Vào một chủ nhật, đang đi lững thững dọc hè phố Hàng Bạc, đầu óc lang bang, tâm sự chống chếnh, tôi chợt nhận ra, phía bên kia đường, một thằng bạn đã mấy tháng không gặp đang ngơ ngơ ngáo ngáo như tìm ai. Sướng quá, tôi réo lên: Đinh Ngọc Xuân! Đi đâu đấy? – Xuân tạt nhẹ xe sang phía tôi, cười toét miệng. Thả bộ, tiêu dao nơi lòng đường hè phố, đắm mình trong tràn ngập bụi đời - Tôi ỡm ờ - còn mày? Đi săn tiền! - Xuân thì thào, nháy mắt bí hiểm. Thấy mặt tôi thộn ra, hắn cười phá lên - Là đùa vậy. Cái tạng tao, có mà “ăn cơm với vợ lại nài vét niêu”! Sau đó, cả hai xà vào một quán bia bình dân gần đấy. Trong lúc đợi chủ quán lấy bia, Xuân rút từ trong cái ống nhựa đặt gần đấy ra hai chiếc đũa tre, ngồi lại ngay ngắn, rồi bắt đầu gõ nhịp ròn rã xuống cạnh chiếc bàn gỗ, toàn thân đu đưa, giọng chẳng khác gì lệnh vỡ, ngất ngưởng mấy câu chầu văn: Cô đầu thời các cụ chơi Ta đây cơm bụi bia hơi lè phè Cực kỳ gốc sấu bóng me Cực ngon, cực nhẹ, cực nhoè em ơi. Đừng chê anh khoái bụi đời Bụi dân sinh ấy bụi người đó em Xin nghe anh nói cực nghiêm Linh hồn cát bụi ở miền trong veo… [1] Ông chủ quán, trạc tuổi chúng tôi, lúc đem bia ra, thấy thế dừng lại nghe rồi cười khoái chí: “Hai bác vui quá xá! Những người lãng đãng du dương thường sống lâu, sống hết cả phần của thiên hạ. Nhưng, … giầu nghèo thế nào không cần biết, xin được đãi hai bác tuần bia đầu tiên vì vừa được hưởng thụ mấy câu chầu văn xịn! Xin cho một tràng pháo tay ạ!”. Cả ba chúng tôi cùng hoan hỷ bộp bộp, chẳng khác gì đám khán giả đang ngự trong trường quay chương trình “Làm giàu dễ ợt!”. Tợp một tợp, khà một tiếng, hắn quay sang nhìn tôi, định bốc phét cái gì đấy nhưng chợt ngừng lại, ngạc nhiên: Có chuyện gì mà mặt đần thối ra thế? Có gì đâu. Là tao xúc động quá. Lần đầu được nghe hai chữ săn tiền mà! Trời, tưởng gì - khuôn mặt Xuân dãn ra - ấn tượng là phải, có chó gì lạ! Tiền là thứ dễ làm cho đại chúng xúc động nhất! Thì đấy … chỉ nguyên cái mùi của nó cũng đủ để mấy bố cả luận, rách chuyện, uống hết cả “bom” bia, tán cả ngày không hết! Nó là cái giống lang bang vô định, đến rồi lại đi, đi rồi lại đến; lúc đến thì khụng khạng buồn thiu, khi đi thì háo hức hối hả hớn hở. Trước khi trở lại cái túi của ta, nó đã chu du những đâu đâu thì không thể biết. Đến với hạng công chức như mày, nó nhiễm mùi ẩm mốc của văn phòng, trộn thêm cái thum thủm của những thứ mẹo vặt; chui vào tiệm karaoke, nó ám mùi son phấn và một chút khen khét của mùi thịt người; qua tay các băng đảng, nó đẫm mùi thậm thụt và hơi tanh lạnh của những thứ dao nhọn sắc lẹm để trong tay áo; đến với chị hàng thịt, nó có mùi gây gây; lại với ông quai búa, nó mang hơi than hơi sắt; ở với bác trồng lúa, nó thơm mùi ruộng đồng; vào túi của những người mẹ thì thấm đẫm hơi ấm của tình mẫu tử... Ôi dào, thôi thì hàng tỷ loại, thượng vàng hạ cám, chả thiếu mùi gì! Nếu chúng biết nói, tao cam đoan với mày, mỗi tờ giấy bạc đích thực là một kho tư liệu nhân văn cực xịn luôn! Mà sao lại phải săn? - Ngừng một lát như để lấy hơi, hắn say