Những năm Thơ còn chưa đau, gần đến thời gian lá đổi màu, nàng vẫn hay nhắc nhở tôi:
- Anh phải nhớ đưa em đi xem và chụp ảnh mùa lá vàng nhé.  Đừng quên như năm ngoái khi đưa em đến nơi thì cây chỉ còn toàn cành khẳng khiu như những cánh tay ghẻ.
Thơ rất thích lá vàng và lại thích cả chụp ảnh nữa.  Nàng khoe ngày còn bé, chịu nhịn ăn
nhịn mặc để có tiền chụp ảnh bất cứ lúc nào.  Tôi trêu hỏi thế bây giờ đám ảnh ấy đâu rồi thì cô nàng đấm tôi thùi thụi nhõng nhẽo: ý, anh lại nói diễu em, em hổng chịu đâu.
Thơ đi theo tôi sang đây với thằng con út, những đứa khác phải kẹt lại vì chờ lâu quá nên lấy vợ lấy chồng ráo.  Đứa dứt khoát không đi đã đành, còn cái con bé kề cận thằng út cũng đã thuận theo bố mẹ, đến giờ chót dở chứng giở giói yêu đương rồi nhấm nha nhấm nhẳng đòi không đi nữa.
Thơ giở đủ trò, hết khuyên lơn lại sẵng giọng, thậm chí còn dỗ ngon dỗ ngọt để con gái chịu đi rồi vài tháng quay về làm đám cưới sau, như vậy thằng rể cũng có cơ hội đi sang xứ người luôn thể.  Song hai đứa rủ rỉ rù rì, bàn ra tán vào, sợ ông bà già gài bẫy để hai nhỏ phải xa nhau, nên nhất quyết chọn con đường ở lại.
Tôi tính ba phải nên để mặc, đứa nào khôn thì hưởng, đứa nào dại thì chịu, nhưng Thơ thì dứt dạt bắt con cái phải răm rắp tuân theo.  Cho nên, cô nàng đã đem cả cái lý sau cùng dọa dẫm mà cũng chẳng ăn thua.  Con bé lậm tình yêu dữ quá, nên nhất quyết nói liều: con chọn lựa ở lại nên khổ đau gì con chấp nhận hết.  Con hứa sẽ không bao giờ hé răng than vãn với bố mẹ.
Đến nước này thì trời chịu đất là phải rồi nên ồ ạt làm ngay cái đám cưới cho hai đứa để còn yên tâm lo sắp đặt tếch.  Từ lúc đó, mặt Thơ cứ dàu dàu, đôi khi vợ chồng nhấm nhẳng với nhau, ông chẳng bà chuộc, tưởng lúc tức giận cô nàng dám xé toạc hộ chiếu để
“ không đi đâu nữa hết, ai thích thì cứ đi, để kệ thây tôi “.
Tôi cũng đau đầu theo hết biết.  Người ta sắp ra đi thoát khỏi vòng bao vây thì hí hửng, còn vợ chồng tôi cứ bí xị bì xì.  Vậy rồi, cũng rị mọ kéo nhau ra khỏi chốn quê hương 20 năm trời sống quá thân con chó.
Hôm chia tay ở phi trường Tân Sơn Nhất, lũ con tề tựu đủ mặt, cứ như đưa người sang sông chẳng còn có ngày về.  Nước mắt nước mũi đâu mà lắm thế, ai nấy đều đỏ hoe, sụt sịt, nghẹn ngào, bịn rịn, đủ cả.  Giờ chia tay vào phòng cách ly, người đi chẳng nỡ rời, kẻ ở lại cũng thấy như đứt từng đoạn ruột.
Vợ chồng con nhỏ lì ké né đứng riêng ở mãi góc xa xa, đến lúc mẹ đi cũng liều chạy đến khóc toáng lên mà chỉ kịp nói được một câu “ con xin lỗi mẹ “ là đổ gục xuống, làm bọn anh lẫn chị phải đến đỡ kéo lôi ra.
