(Trích trong “Chuyện Tình Thời Chinh Chiến”)

Trời sắp vào cuối Thu, miền Trung thường có những cơn mưa tầm tả. Những cơn mưa nặng hột kéo dài lê thê, nhiều khi cả tuần mà mưa vẫn rơi. Mưa rơi khắp xóm làng với những cơn gió to như giông bão. Mưa triền miêng làm những ao hồ trong vườn ngập đầy nước, và những con ểnh ương lại xuất hiện.
 
Những buổi chiều mưa rơi, Búm ngồi trên hiên nhìn ra sân thấy cóc nhái nhảy lụp bụp, và tiếng ùm oang của ểnh ương vang lên từ những bờ ao bên cạnh lùm tre làm lòng Búm buồn vời vợi. Cả một năm trời vắng bóng nhưng đến khi sắp vào mùa Đông, những cơn mưa đổ xuống suốt ngày đêm là loài ểnh ương lại bắt đầu sinh nở. Thân hình trơn lu, màu vàng có những sọc đen chen kẻ chạy từ đầu đến đuôi, không biết từ đâu mà nó nổi lên đầy bờ ao. Để rồi những chiều mưa đổ, nó phình hông lên to tròn như quả bóng, và cứ ùm oang, ùm oang, nó kêu gọi như gọi tên ai, nghe não nề!
 
Loài ểnh ương có lẽ chỉ để gieo nỗi buồn cho nhân thế! Vì nó chỉ sinh ra và sống trong ao hồ trong những ngày tháng âm u, buồn bả của mùa Đông; Có lắm lúc nó chui vào chiếc nón sắt và gọi tên Đương những đêm giá lạnh buồn tênh.
 
Trời bây giờ sang Đông. Nhà ông bà Thi cũng như mọi người nông dân trong làng, chỉ biết ngồi trong nhà nhìn mưa rơi hết ngày này qua ngày nọ. Không gì làm nên Búm cùng người chị lấy nếp ra rang và giả cớm để gia đình sum họp, nhai ngoáp ngóep cho vui miệng những chiều gió Đông. Có lẽ cớm nếp chỉ được làm vào dịp mùa Đông (những mùa khác bận rộn đâu còn nhàn rỗi để giả cớm!)
 
Những buổi sáng mùa Đông giá buốt Búm lại cùng mấy đứa em dậy thật sớm ra bờ tre tìm nhổ nấm tre. Những chiếc nấm mới lú lên từ gốc tre già, chóp nấm màu xám nhưng thân nấm lại trắng nên dể phát hiện. Nấm tre thường mọc thành đám. Nhiều khi tìm được vài ổ nấm là Búm có cả một rổ nấm rồi!
 
Rồi Đông cũng qua đi, Xuân đến và Búm cũng lớn thêm một tuổi. Sự sống ở nông thôn lại bắt đầu chu kỳ mới. Những thửa ruộng được cày, cuốc lên, trâu bò mang ra kéo bừa cho đất nhuyễn ra. Khi những luống mạ xanh um, cao chừng vài gan tay là mùa cấy lại bắt đầu.
 
- Con có phải đi cấy không me? Búm hỏi.
 
- Sống ở miền quê không đi cấy lấy gì ăn con.
 
- Hồi nào giờ con có đi cấy đâu mà biết. Búm ái náy khi nghĩ đến giẫm chân xuống những đám ruộng bùn lầy.
 
- Thì con phải ra ruộng học như mọi người khác vậy đó. Bà Thi nhìn con với đôi mắt ân cần.
 
Hôm sau Búm đội chiếc nón lá ra đồng cấy lúa. Từ chiều hôm trước ông Thi đã chặt bờ sạch sẽ, xong cày và bừa thửa ruông thật nhuyễn. Sáng nay nhìn thửa ruộng bình yên không một gợn sóng như mặt hồ lặng gió. Rồi những người nông dân gánh những bó mạ rãi thành hàng trên đám ruộng. Búm cùng những người thợ cấy xăng quần lên khỏi đầu gối, để lộ làng da trắng như ngà, và lội xuống ruộng. Búm bước những bước chân lệch lạc trong bùn lầy đến lấy bó mạ, bất chợt nàng thấy những con vật đen, dài, đang bơi ngạo nghễ bên cạnh bước chân, Búm ré lên và lật đật trèo lên bờ.
 
- Cái gì vậy Búm. Tím hỏi.
 
- Con đĩa, con đĩa ghê quá.
 
- Trời ơi! đĩa thì bắt ném đi, làm gì mà em la như bị ai ăn trộm aí tình vậy.
 
