Anh nhận được thiệp mời dự đám cưới của cậu nhỏ ngoài đảo lúc chiều.  Tự dưng đầu óc nôn nao nghĩ về một thời sống ở ngoài đó.  Ngày tháng trôi nhanh thật, trông như huyễn mộng đâu đâu.  Mới đó đã mấy chục năm, thì đứa bé ngày nào mới ra đảo, anh đến dự mừng lế sinh, nay đã bự xư và sắp lấy vợ.
Chuyện anh ra đảo cũng là sự việc khó tin và không thực.  Anh nào có quen ai ở ngoải, vậy mà tình cờ gặp một người ngồi chung bàn trong quán cà phê, anh nghe tiếng được tiếng mất cho có, ngờ đâu lúc túng thế anh cũng phải vọt ra đó sống.
Người bạn khoe có tàu đánh cá và cho anh tên tuổi người thân.  Anh lơ đãng ờ ờ vì nghĩ có đời nào ra ngoải làm gì.  Nào ngờ thời gian chiến tranh rầm rộ, thanh niên bị chặn bắt lính ào ào, đi đâu cũng cụng đầu những toán cảnh sát phối hợp với quân cảnh hỏi giấy, người nào tới tuổi đều bị chộp đưa thẳng vô trung tâm nhập ngũ lập thủ tục đăng lính, sau đó gia đình mới được báo để đi thăm gặp con cháu tại trại.
Anh không thích đời lính vì rét những trận đụng độ gây cảnh đổ máu, thương tích, chết chóc nên dùng dằng tính rồi vọt ra đảo.  Cũng may người bạn tình cờ còn ở nhà, gặp nhau hai bên mừng húm và sẵn sàng chứa chấp anh tại nhà bạn luôn.
Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh.  Anh không hề có khái niệm ra đảo làm gì, biết lấy gì sống mà rồi lại có quới nhơn phò hộ.  Anh ngỏ lời xin đi tàu như bạn, song người đó cản anh: trời đất, bộ anh tưởng chuyện “ ô đi ghe “ dễ lắm sao.  Không quen, ói chết luôn và ngật ngừ cả năm hổng hết.  Vả lại, dân thành phố như anh chịu nắng gió, muối mặn gì thấu, lại còn ăn uống rặt cá tôm nữa, bụng chứa chấp không ưng thì vô là ra liền.
Anh hỏi bạn: nhưng chẳng lẽ rồi gia đình anh chịu nuôi báo cô tui hoài sao?  Người bạn chậm rãi nói với anh: đảo xin hoài một thầy giáo mà hổng ai chịu ra.  Nên bọn con nít thất học dốt nát, anh nhận lời làm người dạy thì lương hướng được trả song phẳng, lo gì mà mặc cảm.
Giữa những điều xấu, anh đành chọn phần đỡ nhứt nên dù chưa hề qua một lớp sư phạm, anh cũng nhận lời ngay.  Dân đảo ai lao đao sóng gió biển khơi cứ đi, anh an nhàn trụ đó ngày hai buổi đi dạy.  Lớp học tuềnh toàng, học trò đủ cỡ, đứa chồng gộc như cây sào, đưa thấp chủm như đám sậy.
Đi học thì đứa ở trần, đứa có áo, mũi dãi lòng thòng, mắt mũi tèm lem.  Mẹ hoặc chị dẫn tới, cứ nắm rịn áo riết hổng chịu vô lớp.  Anh kiêm nhiệm mấy tầng trình độ, đứa viết như cua bò, đứa rặn hoài không ra một chữ.  Anh dạy bắt khan cổ bữa nay, mai kiểm lại bù trớt, bọn nhỏ gãi đầu gãi tai, có thằng hoặc con khóc ré lên đòi bỏ học.
Cuộc sống vô cùng nản, giá như đừng ngán chuyện binh đao, chắc anh cũng vọt vô bờ rồi.  Đảo chỉ là một hòn nằm đối diện với thành phố, cách nhau một khoảng biển tàu chạy chừng ba tiếng là tới.  Vậy mà thấy xa lắc xa lơ.
