Điệp vừa dọn bàn định đóng cửa thì Huy ào tới như một cơn lốc. Những ngọn đèn bất giác chao nhòe một thoáng rồi sáng bùng lên. Chết nỗi, khuya khoắt thế này, anh ấy còn đến làm gì? Không để ý đến vẻ lúng túng của Điệp, Huy thản nhiên kéo ghế ngồi, lườm lườm về phía ánh trăng đang cúi nhìn anh qua song cửa sổ.
Điệp mang ra đặt trước mặt Huy một chai rượu trắng bé tí, một đôi đũa tre gác lên chiếc đĩa con đựng dưa kiệu trắng, một chén mắm ớt vừa nhìn đã cay xè. Huy ngó qua một lượt, buột miệng:
- Giá có thứ gì nong nóng nhỉ?
Điệp đón ý, hí húi vo gạo, nhen lửa. Nàng nhặt hai quả trứng trong cái sảo mây cũ kỹ, múc một muổng mắm ruốc sang chiếc chén đất, đập trứng vào, gia vị hành, tiêu, ớt rồi đánh bồng lên. Tiếng muỗng va lanh canh vào thành chén như hồi âm của một nỗi sốt ruột khó tả. Mười phút sau, cơm sôi lục bục. Điệp mở vung, đặt chén mắm trứng vào giữa nồi cơm rồi đậy lại.
Từ những ngày đông ảm đạm của năm cũ, Huy bắt đầu trở thành khách của nàng. Dù lúc quán đông nghịt hay thưa thớt đôi người, anh luôn đợi đúng lúc để chào nàng, vừa đủ thông báo về sự hiện diện hay từ biệt của anh tại cái nơi nàng là nữ chủ. Và với con mắt một nữ chủ, nàng kín đáo quan sát Huy. Một anh chàng cao gầy, gân guốc, ăn mặc tuềnh toàng. Anh ta hay nhìn trộm nàng, nàng biết. Nhưng chưa bao giờ Huy buông lời chòng gẹo nàng, dù anh ta có thừa khả năng để đùa cợt một cách duyên dáng thâm trầm hơn vô khối đàn ông đã đến ăn nhậu ngả ngớn giữa quán này, điều này nàng cũng biết, bằng vào giác quan thứ sáu của phụ nữ nói chung và sự nhạy cảm đặc biệt của riêng nàng. Giữa mớ thực khách sôi động hỗn tạp, bảo rằng Huy nổi bật lên hay bị chìm lấp đi đều đúng, bởi cái dáng anh ngồi bên ly rượu buổi chiều không ra đắm đuối cũng không ra thờ ơ, bởi sự im lặng lạ lùng nơi anh dường như được chắt lọc qua hàng ngàn cảm giác. Cách ăn nói đối đáp giữa Huy với người khác mà nàng nghe được thường khiến cho nàng buồn cười vì nó hơi lạc điệu giữa đám dân ăn núi nằm rừng, đồng thời nàng cũng thầm khó chịu nhận thấy so với anh ta, mình là một kẻ bừa bãi, đốp chát, lơi lả quá trớn. Anh ta là mầu xám trắng tỉnh táo làm hiện rõ nàng với mầu đỏ bầm thác loạn. Đôi lần nàng bắt gặp anh nhìn nàng qua gam mầu như thế, đôi mắt anh thảng thốt như tiếng kêu. ánh nhìn đó làm nàng bực bội. Tiếng cười nàng càng lẳng lơ, mà nàng càng tình tứ, và thân thể nàng càng cố tình đong đưa, va chạm vào lũ đàn ông đang hy vọng biến nàng thành rượu. Kệ xác anh ta, Điệp nhủ, nhưng nàng lại bắt gặp mình hay nghĩ đến Huy.
Huy là ai? Sống bằng gì? Công việc có vẻ lãng mạn, vô tích sự. Mấy tiếng người sưu tầm mà anh miễn cưỡng nói về mình không gợi lên nơi Điệp một ý niệm gì cho ra hồn. Anh ta và cái giá vẽ lạc loài giữa chốn hỗn mang này. Hay anh ta là cớm chìm đang điều tra một đối tượng nào đó lẩn tránh ở đây. Nếu vậy, anh ta hẳn nắm trong tay hàng trăm bộ hồ sơ, hàng trăm câu chuyện ngoắt nghéo. Anh ta biết gì về nàng? Mà biết thì đã sao? Nàng chẳng làm gì nên tội. Nàng chỉ có những nỗi buồn và muốn quên, thế thôi. Nỗi buồn của nàng như những lọn chỉ phai mầu, ép sâu vào đáy tráp của một người đàn bà từ lâu bỏ dãi chuyện thêu thùa, nó chẳng liên quan gì đến ai, kể cả anh ta.
Huy vẫn thường xuất hiện một mình, không mấy khi có bạn đi cùng, ngoại trừ một người đàn bà cùng đi với anh lên đây độ cuối xuân mà vừa thoáng thấy chị ta, Điệp đã vội vàng lánh mặt. Đó là Châu. Châu có nhận ra nàng không? Châu đến đây làm gì? Chị ta quan hệ thế nào với Huy? Qua một vài đàn em tâm phúc, nàng biết Huy đưa Châu lên viếng một cô giao liên tên Miên trước kia hy sinh ở vùng này.
Thoát được Châu, Điệp cư xử với Huy khác trước, bớt khiêu khích và đằm thắm hơn. Bẵng đi vài hôm không gặp Huy, tuy quán vẫn đông, vẫn rôm rả, song nàng lại thấy thiêu thiếu một cái gì. Dường như chất trầm tĩnh của anh đối ngẫu với sự bề bộn náo động xung quanh. Khi Huy trở lại bao vây nàng trong ánh nhìn thiêu đốt lặng lẽ, trái tim nàng không ngừng ngân nga. ở rẻo đất toàn dân tứ chiếng, nơi không một ai biết tường tận lai lịch nàng, nàng có sợ gì mà không túm tóc một đấng mày râu nào đó và biến hắn ta thành nô lệ của nàng. Song nàng đã không làm thế. Nàng chỉ mong muốn được hiến mình cho cái mà người ta gọi là tình yêu đích thực. Biết bao ngày nàng thả nỗi mơ màng của mình phơ phất trong không gian.