sưa nói tiếp - Bởi tiền là thứ hữu hạn, mà mong ước của chúng ta thì chỉ có vũ trụ mới đựng nổi; ta mê mẩn nó, ta phải lòng nó, ta tương tư nó, còn nó luôn lạnh lùng khách quan lảng tránh ta. Ta luôn thích nó tích tụ trong hầu bao, còn nó không thích bị dồn cục bí dị ở đâu cả. Bản vị của con người là Ngũ thường, bản vị của chủ nghĩa là học thuyết và sự thành tựu, bản vị của tiền là kim ngân, bản vị của kim ngân là mồ hôi. Tiền lạnh, linh động, trơn tuột, hướng ngoại nên tính thuỷ; con người hướng nội, thích tranh khôn tranh giỏi, thường bốc đồng khoe khoang, nửa tấc đã ngùn ngụt lên đến giời nên tính hoả... Thuỷ cường thì hoả vong, hoả cường thì thuỷ kiệt. Từ cường đến vong, kiệt có một điểm thuỷ hỏa cân bằng. Người đứng được vào điểm đó là Thánh nhân. Chợt, hắn hốt hoảng đưa tay lên xem đồng hồ. Thôi chết, khất lỗi mày, đến giờ rồi, tao phải đi đón thằng con ở lớp học thêm môn Hoá, cho nó ăn uống tý chút, rồi buổi chiều lại xoay sang lĩnh hội thêm mẹo giải Toán thi đại học. Chậc … cũng là trang bị cho nó chút ít, để sau này có thể vào cuộc săn thôi mà! Nghề săn xem ra cũng đoạn trường, cũng trần ai lắm. Nhưng không lao vào thì thiên hạ nó sẽ làm trong sạch xã hội bằng cách hè nhau trói nghiến thằng bé lại, đưa thẳng sang Trâu Quỳ nhốt tịt, thì … thôi rồi! Dứt lời, hắn vội vã bước ra lấy xe, rồ máy và, trong khoảnh khắc, biến vào dòng người muôn mầu của phố phường tưng bừng hoa lệ. ° Tôi trả tiền bia, rồi lững thững đi tiếp và đầu óc cứ bị ám ảnh mãi về hai cái chữ săn tiền và bài diễn thuyết của hắn. Săn là lùng tìm, rình, tiếp cận và chiếm đoạt; tính chất của nó khá quyết liệt và không thể nói là không thô bạo. Khỉ thật! Lâu nay chỉ nghe đến săn thú, săn chim, câu cá chứ đã bao giờ nghe đến săn tiền! Thú, chim, cá là do Giời làm ra, là của Giời và lưu thông không ngừng trong đại tự nhiên. Những người theo phái tu tiên chỉ nói “phí của Giời!” khi nào lỡ miệng. Giời dùng phép bù trừ để kiểm soát hành vi ứng xử của con người đối với những tạo vật của mình. Chính con người cũng là một tạo vật của Giời. Tiền là do nhà nước in ra, liên tục tung hoành lưu thông dưới ánh sáng dịu dàng mềm mại, đanh thép vô tư của luật pháp và cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ phép bù trừ của Giời. Về mặt này, có thể thẳng thắn mà phàn nàn rằng ông Giời đã can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của giống người! Vì thú, chim, cá là của giời nên, trước đây, ai săn thì săn, ai bắt thì bắt, mặc sức thả dàn, hồn nhiên vô áy náy. Cũng bởi cái tâm trạng hồn nhiên đó nên cầu có xu hướng vượt cung. Trong xã hội, nghĩa là chỉ có quan hệ người - người, và nói theo khoa kinh tế chính trị học, cầu luôn đi đằng trước để hướng dẫn cung. Trong quan hệ Giời – người, quy luật này không sao vận hành được. Giời quen ứng xử theo lối từ trên dội xuống (Top-down): Chúng mày cầu nhưng Giời không cung. Giời thây kệ chúng mày! Và thế tất, lập tức, hàng loạt các Sách đỏ được in ra và các Công ước quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã cũng lần lần xuất hiện, làm khó cho đội ngũ các thợ săn chuyên nghiệp, nghiệp dư và gây ra những thiệt hại vô cùng nghiêm trọng cho trùng điệp những người sành điệu, hảo nhậu hảo sài trên phạm vi toàn thế giới. Ở nước nào cũng vậy, của giời thì không thể đếm được, còn những người thợ săn thú, chim, cá chỉ chiếm một tỷ lệ cực thấp trên tổng dân số; ngược lại, tiền là thứ hữu hạn và hoàn toàn có thể kiểm soát được, nhưng tình hình số lượng thành viên trong đội ngũ những người săn tiền dường như không giống thế. Hình như chưa có ai thống kê thử xem đã có bao nhiêu cuốn sách các loại, có bao nhiêu học giả, nhà văn, nhà thơ, nhà nhạc đã viết về đồng tiền. Người ta, hầu như ai cũng nói rằng mình không quan tâm nhiều đến vấn đề tiền nong (Tiền là cái gì? - Tiền là cái đinh!!), nhưng một số lượng không nhỏ những sách báo dạy cách kiếm tiền và một số lượng khổng lồ những lá sớ, những lời khấn khứa cầu xin - có nội dung liên quan đến những mong ước thầm kín và tế nhị về vấn đề tiền nong của các chúng sinh tội nghiệp và vô hại - hiện đang được tồn lưu trong các dãy nhà kho lưu trữ của các Nhà Thánh, Nhà Phật - đã, đang và sẽ ngày càng mâu thuẫn ghê gớm với chính họ. Săn thú, săn chim, săn cá thì dùng cung nỏ, súng ống, gươm giáo và bẫy lưới. Cần câu thực ra cũng chỉ là một loại bẫy. Dùng bẫy thì trí tuệ hơn nên sức lực bỏ ra ít hơn. Nhưng đã có bẫy tất phải có mồi, bởi mồi là cái để quyến con vật. Bản chất của mồi là lấy cái ham thích của vật để nhử để quyến, thâm độc đánh vào hai chỗ yếu đuối nhất của tự nhiên: Cái dạ dày và vật sinh thực khí. Tiền không phải là của Giời, chúng sinh lương thiện có được tiền là do đem mồ hôi của mình đổi lấy. Và vì thế, Tiền luôn có chủ sở hữu. Đối với một người mẹ, trên đời này có gì quí hơn con cái? Vì sao? Vì người mẹ đã dứt ruột đẻ ra chúng. Đã có bao nhiêu cô gái ”chiều chiều ra đứng ngõ sau, ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều”? Một danh nhân trong lịch sử ngó kẻ cướp nước ngạo ngược ức hiếp vua và dân nhà mình thì vật vã “Nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mất đầm đìa”… Chỉ chừng ấy, cũng thấy được vị trí của ruột quan trọng như thế nào trong đời sống tinh thần của chúng sinh. Và cũng thật đáng suy nghĩ khi người ta bảo “Đồng tiền liền khúc ruột”. Nhiều người đã hỏi: Tại sao ở cửa các kho bạc không đề chữ Kho bạc mà lại đề Kho bạc nhà nước. Cánh rách chuyện vẫn lấy đó mà cười đùa, cợt nhả. Người chín chắn thì không thế, bảo: “Ấy cũng là sự cẩn thận, sở hữu phải rõ ràng phân miêng và quyết liệt; “yêu nhau” thì phải “rào giậu cho kỹ”, phòng xa cái đám hậu duệ nhà Xuân tóc đỏ lỡ có túng bấn quá hoặc mơ ước lãng mạn thái quá mà sinh làm ẩu, mất hết cả tình cảm!”