Cô Bảo Lương chiều nào cũng vậy, hễ tan giờ ở nhà trường ra thường một mình lững thững, có khi lại dắt dăm ba đứa
học trò nhỏ đi lại trên con đường vắng vẻ kia, bên cái hồ sen mênh mông hoa nở đỏ ối, hương bay ra đã ngát cả một
cánh đồng.
Cô cứ đi theo dọc bờ, đi đi lại lại hóng mát, dẫn dụ cho những học trò bé những điều sơ lược về cách trí: giống cá thở
bằng mang, sen là cây ở dưới nước, nước là vật có thể biến ra hơi v. v... hay là một mình cô hết trông mây cao, lại
nhìn xuống dòng nước trong đang chẩy, có lúc lại nhìn ra cái rặng núi cao xanh rì ngoài xa, rồi cô lại sực nghĩ đến cái
chức phận con con của cô, chỉ cố gắng sao cho đường ăn, cách ở không phụ với cái chức nghiệp, đủ làm gương cho lũ
em bé.
Ngọn gió hiu hiu, nét mặt cô càng hớn hở, hình như đã có sự gì cảm khái tự trong lòng ra.
Một buổi chiều lúc cô đi chơi gần về, thấy tự đàng xa lại một người đàn bà ăn mặc tả tơi, hình dung xấu tước, mà
dáng đi ưỡn ẹo vẫn ra cái phong vận đại gia. Cô mới trông biết là người quen, sau nhận kỹ biết là bạn, bèn gọi tên,
người kia thưa và ngoảnh lại, hai người nhận nhau là bạn học.
Cô Bảo Lương thấy bạn xưa cũng là con nhà giàu có, đài các mà phút chốc gặp đã đến nỗi tiều tuỵ, thì đem lòng ái
ngại, cô liền lấy tình thân mà hỏi đến việc nhà.
Người bạn kể cho cô nghe rằng:
- Chị ơi, tự khi chị về Hà thành theo học được vừa hai năm thì em ở lại dưới này phải qua một cảnh ngộ đến bây giờ
khổ tâm biết nhường nào!
Số là trong năm ấy có hai người đem giầu cau đến nhà để hỏi em, một bên là một người học trò, chưa vợ, nhà cửa
cũng chẳng lấy gì làm phong phú; bên nữa là một nhà trọc phú, xin hỏi em làm lẽ, vì vợ cả không con. Ôi! Cái thân
ngây thơ này sung sướng được có đến bấy giờ là hết, mà ngờ đâu từ lúc sắp mong nếm chút hạnh phúc ở đời lại là lúc
cực! Chị ơi! Làm thân con gái ai có dại gì mà đi lấy lẽ, huống chi nhà em nào đã đói ăn khát uống. Bụng em cũng
chắc rằng thầy đẻ em cũng một ý như thế. Nhưng than ôi! Cái thế lực kim tiền đã giúp được thằng trọc phú thoả lòng,
con quái ma vàng bạc đã làm cho con người ta hoa mắt. Lúc trước thầy đẻ em đã nhận lời với người học trò, sau
không biết anh trọc phú nó vận động làm sao, mối manh thế nào, mà thầy đẻ em cũng đem lòng vì nể, thành ra đã
chẳng có một chút tình cảm gì với người học trò kia nữa, lại càng nồng nàn lắm, trước thì còn khất rằng em còn bé,
xin thư lại, sau họ thúc mãi thì thầy đẻ em cũng khôn lẽ chối từ, song biết làm sao, vì quà lễ của anh trọc phú từng lâu,
từng mới đã nhận rồi, nói ra cũng dở.
Chỉ cách mấy tháng sau, không biết hắn xui bẩy làm sao đến nỗi thầy đẻ em đã hết lòng vì hắn, ở ngoài thì hết sức
đàn áp bên nhà người học trò, không chê bai cái lễ nọ1, thì lại thách thức những sự cực kỳ xa hoa, quá cái lực tài
chính của người ta, khiến người ta không còn thể xoay tìm vào đâu được mà đến nỗi phải thoái. Ôi! Ngán thay cho cái
thói đời, biết bao những người hiền đức tài năng lại không được người biết đến, mà những phường tiểu nhân đã được
nhờ cái thế lực đồng tiền lại càng đắc thế. ở trong nhà thì ngày đêm khuyên dỗ em, vẽ vời cho em những sự đài các
phú gia, những sự sung sướng sau này của người được làm vợ. Em còn nhớ những câu rằng:?nhà nó tiền dư thóc
mục, kẻ hầu người hạ, chẳng hơn lấy anh khoá kiết, lam lũ suốt đời, như thế có làm gì cả với lẽ, sung sướng nhàn hạ
là hơn. Vợ cả nó đã già lại không con, mà con thì còn trẻ, rồi ra có con cái, thế nào nó cũng quý hơn, bấy giờ lại tay
hòm chìa khoá, tuy không là cả mà cũng như cả. Thầy đẻ nói phải, con nên nghe?.