Huy đã rời mắt khỏi ánh trăng từ lúc nào, anh lặng lẽ ngắm Điệp. Mái tóc cặp sau gáy không ép được những lọn sóng bồng bềnh luôn chực ùa ra mơn man tấm lưng chắc lẳn, mơn man đôi tay tròn với nước da bồ quân. Mái tóc ấy giờ đây đang ánh lên một mầu nâu hoe vàng mê hoặc dưới ánh sáng của ngọn đèn treo. Dường như Điệp có một nỗi u sầu thầm kín, nó tương phản với sự nồng cháy tỏa ra từ thân thể nàng, và cả hai, nỗi u sầu lẫn vẻ đẹp đầy khao khát kia cứ xô đẩy lẫn nhau trong từng tế bào của người phụ nữ đang xuân ấy khiến Huy không nguôi mong muốn khám phá. Hãy thử xem nào, nàng chẳng qua là một Các-men cô đơn thôi mà, có điều nàng khôn ngoan hơn, nghề buôn bán đã mang lại cho nàng ít nhiều mánh khóe để đong đếm với đời. Đôi môi dày hơi trễ rất ăn ý với cặp mắt ngó xuống buồn buồn khi nàng bận nghĩ ngợi gì, đã hơn một lần thắp lên trong Huy ý định sẽ đem đời mình làm chỗ dựa vững chãi cho nàng. ý định ấy của Huy lẽ ra ngày càng chắc chắn, nếu không luôn luôn xảy ra một điều gì đó kéo nàng khỏi sự đăm chiêu, đồng thời làm vẻ nũng nịu dễ thương biến tan thành khói. Chỉ cần một tiếng dặng hắng hoặc cái búng tay gọi bia của khách là nàng sực tỉnh ngay, ánh mắt mới u hoài đấy vừa đánh lên là bật ra vẻ lẳng lơ khó tả. Nàng đứng dậy, vai rướn tới trước, mông mẩy ra sau, mớ tóc kẹp sau ót như một ngọn phất trần mầu hung đã bung lên, tất cả rung rinh, tràn đầy, vừa khêu gợi vừa thách thức trong nhịp đi uyển chuyển, trong cái cười nửa miệng, trong ánh mắt không thèm đậu vào một thằng đàn ông nào. Không một thằng đàn ông nào ư? Mà sao nàng cứ cuồn cuộn trước đàn ông thiên hạ như lửa gặp gió lớn, như nước gặp mưa to? Huy vừa thích thú vừa khổ sở tự hỏi, câu hỏi ấy đeo đẳng anh nhiều đêm, nhiều ngày, khi anh ở xa nàng, cả khi anh ở gần nàng.
Chỉ có hai người trong quán vắng tênh, với những ngọn đèn dầu lay lắt. Nàng ngồi nghiêng bên bếp thổi cơm chưng mắm. Mắt nàng xa xăm, môi nàng phụng phịu trong một hồi ức riêng tư nào, hay là nàng hoàn toàn không nghĩ ngợi gì. Lòng Huy trào lên một nỗi ngọt ngào, ngọt ngào đến độ anh không thể tiếp tục ngồi im dán mắt vào nàng, trong khi mùi mắm chưng bắt đầu dậy lên, báo hiệu sự thấm quyện đượm đà của rất nhiều hương vị.
Điệp mở vung nheo mắt nhìn mặt trứng tươi hồng vun lên tựa mặt trăng và nhón tay cất chén mắm ra khỏi nồi. Nàng đưa mấy đầu ngón tay bóp vào dái tai xuýt xoa vì nóng, rồi liếc về phía chiếc bàn kê sát cửa sổ. Không còn Huy ở đấy nữa. Ngọn đèn nhỏ trên bàn đã tắt. ánh trăng tiếc rẻ nhìn xuống chai rượu trắng còn nguyên.
Anh chàng quái gở ấy đã im lìm biến khỏi ngôi quán như một con mèo. Điệp ngó quanh quất và đinh ninh Huy vẫn còn đâu đấy. Nàng lên tiếng kêu, nhưng không ai đáp lại. Nàng lại kêu to hơn, hơi dằn dỗi vì sự đùa dai của anh ta. Nhưng chỉ có gió, gió thổi tắt thêm một ngọn đèn và phần phật lay động bóng đêm. Rõ đồ dở hơi - nàng vừa mắng thầm vừa tủi thân đóng cửa.
°
Nhìn chung là rách, không chính xác. Nhìn chung là hâm, không chính xác.
Nhìn chung là cù lần, càng không chính xác. Mấy gã đàn em của Điệp bình Huy như thế khi chúng nó hứng chí xé khô nai luận anh hùng. Vừa tranh cãi chí chóe, chúng vừa ranh mãnh liếc nàng. "Nhìn chung gì mà lắm thế? Theo chị bay nhìn riêng thì anh chàng lập dị và hèn" - nàng đế vào. "Chị nhầm - Một thằng ốm như cái que nói - Bọn địu khét tiếng sơn khê mà sợ ông Huy một phép. Tụi nó tranh chấp ẩu đả nhau bể trời, nhưng nhác thấy ổng là êm như cái nhíp liền". Thằng mập tán theo: "Em đã mục kích địu phia (°) Ba Lự tôn kính ông Huy sem sem như em tôn kính chị, tưởng bở!". "Thét lác!" - Điệp mắng yêu. "Thiệt mà, ngay như chị..." - Nó nháy mắt tinh quái. Điệp đỏ mặt:
"Tao làm sao thằng ranh?" - "Thì có bà con đây làm chứng - nó chỉ mấy đứa bạn nhậu - bữa nào ông không ghé là hở đâu nhăn đó, giận cá chém thớt, thấy ông là làm mặt tỉnh nhưng trong bụng rộn ràng chuyện tình Lan và Điệp, héng tụi mày?". Cả bọn rộ lên cười. Nàng véo tai thằng đàn em lanh lảu, nghe thức dậy nỗi e thẹn lạ lùng.