Từ đó, Thơ nước mắt ngắn, nước mắt dài.  Chiếc phi cơ Boeing đảo một vòng chót chào giã biệt phi trường làm tôi đổ tóe nước mắt ra thì tôi thấy Thơ giúi giụi vào tay ghế mà rung hai vai dữ tợn.
Xuống đến phi trường Minneapolis/St Paul, sau khi đã ghé Seattle làm thủ tục nhập cảnh  và nhận thẻ I-94, Thơ vẫn lử đử lừ đừ không tỉnh.  Ông anh rể và cả đại gia đình ra đón nhìn cô em dâu và bà mợ đã tưởng chưa gì nhớ nhà.  Bởi vì Thơ đã nhịn suốt 2 chuyến bay từ Saigon đến Hong Kong và lại từ đó tới Mỹ nên người quá nhừ.
Suốt thời gian 4 tháng ở tiểu bang miền cực Bắc, không lúc nào Thơ không khóc.  Trong lá thư hay những cuộc gọi về, chẳng lần nào Thơ không than với sắp nhỏ: người ta nói đi Mỹ vô cùng sung sướng, nhưng mẹ thì chẳng ngơi một lúc khóc nhớ lung tung.  Cô nàng còn rên là đã ướt đến mấy cái khăn rồi mà vẫn chưa nín được.
Thế rồi, đùng cái ông anh ngả ra chết, lũ cháu mất cái đầu tầu có vẻ nhốn nháo lo toan.  Dù tôi là em ruột của mẹ các cháu, nhưng chị em ở xa nhau từ nhỏ nên các cháu nào đã biết rõ rành liên hệ thắm thiết thế nào.  Trước mắt chỉ thấy mấy mạng lao nhao, chữ nghĩa chẳng rõ đong được mấy hột, nghề ngỗng liệu làm được cái thứ gì nên miệng thì nói nói cười cười, nhưng trong bụng đứa cháu nào cũng đánh lô tô thùm thụp.
Năm đó Minnesota lao nhao kháo nhau mùa tuyết về sớm.  Dự báo thời tuyết đã cho hay ngày 26 tháng 10 tuyết sẽ rơi lần đầu.  Nỗi mất anh đã buồn, lại lo mùa băng lạnh sẽ làm cho vợ chồng tôi khốn khổ vì chưa quen.  Ngày ngày mọi người đi vắng, loanh quanh trong nhà chỉ có mấy mống loe hoe, lâu lâu còi hụ nghe inh tai nhức óc, thằng cháu từ sở hốt hoảng gọi về chỉ dẫn cách tìm nơi trú ẩn vì còi báo động là có cơn lốc đang kéo tới.
Sáng sáng tôi lãnh cái việc lên thay cà phê sữa, đốt một điếu thuốc ở bàn thờ anh chị ở tầng trên, nghe u u cũng trợn.  Nhớ ngày nào mới cùng anh dăm điều ba chuyện, dù chưa có bằng lái mà anh dám tin nhường xe để lái loăng quăng.  Bây giờ anh đã đi mất, dù biết anh rất thương yêu mà vẫn hồi hộp sợ trong lòng.
Lên lo lắng phục vụ anh mà run bằng chết.  Nhìn hai di ảnh anh chị kế cận nhau mà cứ nghĩ chợt nghe anh chị hỏi: em đấy à.  Đem hai cái tách đi mà nghe lách cách chao từ bàn tay run quầy quậy.  Đứa cháu gái kế út còn độc thân với đứa em ở với bố, vẫn nán giữ nỗi ưa thích của anh tôi nên tối nào cũng mua một vé số lotto đặt ở mỗi bàn thờ bố mẹ mình.  Tôi lẩm rẩm hỏi con cháu hoạch định gì trong việc làm đó và thấy thương bởi vì sự ra đi của ông anh còn mới quá nên cháu chưa quen ngỡ bố vẫn ở với mình.
