Bước sang tuổi U60, sức khoẻ kém đi trông thấy. Trong đám bạn bè, chưa thấy ai có khả năng được "sơn son để thờ", nhưng cũng đã phải đi đưa một vài người "ra ngoài đồng". Vào tuổi này, mạng sống đã có vẻ bấp bênh, các loại kinh nghiệm đang ở độ vừa chín; không khẩn trương, đánh vèo một cái, đã thấy chín nẫu. Có lẽ, vì vậy, thuở trước người ta cho rằng phàm đã sống được đến tuổi 50 đều được gọi là lão, lão hạ, bậc khởi điểm của hạng lão. Mỗi khi làng có việc, ra đình không phải tay dao tay thớt, bưng mâm rót rượu, mà được ngồi chiếu trên, vuốt râu cầm quạt, tham luận việc làng, bàn chuyện thiên hạ.
Cảnh báo trạng thái bấp bênh của mạng sống trong giai đoạn này, dân gian bảo "Bốn chín chưa qua, năm ba đã tới". Các Tử vi gia khẳng định đó là giai đoạn dồn dập những tuổi hạn tuổi sung, không cẩn thận, dễ đi gặp vua Ngô chúa Chổm. Còn theo một quan điểm Dịch học, đây là giai đoạn ứng với Quẻ Kiển: Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông, gian nan hiểm hoạ khôn lường. Về sau, khi đã được trang bị nhân sinh quan duy vật, thì bảo: Xì, bậy bạ, dị đoan một cục! Gần đây, khoa sinh học đã trở nên già dặn hơn, lại nói: Đúng đấy! Nhưng không dùng chữ tuổi sung tuổi hạn mà gọi đó là thời kỳ bản lề của quá trình tâm sinh lý trong con người ta. Chắc nó cũng giống như thời khắc lột da của giống rắn: Vô cùng dễ bị tổn thương, nhưng nếu qua được an toàn thì... phải biết!
Nho gia nói: Tam thập nhi lập, tứ thập bất hoặc và ngũ thập tri thiên mệnh. Đối với tôi, khúc đầu có lẽ đúng một chút. Khúc thứ hai, thấy như mình đã vuột khỏi cái nhận định ấy. Thuở còn tứ thập, tưởng là mình đã khôn lắm, cái gì cũng biết, nhưng té ra không phải. Cho đến năm 44 tuổi tôi mới được một người bạn, cùng học từ thuở phổ thông, “khai sáng” cho: "Thật thà thẳng thắn thời thua thiệt", nhưng đến năm 47 tuổi mới ngộ ra: Triệt thanh tòng tục tất thênh thang! Và, thực ra, cho mãi đến lúc đã vào sâu U60 mới thực sự hiểu được phân nửa cái thực lý tối giản đó. Có một nhà văn Châu âu đã nói, đại để: Một người phụ nữ trẻ, không có khuyết tật gì đặc biệt, họ muốn lấy ai làm chồng cũng được; may thay, khi nhận ra được điều ấy thì họ đã già!
Thời "bẻ sừng trâu", thường tự tin đến ngạo đời; nói chuyện với bạn bè thì gọi cha mình là "Cụ khốt". Bây giờ các con tôi lại cũng bắt đầu gọi tôi là Cụ khốt; đạo lý "con vịt và quả trứng" xưa nay là vậy chăng? Vào những năm 70 của thế kỷ trước, lớp U30 chúng tôi rất thích nghe nhạc Beatle, Abba, nhạc Bán cổ điển (Semi-classic). Bấy giờ nhiều người gọi đấy là thứ nhạc xập xình của những hạng sống bế tắc, không lý tưởng, vất vưởng, gặp chăng hay chớ. Ngày nay, Bonney, Paul Moriat, Rechard Claydeman... có vẻ đang trở thành những "cụ khốt". Tất nhiên, Johann Sebastien Bach, Wolfgang Amadeus Mozart, Ludwig van Beethoven, Piotr Ilytch Tchaikovsky,... thì hẳn đã trở thành “Kỵ khốt”, "Tổ khốt" từ lâu rồi. Ngày ấy, hãy còn sống tập thể, tôi ở chung phòng với một đồng nghiệp cùng lứa; mỗi khi chúng tôi mở nhạc, lại nghe thấy tiếng khoá cửa lạch cạch dữ dằn từ phòng bên cạnh vọng sang. Anh bạn tôi cười, bảo: "Ông ấy (một đồng nghiệp U60) không chịu được, lại đi rồi". Bây giờ, mỗi khi nghe thời nhạc trong nước, thấy không vào được bao nhiêu, chợt nhận ra mình đã già!
