Tàu Saigon phải đến khoảng 4 giờ sáng mới về tới ga, nhưng xóm thì rậm rịch thức suốt.  Những người có ăn chịu với đoàn tàu như nghề ba gác, bốc vác, bán thức ăn cho khách đi tàu hay dân đón lõng ém hàng cho tay buôn tàu chuyến thức chờ tàu đã đành, đằng này cả những người chẳng có chút liên quan gì đoàn tàu cũng thức dài cả người.
Tiếng động chẳng bao giờ dứt.  Máy hát, đài, TV, tiếng thìa khua, tiếng nói chuyện, ồn ồn suốt buổi, nhà nào cũng tranh mở to hết cỡ để át giọng nhau, có khi cũng chẳng ai xem nhưng cứ mở để đó, ý chừng khoe của.  Trẻ con đùa vui chí chóe, chơi chán thì đánh nhau, nhà này bênh con chửi thóa mạ nhà khác.  Ấy vậy sang bữa sau là chúng quên tuốt, cứ như chó với mèo, bọn nít giận lẫy nhưng chúng không bỏ nhau nổi, các bà má cũng đành lơ vì “ nếu cấm thì tụi nó biết chơi với ai “.
Dân xóm làm đủ nghề, người chạy chợ, người bán buôn theo đoàn tàu, người nhận chân  dấu hàng kiêm luôn di chuyển đến nơi đã hẹn cho khách kiếm chút tiền công, đều tập trung hết về đây.  Một số khác đi làm công nhân nhà máy sợi, xoay vần theo ca, mấy giờ đứng máy về mệt bã người, cũng không ngủ nghê gì được, nên người nào người ấy gầy như con mắm, kháo nhau: “ lên xe ngủ xật xừ, đã luôn “.
Xóm ga nào cũng vậy, dân tứ chiếng giang hồ kéo về rất đông.  Họ sống bằng đủ thứ nghề, hợp pháp có, bất hợp pháp có, thậm chí kể cả nghề bán trôn nuôi miệng.  Ban ngày ban mặt, trông cái xóm loe hoe, nhưng tối đến lỉnh ca lỉnh kỉnh đủ thứ chuyện
Có nhà mở cái quán nho nhỏ ngay tại chỗ, khách đến uống đấu láo lia chia, bán giáp vòng ngày này sang ngày tháng không nghỉ.  Bán từ con khô mực tới dĩa củ kiệu, xen dăm chai bia làm lậu, hay thứ rượu “ ông già chống gây “.  Mấy tay con Ngọc hoàng biết mười mươi thứ rượu này có pha Mytox để chất nước thiệt trong và dậy mùi quyến rũ.  Họ thường kháo nhau “ uống vô có ngày lủng ruột “ mà có cha nào chừa nổi.  Mấy cha ngồi lai rai, tán phét đủ thứ, không “ dzô, dzô “ thì cũng “ lì một lam” cho tới khi quắc cần câu, nằm ăn vạ tại chỗ, hoặc lết mãi mới tới nhà.
Vợ con mè nheo riết thét cũng thua.  Các bà lo dấu tiền để còn lo nuôi bầy con đẻ năm một, nhưng mấy cha lưu linh nào có kể, về lần lưng lận túi không có là đánh đập mạnh tay.  Cái ông tổ tưởng đến mệt vì đi phân xử ba cái chuyện tào lao suốt ngày.  Hòa giải, khuyên can, cha nào cũng ừ ừ gật gù xin nghe, nhưng ổng vừa bước ra khỏi ngõ thì đã nghe hự hự, người chồng đập chị vợ “ tại sao mày dám đi mét chả “.
Tội nhứt là cái nhà ga với mấy tay công an đường sắt, công an khu vực.  Dân mượn lối tắt qua lại đã đành, còn phóng uế tùm lum suốt từ đầu ghi đến cuối bãi, học tập kiểm điểm thì thầy đổ bóng, bóng đổ thầy, bù trớt.  Lại nữa, địa bàn nằm giữa hai ba phường nên chả ai có trách nhiệm thiệt sự rõ ràng, dân dễ đổ hô cho nhau để chạy tội.
Ngày đầu tiên, gia đình tôi nhập về làm dân xóm ga, tôi tưởng là không ở lâu nổi.  Gì mà đời sống bê tha quá, người ta chích choác đành rành, mua bán thuốc hít tự nhiên như là món hàng hợp pháp.  Bởi khi tôi tốt nghiệp trường cải tạo về thì nhà cửa không còn gì hết, bà xã mằn mò tìm ra được cái xó ở sau ga, nên tôi theo chưn nàng về đây.  Cuộc đời tôi bây giờ thuộc về xã hội quản lý, vợ con giáo dục nên bả dắt đâu tôi theo đó cho yên việc.
