Phần I

Đó là một bước nhảy phi thân từ mái quán xuống vỉa hè. Bước nhảy có sắc màu, như một đóa quỳnh bừng nở rồi bị cuốn đi trong cơn gió lốc. Bước nhảy trong những giấc mơ tiên cảm của Duy cuối cùng đã hiện ra, có hình chim ưng, có hai màu vàng đỏ, dưới ánh đèn đường mờ nhạt của đêm ba mươi.
Mỗi khi nhắm mắt lại, bước nhảy thiếu nữ ấy lại chập chờn hiện về trong Duy như một nỗi ám ảnh ngọt ngào và cay đắng...
Lần đầu tiên Duy rủ rê Quỳnh về quê chơi là vào đầu mùa thu. Thực ra phải nói rằng đó là một lời mời tự nhiên và chân thành. Đó cũng là lần đầu tiên Duy biết thế nào là một sàn nhảy ở thủ đô. Và, đương nhiên, cũng là lần đầu tiên biết đến Quỳnh.
Hôm ấy là thứ bảy. Nhà trường cho các học viên nghỉ, những ai ở cách xa trường bán kính 20 cây số thì được về nhà. Nhà Duy ở cách xa trường gấp 7 lần cái bán kính ấy. Chợt thấy buồn. Đêm hôm trước heo may khẽ len lén tìm vào phòng ngủ. Sáng ra lại thấy mấy chiếc lá vàng rớt bên hiên cửa. Gió đi qua khóm cây trước cửa phòng và có tiếng chim bay theo chiếc lá vàng vừa rụng. Mùa thu đã đến một cách nhẹ nhàng và khó nắm bắt như thế. Trước mắt Duy là hai ngày nghỉ cuối tuần cực kỳ thừa thãi. Duy đi bộ ra cổng trường và nhảy lên xe buýt. Tự nhiên Duy nghĩ đến địa chỉ nhà một người quen. Người quen này từng đến trường thăm Duy, lại đã bảo với Duy rằng cứ nhảy lên xe buýt số 31, nó sẽ đưa đến tận cửa nhà. Người ấy là bạn của bố Duy. Người ấy giàu có và hào hoa. Người ấy có một cậu con trai bằng tuổi Duy. Người ấy còn một cô con gái nữa mà Duy chưa một lần biết mặt. Duy gọi người ấy là “Chú Nhuận”.
Và chiếc xe buýt số 31 đã đưa Duy đến gặp Quỳnh. Nhà chú Nhuận đúng là giàu có nhưng có vẻ gì đó bí ẩn. Đập vào mắt Duy là những bậc cầu thang huyết dụ lượn hình trôn ốc, tay vịn có hoa văn nhiều màu. Loại trừ sự sặc sỡ thái quá thì đó là một cái cầu thang đẹp và ấn tượng. Người giúp việc đưa Duy vào vòng khách. Trong lúc Duy đang quan sát giàn đèn chùm mắc trên trần nhà thì từ những bậc cầu thang đẹp đó, cô gái có tên là Quỳnh hiện ra.
- Anh là anh Duy con bác Tốn ạ?
- Phải.
- Bố em thường nhắc đến bố anh. Kia, ảnh của bố em và bố anh hồi còn ở chiến trường đấy. Cả nhà em đã từng về nhà anh rồi, chỉ có mỗi mình em là chưa thôi.
- Đúng.
- Anh Hải em bảo về nhà anh thích nhất là được đi tắm sông, rồi đi mót khoai và ăn trộm cam. Em không hiểu. Em còn bảo ở Hà Nội có mấy nghìn một cân cam, ăn nhòe, làm sao phải về quê nhà người ta ăn cắp, mà cam ở quê chán chết, chua loét, đắng ngắt...
- Anh Hải có hay gửi thư về không?
