đã nhìn xa thấy rộng mà không cưỡng lại được chính số phận của bà.Mỗi con người Việt Nam dường như đều có một thời lận đận của mình. Nhất là 20 năm đầu sau ngày "giải phóng ", ôi ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh, không kể đâu cho xiết. Mẹ tôi lẽo đẽo theo tụi con lên kinh tế mới, khều khào với cái cuốc mà nước mắt lưng tròng. Lưng mẹ một ngày một xụm, đến lúc nào đó thì cong tịt thành con tôm luộc. Vậy mà con thò lò vẫn cứ quay, chưa chịu ngưng.Phúc mươi đời, sao lại có ngày cả gia đình tôi lại cũng nhau lên phi cơ rời khỏi nước. Mẹ tôi tủm tỉm cười luôn miệng: tao tưởng đâu được một lần đường hoàng lên máy bay ra khỏi mảnh đất đang quay. Tôi thì ứa nước mắt khi phi cơ đảo vòng chót chào phi trường dưới thấp. Tôi tự hỏi mình: hồi nào về.Sang tới bên này rồi, con thò lò vẫn bám chặt theo người. Đi đâu cũng thấy cảnh thò lò đua nhau quay vung vít. Ông này đổ lỗi cho bà kia, toàn là đấng đầy tràn trách nhiệm, còn quốc gia ngả nghiêng là tại ai đâu đó. Chao ôi, những con thò lò biết nói và nói hay như khướu. Tôi mệt đầu vì ba cái chuyện lu bu.Ước gì tôi còn giữ được con thò lò ngày nào. Một mình, tôi sẽ giở ra búng khi đêm về trên đất khách. Tôi sẽ nghiền ngẫm xem cái trục nào giữ con thò lò đứng vững để quay, chờ khi hết đà thì lăn quay chỏng gọng. Tôi càng phục mẹ tôi mỗi khi cảm thấy cơn chóng mặt vừa lóe ra. Tôi muốn thưa với mẹ: bây giờ con nhức đầu quá.Ba mươi mấy năm rồi, những con thò lò vẫn chưa chịu ngừng. Cả bên này lẫn bên kia, những cái búng vẫn đẩy nhanh để khiến những con thò lò giao động. Biết ngày nào những con quay này mới nhận ra thân phận của mình, quay tít âu cũng chỉ là nhất thời rồi sẽ lăn chiêng ra đó?Đỗ Thành