Nhứt là buổi tối, ai rút về nhà nấy, sống một mình tu hu ở nhà trọ, anh thảm biết bao.  Xung quanh người ta có vợ có con, có anh có chị, có cô có bác, còn anh thui thủi mình ên, chán còn hơn cơm nếp nát, lại thiu nữa.
Thanh niên đi biển có khi mấy ngày mới về nên đảo chỉ còn rặt ông già, bà cả, con gái và lũ nhóc.  Nhà nào nhà nấy tối tới là rút vô trong, ăn uống, đùa giỡn hay hú hí gì với nhau hổng biết.
Cả đảo hổng có một cái xe Honda, máy điều hòa, TV, cát xét.  Tất cả đều trang bị trên tàu để người đi giã cào hay đánh bắt tiêu khiển cho đỡ cực, còn dân đảo thì ráng nhịn đầu tư cho chồng, con, anh, em.
Buổi tối buồn hiu buồn hắt, nhà nhà tù mù ngọn đèn, chừng 9 giờ là tắt phụt.  Bởi đời sống âm âm u u nên ông nào ít nhứt cũng có một hai bà, chính thức hay không chính thức.  Được cái, dân đảo chút nị, tập trung đâu chừng non trăm hộ, ở rải rác tứ tung nên các tía tối mượn cớ đi soi cua, bắt ếch rôi a hèm chun vô chỗ này chỗ nọ, có trời biết.
Các ông ăn vụng chùi mép thiệt kỹ, dấu dấu che che, thì thà thì thọt, chừng bụng các bà thu lu, đẻ ra thằng/con nhóc mới tá hỏa lên, nhưng rồi nghĩ đàn ông hổng có gì du hí thì chuyện đó có xảy ra cũng dễ hiểu thôi, nên các bà, các chị cũng tha thứ, chấp nhận cho nhau, tự an ủi ai có thân nấy giữ, dại đem cho rao ráng chịu.
Thành ra con nít ở đảo lu bù, dân số ngày một tăng về phía sanh đẻ.  Lớn lên, có làm đám cưới, má lớn má nhỏ đều đến dự đủ mặt, người cho món này, người tặng món kia.  Kể cũng vui.
Con gái trên đảo ít chưng diện vì biết lẳng lơ với ai.  Cho nên nhiều nhà tới cái gương soi mặt cũng hổng có.  Nhà cửa hồi mới nhóm cũng để tuềnh toàng, chả ra đảo thấy gió dữ, ai cũng mừng khỏi phải sắm quạt máy.  Ở lâu lâu, ngày thì còn chịu được, đêm lạnh muốn thấu xương mới lo be cửa be nẻo, chắn vách chắn tường đẻ cho có chút ấm áp với nhau.  Thế nên mới có hiện tượng sanh đẻ lũy tiến, đầu trên xóm dưới báo tin sanh con hà rầm.
Anh sống ở đảo cũng bị hạn chế.  Bia bọt lâu lâu mới có, do tàu trúng mánh mua hàng chục két về ăn mừng, anh ké theo.  Cà phê cũng thưa thớt, không quán xá, không rạp hát, tụ điểm ca nhạc, thứ gì cũng phải nhờ mua bên thành phố đưa về.
Tàu cà xịch cà xang chạy chở hàng từ 4 giờ sáng, ghé bến này bến kia hốt mớ củi, bị than hay giỏ tôm, giỏ cá, xịch xịch qua tới thành phố cỡ 6 hay 7 giờ.  Đám thanh niên thủy thủ ở trịt dưới ghe, bạn hàng đến cân, mua gì nhờ đám ông già bà cả lên phố, rồi khoảng 4 hay 5 giờ chiều lại nổ máy về.  Mụ nội mấy tay trẻ hổng dám ló mặt lên bến sợ bị hốt.