- Thư gì! Lúc nào cần tiền thì bốc điện thoại lên nói một câu là mẹ em lại gửi tiền sang ngay. Anh ấy chỉ cần tiền thôi chứ chẳng cần gì cả. Sinh nhật em cũng chẳng thèm hỏi thăm. Em thích một cái áo lông Kănguru quá mà anh ấy không chịu mua cho em. Nhưng thôi em chẳng cần. Bố hứa là sẽ mua cho em.  
- Bố mẹ em đi đến khi nào mới về?
- Mẹ em đi miền Nam công tác, cuối tuần sau mới về. Bố em thì phải tối muộn. Em gọi di động cho bố rồi, bố em bảo phải giữ anh ở đây chơi đến sáng mai. Em sẽ tiếp anh.  
Quỳnh có một khuôn mặt rất xinh đẹp. Mái tóc hoe vàng. Son môi tô màu hồng phấn. Dưới bờ môi đẹp như vẽ là hàm răng trắng đều. Cánh mũi lấm tấm những hạt nhũ màu bạc. Đôi mắt trong nhưng khi nheo lại thì hơi già và có vẻ từng trải. Trong nói năng đôi khi như một kẻ thiếu dạy dỗ nhưng biết dừng lại đúng lúc, vì vậy vẫn còn có thể nhận ra cô gái này từng được giáo dục rất chu đáo. Và phải thừa nhận một điều, Quỳnh có giọng nói hay, cách diễn đạt rất “tự nhiên chủ nghĩa”. Cảm giác ban đầu của Duy khi tiếp xúc là hơi khó chịu. Nhưng sự chân thành của Quỳnh đã dần dần lấy lại thiện cảm trong Duy. Quỳnh vừa bước vào tuổi hai mươi, đang là sinh viên năm thứ hai của trường Du lịch. Quỳnh bảo Duy: “Bây giờ em sẽ gọi bọn quỷ sứ đến đây. Trưa nay anh em mình quậy tung cái nhà này lên. Anh Duy nhé?”
Buổi trưa. Ba người bạn của Quỳnh đến. Một cậu bạn trai cao lênh khênh, hơi gầy, tóc màu đỏ, răng có đôi ba cái bịt vàng, mặt choán cặp kính to đùng. Hai cô gái đều tóc nâu môi trầm, kính gài trên đầu, áo gió buộc dây, quần bò trễ hông, dép cao gót, vai khoác túi da nhỏ hai quai, mùi mỹ phẩm tỏa ra sực nức. Cậu bạn trai tên là Tuấn, cô gái có đôi kính màu rong biển tên Huệ, cô còn lại tên Hường.
Việc đầu tiên của những người trẻ tuổi này khi gặp nhau là mở nhạc. Cô gái tên Hường mang theo trong chiếc túi xách của mình một tệp đĩa với đủ các loại nhạc tây, ta. “Tao quyết định rồi Quỳnh ạ. Tối thứ sáu tuần sau bọn tao sẽ chơi đêm đầu tiên ở Hải Phòng. Bọn tao đặt tên cho Ban nhạc là Những kẻ ngỗ ngược. Ông bầu bảo ngỗ ngược trong nghệ thuật là sự khích lệ nghệ thuật phát triển. Trong tờ rơi của bọn tao cũng có những lời quảng cáo đại loại như thế. Chắc chắn là sẽ thành công”. Hường đang học năm cuối trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật. Lúc nãy Quỳnh giới thiệu với Duy rằng Hường có biệt danh là Madonna. Quỳnh còn nói nhỏ với Duy: “Con này có phong cách biểu diễn cực kỳ bốc lửa”. Sau khi uốn éo một lúc theo điệu nhạc phát ra từ chiếc đĩa màu bạch kim, Hường “Madonna” như sực nhớ ra, vội lục túi lấy mấy tấm ảnh đưa cho Quỳnh. “Mày xem này, tao sẽ mặc những bộ này trong đêm nhạc đầu tiên. Được không?”. Quỳnh xem xong đưa cho Duy. Duy buột miệng: “Nghe nói bây giờ người ta cấm diễn viên ra sân khấu mặc trang phục hở rốn...?”
