Khi tôi nhận lời ông bạn hàng xóm lên Dăkmil gia nhập vào tổ hợp xây dựng của ông thì ở đó đã có sẵn một dúm người.  Lơ thơ toàn là bọn tay ngang, chẳng ra nghề ra ngỗng, vì thời cuộc bất đắc dĩ phải đi làm thợ đụng.  Tình cảnh này xảy ra lia chia sau thời kỳ gọi là “ cách mạng giải phóng “, mấy bố mới ở rừng ra lớ ngớ, nên phải dùng dân miền Nam để hoàn tất các công trình xây dựng của họ.
Ông bạn tôi vốn là tay cảnh sát thời trước, có tí ti công lao che dấu và chứa chấp mấy ông nội nằm vùng, nên 30 tháng 4 chẳng phải học tập cải tạo gì tất và được tin cậy ngay.  Gọi là tin cậy, chứ ông cũng chẳng mon men nổi một “ chức sắc “ gì, mà chỉ ngày hai buổi đem thân kéo cày lấy miếng ăn bỏ bụng.  So với bọn “ ngụy “ rặt chúng tôi thì ông có khá hơn vì muốn tham dự các buổi học tại chỗ hay không thì cũng chẳng ai để ý.  Thậm chí họ còn vị nể ổng là khác vì ông thường lân la rủ rê các tay chủ tịch phường, khóm đi nhậu nhẹt.
Ông với tôi chẳng quen biêt gì nhau trước kia, song từ ngày căn cư xá của tôi bị chiếm, gia đình bị tống khứ ra lêu vêu đi thuê chỗ ở, chúng tôi thành hàng xóm của nhau.  Ông có tiếng là ưa quên trả công cho các người đi làm, nào phải là ông thiếu tiền mà vì đồng nào kiếm ra đều lo đãi đằng các cấp để hoặc là tìm sự nhàn hạ, hoặc là mưu đồ một áp phe.
Tôi vốn nghe tiếng ông đã lâu, nhưng ngộ biến phải tùng quyền.  Ở lại đất thành phố, gia đình tôi luôn bị thúc vào đít đăng ký đi kinh tế mới.  Tai hại là một vài gia đình lính đàn em ngày trước, “ được “ bình bầu đi xây dựng đời sống mới thường nại cớ lấy tôi ra để phân bì, nên tôi nghe cũng rét.  Cũng may ông khóm của tôi vốn là tay hoạt động 2 mang nên chẳng hiểu sao vốn có cảm tình với tôi.
Sắp sắp có cuộc họp phân bổ ai đi ai ở là ông bấm nhỏ cho tôi biết trước để tìm cớ dzọt.  Chính cái việc tôi xung phong đi làm công nhân xây dựng là cũng vì không còn con đường nào khác.  Tôi cần một cái giấy chứng nhận của chính quyền địa phương để làm cái dù che, hợp thức hóa tình trạng thường trú của gia đình tôi tại thành phố.
Phương chi lên Dăkmil gì chứ để có cái giấy của Huyện ủy chứng nhận là chắc mẻm.  Tôi gởi về cho gia đình bản sao để giữ làm bùa hộ mệnh, khi họp bình bầu có ai thắc mắc thì đưa ra để các vị nín khe.  Còn cái việc lương hướng hay linh tinh gì khác thì hạ hồi sẽ tính, cho dầu lỡ có bị ông hàng xóm “ quên “ thì tôi cũng lời chán vì vợ con có thể trụ lại, lo chạy chợ sống sót qua ngày được.
Cái tổ hợp xây dựng của ông hàng xóm cũng là một thứ chắp vá đầu thừa đuôi thẹo.  Ông em rể của khứa vốn ngày trước là trung úy công binh tạo tác giờ nằm ở Ban Mê Thuột lo việc phác họa bản đồ xây cất cho ông.
