Trời mãn chiều!
Tường về đến cây đa đầu làng. Mặt trời đỏ ối đang từ từ lặn xuống phía dãy núi Bạch Bát. Những đám mây ẩn hiện, hình thù kỳ quái che khuất tia nắng cuối cùng trong ngày.
Trời xám dần.
Nhìn mặt trời vẫn rõ. Tường tạt vào quán nước dưới gốc đa. Chim đang bay về tổ. Lá cây lao xao. Chùa Cháy trầm mặc, im lìm. Những quả đa chín thỉnh thoảng rơi lộp bộp.
- Cháu cho chú đọi nước.
Tường bắt chước giọng Nghệ Tĩnh. Anh bỏ mũ cối xuống chõng tre hàng nước và tháo kính râm ra khỏi mắt. Cô bé ngước nhìn lên và giật mình. Tường thấy hai mắt cô bé mở to kinh ngạc. Bát nước chè xanh trên tay cô bé sóng sánh, tướt trên nắp hộp kẹo bột.
- Chú mời nước ạ!
Cô bé chớp chớp mắt. Cô đặt bát nước trước mặt Tường rồi rót thêm.
- Bà ơi có khách. Bà ra trông hộ cháu.
Cô gái đứng dậy cầm quyển sách vào trong rất nhanh. Tường chạnh lòng, tủi thân. Anh đưa tay sờ lên mặt: thô, ráp, xù xì. Đó là cảm giác của tay anh nhận được trên khuôn mặt đã chết.
- Chú bộ đội quê ở đâu ta? - Bà già còng lưng chậm rãi từ trong đi ra. Tường nhận ra bà Còm. Bà già nhiều và yếu, lưng còng hơn ngày anh ở nhà.
- Dạ! Cháu quê tận Nghệ An. Bà ở luôn đây à?
- ấy! Trước bà ở trong làng, sáng đem ra bán, tối lại dọn về. Từ ngày thằng Cu Theo có giấy báo tử, bà yếu nhiều không dọn đi, dọn về được, nghỉ luôn ở đây. Đứa cháu lúc nãy đấy, tối ra học rồi ngủ chung với bà.
Lòng Tường chợt se lại. Thế là thằng Cu Theo cái thằng cùng đơm lờ để đó với anh thuở nhỏ đã hy sinh. Anh còn may hơn nó là ra khỏi chiến tranh, mang được tấm thân thương tật về nhà.
- Giời sắp tối rồi. Nếu còn xa cứ nghỉ lại quán của bà, sáng mai đi tiếp. Khổ thân các chú bộ đội vất vả.
- Cảm ơn bà! Cháu là bạn anh Tường làng Trọng Nhân đây bà ạ!
- Giời đất ơi! Quý hóa quá! Bom đạn đã ngừng năm sáu năm rồi. Làng này chết sáu, bảy chục. Đứa nào còn sống về cả rồi. Chỉ còn mỗi thằng Tường chẳng biết sống chết ra sao chưa thấy về mà cũng không có giấy báo tử. Chuyến này chú về là ông bà Tân mừng lắm.
- Dạo ni ông bà Tân có khỏe không bà. O Thương vợ anh Tường bây giờ ra răng ạ...? - Anh hỏi liên tục.
- Ôi dào ơi! Già cả rồi! ì oặt luôn. Chú này, cái đám cô Thương ấy mà. Có khối đám đến dập dìu đấy. Ông bà Tân chỉ ưng gả con dâu cho anh giáo Mười thôi.
Lòng Tường thắt lại. Anh hoang mang. Tim anh đập loạn xạ. Phải về thôi! Về ngay nhà. Thương ơi! Tất cả hãy dừng lại. Anh đang về với em đây.
Tối chạng vạng.