. Những người căn cơ, lo xa, lại may mắn được giàu có, khi sắp qua đời, không còn năng lực hành vi dân sự trong việc sở hữu nữa, lại muốn để của nả cho con cháu nhưng, hoặc là chúng còn thơ dại, hoặc là chúng đang trong giai đoạn phá gia chi tử, chưa thể tin tưởng mà giao phó ngay được, bèn cất tiền xuống dưới lòng đất và, theo một cách nào đó, tạo ra một thần giữ của cho mình. Khối kẻ săn tiền đã phải bỏ mạng như giống thiêu thân bởi những thần giữ của lạnh lẽo và cực kỳ nguyên tắc này. Đó là kiểu của những người đã có cái để mà sở hữu. Những người chưa có thì cố mà có. Cố rồi mà vẫn chưa được thì mơ ước. Luật pháp không kiểm soát mơ ước. Một vài người mơ ước, cả tỉnh mơ ước, cả nước mơ ước và khi miềm mơ ước đã đạt đến độ thăng hoa, sự thăng hoa đã đạt đến đủ lượng thì nó bèn kết tinh lại thành hình tượng ông phỗng đang tích cực tham gia phong trào rèn luyện thân thể bằng cách suốt ngày ngoác miệng ra cười và dùng hai tay cử một tảng vàng ròng lên cao quá đầu. Nghe nói, loại tượng này thời gian gần đây bán rất chạy; nhiều nhà mua về, đặt ngay tại phòng khách; mỗi khi về đến nhà, đi ngang qua ông phỗng, người ta không quên đưa bàn tay lên, dịu dàng thổn thức xoa xoa vào cái tảng vàng ròng bí ẩn phía trên đầu ông. Tháng trước, đến một ngôi chùa dự lễ cầu siêu cho người anh mới qua đời, tôi giật mình thảng thốt vì nhận ra môtíp ông phỗng này cũng đã có mặt ở sân chùa từ bao giờ rồi! Về điểm này, so với phương đông, phương tây dường như kém lãng mạn hơn. Thay vì tạo ra những biểu tượng nghệ thuật biểu lộ niềm khát vọng nhớn lao của mình, họ lại lao đầu vào những thứ tầm thường tẻ nhạt như khoa học, công nghệ và máy móc. Ngẫm lại, trong lĩnh vực tạo ra biểu tượng nghệ thuật cho mình, họ chỉ có tượng thần Tự do là đáng để tâm chút ít. Có lẽ họ đang bị thiếu hụt ghê gớm thứ tinh thần đó. Nghe thì có vẻ vô lý, nhưng quả thực, ngày xưa, để săn tiền người ta đã từng dùng đến cung nỏ, súng ống, gươm giáo. Những thứ vũ khí này có liên quan đến các bè đảng, các đạo quân và có đặc tính không bao giờ nhằm trực tiếp vào đồng tiền (rách hỏng mất, còn tiêu được ư?!) mà chỉ nhằm vào da thịt, thân xác các ông chủ của chúng. Nhưng đấy là thời trung cổ mông muội và sau đó là thời thực dân ít mông muội hơn. Bây giờ, văn minh tươi sáng rồi, ai làm thế! Ngoại trừ bọn trộm cướp trấn lột còn sót lại từ những thời kể trên, giờ đây hầu như người ta săn tiền bằng bẫy. Vậy, cái bẫy này, hình thù nó như thế nào? Trong bẫy, mồi là gì? Một câu hỏi hóc búa, khó ai có thể đưa ra được câu trả lời đầy đủ, hầu làm thoả mãn số đông những người ham hiểu biết. Chỉ có câu trả lời trọn vẹn mới cho ta khả năng thống kê, phân tích và hệ thống hoá thành lý luận được. Đối với con người, đây là lĩnh vực mênh mông nhất trong các lĩnh vực mà khoa học đã từng tiếp cận. Vậy thì phải, lần lần, tự tìm câu trả lời trong chính cuộc sống thôi. Chỉ biết chắc một điều, trong cái bẫy này, miếng mồi cũng mang bản chất triết học tương tự như miếng mồi dùng để bẫy thú, chim và cá. Có điều, xét về giá trị văn minh, hình thức biểu cảm ngày nay của mồi đã được nâng lên một tầm cao mới, phải dùng phép nội suy để lĩnh hội mới được, bởi chúng đã được mã hoá theo phong cách đường truyền Đại phong - Lọ tương của cụ Trạng Quỳnh. Một cách vô cùng hời hợt, cực kỳ thiếu tinh tế, có thể lấy ra vài ba ví dụ: Một nụ cười mở (chữ mở trong