(Hình: Thung lũng tình yêu) Một buổi sáng mùa Thu năm một ngàn chín trăm sáu mươi hai, chiếc tàu suốt rời Trại Mát, Đà Lạt, trở về Quảng Ngãi của miền Trung sỏi đá. Búm dụi đôi mắt, nhìn những sợi sương mù bay nghiêng nghiêng giữa rừng thông mà lòng hối tiếc cho chuỗi ngày ngắn ngủi trôi qua. Tiếng còi tàu rít lên hồi dài báo hiệu giờ khởi hành đã đến. Những cụm khói trắng thổi vào không gian trầm lặng của thành phố cao nguyên, rồi con tàu từ từ chuyển mình hướng về khu rừng rậm, bỏ lại sau lưng ánh mắt của một người, và tia nắng mùa Thu vương trên màu vàng nhạt của lá rừng. Búm sinh ra trong một ngôi làng dưới chân núi Vàng. Khi vừa lớn lên, biết nét đẹp của quê hương cũng là lúc Búm rời xa quê hương. Quê của Búm có cánh đồng chạy dài dưới chân núi, rồi đến ngôi làng chạy dọc theo cánh đồng, và tựa lưng trên giòng Vệ giang xanh biếc. Hôm nay, ngày đầu mùa Thu, Búm nhớ lại những mùa Thu trên quê nhà, những mùa Thu không bao giờ rõ rệt. Chỉ có cơn gió, cơn gió lành lạnh của tháng Chín là dấu hiệu mùa Thu trở lại trên quê hương. Quê hương Búm rất hùng vĩ, và lúc nào nàng cũng thấy quê hương mình đẹp nhất, vì nơi đó nàng đã sinh ra và lớn lên, chỉ đơn giản vậy thôi. Mà không hùng vĩ sao được! quê hương Búm có thiếu gì đâu! Núi cao, rừng sâu, có cánh đồng bao la với giòng sông chảy êm ả sau làng. Quê Búm có lũy tre xanh bên bờ sông. Những buổi chiều gió thổi rì rào đẩy đưa những cành tre cọ vào nhau tạo nên tiếng kêu xào xạc bên giòng nước. Có những buổi chiều nắng vàng trải nhẹ trên bờ sông, Búm cùng những đứa em ngây thơ nô đùa trên bãi cát bên cạnh những con trâu đang trầm mình dưới nước. Và tiếng reo của bờ xe nước vẫn chuyên chở con nước thanh bình trên quê hương cho ruộng đồng. Nhưng thời thanh bình ấy chỉ đến với quê hương Búm trong một buổi bình minh nắng ấm, rồi vội vàng ra đi khi tia nắng hoàng hôn vẫn còn vương trên lũy tre làng. Ngày ấy, nhừng năm đầu thập niên sáu mươi, đất nước vẫn còn chút thanh bình, chính quyền lập nên chương trình di dân lập nghiệp để giúp những người dân nghèo có cơ hội tạo dựng cuộc sống mới và cũng để phát triển đất nước. Một số những người dân nghèo nơi xứ Quảng hưởng ứng chương trình di dân dinh điền, và hầu hết họ được đưa về lập nghiệp ở Trại Mát. Cha mẹ Búm là những người có ruộng đất, nên không muốn tình nguyện đi di dân. Trong số những người đi di dân có cả những người trẻ tuổi, mới lập gia đình. Có những người muốn tìm nguồng sống mới và muốn tách rời cuộc sống với miền đất cày lên sỏi đá này. Họ là những người tình nguyện vào chương trình di dân dinh điền. Những đợt di dân dinh điền được tổ chức ra đi từng lớp. Ngày đó, ngôi làng Búm có năm, mười gia đình hớn hở bồng bế con cái, giả từ nơi chôn nhau cắt rún để xuôi Nam. Nhà cửa bán cho người ở lại hoặc bỏ trống, còn những gì mang theo được thì họ mang theo. Những buổi sáng di dân người ta thấy lỉnh kỉnh nào là gà, vịt, heo, chó, mèo, v.v. những thứ gia cầm, ra xếp hàng trên con đường làng để được đưa