Người đàn ông to lớn ngồi riêng bàn cạnh cửa ra vào đưa tay quệt tăm rượu dính trên bộ ria kẽm bước tới chỗ bọn Điệp đang túm tụm. Họ lập tức nhận ra Tám Ria, tay lái xe cự phách của xí nghiệp khai thác gỗ xuất khẩu, một trong những con ngựa thần dày dạn đường trường.
- Cho tôi vô duyên xen vào câu chuyện các vị một chút. Trước kia, hồi tôi chưa chuyển về xí nghiệp, tôi và tất cả hành khách trên chuyến xe hàng chạy tuyến Buôn Ma Thuột - Nghĩa Bình đã thọ ơn ông Huy, họa sĩ Huy mà các vị đang nói tới ấy. Cả bọn ăn trầm cũng được ổng cứu mạng.
Bọn đàn em thích hóng chuyện của Điệp xích gần lại và kéo ghế mời Tám Ria ngồi. Anh ta dừng một chút như để hình dung lại sự việc. Điệp đứng dậy về chỗ của nàng sau quầy, nhưng tai nàng không bỏ sót nửa lời thoát ra từ dưới bộ ria kẽm đen của tay lái xe vạm vỡ.
- Vào độ giáp Tết tám mốt, xe tôi chạy chuyến cuối ngày xuất phát từ Buôn Ma Thuột. Suốt cả buổi chiều, tôi đấu tranh với ban điều độ cho gác chuyến lại đến mờ sáng hôm sau, thậm chí khởi hành từ ba giờ sáng tôi cũng sẵn sàng, miễn là đi đường rừng vào ban ngày. Vì sao vậy? Vì vào thời gian đó, bọn phun-rô hoạt động mạnh ở vùng này. Bọn chúng rất thính, rất lão luyện trong chiến thuật trinh sát. Do đó, các lực lượng biên phòng của ta truy lùng chúng từ phía ánh sáng thường gặp khó khăn. Đối tượng của chúng là các xe quân sự, xe công tác và cả xe hàng vào những đêm không trăng. Đã có ngót dăm chuyến xe bị tấn công, hàng chục kẻ xấu số bỏ mạng trên đường vì đụng phải phun-rô. Thế nhưng hôm đó cha trưởng ban điều độ kiên quyết không đổi quyết định, ngược lại còn thuyết phục rằng nếu tôi giao kịp cà phê mà công đoàn bến xe đã chuẩn bị cho đầu nậu đúng hẹn thì sẽ có một khoản kha khá cho anh em ăn Tết, vả lại nếu muốn mua vài trăm cân nếp đậu chở lên cho các nhà xế thì tốt nhất là đi ngay để còn kịp phiên chợ Gò Chàm. Chả cặp kè tôi và tả về phiên chợ Gò Chàm hay đến độ tôi không còn ương bướng cãi lại như lúc đầu. Thêm vào đó, những người thợ hồ dân xứ nẫu cứ năn nỉ tôi chạy để các tướng về gặp vợ con sớm chút nào hay chút nấy. Con người ta hay xiêu lòng vì những cái khó cắt nghĩa được. Khi bỏ xa những xóm nhà rải rác, chạy qua rừng đêm, tôi ơn ớn trong người. Đến cây số 92 thì đụng thiệt. Tiếng súng nổ rất gần. Tôi bặm môi dấn ga tính chạy thục mạng nhưng bánh trước đã bị bắn xịt lốp. Bà con trên xe khóc như ri. Trên cái nền đen sẫm đồng lõa của rừng, bọn phun-rô hơn hai chục thằng như quỷ đêm dạng chân chĩa súng vào những người lâm nạn. Không hiểu sao đêm ấy chúng không nổi cơn tàn sát như các trường hợp trước đó đã gặp phải. Chúng trói nghiến chúng tôi lại rồi lục soát. Các bà bị sờ nắn, vừa mở miệng kêu nhột hay rên đau là chúng dộng báng súng vô tội vạ. Chúng cắt mấy thằng lên xe tháo hàng, bắt chúng tôi cõng trên lưng rồi lùa mãi chúng tôi vào rừng già âm u. Do không thấy đường, chốc chốc tôi bị vấp cây đau điếng. Nhưng sự đau bên ngoài không thấm tháp gì so với sự sợ hãi trong lòng. Bàn chân lạ lẫm dò lên mặt đất xôm xốp lá. Những họng súng lạnh lẽo của bọn giặc rừng nơm nớp bên người. Tiếng sột soạt, tiếng hú tác mơ hồ, tiếng người thì thào nhắc đến hổ làm ai nấy toát mồ hôi lạnh. Cái hoang vu bí mật của đại ngàn được bóng đêm nhân lên gấp bội, đè nặng lên người nỗi ám ảnh chết chóc. Gần sáng, lác đác hiện những khoảng rừng bị đốn đang tái sinh, hễ chúng tôi lỡ đụng vào cây mới lên là sương rụng ào ào như mưa. Dấu vết những cuộc phá rừng của bọn sơn tràng còn hằn rõ. Trên bãi đất bị quần nát như voi đạp còn ràn rụa những luồng lở loét do thân cây đổ bị kéo le từng chặng dài. Một đôi căn lán xập xệ. Nếu trong hoàn cảnh khác tôi đã nguyền rủa bọn sơn tràng phá hoại, nhưng lúc bấy giờ những điều trước mắt lại khiến tôi thầm hy vọng được gặp một nhóm người đủ mạnh để giải thoát cho mình. Bọn phun-rô xua chúng tôi hết ngoặt sang ngả này lại bẻ sang ngả khác. Rừng vừa nuốt chửng những con người mệt mỏi vào vòm miệng vĩ đại của nó, vừa liên tiếp mở ra những khoảng xanh ngút ngát vô hồi. Hàng ngàn con chim đủ mầu chao chác trên đầu. Những bầy sóc rừng nghiêng ngó qua kẽ lá. Mấy con chồn giật bắn mình vì đoàn người ngợm đi qua. Hai ngày hai đêm trên đôi chân rệu rã, không hiểu sao chúng tôi vẫn bước được. Khi chúng cho chúng tôi dừng thì trời đã lại mơ mơ sáng. ở chỗ mới tới có non chục người trong tình trạng còn tồi tệ hơn cả chúng tôi. Đó là cánh đi địu của Ba Lự. Lũ quỷ chộp được họ khi họ đang hì hụi đục khoét ruột một cây gió để lấy trầm. Có thể đoán bọn phun-rô đánh đập họ dã man như thế nào, có người mặt sưng vù như một cái bánh tráng nướng. Nhưng điều làm chúng tôi kinh hãi nhất là những người bị bắt, dù bị tả tơi bầm giập, trông vẫn còn ra hình dáng con người, còn bọn phun-rô thì ngoài cái mùi hôi hám nồng nặc mà chúng tôi phải ngửi khi chúng xán lại gần, bộ điệu chúng mới thê thảm làm sao! Thằng nào tóc cũng dài và rối tinh như một mớ bùi nhùi, mặt đứa nào cũng ốm vót lại như hai ngón tay tréo. áo quần chúng rách te tua, gọi là túm giẻ thì đúng hơn, để lộ những thân thể đen đủi vàng vọt, ghẻ lở. ánh mắt chúng đen xoắn hoang dại, cái nhìn nào ném vào chúng tôi cũng đầy hằn học và căm ghét. Cái bà núc ních mặc bộ đồ sặc sỡ hôm nọ ngồi xe tôi tươi tốt là thế, bây giờ cứ chốc chốc lại ọe lên một tiếng, như do bị nhịn đói suốt dọc đường đi nên bà ta không nôn được thứ gì.
