Mẹ, con không muốn đi học nữa. Bà Hiền điếng người nhìn con. Ba năm trước, chỉ vài tuần sau khi đặt chân lên đất Mỹ để theo bà cùng bà Cathy, người bảo trợ, trở lại ngôi trường đồ sộ ở Mineappolis, Hòa đã bật thốt nhưng với bộ mặt chán nản thất chí vì mặc cảm nặng nề của một kẻ ăn nhờ ở đậu, của một refugee, của một nước nhược tiểu bị đô hộ ròng rã mấy chục đời liền, nhất là cái chết trên biển đông, cảnh thảm sát rùng rợn dã man nhất mà bọn cướp biển đã sắp sẵn như những vạc dầu giăng đầy ngoài hải phận mà kẻ đi tìm tự do mười người chỉ thoát một. Ba năm trước Hòa chỉ là cậu bé yếu đuối nhỏ bé nhưng lại nhồi nhét cả một biến cố lịch sử trọng đại trong đầu, một biến cố kinh hoàng dai dẳng nhất là từ khi nước Việt được trả quyền độc lập tự do và được cắt đôi từ vĩ tuyến mười bẩy thì cũng là lúc anh em tranh giành gia tài của mẹ và xau sé nhau đến tương tàn, kẻ lên tàu di cư vào nam, người ở lại giữ mồ mả cha ông. Anh em nam bắc đánh nhau, người giữ phần mình, kẻ tham lam đòi chiếm cả. Chiến tranh hơn hai mươi năm ròng rã để rồi khi đồng minh buông tay, thêm một lần nữa mọi người bồng bế dắt díu nhau làm một cuộc vượt biển kinh hoàng nhất lịch sử. Cái chết đuổi theo người sống mình không bỏ chạy, mẹ mất con, vợ mất chồng. Riêng gia đình bà cũng như mọi gia đình khác, tuy chậm chân lỡ bước cũng vẫn phải tìm cho mình một lối thoát, và vẫn quyết liệt trốn đi dù phải đổi cả mạng sống. Tuổi thơ non dại của Hòa chỉ thấy cá lớn nuốt cá bé, chỉ thấy người cậy quyền, cậy sức mạnh hoặc mượn danh nghĩa để bóc lột, đánh đập, hãm hiếp kẻ thế cô. Cả cuộc đời non dại của Hòa chỉ in đậm những hận thù toé lửa. - Mẹ, con không thể học được. Ba năm trước nó chán nản buông rơi cái bag pack ngay ở ngưỡng cửa khi vừa xuống xe bus bước chân vào nhà. Bà hiểu ngôn ngữ ảnh hưởng rất nhiều cho việc học của con. Thêm vào đó trong đám bạn nó là đứa lạc loài với màu da nâu khác biệt, nhỏ thó lọt tỏm như con thỏ ngơ ngáo sợ sệt giữa đàn sói tinh nghịch. Bà hiểu và thông cảm sự buông rơi đó nên đã cố gắng đi sát bên con để an ủi, khuyên bảo và cũng khuyến khích cho nó lên tinh thần. Bà cũng hiểu thêm rằng tuy nó mang một thân thể còi cọt nhưng lại có sự thông mình tuyệt chúng. Ba năm liền tuy trở ngại về sinh ngữ và thể dục nhưng nó luôn được nhất về tát cả các bộ môn khác vậy thì còn lý do nào...? - Con vừa tìm được job làm partime ở Mc Donard. Buông rơi thế đứng và trấn tĩnh lắm bà mới không đổ kềnh ra nệm nhưng chiếc giường vẫn dùng dình một hồi vì thêm một sức nặng. - Tại sao vậy Hòa? Giọng bà run lên, trái tim cũng nhảy bần bật chỉ chực phóng ra ngoài. - Càng học, càng hiểu biết, càng ý thức được quyền làm người thì thấy mình càng ngu đần ra nên con càng chán thêm. Chán nên đi làm bồi ở Mc Donard? Con ơi con điên mất rồi vì kẻ chán mới là mẹ nhưng có bao giờ tao than thở một tiếng? Bỏ ông bà cha mẹ, chấp nhận cả sự chết vượt biển sang đây đâu phải để hưởng thụ ăn chơi, chạy đua theo vật chất vì nếu có tao đã nhận lời chấp nối với những người đàn ông có tiền bạc danh vọng để được