- Ông anh yên tâm đi. Bọn em sẽ có những chiêu đặc biệt để che nó đi và hở nó ra khi cần một cách hợp lý. Mà ông anh là thế nào với Quỳnh đấy? Chắc mới quen nó hả? - Hường bây giờ mới có vẻ để ý đến Duy.
- Mới quen.
- Anh ở phố nào?  
- Ở nơi mà sắp tới bạn sẽ xuống biểu diễn.
- À, em hiểu rồi. Con Quỳnh này sướng thật. Lúc nào nó cũng có một vài Gã tình si rong rêu kèm như kèm kem.
Nói xong câu ấy Hường lại chạy ra chỗ chiếc loa nhún nhảy theo một điệu nhạc mới. Quỳnh và Huệ đang lúi húi đang trong bếp chuẩn bị đồ ăn. Huệ có đôi mắt buồn buồn. Biệt danh của cô là Huệ sầu. Mỗi khi từ trong bếp đi ra, thấy Hường nhún nhảy, cô cũng nhảy theo. Cô nhảy đẹp chẳng kém gì Hường. Nhưng hình như cô không thích nhảy vào lúc này. Có lẽ cô cảm thấy mình còn đang có phần trách nhiệm ở trong bếp. “Đừng nghe Waves of Danube, bật Deililah đi, bài 11 ấy, mày với Tuấn nhảy Quick Waltz đẹp hơn”. “Sao mày cứ nhảy Mambo mãi thế, thử đi Samba xem nào, chân nhảy Samba của mày chưa thạo lắm đâu”. Đấy là những gì mà Huệ trao đổi với Hường. Huệ nói ít, nhưng qua những gì cô nói đủ để Duy nhận thấy cô cũng là một người có hiểu biết về âm nhạc, hoặc ít ra cô cũng là một Madonna như Hường. Tuấn rút bao thuốc lá lạ hoắc ra mời Duy. Trong khi Tuấn đang làm động tác xoay chiếc bật lửa để bắn tia nhiệt ra mồi thuốc cho Duy thì Quỳnh bỗng đưa tay từ phía sau ra rút phắt điếu thuốc trên môi Duy. “Thuốc gì đây hả Tuấn? Em xin lỗi anh Duy nhé! Để em lấy thuốc của bố em ra mời anh. Anh không hút được thuốc này đâu, bạn em chơi nặng đô lắm”. Tuấn ngước mắt lên hỏi Quỳnh: “Sao thế? Bạn đặc biệt à? Chưa dính phải không?”. Quỳnh thản nhiên: “Vô trùng”
Duy cảm thấy mình đang rơi vào một tình huống rất không thuận lợi, thậm chí không cẩn thận sẽ trở nên thừa thãi và lố bịch. Những con người đang ngồi trước Duy có cuộc sống rất khác. Họ đang rất tự tin với mỗi hành động, cử chỉ của mình. Và thật lạ, tất cả những gì toát ra từ họ sao lại tự nhiên đến mức phi lý thế kia? Sự xinh đẹp phi lý! Sự giàu có phi lý! Sự tự tin phi lý! Sự sành điệu phi lý!... Nhưng hình như chính Duy mới có vẻ như đang phi lý trong con mắt họ!?