Tám Ria bưng cái ca nhựa đựng nước lã tu ực ực. Thằng mập kéo cái ca lại, giục: "Kể nhanh đi cha nội, đừng vòng vo Tam quốc nữa". Nở nụ cười thông cảm, Tám Ria tiếp:
- Gần trưa, phía tây rậm rịch chuyển động. Từ một ngả rừng khuất khúc, một toán người xuất hiện. Bọn này ăn mặc có vẻ gọn gàng, tư thế hơn bọn tập kích chúng tôi nhiều. Trong bọn có một tên người Kinh trẻ tuổi, nếu không tính đến vết sẹo bỏng khá lớn bên má thì mặt mày có thể nói là sáng láng, không thoáng một chút ác độc nào. Tên này theo sát tên cầm đầu. Tôi không thể không ngắm tên cầm đầu. Vừa đến nơi, hắn trèo ngay lên một tảng đá lớn trước mặt chúng tôi, ngồi thõng chân kiểu người ta ngồi trên ngựa. Da hắn nâu như da người Kinh bắt nắng, tóc xoăn cột thành túm sau ót, mặt vuông, trán phẳng. Giữa hai cánh mày rậm hiện rõ mấy nếp nhăn thường thấy ở những người độc đoán khiến đôi mắt đen thẫm của hắn đầy ấn tượng. Mỗi lúc hắn nhìn về những người cuối hàng, chiếc mũi thấp và thẳng của hắn khịt khịt làm vành môi hơi cong khẽ nhếch lên ngạo mạn. Hắn vẫy một đứa trong bọn canh giữ lại gần, rồi vẫn ngồi trên cao, hắn nghiêng người xuống hỏi tên thuộc hạ bằng biếng Êđê, tên kia cũng trả lời bằng tiếng Êđê thỉnh thoảng xen tiếng Jarai liền bị hắn vặn tai một cái nhăn nhúm cả mặt mày. Tôi chỉ nghe bập bõm được vài từ thông thường. Chợt từ sau lưng tôi, một giọng cười nhẹ và trầm vang lên:
- Y Briêng! Con trai ông, thằng Blăn vẫn khỏe, tôi gặp nó tuần trước, trong đội văn nghệ dự Liên hoan ở thị xã. Anh kia làm sao gặp nó tại bản mà ông hỏi.
Thằng lính canh giật bắn người, nó giương súng lên nhưng tên cầm đầu đã túm tóc nó lẳng về phía sau. Hắn đứng phắt dậy, nghếch trông người vừa nói. Cả đám đông cùng quay đầu. Tôi nhận ra người khách lên xe cuối cùng hôm nọ, cái anh chàng còm còm da tai tái mà hút thuốc rời thiện nghệ tới mức luôn bị mụ béo lườm nguýt gắt gỏng, mỗi khi mụ hứ anh chàng cười cười dụi mắt tắt đóm thuốc nhưng được một chốc lại vê vê đốt đốt điếu khác. Mặc mấy chục cặp mắt kinh ngạc chiếu vào mình, anh ta chỉ nhìn thẳng tên cầm đầu trên tảng đá, ánh mắt điềm đạm, hơi giễu cợt. Bỗng nghe "thịch" một cái, tên cầm đầu đã nhảy khỏi tảng đá lớn, xông vào giữa đám người, đúng hơn là hắn lao vào chộp lấy anh chàng tội nghiệp kia, ngó chằm chằm vào tận mặt. Thật bất ngờ, hắn kêu toáng lên bằng tiếng Kinh:
- Yàng Sê Diê ơi! Thằng Huy? Bộ đội Huy! Phải mày không?
Vâng, đó là Huy, trong chiếc áo lính sờn bạc và cái quần dân sự ống loe cũ kỹ. Anh cựa cánh tay bị trói, gật đầu cười. Tên cầm đầu rối rít mở dây cho anh:
- Thằng Blăn là một trong hai đứa nhỏ mày cứu hồi bản cháy đó. Mày cứu con ta! Mày cứu nhiều lũ làng ta, cả mẹ của thằng này nữa - hắn vỗ lên đầu thằng lính bên cạnh - Bụng ta còn nhớ kỹ. Suối sông chảy hoài, chảy hoài vẫn không cạn ơn mày, bộ đội Huy à. ố hầy, mày hết ở bộ đội rồi à? Mày làm gì, hả?