ấm thân, để khỏi buồn tủi với chân thư ký quèn, ngồi cong xương sống, gập cả xương sườn suốt tám tiếng trong văn phòng. Con ơi, kẻ chán đời là tao nhưng công việc cực nhọc hằng ngày đã giúp tâm hồn được an bình. Tao hầu như đã quên hết mọi oán thù mất mát để chỉ còn biết lo cho con, một mầm sống của mẹ và cũng chính là tương lai của đất nước. Con ơi, có bao giờ mày nghĩ mẹ vẫn mong một ngày về khi đất nước thanh bình để làm cái gì đó cho quê hương, để xoa dịu hàn gắn lại vết thương đã vị xé toạc? Vì nuôi chí đó nên mẹ cố dành dụm, từ tiền bạc lẫn kiến thức đã học hỏi ở xứ người để làm căn bảm cho sự gầy dựng bước đầu và cũng là quà tặng cho những người thân yêu còn ở lại. Con đâu ngờ một người đàn bà chân yếu tay mềm mà có mộng cao bằng trời. Ta mơ số tiền mang về sẽ mở một nhà thương thí ngay trong làng mình và con, con phải là một vị bác sĩ đầy lòng từ tâm. Con ơi mẹ đã mang mộng đó gắn liền cuộc sống vì vết thương lòng người chỉ tự họ xoa dịu nhưng vết thương thể xác sau bao nhiêu năm chiến tranh, con người chỉ còn lại những mảnh da bọc xương, thiếu dinh dưỡng, thiếu thuốc men, thiếu chuyên viên... Con ơi đừng đánh vỡ mộng của ta... - Hoà, mẹ biết con rất hiếu học, nhà mình cũng không đến nỗi thiếu thốn để con phải đi làm. Hơn nữa con lại còn được tiền học bổng cao khỏi phải đóng tiền trường thì còn trở ngại nào...? Vừa nói bà vừa nhìn thẳng vào mặt con. Đôi mắt nó sáng ngời, cương quyết y như lúc chồng bà báo tin đã tìm được một chỗ rất chắc chắn và tin cậy để lên đường. Bà chột dạ và thấy tim nhói lại, tai họa nào sẽ xảy ra với cái nhìn trùng hợp kỳ lạ? - Chính vì những thứ khốn kiếp đó đã đày đọa bộ não con. Hòa chợt im lặng vì sợ mẹ mình khám phá ra sự thật. Trong thâm tâm, Hòa không muốn gieo trong đầu óc mẹ bất cứ một sự lo lắng nào, nhất là những điều uất ức mà nó nghĩ chỉ mình nó mới đủ sức chịu đựng. Sự chịu đựng âm ỉ trong tâm não không phải bây giờ mới bùng lên mà ngay thời gian đầu đến lớp học, khi những đứa khốn chung quanh gọi Hòa là nigro. Lúc đó nó chỉ biết nhe răng ra cười cái ngôn ngữ mới, quá mới mà nó phải nghe như vịt nghe sấm, như thằng ngố từ một hành tinh lạ. Cười là một hình thức muốn thân thiện làm quen, cười cũng để cuộc đời học sinh của mình trong những năm còn ở trung học có những kỷ niệm đẹp đẽ nhưng nụ cười tắt vội vì hành động bóp mũi, bịt miệng và thái độ dè bỉu khinh khi của chúng. Buổi tối về nhà, Hòa nằng nặc xin mẹ tiền mua cho được cuốn tự điển Việt Anh. Nigro... Nigro... Hòa bặm môi ôm cuốn "sự thật" từ tiệm sách Việt Nam chạy một mạch về nhà mà nước mắt rớt xuống như mưa. Mẹ nó không biết gì hết chỉ ngồi bên cạnh nhìn con cặm cụi dò từng chữ và lấy làm hài lòng trong khi nó quét những vệt mắt sắc như dao trên từng dòng chữ... Tao là nigro. Phải. Chúng mày chờ đi chỉ vài năm nữa thôi, thằng nigro sẽ ngồi trên đầu trên cổ chúng mày. Học thành tài ông sẽ đứng chỉ tay năm ngón để xem ai làm tôi mọi cho ai... Ở trường trung học, cái chọc ghẹo nhiều khi chỉ là trò đùa giỡn vô ý thức chứ không chủ đích nhưng mấy tháng