Cho nên anh phải chắt mót uống cầm chừng kẻo mau hết, khó tới kỳ tàu vô thành phố nhờ mua lại.  Ban ngày đi dạy còn loáng thoáng thấy mặt người, tối đến chum hum một mình, anh tự bắc nước pha cà phê, đốt thuốc hút, vừa nghĩ sự đời, vừa buồn thân phận ủ ê.
Ngồi nhìn về khoảng ánh sáng thành phố hắt lên ở một phía trời, anh thèm nhớ mấy cái quán quen thuộc, nhưng mà đường đi sao quá khó.  Một hai cô gái mon men đến xin anh dạy học buổi tối, anh từ khước vì sợ bặp vô lôi thôi.  Anh không có ý định suốt đời làm rể hay dân đảo, nên cô nào xin học anh đều dặn ghi tên ở lớp tiện hơn.
Ấy vậy, bọn nhóc học thì ít mà ưng nghỉ thì nhiều.  Đứa đàng hoàng thì gạ anh cho nghỉ một bữa xả hơi, đứa xà bát thì đi lớp một hôm lại trốn học mấy hôm.  Anh có nói cũng không sửa đổi được, mét với cha má chúng thì họ cũng nói: thây kệ tụi nhỏ, thầy ơi.  Cầu mong tụi nó có dăm ba chữ đủ rồi, còn gởi thân trên tàu, tiếp xúc với ai nhiều mà mong giỏi giang đây, thầy.
Anh lắc đầu chịu thua.  Hễ anh đề nghị tổ chức đi chơi là không đứa nào vắng mặt.  Đi thì có đi đâu xa, lệt bệt cũng hết góc đảo này lại cuối đảo khác.  Lâu lâu, két hợp với chiếc tàu giã cào cho bọn nhóc chạy vòng quanh mặt biển, đứa nào cũng hớn hở ti toe.  Vừa ngồi nghe máy đuôi tôm xé nước kêu xẹt xẹt, vưa áp mấy con mực loại 3 vô ống xả nướng, nhai chóp chép ngon lành, coi đứa nào đứa đó tươi rói.
Anh khổ nhứt là cầm tay bọn nhóc tập cho nó viết.  Tay chưn cứng còng, con chữ nào cũng bự cỡ con cua, chạy lên chúi xuống, dù vở kẻ hàng hẳn hoi.  Anh đứng sau lưng cầm tay mà nghe xộc mùi khét nắng hay mùi mồ hôi chua bắt khó chịu.  Vậy mà nhóc về khoe với má, với chị, ai cũng khen thầy tận tụy hết lòng.
Có cô gái cũng giễu thầy: chèn ơi, em mà đi học, được thầy cầm tay dạy cho tập viết, chắc em làm hết xảy luôn.  Nói rồi cười toe toét, má hồng hồng, tai ửng ửng, anh muốn rối tơ vò con tim.
Những buổi tối ngồi tẩn mẩn nhớ lại, anh thấy thiu người.  Chỉ sợ ăn dầm nằm dề ở đảo và chiến tranh cứ kéo dài lu bu thì trước sau cũng hóa thành mụ mị hết trơn.  Tưởng tượng một ngày nào anh cũng mặc cộc cỡn cái quần xà lỏn đi diễu khắp đảo, theo sau là một bà vợ và dăm ba thằng/con nhóc, anh bắt phì cười.
Đây rồi anh lại bắt chước mấy ông đùm đề, lăng nhăng bà lớn bà nhỏ, có khi trở về thành phố lạ hoắc, lạ huơ.  May sao anh ra đảo chừng 5 năm thì cuộc chiến kết thúc.  Dân đảo nào ai hay vì đất đai nằm tuốt ngoài hóc biển, thành phố bỏ ngỏ hồi nào có biết đâu.  Chỉ khi trên biển xôn xao tàu hốt hoảng chở người chạy giặc, đám giã cào hối hả về cho tin, anh bàng hoàng một lúc.
Anh mung lung trong chọn lựa, trở về thành phố hay gạ dân đảo vọt luôn.  Sẵn tàu, không phải chen lấn, chuyện đi dễ ợt, an toàn là cái chắc.  Có khi về đất liền, thân nhân cũng chạy tán loạn, lạc nẻo lạc đường, biết tìm đâu cho thấy.