Càng nói vẻ mặt hắn càng dịu đi trong hồi ức đẹp đẽ. Huy không giấu nổi xúc động:
- Tôi bị thương, sau ra quân, về ngành văn hóa làm tuyên truyền - Thấy mặt hắn nghệch ra, Huy đưa tay phác trên ngực mình - Tôi vẽ ấy mà, vẽ hình làng bản, vẽ hình đồng bào. Còn ông, sao ông bỏ làng đi như vầy?
Câu hỏi của Huy kéo tên cầm đầu về thực tại. Mặt hắn đanh lại, hắn quả quyết:
- Ta theo ý Yàng. Mày đừng hỏi chi! Bây giờ, ta thả mày - Hắn ghé tai thằng lính ban nãy. Tên này vội vàng lục lọi đống chiến lợi phẩm, lấy ra một gói lớn trong bó bao cát, ngoài bọc kỹ bằng ni lông. YBriêng cầm lên, bồng bồng trên hai tay như để ước lượng rồi trao cho Huy: - Trầm đó bộ đội à. Bán nó mày đủ sống suốt đời. Ta tạ cái ơn cao như núi của mày.
Huy lắc đầu:
- Tôi mang thứ này không an tâm.
YBriêng cười ha hả:
- Bộ đội Huy nhát như con nai từ hồi nào vậy? Chính ta sẽ đưa mày tới cửa rừng, một mình mày thôi! Ai biết mày có trầm mà sợ?
- Không. Không phải sợ. YBriêng này, tôi xin ông một việc, ông có ưng không?
- Trời ơi, thằng cha chập mạch rồi chắc? Lòng tôi dấy lên một mối ác cảm. Những người xung quanh xôn xao, ai ai cũng thấy tay Huy này đang đùa với tử thần. Bọn đi theo YBriêng nãy giờ đứng yên phục tùng, nhưng không giấu được tức tối, riêng tên người Kinh là vẫn bình thản. YBriêng nhíu mày lưỡng lự:
- Miễn đừng trái ý Yàng... Mày nói đi!
- Tôi xin ông thả tất cả mọi người bị bắt. Chúng tôi hứa sẽ không khai báo gì bất lợi cho ông.
Bọn thuộc hạ nhem nhuốc của YBriêng rít lên hung hãn, nhưng YBriêng thì nhắm mắt, gục đầu vào hông tảng đá lớn. Thời gian ngưng lại đặc quánh, sờ thấy được. Thật đấy, tất cả tóc trên đầu tôi bạc trong khoảnh khắc ấy. Sau này sợi nào mọc thêm thì đen, đen tuyền mới đểu chứ.
Tên người Kinh trẻ tuổi đến cạnh YBriêng, nói khe khẽ. YBriêng đáp lại cũng khe khẽ, nhưng gay gắt. Cuộc trao đổi giữa chúng làm bọn tay chân bứt rứt, nhưng không tên nào dám xen vào. Chúng tôi nín thở ngó Huy, còn anh ta thì ngắm tên người Kinh một cách thú vị, không chút sốt ruột. Bỗng YBriêng "hừm" một tiếng rõ to làm mụ béo giật mình bật ngửa, điệu bộ ụ ị của mụ làm hắn bật cười. Tên người Kinh lùi một bước lễ phép nhường cho YBriêng nói lời quyết định. Theo lệnh YBriêng, hơn ba chục người được dẫn ra cửa rừng. Riêng Huy phải ở lại - đó là lời mời đồng thời là điều kiện. Và chúng tôi thoát chết.
- Thế rồi làm sao anh Huy về được? Cả bọn nhao nhao.
- Tôi cũng đã hỏi, nhưng Huy chỉ cười - Tay lái xe ria kẽm nheo mắt - Ông ấy có một nụ cười làm tôi thấy nếu hỏi thêm thì tôi là kẻ tầm phào. Còn gì nữa, người ta đã cứu mạng anh. Không, cứu bao nhiêu mạng người! Thế mà anh lại tọc mạch vì sao người ta thoát chết ư?
Thằng ốm như cái que kia cà khịa:
- Qua cái đận sợ teo bu-ri, chắc đại ca ăn chay luôn?
Tám Ria giả vờ giận, quát long ria mép:
- Ăn chay bà cố tổ mày! Tao về, chiến đấu một phát ra hai thằng cu!
Bọn đàn em háo chuyện của Điệp vỗ tay ngửa nghiêng cười. Tám Ria xô ghế đứng dậy đến bên quầy, hất hàm bảo Điệp tính tiền. Trong khi móc túi lấy tiền, anh ta dán mắt lên khoảng ngực căng mẩy của nàng. Điệp vòng tay bực dọc. Tám Ria lảng mắt đếm qua mấy tờ bạc đưa cho nàng và hỏi nhỏ: "Bọn ăn trầm dạo này hết hỗn láo với bà chưa? Bà thích ông Huy thì phải tu đi". Điệp chưa kịp trả miếng thì anh ta đã phới khỏi quán. Bất giác nàng đánh mắt về nơi Huy vẫn hay ngồi. Đã lâu không thấy Huy, bất chợt nhớ tới Châu tim nàng thót lại. Có lẽ Châu đã nói với Huy về quá khứ của nàng?
°
Bộ đồ đen của người đàn bà bay ngược về phía sau, nổi rõ thân hình đầy đặn cân đối. Mái tóc bềnh bồng cũng đang bị gió tốc lên. Ngực ưỡn về trước trông nàng như một thân cây đầy sức trẻ trên đồi. Dưới chân nàng, cả một vùng bời bời cỏ gai sầm mặt trong mầu nâu úa. Gió cuốn nàng trong cánh tay cuồng nhiệt, chực mang nàng ném vào khoảng không phía sau, có lẽ dưới điệp trùng những tán xanh rêu chất ngất là vực thẳm. Gió vừa tới tấp rót lên nàng sức mạnh phóng khoáng, vừa giận dỗi vì không sao nhấc nổi nàng khỏi đỉnh đồi hoang dại. Từ tư thế đến trang phục nàng toát ra vẻ khát khao kỳ bí. Dường như nàng khôn nguôi ngóng đợi điều gì. Những mảng mầu u uẩn liên tiếp chồng lên nhau khiến Châu càng lúc càng bị nỗi buồn ngạo nghễ của người đàn bà trong tranh hút chặt. Chị buột miệng:
- Vô vọng quá!