Nhưng bọn nhóc không ưng vậy, tụi trầm trồ chọc má nó: cha, má giờ làm lớn, chỉ huy ba rụp rụp, dìa đây coi bộ phẻ nhe.  Muốn du lịch, thót lên tàu là đi liền.  Hồi đó, mua được cái vé tàu trầy da tróc vẩy, công nhân viên đi công tác còn chờ dài cả cổ.  Vậy mà đám “ cò “ trong xóm can thiệp là xong ngay, muốn hạng nào cũng có, muốn toa nào cũng xong.  Dân bộ đội về phép hay mấy tay trốn vợ đi công tác với bồ muốn cho xong nên bỏ thêm tí tiền đi cho nhanh, kẻo dây dưa bà cả ra nắm đầu thì khốn.  Thành ra dân xóm luôn có đồng ra đồng vào để nướng vô rượu chè, bài bạc hay chích phê cho đã.
Thấy căn nhà nằm sát đường tàu, cái mái gianh thập thò ló ra ngoài, tôi đã nghĩ bữa nào con tàu hơi lắc lư chắc cũng làm sạt đi một mảng, thế nhưng giữa chuyện ở lùi xùi này so với sự đi kinh tế mới thì chắc là nơi đây vẫn thần tiên hơn.  Tuy vậy, tôi cũng phải đe nẹt bọn nhỏ: tụi bay có chơi ráng mà lẩn quẩn trong nhà, đừng rượt nhau thọt ra ngoài, lỡ tàu trờ tới cán thì uổng mạng, chớ hổng đền ai được.  Bà xã nghe tôi phán như đọc lệnh hành quân nên túm tím cười khen: ông cũng còn ra dáng chỉ huy đó chớ.
Về đây thất nghiệp ăn bám vợ, tôi nhột nhạt vô cùng.  Mấy lần xách đơn ra phường chứng nhận để đi xin việc đều được nói khéo là chú mới dìa, nghỉ đã, lo chi vội.  Tối nằm, tàu qua cà xịch cà xạc, tôi rúc vô bà xã để đưa kiến nghị ra làm chân ba gác, bả tưởng tôi rọ rẹ nọ kia, nên đuổi xua nguây nguẩy, chừng thấy tôi lỏn lẻn yêu cầu thì bả đâm thương mới chết.  Bả tình tứ ôm đầu tóc tôi xoa như xoa trẻ rồi hạ giọng xề khuyên tôi đừng chọn nghề đó “ anh làm hổng nổi đâu, cố đạp tới lúc lòi rom ra, tui lại khổ “.
Gặp thằng bạn đứng buôn nước bọt đầu chợ, đãi cho tách cà phê rồi òn ỉ rủ rê: cậu về nói bà xã rồi ra đây đứng với tớ.  Ai mua gì mình chạy, bán chuyền tay kiếm tí tiền còm, cũng hay lắm.  Tôi lại về tỉ tê với má sắp nhỏ, nhưng bả không nghe.  Bà la: chèn ơi, anh không thấy trên ga họ yết bảng tùm lum mấy tay phe phẩy đứng chợ.  Họ làm như tội phạm ăn cướp không bằng, bắt đeo bảng họ tên và mang số như tù, chắc anh cũng muốn như vậy hả.
Tôi lại thụt ý kiến.  Ở nhà lu bù, tay chưn như có kiến bò rần rần khó chịu.  Đêm cỡ 4 giờ tàu lại rầm rập chạy qua, nghe lao xao thấy tổ, cà khịa lết vô thì bà xã cứ đừng mà, đừng mà, làm tôi cụt hứng luôn.  Giờ giấc tàu thiệt là mắc dịch, thế mới biết các ga khác tàu qua sớm có đâu mà con nít sanh lu bù.  Còn ở đây, lũ trẻ đâu mà lúc nhúc như chuột, đẻ thì dữ mà số được cho đến trường thì vắng làm sao.
Có một dạo dân xóm ga nháo lên vì lời hăm he sắp ngăn rào không cho người mượn đường qua lại.  Ai cũng rì rầm than bọng với trời.  Tôi bỗng làm tay “ tiên tri “ khơi khơi, tôi nói với bà xã: má mày sao lo hão, mấy ông hù vậy thôi, chớ tiền đâu mà giăng hàng rào kín cái ga hổng biết.  Ló đồng nào mấy tía chia nhau sạch, còn đâu rào với ngăn.  Họa may có chờ Mỹ trở qua lại thì mới làm nổi.
Nói xong tôi mới thấy hớ.  Lỡ tai vách mạch rừng, tay nào nghe được, họ bắt đi học lại thấy tổ.  Còn bà vợ thì lấm la lấm lét dòm tới dòm lui, bịt chặt miệng tôi lại, khuyên can: ông đừng ra đường thấy điều chướng tai gai mắt mà nói năng bất tử, bộ ông chưa tởn hả.
