Vừa trông thấy tôi gã “đầu trọc” đã ồ lên. Đôi mắt xếch của hắn mở hết cỡ. Bộ mông ngồn ngộn phì nhiêu. Bộ ngực cực kỳ tươi tốt. Bộ mặt đẹp. Bộ tóc hơi bị mê. Nói chung các bộ…Dì Khuyên mắng.- Câm cái mồm thối của chú đi.“Đầu trọc” cười, phơi cả vệ răng nham nhở cáu vàng. Chả hiểu dì Khuyên mắng thật hay mắng yêu nữa - quay sang mẹ tôi, dì cười cười - không việc gì đâu chị ạ.Nửa tháng sau dì Khuyên xuất hiện trở lại. Dì nói gì đó với bà chủ nhà hàng “Tình Biển” rồi thì thào vào tai tôi.- Ra ngoài kia với dì.Phố biển chiều hè. Sóng ầm ào. Gió lồng lộng. Người từ các ngả đường túa ra với biển. Dì Khuyên không đi xuống bãi mà ngồi lại chiếc ghế đá cạnh gốc phi lao. Ôi phi lao - Tôi không ngờ cái giống cây này ở biển lại có thể to lớn đến thế. Quê tôi có cây muỗm cạnh chùa Ghềnh đến mấy vòng tay ôm không hết. Thân muỗm cao vút, tỏa bóng rợp cả ba tòa thượng, trung, hạ điện. Phi lao ở đây to không kém nhưng thân hình thảy đều kỳ dị, đều mang trên mình vô số thương tích, dấu ấn của không biết bao nhiêu phen chặt cành, phạt ngọn, của những toác gẫy do bão gió, tạo nên những hang hốc, lồi lõm, mảng chết chen mảng sống. Trên vỉa hè, nơi góc quán hay cạnh tường xây cây nào cũng trồi lên bộ rễ, chằng chịt u, cục, lồi lõm, khía, cạnh ương bướng, xoắn quện vào nhau quyết bám đất kiếm sống. Suốt thân cây to vật vã sẹo chồng lên sẹo mà vẫn căng nức lớp da màu cứt sắt gan lỳ.Gã “đầu trọc” hiện ra như nấp sẵn sau gốc phi lao từ bao giờ, gã dọn giọng bằng cách xoa xoa lên cái đầu trọc đầy sẹo.- Có phiền chị và em nó lắm không (!?) cũng là tình thế bắt buộc.- Vẫn cứ phải từ từ, chú đi đi – dì Khuyên gắt.Khác với vẻ bặm trợn hàng ngày, gã “đầu trọc” cam chịu, lững thững đi ra bãi biển.- Năm triệu hôm trước đưa cho mẹ cháu là tiền của anh Đằng đấy (Đằng là tên của đầu trọc).Tôi giật mình lùi xa dì Khuyên, kinh ngạc không nói nên lời. Dì xích lại âu yếm vuốt lưng, vuốt tóc tôi…Tàn chiều hôm ấy ngoài đồng về, tôi thấy mẹ có vẻ khang khác.- Ơ! Thế cái Mai, cái Cần đi học chưa về hả mẹ?- Ừ, chưa đứa nào về!Tôi dựng cuốc vào hồi nhà, len lén quành vào bếp. Anh cả đang sắc thuốc cho cha. Mùi thuốc nam ngai ngái.- Mẹ làm sao thế? Có chuyện gì không?-Tôi lo lắng hỏi.Bất ngờ vung siêu thuốc bị hất tung vì quá lửa, nước tràn xuống cháy xèo xèo.- Chiều nay mẹ lên xã xin tạm ứng vật tư phân bón nhưng không được.Thì ra là thế. Khổ nỗi giống lúa bây giờ xuống ruộng mà thiếu phân lân, phân đạm là biết ngay, cứ ngẩn ngơ, vơ váo không chịu ra rễ mới. Đạm là mồi là thúc. Lúa ngắn ngày nên phải mồi, phải thúc. Anh cả đứng choán hết cửa bếp nói ra.- Con đã nói với mẹ rồi. Quá nửa làng còn nợ sản phẩm, có ai được ứng trước vật tư đâu.Mẹ ngừng tay giần gạo.- Để cha mày yên, nói nhỏ thôi.Anh cả bước hẳn ra sân.