May sao, ngày 26 tuyết không về, tuyết còn ngủ quên đâu đó cũng nên.  Gia đình tôi ở dưới basement nhà anh thật mừng hùm.  Âu thế cũng được, còn hơn nhớ lời ông anh mà ớn vô cùng, ông nói với tôi mới hôm nào đây: ở đây tuyết nhiều lắm, cậu ạ.  Năm nào cũng đùn kín đến tận cửa sổ, trông ra trắng nõn như bông, sáng lóa cả mắt.  Tôi đã lo, nhưng vá víu bằng ý nghĩ: ấy ai sao mình vậy, riết rồi cũng quen.
Bây giờ thì gia đình tôi sợ thực sự.  Mùa đông vốn đã buồn, lại thiếu anh và lúc nào cũng giăng giăng một màu tuyết lê thê chịu sao cho nổi.  Tuy không hé ra, nhưng tối tối vợ chồng đã bàn nhau tính chuyện chạy.
Chúng tôi đem tâm tư ra nói với các cháu, đứa nào cũng một hai giữ cậu mợ và em.  Thực quả tôi cũng hoang mang hết sức, đắn đo giữa thị phi và đánh giá ngoài đời.  Thế nhưng chỉ riêng cô cháu dâu là có vẻ nói thực.  Cô nhân lúc chỉ còn riêng tư với chúng tôi đã dấm dúi nói: cậu mợ không ở được đâu, các anh chị em nói thế mà không phải thế.  Cậu mợ đi được cứ tình đi, may ra tình cảm còn giữ được lâu bền.
Vậy là, chưa gì đã một lần chuyển chỗ ở.  Bọn tôi liều lĩnh về Cali vì đặt niềm tin thời gian trợ cấp 8 tháng chưa hết, cứ liều đi rồi tính.  Chúng tôi bỏ Minnesota đột ngột, cho dù vẫn còn canh cánh bên lòng sự ớn sợ lẫn cái háo hức muốn qua một mùa lạnh cho biết tuyết như thế nào.
Tôi đi làm, Thơ ở nhà, thằng út bò đi học.  Xong cái AS hai năm, nó lục cục leo lên đại học tiểu bang, chúng tôi đã khấp khởi trong lòng lần đầu có đứa con vào bậc cao học so với cả họ.  Thế nhưng mộng lại không thành, chỉ còn hơn năm nữa ra trường thì út bỏ ngang, rên là học ban Computer Science chua quá, ra trường lại không chắc vớ ngay được việc làm vì dạo đó kinh tế xuống thảm thương.
Bôn ba không qua thời vận, Thơ ạch đụi rồi cũng xin được một chân làm việc dây chuyền cho một hang điện tử.  Ba cọc ba đồng, ai cũng có lương, dù mỗi người đi một ngả khác nhau.  Tôi làm ngày nào có lương ngày đó, chẳng có lễ lạc, thưởng khen.  Thơ thì làm mỗi tuần có lĩnh thêm một vài giờ nghỉ dự trữ, cuối năm có thể lĩnh một lần để giung giăng giung giẻ đi đây đi đó, còn không thì lĩnh như lương vậy.  Riêng thằng út thì đi học lấy cái bằng bảo hiểm rồi cũng ì ạch đi làm cho một hang nổi tiếng bậc nhất của Mỹ quốc.
Dạo này Thơ đã hết khóc, nhưng giận con bé thì vẫn giận.  Nhiều lần, cô nàng tránh mặt khi đến phiên nó xin được gặp qua đầu dây.  Thơ đùn cho tôi cái việc hàn huyên với con bé.  Năm lần bảy lượt, mãi mãi Thơ mới chịu tha, con bé mừng húm.  Tôi nghĩ là nó sẽ tổ chức tiệc mừng xẻ chia với các anh chị nó về niềm vui mới nhận.
Hai đứa tôi đều làm việc 5 ngày/tuần, thi thoảng mới có một lần OT, tôi có năng nỗ nhận thì được ăn gấp rưỡi, còn Thơ thì gấp đôi.  Thế nên, lai rai chúng tôi có giờ đi dạo với nhau.  Cái xe cà ạch cà đụi từ đời 1990 cũng đưa chúng tôi đi được khắp nơi, khi San Francisco, khi Los Gatos, khi San Bruno, đủ chỗ.  Lắm khi hai đứa cao hứng chạy bạt mạng xuống những vùng sâu thăm thẳm, lỡ nhào vô rồi chỉ lo lúc bò lên xe chợt đình công ngang.  Vậy mà ở đâu cũng trót lọt, nên càng ẩu nhiều hơn.
