Nhận được tin Tâm mới mua nhà biệt thự ở Phú Mỹ Hưng nhờ trúng cổ phiếu, Đông điên lên. Dạo này bạn bè cứ bắn email sang khoe đứa tậu được miếng đất, đứa đầu tư sinh lợi đáng kể, đứa thành lập doanh nghiệp nhiều tiềm năng. Anh không thể tập trung làm việc được nữa, đành vào internet lang thang tìm đọc một số thông tin liên quan đến việc làm giàu. Philippe ngồi kế bên nhìn thái độ nóng nảy của Đông khi gõ phím enter và cử chỉ rung đùi muốn động đất của anh cười tủm tỉm: - Chuyện gì? Bộ con bé xinh đẹp chít chát mấy tháng nay có thằng khác rồi hả?- Thôi đi! - Đông cáu - Còn tâm trí đâu nữa mà gái với ghiếc. Người ta đang sục sôi làm giàu kìa!- Thì sao? - Philippe ngáo ra.- Còn sao nữa! Tao ngồi ở cái xó châu Âu này mà làm tiến sĩ kinh tế, rị mọ viết từng bài báo kiếm vài đồng nhuận bút trên các tờ tạp chí lừng danh. Được gì? Một căn hộ bé tí, cuối tuần xem phim bằng thẻ giảm giá, mỗi ngày đi làm bằng xe công cộng. Tao sống một cuộc đời "cơm hàng, cháo chợ, vợ nhà thổ".- Tao cũng vậy! - Philippe cười tỉnh bơ - Mày đã chọn con đường khoa cử mà!Đông không nói nữa, anh thấy uất ức quá phải vào nhà tắm vục nước vào mặt. Cùng gốc miền Trung sỏi đá vào Sài Gòn học, cùng chịu cảnh ê chề vì đói khổ thời sinh viên, Đông cố gắng học thật giỏi, Tâm tốt nghiệp loại vớt. Vậy mà đâu chỉ có nó, còn hằng hà sa số những người bạn cùng lớp ngày xưa giờ nhà cao cửa rộng, xe hơi bóng loáng, đi du lịch nước ngoài như đi chợ. Mùa hè năm ngoái Tuyết cùng chồng sang châu Âu một vòng, ghé Hà Lan thăm Đông chẳng biết vì tình xưa nghĩa cũ hay chỉ muốn khoe sự thành đạt. Cô thất vọng nhìn căn hộ ẩm thấp của anh rồi liếc nhìn chồng vẻ khó hiểu. Khi đó Tuyết không giới thiệu nhiều về chồng nhưng mới tuần rồi đọc báo online Đông phát hiện ra tên chồng của cố nhân nằm trong danh sách mười người Việt Nam đóng thuế thu nhập cao nhất nước. "Ê, Đông, mày ổn không? - tiếng Philippe gọi ngoài hành lang - Đừng dìm đầu vào bồn cầu tự tử nghe chiến hữu!". Đông lập cập đi ra "Tao với mày về sớm uống bia!". Lúc Philippe dìu Đông lên lầu, bê đến tận giường và cởi giày cho anh, Đông biết mình chưa say nhưng cứ mặc. Tối nay anh nói nhiều quá, lè nhè toàn chuyện giàu nghèo đến mức Philippe đổ quạu đấm cho một phát. Hắn dân Pháp trung lưu, gia đình có một biệt thự ở Nice nhưng suốt đời hắn sẽ chẳng dành dụm tậu cho mình một chốn dung thân. Thế hệ trẻ châu Âu như Philippe thích vừa làm vừa hưởng. Có bao nhiêu đi du lịch bấy nhiêu, hắn xem vật chất chỉ là phương tiện cho mình tận dụng để làm giàu tri thức và tâm hồn. Nhà thì cứ thuê, việc quái gì phải mua rồi nai lưng trả góp đến cuối đời. Xe công cộng vừa rẻ vừa tiện, mua xe hơi chỉ thêm phiền với bao nhiêu thứ thuế. Philippe mấy năm qua đã ít nhiều ảnh hưởng lên Đông cái tư tưởng mỗi người chỉ có một cuộc đời: không lệ thuộc đồng tiền, có bao nhiêu hãy thụ hưởng hết bấy nhiêu. Và Đông đã thật sự thấy lòng mình thanh thản khi đi theo tiếng gọi của cuộc sống tự do với tâm hồn khoáng đạt những khi cùng Philippe lang thang khắp hang cùng ngỏ hẻm ở châu Âu, châu Mỹ và cả châu Úc nữa. Anh thấy mình như cánh chim trời, thật hạnh phúc được làm những gì mình thích và đi những nơi mình muốn. Thảng hoặc bên Việt Nam xin tiền, Đông chặc lưỡi gởi về vài trăm euro, lần nào anh cũng