- Tổ thợ con sắp được thanh toán tiền công rồi. Mẹ lên quán cô Hương khất nợ ít hôm.Mẹ ngẩng lên định nói gì nhưng lại cúi xuống. Thì trưa nay trong giờ cơm anh cả đã nói với mẹ cái khoản ấy rồi. Mẹ đang mong để thuốc than bồi dưỡng cho cha.Anh cả tôi tên Hòa, tốt nghiệp đại học sư phạm bằng ưu đã hơn năm nay nhưng chưa xin được việc. Đến đâu anh cũng nhận được lời hứa “sẽ giải quyết” và mãi vẫn là điệp khúc ấy. Biết là phải có tiền để chạy nhưng đào đâu ra mấy chục triệu bây giờ. Cả nhà dồn sức nuôi anh suốt 4 năm đại học. Nợ ngân hàng như hòn núi còn treo lơ lửng trước mặt chưa biết bao giờ mới xóa xong. Món nợ ấy quá nửa là do tôi gây nên. Tôi đã đòi bằng được đi xuất khẩu lao động. Cũng nộp tiền, cũng đi học tiếng. Cuối cùng nhận được tất cả hơn chục lời hẹn rồi tiêu luôn. Hóa ra “ăn phải công ty lừa. Thương cha mẹ, thương anh, thương các em, càng giận mình đã không làm ra tiền còn gây tai họa. Cũng may anh cả tôi không tỏ ra buồn chán. Không biết thâm tâm anh nghĩ ra sao. Bề ngoài anh vẫn nói “Không làm thầy thì làm thợ, chẳng sao”.Dì Khuyên đến. Trừ mẹ không ai biết dì là ai. Thì ra dì cùng làng kẻ Duội với mẹ. Lâu ngày chị em gặp nhau, dì ríu ran hỏi thăm gia cảnh. Mẹ kể đến đâu dì buồn đến đó “Em biết chứ, trăm chuyện trông cả vào hạt thóc. Đã thế lại còn mấy chục khoản đóng góp cho xã, cho thôn”. Dì rút ra tờ bạc trăm nghìn “Chị cầm lấy gọi là chút quà bồi dưỡng cho anh”. Dì chỉ vào tôi “Cái này thứ mấy? Thứ hai à, xinh. Bao tuổi? Ừ 19, đã có nơi nào dòm ngó chưa? Vẫn chưa cơ đấy. Có muốn đi làm kiếm tiền giúp cha mẹ không?”. Mẹ mừng như bắt được vàng.- Vâng! Trăm sự nhờ dì.- Em bảo đảm cho em nó có một việc làm nhưng thu nhập thấp. Ngoài cơm nuôi, bao chỗ ở mỗi tháng họ trả năm trăm nghìn.- Năm trăm nghìn bằng hai tạ thóc. Một tháng làm ra hai tạ thóc - Mẹ nói như reo.- Chị ơi, thời buổi này mà còn lấy thóc ra làm chuẩn là còn đói dài dài đấy - quay sang tôi dì hỏi - ý cháu thế nào?Còn thế nào nữa - Sau vụ “xuất khẩu lao động” tôi ốm vẩn vơ gần cả tháng trời lại gượng dậy đi buôn vặt. Sáng lóc cóc đạp xe xuống chợ mua rau quả về, bán lõng ở ngã ba đường chờ chợ chiều. Chưa nhẹm tháng sau đã cụt vốn vì toàn người làng mua chịu. Chao ôi, đổ mồ hôi, sôi nước mắt những mong kiếm thêm mấy hào chỉ mỗi ngày sao mà khó quá. Lâu lâu trong đám thợ hồ cùng anh cả bị khuyết vì lý do nào đó, tôi lại được thế chân vài ba ngày. Khoản thu nhập ấy mẹ thường cho riêng để chi vào các thứ vặt vãnh đàn bà. Vặt vãnh nhưng nếu không có nó sẽ là nỗi khổ vô chừng.Không đợi tôi trả lời dì Khuyên nói với mẹ:- Nhưng chị phải bỏ ra vài ngày đi với cháu. Cứ phải người thật việc thật. Chị biết đấy bao nhiêu người bị lừa bán sang Trung Quốc cũng vì nhẹ dạ cả tin. Mọi chi phí tàu xe ăn uống em