Hắn với tôi mặc dù chẳng có chút tình máu mủ, song một thời ai cũng nghĩ chúng tôi là anh em. Hắn thì bạt mạng, lại liều lĩnh; còn tôi thì nhát như cáy, nên đi đâu hắn cũng lôi tôi theo và có đám nào cà khịa là hắn bênh tôi đến nơi đến chốn.Sự thể hai đứa keo sơn tựa ruột thịt với nhau như vậy là vì gia đình hắn hồi đó thuê nhà tôi. Thấy tôi lớn tuổi nên mẹ hắn đi đâu cũng nhắn nhe tôi “ em nó dại, anh bảo ban nó cho thím. Tánh nó nóng nảy, lấc cấc, hay gây gổ đánh nhau, anh liệu can bớt nó nhé.Tôi vâng vâng dạ dạ cho các bậc sinh thành vui lòng, nhưng vắng mặt các cụ là hai chúng tôi cứ mày tao chi tớ suốt. Trong các tật của bạn, tội xấu nhất là hắn bặp được đám gái nào thì một hai theo không nhả. Dẫu đến khi, hắn sắp chọn cái cô yêu đương sau cùng làm vợ mà hắn còn chưa bỏ cái tánh tầm xàm. Hắn hay nhờ vả tôi làm một thứ “ chim xanh “ để đưa thư hay tặng quà cho đám nhỏ bạn hắn.Tôi càm ràm thiếu điều khật khùng, nhưng hắn dỗ ngon dỗ ngọt thét, tôi cũng xiêu. Tôi lóp ngóp ôm mớ quà của hắn đến đợi ở gốc đa trước bệnh viên Nguyễn Văn Học, kế bên dinh Tỉnh Trưởng Gia Định để hăm hở đón con nhỏ lạ hoắc tôi chưa hề biết mặt. Vậy mà rồi mọi việc cũng xong, cô nhỏ xăm xăm tới hỏi tên tôi rồi nhanh nhảu nhận gói quà của hắn. Để tỏ lời cám ơn tôi, cô nhỏ mở bung gói giấy ra để tôi thấy món quà là đôi guốc sơn đỏ chói. Cô ả có vẻ mừng, gởi tôi chuyển lời cám ơn hắn rối rít.Thậm chí cái cô mà hắn cưới làm vợ bây giờ cũng do tôi có dự phần vào mới chết. Hồi đó, thấy hắn lóc chóc, bạ đâu cũng thề sống thề chết yêu đương, tôi đã can: mày thương gì bất tử, làm con gái người ta chờ đợi, tội nghiệp. Có lần, tôi bực hắn phải nói nặng: mày làm đĩ chín phương cũng phải dành một phương để lấy chồng chớ. Vậy mà hắn chẳng giận, chỉ lình xình cười.Bởi không tin tưởng gì hắn nên khi hắn van nài tôi cất công lên tận Thủ Dầu Một để góp lời cho hắn cặp cô ấy, tôi lừng khừng đâu chịu. Hắn phải thề sống thề chết là kỳ đó hắn yêu thiệt sự tới nơi và nếu tôi không giúp cho cô ấy tin tưởng thì nó chết mất. Hắn phải nói đi nói lại, ca cẩm năm lần bảy lượt, tôi mới chịu ưng.Chuyện này trải qua thời gian tôi quên béng đi, song chị vợ hắn thì vẫn luôn ghi nhớ trong đầu. Thỉnh thoảng hắn giở giói xàng xê tầm bậy gì là chị vẫn gọi “ mắng vốn” tôi mới chết. Đàn bà mà buộc tội thì chứng cớ tùm lum, nói năng có sách, tôi muốn điên cái đầu. Bao giờ chị cũng khơi mào bằng câu “ hồi này ảnh hư lắm…” Tôi chưa kịp chống chế thì chị đã phang luôn: hồi đó cũng tại anh nói vô hay quá nên tui mới kết ổng, ai dè lớn đầu mà tật mê gái vẫn còn. Còn bản mặt hắn tỉnh queo, cứ hề hề cười trừ. Hồi Saigon bắt lính búa xua, hai thằng rủ nhau đi lính. Tụi tôi đến làm đơn tại trại Trần Hưng Đạo, sau này là bộ Tổng Tham Mưu, và được nhận sau khi qua một cuộc thi văn hóa nho nhỏ. Hai thằng nhập trại, nằm gần nhau, nhưng khám bệnh tôi