nay, từ lúc Hòa ôm sách vở chọn một chỗ làm giang sơn của mình, bên cạnh những thằng được gọi là sinh viên, được mệnh danh là giới trí thức, bên cạnh những thằng con ông cháu cha giàu nứt đất đổ vách nhưng kỳ thị ăn trong máu, từ lúc Hòa trỗi bật sự thông minh, phải nói là xuất chúng, từ lúc Hòa luôn đứng đầu trong mỗi môn học thì sự ghen ghét và đố kỵ hiện ra ngay trên mặt mọi người. Thường những đứa học giỏi bạn bè rất nhiều nhưng ở đây không ai chấp nhận nó là bạn. Cái màu da ngăm nâu, đôi mắt một mí và mái tóc đen đã lộ rõ sự cách biệt chủng tộc thì nói làm gì cái giai cấp qua nguồn gốc của tổ tiên nó, một nước nghèo nàn, lạc hậu, kém văn minh và cũng khổ sở nhất nhì trên thế giới. Thằng nigro nơi đất Mỹ của thế kỷ trước còn đang bị xỏ xâu bày bán ngoài chợ thì tổ tiên nó thân phận cũng đâu kém, cũng đang bị Pháp đè lên đầu, ngồi lên cổ thế mà bây giờ dám ung dung cùng với chúng trên ghế đại học, thi đua tài cao thấp, giựt cái bằng cấp le lói mà cả đời giòng họ chúng chỉ mơ được có thế. Một thằng cắc ké nhái bén dám dẫn đầu cả lớp thì bảo sao có sự bình thản và dễ dàng chấp nhận? Nigro... Nigro... Chúng không nói nhưng ánh mắt như những viên đạn bắn tới tấp vào mình mẩy Hoà. Thằng Hòa dẫu không phải mọi rợ ăn lông ở lỗ nhưng chỉ có thể chế tạo ra dao găm mã tấu để chống cự. Tay đôi đấu với nhau chưa chắc nó đã thắng huống hồ gì dao làm sao đấu với súng, như đàn chó sói chỉ chực ăn tươi nuốt sống vật bị săn đuổi. - Hãy cút về nước ê thằng mọi da vàng. - Mày qua đây tị nạn kinh tế thì xin welfare, foodstamp mà sống bày đặt vác xác vào nơi này học đòi làm dân trí thức. - Thứ khỉ cạo lông, lột da mặc quần áo thì khỉ vẫn là khỉ, chó vẫn hoàn chó. - Chúng tao không chấp nhận mày là bạn. Không bao giờ... Không bao giờ... Chúng nó không lộ liễu quá đáng và cũng không để lại chứng cớ giúp Hòa có thể vịn vào đó nhờ nhà trường can thiệp. Hòa biết được sự kỳ thị chủng tộc là phạm vào luật pháp Hoa Kỳ nhưng sau giờ học, ngoài sân trường, đâu đâu Hòa cũng thấy lạc lõng tuy biết mình chỉ là một trong số những người quanh đây bị kỳ thị. Sinh viên được chọn vào Tulan ngoài khả năng còn phải có tiền. Trường Tulan nổi tiếng về ngành medicine, các bác sĩ ngoại quốc tốt nghiệp không thiếu nhưng kẻ được may mắn như Hòa đếm không trên mười đầu ngón tay nên ngay khi Hòa được trường nhận, mẹ nó đã làm một chuyến dọn nhà một mách xuống hẳn đây, một tiểu bang nắng ấm. Hòa quả thật may mắn và tốt phước nhưng phước và họa thường đi liền với nhau. - Con có chuyện gì lo lắng lắm phải không Hoà? Hòa nhìn rõ vai mẹ mình rung lên, như nó đã từng rung mỗi khi một thằng cùng lớp cố tình đưa chân ngáng. Những lúc đó máu trong huyết quản Hòa nhào lộn. Mọi vật quay cuồng nhảy múa y như có lần nhìn mẹ nó xốc xếch áo quần, tóc tai rũ rượi khi bị lũ cướp biển lùa chung với một đám đàn bà xuống carbin. Trước cảnh người khóc kẻ gào, trước cảnh thảm thê kẻ lê người lết cùng những thằng Thái lăm lăm dao phay mã tấu, bố nó quên rằng mình tay không, sức lực cũng chẳng còn vì ròng rã gần tuần