Hồi này cô ấy càng nhìn càng thấy sút giảm người đi, đến nỗi tôi phải kêu lên: sao thế, em có đau ốm gì không mà nhan sắc tàn phai nhanh vậy. Cô ấy vẫn đáp cho tôi vững lòng: có gì đâu, anh, mẹ vừa mất, em chưa quen cảnh giã biệt nên thế thôi, chỉ ít lâu em lại như cũ thôi.Nghe thì nghe vậy, nhưng tôi vẫn không tin. Cô ấy trước đây đâu có vậy, nhí nha nhí nhảnh, bông giỡn cợt đùa. Vợ chồng tôi đã dăm mặt con mà ra đường cô vẫn như người son rỗi. Gặp ai cô cũng cười nói oang oang, tự nhiên quá mức. Thân sơ gì mà hễ có chuyện không vừa ý là cô phản ứng mạnh bạo ngay.Cô lại có chân trong một thi văn đoàn nào đó, nghe ở đâu có họp mặt là cô đều tham dự. Tôi vốn i tờ cái khoản này nên lúc nào cũng ơ hờ, cô ấy phải giục mãi tôi mới đi dự cho phải phép. Cô bảo: có vợ có chồng, đi đâu em cũng muốn có anh theo, kẻo người ta lại đặt điều em với anh sống cảnh ông chẳng bà chuộc.Tôi bảo cô: anh có biết chữ nghĩa văn chương gì đâu mà tham dự. Đến đó nghệt mặt ra, trông buồn chết, người ta đem văn chương ra bàn luận, anh mù tịt thì còn ra nông nỗi gì. Nhưng cô ấy một hai bảo không sợ, có gì cô ấy đỡ cho.Đến nơi, cô ào ào như gió, lăn xả vào khắp chỗ, ghé nói chuyện người này một tí, lại đá gà sang người nọ một tẹo. Nhiều người biết cô, hâm mộ văn cô cũng có mà đề cập đến buổi họp nọ họp kia cũng có, khiến tôi luôn như rơi vào cái khoản dư thừa.Cô là phụ nữ mà hành động chẳng khác nam nhi. Cô nhắc đến một lần nào đó với khách, về một ứng xử nào đó trong buổi họp cộng đồng, rồi chả rõ hai người nói năng ra sao, cô hoạch toẹt tước ngay luôn cái clip huy hiệu trên vạt áo của ông ta. Mồm năm miệng mười, cô ta bảo: anh thụ động thế thì không xứng đáng đeo cái huy hiệu màu cờ này. Làm ông khách chưng hửng và hơi bẽ mặt cứ phải nhũn như con chi chi để cô trả lại cái huy hiệu.Thấy vậy, tôi chờ ông khách đi xa, tôi bảo cô ta: em xấn xổ quá, giữa chốn đông người, em làm vậy ông ta còn mặt mũi nào nữa. Cô ấy nhún nhảy: tính em phải dứt khoát, hoạt động cho cộng đồng là lập trường phải vững, choi choi là em cóc chịu được.Tâm tính cô ấy vốn thế, nóng cứ như Trương Phi, ào ào như các đấng nam nhi. Chỉ có ở gia đình là cô hiền và nhu đúng là bà vợ và bà mẹ. Cô dung dăng dung dẻ như thế khắp, ai mời cũng đến, ai quyến cũng đi, dường như sự hiện diện của cô cần thiết để cô bắt mạch đúng chân tướng của cộng đồng đang đi lên hay đi xuống vậy.Đi bên cạnh cô thét, đâm ra ai cũng quen mặt. Ai cũng hiểu tôi là ông xã của cô, nhưng tôi thì tôi lại thấy mình là cái rơ moóc lẳng nhẳng quẩn bên chân cô vậy. Kể ra có người vợ viết văn cũng thích, vô hình chung cũng tá ơm mưa móc chuyện viết lách văn chương. Người ta thì góp vô, còn tôi cứ lẳng lặng mà nghe để học hỏi.Dạo ấy, trông thấy cô lúc nào cũng nhởn nhơ phơi phới, tôi đã nghĩ còn lâu nhan sắc của cô mới chớm hồi tàn tạ. Cô không thuộc vào phái cực đẹp, nhưng dưới mắt tôi cô pơ phếch hết ý. Tóc cô mềm và lượn sóng như áng mây, mặt lúc nào cũng tươi hơn hớn, chưa nói đã cười, môi mọng hồng như hoa hàm tiếu.Bọn nhỏ bênh mẹ vẫn hay trêu tôi: bố may mà vớ được mẹ, chứ không thì chắc chẳng ai nhìn đến. Tôi chưa kịp nạt đe đám nhóc thì bà xã đã la bọn chúng: tụi mày không được hỗn với bố, mẹ về với nhà này là phúc lắm rồi, con nít con nôi nói bậy. Tôi thầm cám ơn cô.Vậy mà hôm cô nhận tin mẹ đau, người cô điếng đi một lúc. Cô khều khào thở ngắn than dài, luôn miệng lẩm bẩm: chết chết, thế này thì làm sao đây. Bà cụ ở với cô em tại một tiểu bang khác, cô loăng quăng đi ra đi vào. Tôi phải bảo: em làm gì rối beng lên thế, thì phóng ngay về xem mẹ ra sao, để bọn nhóc đây