1. Nguyên in: lẽ nộ, ngờ sai lỗi chính tả. Tạm chữa lại.
Chú em, nghe bấy nhiêu lời cũng không bằng lòng, thường can ngăn đừng gả cho người nhà giàu ấy, vì tuy nó vênh
vang thật song cái vinh hiển bất lương đó có làm gì. Việc giá thú ta không nên luận chi đến sự giầu nghèo, chỉ miễn
rằng trai lành, gái tốt, dòng giống xứng nhau là hơn, vả chăng người học trò kia, tuy bây giờ còn ở trong cái địa vị học
trò, nhưng là một người chuyên cần cương nghị, còn đường hậu thế còn dài, hy vọng sau này còn to.
Từ đó ở trong nhà em không tối nào là không nói đến câu chuyện ấy, nào cha mẹ, chú thím, nói đi bàn lại, chẳng
khác nào một nơi hội nghị mà có một phái đảng đã kém thế lực vậy. Về phần em, ngay từ hồi đầu em cũng khăng
khăng không thuận, đã hết sức khuyên can gia đình đừng thất tín với người, nhưng mà ếch nhái kêu sao cho thấu, thế
mà cả nhà lại còn xúm vào dỗ dành em nếu thuận ư, thì nào may áo, cho tiền, kéo hoa hột, toàn là những sự làm cho
em mê cả, thì cái trí ngây thơ này, còn giữ sao nổi nghị lực, suy xét sao được sự thiệt hơn, huống chi lại có người lớn
bảo ban, dù bấy giờ có trái cũng nhận và phải nhận - là phải.
Chị ơi, sự mối lái của em đã như thế, sự cưới xin của em lại thế này. Anh phú gia ở nhà quê mẹ sắp chết, nên đã sấp
ngửa làm lễ cưới chạy tang, em còn nhớ hôm ấy là ngày mồng 2 tháng Tư, tức là ngày chị đang thi tốt nghiệp ở
trường ra.
Em về nhà chồng được hai hôm, thì mẹ chồng mất, ngót một tháng trời trong nhà còn đang tíu tít việc nọ, việc kia, cho
nên cũng không có điều tiếng gì cả, nhưng đến tháng sau tức là lúc công việc đã vãn, chồng em - em gọi là ông
chồng thì phải vì ông đã nhiều tuổi - bấy giờ ra ý săn sóc đến em lắm, yêu em lạ thường, chiều như chiều vong, sắm
cho em đủ thứ. Em cũng không hiểu tại làm sao mà ông chồng em yêu chiều em quá, mà riêng em đối với ông chồng
em cũng chẳng thấy gì là thành thực, có yêu cũng chỉ dò những sự chiều đãi bề ngoài mà yêu, thế nhưng mà cũng
yêu, chắc có lẽ cũng từ bấy giờ em mới biết thân em không phải cái thân trẻ thơ nữa.
Ông chồng em càng chiều em bao nhiêu, lại càng như khiêu cái ác cảm cho người vợ cả, vì thế cho nên trong nhà
thường sinh ra xô xát nhau, bè này đảng nọ, cái máu ghen của chị cả em cũng nhân đấy mà tăng, khiến cho chị em
coi nhau như kẻ thù, ông chồng em càng ra sức giãi bày bênh vực em thì trong gia đình càng lộn bậy, rút lại cũng
chẳng bổ ích cho em, lại chỉ tổ cho người ta hành hạ. Nghĩ cũng ngán thật, dòng giống Thúc Sinh đời nào cũng có.