Một tay trung úy khác (không rõ binh chủng) cũng là bạn dây mơ rễ má gì với ông hàng xóm giờ làm điều khiển công trường cho cả 2 địa điểm.  Anh này trụ ở Đắc Nông, nhưng phất phơ tơ liễu, còn vắng mặt suốt.  Tổ hợp xây dựng được cấp cho một xe díp lùn của quân đội Saigon làm phương tiện liên lạc tới lui, nhưng thực sự là các bố đánh đu nhau về Ban Mê Thuột rầm rập.  Lấy tiếng lên tỉnh xin vật liệu, lấy tài khoản… song các bố dùng xe chở các bà bồ tèo về ăn nhậu, du hí với nhau, bỏ mặc cho bọn công nhân sống sao thì sống.
Ê kíp ở Dăkmil gồm có một ông già ì ạch, một đứa cháu ruột của ông hàng xóm, một người bạn của tay trung úy ở Dắc Nông và tôi.  Thấy chả có ai đáng gọi là thợ xây hay  thợ mộc chính cống, tôi có hơi ê càng nên hỏi nhỏ ông bạn hàng xóm thì ông ta ừ ào cho qua chuyện.
Hồi đó ê kíp nhận làm một loạt nhà văn phòng cho huyện ủy và các cơ quan hành chánh. Bản đồ lập lăng tới tấp ném cho tổ hợp, nhưng tiến độ thi công thì quá nghèo nàn.  Nay nghe huyện gọi lên, mai nghe thủ trưởng này, tay quyền thế nọ giục inh ỏi, có hôm ông hàng xóm lặn mất, chúng tôi đương đầu làm cái bung xung bị chửi văng tí mẹt.
Chiều đến thấy bố tổ trưởng bò về, tổ viên thi nhau gào trút giận, bố chỉ hề hề cười cầu tài mà nhún nhún cái vai: không sao, không sao.  Vậy mà y như có phép thánh, bữa sau ông ta lên gặp các giới, ba hoa chích chòe gì đó là xuôi rót.
Tụi tôi được điều động nay làm công trình này mai sang công trình khác, khi thì xây móng, lúc thì lên tường.  Tụi tôi được dặn dò nếu ai có hỏi thì cứ nói thợ sắp ồ ạt đổ bộ lên.  Cả đám toàn là tay nang, bửa củi còn chưa vững, vậy mà bố tổ trưởng cứ đun chúng tôi đứng xây ráo.  Bọn tôi giăng dây lấy mực rồi cứ vậy thằng xây từ đầu này, thằng khởi từ đầu kia cho đến khi giáp với nhau.
Công việc dềnh dang còn hơn gạo sông công lính, cứ xây được dăm hàng là rủ nhau nghỉ.  Buồn tình thì làm tiếp, còn không thì nghỉ luôn.  Sở dĩ cả bọn lười như hủi cũng vì có được nuôi ăn đến nơi đến chốn đâu mà có sức. Bọn này có kêu um thì lão hàng xóm của tôi quẳng cho bao gạo là xong.  Thức ăn, gia vị là tự túc, tính sao thì tính.  Thậm chí đến cái xô xách nước cũng chẳng có, tay bạn của tên trung úy Đắc Nông phải rủ tôi đi ăn trộm xô cứu hỏa lúc đêm khuya.  Chôm được cái xô, hai thằng run bắt chết, về hối hả lo lấy sơn quệt thật nhiều lớp để che dấu cái màu đỏ đi, chứ không nó bắt được thì tẩn cho què cẳng.
Hồi đó, bọn tôi làm thì ít mà mắt mũi láo liên nhìn vườn tược người ta thì nhiều.  Luống bí đỏ nào vừa lơ thơ tơ liễu ra hoa vàng vàng là y như bữa sau bị vặt trộm, cả lũ đem về luộc hoặc xào làm món đưa cơm chứ biết sao.  Gia vị mặn cũng xin muối hột từ nhà dân, thậm chí họ làm khó không cho thì thượng sách là rình trộm.