rớt, hắn ở lại.Hắn theo đơn vị đi khắp nơi, suốt từ Miên sang Lào, thời gian dài không tin tức. Rồi đùng cái hắn đổi về Cao Lãnh với cái chức sĩ quan truyền tin. Vợ chồng hắn một hai rủ tôi xuống miệt quê ở đồng bằng Cửu Long cho biết. Tôi ừ hử mà không nói nhận hay chối từ. Sở dĩ tôi lừng khừng là vì vẫn rét gặp bà xã hắn để bị mè nheo kể tội hắn điếc con ráy.Hắn chờ hoài không được nên gởi thơ trách om. Ngôn từ lính tráng nghe mà nặng trịch. Hắn thiếu điều chửi thề, tuy nhiên lại cẩn thận gởi cho cái “ măng đa” tiền xe để tôi không thể từ chối.Thế là một sớm mùa thu, tôi ung dung leo lên chuyến xe Huê Mỹ để đi Kiến Phong. Lâu lâu có dịp đi khỏi thành phố nên ngồi xe nôn nôn trong lòng.Lúc xe chạy men theo con rạch bên đường, lướt qua những cánh đồng lúa rộng mút mắt, tôi vui vui. Trên xe mấy bà nói oang oang đủ thứ chuyện. Bỗng tôi thấy xa xa giữa đồng lá cờ giải phóng tung bay theo gió. Tôi sùng sùng nói không giữ ý: làm thì không dám làm, trương cờ giữa đồng để dân khốn khổ. Nói xong, tôi mới thấy mình bạo miệng, mấy bà trong xe ngó lăm lăm. Có bà thì khuyên: đường còn xa, có thể gian nan, chú nói hổng sợ sao. Rủi mấy ổng ra chặn đường, rồi có ai mét lại lời chú, họ bắt đi, chết một cửa tứ. Vậy rồi xe cũng đến nơi, sau khi mấy lần qua phà và bon bon trên đường dài sốt cả ruột. Thị xã Cao Lãnh nhỏ chút xíu, phố xá chỉ nằm một bên đường, còn một bên là con rạch men dài theo con lộ. Xe chưa vô bến đã nghe xịch xịch tiếng nhà máy đèn nổ đều đều và nhả khói đen um lên bầu trời. Tài xế lái về tới chỗ an toàn nên bóp kèn tỏ vẻ mừng, bọn nhóc từ các căn nhà gần đó túa ra reo hò và khua tay loạn xạ.Chốn quê có nhiều đặc tính đáng yêu, làm như mỗi chuyến xe đến bến đều mang theo một chút gì đó ấm áp tới với họ vậy. Chuyện đó cũng đúng thôi vì mỗi ngày chỉ có một chuyến xe đi và một chuyến xe về. Dân miệt quê chờ đón để có tờ báo đọc, món hàng mình gởi và các bạn hàng buôn cũng ngong ngóng để chờ thứ mình đặt được chở tới hầu bán cho khách dặn mua.Xe lướt qua dãy nhà lụp xụp, cửa nẻo mở thông thống, đủ thứ nghề linh tinh: chành lúa, tiệm bán đồ sành, một vài quán ăn, quán cà phê, nhà dân và chấm dứt bằng một cái cầu xi măng ngắn tũn ở cuối đường. Bên phía rạch, ghe bầu đậu lung tung, những bao gạo đang được vác lên qua tấm ván bắc nhún để đem nạp cho chành. Thằng ông nội đi làm chưa về, bà xã hắn đón tôi chưa gì đã hăm he: ờ anh xuống tới rồi, để ổng dìa rồi tui kể tội ổng cho anh nghe. Tôi nghe mà ớn xương sống như chính tôi sắp bị đưa ra trước vành móng ngựa vậy. Tôi phải can gián bớt: ối miệng nó tào lao vậy, chớ hổng có gì đâu. Giờ gia đình chị con cái tùm lum, nó hổng dám lăng xăng như hồi đó đâu, chị đừng lo.Tôi nói chữ “ hồi đó “ để có vẻ xa xa và lâu lâu một chút, chớ tôi khó lượng định được thời gian rõ rệt thằng ông nội bạn tôi bắt đầu tử tế từ khi nào. Nào dè, bà vợ hắn càng