Huy đứng đằng sau chị một quãng, hỏi rụt rè:
- Châu cảm thấy như vậy sao?
- Anh quen Điệp đã lâu chưa?
- Chưa lâu. Châu nói hôm trước cô ấy tránh mặt, liệu có nhầm không?
Châu chau mày nghĩ ngợi rồi quả quyết:
- Nhầm thế nào được, đó là vợ Ninh. - Chị lấy quyển sổ trong xách, lật tìm một cách sốt ruột, rồi đẩy về phía Huy một tấm ảnh: - Anh nhìn xem. Người này với người ấy là mấy người?
Tấm ảnh chụp một đôi trai gái trẻ măng, người con gái là Điệp. Châu nghiêng đầu cười đắc thắng, nhưng vẻ mặt lạc thần của Huy làm chị khựng lại:
- Anh sao vậy?
- à không, không sao! Ninh là anh chàng trong ảnh này à?
Vâng, Ninh là bạn tôi. Cha mẹ nối nhau qua đời, nhà không đủ ăn, Ninh phải bỏ học. Ninh lấy Điệp cũng là phận mồ côi ghép lại thành đôi, chẳng cưới xin gì. Bọn lớp tôi hồi ấy cả một lũ mới ra trường, mon men vào đời, cầm đồng lương tập sự trên tay chưa hết ngỡ ngàng. Thương bạn lắm mà không có cách gì giúp Ninh.
Ninh đi kinh tế mới, không canh tác được, bèn xoay đổi nghề đốt than. Một bận về quê, Ninh mang cho tôi mấy viên cuội đủ mầu với vài chùm dâu, quả cám. Tôi khen: "Của rừng ngon quá!" Ninh bảo: "Ăn của rừng rưng rưng nước mắt". Tôi không biết Ninh khổ đến đâu, chỉ thấy Ninh phong trần hẳn đi, tóc dựng tua tủa như tóc nhà sư mới dưỡng, áo hai ba mảnh vá. Thấy tôi nhìn lâu, Ninh ngượng, cứ cười cười thiệt tội. Tôi nâng niu quả cám, Ninh bảo: "Tay Châu cầm quả cám đẹp quá! Tay tụi tôi nứt nẻ hết trơn". Tôi vô tư nói: "Đàn ông cần gì tay đẹp, chỉ để lộ vẻ yếu đuối". Ninh bảo: "Không. Là tôi nói cả đàn bà nữa, Điệp khổ không kém tôi đâu. Bữa nọ tôi bệnh, Điệp thay tôi đi rừng, gặp phải hơi cây sơn, lở hết mình mẩy". Tôi ái ngại: "Hay Ninh đưa Điệp về chữa bệnh, ở nhà tôi đây này". Ninh cười: "Không được, Châu khác, tụi này khác. Tụi này chịu khổ quen rồi". Tôi lúi húi gói mấy tấm áo gửi cho Điệp. Ninh không cầm. Tôi làm mặt giận Ninh mới ngập ngừng nói: "Châu cho Điệp... đồ đen được không. Đồ này thì đẹp nhưng ăn mặc khác người ta khó coi lắm". Tôi lục khắp mới có một bộ đồ mầu tối. Lúc tiễn Ninh ra cửa, tôi hỏi: "Bao giờ về nữa?". Ninh nói: "Xa xôi tốn kém quá, mà đồng bạc kiếm được chảy máu con mắt, Châu à". Tôi chưa biết lấy lời gì an ủi Ninh thì Ninh đã phẩy tay: "Thôi đừng nghĩ ngợi như bà cụ non nữa. Chừng nào hóa hổ tôi về dọa Châu xanh mặt một bữa". Tôi nhớ mãi gương mặt gắng gỏi của Ninh lúc ấy. Bạn tôi đã ra dáng một người đàn ông vật lộn với cuộc mưu sinh. Vài năm sau Điệp một mình hớt hải xuống tìm tôi. Tôi linh cảm bạn tôi gặp chuyện chẳng lành. Quả thật, lại một lần nữa ông trời bắt Điệp thành người bơ vơ. Ninh chết trong một trận cháy rừng. Kể lại chuyện, Điệp bấu vào tay tôi khóc điếng. Bàn tay Điệp đầy vết nứt nẻ làm tôi đau xót nhớ những lời Ninh nói khi đưa cám rừng, cuội suối cho tôi. Sao bạn tôi gan góc giỏi giang mà chết tức tưởi thế, không tìm được xác...
- Không tìm được xác? - Huy chồm tới, rồi lại chăm chú nhìn gương mặt người con trai trong ảnh - Vậy thì đúng rồi! Ninh còn sống. Châu còn nhớ vụ phun-rô mà tôi đã kể không? Lần ấy đấy. Tôi đã gặp Ninh ở chỗ YBriêng. Người cậu ta đầy sẹo bỏng, sẹo lan tận mặt. Phải rồi, sau đó tôi có nghe họ nói láng máng về một vụ cháy rừng. Chính YBriêng đã cứu sống Ninh và bắt cậu ta ở lại luôn.
Châu không tin ở tai mình. Nhưng vẻ mặt xúc động của Huy cho chị biết Huy không nói chơi. Nỗi bàng hoàng nơi chị mau chóng biến thành hốt hoảng:
- Lẽ nào Ninh cũng cướp bóc, bắn giết, cũng gây tội ác như chúng sao?
- Không hẳn vậy. Theo tôi biết thì YBriêng đặc biệt quyến luyến Ninh và cậu ấy đã dùng ảnh hưởng của mình với ông ta để kiềm chế bọn háo sát. Chính Ninh đã thuyết phục YBriêng chấp nhận lời thỉnh cầu của tôi, thả những người bị bắt.
- Sao Ninh không trốn?
- Khó lắm! Ninh không muốn phụ YBriêng, có lẽ, phần vì chịu ơn cứu tử của ông ta, phần khác mặc cảm thương tật, lầm lỗi làm cậu ta không dám tin mình có lối về.