lễ lênh đênh trên biển, phăng phăng tiến lên lôi trì mẹ nó lại. Lưỡi mã tấu dơ cao và chém mạnh xuống để thị oai, mục đích khủng bố tinh thần đám đàn ông còn đứng đàng xa. Nạn nhân bất đắc dĩ tránh không kịp nên vai bị xẻ dọc, cánh tay đứt lìa dãy đành đạch trong lòng khoang, phần còn lại là cả thân người to lớn bị thằng Thái đá một cái là văng luôn xuống biển. Hòa nhớ rõ máu bố nó bắn tung có vòi phủ kín mặt mũi thằng giết người. Nhìn mặt thằng Thái đỏ, mặt thằng Mỹ cũng đỏ, Hòa nghiến răng trèo trẹo căm thù nhưng lời mẹ nó hôm nào lại đột ngột vang lên: - Mình qua xứ người là kẻ ăn nhờ ở đậu. Sau này con có là tổng thống đi chăng nữa cũng không thể phủ nhận kẻ đã giúp con trong bước đầu dù để gánh phần nào trách nhiệm do họ gây ra, dù là ban bố nhân đạo, tị nạn chính trị hay bất cứ dưới hình thức nào. Hoà, là người có chí lớn phải biết người biết ta, phải quên thù nhỏ để mưu việc lớn, phải quên những lời châm chọc khích bác cản trở đường công danh của mình để quyết chí lập thân, nhất là quên dĩ vãng tăm tối để hướng nhìn về tương lai. Tương lai của con không phải là học cho giỏi, chế tạo những súng ống giết người, cũng không phải có chức vụ hoặc uy quyền để tàn sát lại kẻ đã giết hại cha em con. Hoà, con học để làm gì biết không? Học để sau này trở về giúp anh em giòng họ quê hương mình. Ngày xưa ngoài những sinh viên ưu tú được học bổng còn thì chỉ những con nhà giàu mới được du học. Bây giờ thời thế thay đổi, dân mình đổi tự do bằng tính mạng, lớp trẻ Việt qua đây học không phải tốn kém một ngân khoản nào ngoài trừ số tiền mượn chi dùng sau này phải trả khi có việc làm. Mình muốn đạt được việc học phải biết sống hòa đồng, vị tha và nhịn nhục. Con hiểu giá trị sự có mặt của con nơi này? Nếu hiểu được thì cuộc sống mới có ý nghĩa... Hòa không quên được lời mẹ dạy dỗ. Nhờ thế mà đã ba năm nó cố đè nén lửa uất hờn của thứ cây non đang vươn lớn bị cây khác đè xuống. Chúng bạn chung quanh như lũ chó sói về hùa; một con cắn cả bầy sủa inh ỏi theo. Hòachỉ lộ thái độ khinh bỉ bằng cách nhún vai không ngờ lại là sự khiêu chiến. - Hoà, bình tĩnh nói cho mẹ nghe đi con. Chuyện gì khó đến đâu cũng có thể giải quyết được. - Nếu con không thể thành danh nhưng vẫn thành người mẹ có còn thương con không? Hòa không đi thẳng vào vấn đề chỉ quanh co rào đón càng làm bà hoảng sợ. Chắc chắn đã có chuyển kinh khủng xảy ra làm chấn động lòng nó. - Dù con có là thế nào đi chăng nữa mẹ cũng vẫn thương con nhất là càng thương nhưng lo lắng nhiều hơn khi con bị thua sút chúng bạn. Tình cảm của mẹ không dựa trên bằng cấp cũng không đòi hỏi con phải đáp trả lại. Có điều mẹ muốn dùng tất cả mọi sự thương yêu đó để giúp con vượt thoát được tát cả mọi trở ngại, đẩy cho con tiến gần đến sự thành công. - Nếu con không là bác sĩ? - Là bác sĩ không có lòng nhân không khác gì kẻ giết người. Chữ nhân phải đi đầu. - Làm thế nào để tạo được chữ nhân khi chung quanh họ tấn công mình bằng chữ ác? Vậy là thằng bé đã có những trở ngại ở học đường. Dạo này báo chí đăng tải liên miên về những