nhấn mạnh: "Đây là lần cuối, mỗi người tự lo thân". Anh ghét cái kiểu một người làm quan cả họ được nhờ. Ai cũng phải có trách nhiệm với chính mình, cứ bám theo người khác như thế làm sao vươn lên. Đông rất tâm đắc khi thấy cảnh cha mẹ bên châu Âu đẩy con ra đường khi đã lớn. Đủ lông đủ cánh thì tự bay, ai cũng có cuộc sống riêng, tự ra quyết định tự chịu trách nhiệm. Sống hai năm ở Pháp và hơn ba năm ở Hà Lan, Đông tự hô khẩu hiệu "Độc lập, tự do là hạnh phúc!". Và anh đã hạnh phúc cho tới cái ngày vợ chồng Tuyết sang châu Âu, cô đã nhìn anh rơm rớm như thể anh đang sống trong địa ngục trần gian.Khi về đến Việt Nam cô email nói thật sự lo cho anh. Anh dù sao cũng là người nước ngoài, rồi phải lập gia đình sinh con đẻ cái. Tụi châu Âu cứ sống ung dung tự tại vì cuối đời có nhà nước lo, còn Đông thân cô thế cô. "Anh mới ngoài ba mươi thôi mà, đừng bay nhảy làm cánh chim trời vô định nữa. Chừng nào có bằng tiến sĩ về lại Việt Nam với em!". Đông đọc e-mail vừa tự ti vừa tự tôn, tâm lý phức tạp phát ốm mấy ngày làm Philippe lo sốt vó. Ngày xưa Tuyết cũng xin học bổng để được đi theo Đông nhưng không thành, đành ở lại Việt Nam đi làm trong một công ty nhỏ nào đó. Theo năm tháng kinh nghiệm chồng kinh nghiệm, cô thay chỗ làm mấy nơi, cuối cùng đang làm trợ lý tổng giám đốc "một công ty Ba Tàu trong Chợ Lớn thôi" như lời cô nói, nhưng lương đã trên hai ngàn đô rồi. Đông không có ý định về lại Việt Nam, bạn bè đã sự nghiệp vững vàng. Đông định nộp đơn qua mạng, xin vào mấy cái trường đại học bên Mỹ hay nước nào cũng được. Chắc người ta không cho anh làm giáo sư đâu, thì tiếp tục làm nghiên cứu và giảng dạy chút chút vậy. Tuyết lại phản đối: "Đừng theo hướng đó, suốt đời anh tìm tòi nghiên cứu mà mãi mãi không tìm ra chân lý của cuộc đời. Về đi, em chỉ anh tìm việc và cả cách làm giàu. Việt Nam bây giờ nhiều cơ hội lắm, chỉ sợ không ý chí!". Châu Âu bước vào hè, các phương tiện truyền thông đưa tin sắp có một đợt nóng lạ tràn vào từ châu Á. Thế giới phẳng thật rồi, phẳng cả với thời tiết. Xe bus đình công, Philippe mấy hôm nay sang Thụy Sỹ thăm bạn gái. Một mình Đông vác cái laptop chậm rãi đi bộ xuống đồi. Những bông hoa không tên hoặc có tên mà anh chẳng biết nở rực khắp lối mòn. Tuyết ngày xưa rất yêu hoa và thường hay bảo ép hoa khô gởi về dạo anh mới sang châu Âu du học. Chẳng biết giờ người phụ nữ mở miệng ra là "làm giàu" có còn tâm trí nào bày đặt hoa hòe hoa sói. Đông đã ngắt một ôm hoa nhưng nghĩ lại anh vứt đánh xạch vào bụi cỏ. Tuyết lại viết email bảo Đông hè này về Việt Nam, cô dẫn đến mấy khu đô thị mới có những căn hộ cao cấp xem dân mình giờ có tiền biết cách sống rồi. Cô cũng sẽ đài thọ cho anh đi khắp Việt Nam. Đôi lần Đông hơi thắc mắc lúc nào Tuyết cũng mời gọi "về với em, đi với em", vậy ông chồng đóng thuế thu nhập hàng top ten của cô nhốt ở đâu? Đông không về, suốt mùa hè anh cặm cụi làm cho xong luận án tiến sĩ, tháng mười anh bảo vệ rồi. Philippe bình thường trông vô tư nhưng gần đến đích có vẻ chộn rộn. Hắn than nửa muốn sang Thụy Sĩ gần bạn gái, nửa muốn đến một nước châu Á nào đó thay đổi tầm nhìn. Tuyết gởi email chúc mừng rối rít khi Đông báo tin bảo vệ luận án tiến sĩ hạng xuất sắc. Không thấy cô kêu gào "về với em" nữa nhưng anh lại về, trong