Tường bước vội trên con đường lát gạch về làng Trọng Nhân. Hơn sáu năm đi xa, chắc bây giờ mẹ anh già lắm. Có già như bà Còm không. Anh đổi khác, mẹ anh có nhận ra không. Còn bố anh có còn đi làm thợ thùng đào, thùng đấu nữa không. Cái nghề ấy khổ lắm bố ơi. Và Thương nữa! Tường nhớ lại cây đa hai trăm tuổi đã nhiều lần chứng kiến tình yêu của anh. Ôi! Những giọt trăng lọt qua kẽ lá rơi xuống tóc, vai Thương. Mùi hương bưởi thoảng bay ra từ suối tóc mây. Anh rúc đầu vào ngực Thương. Tim Thương đập thình thịch. Ngực Thương dập dềnh, dập dềnh. Rồi Thương ngả vào lòng anh. Ngửa mặt lên trời, mắt nhắm nghiền. Tường đặt một cái hôn lên môi Thương nóng bỏng. Vũ trụ như chìm trong giấc mơ... Thương chợt bừng tỉnh, ánh mắt mơ màng nhìn lên thân cây và vòm lá. "ối! Anh ơi" - Thương ôm chặt lấy anh - "Em sợ lắm". Anh nhìn quanh. Một hình nhân mặt mũi dữ tợn, nham nhở đứng trong gốc cây đa. à - anh cười - "Ông ác. Tượng ông ác đấy. Em đừng sợ". Thương hỏi: "Sao ông ác ở đây?". "Kiểu nghịch này chỉ có thằng Cu Theo. Nó mang từ trong phủ thờ ra đây". "Anh ơi! Anh đừng là ông ác nhé". Anh cười: "Anh mãi mãi là chồng em"...
Tiếng vó trâu lồng lộp cộp phía sau lưng Tường. Anh dừng chân quay đầu trở lại.
- Họ... ọ...ọ...họ.
Thằng bé giật thừng. Con trâu đen, to kềnh đứng lại trước mặt Tường. Thằng bé nhảy bịch xuống đường:
- Bà Còm bảo không lấy tiền nước, mừng tuổi chú - Nó nhét mấy tờ tiền lẻ vào túi cóc ba lô anh - Nhà cháu ngay cạnh ao nhà chú Tường đấy - Eo ôi! Thằng bé chợt thốt lên - Chú bị thương à?
A! Thằng này là con anh Hạo đây. Ngày anh về phép nó còn nhỏ xíu.
- Chú bị thương! Cháu trông có hãi không?
- Cháu chỉ kinh thôi, chứ không sợ. Nửa đêm bắt cá khăm cháu vẫn đi qua gò Mã Giáng kia kìa. Bố cháu cũng bị thương nhưng không giống chú đâu. Bây giờ ghép hàm giả rồi.
Tường nhớ lại. Hôm Thương và anh đi chào hàng xóm để vào chiến trường. Anh Hạo đang nằm cho vợ bón từng thìa thức ăn. Hàm dưới của anh mất nửa, vêu vao, nhai cái nặng cái nhẹ. Tường vào, anh ngồi dậy chào và nắm tay Tường rất chặt.
Đêm nằm bên chồng, Thương bảo: "Em chỉ mong anh lành lặn trở về". Anh kéo vợ vào lòng ôm rất chặt...
- Đến nhà chú Tường rồi. Chú cứ vào đi. Cháu phải về đóng gióng trâu.
Tường giật mình. Mải nghĩ, anh đã đi qua ngõ nhà mình mấy bước.
- Cảm ơn cháu!
Tường đứng trước ngõ. Nhà mình đây rồi. Tường reo to trong lòng. Ôi! Bao năm anh lặn lội khắp các nẻo chiến trường. Bao năm Tường sống trong nhớ nhung, khát khao, chờ đợi. Hình ảnh mẹ, vợ và cha lúc nào cũng đau đáu, khắc khoải trong tim. Giờ thì anh đã về đây. Về nơi đã sinh ra anh, nơi anh lớn lên và ra trận.