vào Trại Mát. Có những người đã sống trên quê hương làng mạc này hơn nửa đời người, nay phải ra đi nên trong ánh mắt họ đượm một nét buồn. Nhưng những đứa trẻ thì rất vui và hồn nhiên, có lẽ ngày mai chúng sẽ được nhìn thấy chân trời mới, với một chút gì khác lạ hơn mảnh đất cằn cỏi này. Sau những giây phút giã từ bà con lối xóm, những người di dân gạt nước mắt chia ly để lo đưa gia đình lên đường. Con đường làng mỗi ngày im lìm nằm phơi mình dưới hàng tre phủ rợp, hôm nay con đường làng trở nên nhộn nhịp. Xóm nhà ông Ngoạt thợ xe, trước nhà anh Năm Túy, xóm ghe nhà cô Cân người người lớn bé hớn hở như ngày hội. Người ta mang ra đủ thứ giỏ, nừng, quảy, gánh, chứa đầy những vật dụng và gà vịt kêu ríu rít. Rồi từng nhóm họ xếp hàng trên con đường làng. Kẻ ra đi trong lòng hớn hở, người ở lại cũng một chút gì luyến tiếc. Giờ chia tay cũng đến, những người ra đi vai gánh, gồng, bồng bế con thơ kéo nhau về sân ga. Trong giây phút những tiếng reo hò ríu rít cũng tan biến. Đoàn người đã ra đi. Và con đường làng lại im lìm nằm co mình bên lũy tre làng lặng gió. Một năm sau ngày đi di dân, người cô Búm trở về thăm xóm làng. Với khuôn mặt hớn hở và niềm vui trên đường lập nghiệp, người cô xin cha mẹ Búm cho nàng vào Trại Mát để làm việc và ăn học. Búm vui mừng được cha mẹ cho theo người cô vào sống trên vùng cao nguyên sương mù. Mấy năm xa vắng, hôm nay Búm đã là một thiếu nữ cập kê tuổi lấy chồng. Vì lo cho tương lai của con, trong một ngày đầu Thu, cha Búm rời quê nhà để vào Trại Mát. - Con nay đã lớn và cũng gần đến tuổi lập gia đình, nên cha me muốn con trở về quê. - Ở đây lập gia đình cũng được mà cha. - Không được đâu con, mình về quê mình có làng có xóm nương tựa nhau. Ở đây cha có biết ai đâu mà làm suôi. - Nhưng con đang làm việc ở đây, con chưa muốn về đâu. - Chuyện lập gia đình là chuyện trăm năm, con hãy thu xếp hành lý đi, đừng cãi cha nữa. - Cha me ép con mai này con không hạnh phúc cha me tính sao. - Ừ, thì để sau này cha tính cho, bây giờ thì phải đi về. Một nỗi buồn không tên hiện lên nét mặt Búm, nàng vội vàng nhồi nhét những hành lý vào chiếc va-ly nhỏ rồi ra cánh đồng rau quả tìm Dĩnh. Con đường ngắn ngủi mà sao nàng đi hoài không đến! Cũng trên thung lũng này hằng ngày Búm vẫn lội bộ ra cánh đồng rau quả lấy rau về bán trong tiệm người cô. Có những buổi sáng, sương mai bay là đà trên khắp cánh đồng tạo nên những lớp sương mù cuộn tròn, vỡn vờ trên những luống rau xanh, như đôi tình nhân đang âu yếm. Đất Trại Mát thường chạy dài trên những cánh đồi nghiêng dốc, người canh tác phải bang đất ra bằng phẳng, giực bờ giữa miếng đất cao và thấp nên nhìn vào cánh đồng rau quả như những bực thang tam cấp. Và những nấc thang là bờ đất sét đỏ, len lỏi giữa những đám rau xanh biếc, tô đậm cánh đồng như một bức tranh sơn dầu thiên nhiên, sống động. Hôm nay Búm lê những bước chân lạc lỏng, giữa cánh đồng rau quả xanh tươi đầy nhựa sống. - Búm đi đâu ở đây giờ này? - Đi tìm Dĩnh chứ đi đâu. - Có