nổi sung hơn: mấy anh cùng một giuộc, binh nhau, tui biết mà. Rồi chị giận dỗi đi te te ra phía sau. Mấy nhóc con chị rụt rè nhìn tôi lấm lét. Đợi chị càm ràm đi khuất, con nhỏ lớn men tới cạnh bên nhỏ nhẻ: tánh má con vậy, bác đừng buồn. Tôi cười cười cho nó yên lòng.Còn lâu thằng bạn mới về, tôi lẳng lặng bỏ đi thăm phố xá. Gọi là phố, nhưng chỉ là một dãy chừng vài trăm căn nhà tuềnh toàng, cất đồng một kiểu, che tôn lưng lửng và mái lợp tranh hay ngói, cửa nẻo hầu như không có, để mở toang, ở đó người dân vừa dùng làm nơi sinh hoạt buôn bán và vừa làm chỗ ở luôn. Riêng cái quán cà phê tương đối còn được chưng dọn kín đáo hơn để tạo sự ấm cúng, từ đó tiếng nhạc máy đang nhè nhẹ lan ra một bài nhạc lính. Trời đã chiều rồi nên quán bắt đầu nhộn nhịp, dường như hầu hết dân quanh vùng tập trung về đây, bởi chẳng còn món tiêu khiển nào khác. Tôi còn đang ngơ ngác thì tiếng thằng bạn đã gọi, nó cũng đang là một thượng đế của quán. Cái thằng tan việc không lo về, còn làng xàng ở quán hèn gì bà xã nó cằn nhằn cửi nhửi. Hắn đang đấu láo với mấy ông bạn cũng chung binh đội với hắn.Hắn chạy ra lôi tôi vào, giới thiệu lăng xăng, rồi chưa kịp hỏi han, hắn đã kêu: thêm một cái xây chừng nữa đi, cưng. Lối nói cà rỡn của hắn không thay đổi, con gái nào cũng là “ cưng “ của hắn hết, nên bà xã cứ ghen lồng, ghen lộn cũng phải. Tôi định sửa sai nó, nhưng trước mặt mấy tay lính, tôi không rõ cha nào là bạn, tía nào là thuộc cấp của hắn nên bỏ lơ.Tôi đem chuyện lá cờ ra kể làm quà. Mấy tay lính lơ đãng nghe. Tôi không chịu thua, hạch hắn: mày lính tráng mà để mấy chả giăng cờ tứ tung thì dân nào còn tin tưởng chính nghĩa nữa. Hắn lăm lăm nhìn tôi, như lượng đoán xem tôi nói có ý gì, rồi hắn tủm tỉm dèm một câu: bộ mày tưởng dễ ăn lắm sao. Chính quyền mình thì lu bu ở những thị tứ lớn, còn ban đêm thì khoán trắng cho mấy cái đồn hay đơn vị tụi tao. Ngày nào cũng đụng đầu thét coi như cơm bữa, Mấy tay “ ve chai “ cũng hổng mạnh gì đâu, nếu đủ gân thì chúng đã úp tụi tao trọn gói rồi. Chỉ tội là người dân một cổ đôi tròng, ngày là quốc gia, đêm là cộng sản, họ tay không nên chẳng cựa quậy gì nổi. Thậm chí còn đào hầm che dấu mấy chả nữa.Tôi thao láo mắt nhìn. Hắn như được trớn nói thêm: nhà nào ở vùng quê cũng gặp thảm cảnh là có thằng con này đi lính, thằng con khác làm du kích, bà mẹ nào cũng đau lòng chỉ sợ có ngày hai đứa đoàng lẫn nhau. Có thứ chiến tranh nào kỳ cục vậy đâu, nhưng lâu thành quen rồi. Và hắn cười hề hề, tay khua loạn xạ: dẹp, dẹp, bỏ chuyện đó đi, mày ngồi xuống đây. Tôi quậy ly cà phê đen mới đem ra, nhìn vào thấy đen thui như cuộc đời của đất nước. Nó thấy tôi quậy dữ dội nên hỏi nhỏ: mày bực tao hả, mày tìm gì ở trỏng mà quậy rào rạo. Tự dưng tôi nói một câu triết lý dổm: tao đang tìm cái thân phận của dân mình. Và chanh chua thêm vô: cả thân phận mày, thân phận tao, bây giờ và sắp tới.Bản nhạc đang văng vẳng là một ca khúc phản chiến, trong đó nấc lên lời “ người chết hai lần, đàn bò vào thành phố, người phu quét đường dừng chổi lắng nghe…” Tôi bỗng mệt ngang. Ví lịch sự tôi ngồi uống, nhưng tâm tư thì chỉ muốn đứng lên.Cao Lãnh quá nhỏ, nên đang bù khú với đám lính thì có người đến vỗ vai tôi. Nhìn lên, tôi ngạc nhiên khi nhận ra đó là Hải. Những chập chờn của dĩ vãng đưa võng trước mặt tôi, cả người ấy cả tôi đều ồ lên một lượt: ủa mày xuống đây hồi nào. Hải giờ là công an, cái nghề nối tiếp từ đời cha ông, còn tôi cho biết là chỉ xuống thăm bạn. Tôi giới thiệu hai người và kèo Hải ngồi chung, nhưng hắn hẹn bữa khác vì đang có bạn.Thằng bạn hỏi tôi về Hải. Tôi vắn tắt kể thời Hải và tôi cùng học chung ở Dakao nên ngày ngày đi về với nhau quen. Tôi cũng không quên kể những lần Hải rủ tôi vô bót công an ở góc Nguyễn Du và Tự Do Saigon để bỉết nhà, nhưng tôi đều từ chối vì vô ra nơi giam giữ và điều tra người, tôi ớn quá.Chúng tôi uống cà phê xong thì chia tay, mấy tay lính đi một ngả, thằng bạn dẫn tôi đi một ngả. Hai đứa lững thững qua dãy phố, giữa tiếng lao xao từ các ghe ở rach vẳng lên. Con đường lộ trải đá xanh nhưng không rải nhựa nên các đầu gai nhọn trồi nhấp nhô khiến bước đi thôn thốn dưới gan bàn chưn. Tôi nói ý kiến của bà xã hắn, thằng bạn chống chế mạnh mẽ. Tôi buộc trịt hắn: có lửa mới có khói, mày yên vị gia đình rồi, đừng quậy nữa cho gia đình hạnh phúc. Đừng để đến lúc tức nước vỡ bờ, hốt lại hổng kịp đâu.Hắn lẳng lặng nghe, song cái môi dẩu ra như diễu cợt. Tôi bắt mệt với thằng cô hồn. Cuối cùng thì hắn cũng phân bua: mày nghĩ ở cái đất khỉ ho cò gáy này còn nước non gì mà quậy hay không. Nhưng đời lính sống nay chết mai, tao mệt mỏi cũng phải để tao nhâm nhi chút cà phê cà pháo chớ. Bả cấm ráo thì tao chết phứt cho rồi. Tôi thông cảm với bạn, nhưng cũng vẫn khắt khe để bạn khỏi thấy có cầu bắc thì ngoi lên: thì sao mày không mua cà phê về nhà pha cùng uống với bả cho dzui. Tôi dẹo miệng nói chữ “ dzui “ cho có ấn tượng. Thằng bạn gãi đầu lia lịa: chời đất, mày cũng dìa phe bả nữa thì tao tiêu rồi.Tiếng xình xịch của máy đèn như những nhát búa gõ ong ong vào trái tim chúng tôi. Cả hai cùng lặng đi vì không khí nặng trình trịch. Bước chân dường như cất không nổi, thằng bạn nói bâng quơ: mày xem con lộ này người ta dự định trải nhựa sau khi lót đá, nhưng mấy năm rồi vẫn lộn nhộn như vầy. Thiện chí người ta có, nhưng duyên khởi thì không, nên mày bước đi mới thấy nhoi nhói dưới chưn. Cuộc đời cũng vậy thôi. Và để chấm dứt ngổn ngang đang xảy ra giữa hai đứa, hắn bảo tôi: thôi ta về.Bà xã hắn đón tụi tôi cười toe toét. Bà khoe um đã nấu xong tộ canh chua và đang chờ cơm nãy giờ. Hoàn toàn chị không còn nét bực mình với chồng nữa, tôi thiệt không hiểu tâm tư chị ra sao. Tôi tưởng những lời chị kể tội hắn với tôi lúc nãy là của ai