Những con đom đóm lập lòe, lập lòe bay khắp mặt ao, trong vườn ngoài ngõ kéo tuổi thơ anh trở lại. Cây bưởi bên anh xào xạc. Anh chạm đầu vào lá, lá tỏa mùi hương cay cay đánh thức tuổi thanh xuân, một thời yêu sôi nổi. Lòng anh rạo rực. Những bước chân rất nhẹ, lâng lâng. Gặp mẹ như thế nào nhỉ. Anh sẽ chạy nhanh đến ôm chầm lấy mẹ. Không! Anh sẽ hiu hiu nhắm mắt, hai tay đưa về trước khi dò dẫm trong sân. Cũng không! Nhìn thấy, mẹ sẽ ngã mất. Phải rồi! Anh sẽ gập một chân lại, mặc quần rồi chống gậy tập tễnh vào nhà. "Ôi! Con tôi!" Mẹ kêu lên. Chợt mẹ khuỵu xuống. Anh ôm chầm lấy mẹ. Nước mắt mẹ nhòe nhoẹt trên mặt, trên vai áo của anh. Mẹ nói như trong mơ: "Con ơi! Cu Tường ơi! Cái thằng hay mặc quần đùi thủng đít. Cái thằng hay đái dầm đây". Rồi mẹ rờ rẫm trên đầu, trên mặt, trên vai anh. "Vẫn còn nguyên, không xấc xước gì". Mẹ lẩm bẩm: "Nhưng sao mặt con gồ gề vậy. Lại còn cái chân nữa này". Mẹ nắn nắn cái đầu gối của anh. "Bố anh! làm u hết hồn. Có thả cái chân xuống không nào". Anh cười: "U ơi, U xem này". Anh bỏ ba lô xuống nhảy tưng tưng trươc mặt mẹ. Mẹ vừa cười vừa lau nước mắt. "Cha bố anh có vợ rồi mà như trẻ con. Thôi mẹ đi dọn cơm nhá. Có món ốc nhồi luộc con vẫn thích đấy". Rồi mẹ tất tả chạy xuống bếp. Ô! Mẹ! Mẹ của con. Bao giờ mẹ cũng lo con đói đầu tiên. Còn bố nữa. Anh sẽ đứng nghiêm: "Thưa bác lực điền. Con đang đeo hai huân chương chiến công trở về. Tửu lượng của bác dạo này thế nào ạ?". Bố anh cười rạng rỡ: "Cha anh chứ! Mẹ và vợ anh hết nước mắt". Còn Thương nữa! Anh sẽ đeo ba lô đứng chờ bên cửa buồng. Không! Anh sẽ nằm sẵn trong giường úp mặt vào trong. Thương mở cửa buồng bước vào. Em nằm xuống. Anh xoay người ôm chặt lấy Thương: "Anh đây! Tường của em đây!". Thương nhắm mắt như ở trong mơ. "Anh! Đúng là anh đây rồi! Mùi mồ hôi quen quen. Em không thể lầm được". Anh ôm Thương rất chặt. Thời gian như ngừng trôi. Không gian như đặc lại. Mây đứng im và chim cũng ngừng bay. Tất cả đều chìm trong vũ trụ. Tĩnh lặng! Chỉ có tiếng thở gấp và nhịp tim dồn dập. Anh áp mặt vào ngực Thương. Em kêu lên: "Ôi! Anh Tường ơi! Bao năm em khát khao, chờ đợi". Anh hôn lên đầu, lên mặt em - Chợt Thương bừng tỉnh mắt nhìn anh trân trân: "Không! Không! Trái tim của anh nhưng còn gương mặt..."
- Chị Thương! Có tắm thì ào đi còn ăn cơm. Bà ấy không về đâu.
Tường bừng tỉnh. Đúng là tiếng bố rồi.
- Thầy cứ uống rượu trước đi. U cũng bảo con vài hôm u mới về.
Tiếng nói của Thương vẫn như xưa, dịu dàng và đằm thắm.
- Bố rất quý cái nết anh giáo Mười. Anh giáo với con ở đây bố mẹ yên tâm lúc tuổi già. Anh giáo cũng giản dị, đã đi lính rồi nên dễ thông cảm.
Tai Tường ù đi. Chiến tranh. Xa cách. Mất mát. Chia ly và chiến thắng. Anh rùng mình nhớ lại: ánh mắt trố ra kinh ngạc của cô gái, lời bà Còm, tiếng kêu kinh ngạc của thằng bé, cái mặt ông ác, tiếng nói của cha. Lòng anh quặn lại. Ngôi nhà bỗng trở nên xa lạ...