lo.Lần đầu tiên tôi sống xa nhà. Lần đầu tiên tôi trông thấy biển. Biển. Tôi không thấy biển đẹp như người ta nói. Đêm đêm càng về khuya biển càng ì ầm vật vã. Giờ này chắc mẹ đang bón cháo cho cha. Cha không muốn ăn nhưng gắng vài thìa để mẹ vui. Cái Cần, cái Mai đang đánh vật với đống bài vở, đang cắn bút trầm ngâm nhớ chị. Ngoài góc sân cạnh cây khế già, anh cả đang bập bùng ghita. Anh nghiêng má áp hẳn vào thành đàn, tay lần phím. Lối xóm, nhà đang sáng tivi, nhà đã im lìm vào giấc. Những bóng cau trầm mặc phăng phắc dưới trăng. Làng tôi, một doi đất nhỏ nhoi nổi lên giữa vùng chiêm trũng. Tôi 19 tuổi, 19 lần cùng mọi người chịu đựng cảnh báo gió nước dâng. Những lúc ấy con người sao mà nhỏ nhoi vô nghĩa. Phải thế chăng mà từ khi đến đây tôi chưa một lần đi ra mép biển. Một phần cũng vì suốt ngày bưng bê mãi tận khuya mới được ngả lưng. Song khổ nhất là suốt ngày phải cười, phải tảng lờ như không trước những cặp mắt xoáy vào ngực, vào mông. Phải giả vờ thẹn thò những va quệt, những bông phèng cợt nhả vô lối của đám nhậu. Thèm khát biết bao nắng gió mênh mông giữa đồng lúa mới ngập đòng đã lên hương mùa gặt. Nhớ cái Na, cái Chuyền, cái Báu chiều nhập nhoạng cởi xống áo tắm sông. Lắm lúc muốn bước ngang xéo dọc một bước đến quê, sẵn sàng bỏ lại tất cả. Nhưng rồi sự tình đã có gì để mà bỏ lại? Có đấy - Gương mặt mẹ đẫm mồ hôi, đôi tay mẹ run run khi nhận 5 triệu đồng từ tay dì Khuyên trao cho. Sau vài phút choáng váng mẹ tỉnh ra “tôi ứng trước 10 tháng lương của cháu. Nó còn gì để tiêu pha (!?)”, dì Khuyên gạt phắt “Chị khỏi lo, đó là lương cứng. Với lại đời nào em để cho cháu nó túng bấn bao giờ”.Cùng bưng bê với tôi có chị Tảo. Chị làm cho “Tình Biển” đã hơn 2 năm nay. Chị Tảo cao to, tóc ốp ôm khuôn mặt tròn lúc nào cũng bự phấn. Ngày đầu chị dằn mặt tôi “ở đây phận ai nấy lo, thân ai nấy biết”. Tôi cúi đầu lý nhí “dạ”. Chị nhìn như rạch dọc cắt khúc tôi ra. Bà chủ có vẻ quý chị. Có lẽ nhờ chị mà “Tình Biển” trở nên nổi tiếng. Khách tròng ghẹo ư - chuyện vặt. Nói tục ư - chị còn nói quá lên thô bẩn ghê gớm. Khách các bàn đua nhau mời chị uống bia - Uống. Chị uống bia như uống nước lã. Có chị, thức ăn được gọi ra chật kín bàn. Một hôm người ta thách chị tắm bia, tắm tại trận. Chị cởi ngay hàng cúc, banh tà áo ra, cả nửa thân hình lồ lộ “nào, đem bồn tắm ra đây, đổ bia vào”. Tiếng la hét, tiếng cười nổi lên ầm ầm. Bên thách đố đã không dám nhưng bia thì được gọi ra tới tấp. Chị Tảo chỉ bưng bê với tôi ban ngày. Chập tối chị trang điểm lại và chờ “Giọt Mưa” gọi. Váy ngắn, áo hai dây lồ lộ núi non vực thẳm”, lồ lộ những “đường viền chân trời”. Chị nói “Trời sinh ra tao để giết đàn ông”.Nhà hàng “Tình Biển” đối diện với quán cà phê “Giọt Mưa”. Bên này bên kia cách nhau