- Tội tình cho Điệp! Tay lái buôn gỗ gần nhà vờ vịt thương Điệp cô quả, túng bấn, đem cho Điệp khi túm gạo mớ củi, khi tấm vải thỏi son. Chiếm đoạt Điệp rồi, hắn ngầm bán Điệp cho bọn lái gỗ từng đêm. Đêm nào không có mối thì đến lượt hắn. Tôi van: "Thôi, đừng kể nữa. Nhục quá! Sao em chịu như vậy?". Điệp run rẩy: "Chị ơi, em đã phục rượu rồi trói hắn lại, xẻo cái của nợ của hắn quẳng cho chó. Thế nào hắn cũng tìm em trả thù". Tôi nói: "Hắn không thể biết em ở chỗ chị. Có biết hắn cũng không dám mò tới. Em đừng sợ!". Thế nhưng Điệp vẫn bỏ đi. Trời ơi, còn Ninh thì Điệp đâu có lăn lóc khổ sở như vậy.
Hai người im lặng giờ lâu. Trời ngột ngạt, dường như sắp nứt ra. Và trời nứt ra thật. Sau một tiếng sấm ù tai, mưa sầm sập đổ. Hơi đất dậy lên nồng nàn. Châu tưởng như nghe rõ tiếng thở khó nhọc vừa trườn qua hai lá phổi không còn nguyên vẹn của người lính cựu. Huy ôm ngực, đăm đăm nhìn cơn thác trắng đang che mờ cả rặng núi phía tây thành phố. "Thảo nào... Điệp có bao giờ bình yên đâu. Giờ đây tôi mới hiểu nàng luôn cố tỏ ra mạnh mẽ, bất cần chẳng qua để che giấu nỗi bất an thường trực. Nàng đã cố chống chọi để tồn tại một cách bất trắc. Nàng trót đi ngược gió, muốn xoay lại không khéo còn bị đẩy sấp mặt. Trớ trêu là tôi lại gặp Điệp dưới một quán rừng, trên mảnh đất mà từng hạt bụi từng ngọn gió đều âm vang về Miên, cả hình bóng nàng cũng âm vang về Miên không dứt. Qua nàng, tôi như thấy lại Miên trên con đường rừng im ắng, tóc nàng nâu mắt huyền, sôi nổi nồng nhiệt. Khoảnh khắc Miên nhào đến đỡ bom cho tôi, tóc Miên xõa đầy cổ đầy vai tôi. Những món tóc thiêng luôn trở về vấn vít trong mơ, khiến tôi như đứng đi trên lửa, nằm ngồi trên than. Vẽ Điệp, tôi những muốn choàng quanh nàng sự bình yên mà không sao làm nổi. Tôi không có đủ một tình yêu lớn lao để mang nàng trở lại khoảng bình lặng mà nàng đã mất. Ai sẽ là người làm được điều đó cho nàng?" - Huy nghĩ miên man, mặc những hạt mưa bên ngoài cửa sổ liêu xiêu rơi vào mặt. Châu xót xa cảm thấy Huy đang dối diện với một cái gì đó thật nặng nề. Hai cánh tay anh chống thẳng trên thành cửa sổ khiến đôi vai rộng nhô lên, đơn độc đến nao lòng. Đã lâu lắm rồi, kể từ khi quen Huy, kể từ khi được anh xem là bạn, có thái độ rất nguội lạnh đối với phụ nữ. Thế mà gần đây, mỗi đợt từ rừng về biển, anh hay nói về một cô chủ quán. Châu luôn lấy làm lạ vì anh có thái độ khác thường nào đó giữa những anh kỹ sư lâm sinh táo tợn, những gã xế trải đời, những tay địu trầm bạt mạng. Đôi khi, Huy còn thuật lại những pha đối đáp đáo để giữa nàng và cánh đàn ông với nụ cười hóm hỉnh bao dung. Châu âm thầm quan sát những biến đổi nơi Huy. Có lần Huy day dứt nói với chị về cái chết của Miên, bên một ly rượu và một nhành trinh nữ hoa tím nằm giữa lòng chiếc đĩa sứ mầu bạch ngọc. Anh luôn tự bắt tội mình vì đã sống bằng sự che chở hy sinh của một người con gái dẫn đường. Lần khác Huy hỏi: "Châu có tin về sự tái sinh không?", chị chỉ cười, và họ bỏ qua chuyện ấy như bỏ qua những điều vẩn vơ. Lần khác nữa Huy lại hỏi: "Mình có thể trả nợ cho một người bằng cách cứu vớt một người khác không Châu? ý tôi muốn nói là họ chẳng liên quan gì với nhau? Châu cũng không trả lời, làm sao có thể trả lời cho một câu hỏi lẩn thẩn như vậy. Thế là trôi qua. Cho đến khi đi với Huy lên miền rừng, nhẫn nại ngắm Huy thẫn thờ bên mộ Miên suốt cả buổi chiều, rồi tình cờ bắt gặp cái nhìn khắc khoải của Huy dõi về phía cô chủ quán mà nhác trông Châu nhận ra ngay là Điệp, thì chị lơ mơ hiểu. Hiểu mà không tin, không muốn tin. Cùng với việc phát hiện tình cảm đặc biệt của Huy dành cho Điệp, Châu chợt nhận ra rằng đối với Huy, trong lòng mình còn có một tình cảm khác, một thứ tình muộn màng mà sâu đậm, thấm đượm cả hồn vía, lay động cả tâm can.
Đột ngột, Huy lên tiếng:
- Châu nói xem, nếu Ninh trở về, Điệp có dám tiếp nhận Ninh không? Họ có thể...?
- Trông anh kìa! Hệt như người mộng du. Mà anh chẳng vừa nói Ninh không nhìn ra đường về đấy sao? Muộn quá rồi còn gì?
- Tôi thấy ở Ninh vẫn còn nguyên vẹn căn cốt của người lương thiện. Cả YBriêng cũng chưa mất hẳn điều đó. Chưa mất lương tri. Châu hiểu không, đấy mới là điều quan trọng.