Tường quay đầu, khoác ba lô đi ra đường. Tường vấp ngã. Anh luống cuống ngồi dậy. Nước mắt tự nhiên ứa ra. Anh cứ đi, bước thấp, bước cao, hẫng hụt.
- Kìa chú! Làm tắt đèn của cháu rồi.
Tường đụng phải người. Lại thằng bé chăn trâu con anh Hạo. Anh lúng túng.
- Sao chú quay ra không vào nhà. Hay chú nhầm...
- Có lẽ rứa... à... không! - Tường lập bập.
- Ông bà ơi! Cô Thương ơi! Bạn chú Tường về chơi đây này - Nó vừa gọi to vừa kéo anh trở lại.
- Con chào bố - Anh lại nói giọng miền trong.
- Quý hóa lắm. Mời chú vào.
Bố anh nắm lấy hai vai anh lắc lắc rồi cầm lấy tay anh. Tường hơi rụt lại.
Nhưng bàn tay anh đã nằm gọn ở tay ông rất chặt.
- Mẹ cháu bảo biếu ông bà đĩa thịt gà. Cho nhà cháu vay bát muối.
- Đặt vào mâm cho ông. Còn muối ở góc bếp, xuống mà xúc, vay viếc gì.
Thằng bé cầm bát chạy đi. Tường ngồi xuống chiếu. Be rượu vơi một nửa. Cái chén hạt mít cạn khô.
- Con và anh Tường ở với nhau bảy năm trước cơ. Bây chừ con ở đoàn an dưỡng. Hôm nay trả phép. Nhân tiện tàu dừng ở ga Giành, con xuống rẽ vào thăm gia đình và anh Tường.
Bố Tường nói thủng thẳng:
- Chú ơi! Im tiếng súng lâu rồi mà nó chưa thấy về. Chờ mãi, mong mãi. Tôi với bà ấy già yếu rồi. Trái gió trở trời không thể biết lúc nào được. Hôm nay chú về, tôi vừa vui, vừa buồn. Chú phải uống rượu với tôi.
- Bố ơi! Mẹ đi mô rồi?
- Bà ấy đi sang làng Quỳnh thăm chị gái thằng Tường mới đẻ. Vợ thằng Tường đang tắm. Khổ thân nó, con gái có thì.
Tường thấy lòng nao nao.
Thương ngồi trong nhà tắm, nước mắt rơi lã chã. Đã bao lần chị tiếp các bạn của chồng sau chiến tranh. Giờ lại một người nữa trở về. Một cuộc thăm hỏi mới. Cứ mỗi lần như thế nỗi đau của chị lại bùng lên. Người ta hỏi tin anh làm chị buồn lặng. ở cái làng Trọng Nhân đã lâu rồi, cứ mỗi bận báo tử là cả làng thành đám tang. Nhà nọ buồn lây sang nhà kia. Còn chị cứ thấy tim mình đập thon thót.
Thương vẫn nhớ mùi mồ hôi, mùi đàn ông quen thuộc của chồng. Những lời âu yếm, những động tác vuốt ve và kiểu nằm úp thìa nói chuyện của Tường sau mỗi lần ân ái cứ lẩn khuất trong đầu Thương. Nhưng tuổi xuân của Thương không trẻ nữa. Cuộc đời Thương ở phía trước còn dài. Thương không thể sống mãi trong nỗi buồn chờ đợi. Kỷ niệm một thời Thương sẽ giữ mãi, giữ mãi trong lòng. Thương đã từng nhớ nhung, chờ đợi và thất vọng, nhưng Thương cũng nhiều lần xốn xang trước hạnh phúc của những cặp uyên ương mới. Tim Thương cũng đã từng rung lên trước những người con trai ngỏ lời cầu hôn. Đã có lúc Thương ngần ngại băn khoăn, lại có lúc Thương sung sướng đi tìm hạnh phúc...
