Tuần lễ tiếp theo đó, cả hai đều rất bận rộn trong việc đi khám lại sức khỏe, đi test lớp, đi làm giấy tờ…Sinh hoạt trong nhà cũng đã ổn định, Hùng mua một cái thùng phuy cũ từ một người đi định cư bán lại để đựng nước. Lương thực cũng đã có tuy không thật là đủ. Những món hàng đem theo từ Việt Nam như tỏi, tôm khô, lạp xưởng cũng được Hùng bán đi cho Bác Ba hàng xóm để lấy tiền đi chợ thêm. Mỗi ngày vào khoảng 10 giờ sáng, mọi người lại tụ tập đi lấy thực phẩm sống từ nhà người trưởng building. Thường thì là cá, chia theo đầu người, riêng ngày thứ sáu có thêm chút thịt và thực phẩm được phát nhiều hơn cho cả hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Gạo, nước mắm, dầu hôi thì phát một tháng một lần cũng theo đầu người trong hộ. Có một người đã khuyên Hùng và Diễm như thế này: 'Hãy tận hưởng hết những ngày tháng ở đây. Các bạn không phải lo lắng gì cả, mặc dù có hơi thiếu thốn một chút nhưng đồ ăn thức uống mọi thứ đều đã có Cao Ủy Tỵ Nạn lo cả. Mình chỉ có ăn ở không và đi học. Sau này khi qua đến đất Mỹ bận rộn vì kinh tế, vì hội nhập vào đời sống mới, các bạn sẽ thấy quý về những ngày ăn không ngồi rồi như thế này'. Diễm cũng đã kịp làm thân với bé Hà, con gái của Bác Ba. Cô được cô nhỏ kể cho nghe nhiều chuyện ở trại tỵ nạn này nên cũng hiểu được đôi chút về đời sống trong trại. Gia đình bé Hà thuộc vào diện 'lão làng' ở đây do đã phải ở trên hai năm rồi vì Bác Ba gái bị yếu phổi làm cả gia đình phải bị uống thuốc ngừa lao mà mãi vẫn chưa được sắp xếp chuyến bay. Gia đình họ có một sạp nhỏ bán tỏi, ớt, tôm khô, lạp xưởng, mì gói, và rau cải mua lại từ các vườn rau tự chế của người tỵ nạn ở quanh đây. Có lẽ việc buôn bán rất phát đạt nên Diễm không nghe Bác Ba phàn nàn về việc chậm đi định cư. Nhỏ hơn Diễm chỉ có 4 tuổi nhưng bé Hà khôn lanh hơn cô rất nhiều. Nhiều chuyện bé Hà kể cô cứ tròn mắt lên mà nghe, và vô tình bé Hà cũng cho cô được nhiều lời khuyên quý báu để cô có thể nghe theo trong những tháng ngày mới mẻ này. Cuộc sống ở trại tỵ nạn này thật nhộn nhịp suốt từ sáng sớm đến chiều tối. Tiếng trẻ em đùa giỡn, tiếng người nói chuyện, la lối, tiếng những người Phi bán hàng rong vào buổi chiều làm cho các dãy nhà lúc nào cũng ồn ào. Diễm thấy đời sống cũng không khác hơn so với bên nhà là mấy. Cũng có tiếng gà gáy, chó sủa từ xóm Phi ở dưới đồi kia, cũng mùi xào nấu thức ăn vào mỗi trưa, mỗi chiều, rồi vườn rau tự tạo của mỗi nhà, và hình như nó không là sở hữu của một cá nhân nào cả. Người ra đi định cư trước để lại cho những người đến sau tiếp tục vun trồng và tưới tắm. Khi cần, hàng xóm có thể hỏi xin hay mua một vài đồng 'péso' cho bữa cơm của gia đình. Và đôi khi cũng có tiếng ồn ào của những đám người nhậu say gây gỗ với nhau. Cô thích thú quan sát những sinh hoạt chung quanh mình rồi mỗi tối lại kể cho Hùng nghe những chuyện ban