Thế là chị trở về Hà Tiên, lên lăng Mạc Cửu một mình, không vào ngày rằm cũng chẳng chờ lễ hội. lần này chị lên lăng mà không phải tìm kiếm ai. Đứng bên chậu mai chiếu thủy năm nào, chị nhìn mây trắng từng mảng trôi trên nền trời màu xam xám của một buổi hoàng hôn. “Tôi là người lữ khách. Màu chiều khó làm khuây”. Màu chiều như màu áo của chị mà người đó đã đọc lên máy câu thơ làm nao nao lòng. Thật ra, có thể gọi màu khói nhang hay màu tro bếp cũng được. lại gọi màu chiều khiến chị liên tưởng đến cuộc đời mình. Ai không có buổi hoàng hôn, nhưng chị vẫn mong cho thời gian đi chầm chậm. Thời gian là thứ không thể sờ được, không nhìn thấy được nên không thể thúc đẩy hay trì kéo. Bởi vậy, thời gian cứ lặng lẽ trôi qua trên mái tóc đen, dài theo mỗi mùa mưa nắng, theo con nước lớn ròng ở bến Tô Châu. Và tình cảm cũng là cái gì không thể nhìn ngắm hay chạm tay vào nhưng sao chi cảm nhận được sự mất mát và tồn tại, sự rung động và đau đớn. Người bạn gái đã an ủi: “Mày có mất mát gì đâu!” có thật chị không mất mát gì? Chị chua xót tự hỏi rồi đau đớn một mình, ngậm ngùi một mình … Trời mỗi lúc một chiều, sắp tối. Ngày thường lăng vắng vẻ ít người, chỉ có một mình chị làm thành một bức tranh mà người họa sĩ đã cho màu xám xịt. Chị nhặt những bông hoa rụng rồi lặng lẽ đi ra ngoài, đến bên hồ nước, thẫn thờ rải những bông hoa trắng nhỏ xuống mặt hồ … World cup có dời về Hà Tiên thì chắc mọi người trong cửa hàng thương mại này cũng không ngạc nhiên bằng khi thấy chị cửa hàng trưởng thường ngày khô như cá khô quá nắng trong lúc rảnh rỗi đang đọc một tập thơ của ai đó. Bị bắt gặp, chị cười ngượng nghịu giấu vào ngăn bàn trong khi đôi mắt sáng lên một cách kỳ lạ. Chị cũng không hiểu sao thuở còn đi học chị không có hứng thú trước những quyển tiểu thuyết, những bài thơ. Chị viết chữ xấu, lười viết văn và ghét học Kiều. Người nhỏ nhắn, lúc nào cũng có vẻ bận rộn, hấp tấp, vội vội vàng vàng trên những đôi giày gót cao. Thằng Nam em kế của chị phàn nàn. “Nói chuyện với chị cúi xuống muốn gẫy cổ”. Còn chị thì nói ngược lại. Bởi vậy, đi đâu về mọi người thấy trong túi xách của chị quà mang về đa phần là giầy cao gót. Cũng may thời trung học chị không bị gọi là “Việt còi” hay “ Việt đẹt” mà là “Việt nhol”. An ủi phần nào “nỗi buồn nhan sắc”. Buổi tối hôm ấy thấy chị mặc chiếc áo dài đó con bé Hài bán hàng kêu lên: “Mặc áo màu này trông chị già quá!”. “Ờ! Như già thêm mấy tuổi”. Như kế toán đồng tình thêm vào: “Bước qua tuổi bốn mươi rồi còn gì!”. Chị tần ngần ngắm nghía mình giây lát, thở ra. “Thì đã già rồi còn ngại gì già nữa”. Hài tò mò. “Ai tặng mà chị quý quá vậy?” “Thằng Nam tặng hôm sinh nhật tao”. “Hèn gì! Ảnh như ông cụ non, lựa màu áo …” Lóng ngóng thế nào đi vào lăng chị để tà áo sau bay vướng vào cành mai chiếu thủy. Lễ hội kỷ niệm thành lập Tao Đàn Chiêu Anh Các, người đông, khách nhiều. Họ đi lại chuyện vãn hay ngồi chờ đến giờ làm lễ. Trên sân, hầu như không còn chỗ trống. chị quay lại định gỡ tà áo ra khỏi cành cây