vụ ẩu đả gây tử thương chỉ vì khác màu da, tiếng nói. Người bà run lên bàn bật khi hình dung trong đám lúa đang lên, cây nào thấp nhất sẽ bị đè bẹp. Phải cho con sức mạnh tinh thần. - Nếu dùng sức mạnh, một người không thể đánh được khối đông, có thể thắng hôm nay nhưng hôm sau cũng sẽ bị hại lén vì mình là người quân tử luôn đứng ngoài ánh sáng còn chúng trong bóng tối. Tuy nhiên nếu dùng nhu sẽ thắng cương, bởi vậy mẹ mới dùng chữ nhân. Lấy tình thương xóa bỏ hận thù. Hãy tha thứ cho kẻ đã phỉ nhổ, hà hiếp, khích bác con chẳng những một lần, hai lần, năm lần mà có khi còn đến mười lần. Hãy giúp đỡ thân thiết với họ hơn là bất mãn chống đối. Ở học đường người da vàng là cái đinh trước mắt những người bản xứ. Mẹ dùng cái đinh vì nó nhọn, cứng trỗi bật bên đống mọt cưa. Con không thấy các báo đăng tải những học sinh chiếm ưu đa số là người Việt? Một dân tộc bị họ coi là nhược tiểu, thấp hèn từ đời ông, đời cha nay bỗng nhiên xâm lấn vị thế của họ, đụng chạm đến quyền lợi của họ thì tự ái và bất bình nổi lên là chuyện thường. Con phải học chữ nhân có nghĩa là phải thành người rồi mới thành tài. người có tài mà không có lòng nhân khác nào đưa súng cho trẻ con nghịch... Hòa không để ý lời mẹ nó. Nó không phải là kẻ chân tu để có thể dửng dưng trước mọi sự việc chung quanh, cũng không thể trở về thời xa xưa học chữ hán với nhân lễ nghĩa trí tín. Thời nay là thời bom nguyên tử, kẻ thắng là kẻ có sức mạnh. Chỉ cần sức mạnh... - Con muốn đi học võ. Bà Hiền chợt buông nụ cười. Học võ có nghĩa là vẫn tiếp tục đến trường, vẫn tiếp tục nín nhịn bạn bè vì để được đeo đai đen ít ra cũng phải một vài năm nữa và biết đâu lúc ấy mọi chuyện lại thay đổi. Con bà chọn ngành, đổi bạn và biết đâu thù thành bạn thân mấy hồi. Bà ôm xiết lấy con: - Con kiếm chỗ ghi tên mẹ đóng tiền học cho nhưng mẹ biết chắc bài học đầu tiên ông thầy võ của con sẽ nhắc nhở rằng học võ là để tự vệ và cứu người chứ không phải đánh người... Bà Hiền vui không lâu vì một tuần sau đã thấy mình mẩy con mình tím ngắt và mặt mũi xưng vù. Thằng bé thấy bà sợ hãi quay mặt đi. Cái quay bất chợt như một hình thức khai ra nó đã làm điều buồn lòng mẹ nó nhưng bà không nhìn sự lỗi phải mà chỉ thấy hình ảnh thê thảm bầm dập của con mình khuấy động dĩ vãng nở bùng ra. Cả một khối hận thù và thương tâm tràn về, mắt bà vừa đau xót vừa toé lửa hận thù nhưng không thể gào lên: - Đứa nào đánh con vậy Hoà? Gào lên để làm gì khi mình là kẻ bất lực, như chồng bà chỉ vì cảnh thương vợ con bị hãm hiếp mà phải đón nhận cái chết thảm thương. Bà không thể đi vào vết chân chồng để làm xụp đổ tất cả. Bình tĩnh... Bình tĩnh lại Hiền ơi... - Con vào thay quần áo, tắm rửa rồi ra ăn cơm liền nhé! Mẹ đói rồi. Chờ thằng bé sợ hãi bỏ vào trong bà mới rón rén vào phòng và khi biết chắc mình đã khoá cửa bà mới để cho nước mắt ròng rã rơi. Nước mắt của người mẹ thương con mặn chát, nóng hổi như thoát ra từ lửa sôi. Bà phải làm sao bây giờ với hoàn cảnh mẹ goá con côi nơi xứ lạ? Con mình như chim sẻ bị đàn cú tanh hôi mổ chí chết, như