anh lo.Cô ấy ngần ngừ chưa chịu. Tôi phải kéo cô ra ngay quầy giao dịch vé, mua luôn chuyến bay để cô không từ chối. Buổi tối, sau khi cơm nước xong, tôi hối lũ trẻ thu bát đĩa vào sink, miệng bảo: để đó, bố về rửa sau và cả nhà hộ tống cô ấy ra phi trường cho kịp.Gà mẹ vừa đi vắng là lũ gà con nhao nhao, đứa bảo nhớ, đứa bảo quen ngủ với mẹ, giờ nằm chèo queo chán chết. Tụi nó làm tôi cũng bâng khuâng ngớ ngẩn lây. Đâu khoảng sau nửa đêm thì điện thoại dựng tôi dậy, tiếng cô hổn ha hổn hển: em vừa về tới mẹ, bọn nhóc ngủ chưa, em nhớ chúng nó quá. Tôi nghe sóng u u, mãi mãi mới nghe cô lí nhí: em cũng nhớ anh nữa. Tôi điếng cả người.Không hôm nào cô ấy không gọi về, ít là một lần hoặc nhiều nữa. Kể vanh vách bệnh trạng bà cụ và tỏ sự nôn nóng đòi về. Tôi nạt ngang: em đừng có vớ vẩn, lâu lâu mới về gần mẹ, em phải ở đến khi mẹ khỏe mới được. Đừng bỏ về mà mẹ giận, mà anh cũng không ưng. Cô ấy kể lể mối lo bọn nhỏ được tôi nuôi sật sờ e giảm cân hoặc sút người hết. Tính cô vốn thế, nhưng tôi phải nói mạnh để cô khỏi lo chuyện không đâu.Ấy thế mà bệnh trạng bà cụ bỗng dưng thành chuyện ngặt. Tôi ở nhà sốt ruột ghê gớm, như có ai châm chích, nhắc nhở tôi. Khi cô gọi về, chưa chi đã nghe cô òa khóc như ai đổ xòa đống cát cao vút vậy. Tôi hoảng hồn gắt: chuyện gì, chuyện gì? Cô càng khóc toáng lên và bù lu bù loa kêu: mẹ mất rồi.Cha con tôi lại một phen thu vén lái xe đi ngay. Tang ma xong, trông cô không còn ra thể thống gì hết. Người cô mềm oặt như muốn đổ, tóc tai rũ rượi, mắt thâm quầng, môi héo, mặt rũ ra. Tôi phải lưu ý: mẹ mất thì yên phận rồi, còn em cũng nên thận trọng giữ gìn sức khỏe. Đừng âu sầu mà quị ra đó lại gây vạ thêm.Cô ừ ào cho qua, nhưng tôi biết rất khó vì cô quí bà cụ nhất. Cô tự xỉ vả mình: cứ hẹn lần hẹn lữa về sống gần cụ mà giăng giăng giở giở mãi không xong, giờ cụ mất mới biết là đại bất hiếu.Cô trở nên ít nói, ít cười, cả ngày lầm lì héo hắt. Tôi gạ đưa mẹ con đi nơi này nơi khác cho cô khuây khỏa, nhưng cô không nghe. Tôi cố tỏ ra chân chỉ để cô vui lòng, buổi tối nằm cạnh nhau, cô hết thở dài lại thở ngắn. Tôi có cáu bẳn thì cô khéo léo xí xóa rất nhanh khiến tôi phải khẩu phục, tâm phục.Thế nhưng, một lần, đứng nhìn cô chải đầu, tôi choáng người khi thấy mớ đuôi tóc bên trán phải của cô bạc trắng cả. Tôi nghĩ đó không còn những sợi tóc mềm tơ óng muột mà như ai đang ghép một dúm bông gòn vào. Tôi hốt hoảng nói với nàng: chết, chết, sao tóc em nhuốm bạc dữ vậy.Cô ngước trông vẻ sầu thảm, ấp úng gì đó lại thôi. Tôi phải giở trò nói dỗi: anh đã bảo mà em không nghe, cứ khăng khăng ủ ấp nỗi đau trong lòng. Anh hỏi em dù có buồn nẫu ruột ra, liệu mẹ có sống lại không. Còn em làm cho cả nhà lây điều phiền não, em nghĩ em có nằm quay ra đó thì lũ nhóc và anh chắc vui lắm hẳn.Nàng chẳng đôi co gì mà chỉ luôn mồm một hai xin lỗi tôi. Và cô ấy lôi hết đứa này đến đứa khác ôm chặt vào lòng, miệng liến thoắng: con của mẹ, tội con của mẹ. Sau này, nàng vẫn lai rai đi dự các buổi sinh hoạt văn nghệ nhưng nín khe. Nàng lảng vảng vòng ngoài, ai chào thì cô cười gượng gúc gúc cái đầu đáp lễ. Chẳng thấy cô ào ào như trước, thậm chí những bài phát biểu cô đều nghe tiếng được tiếng mất và nhanh nhanh rút dù, đòi về vì mệt.Có lẽ mọi người đều nhận ra sự khác lạ này nơi cô, song cũng có lẽ người ta tôn trọng niềm đau mất mẹ còn mới quá nên ai cũng tránh đề cập với cô về tâm trạng trên. Tuy nhiên, điều không ai nói ra đều âm thầm công nhận là nhan sắc con người vốn mỏng manh và vô thường, chẳng ai lường được còn giữ đến bao lâu giữa cuộc đời có có không không này.Huân Long