- Chị Thương tắm táp nhanh lên. Ra ăn cơm để khách chờ.
Nghe bố gọi, chị tần ngần bưng chậu quần áo ra khỏi nhà tắm.
- Chào o Thương! - Tường vẫn nói giọng Nghệ An. Lòng anh quặn lại.
Thương lí nhí chào anh. Mắt Thương hoa lên, chị ngồi thụp xuống chiếu. Những đốm xanh, đỏ, tím vàng nhảy múa trước mặt.
- Chị Tường sắp cơm đi - Ông Tân hắng giọng.
Thương định thần trở lại, dụi dụi mắt:
- Anh bỏ mũ ra đi - Thương quay về phía ông Tân - Để anh rửa mặt cho mát đã bố ạ.
Thương múc nước mưa đổ ào ào vào chậu nước. Chị bưng đến đặt bên thành giếng.
Nước mát rượi. Mùi hoa bưởi thơm thơm. Tường nhặt một bông hoa bưởi đặt lên mũi. Anh vục mặt vào chậu. Tường cứ thế để vậy lâu lâu mới ngẩng lên rồi lại vục mặt xuống. Anh không nhớ ngày trước đã bao lần Thương múc nước mưa thả hoa bưởi cho anh rửa mặt, cho anh gội đầu. Đầu óc anh tỉnh táo đến lạ lùng. Anh nhìn ra phía bể nước, trong ánh đèn dầu hỏa, vợ anh đang nhấc cái nón mê thủng chóp ra khỏi vại sành gắp từng quả cà pháo bỏ vào bát chiết yêu.
Bữa cơm nhà quê giản dị chỉ có canh cua, cà pháo, tôm rang lẫn với thịt lợn. Đĩa thịt gà rắc lá chanh thái chỉ của nhà anh Hạo cho là sang nhất. Ba người ngồi ba góc. Thương lặng lẽ đánh cơm. Nồi cơm mới ngạt ngào thơm nức. Anh nhai chầm chậm, nhấm nháp vị ngọt của canh cua nấu mướp ngấm vào tận kẽ chân răng. Cà pháo hơi chua, giòn làm anh ăn thấy ngon miệng. Có lẽ lâu lắm rồi Tường mới được ăn ngon thế. Đó là món ăn Tường thích nhất. Còn một món nữa mà Tường thích đó là ốc nhồi luộc chấm mắm ớt, gừng, lá chanh. Dạo ở nhà mới nghe thấy canh cua, cà pháo, tôm rang và ốc luộc là mắt anh sáng lên.
Từ lúc về đến giờ chưa lúc nào anh nhìn thấy vợ và bố rõ như lúc này. Thương không khác dạo trước mấy, nhưng hơi gầy và vẫn đẹp. Bố anh già thêm, nhiều nếp nhăn ở trán. Ông Tân vẫn nhâm nhi ly rượu và cái cánh gà. Thỉnh thoảng ông lại hỏi vài ba câu chuyện về quê quán, gia đình và sức khỏe.
- Dạo ấy chú và thằng Tường cùng ở với nhau thế mà bây giờ chú về còn nó thì không. Nó cao bằng chú nhưng nặng đến sáu chục cân, chứ không còm nhom như chú đâu.
Thương không thể nào ăn được. Miệng chị đắng chát. Nửa bát cơm chỉ vơi được một ít. Thương chan thêm canh ăn cho qua bữa. Mùi mồ hôi quen quen lẩn quất với mùi lá chanh trong đĩa thịt gà làm cho Thương có cảm giác vừa quen vừa lạ. Chị xin phép buông bát. Thương vào giường nằm. Chị nhìn ra cửa sổ. Ngọn đèn dầu lấp lóa bóng hai người: một già, một trẻ. Thương khóc.