thuật ngữ Quy hoạch mở); một cái bắt tay, vỗ vai vô cùng thân mật của xếp bự trước đám đông; một “Ngời sáng tương lai” nào đó;... thậm chí, một cử chỉ khống chế lịch thiệp nhưng đầy ắp những bất trắc khả đáo … ° Tiền là tài. Tài là tiền. Tài cũng là cái giỏi giang lương năng, nhân năng của con người ta. Nguyễn Du từng khái quát: “Chữ tài cùng với chữ tai một vần”. Chúng ta, ngày nay, rất ít người biết đọc chữ hán chữ nôm, bèn xuê xoa hiểu chữ tài của cụ với cả hai nghĩa. Hiểu như thế, xét về mặt văn tự, là ẩu; thậm ẩu! Nhưng đứng về khoa Bể khổ học mà nói thì lại dường như rất uyên thâm. Đã biết thế, tại sao phải hao tâm tổn lực để lao vào cuộc săn này làm vậy? Rất đơn giản, như một bài vè, xuất hiện trong dân gian vào khoảng thập niên tám mươi thuộc thế kỷ trước, đã rao giảng: Đồng tiền: Là tiên là Phật Là sức bật tuổi trẻ Là sức khoẻ tuổi già Là cái đà danh vọng Là cái lọng che thân Là cán cân công lý Là hết ý cuộc đời! Có người, sau một trận ốm thập tử nhất sinh, kể rằng đã từng thấy các ngài Tiên, Phật, Lý Nhĩ, Mai Thúc Loan, Đinh Bộ Lĩnh, Bao Chửng, Nguyễn Trãi, Lưu Dung, Hoàng Diệu … bá vai nhau cười rũ cười rượi, cười đến bò cả ra chiếu sau khi chụm đầu, thì thầm đọc cho nhau nghe cái bài vè ấy. Điều này có thể đúng, cũng có thể là bịa đặt. Nhưng tệ nhất là ở chỗ: các ngài ấy đều là những người đã quá xưa; thậm chí, họ không thể tưởng tượng nổi tại sao mối giao hoà lớn nhất của trời đất lại có thể xảy ra ở trong một cái ống thuỷ tinh. Thường bảo: Có tiền mua tiên cũng được. Thú thực, tôi thì chưa tin lắm, nhưng nếu giãi bày ra, e người ta biết mình dốt nát, không thèm quan hệ nữa thì cô độc lắm, có khác gì thân phận ở tù? Mà ở tù vẫn còn sướng hơn vì không phải lo kiếm ăn, không phải lo tiến bộ. Một số người - có thể thần kinh không được vững lắm - tuy đã thừa nhận công năng siêu phàm của đồng tiền, song vẫn còn băn khoăn, bứt rứt chút đỉnh về một câu hỏi chẳng có gì là mới, là hay ho: Tiền có làm cho người thành Người được không? Nếu đi thi viết chính tả ngạch tiểu học, chữ Người này sẽ bị bắt lỗi và, tất nhiên, bị trừ phéng một điểm là điều không cần phải bàn cãi. Trong bộ môn chính trị kinh tế học thế kỷ 19, hình như có một nhà lý luận kinh điển đã từng đưa ra một nhận xét, đại loại là: Nhà tư bản, nếu thu được lãi suất 200% thì dù phải treo cổ bố hắn lên, hắn cũng làm! Thực tế, đã có nhiều người rất tâm đắc với nhận xét đó. Theo mạch logic này, một câu hỏi đặt ra là: Một kẻ nào đó, nếu thu được những món lợi mà giá trị của nó khiến bất cứ gã tư bản nào cũng phải thèm muốn ước ao mà không phải bỏ ra một cắc vốn đầu tư (Phép tính phần trăm lãi suất cho trường hợp này, khoa toán học hiện giờ vẫn chưa đủ công lực để xử lý), không phải vật vã ngày đêm để lo nghĩ xem nên sản xuất hàng hoá gì? Bán cho ai? Dùng công nghệ nào, tổ chức sản xuất ra sao cho hàng làm ra có chất lượng cao nhất, giá thành thấp nhất? … thì, nếu cần, hắn sẽ có gan treo những gì lên xà nhà? Tháng 10 năm 2006 Chú thích:[1] Thơ Nguyễn Duy. Tình tang … Nxb Văn học. 1995