Huy chậm rãi pha mầu. Và trong khi Châu còn chưa kịp nắm bắt những điều anh nói, Huy nâng chiếc cọ đã nhúng mầu, thận trọng chạm vào góc bên trái phía dưới bức tranh. Một chấm mờ hiện lên cuối tầm mong ngóng của người thiếu phụ áo đen. Không phải một chấm mờ, hình như một bóng người, xa xôi như ký ức, gần gụi như ký ức. Thoa nét cọ run run, một vệt nâu vàng như đất mới rưng rưng rẽ lật đám cỏ gai sẫm úa dọc sườn đồi. Một con đường nhọc nhằn nhưng tươi sáng hiện dần lên giữa hai con người trong tranh.
Người tài xế có bộ ria kẽm cho xe chạy chậm lại. Từ radio, một giọng nam khúc chiết đang tường thuật:
"... một ổ phun-rô ở vùng rừng nam Tây Nguyên đã ra đầu thú tại Công an Đác Lắc. Trong số đó có tên cầm đầu khét tiếng YBriêng - người Êđê, và phụ tá của hắn là tên Ngô Văn Ninh - người Kinh".
"Cách đây một tuần, bộ đội biên phòng 303 đã tổ chức một mũi truy quét sâu vào vùng này. Cộng tác tích cực với các chiến sĩ có YBlăn, con trai của YBriêng và họa sĩ Hà Huy. Giữa lúc YBlăn gọi cha ra hàng thì bị một tên phun-rô ngoan cố nhắm bắn. Họa sĩ Hà Huy lấy thân mình che đạn cho cậu và anh đã hy sinh. YBriêng khóc trước nhà chức trách khi nói rằng chính cái chết của Hà Huy đã khiến hắn thấy rõ tội lỗi và quyết định đầu thú.
Họa sĩ Hà Huy nguyên là bộ đội thời chống Mỹ...".
Người tài xế ria kẽm tắt radio, đỗ xe giữa chặng đường vắng vẻ. Anh với lấy bó nhang trên táp-lô, mở cửa nhảy xuống, bước như mê vào vệ đường. Nơi đó có những hàng cây bất động trong đêm, những hàng cây mỗi ngày vẫn chào anh bằng ánh mắt xanh thẳm xôn xao của lá. Bây giờ, chúng như hiểu nỗi tang tóc của lòng anh: Chúng đứng nghiêm trang cả một hàng dài, cây nào cũng mặc áo trắng. Anh lẩy bẩy bật lửa đốt nhang, lẩy bẩy cắm cả bó nhang đỏ rực xuống đất, thì thầm: "Ông Huy ơi, tôi hay tin giữa đường giữa sá. Ông khôn thiêng thì chứng cho!". Anh úp mặt vào một thân cây. Hàng cây phăng phắc chợt bời bời khua động.
Vĩ thanh
Một ngày cuối xuân gió ấm, ông Tám Ria dẫn một trong hai đứa con song sinh đi dự lễ dựng bia lên mộ phần họa sĩ Hà Huy. Đứa đi theo ông là thằng anh. Thằng em không đi vì lỡ hẹn pic-nic với tụi bạn cùng lớp. Ông giận, tát nó một cái chúi mũi rồi hầm hầm ra xe. Hai cha con ghé qua trường Đại học đón cô giáo Châu và tấm bia đá gra-nít. Dọc đường khi đã nguôi nguôi cơn giận, ông nhắc một vài kỷ niệm ông có được với Hà Huy. Kỷ niệm trong ông thì ít ỏi, nhưng như chữ khắc trên đá kia vậy, có đem ngâm nước biển cũng không thể phai mờ. Cô giáo Châu đáp lại ông bằng nụ cười xa vắng.
Từ xa, ông thấy lố nhố ba bóng người bên mộ. "Chà, trái đất tròn thiệt!". - Ba Lự ôm vai ông, ông ta đã bỏ nghề đi trầm. Điệp nháy mắt chào Tám Ria, nhưng người đàn ông bên cạnh nàng thì không nhận ra ông. Tám Ria không quên anh ta được, đấy là "tên phun-rô" người Kinh năm nào sát cánh YBriêng. Trông anh ta không già đi bao nhiêu, dù mái tóc lấm tấm muối tiêu. Anh ta và cô giáo Châu nhìn nhau lặng lẽ, cái nhìn của những người đã nếm tận hạt của nỗi buồn.
Ninh tự tay rót rượu đặt trước bia mộ. Mọi người lần lượt làm lễ. Tới lượt mình, Điệp khóc. Tám Ria liếc về phía Điệp, rồi nhắm mắt khấn thầm: "Ông Huy ơi! Tôi muốn nói với ông một lời tri ân cho đàng hoàng mà hồi đó gặp ông thì không nói được. Ông cứ cười cười như hiểu tất cả, không chịu bắt chuyện, cứ lặng lẽ uống rượu, lặng lẽ nhìn cô ấy. Tôi tưởng rốt cuộc thì ông cũng là người trần, biết si mê, biết tìm cái đẹp bị lăn lóc, rửa cho hết bụi bặm rồi giữ cho mình... Tôi cứ nghĩ sông biển có đáy thì người cũng có đáy. Chết tiệt, tôi hiểu ông theo kiểu phàm phu của tôi, xin ông tha thứ. Bữa nay tôi dẫn cả cháu nó lên. Cha con tôi đội ơn ông, ghi tâm khắc cốt". Ông kéo con trai tới bên, nói nhỏ: "Lạy bác đi, con!".
Chàng trai chắp tay khấn: "Thưa bác, cháu là con ông Tám Ria. Cháu và em trai cháu được cha mẹ sinh ra trên đời là nhờ ơn bác". Rồi cậu sụp lạy, lạy thay cả phần đứa em trai vắng mặt.
Đang tiết thanh minh. Người ta bảo, tiết thanh minh, những ngọn gió thanh thản về trời.
T.T.H.T.
--------------------------------------------------------------------------------
(°) Địu: chỉ người đi trầm. Địu phia là người đứng đầu một nhóm đi trầm, rất có quyền uy với đồng bọn.

Xem Tiếp: ----