Ăn cơm xong, hàng xóm kéo nhau đến hỏi thăm. Nhà ồn ào. Anh Hạo bảo anh: "Cái mặt chú đừng bận tâm lắm. Dù sao chú với tôi cũng may hơn thằng Tường là còn được trở về". Chỉ có anh Hạo mới hiểu được nỗi đau này. Tường nói: "Cảm ơn anh!" Thím Giới, một người mau miệng nhất làng Trọng Nhân chen sát vào bên Tường, Thím bảo: "Chú lấy cô Thương, ở luôn đây trông nom ông bà Tân là phải đạo". Anh Hạo gắt lên: "Ơ! Cái nhà chị này! Lấy anh giáo Mười kia". Thím Giới cười bẽn lẽn: "Tôi cứ tưởng chú ấy là giáo Mười ở làng Quỳnh".
Mọi người về hết cũng là lúc ông Tân loạng choạng vì uống nhiều rượu. Tường đỡ ông đi nằm, Tường buông màn, anh nằm cạnh bố. Một lát ông Tân ngáy khò khò trên giường. Tường trằn trọc không ngủ, anh thấy trong người bức bối. Đầu óc anh căng lên khó chịu. Từ lúc về đến nhà rất nhiều cảm giác khác lạ ùa đến trong anh. Lúc vui, buồn lẫn lộn, lúc xót xa, rạo rực...
Trong buồng, Thương trở mình liên tục. Tiếng dát giường kêu cót két. Thương tự nhiên mơ màng thấy Tường bay trong không trung. Chị đứng dưới gốc đa. Chị gọi tên anh. Anh hạ xuống, ngắt một cái lá đa đặt trên đầu chị. Anh bảo đó là mũ cô dâu. Thương bước vào phòng cưới lại thấy anh giáo Mười đi bên cạnh mặc áo chú rể. Đêm tân hôn. Chị lại thấy Tường bế mình lên giường. Anh hôn lên tóc Thương. Rồi chị thấy mình ân ái với chồng. Anh nằm úp thìa cười với Thương. Thương hét lên. Đừng cười! Không! Không phải là anh...
Thương chợt tỉnh. Mồ hôi dịn ở trán lấm tấm. Chị thấy tim đập loạn xạ. Thương đi ra ngoài sân.
Tường nghe thấy tiếng xối nước ào ào. Anh nhỏm dậy, bước qua chân bố, chui ra màn.
Nửa đêm.
Trang hạ tuần treo lơ lửng trên cành cây. Trời sao lưa thưa. Không một ngọn gió. Vườn cây đứng im phăng phắc. Tường rón rén bước thật êm đứng bên bụi chuối sát nền giếng. Thương tắm! Anh khẽ kéo tàu lá. Cái áo mỏng của Thương dính bết vào người. Phụ nữ hay tắm đêm. Tường lẩm bẩm: ừ nhỉ! Ngày anh còn bé tí xíu, bố đi làm thùng đấu xa không về mẹ cũng hay tắm đêm. Thương múc từng gàu nước đổ rào rào. Dường như cơ thể Thương đang nóng bùng lên và nước lạnh dội ào ạt vẫn không dập tắt được ngọn lửa trong lòng Thương.
Tường nhắm mắt. Lòng anh cồn cào. Ngày ở nhà chưa bao giờ anh được nhìn trộm vợ tắm. Đứng thế này liệu có nên không nhỉ? Anh tự hỏi. Rồi anh mở mắt. Anh không tin ở mắt mình nữa. Ngực Thương để trần nõn nà lấp lóa dưới ánh trăng ngần. Gần lắm! Anh bước thêm một bước.
Soạt! Tường vô tình kéo gãy tàu lá chuối. Anh lùi lại. Anh thấy Thương ngồi thụp xuống, hai tay ôm lấy ngực. Lại lặng im, chỉ có tiếng côn trùng rỉ rả trong đêm. Thinh không yên ắng. Thương đứng dậy với chiếc áo khô. Đứng tần ngần một lát, Thương lại vắt áo lên thành nhà tắm. Lại xối nước, xối nước. Tường thấy ngực vợ căng lên. Lòng anh cồn cào. Bước ra thôi. Đừng hành tội mình nữa. Trăng cũng như đồng lõa, mơn man trên ngực trần của Thương. Tường nuốt nước bọt đánh ực. Anh bước ra.