- Cái này còn hơn bị ăn trộm nữa, ghê quá! Chị lại đây đi.
 
Búm đứng trên bờ nhìn những con đĩa bơi lội trong nước mà rùn vai, lắc đầu. Nàng đứng thun người lại, nhìn chăm chăm xuống ruộng như sợ những con đĩa bò lên bờ để bu vào chân nàng không bằng.
 
- Điệu này làm sao em đi cấy được đây. Tím nhìn Búm với đôi mắt thương hại.
 
Búm vẫn đứng trơ người trên bờ ruộng. Một hồi nàng thò tay vào túi lấy chiếc khăn tay. Búm vừa thọt tay vào thì thấy vật gì trơn và lạnh trong túi, nàng liền rút tay ra. Bàn tay vừa ra khỏi túi áo Búm lại ré lên, một tay nắm lấy Tím, người ưỡn ra và tay kia chỉ lên bụng, miệng thì la ú ớ.
 
- Cái gì vậy, Tím hỏi, cái gì mà em la lên nữa vậy.
 
- Con đĩa, …
 
- Đĩa ở dưới ruộng thì mắc mớ gì mà em sợ dữ vậy.
 
- Không. Nó trong …trong túi …trong túi áo em nè. Bắt nó …dùm đi.
 
- Làm sao đĩa lại chun vào túi áo em.
 
- Không biết.
 
- Đưa đây chị bắt ra cho.
 
Tím thò tay vào túi áo Búm và lôi ra một lượt ba bốn con đĩa to bằng đầu chiếc đủa con!
 
- Ác nhơn, ai ác nhơn quá vậy!? Búm xé tan túi áo vứt xuống ruộng, giọng nói run lên và mặt cắt không được giọt máu!
 
- Sáng giờ em đi với ai ra đây? Tím hỏi.
 
- Băng. Em đi với Băng ra đám mạ.
 
- Em nhớ rồi, Băng chứ không ai hết. Nó nói túi áo em dơ quá để nó lau dùm cho em. Nó đâu mất rồi, em phải đi tìm Băng mới được.
 
- Nó đứng cười nhăn răng đằng kia kìa. Tím chỉ tay về chỗ Băng đứng.
 
Búm vội chạy đến chỗ Băng.
 
- Tại sao, tại sao em ác quá vậy?
 
- Ai biểu đi Đà Lạt về mà không mua quà cho tui, còn bảo Tím không giặt đồ của tui nữa.
 
- Quà của em chị mua rồi sao nói không, tại suốt ngày em lo đi bắt chim nên mấy đứa kia nó lấy ráng chịu chớ. Em quá trời nghe hong, chị về nhà méc cha cho biết.
 
- Không sợ.
 
Búm ngoe ngoãi đi một mạch về nhà. Vừa đi nàng ngoái đầu lại:
 
- À, mi đâu có sợ ai, nhớ đó nghe hong.
 
Chiều tối về, cả nhà ông Thi ngồi vào bàn ăn:
 
- Cha, Băng nó bắt đĩa bỏ trong túi áo con. Búm nhỏng nhẽo với ông Thi.
 
- Vậy hả, thì con bắt bỏ ra, ba con đĩa mà nhằm nhòi gì. Thằng nhỏ đó nó lộn ngược đĩa ra nó phơi nắng hoài có sao đâu.
 
- Nhưng con sợ đĩa.
 
- Ông ngồi đó mà nói, bà Thi nhìn ông Thi, thằng nhỏ bắt đĩa nhát con Búm sợ muốn đứng tim và nó bỏ cấy đi về nhà từ hồi sáng giờ đó.
 
- Vậy hả, thằng nhỏ đó đâu rồi, sao không thấy ra ăn cơm. Ông Thi hỏi.
 
- Nó nói nó không sợ cha đâu. Nó trốn rồi. Gương mặt Búm sáng ngời lên.
 
- Thôi chuyện đó bỏ qua đi, bà Thi nói. Me thấy con làm nông không xong rồi. Ngày mai con khỏi đi cấy lúa nữa. Cha sắp nhỏ phải tìm cái gì cho con Búm nó làm đi.
 
- Me cho con đi học may đi me. Búm reo lên.
 
- À, được đó. Con lên tiệm con Linh học may đi.
 
- Linh nào me? Búm vui mừng.
 
- Linh con bà Hạt đó.
 
Thế là xong, từ nay Búm sẽ không còn nhìn thấy những con đĩa xấu xí kia nữa. Lòng nàng rộn lên một niềm vui, âm thầm bỏ đủa xuống và rời bàn ăn, đi tìm Băng. 
 

Xem Tiếp: ----