Chỉ có đi đến các công viên hay các vùng có mùa lá vàng là cả hai không sợ.  Dù gì đường cũng bằng phẳng, lại giữa thành phố, chả lo vượt dốc leo đèo.  Thơ lại thích đi giữa con đường lác đác có những cánh lá con vèo vèo rụng khắp.  Nàng nhí nhảnh bảo tôi: anh cố chụp làm sao thấy rõ từng chiếc lá vướng trên áo em để gửi về sắp nhỏ nó mừng.  Rồi chỗ này thì nàng ngồi trên xác lá, chỗ kia thì đứng dưới nắng che xiên, chỗ nọ thì vôc từng nắm lá đưa lên thả rơi như cánh bướm.  Hẳn nhiên là ảnh nào nàng cũng nhỏn nhoẻn tươi cười.
Khốn nỗi là cái máy ảnh của tôi cà cộ không kém, người ta xài tới mốt digital rồi trong khi tôi vẫn sử dụng thứ phải gắn phim.  Có thể khi chụp, Thơ hình dung là ảnh nào ảnh ấy đều nhất cú hết, nên nàng lẩm bẩm trong miệng: chuyến này bọn nhỏ thấy mà ham phải biết.
Đến chừng tôi đưa ảnh rửa về, nàng xem lộ thất vọng thảm não: chèn ơi, tưởng ông chụp thế nào, gì mà lá vàng đâu chẳng thấy lụm cụm như mớ rác dễ ghê.  Cụt hứng phải là tôi vì thế gian cái khó bó cái khôn, tôi có muốn hay hơn, đẹp hơn cũng chẳng thể làm khác được.  Tôi lúng búng “ xo rì ‘ với Thơ và ngầm hứa hẹn một bữa nào học chữ liều mua cái máy cho ngon để chụp lại đẹp hơn.
Thứ gì đã là lời hứa xem ra khó thực hiện, tôi chưa kịp động đậy gì thì Thơ bị sụm cái ào.  Cô nàng trải qua một trận thập tử nhất sinh, nhiều lúc tưởng như đi đứt.  Sau cả năm trời trị hết thuốc này sang thuốc khác, nàng trụ lại được, nhưng nhan sắc đã lạt phai.  Trải qua một cuộc bể dâu, nàng hết còn ham gì nữa, tôi có rủ đi đâu nàng đều từ chối.
Nhiều khi thấy vẻ nàng rầu rầu và chợt thấy mùa lá vàng trở lại, tôi hé lời gạ nàng: năm nay mình đi chụp ảnh mùa lá rụng nhé.  Thơ lắc đầu quầy quậy: thôi, chán rồi.  Đau với ốm, người chẳng ra gì, chụp để dọa trẻ con chắc.  Tôi nghe mà chua xót vô cùng.  Tính tôi vẫn hay lần khân như vậy, nên lúc nào cũng là người lỡ tầu.  Khi tôi đến sân ga vừa vặn tầu bắt đầu tăng tốc để rồi đứng ngẩn ngơ nhìn lá cờ vàng và ngọn đèn đỏ chưa châm gắn ở toa cuối để thấy buồn tênh.
Mùa lá vàng năm nay đến quá chậm, cuối tháng 10 đến nơi mà cây vẫn chùng chình trở dạ hườm vàng.  Hôm qua lướt xe ngang con đường xưa, lề vẫn vắng hoe chưa có đám lá nào vun gọn lại.  Tôi có chợt thoáng thấy dáng Thơ len lách giữa những chiếc băng đá hay ở con đường nhỏ vào khu nhà mà ngỡ chút phù du nào còn sót lại sau một mùa phai đi.
Tôi hình như nghe cay cay nơi đuôi mắt.  Không rõ có phải là tôi đang khóc hay lá đang buồn.  Ôi, thời gian…
Đỗ Thành

Xem Tiếp: ----