- Tũm! - Tường sững lại. Chiếc gàu nước vô tình rơi xuống giếng vẫn còn dùng dằng với dây buộc ở trên. Anh quay bước đi ra ngoài cầu ao. Tiếng xối nước vẫn còn đuổi theo anh rồi im hẳn.
Mặt nước ao loang loáng. Mây vẫn in trên đầu. Cá quẫy rèn rẹt, tùm tũm. Mùa cá vật đẻ rồi. Ao nhà anh đặc cá. Từng đàn ăn nổi lên mặt nước.
Tường trở lại giường nằm. Ông Tân vẫn ngáy đều đều. Thỉnh thoảng ông ú ớ như người nói trong mơ. Anh chỉ nghe được âm thanh ngắt quãng: o...on...uơ...ương...ơ...ơi... không thành tiếng. Hay bố đang mơ gọi tên anh. Tường thu mình nằm gọn sát lòng ông Tân. Anh thấy như mình đang ở tuổi ấu thơ. Một lát sau, Tường trở mình. Nhìn về phía cửa buồng, Tường thấy vợ nằm nghiêng. ánh trăng lọt qua cửa sổ mờ mờ. Thương quên cài cúc áo. Dưới ánh trăng mờ ảo, Tường thấy lòng mình như có sóng. Thương đẹp! Đẹp hơn ngày trước rất nhiều. Lạ nhỉ? Tường chưa hề có cảm giác này. Vô lý thật! Tại sao anh lại nằm bên bố. Không! Chỗ anh nằm trong kia mới phải. Tường nhỏm dậy.
Rạt! Bố anh trở mình đạp chân trên chiếu. Tường ngập ngừng rồi lại nằm xuống. Tường mơ màng như mình đang đi trên chiếc cầu độc mộc cheo leo quá. Phía dưới là dóng sông mầu mận chín. Phía trước là cánh đồng cỏ xanh ngút ngát. Anh ngoái đầu nhưng không nhìn được phía sau..
Quá nửa đêm.
Trời nổi cơn giông dần dật. Gió cuốn thốc những lá khô vào nhà. Tường dậy châm thuốc hút. Anh ra ngoài sân. Mặt trăng mờ vất vả chui qua những đám mây đen, trắng chen nhau cuồn cuộn. Tiếng gió giông lẫn tiếng xay lúa ù dưới bếp. Cây trong vườn nghiêng ngả. Bụi tre kẽo kẹt. Lá chuối phần phật. Tiếng xay lúa quay cuồng hối hả hơn. Hai thớt cối nghiến vào nhau nghe khó chịu. Tường thấy vợ lại đổ thêm lúa vào xay tiếp. Tường đi lang thang trong sân, ngoài cổng, ra vườn và bờ ao. Cơn giông yếu dần. Trời dịu. Dưới ao cá vật đẻ dày hơn, vẫn rèn rẹt, tum tũm. Tường quay lại vào giường. Anh thấy người dễ chịu. Một cảm giác nhẹ nhàng. Một lát sau Tường mơ mơ màng màng.
Gần sáng.
Thương gội đầu xong ngồi hong tóc ở bậu cửa. Đột ngột Thương đứng phắt dậy bỏ chiếc lược lên bàn. Chị vặn ngọn đèn dầu hỏa bằng hạt đỗ xanh cháy to lên. Căn nhà sáng bừng. Thương cúi người soi đèn, đọc những dòng chữ viết tắt và địa chỉ ghi trên nắp ba lô. Chị đứng lên thở dài. ánh đèn soi qua lưới màn tuyn trắng mỏng. Thương giật mình. Bên cạnh bố một người đàn ông nằm úp thìa, mặt nghiêng gối trên hai tay đan vào nhau. Thương lơ mơ, nhớ những cảm giác ân ái của một thời. Chị đặt cái đèn xuống bàn, vặn nhỏ xuống. Thương với tay lấy chiếc áo tô châu bạc mầu treo trên mắc. Chị nâng áo ấp vào mặt mình. Mùi mồ hôi, mùi đàn ông quen thuộc. Đúng cái mùi quen quen mà suốt bao đêm rồi chị vẫn nhớ. Nước mắt Thương trào ra.