khác, tôi chợt thoáng vui, chợt thoáng buồn. Cuộc sống vợ chồng phải vậy, chớ còn cứ chấp nê thì sao có thể sống với nhau lâu. Tôi lén nhìn bọn nhóc mà thấy vui cho chúng.Tôi ăn bữa cơm đầu ở gia đình bạn với tâm trạng có cuộc diễn binh đang rần rần trong đầu. Những đội binh hùng dũng lướt qua, đủ màu sắc, đủ quân trường, đủ quân binh chủng, rồi xe tăng, trọng pháo và u u trên đầu là các loại phi cơ bay thả khói màu cờ hay biểu diễn nhảy dù đúng địa điểm đã chỉ định. Vợ chồng thằng bạn hỏi tôi đang nghĩ gì, tôi nói nội dung, cả hai bò lăn ra cười cho là tôi khéo mộng du. Bọn nhóc chẳng hiểu gì khi thấy người lớn nắc nẻ với nhau thì trân ra nhìn không chớp.Tối đó, thằng bạn đòi qua ngủ với tôi, nhưng tôi đuổi hắn hơn đuổi tà. Tôi bảo hắn: mày nằm với bả cho bả vui, đừng xớ rớ với tao mà bả giận thêm. Hắn kèo nài không được nên nghe theo. Chẳng mấy chốc, căn nhà đã chìm vào im lặng. Tiếng xịch xịch của máy đèn cũng ùn ùn tới chín giờ thì lịm dần như người hết hơi và tắt ngúm sau ba lượt chớp nháy báo tin hết giờ hoạt động.Cao Lãnh về khuya. Không có điện mà còn lờ nhờ sáng. Mặt nước ở con rạch khúc xạ hắt lên và tiếng lép nhép của sóng vỗ mạn ghe hoặc những tiếng gì đó của những nhà chủ trên ghe làm tôi lao xao. Phần lạ nhà, phần lan man vì trăm việc linh tinh, tôi không sao chợp mắt được. Đầu óc ám ảnh với chuyện nhà nào nhà ấy để luông tuồng, lỡ có tên bám trụ hay nằm vùng giả dạng dân lành, sống chui rúc dưới ghe, thừa đêm khuya lẻn lên đọp một phát hay lụi cho một dao thì khốn, nhất là nhà của đám lính tráng.Còn thằng bạn tỉnh queo. Dù chuyện xảy lùng bùng tới cỡ nào thì khi nằm xuống là hắn vứt trôi tuột, chỉ loáng sau đã ngáy vung vít. Bởi thế nó mới dễ sống, tôi ghen tị về tánh buông xả của hắn. Còn tôi chả bì được, động vào tí ti gì là ôm ôm ấp ấp lâu dài. Bởi vậy mà tôi ngại lấy vợ, vừa không biết lấy gì sống, vừa sợ rêm đầu khi bị rầy la.Quãng ba giờ sáng, tôi vừa chập choạng ngủ thiếp thì tiếng óc ách mái chèo khua của đám ghe dưới rạch, rồi tiếng máy đuôi tôm Kohler lạch bạch theo chân nhau làm tôi tỉnh queo, tôi vội nhóm dậy ra xem. Ghe thi nhau tách bến, cái chở củi, cái chất lu khạp, cái đầy bao bì lỉnh kỉnh trên sàn. Tiếng người gọi nhau ơi ới, tài công nhịp kèn toe toe, cả khúc rạch nhộn nhịp như ngày hội.Tôi kéo cái ghế lại gần tấm tôn đóng lửng, đặt hai tay lên để nghe cái cạnh sắc đâm chích vào da, tôi dõi theo sinh hoạt của sóng nước lạnh lùng. Tôi tự hỏi đoàn ghe sắp đi về đâu từ hai cửa rạch nơi hai đầu thị xã. Tôi không sao trở vào ngủ lại mà cứ ngồi đó chờ luôn sáng.Màu trời từ đen, chuyển sang xám nhờ nhờ và rõ dần. Nước đã có sắc sáng bạc, lung linh như bức vẽ. Mùi lúa mới ngọt và thơm giăng sực nức, nghe như cốm mới trổ đòng đòng. Cây tạo nét sừng sững quệt cái dáng đậm lên nền không gian, xen giữa tiếng đập cánh của bầy chim đi tìm ăn sớm làm tôi không