Lán trại của bọn tôi nằm sát công an huyện.  Mấy tay “ cá “ đều biết mười mươi bọn tôi là “ ngụy “ hồi nao, nhưng nếu không thu dung thì cóc ai chịu lên cái đất khỉ ho cò gáy này làm mướn hết.  Cho nên, họ đành nán nhịn, họ chỉ thị chúng tôi đêm tối nghe có biến cứ đâu nằm chết dí đó, chớ có lò mò chạy loăng quăng mà lãnh thẹo sảng.
Nằm gần cơ quan điều tra cũng ớn ợn, lâu lâu lại thấy vài tay bị trói giật cánh khỉ đưa về đồn, xì xào là Fulro chi đó.  Rồi có đêm nghe lanh lảnh tiếng gỗ vụt và tiếng người la, cứ như ma thiên lãnh khảo tra, tim đập thình thịch.
Bọn tôi vốn toàn lũ hi sinh vợ con bò lên cái đất chó ăn đá gà ăn sỏi này nên thằng nào tối ngủ cũng thở dài.  Lại thêm lán là doanh trại của đơn vị truyền tin ngày trước, nghe đâu có lần bị úp hàng đống người chết chôn tập thể một hố.  Đêm nào ông già nhất bọn tôi cũng thắp hương xì xụp khấn oan hồn đồng đội phù hộ, đừng trêu ghẹo tội tụi tôi.  Vây mà không mấy đêm là không đứa này hoặc đứa kia bị đè, la ú ớ.  Có tay còn bị dựng ngồi lên kể vanh vách tên họ, cấp bực và khẩn nài xin bố thí vì đói lềnh khênh.
Nằm co ro với nhau, tụi tôi thở than dằng sặc.  Tay bạn của tên trung úy chắc là được tiểu di nhiều điều nên bặm trợn chửi vung xích chó lên: mẹ, đã là một lũ thất thế với nhau mà còn hành hạ nhau quá quắt.  Tiền công thì lờ, tiền chợ thì lơ còn tiền ướp ba cái hũ mắm thúi thì chi rẹt rẹt.
Số tiền mỗi thằng lận lưng cứ xà xẻn chi chút này chút kia héo hon dần.  Đã thế lại xảy ra đổi tiền bất chợt, tụi tôi bàn nhau túa ra xóm chợ xem bà/ông nào cần mượn người nhận đổi hộ thì kiếm chút cháo.  Nhưng chẳng có ma nào bặp vào, một phần không tin tưởng bọn tôi, một phần sợ bọn tôi làm ăng ten cho huyện để chộp mấy tay có của.
Ngày tháng trôi qua, tên nào tên ấy vêu vao hết cả.  Còn cái nạn đi kiết nữa chứ.  Trông bộ dạng tụi tôi đi dạng háng xà niểng, ai cũng bắt tức cười mà nước mắt dàn dụa ra.  Tôi lởn vởn đã thấy tiêu dên cuộc đời nơi cái đất Đức Lập thuở nao, giờ mang cái tên Dăkmil này.
Cuộc đời hẩm hiu, chúng tôi chẳng biết than với ai cả.  Lâu lâu có đám xe chở ngói, gạch, vật liệu về, chúng tôi chia nhau từ thợ xây, thợ vịn bất đắc dĩ thành phu khuân vác để kiếm tiền chi dụng.  Ngặt cái là công linh gì các bố đều lập thành bản thanh toán và trả cho chủ tổ hợp nên làm bằng chết mà tiền lão hàng xóm của tôi cũng hốt luôn.
Hồi đó, chúng tôi đang xây nhà làm việc cho công an huyện.  Biết là liều, nhưng chẳng thể làm khác hơn, chủ công trình vắng liên tục, công an cũng lơ là việc kiểm soát nên chúng tôi bấm nhau xà xẻn bớt xi măng để có tiền mua chút tôm chút tép hay con cá mớ rau cải thiện.  Cho nên tường xây cao cật lực nhưng nhiều vôi với cát hơn là chất keo xi măng.