Chị cả xử với em tàn nhẫn quá, khiến cho em không thể chịu được, sinh ra căm giận, em cũng ỷ thế chồng yêu
thường đánh nhau tay đôi. Nhưng than ôi! Cái thân phận bé nhỏ này vật sao nổi con mụ Hoạn Thư. Từ đó em không
còn ở luôn nhà chồng, thường năng đi về bên quê nhà kể cho thầy đẻ em nghe cái kết quả của sự xếp đặt của thầy đẻ
em như thế, nhưng thầy đẻ em cũng chẳng nghe nào, lại khuyên dỗ, đuổi em về nhà chồng, vì rằng ông chồng em
mỗi bận sang chơi thì quà quà bánh bánh, không biết đã nói khôn nói khéo những làm sao.
Em ở nhà chồng bị vợ cả ngược đãi, không thể chịu nổi, nên chẳng bao lâu đã phải kiếm đường tẩu. Em thu xếp ra ở
được một tỉnh giáp biên thuỳ, buôn bán qua ngày cũng đủ dung thân, chỉ cốt cầu lấy sự yên lành là mục đích, chứ
cũng không còn mong mỏi gì.
Em ở đây buôn bán đã quá hai năm, người quen biết cũng nhiều kẻ đi về cũng lắm, mà ông chồng em cũng không
thấy hỏi han chi đến, có lẽ cũng không nhìn nhận nữa.
Tỉnh thành đây mới lập, công việc còn cần phải mở mang nhiều cho nên kỳ tàu nào em cũng thấy các thầy thông, thầy
ký, hoạ đồ, kế toán, mộ đến nhiều lắm. Sự buôn bán rất là dễ, buôn đấy bán ngay đấy, một ngày cũng có thể kiếm
được tới 15, 20 đồng. Em buôn bán trong hai năm trời, lưng vốn đã khá, cho nên trong bọn các thầy chẳng mấy người
là không qua lại ngấp nghé cửa hàng em.
Em cũng biết cái cảnh của các thầy, em cũng đã thừa cả cái bụng họ. Ôi! Họ cho em là phường đàn bà, không có học,
nhẹ dạ chỉ dứ dênh1 là mắc, để cho họ thương mại được cái nhục dục của họ, nhưng em nào lại thế, họ cho em là vô
học, thì em lại khinh lại họ là hèn, là nhát, ăn hại xã hội, nợ đồng bào, làm thân con trai, lúc đầu xanh chẳng chịu lo
bề tu thân tiến đức, chỉ biết lấy hai chữ chung tình làm mãn nguyện! Tư cách độc lập chưa có, đã vội buộc thân vào
chữ tình. Luỵ một mình chưa chán, lại còn muốn đổ cho người. Ôi! Đời như thế còn mong gì ích cho nhà cho nước!
Em ở đây ngoài sự buôn bán, chỉ giao thiệp với các bà già vì em vốn sẵn lòng kính mến các cụ già phần nhiều từng
trải việc đời và có lòng thành thực, em cũng không ngờ sự giao thiệp ấy lại là cái bẫy hại em, mà người em giao thiệp
lại là người hẩy em xuống hố. Không, cũng không phải người ta muốn hẩy em xuống hố đâu, có lẽ người ta muốn
cho em, trong tay đã có đồng ra đồng vào thì phải như thuyền có lái, mà em cũng nghĩ vậy mới nghe lời bà già.
Bà già đánh mối cho em một người trẻ tuổi làm việc ở trong một sở kia, ngoài những tiền phụ cấp thêm giờ tiền lương
thầy đã vào bậc nhất nhì trong sở. Cái hy vọng của em bấy giờ chỉ những mong được dồn cái tiền lương kia với cái
vốn này, thì bể Đông tát sao chả cạn, em chắc lòng chàng cũng có cái hy vọng như em và còn lắm hy vọng khác em
nữa...
1. Như hớ hênh
Mấy hôm nghênh hôn vừa xong, chàng toe toét vừa cười vừa nói, đưa cho em cái biểu thống kê những các công nợ
của chàng mắc người ta và xin hiến cho em chức tán trợ hội viện1! Ôi! Em mới xem cái biểu mà ngẩn người ra, không
biết rằng nói thực hay nói chơi.
Nói thực! Nhưng mà một mình sao mà nên nợ? Tại sao mà nợ? Lúc chưa lấy nhau thì chẳng ai phẩm bình cho, mãi lúc
lấy nhau rồi, thì điều ong tiếng ve mới lắm, sau em xét ra mới biết chồng em nguyên là một chàng đãng tử. Ôi! Lương
chàng sáu mươi mà nợ chàng sáu trăm! Thôi cái lưng vốn này chẳng trước thì sau cũng đi đời! Nhưng mà chàng đã
bám tay, nói ra càng thêm xấu, dù dở hay cũng cố đeo đẳng cho qua, chứ có đâu cái thân con gái mấy lần sang sông.