ngày và nhận xét của mình. Anh hay cười chọc cô là công chúa mới ra khỏi tháp ngà nên cái gì cũng thấy lạ. Cô đã thân hơn với anh, đã có tiếng cười đùa trong những bữa cơm giữa hai người. Nhưng cứ đến tối, khi trời mát hơn một chút là cô lại rút lên gác, ngồi viết thư cho mẹ. Cô chăm chỉ làm việc đó như là một cách tự an ủi rằng mẹ vẫn ở bên cô vậy. Rồi sáng hôm sau, anh lại thấy cô xuống nhà với cặp mắt hơi đỏ và năn nỉ anh dẫn cô đi Bưu Điện gửi thư cho mẹ. Chỉ mới có một tuần mà cô đã đi gửi thư đến 3 lần. Anh không thể ngăn cô được mặc dù nó ảnh hưởng đến ngân sách của hai người. Thêm một tuần trôi qua nữa, trong khi chờ đợi khóa học mới khai giảng anh đã dẫn cô đi thăm hết mọi nơi trong vùng mặc dù để tiết kiệm anh cứ đưa cô đi bộ từ chỗ này đến chỗ khác vừa để cô vơi nỗi nhớ nhà vừa muốn cô tiếp xúc và làm quen với cái trại này. Trại Bataan có 10 vùng tất cả, nhưng chia thành 2 khu vực. Khu vực 'vùng trên' với các dãy nhà vùng 1, 2, 3, 4, 5 và 6, và 'vùng dưới' với các dãy nhà vùng 7, 8, 9, và 10 Có hai cái chợ trong trại là chợ vùng 2 và chợ vùng 7, trong đó chợ vùng 2 đông đúc và nhiều hàng hóa hơn. Muốn đi chợ này cũng như để lên các vùng 1, 2, 3, 4, hai người phải đón xe 'pesos' để đi. Đây là loại xe của người Phi chế biến lại, gồm một chiếc xe gắn máy, có gắn thêm một cái thùng xe ở bên hông, chở được khoảng 4 hoặc 5 người nếu người lái xe tham lam muốn đèo thêm một người sau lưng anh ta nữa. Vì đi đến đâu, gần hay xa, mỗi khi lên xe là phải trả một đồng 'peso' nên người tỵ nạn đặt luôn cho nó là xe 'peso'. Dân ODP, chủ yếu là những người con lai và gia đình của họ thì tập trung nhiều ở các vùng này. Còn dân 'O-đi-ghe' là cách nói vui của người tỵ nạn để chỉ những người vượt thoát bằng thuyền thì lại tập trung nhiều hơn về vùng 7 đến vùng 10. Có nhiều dân ODP ở lẫn lộn trong các vùng này nhưng tuyệt đối không có người 'O-đi-ghe' nào lại ở trên vùng trên cả. Còn có 2 vùng chỉ có trong cách gọi của mọi người là vùng 11, chỉ xóm nhà Phi dưới đồi ở kế bên vùng 10 mà người tỵ nạn hay xuống để xem vidéo, cả lành mạnh lẫn không lành mạnh và để mua beer lén và vùng 12 là nghĩa địa. Trong trại có cả Nhà thờ Công Giáo, nhà thờ Tin Lành, có cả một ngôi đền Angkhôngr Vat thu nhỏ, và một chùa Phật Giáo có phong cảnh nhìn xuống thung lũng rất sâu bên dưới, tuy rớt xuống là chết người nhưng rất đẹp. Rồi còn vườn xoài nối giữa hai vùng trên và dưới, và một con suối mà người Việt hay tổ chức đi picnic tuy rất nguy hiểm vì phải đi đông người để tránh sự trấn lột của những người Phi bản xứ. Vì nắng rất gắt vào ban ngày nên người Việt ở đây, dù nam hay nữ cũng đều đi ra đường với cây dù trên tay. Anh cũng đã mua được cho cô một cây dù. Đi với cô, anh hay dành phần cầm dù che cho hai người mặc dù cô có vẻ ngượng khi thấy người ta cứ chăm chăm nhìn vào họ. Cô không