Cả thôn bỗng rần rần như sắp xảy động đất.  Người ta rủ nhau chạy ùa ra đình, lăng xăng tựa bầy ong vỡ tổ, tựa bầy kiến bị nước đổ vào hang.  Riêng chị vẫn ngồi im lìm y như không có chuyện gì.  Đàn ông, đàn bà chạy ngang qua lại đều chõ miệng vào hỏi: sao không ra đình xem lại ngồi ì ra đấy.  Chị chẳng buồn trả lời một ai.
Lòng chờ đợi của chị vốn đã chin mõm mòm và đang bắt đầu rụng, chị chẳng còn nao nức, tha thiết gì chuyện thiên hạ sự nữa.  Chị nghĩ nếu anh ta còn sống thì hẳn đã trở về từ khuya rồi, có đâu lần khân mãi đến bây giờ mà mong.  Chị đem điều ấy nói với các cô bạn, có người chê chị hâm còn chỉ vẽ thêm: người ta việc quan, công lính đâu dễ cái rẹt là về.  Còn phải thư thư, lần lượt, chứ nhất loạt rủ rê nhau thì quân cơ còn ra thể thống gì nữa chứ.
Lần đầu nghe, chị đã tin như vậy thực.  Chị tự bảo: dào, hơn mấy mươi năm chờ còn được, giờ có thêm vài tháng đã sao.  Nhưng chị chờ không phải một lần vài tháng mà đã trải biết bao lần vài tháng rồi, lòng dạ gần thành thiu thành thối cả mà tăm hơi anh chẳng thấy đâu.  Dần dà chị nghĩ hay là anh đã chết, nên không về nữa.  Nhưng nếu anh chết thì cũng phải có tờ giấy báo tin, chứ đâu lại im im biền biệt.  Thôn này đã cơ man gia đình nhận được cái giấy báo tử về, thân nhân có khóc thương rồi cũng hết.
Mấy mươi năm chiến trường, bao nhiêu đợt người lần lượt đi.  Thôn đã tổ chức bao nhiêu lần tiễn đưa với những lời cảm khái mừng công dâng đảng.  Khắp nơi râm ran những gương tày liếp tranh nhau được ra đi, nào có người vốn ốm yếu đợt tuyển quân phải dấu đá vào mình cho năng cân để được trúng tuyển.  Lại còn có chuyện người vì là con độc nhất được hội đồng cho miễn trừ đã khóc lên thẹn thùng không được đứng vào hàng ngũ những kẻ hi sinh.
Chị là người đưa chân anh khi được giấy gọi.  Hai người tần ngần bịn rịn chẳng muốn xa nhau.  Chị buồn tái tê, mấy bận chỉ chực khóc, anh phải can ngăn bằng cách đừng mềm yếu để anh có thể yên lòng mà đi.  Chị gật đầu nuốt nỗi đau vào lòng, anh nắm lấy bàn tay chị bóp chặt, rồi thoát nhanh.  Anh sợ chần chừ sẽ làm anh không đi được nữa.
Một năm, hai năm và bao nhiêu năm qua, cuộc chiến càng lúc càng căng thẳng.  Tin tức đưa về nhạt nhòa dần, thản hoặc có khi đồn đãi anh đã hi sinh, lúc lại nghe anh bị thương nặng, nhưng chắc chắn là bóng anh thì trùng trùng không thấy nữa.
Đã bao lần chị mò ra cái bến tiễn chân anh, một mình còm cõi chẳng sợ quỉ ma hay tai nạn.  Gió vẫn u u thổi, dêm chập chùng buông, bờ quạnh hiu vắng ngắt, chẳng còn một chút gì của anh để rơi rớt lại.  Thôn xóm bàn tán rất nhiều về những lần đi không về, những phụ nữ chờ mong lần hồi phai tàn thời xuân sắc.  Những mùa màng trôi qua, sự nén chịu càng giăng lên vô cùng to lớn.
Bao lần Xuân về, lòng chị mỏi mòn vì mong đợi.  Có một lần nào chị nằm mơ tương phùng cùng anh, tình yêu cháy bỏng vô biên để rồi khi tỉnh dậy, chị càng buồn hơn, buồn mãi.  Chị tiếc là ngày ấy chị không dâng hiến cho anh để ít ra giờ có một chút dáng dấp của anh ở lại với chị.  Nhiều khi một đứa con chẳng hạn sẽ là niềm an ủi bao la cho người ở lại nhà.  Chị tránh bóng trăng, tránh nhìn vào giếng trong, sợ bắt gặp nhan sắc tàn phai mà nặng thêm ủ dột.
Đã bao phen người ta nói xa nói gần với chị về một bước tiếp theo.  Chị nghe mà dửng dưng khép chặt nuối tiếc vào tận cùng tâm khảm.  Đàn ông nhìn chị với vẻ mặn mà, lời ong tiếng ve dập dìu bay lượn, nhưng chị vẫn gác bỏ ngoài tai, chỉ một niềm giữ lấy lời anh.