Em thu xếp có năm ngày đã trả được hết các trái chủ2. Em có bảo chồng em rằng:?Vợ chồng mới lấy nhau, tôi cũng
không muốn trái ý thầy, chỉ cốt sao để lấy cái hạnh phúc hoà lạc ở cái gia đình mới mẻ này, cho nên đã thương yêu
nhau thì đồng tiền tôi cũng không tiếc, chỉ thưa thầy từ nay không còn bận gì đến công nợ thì xin thầy hàng tháng
đưa cho tôi cái số tiền lương để tôi trông nom?.
Chàng nghe nói híp đôi con mắt lại, nhoét mồm đáp:?Kẻ hèn mọn bất tài này đã được mợ gia ơn phải ghi lòng tạc dạ,
xin hết đời làm kẻ tôi tớ trung thành cùng mợ?. Em nghe thoáng mấy lời vừa buồn cười vừa giận thân, mà đoán ngay
được cái tư cách của chồng!
Thấm thoát kỳ lương đã lĩnh, qua mồng 4 mồng 5, chồng em cũng điềm nhiên không nói năng gì cả, em cũng để vậy
xem sao. Qua tháng sau cũng thế, chồng em cũng làm lơ chẳng nói chi đến chuyện tiền nong cả. Một hôm hai vợ
chồng đang ngồi ăn cơm vui vẻ, em có hỏi chồng em tiền lương đâu cả, thì chồng em giương đôi mắt tròn những lòng
trắng nát em bảo em:?Việc gì được hỏi?? Em bảo lại lại rằng:?Trước tôi trả nợ cho thầy, thầy có hứa thầy đưa lương
cho tôi, thì tôi đừng hỏi ư?!?.
1. Một cách nói hài hước để chỉ người chồng?đào mỏ? xoay tiền vợ. Tôn vợ là tán trợ hội viên tức là người vào hội chỉ để giúp đỡ kinh phí.
2. Chủ nợ.
Chồng em lại quắc đôi con mắt lên, cầm cả cái mâm cơm đang ăn quăng vào người em, em thấy chồng em giở mặt
chóng quá, nên có nói nặng một vài câu, thì chàng liền vác ngay cái?ba-toong?1 (chàng vẫn chống đi đêm) đánh em
túi bụi ngót tiếng đồng hồ, rồi chàng xéo.
Đêm hôm ấy em nghĩ giận thân chỉ gặp người ngược đãi, vừa mất của lại ô danh. Trước kia đã đau về đòn ghen, nay
lại bị ốm về đòn chồng, còn chi là sự sống!
Rồi từ đó chồng em chẳng lai vãng gì về đến nhà cửa, cứ ngày đêm ở trong cái sòng bài, điếm thổ. Đôi ba phen em đã
đi tìm đón, hay khuyên can về nhà, thì chẳng có nghe lại còn lấy cường quyền mà át, cách ăn ở với nhau thực là rẻ
rúng nhạt nhẽo hơn người dưng nước lã. Em thấy tình cảnh ấy biết không còn mong mỏi gì, nên có đồng nào đã nhặt
nhạnh, gặp?kỳ tàu?2 về quê hầu hạ mẹ cha, lấy hiếu làm duyên, mong để trả nợ cù lao. nay tình cờ lại được gặp bà
chị ở đây, có lòng hỏi đến, thực đã làm rờm tai quý nhân mất bao thì giờ.
- Không, không hề gì, chị em lâu ngày gặp mặt, tôi lấy làm mến lắm, bây giờ trời đã tối, nên về nhà tôi nghỉ mai về
quê sớm.
Bốn bề yên lặng, mây đen đầy trời, cảnh hoàng hôn tự trên cao đưa lại, đằng xa xa, vừng nguyệt vừa lên, mấy cái tia
sáng đã làm long lanh mặt nước, hai người cùng thong dong theo con đường quanh co ra về...
Tạp chí Nam Phong,
Số 67, Tháng 1 - 1923
1. Tiếng Pháp: baton: cái gậy.
2. Chuyến tàu.

Xem Tiếp: ----