Thiên bất dung gian sao mùa mưa cao nguyên chợt tới.  Mưa ào ào khốc liệt, đêm nằm nghe gió u u mà bạt cả hồn.  Tụi tôi đang mơ mơ màng màng thì uỳnh một tiếng như trời long đất lở, tụi tôi biết ngay là cái nhà làm việc bên đồn công an sụm rồi.  Bọn này nín khe, không dám thở mạnh, chỉ rủ rỉ với nhau chuyến này tổ trưởng đi đứt đuôi còn nòng nọc, tiêu dên tán thoòng.
Vậy mà rồi mọi việc cũng êm ru, mặt trận miền tây vẫn hoàn toàn yên tĩnh, bữa sau nghe thông tin công an huyện báo cáo đêm sét đánh tường xây bị đổ, huề.  Lúc ông tổ trưởng về, nhìn cái điệu ông hí hửng vò vò chót mũi, tụi tôi cất nón bái phục.
Còn cái hôm bọn Pol Pot kéo qua làm thịt mới kinh.  Chúng bắn tóe lửa, trường cháy bừng bừng, nhốn nháo bộ đội đánh nhau chí chóe, công an hô hào kêu gọi tụi tôi nằm yên.  Đạn veo véo trên đầu, thằng nào cũng lo không phải đầu phải tai, chết lãng xẹt.  Sáng ra, chiến trường coi quá thảm, nhà dân, trường học còn nghi ngút khói, đường đá lổn nhổn lính chạy.
Sau đợt đó, tôi là người tính chuyện vọt trước nhứt.  Dưới nhà báo lên việc bình bầu đi xây dựng vùng kinh tế đã tạm lắng, bà vợ ông hàng xóm lên thăm xẻn cho chút bột sắn dây để uống cầm cơn kiết dai dẳng.  Vợ tôi lại gởi cho tí tiền còm đi xe vì gần đến ngày giỗ mẹ tôi.
Với cái giấy chứng nhận công nhân viên (dổm), tôi dễ dàng mua được cái vé xe từ Dăkmil về lại xứ biển của mình.  Tôi đi không một lời quyến luyến, chỉ buồn cho đám cùng làm vẫn cứ phải nán lại ở đó.  Tiền lương tôi vẫn không có, tiền công bốc vác cũng mất toi, may mà còn bò được tới nhà.
Kỷ niệm đó đến nay đã mấy chục năm rồi, ông hàng xóm đã bán nhà đi chỗ khác, thỉnh thoảng vấn nhá tới thăm gia đình tôi.  Chẳng ai buồn nhắc lại chuyện mắc míu giữa nhau, vì coi như chuyện gì qua hãy để qua luôn cho được việc.  Ông em rể của lão tổ trưởng xây dựng cũng qua đời nên không ai còn phụ trách bản đồ xây cất cho ông nữa.  Tay trung úy ở Đắc Nông cũng đã qui tiên, còn công việc dựng xây giờ vốn là món béo bở, dễ kiếm ăn, nên mấy bố nhà nước phụ trách hết, ông bạn tôi khiêm nhường về mở cái máy xay xát nhỏ ở cái ấp hẻo lánh xứ biển.
Thế rồi việc làm ăn cũng ạch đụi, đất cằn lúa trồng không bao nhiêu, ông dẹp quách máy xay xát và lêu vêu sống được đâu hay đó.  Cuộc đời ba chìm, bảy nổi, chin lênh đênh, có cất công làm cho chúng ăn thì cuối cùng tay không vẫn hoàn tay trắng.  Để chi cho sứt mẻ cảm tình và nhất tiếng oán than chắc là còn lâu mới gột được.
Lắm khi nghĩ về một đoạn đường, tôi còn vẫn giật mình.  Làm gì hơn là cười mếu máo và hát lầm thầm câu đường trường xa… cho đỡ buồn, bạn nhỉ?
Đỗ Thành

Xem Tiếp: ----