khỏi bàng hoàng.Buổi sáng Cao Lãnh đủng đỉnh ngập tràn. Con lộ trông cô đơn khủng khiếp. Chỗ bến xe cũng nhộn nhịp theo, thúng mủng, bao bị quăng lên mui nghe rột rột. Tôi thấy vui lây với nét xao động quê mùa. Nhà máy đèn lại lục cục thức dậy, mở máy chạy để cung cấp điện cho các máy xay xát đó đây.Trời càng sáng, khoảng rạch càng trống, người từ những căn nhà túa ra làm vệ sinh, tắm rửa hay giặt giũ trên con rạch. Những hình ảnh lách tách này làm thị xã tỉnh lần, lan rộng ra không dứt. Tôi đứng lên ra dựa vào vách tôn nhìn suốt con lộ lác đác bóng xe ôm và các gánh hàng quà ngược xuôi rao bán.Mãi mới thấy cả nhà thằng bạn thức dậy. Chị vợ mặt tươi rói lẩn quẩn theo bên hắn. Hỏi han tôi ngủ có ngon và lăng xăng hỏi ăn sáng món gì để sửa soạn. Tôi ậm ừ không trả lời. Nhìn bản mặt thằng bạn nhơn nhơn, tôi thấy ghét. Sư anh, lúc nào cũng nhâng nháo phát mệt. Thằng bạn muốn mượn dịp xin phép vợ: mày đến với tụi tao, để lần lượt đãi mày các món đồng quê cho biết. Chưa để chị có ý kiến, hắn đã thao thao kể nào là rắn, nào là rùa, nào là cua, nào là chuột, toàn những thứ gây sát sanh, mang tội đến mãn đời. Tôi nghĩ đến nghiệp chướng oan gia vì loài người ham giết sanh linh kẻ khác làm món ngon bỏ bụng nên phải chịu quả báo dài dài. Chiến tranh và lầm than này phải chăng cũng từ việc giết oan chúng sanh mà dân ta trả hoài không hết.Không rõ hai ông bà hồi hôm vui vẻ với nhau ra sao mà nghe chị biểu hắn: hai anh em đưa nhau ra quán điểm tâm rồi đi làm. Trưa tui lo bát canh mồng tơi ăn cho mát. Trời đất, tính toàn chuyện ăn. Tôi nhân thấy vợ chồng bạn vui nên khôi hài cho có chuyện: chị vỗ béo tui cỡ này chắc trở lại thành phố tui thành con heo nái quá. Thằng bạn thì vội lôi tôi xềnh xệch, kẻo sợ bà vợ đổi ý chăng?Hắn lại đưa tôi vào cái quán chiều qua. Buổi sáng đổi món bán bánh bao, xíu mại, luôn cả á cảo. Hắn ba hoa với cô gái ngồi quầy: anh bạn này xuống đây tìm dzợ, em có ưng thì để ảnh ở lại luôn, em ngồi két, ảnh bưng bàn, mùi hết biết. Tôi đấm người hắn bồm bộp, hắn co quắp người trêu: em ra can ảnh dùm đi, chớ sao ngồi trân trân ra đó. Cô gái háy hắn thiếu điều muốn rớt mấy sợi lông nheo đuôi mắt. Tôi cảu nhảu càu nhàu.Uống xong, hai đứa bước ra vừa lúc chuyến xe đò Huê Mỹ rời bến, hắn quơ quơ tay không rõ là chào tài xế hay chào bà con. Hắn biểu tôi: mày lang thang cho biết Cao Lãnh, còn tao vô đồn, chừng một tiếng tao về. Tôi ừ ào rồi chia tay tìm thăm Hải. Đồn công an cũng chút tẹo, nhưng có vẻ âm u ớn ớn. Hải nhiệt tình đón tôi đưa vào chỗ anh làm việc. Hai đứa kể lể đủ mọi chuyện hồi xưa, từ những bữa rủ nhau ăn trái chùm bao đỡ lòng, đến chuyện đội cặp táp lên đầu nằm thả ngửa theo con mương lề đường tắm dưới mưa cho đã.Hải cũng tạt hỏi chuyện vợ con của tôi, nghe tình trạng tôi còn độc thân, anh khen: ờ ở vậy mà tốt, đùm đề vợ con nhiều khi ể mình. Thì ra cha nội nào