con chuồn chuồn voi bị lũ trẻ quái ác chọc mù mắt, vặt cánh, bẻ chân, mình trần trùi trụi đi chẳng được, lết cũng không, sâu chẳng ra sâu, nhộng chẳng ra nhộng. Chúng quyên rằng dẫu là con vật không có trí khôn nhưng cũng biết đau đớn như loài người. Vật hay người thì cũng phải lên hội đồng giám thị, phải làm cho nội vụ sáng tỏ, phải làm cho tan tành... Quyết liệt như thế nhưng rồi bà lại khựng ngay. Xứ này không có bằng cớ thì đừng mong được giải quyết. Chưa chắc con bà đã thú nhận bị lũ khốn trong trường đánh, tự ái của nó to bằng trời và mối thù cuả nó là một khối lửa, loại lửa nằm trong núi chỉ chờ dịp phun ra thiêu hủy hết mọi vật chung quanh. Chắc chắn nó sẽ ém nhẹm để trả thù. Muốn trả thù là tự ý chọn con đường không có học đường... Con ơi... Bà tru lên khóc nhưng vội đưa tay bịt miệng. Nếu để tiếng khóc thoát ra ngoài thằng Hòa nghe được thì sự đề phòng của nó sẽ kỹ càng hơn. Không. Phải bình tĩnh. Bà bóp chặt cổ họng lại, chặt đứt âm thanh và sự yếu mềm của mình. Sự can đảm trấn tĩnh không làm giảm bớt cơn đau. Cái đau của người mẹ là khi nhìn thấy vết thương trên da thịt con mình chứ không phải chính của họ. Phải làm gì bây giờ? La mắng, đánh đập hay khuyên bảo, vỗ về an ủi? Làm gì bây giờ để có sự thông cảm hiểu cho nhau giữa hai lớp người một già một trẻ, một chấp nhận hòa và một nhất định chiến? Chữ nhân... Chữ nhân... Học thì dễ nhưng hành lại tùy thuộc vào mỗi hoàn cảnh, mỗi con người và cả vào đối tượng. - Hòa ơi, ra ăn cơm cho nóng đi con. Gọi đến hai lần vẫn không nghe tiếng nó trả lời. Ngoài phòng ăn bà chờ đến hơn nửa tiếng. Nửa tiếng không nghe nước chảy trong phòng tắm, không thấy đèn trong phòng bật sáng, bà nhẹ đưa tay gõ cửa. - Con không ăn đâu mẹ đừng chờ. - Hay mẹ nấu tí cháo cho mày con nhé! Lợi dụng khi hỏi bà đưa tay đẩy nhanh cửa và bước hẳn vào trong. Dưới ánh sáng mờ từ ngọn đèn đường hắt xiên qua khung cửa sổ, Hòa để nguyên áo quần giày vớ nằm sõng xoài, tay vẫn còn gác lên trán, hẳn nó đang suy nghĩ. - Con học võ đâu phải một sớm một chiều mà đeo đai đen được. Phải cho nó thời gian nhất là phải có thuốc thoa các bắp thịt, khi nào hai bàn tay con cứng như đá đó là lúc thành công. Thời gian... thời gian... Hai tiếng thời gian khiến Hòa bừng tỉnh. Nó ngồi vùng dậy khỏe khoắn vì nghĩ mẹ mình không hề biết chuyện gì đã xảy ra ở ngoài sân parking chiều nay sau giờ học. - Ra ăn một chút đi con, phải ăn mới có sức khỏe mà học. Dù học võ hay học chữ cũng phải cần thân thể khỏe mạnh và tinh thần sáng suốt minh mẫn. Thuyết phục được thằng con ngồi ăn, bây giờ bà mới nói những điều cần nói. - Từ lâu mẹ chỉ khuyến khích con học những không nói rõ học để làm gì? Tại sao phải học...? Hòa ngước nhìn mẹ, một bên mắt mọng tím như qua hồng quân chín mọng treo toòng teng chỉ chực vỡ ra làm trĩu hẳn một bên mặt. Phần dưới, đôi môi cùng phụ họa to vếu lên, sát mép một vệt máu khô nằm vắt ngang như ngăn cản muỗng soup đừng cố gắng đút vào vì cái miệng không thể há ra được. Quai hàm hắn bị một cú đấm gần muốn vỡ xương mà không hiểu tại sao