thì đã có bàn tay ai đó làm rồi. “Không sao! Cũng chẳng cần cảm ơn!” Người đàn ông có đôi chân mày rậm đen như vẽ, nhìn chị cười bằng mắt. “Màu áo đẹp làm sao! Màu chiều! Nếu không có đóa hoa quỳ trên ngực và những bông hoa nhỏ rơi trên vạt áo thì cô đã bị lẫn trong hoàng hôn mất rồi”. Đêm đó, chị thức trắng. Lòng xao động mãi không yên. “Màu áo thật tuyệt vời! Gặp một lần nhớ suốt đời!” Cứ như nghe giọng nói trầm trầm êm như tiếng gió dìu dịu bên ngoài cửa sổ len vào, ánh mắt khiến cho cõi lòng tẻ lạnh của chị ấm lại. Lúc ấy, mấy tiếng trống chợt vang lên báo hiệu giờ thắp hương nhưng người đó làm như không nghe thấy vẫn đúng đọc cho chị nghe cả một bài thơ. “Trên đường về nhớ đầy. Chiều chậm đưa chân ngày. Tiếng buồn vang trong mây …”. Hài đã bỏ đi trước lúc nào, chỉ còn lại hai người trên sân, bên chậu mai chiếu thủy đầy hoa trắng. Đến giờ làm lễ, nghe giới thiệu chị mới biết đó là nhà thơ Lê Toan. Năm hai mươi mấy tuổi chị có mối tình đầu cũng sôi nổi như ai. Nhưng chờ nhau ba bốn năm dài người ấy không chờ được nữa. Ba hy sinh năm bảy mươi hai, má nghèo ở Hòn Đất chạy chợ mỗi ngày, thằng Nam, con Hoà, con Bình lúc ấy còn đi học, cái gánh nặng oăn trên vai gầy, thấp của chị. Lấy chồng về Rạch Giá yên ổn phận chị rồi nhưng chị không yên lòng. Mẹ già, mỗi ngày thêm còm cõi trong khi đời chị còn dài. Nhưng rồi chị lao vào công việc kiếm sống, có lúc chị quên, mình đã từng yêu ai đó. Bây giờ, thằng Nam, con Hòa đã lập gia đình có con cái; con Bình tuy muộn nhưng sắp đám cưới. Còn chị, đã quá muộn, cây mai vàng quên nhặt lá qua xuân rồi mới trổ hoa thì còn ai mà ngắm. Sau này, thỉnh thoảng có người giới thiệu vài đối tượng nhưng chị chỉ bắt gặp cái cảm giác nhạt nhẽo, trơ trẻn. Thứ tình cảm nồng nàn của mối tình xưa đã lẫn lộn đâu mất trong mớ chai, lọ, ly, chén. Cuối tháng kiểm kê mọi người đã quá quen thuộc với hình ảnh chị tay áo xắn cao, mồ hôi nhễ nhại, đích thân xem từng mặt hàng trong kho. Say xưa với công việc, mệt mài với những con toán, đi đi về về trên những đồi giầy cao gót mỗi ngày một thấp, chị không để ý mái tóc đen mượt đã bắt đầu có sợi trắng. Bỗng dưng rồi chị có nhiều thay đổi, thường tự lự, không hay la rầy mấy con bé bán hàng như trước nữa. Tuy vậy, má chị hồng hơn đôi khi còn hát vu vơ nho nhỏ. Có dịp đi Rạch Giá, thành phố Hồ Chí Minh hay nơi nào khác chị thường tìm cơ hội vào các hiệu sách lớn, nhỏ để mong bắt gặp một quyển sách có tên người ấy ngoài bìa. Chị vui như muốn reo lên khi thấy một bài thơ đăng trên báo có tên Lê Toan. Tối, không xem chương trình ti vi hay đĩa hát, không ngồi trước máy vi tính hay kiểm kê một thứ gì. Chị cài chặt cửa phòng vì sợ Hài sẽ bất ngờ qua mượn một cái đĩa hài hước hay một thỏi son – con bé vẫn thường như vậy. Chị thoải mái nằm lăn ra giường đọc thơ hay tiểu thuyết. Mà không cần phải là thơ, là truyện của người ấy. Chị bỗng chốc trẻ trung và lãng mạn. Tháng sáu mưa tầm tã, tháng bảy mưa ngâu, giọt mưa trên lá, hạt mưa ở bất cứ đâu ngày trước dội vào