Và bữa cơm được dọn ra. Không khí có vẻ thân mật hơn. Hường “Madonna” bắt đầu bộc lộ những nét hồn hậu và dễ mến. Huệ vẫn mang ánh mắt buồn buồn nhưng đã cười nhiều hơn. Tuấn thì trẻ thơ trở lại khi nói rằng lâu lắm rồi mới được ăn rau dền luộc, tự nhiên thấy nhớ mẹ quá. Mẹ Tuấn chết khi cậu ấy mới lên mười tuổi. Bố Tuấn là chủ một cửa hiệu vàng ở Hàng Bạc. Tuấn đang học Quản trị kinh doanh nhưng những gì cậu học được không hơn kinh nghiệm quản lý của bố, và đương nhiên, chẳng có lý gì khiến cậu phải chăm đến trường. Huệ và Quỳnh có vẻ thân nhau hơn. Có lẽ vì cả hai cùng học Du lịch. Thức uống là rượu tây ngâm với những lát chanh cắt mỏng. Riêng Tuấn uống kiểu khác. Cậu ta trộn rượu với sôda rồi lắc cho sủi bọt lên trước khi uống. Quỳnh có vẻ cũng thích uống kiểu đó. Quỳnh gọi đó là “Cooktai răng vàng”. Răng vàng là biệt danh của Tuấn. Duy ăn uống một cách cầm chừng. Yếm thế cũng có, tự ti cũng có, nhưng thích quan sát thì đúng hơn. Duy rất muốn có cơ hội để khai mở những tâm hồn đang mưng mẩy lên vì rượu kia nhưng sẽ không bắt đầu theo kiểu “Nghe nói bây giờ người ta cấm diễn viên ra sân khấu mặc trang phục hở rốn...?”. Cách vào chuyện như thế bất ổn. Quỳnh là một người thông minh và nhạy cảm. Cô không ngừng cố gắng để có sự hiểu nhau hơn giữa Duy và những người bạn của mình nhưng nghe ra vẫn “lệch kênh”. Thực ra Duy cũng đang là mối bận tâm của chính bản thân cô. “Anh bảo anh học chuyển loại à? Là học cái gì cơ?”. “Trước anh là sĩ quan chỉ huy, bây giờ anh học chuyển loại sang sĩ quan chính trị”. “Thế là không làm chỉ huy nữa à?”. “Vẫn làm chỉ huy nhưng trước đây chỉ huy về quân sự còn sau khi chuyển loại sẽ chỉ huy về chính trị”. Không ngờ những từ “Quân sự”, “Chính trị” lại làm những người bạn của Quỳnh có những liên tưởng thật kỳ quặc. Tuấn bảo:
- Thế nghĩa là anh biết bắn súng phải không? Thằng bạn em thích chơi đồ “nóng” ấy lắm. Bữa trước nó mua được một khẩu K54. Ba rưỡi. Nếu nó nghe lời em chỉ dùng đồ “lạnh” cảnh cáo thôi chắc không dính án nặng đến thế. Bây giờ thì vác đá ở Thanh Hóa rồi. Mà anh bắn có giỏi không? Hôm nó mang súng ra khoe em, em cũng hơi ngán. Nó cũng bắn chưa thạo. Nó bắn được mỗi viên rồi quăng súng bỏ chạy. Sau bố mẹ nó đưa nó ra tự thú.
- Nói chuyện súng ống làm gì, khiếp lên được!
Hường cũng bắt đầu vào chuyện một cách hào hứng. Sau khi cắt lời Tuấn, “Madonna” quay sang Duy:
- Anh bảo anh học chính trị á? Em là em chúa ghét những chuyện chính trị. Thế mà bố em suốt ngày nghe thời sự. Sáng ra nghe bản tin buổi sáng. Rồi vội vàng ra bảng tin công cộng đọc Nhân dân, Quân đội, Hà Nội mới. Rồi lại nghe bản tin buổi trưa, buổi chiều, buổi tối, bản tin cuối ngày. Xem ti vi chưa đủ, lại còn kè kè cái đài nhỏ xíu bên mình nữa. Nghe đài trong nước xong lại nghe đài BBC, RFI. Rồi ra cửa hong hóng, hễ gặp mấy ông bạn già về hưu là lại lôi vào nhà hàn huyên, lại I rắc chết bao nhiêu thằng Mỹ, Bin La đen còn sống hay đã chết, bọn khủng bố đánh bom nhà hát ở Nga, cái anh Triều Tiên mà cũng dám chơi với hạt nhân, nguyên tử mới khiếp chứ, ông A-ra-phát chuyến này chắc chết, bà Tống Mỹ Linh thì chết rồi, chết thật rồi, cả báo lẫn đài đều đưa tin thì chắc không sai đâu...