một dải đất vài chục bước chân lổn nhổn đá sỏi. Tôi được một bà cụ ở cùng dãy phố cho hay “ở đây hầu hết nhà hàng nào cũng đều là nhà “chứa gái”. Phân phối gái thuộc quyền “Giọt Mưa”, “Giọt mưa” có cả một mạng lưới tiếp thị, môi giới cực kỳ giỏi giang nên việc ở “Giọt Mưa” không những không thiếu mà còn thường xuyên quá tải. Chị Tảo đêm nào cũng đi, có bữa mãi sáng hôm sau mới về. Nhìn chị ngủ không son phấn, trong tôi cuộn lên nỗi xót xa - da xám ngoét, sần sùi, mặt lộ rõ những quầng nâu nám. Chị ngủ mà miệng luôn nhóp nhép, mắt giần giật, những ngón chân luôn rọ rạy một cách bất an. Và rồi khuya ấy tôi đang vùi vào giấc ngủ mê mệt sau một ngày “chạy bộ” rã rời - bỗng tôi nghe đánh rầm, có vật gì dằn mạnh vào cánh tay trái đau điếng. Tôi chồm dậy, hét lên sợ hãi.- Hạnh ơi, chị đây mà, cứu chị với-Chị Tảo rên rỉ.Và trời ạ, người chị bốc lên một thứ mùi tôi chưa từng thấy bao giờ. Phấn son trộn mồ hôi hôi, khét. Mùi bia chua lợm thiu ưởi. Mùi người tanh bợn. Tôi vội vàng bật công tắc điện cũng là lúc chị nhoài ra mé giường sấp mặt nôn xối xả. Tôi bấn loạn, không biết nên bắt đầu việc gì. Chị Tảo huơ huơ cánh tay, tôi đỡ chị vật ra gối, chị lại nhoài ra nôn thốc tháo dữ dội hơn… tôi xách nước hùng hục lau nhà đến vài chục xô mới tạm ổn. Chị Tảo thều thào.- Lại đây chị bảo. Em cởi hết chị ra. Xoa dầu hộ.Tôi đau đớn mím môi làm theo lời chị. Trước mắt tôi là thân thể người đàn bà bị vò xé không thương tiếc. Hai núm vú sưng tấy đang ri rỉ máu, hai cánh tay, vùng ngực, vùng bụng, hai đùi chằng chịt vết cào xước, loang lổ tím bầm, ngổn ngang những vết cắn còn nguyên dấu răng. Hình ảnh những cây phi lao không bình yên từng ám ảnh tôi giờ đang vận vào đây ư (!?). Và trời ạ, tôi rùng mình suýt kêu lên thành tiếng – nơi “ngã ba” của chị là một bãi nhớp nháp, nhầy nhụa. Tôi khóc. Nước mắt tôi mặn chát giọt xuống làm chị khẽ oằn người.- Làm sao mà ra nông nỗi này-chị ơi!Chị Tảo nuốt khan, thều thào.- Ba thằng đưa trước cho chị một triệu tiền “bo”, với điều kiện phải cho chúng “chơi dàn” không ngờ chúng dùng chị để trả thù đời.Chị nấc lên nghẹn ngào. Càng cố nén nước mắt chị càng trào ra ướt đầm vạt gối. Tôi lấy mảnh chăn mỏng đắp lên người chị, lấy chai nước rót ra cốc.- Chị uống đi để em làm bát mỳ ăn tạm, nôn hết rồi còn gì.Uống cạn cốc nước chị nghẹo đầu sang bên mắt nhắm nghiền.- Đừng, chị không ăn được.Vất vả xoay xở mãi tôi mới mặc xong quần áo cho chị. Chị cầm tay tôi.- Phải thoát khỏi đây thôi em ạ.- Dạ, chị không thể làm cái nghề khốn khổ này mãi được.- Cả em nữa.- Em thì không bao giờ!- Em vào tròng của chúng rồi mà không biết.- Là sao ạ?- Em đào đâu ra 5 triệu để trả.- Họ trừ em 10 tháng lương.- Chúng sắp đòi nay mai đấy. Chị cũng bị chúng lừa kiểu ấy, rồi dồn vào bước đường cùng. Khi đã sa chân chẳng còn gì để mất.