tâm hồn chị như vào các núi đá, vậy mà bây giờ mưa chị buồn bâng khuâng nghĩ vẩn vơ. Biết khi nào người ấy trở lại Hà Tiên, viếng lăng Mạc Cửu và thăm người đàn bà đã mặc chiếc áo màu chiều suýt nữa bị hoàng hôn nuốt mất. Chị vẫn hy vọng Hà Tiên sẽ réo gọi được người về như bao du khách khác. Sang năm chị lại lên lăng, tìm giữa bao màu áo một gương mặt thân quen. Hà Tiên với những con đường ngắn hẹp và ánh đèn vàng dọi hai chiếc bóng của chị với Hài ngã dài sang tận lề bên kia. Đường về chán ngắt, thất thiểu và buồn mênh mang, chị về căn phòng của mình, ngập chìm trong nổi nhớ ngút cao, lại lấy những bài thơ của người ấy ra đọc. Trong mơ ước âm thầm, người đó lại về theo những giấc mơ của chị nhưng chỉ toàn ác mộng. Chị thấy người ấy đi trên lăng, chập choạng trong bóng chiều, chiếc áo sơ mi màu lá úa lúc ẩn lúc hiện. Chị đuổi theo, hớt hơ hớt hải gọi thất thanh. “Lê Toan!” Người đàn ông quay lại cũng là lúc chị đuổi kịp đến gần. Không phải! Chị sững sờ nhìn người đàn ông xa lạ vừa lúc nghe ai gọi mình ơi ới. “Chị Việt! Chị Việt! Mở cửa! Mở cửa! có chuyện gì vậy? ngủ mơ hả?” Thì ra Hài đang đập cửa đánh thức chị. Người đợi không về, kẻ không chờ lại tới. Mối tình đầu của chị, Triệu về Hà Tiên theo đoàn du lịch. Ngỡ ngàng và hết sức bối rối khi anh thấy chị vẫn một mình bên những con số đến điên đầu. Và rồi Triệu thỉnh thoảng lại về Hà Tiên, cuối tuần lại theo chị về Hòn Đất như ngày xưa chị đi học ở Rạch Giá, Triệu theo chị về chơi dịp lễ hoặc ngày nghỉ. Kỷ niệm đã biến mất tăm theo bụi thời gian. Trong cái cửa hàng tạp hóa của tâm hồn chị đã không còn mặt hàng Triệu. Có lần, chị lườm. “Lá gan em nhỏ lắm, không dám ngó chồng người”. Triệu đưa tay vuốt tóc sau gáy dù tóc hớt cao ngắn ngủn như bị chị nhìn thấu tim, rồi Triệu vụt cười ha hả. Tiếng cười sang sảng của người đàn ông trung niên thành đạt về đường sự nghiệp, có một gia đình hạnh phúc. Giữa lúc ấy má chị qua đời. Sớm hay muộn gì rồi con người cũng sẽ có ngày đó. Những ngày ấy, chị như thấy người đàn bà nhiều nghị lực ở trong chị biến đâu mất. Chị mệt mỏi, đuối sức sau những nổ lực phi thường trong suốt bao nhiêu năm qua. Người đàn bà nhiều nghị lực đã bỏ trốn tận đâu đó trong con người chị. Chị ta đi để chị được khóc thỏa thuê. Má mất rồi, con Bình cũng sắp sửa có gia đình, chị sẽ cô đơn hơn nữa, trống trải hơn nữa. Không còn chờ cuối tuần để về nhà tâm sự với má những vui buồn bực dọc trong cuộc sống. Không còn ai đau đáu bên những gốc mãng cầu đợi chị về. Sau đám tang, chị ngã bệnh phải nằm vùi cả tuần. Đôi khi trong lúc nửa mê nửa tỉnh chị như thấy lại hết những ngày đội mãng cầu đi bán với má dầm mưa tầm tã, những ngày đi học ở Rạch Giá, ở Thành Phố Hồ Chí Minh với Triệu. Chị lại thấy Lê Toan, người ấy vào Lăng Mạc Cửu thắp hương rồi không trở ra. Chị cứ đứng mãi bên cây mai trắng dưới ánh mặt trời ngày một xuống thấp. Rồi người đàn bà mặc áo màu chiều cuối cùng bị lẫn mất trong hoàng hôn. Không còn ai nhìn thấy chị, mặc dù chị vẫn đứng ở đó lặng lẽ âm thầm đợi người ấy. Chuyện chiêm bao mộng mị chị không quan tâm nhưng rõ ràng những giấc mơ càng làm tăng thêm nỗi buồn ở nơi chị. Mấy ngày chị ốm đã giữ chân Triệu lại Hòn Đất. Lúc thức, lúc ngủ nhòe nhoẹt hình ảnh Triệu đứng bên giường bỗng chốc hóa thành Lê Toan đang âu yếm đọc cho chị nghe bài thơ “Chiều” của nhà thơ Hồ dzếch … “ngỡ hồn mình là rừng. Ngỡ hồn mình là mây. Nhớ mà châm điếu thuốc. Khói huyền bay lên cao”. Mọi chuyện rồi cũng qua đi, cuộc sống lại tiếp tục. Những bước chân thoăn thoắt của chị giờ đây hơi trì trệ bởi những nỗi buồn. Vào lúc này, một người bạn ở thành phố Hồ Chí Minh mời chị dự tiệc mừng tân gia. Lập gia đình hơn mười năm, đã có hai đứa con, cô bạn này mới có điều kiện mua một căn hộ để ra riêng. Chi thu xếp công việc, hối hả đi trong chiếc áo hoa màu đỏ. Chị rẽ vào đường Nguyễn Huệ mua một bó hoa. Xa cách nhiều năm, chị vẫn nhớ cô bạn này rất thích hoa huệ trắng hay vẫn gọi là hoa loa kèn. Cũng dáng tất bật, chị hấp tấp quay ra và va phải một người. “Xin lỗi! Tại tôi vội quá!” Chị nói và ngước lên nhìn người đàn ông thản nhiên đưa tay ra vịn lấy vai chị cho khỏi ngã. “Chiếc áo của cô đẹp hơn cả chợ hoa này!” Cũng đôi chân mày rậm đen như vẽ, cũng đôi mắt biết cười dù chiếc miệng không cười và giọng nói … Trời! Lê Toan! Chị thoảng thốt kêu thầm. “Chiếc áo thật đặc biệt. Người mặc càng đặc biệt hơn”.Đôi chân chị run lên trên đôi giầy đã sờn cũ. Những giấc chiêm bao, những bài thơ … gần ba năm rồi có lẽ, bao nhiêu là ngày, bao nhiêu là đêm người ấy vẫn ở bên chị mà sao bây giờ lại xa đến nghìn trùng. Vẫn thanh lịch như ngày nào, người ấy không có gì thay đổi, có khác chăng là không nhận ra chị, người đàn bà đã mặc chiếc áo màu chiều trên lăng Mạc Cửu. Chị rất muốn mở lời nhắc một tiếng. Tôi! Người đàn bà suýt nữa đã lẫn mất trong chiều ở Hà Tiên. Nhưng chị uất nhẹ không nói được nên lời. Bó hoa trên tay rơi xuống đất, chị bỏ chạy trước khi chị nghe người đàn ông nói thêm câu gì. Buồn đến lịm người, chị đau, lòng thổn thức. Một chiếc gót giầy chợt văng ra khiến chị loạng choạng. Chị gượng được, ném luôn chiếc kia và cứ thế với đôi chân trần chị chạy ra tới đầu đường. Chị dừng lại thở hổn hển khi biết chắc người ấy không đuổi theo. Nhỏ bé, lạc lõng, cô đơn hơn bao giờ hết, chị xách chiếc túi đứng bên lề đường nhìn xe cộ chảy như dòng sông. Trong chị cũng có một dòng sông, con nước đang lớn dần lên sợ rằng dòng sông chảy chậm sẽ làm vở đôi bờ. Mùa mưa, trời Sài Gòn vẫn nóng hầm hập, bụi đường bay vào mặt chị tới tấp. Đón xe về được tới nhà bạn, chị nhào vào lòng bạn khóc nức nở, với đôi chân trần, không hoa, không quà và không cả lời chúc. Sinh nhật chị năm nay thằng Nam tặng một xấp vải màu rêu xanh rất đẹp. “Vợ em mua ở Rạch Giá đó”. Chị cười buồn trong khi nó hớn hở khoe. Chị đem xấp vải cất vào trong tủ cũng như chiếc áo màu chiều và những tập thơ để thỉnh thoảng mở ra nhìn ngắm. Chị không muốn một lúc nào đó sẽ bị cây cỏ hai bên đường nuốt mất vào một ngày trời dứt cơn mưa./.