biết là hai người đi với nhau trông rất là đẹp đôi. Cô trông thật dịu dàng và dễ thương với mái tóc xõa dài, với làn da hồng lên vì nắng, với chiếc miệng thật tươi lúc nào như cũng muốn cười và đôi mắt đen to ngơ ngác. Còn anh thì cao và với khuôn mặt lai Tây Phương của mình cũng làm không ít các cô đi ngang phải ngoái cổ lại nhìn. Anh cảm thấy thật là hạnh phúc khi đi cùng với cô trước con mắt chiêm ngưỡng của mọi người, một điều trước đây anh chỉ dám mơ ước mà thôi. Vì cô, anh sẵn sàng làm tất cả mọi chuyện chỉ để cho cô luôn cảm thấy bình yên và hạnh phúc. Nhưng còn cô, không biết cô có cảm nhận được tình yêu của anh không nhỉ? Rồi cũng đến ngày khóa học mới khai giảng. Khi cầm tờ giấy báo trên tay, cô mới biết là anh được nhận vào lớp AT (Assitant Teacher), không biết anh học tiếng Anh từ bao giờ mà giỏi như vậy, chẳng bù cho cô, sinh ngữ chính của cô lúc học ở Việt Nam là Pháp văn nên cô không biết một tiếng Anh nào hết, nhưng cũng được xếp vào lớp C. Giờ học của hai người cũng khác nhau. Vì anh là AT nên sẽ đi thông dịch 4 buổi sáng cho các lớp dạy người tỵ nạn về đời sống ở Mỹ, còn một buổi chiều thì đến khu trường dành cho AT để được chuẩn bị cho việc thông dịch vào tuần sau. Còn cô thì đi học buổi chiều, và buổi sáng thì phải đi làm thiện nguyện khoảng 2 tiếng cho thư viện. Khu trường cho AT nằm gần kế chợ vùng 7 nên anh có thể đi bộ. Còn cô thì phải đón xe bus đi lên vùng trên để học hai ngày về văn hóa Mỹ còn hai ngày cô cũng đi bộ đến trường học ESL gần khu chợ vùng 7. Cách bố trí và phân vùng học ở trại thật ngộ, những dãy trường nằm lẫn trong dãy nhà dân, người vùng trên phải đi xe bus xuống học ở vùng dưới và ngược lại. Đi học thì có xe bus đưa đón. Có lẽ đó là dụng ý của Cao Ủy Tỵ Nạn để cho người tỵ nạn quen dần với cách sống bên Mỹ và cả cách biết chờ đợi xếp hàng lên xe bus nữa chăng? Cứ đến gần giờ đi học, nhìn hàng dãy người với đủ màu sắc quần áo, dù che nắng trên tay xếp hàng rồng rắn chờ đến lượt lên xe bus trông thật vui mắt. Buổi sáng, sau khi đi làm thiện nguyện về, cô lãnh thức ăn, lo cơm nước rồi ăn cơm trước để đi học vì anh thường về sau khi cô đã rời nhà khoảng 30 phút. Chiều về, anh lo phần xách nước đổ vào thùng phuy, lo tưới cho vườn rau anh tự tạo được sau nhà và nấu cơm chờ cô. Trong bữa cơm chiều, cô lại tíu tít kể cho anh nghe về những chuyện ban ngày. Sau đó anh giúp cô học thêm tiếng Anh, để nâng cao thêm trình độ Anh ngữ, chuẩn bị cho bước đường vào đại học của cô sau nầy. Rồi cô đi lên gác, bắt đầu công việc viết thư của mình. Ngày thứ bảy, chủ nhật, anh và cô lại dắt nhau đi lang thang đến các cảnh đẹp trong trại. Mọi chuyện cô đều nhất nhất làm theo lời khuyên của anh. Càng ngày cô càng có một cảm giác thoải mái, bình an khi ở bên anh và thấy anh thật gần gũi với cô. Cô cảm thấy thật hạnh phúc như khi còn ở nhà vậy.