- Chúng dồn thế nào chị?- Đòi lại tiền gấp. Đe dọa. Thúc ép. Phỉnh phờ. Bao vây.- Sao chị không nói với em từ đầu?- Từ đầu không có ý định ấy.- Giờ chị định thoát bằng cách nào?- Người của chúng theo sát từng bước, rất khó nhưng nhất định sẽ có cách.Gần sáng chị Tảo lên cơn sốt, người nóng hầm hập. Tôi cuống cuồng lôi hết quần áo tấp lên người chị nhưng vẫn rét rung giường. Hé cửa sổ nhìn sang bên kia, “Giọt Mưa” vẫn sáng đèn nhưng tịnh không có một bóng người. Im ắng quá. Chỉ có biển mỗi lúc mỗi cồn cào vây bủa và gió phi lao rít lên từng đợt réo sóng. Tôi tung cửa, quáng quàng lên tầng gọi bà chủ. Vừa lên nửa cầu thang thì bị tiếng quát chặn ngang mặt.- Việc gì mà nhặng lên thế?- Dạ, chị Tảo, chị Tảo ốm nặng ạ!Một tiếng “hự” phát ra từ miệng bà chủ.- Vẽ chuyện. Để xem nào.Chị Tảo bắt đầu mê sảng, lảm nhảm câu nọ xọ câu kia, mặt đỏ như nhuộm phẩm. Vậy mà mãi đến non trưa, sau khi cậy miệng chị Tảo đổ thuốc gì không đỡ, bà chủ mới gọi taxi đem chị đi viện. Tôi mếu máo vơ vội mớ quần áo của hai chị em vào túi định đi theo thì bị bà chủ ngăn lại.- Đã có người lo. Không khiến!-Không. Em phải đi.- Bảo có nghe không - Bà chủ quát.Gã đầu trọc như mọc từ đất lên. Đôi mắt xếch của hắn toàn những lòng trắng.- Đi vào!Gã nạt tôi bằng cái giọng nạt chó.Từ hôm chị Tảo đi viện, mình tôi chạy bàn mệt muốn đứt hơi. Đã thế lại thêm lo lắng, uất ức làm tôi gầy sụp hẳn. Tình cờ trông thấy bóng dì Khuyên đi vào “Giọt Mưa”, tôi bỏ mặc đám khách nhậu băng sang.- Dì Khuyên, dì nói đi.- Ơ, cái con này, nói gì?- Dì lừa cháu!- Dì lừa cháu? Lừa cái gì? Lừa bao giờ?- Dì đưa mẹ cháu 5 triệu để đẩy cháu vào tròng?- Đưa mẹ mày 5 triệu để đẩy mày vào tròng? Tròng nào?- Dì đừng có mà giả vờ.- Khốn nạn chưa. Làm phúc xúc phải tội.- Cháu về ngay hôm nay, dì gặp mẹ mà lấy lại tiền.- Khổ quá, nhưng mà dì lừa cái gì?- Lừa vào tròng, buộc phải vào tròng như chị Tảo.Chủ quán cà phê “Giọt Mưa”, một lão già mặt choắt, râu chuột nãy giờ gật gù tủm tỉm lên tiếng.- Dì cháu “các ông” buồn cười. Có thế mà cũng cãi nhau. Là người đứng giữa tôi nói với cô Hạnh thế này. Ấy là Tảo nó tự nguyện không ai ép buộc cả. Cô ấy cho rằng thì là cũng một nghề làm ăn.- Cháu thấy chưa. Cứ yên tâm làm đủ 10 tháng, xong nợ cháu muốn về cứ về.Dì Khuyên vừa nói vừa lùi ra phía cửa rồi quay ngoắt, mất hút. “Đầu trọc” đã chờ dì bên ngoài từ bao giờ.Từ đấy dì Khuyên biệt tăm tích. Chị Tảo nghe ra bệnh tình ngày càng nặng. “Tình Biển” đã gọi được người nhà của chị mãi tận Thái Bình lên chăm sóc. Người ta đã rũ bỏ, đã phủi chị như phủi hạt bụi. Còn tôi, tôi bơ vơ lạc lõng giữa phổ biển ồn ào - lúc nào cũng ồn ào bởi rằng phố biển. Tôi cô đơn giữa vòng vây của “Giọt Mưa” đang mỗi lúc một thít chặt…