Em bảo hôm nay Michael Jackson biểu diễn ở Nhật đấy, tuyển cả trẻ em Việt Nam để phụ họa cho chương trình nữa, họ mà chọn mình thì sướng quá. Bố em bảo hay ho gì cái trò gào thét nhí nhố, nhún nhảy điên cuồng ấy mà mày cứ xí xớn. Ngày xưa mẹ mày làm văn công nhưng nền nã, thuỳ mị chứ như chúng mày bây giờ cứ cong cớn, hễ lên sân khấu là phải gào, phải nhảy song phi, phải nhắm tịt mắt, những cái ấy đừng khoe ra trước mắt tao, tao mà điên tiết là tao cho mấy cái bạt tai. Em bảo bà Tống Mĩ Linh chết thì liên quan gì đến bố mà bố cứ sùng sục lên thế? Bà ấy có tốt đẹp gì đâu. Bố mà chưa thông báo được cho ai cái tin bà ấy chết thì ấm trà trong bộ ấm chén bát tràng kia chắc chắn là không còn hương vị gì nữa, thậm chí ăn cơm cũng thấy đắng miệng. Bố quan tâm đã đành bố lại bắt cả nhà phải quan tâm theo, có phải bố làm khổ mọi người không? Bố em ngồi đờ ra một lúc rồi bảo: Cút, cái loại xướng ca vô loài chúng mày thì biết cái gì! Em dắt xe ra khỏi nhà bảo, vô loài mà mỗi đêm nhả ra vài câu ú ớ thu về vài chục triệu catsê thì ai cũng muốn vô loài cả. Bố em ném theo cái chén giả cổ. Em lặn luôn một hơi nửa tháng. Hôm qua bố gọi điện bảo em về nhưng em bảo bao giờ đài đưa tin bốn chín ngày bà Tống Mĩ Linh xong rồi con về, không bố lại thấy cái tin ấy nó mất thiêng đi...
Hường kể đến đây thì cả nhóm đều đã ngấm rượu. Quỳnh cùng hai cô bạn gái kéo nhau lên gác ngủ, Duy và Tuấn nằm luôn trên ghế, nhắm mắt lại là quên trời đất, chẳng còn biết ngoài kia nắng có còn màu mật ong không và lá vàng có còn rụng tơi bời xuống mặt phố? Không biết Duy sẽ còn ngủ bao lâu nữa nếu không có tiếng chuông điện thoại reo. Quỳnh nghe điện xong thông báo rằng bố em đang phải đưa đoàn doanh nhân Đức lên thăm khu Đồng Mô, có thể phải ngủ lại, mai mới về, bảo anh Duy cứ ở nhà chơi, muốn đi đâu thì em đưa đi. Rồi Quỳnh hỏi Duy: “Anh có biết nhảy không?”. Duy gật đầu. Quỳnh bảo: “Cả bọn tắm rửa đi rồi tối nay đi dancing”. Tuấn từ trong buồng tắm chạy ra bảo: “Ừ, được đấy, Lets dance!”. Hường và Huệ nãy giờ đứng thập thò trên những bậc cầu thang màu huyết dụ, nghe vậy liền đồng thanh hô: “Ok, Let’s dance!”
Quỳnh đưa Duy lên tầng ba, mở cửa một phòng nhỏ và bảo: “Đây là phòng anh Hải. Có phòng tắm trong đó. Anh cứ lấy đồ của anh Hải mà mặc”. Rồi cô lại tất tả chạy xuống tầng dưới. Duy tiến lại phía cửa sổ kéo rèm. Ngoài trời thành phố đã lên đèn. Cả bọn đã ngủ như chết bốn, năm tiếng đồng hồ liền. Duy đưa tay quờ tìm công tắc điện. Ánh sáng bừng lên và Duy nhìn thấy tấm ảnh Hải chụp cùng với mình bên bờ sông quê hai chục năm về trước lồng trong khung kính để ở đầu giường. Ngày đó chú Nhuận chưa giàu như bây giờ. Chú đưa cậu con trai lớn về nhà Duy chơi. Hình như đó là thời kỳ chú Nhuận và vợ có có một sự trục trặc nhỏ nào đấy. Cậu con trai chú Nhuận rất thích Duy. Hai đứa thường ra sông chơi. Ở đó có bãi cói, có cù lao, có đám trẻ nhà quê chân tình và thật thà, có những trò chơi giản dị, có cả những bí mật mờ ám trẻ thơ. Hải mang theo chiếc máy ảnh tự động. Hải hướng dẫn cho mọi người chụp nhưng hình như cả cuộn phim chỉ có mỗi tấm ảnh đang đặt ở đầu giường này là đạt yêu cầu. Hai chú nhóc cười toe toét bên bờ sông đầy lau sậy, sau lưng là dòng phù sa, tiếp nữa là bãi ngô chạy dài, rồi đám mây trắng đang trôi trên nền trời xa hừng nắng. Hải ở chơi nhà Duy một tuần. Sau đó chú Nhuận cùng vợ quay lại đón Hải về thành phố. Bố Duy bảo: “Thôi, thông cảm được mà về với nhau là tốt rồi”. Quỳnh là kết quả sau này của sự “thông cảm được mà về với nhau” ấy. Bây giờ thì Hải đang ở nước ngoài. Học quay phim hay đạo diễn gì đó. Có lẽ cũng đã quên Duy với cái bờ sông đầy nắng gió và lau sậy này rồi?
Duy tắm xong thì Quỳnh chạy lên lục lọi đống quần áo treo trong tủ của Hải. Cô yêu cầu Duy mặc quần âu, xơ mi dài tay, “đóng thùng”, đi giày da đen rộng mũi. Rất may những thứ đó Hải để lại nhiều và Duy diện khá vừa. Quỳnh bảo: “Những thứ này em mua cho anh Hải đấy. Nhưng anh ấy luôn dè bỉu nó. Anh ấy có vẻ ghét em”. Duy ngạc nhiên: “Sao lại có thể ghét một cô em gái như Quỳnh nhỉ?”. “Anh ấy xung khắc cả với mẹ em nữa. Có lần anh ấy bảo với mẹ em là mỗi khi nhìn thấy em anh ấy lại không muốn tha thứ cho mẹ. Mẹ em có lỗi lầm gì? Dường như mẹ cũng không yêu em. Chỉ có bố yêu em thôi. Em hiểu rằng, chẳng qua bố yêu mẹ nên bố yêu cả lỗi lầm của mẹ mà thôi!”
Duy bắt đầu lờ mờ hiểu ra những bí ẩn trong ngôi nhà của chú Nhuận. Khi Duy bước xuống tầng dưới thì thấy xuất hiện thêm hai cậu bạn trai và một cô bạn gái nữa của Quỳnh đang ngồi chờ ở phòng khách. Duy hơi lúng túng khi ngồi lên chiếc xe tay ga của Quỳnh. Duy chưa đi xe tay ga bao giờ. Quỳnh có vẻ hồn nhiên, không để ý đến sự lúng túng ấy của Duy, cô hướng dẫn Duy cách nổ máy rồi thích thú khi thấy chiếc xe chồm lên, lao vào dòng người đông đúc trên đường phố. Sàn nhảy nằm gần một ngã tư.