gì mà đi tìm Dĩnh? - Ngày mai Búm đi rồi. - Đừng giởn nhột nha, đi đâu mà đi. - Búm nói thiệt đó, sợ ngày mai không còn gặp nữa nên Búm ra đây gặp Dĩnh. - Búm không đùa hả. Mà Búm đi đâu chứ, sao tự nhiên lại bỏ đi? - Lên đây Búm nói cho nghe. Những buổi trưa chiều nắng cháy, hằng người bên những luống rau đã biến nước da của Dĩnh thành màu đen sậm. Mái tóc húi nhẳn nhụa, cái đầu trần làm rõ vần trán cao, và cái mũi quẹo một bên của Dĩnh với những vệt bùn đen sì, nhìn thấy mà bắc cười. Dĩnh vội bỏ ngang công việc trên cánh đồng, bước chân theo Búm lên bờ đê. - Nói lẹ nghe đi, Búm đi đâu? - Dĩnh chở em đến thung lũng Tình Yêu đi. - Trời ơi! Bụng Dĩnh đang đánh bài cào đây nè, Búm nói ở đây đi. - Thì Dĩnh ở đó đánh bài cào đi, Búm đi về cho coi. - Đi thì đi. Hình như trời sinh Búm ra để hành hạ người ta thì phải. - Con trai gì mà lẽo đẽo như đàn bà con gái vậy, trù ẻo gì Búm đó. - Ngồi lên. Trên chiếc xe đạp cọc cạch Dĩnh đèo Búm phía sau và len lỏi qua từng cánh đồi đến Thung Lũng Tình Yêu. Những cánh đồi nghiêng nghiêng chạy xuyên qua những rừng dương liễu, và tiếng gió cao nguyên thổi rì rào qua những cành dương tạo thành một thứ âm thanh vi vu. Mùa Thu Đà Lạt mang về hơi lạnh và khoát lên vùng cao nguyên một lớp áo sương mù chập chờn của thành phố mộng mơ. - Đến Thung Lũng Tình Yêu rồi đó, Búm nói đi. - Thung lũng gì mà nằm giữa núi đồi trụi lủi như vầy mà gọi là yêu với thương. - Thì cái tên gọi thôi mà. Bộ chưa đến đây lần nào sao nói vậy? - Nếu đến rồi thì nhờ anh chở đến đây làm chi. Lấy tay ra. - … - Tại sao tự nhiên lại bỏ đi? - Tự nhiên hồi nào. Thấy hai con vịt lội dưới ao kia hong? - Giống hai đứa quá hén. - Nhở con vịt mái đi rồi con kia làm sao đây. - Kêu cặp cặp đi tìm con mái đá. - Lấy tay ra. Còn lại một mình sao kêu cặp cặp. - Nhưng ngày mai Búm đi đâu? - Về quê. - Sao phải về? - Cha biểu về. - Xin cha ở lại đây được hong? - Ông già bỏ công việc cày cấy ngoài đó vô đây đem về mà nói xin là xin cái nỗi gì, trời. - Vậy không còn gặp nữa sao? - Ai biết, thì bây giờ coi như xa nhau đi, mai nầy hãy tính. Thôi chở em về đi. Dĩnh đưa mắt nhìn bên bờ thung lũng Tình Yêu, những cặp tình nhân ngồi quấn quít bên nhau, những tiếng cười rúc rích rồi hai mái đầu lại chụm vào nhau. Dĩnh vội chạy vào bụi rậm bên đồi, quay lại gọi: - Búm vào đây. - Chi vậy? - Vào đây đi. Búm vạch những lùm cây chun vào. - Rồi, Dĩnh làm gì trong này. Dĩnh vội gắng cành hoa sim lên mái tóc Búm, và nói: - Cho hun miếng. - Dĩnh kỳ quá hà, Búm nói khi nào Búm 18 tuổi mới làm chuyện đó mà! Dĩnh đứng tần ngần nhìn Búm một hồi rồi nắm chặt bàn tay lại: - Mười sáu, mười bảy, mười tám. Vừa nói Dĩnh vừa đưa ra từng ngón tay. Được, nhất định như vậy nghen. Ba năm nữa Búm cho Dĩnh hun miếng nghen. Chiếc tàu suốt chạy chầm chậm vào cánh rừng rậm, mang theo hình bóng của Búm, thỉnh thoảng hú lên từng hồi còi dài ảo não, như vẫn con lưu luyến một chút gì ở Trại Mát. Đồng Sa Băng. Trích trong “Chuyện Tình Thời Chinh Chiến”