Trời sắp sáng.
Tường bừng tỉnh. Anh vặn ngọn đèn ở bàn to lên. Không thấy bố đâu. Nhà vắng lặng. Qua ánh đèn thấp thoáng, Tường bắt gặp mặt mình trong gương: nham nhở, gồ gề, méo mó, mất cảm giác. Một khuôn mặt biến dạng đến nỗi Tường cũng không nhận ra nổi mình nữa. Anh điên tiết ném luôn chiếc gương xuống đất. Mảnh kính vỡ vụn, sắc nhọn rắc trên nền nhà. Ông Tân từ ngoài sân đi vào thấy Tường đang ngồi thẫn thờ. Ông hỏi:
- Chú nhỡ tay à? Không sao đâu, gương vỡ lại lành, chú đừng ngại.
Tường cúi xuống soi đèn nhặt từng miếng kính vỡ:
- Bố dậy sớm rứa ạ? - Anh hỏi.
- Tôi hôm nào cũng thế. Chú đêm qua chắc không ngủ?
- Con lạ nhà.
Phía đằng đông trời rạng. Tường thu xếp ba lô.
- Chưa rõ mặt đường, chú ạ!
- Bố ơi! Con phải đi trước lúc trời sáng cho kịp tàu. Cho con gửi lời chào mẹ, chào o Thương. Chắc o Thương đang nghỉ.
Lúc nãy nấu cơm dưới bếp, nó bảo chỉ có bà nhà tôi là giữ được chú ở lại. Nó sang nhà giáo Mười mượn xe đạp đi làng Quỳnh đón bà ấy rồi. Tôi nói thế này không phải chứ. Tôi thấy dáng đi của chú rất giống thằng Tường nhà tôi.
- Có thể bố quá nhớ anh Tường đó thôi. Con chẳng hiểu răng. Đêm ni cứ như ở nhà mình.
- Từ lúc hết men rượu, tỉnh dậy đến giờ tôi thấy lạ lắm. Hay chú cho tôi đi với.
- Lần này, con phải về bệnh viện điều trị phẫu thuật. Chào bố. Con đi thôi, sắp sáng rồi.
Biết không giữ được Tường, ông Tân buồn hẳn:
- Chú ơi! Dù thằng Tường thế nào đi nữa thì cũng cứ về đây nhé. Bố mẹ và con Thương đều mong như vậy. Ông Tân khóc.
-Vâng! Bố ơi! Nhất định con sẽ về.
Lòng Tường thắt lại. Thế là anh cũng không gặp được mẹ. Tường lén lấy tay lau nước mắt. Anh bước ra khỏi nhà. Bố anh đứng cầm đèn, quệt nước mắt nhìn theo. Anh bước đi như chạy. Trước mặt anh trời rạng sáng.
Trời rạng hẳn.
Con tàu hỏa xịch xịch nhả khói cuồn cuộn. Nó hú hồi còi dài gióng giả rồi đột ngột rùng mình từ từ chuyển bánh. Tường ngẩn ngơ. Thế là đã qua một đêm ở nhà, ở làng Trọng Nhân. Từ nay anh sẽ sống ra sao nhỉ. Đến bao giờ anh lại trở về nhà gặp mẹ.
Tường nhìn qua ô cửa tàu. Ba bóng người đang chạy từ làng Trọng Nhân ra ga Giành. Người còn trẻ chạy trước khá xa, hai người già chạy sau. Thỉnh thoảng vấp ngã, họ lại đứng lên chạy tiếp.
Tàu từ từ ra khỏi ga. Cả ba người đứng lại nhìn theo. Bỗng một người già ngồi thụp xuống ôm mặt. Tường không còn lòng dạ nào ngồi ở trên tàu nữa. Anh ném ba lô xuống đường rồi nhảy qua cửa sổ tàu hỏa. Anh cuộn mấy vòng và đứng dậy. Quên cả lấy ba lô, Tường chạy như bay về phía làng Trọng Nhân.

Xem Tiếp: ----