mẹ mình lại có thể nói những điều xa vời ấy trong lúc thằng con đau và đói đến lả người. Vết thương thể xác và tâm hồn cần phải được chữa cấp thời thì bà lại lờ đi để nói chuyện tương lai với hậu vận. Nghĩ thế nhưng Hòa không thể thốt ra lời vì có khác nào tự khai chuyện hồi chiều? - Cũng như từ lâu mẹ không nói cho con rõ tại sao gia đình mình phải rời bỏ quê hương để lưu lạc đến xứ này... Tai Hòa lùng bùng, cổ họng khô ráo và không thể chịu đựng thêm giọng nó uất nghẹn: - Mẹ để hôm khác hãy nói, con đau thế này làm sao nghe lọt tai? - Đau không nghe mẹ nói được thì cũng đâu thể học được? - Nhưng đâu cứ mãi đau hoài? Hòa gắt lên. - Ai làm con đau mà về nhà cắn cấu mẹ vậy Hòa? Học võ cũng phải từ từ mới đánh đấm được. Muốn biến bột thành bánh cũng phải nhồi nặn và chờ lửa nóng làm cho nó chín. Muốn có sức mạnh phải trau dồi luyện tập. Muốn nên người phải chịu khó học hành. Nếu sự học dễ dàng thì mọi người trên thế gian này đã trở thành bác học, bác sĩ cả rồi. Nếu con chú tâm vào việc học thì còn giờ nào nữa để đánh nhau. - Mẹ... Hòa đột ngột chặn ngang. - Con tưởng là mẹ không biết con đã đánh nhau ở trong trường. Nhìn thằng con cúi gầm mặt bà được thể nhấn mạnh giọng: - Ai lỗi ai phải mẹ không cần biết, chỉ biết rằng những vết bầm dập trên thân thể là bằng chứng thiệt thòi. - Nhưng không nhục. Nó đánh mà mình chạy là chục là hèn. - Hai hòn gạch chọi vào nhau mà biết chắc của mình sẽ bể thì đừng chọi. Con nhắm đấu sức không được thì đấu trí. Muốn đấu trí phải có thời gian suy nghĩ, dùng mưu lược và sự khôn ngoan hiểu biết của mình tận dụng tiệt để. Biết người biết ta trăm trận trăm thắng. Muốn biết người phải tìm hiểu nó thuộc vào thứ loại gì và tìm nguyên nhân tại sao nó đánh mình? Vì tình, tiền hay ghen tài? Nhà mình tiền không có mà tiền là phương tiện luôn đi song song với tình thì chỉ có tài. Con được học bổng lại đứng đầu lớp thì bị ganh ghét là chuyện thường. Thử hỏi cha ông nhà nó bao nhiêu đời có ai được ưu đãi như dân tị nạn mình? Nó ganh chỉ vì con hơn nó. Đã hơn thì còn đánh nhau với nó làm gì? Mục đích nó chỉ cốt sao cho con sao lãng việc học hoặc bỏ học càng tốt. Đừng rơi vào cái bẫy quá khích, sinh viên đến trường đâu phải biểu tình hoặc đả kích chống đối nhau. Muốn làm chính trị thì cứ ra đường hô hào đừng lạm dụng học đường, muốn đánh nhau về nhà đánh đừng bôi bẩn hai tiếng sinh viên, đừng mang thù riêng giải quyết ở sân trường... Nghe những lời gay gắt của mẹ, Hòa hiểu mình chỉ có một lỗi duy nhất là đã dấu diếm câu chuyện kỳ thị từ xưa đến giờ. Đã đến lúc Hòa thấy phải cho mẹ biết sự trưởng thành và trách nhiệm của mình. - Mẹ nghĩ sao nếu có kẻ mắng chửi mình là dân mọi rợ mường mán, dân ở đợ nô lệ? Tuy đã biết trước rồi sẽ có ngày con mình nói lên điều đó, ngay như bà ở trong sở làm vẫn có những chia rẽ, đố kỵ và cái nhìn miệt khinh từ đa số những người chung quanh nhưng đâu phải tất cả thế mà vẫn làm lòng bà nhói lên, nhất là chuyện xảy đến cho con mình với thương tích khắp cùng người. - Đâu phải họ bảo mình là mọi tức là mọi thật.