Tôi nghe cũng bắt ớn, nhuệ khí đâu bay tiêu dên hết trọi.  Nhưng mà cũng mặc cảm chớ bộ, làm thân nam nhi mà cứ trông vào vợ kiếm tiền thì còn ra thể thống gì.  Cũng may bả nhanh chưn khéo tay nên lọt luồn chưa hề bị ai hăm he, chớ không, chắc cảnh nhà tang thương dữ.
Bọn nhóc ngày một lớn dần.  Thằng nào cũng ê a vài chữ là nghỉ ở nhà.  Vì hết tiền học phí, lại phải đóng góp xây dựng trường, xây dựng lớp, rôi cả ngày lang thang làm kế hoạch nhỏ đi lượm ve chai, giấy vụn, lon nhựa, ni lông, để gom đem nộp lớp, má nó chạy hết nổi nên cho quách ở nhà, tôi lãnh cái chân thày dạy thế.  Sách không có, vở thì không, cha con ngồi phệt luôn xuống nền đất trong nhà, dùng cái que vẽ chữ mà truyền bá cho nhau chút kiến thức nghèo nàn.
Dân xóm ga tiếng là bặm trợn, nhưng có ở gần mới hay cũng có nhiều tấm lòng vàng.  Có lần tôi nghe kể mấy tay chôm chỉa nói chuyện với nhau, đứa thì khoe mới tha cho một bà đi nuôi chồng cải tạo mà bất nhơn ngồi thu lu chỗ vắng.  Hắn định khoắng mớ tay nải của bả, nhưng bất ngờ nghe bà than tình cảnh chồng, nên hắn lại ân cần chỉ bà ra chỗ sáng để tránh bị trấn lột.
Một tay khác ráo hoảnh khoe gặp một chị đi buôn, hắn đến gạ khuân vác hàng cho chị, chị không ưng.  Nó ghét đã định khoắng sạch một mẻ  cho tởn.  Nhưng rồi chị thở ngắn than dài là mấy ngày rồi chưa về tới nhà, hổng rõ bọn nhỏ sống ra sao.  Hắn bỗng ra tay nghĩa hiệp vác hộ hàng lên toa miễn phí, còn chúc chị đi đường bình an, thoát được quản lý thị trường.
Tôi nghe mà cứ tưởng chuyện trên trời dưới đất, hoặc chuyện cổ tích hồi xưa.  Có sống ở xóm ga mới thấy hết bề trái bề phải, chớ hồi còn ở ngoài cứ nghe tới hai chữ xóm đề pô xe kửa là thun vai rụt cánh.
Sau này có cơ hội được đi định cư nước ngoài, đôi khi sực nhớ thời gian ở xóm cũ, tôi thấy lẫn lộn những tình cảm bâng khuâng.  Mong một ngày nào được về thăm lại chốn xưa để xem căn nhà tôi ở giờ thế nào.  Nhất là để tìm hiểu xem con người ở vùng xóm ga ai còn ai mất, liệu có nhặt nhạnh thêm được một vài hình ảnh đẹp nào nữa chăng?
Thật tình mà nói, bến xe, bến cảng hay vòng quanh địa bàn ga nơi nào cũng vậy, dù là ở nước văn minh, vẫn có những tay bắt địa hoặc trộm vặt như nhau.  Thế nhưng gọi được là một nơi đầy đủ màu sắc, hĩ nộ ái ố, xen giặm vừa sự nhẫn tâm lẫn lòng hào hiệp thì chắc không đâu bằng mảnh đất xóm ga ở nước mình.  Có thể tôi quá chủ quan, nhưng chắc chắn là chưa có nơi nao mà sự đổi đời chóng vánh và tàn nhẫn đến vậy.  Nó xới tung lên tất cả mọi nếp sống của con người, ông hóa thằng, thằng hóa ông, bát nháo, lộn xộn, vỡ tung hết thảy.
Sau này tôi có nghe loáng thoáng người ta dọn dẹp nhiều, nhưng tôi tin không bao giờ chấm dứt hết cuộc sống như những ngày tôi đã ở.  Dường như con người đã bị dìm xuống tận cùng tần số thì họ hết còn biết sợ nữa.  Họ coi nhẹ mạng sống họ, thản nhiên đi vào sự luông tuồng vì họ nghĩ trước sau gì cũng chết, thành ra mới coi thường và phí phạm thể xác như không.
Nghĩ như vậy, tôi càng ước được một lần trở về, hòa mình vào với xóm ga chẳng còn ranh giới giữa năm tháng, hoặc ban ngày ban đêm gì cả.  Nhất là được nằm lại một đêm bên đường tàu chờ chuyến xe 4 giờ sáng để nhớ xem mình đã làm gì, nghĩ gì.
Đỗ Thành
 

Xem Tiếp: ----