Cuộc sống khắt khe làm cho chị phải tính đến một chút gì để tồn tại.  Chị mở một cái quán nhỏ, bán dăm bát nước vối, cái điếu để khách qua lại ghé nghỉ chân.  Những ngày mưa hiu hắt, quán bị tạt ướt khắp cùng, chị co ro ngồi bó gối sầu vu vơ bất chợt.  Kịp có lần toán giao liên qua đường, chị ước ao giá gì có anh trong số đó.  Chị đon đả mời họ ghé vào uống bát nước, chị hào phóng đãi mọi người để nhớ tới anh.  Nhưng chẳng bao giờ chị thấy anh cả.  Hỏi han cũng mù mịt, mịt mù.  Ai làm sao biết được người nào đang ở đâu khi mà cái chết luôn cận kề nỗi sống.
Những đêm nghe tin chiến thắng, chị mừng khấp khởi, nghĩ là ngày hòa bình được rút ngắn lại thêm.  Chị cầu mong anh được bình yên và hẳn nhiên rất nhớ đến chị.  Những hội nghị mặc cả khiến chị hồi hộp vô cùng.  Người ta dềnh dang trong khi ngoài chiến trận không ngày nào không có giao tranh, mất mát.
Tin kết thúc cuộc chiến đến nhanh lao xao tựa sấm giật.  Bữa nay có tin về thành phố này tổ chức mừng công, ngày mai lại có tin huyện kia bày tiệc liên hoa mừng quân thắng trận.  Nhưng mọi người quên không báo khi nào thì đến lượt thôn chị.  Lẻ tẻ đã có người về, nhưng hầu như chẳng mấy ai lành lặn.  Chị ngỡ ngàng sợ chợt gặp anh cũng giống những ưu tiên dành cho người về sớm.  Tự dưng chị muốn anh cứ nhẩn nha về chậm cũng được.
Thế nhưng trải bao cuộc đón rước, anh vẫn chẳng thấy về.  Thôn sau nhiều đợt ăn mừng giờ đã trở lại như xưa, mà bóng anh thì vẫn biền biệt.  Chẳng cứ anh mà những người cùng ra đi một lượt với anh cũng không thấy một bóng ai hết.  Chị tự hỏi những người ra đi ngày đó sao mãi mãi chưa về.
Rồi lâu thật lâu, thôn lại nhắc đến lượt đón tiếp khác.  Có lẽ thôn cũng sốt ruột vì đám tráng đinh của mình lác đác ít làm sao.  Chị thất vọng vô cùng nên nhạt đi lòng sôi nổi.  Hôm nay lại một lần thôn đổ xô đi đón người ra đi, nhưng chị thì hoàn toàn không lay động.
Lềnh bềnh bóng anh hiện chỗ này, chị chưa kịp đến thì anh đã loãng tan dịch xê sang một chỗ khác.  Có khi lãng đãng như áng mây, có khi lờ đờ như bọt nước.
Những chức sắc trong thôn ngày nao khuyến khích anh đi, giờ thoáng gặp chị vẫn đon đả chào hỏi.  Chị chưa đá động gì thì các ông đã dặn dò ; yên chí, thế nào anh cũng về thôi.  Cũng về thôi, nhưng chừng nào.  Chẳng ai khẳng định được thời gian cho chị rõ.  Lá vàng đã rơi rụng bao mùa, người đi vẫn một thời biền biệt.
Lòng người trông đợi lâu thì héo tựa cánh hoa phai.  Bao nhiêu nồi nước trà bán cho khách qua đường vẫn không một lần in bóng dáng anh ghé lại.  Còn đợi chờ đến bao giờ.  Chị thì nghĩ là anh thuộc vào danh sách những người không về, chẳng bao giờ về nữa.  Nhưng khi chị đem điều ấy ra nói với ai thì đều bị họ phê phán dở hơi.  Thế nhưng, nếu anh vẫn còn thì sao chẳng một tin tức gì cả.  Chị chỉ cầu mong một lần nhận được nét chữ anh để có dịp ôm ấp làm cái phao chập chờn ru cõi lòng đợi chờ cằn cỗi mà chờ mong mãi mãi vẫn vô vọng.
Chị thở dài từng hồi.  Những tốp người lao xao đã tắt từ lâu.  Giờ chỉ còn con đường đất im trơ ra đó.  Chị lừ đừ đứng dậy, ra hạ cái liếp của quán xuống.  Chị bỗng dưng không thiết bán nữa, chị lẳng lặng ngả lưng ra cái chõng.  Mắt rức hơn bị lửa táp và chợt dưng lệ trào, trào ra.  Chị kêu lên: anh ơi.  Không có tiếng đáp vọng.
Đỗ Thành

Xem Tiếp: ----