có vợ sao cũng rên rẩm vậy. Tôi lờ đi không khơi sâu vào nỗi lòng thòng tâm sự của bạn. Hải rủ tôi lấy xe cơ quan chạy đi săn chơi, nhưng tôi từ chối vì ngại súng đạn và nhứt là te mấy cha “ ve chai “ chặn đường làm bậy. Tôi mới chưn ướt chưn ráo tới đây, nào đã biết an ninh an nót ra sao mà liều sảng.Cao Lãnh quanh đi quẩn lại chỉ có vậy. Cố tìm một bóng giai nhân mà vất vả vô cùng. Đi một đỗi là hết phố, lại bò về ngồi đồng tại cái quán chớ còn biết làm chi. Tôi đâm phục mấy bạn sống dai dẳng ngày này sang tháng khác mà chịu đựng giỏi. Hải dắt tôi đi hết con lộ, ghé vào chỗ này chỗ khác, dân lẳng lặng làm công chuyện của họ chẳng hỏi han gì.Kỳ đó tôi ở Cao Lãnh một tuần. Nhậu, nhậu và nhậu, hết đợt này tới đợt khác. Mấy cha uống rượu tản thần luôn, tựa đám hũ chìm và mặt lúc nào cũng đỏ như cắc ké. Đầu tôi xà quầng xà quầng, cái thứ hơi cay làm nhộn nhạo hết trơn. Tôi nghĩ cứ đà quắc cần câu này chắc khi trở về thành phố phổi tôi không lủng thì bao tử, gan gì cũng khô như miếng phá lấu vậy. Nên trong bụng tôi đã tính nước đánh bài chuồn.Tình nghĩa với bạn tôi xử thế đủ rồi, hắn đau ốm có quân y viện lo, còn tôi lỡ có bề gì thì nằm chết thúi hoắc chắc gì được ai biết tới. Tôi lẳng lặng đem sự việc nói với chị, chị gúc gúc cái đầu ra vẻ đồng ý. Chị nói: trời ơi, mấy ổng dưới này hư lắm anh ơi. Uống tới cháy ruột, cháy gan mà chưa đã. Tui rầu muốn thúi thân, hết nhỏ nhẻ khuyên ảnh mà có được đâu. Tui có làm nư thì ảnh hứa, nhưng rồi để đó trớt quớt, mượn cớ đi trực, cấm trại là nhậu. Có bữa mò về hổng tới nhà đã nằm mửa lăn ra ngõ, tui thiệt khổ giàng trời. Vậy rồi tôi bỏ Cao Lãnh về lại thành phố thản nhiên như khi đến. Tôi ngỏ lời với thằng bạn sau khi bàn bạc với vợ hắn. Nó có vẻ giận, nhưng tôi đã quyết, tôi không muốn đem sức khỏe của tôi ra đánh cuộc với ba cái hũ chìm. Hay ho gì đâu cái tài nhậu nhẹt, để được tí tiếng khen thì về sau lủng ruột, lủng bao tử nào có ai đến đau thay. Cản hoài không được, nên thằng bạn đành thuận theo ý tôi với điều kiện tôi phải chung vui với nó hai bữa chót.Hắn đưa tôi lê la khắp chỗ, chủ yếu là cái quán cà phê và những nơi trời đất nào đó, có chăng chỉ oan hồn các đẳng mới biết được. Ở đó có một chút đàn bà con gái õng ẹo, có một chút nhão nhợt ghẹo trêu, có một chút chia chác tình cảm, nhưng tôi lòng dạ nào mà bám bíu. Bà vợ hắn cắn chặt răng mà chịu.Sáng tôi theo xe Huê Mỹ về, Cao Lãnh chẳng biết vui hay buồn mà buổi sớm giăng giăng hoài không sáng. Tôi ngồi vào ghế xe đò, nghe tiếng kèn của ghe thương hồ trên con rạch mà bỗng thấy lao chao. Xe từ giã con lộ đá, chạy ngang qua nhà thằng bạn. Chị và sắp nhỏ đứng nhìn chờ. Tôi ngoắc ngoắc bàn tay mà thấy sượng trân. Có một đứa con chị nấp nửa mặt vào ống quần chị hé mắt dòm. Tự dưng tôi thấy Cao Lãnh thật buồn. Tiếng máy đèn xình xịch như guồng bánh xe răng đang nghiến nát lòng tôi.Huân Long