Bọn nhóc mừng húm.  Thời thế đổi thay, gì chớ việc khỏi đi học là bọn chúng hoan nghinh cực độ.  Anh đưa ý kiến với dân đảo, chẳng ai hưởng ứng.  Người thì nói một chữ tiếng mẹ còn hổng biết, tiếng người thạo gì đâu mà rắp ranh vượt biên.  Người lại bảo: ối đổi thay thì ăn thua gì, dân đảo loe ngoe sợ gì chớ.  Kệ, ai sao mình vậy, với chính phủ nào thì mình cũng phải làm mới có ăn thôi.
Anh thất vọng nán lại.  Phương tiện kề bên mà đành chịu bó tay.  Anh chờ nghe êm êm rút bỏ về thành phố.  Vắng hoe vắng ngắc, người ngơ ngác ngậm ngùi, nhà nhà đóng cửa, súng nổ lẹt đẹt, cuộc đổi đời như trên dưới rớt cái rụp.
Lý lịch trốn lính cũng không giúp cho anh có một vị trí dễ thở nào.  Dưới con mắt chủ mới, người dân ở chế độ trước cũng không khác gì những người chống lại họ.  Bao quyền lợi, chức vị, chỗ làm ngon lành họ đều chia chác cho nhau.  Màu chiến thắng rực rỡ quá, dưới con mắt họ, dân miền Nam ngoan cố lắm.
Sau này, gặp tình cờ đám giã cào ngoài đảo khi anh nhận làm chân bốc vác ở bến, thầy trò bùi ngùi nhìn nhau.  Anh sắp đặt một lần trở ra thăm đảo, gặp ai mắt lệ cũng rưng rưng.  Giờ hiểu ra thì mọi đường đều đã bít, thậm chí tàu bè cũng vô hợp tác xã hết trơn.
Ngày xưa, đảo lơ ngơ, chẳng ai để tâm đến.  Giờ thì bị kiểm soát cực kỳ, ai cũng bị nghi nghi âm mưu tổ chức cướp tàu vượt biển.  Nhà nhà bị lùng xục bất chợt để mong tìm được những bãi chôn dầu, người đến đảo đều bị dõi theo, sợ tương kế tựu kế vọt đi.  Anh chưa thố lộ tâm tư thì dân đảo đã thụt thò mở lời xin lỗi.
Lâu rồi, mọi việc cũng lơi dần.  Mấy chục năm, ai đi đã đi, đường đã bịt kín, nên cuộc sống tại đảo cũng lình xình như hồi nào.  Người dân hết lớp này đến lớp khác lớn lên, trai lấy vợ, gái lấy chồng, anh vẫn được ân cần mời đến dự ngày vui của họ.
Thiệp được đem đến tận nhà, hẹn nhau ngày tàu tới rước, anh bao giờ cũng sắp đặt ra đảo sớm vài hôm để giúp nhà chủ thu dọn nghi lễ.  Vì là người thành phố nên khoản mời thợ hình, dân ngoài đảo cũng nhờ vậy anh tính luôn.  Anh chạy men ra các điểm chụp, gọi người nào chịu đi thì hai bên thỏa thuận trước.
Ngày đám cưới, anh thay mặt hai họ chúc mừng.  Ông già, bà cả, đám thanh niên, thiếu nữ đều rối rít kêu “ thầy “ với anh, dù cho có những người chẳng học anh một giờ.  Anh dự đám rồi ở lại vui với bà con, tìm thăm lại vài nơi anh đã trải qua khi ở đảo để lần về một thoáng kỷ niệm hồi xưa.
Thản hoặc có gặp lại những cô gái ngày trước trêu ghẹo anh thì mỗi người đều đưa mắt nhìn nhau chẳng nói vì biết nói gì đây khi mà nàng đã có chồng, con bồng con dắt, còn anh thì vẫn trơ trọi một thân.
Đỗ Thành
 

Xem Tiếp: ----