hồi hộp và âm thầm.Ra khỏi phi trường, nhìn những thân nhân khác mừng mừng tủi tủi đón người thân Đông ngậm ngùi. Lẽ ra giờ đây anh có quyền "võng anh đi trước võng nàng theo sau". Đông nằm dài trong khách sạn, không có chương trình gì cụ thể. Chưa bao giờ trong suốt những năm tháng tuổi trẻ anh lại cô đơn đến thế. Từ lúc rời cái làng nghèo xơ xác ở miền Trung vào Sài Gòn học đại học, cho tới khi đi tiếp sang châu Âu làm một lèo thạc sĩ rồi tiến sĩ, Đông chỉ thấy mình là một người may mắn hơn biết bao phận người. Anh đi nhiều, tiếp xúc nhiều, tận hưởng nhiều những sàng khôn thế giới, sao giờ về với quê hương lại thấy e dè như một đứa trẻ chưa hề cất bước đi xa. Cuối cùng họ cũng ngồi bên nhau, trông Tuyết mệt mỏi và buồn bã. Tóc cô cắt ngắn sát, rối bù để lộ vài sợi bạc, da mặt khô xám lại, môi tróc từng mảng nứt nẻ. Tuyết toàn nói chuyện làm giàu với giọng điệu khá dung tục, cô hỏi mãi "Anh muốn đầu tư vô chỗ nào?". Đông ngao ngán ngáp dài, anh than mệt đòi về sớm không hẹn ngày gặp lại cô người yêu bé nhỏ năm nào. Một mình, Đông xách ba lô tìm ra các tỉnh ven biển miền Trung. Anh không có ý định phí tiền vào các resort sang trọng nhưng sự tò mò kéo anh vào một resort mới xây với quyết tâm "Ngủ một đêm cho biết". Kinh ngạc và phẫn nộ, Đông tình cờ phát hiện một trong những ông chủ đầu tư vào resort này là Tâm. Hắn phải có trong tay vài chục tỉ đồng mới có thể làm nhiều cú đầu tư kinh khủng như thế. Cô bé phục vụ thỏ thẻ từ ngày có resort, đám thanh niên ở đây khỏi phải vào Sài Gòn làm osin hay thợ hồ cực khổ nữa, "Tụi em còn được học tiếng Anh". Đông rũ ra khi cô bé ra khỏi phòng với những bước chân chắc nịch tự tin. Tâm ngày trước thường nói hắn sẽ mang ơn ai cho hắn cái cần câu hơn là lâu lâu bố thí cho vài con cá. Nhưng ngôi làng nghèo của Đông vẫn vậy, nếu không nói là nghèo hơn. Đông quay lại Hà Lan sớm hơn dự định, anh muốn gặp Philippe xin hắn một lời khuyên. Philippe đã quyết định làm việc ở Nhật. "Làm cánh chim trời sống đời ung dung? Về nước cống hiến để có thể giúp dân nghèo? Chỉ có mày là hiểu bản thân mình nhất!". Đông còn đang phân vân thì nhận được email của Tâm, hắn trách kỳ rồi về Việt Nam không liên lạc bạn bè, "Mi là tiến sĩ rồi không thèm chơi với ai hết hả?". Hắn vô tình kể: "Tuyết coi vậy mà bất hạnh lắm, vợ chồng cưới nhau đã lâu mà không có con. Ông chồng chắc lo làm giàu bị stress quá tịt ngòi luôn. Sau khi đi trị vài lần không kết quả gia đình như địa ngục...".Philippe đi Nhật rồi Đông buồn bã thường một mình lên trường làm việc rồi ra về ghé uống một vại bia đắng nghét bên vỉa hè. Làm sao anh không biết quê anh còn nghèo lắm, làm sao anh có thể ung dung đi du lịch khắp nơi và từ chối gởi tiền giúp bà con với quan niệm "thân ai nấy lo", làm sao anh có thể hạnh phúc khi chỉ một mình làm cánh chim trời tung bay thỏa chí? Quê hương đã lại đón Đông về, thầy cô, bạn bè, người thân không ngờ có mặt chẳng thiếu ai dù chỉ qua một email ngắn ngủi e dè báo tin. Tuyết mỉm cười, tần ngần dúi vào lòng anh bó hoa rực rỡ. Những vạt nắng vàng gay gắt rải xuống mọi người. Tâm nhanh nhẹn đưa Đông chai nước suối ướp lạnh: "Uống đi mày! Chà, tiến sĩ đi Tây về, béo trắng khác xa thời hai đứa mình chạy chung chiếc xe đạp chia nhau suất dạy kèm!". Đông bật cười.