Nhưng, vốn bản chất kiên định, ý chí kiên cường, chỉ âm thầm thừa nhận cái thực tế chủ quan đắng ngắt ấy; đối với khách quan tôi vẫn ráo riết đấu tranh, ra quân quyết liệt, không chút khoan nhượng: Tóc bạc ư? - Đi Thẩm mỹ viện: Nhuộm! Đen như đêm ba mươi luôn! Cánh U20 nom thấy cũng phải à lên một tiếng, xuýt xoa trầm trồ. Răng long ư? - Đến khoa Răng-hàm-mặt: Làm răng giả! Lợi giả hồng tươi, răng giả trắng loá và không bao giờ bị lỗi "chín sáu ba không", có khả năng làm cho các nhà sản xuất kem đánh răng ngọc trai phải dò hỏi địa chỉ, cất công tìm đến, nài nỉ mời ký hợp đồng quảng cáo. Chân chậm ư? - Tạo dáng thẳng lưng, tác phong thoăn thoắt như những chính khách quyết đoán, ngay thẳng, trong sáng và đầy ứ tiềm năng! Mắt mờ ư? - Đeo kính! Nhìn con số ghi trên đồng giấy bạc hãy còn rõ chán. Vả lại, thanh niên bây giờ thích đeo kính trắng; mắt kính cận, kính viễn, kính không số đều trắng, chẳng thể lấy đó mà phân biệt. Vậy là xong! Còn lại, những khoản ba lăng nhăng như vôi hoá cột sống, thận suy tuỵ kiệt, mỡ lẫn trong máu, huyết áp đỏng đảnh, loét hành tá tràng, u tuyến tiền liệt... là những bệnh sâu kín, chỉ âm thầm nhẫn nại chữa trị, tuyệt nhiên không rách chuyện mà trình ra.
Hồi còn thanh niên hồn nhiên xốc vác, làm việc xiêng năng, nói năng thẳng thắn, ghét lối quanh co, coi thường tiền nong, quý tình đồng bào, chẳng luỵ quyền thế. Đến tuổi U60, nhìn lại, tuy cũng làm được đôi ba việc có ích nho nhỏ, nhưng so với bạn bè cùng lứa và các U lớp sau, chợt nhận ra mình đã bị tụt hậu từ lúc nào: Ở nhà cấp bốn, đi họp bằng xe đạp, chỉ được giới thiệu là chuyên viên; họ mạc, bạn bè hỏi thăm sự tiến bộ thì không có chức tước gì để khai báo, nên sinh lòng xấu hổ, tâm hồn xao động, bồn chồn không yên. Nhân trong cơ quan vừa khuyết chân Trưởng phòng tài chính, bèn bảo bà xã ra quỹ tiết kiệm rút hết khoản tích luỹ chiến lược, quyết liệt tìm cửa, sắm bộ mặt "chí công", nói lời "thông công", dịu dàng thành khẩn trình bày nguyện vọng. Khi sự nghiệp thành tựu, đã an toạ trên ghế trưởng phòng, đi đứng được phép oai vệ, mặt mũi tương ứng ngẩng cao, đầu óc lỡ có chỗ nào máu không bơm tới được cũng chẳng ai biết bởi công việc đã có cấp dưới lo; lại thỉnh thoảng kết hợp công tư, đi xe bốn bánh biển xanh êm ái đến thăm thú họ mạc, bạn bè; dưới thì được thuộc cấp xoa tay đón ý, bằng vai thì được nhũn nhặn nể vì, trên thì năng đi lại sâu sắc với các sếp nên luôn được lãnh đạo bắt tay khen ngợi, vỗ vai thân mật trước đám đông, vinh dự không sao kể hết; chửa được nửa năm, số dư trong sổ tiết kiệm đã được … đẩy lên một tầm cao mới. Bấy giờ mới thấy cảm khái, ngoắc vội tấm bìa "Xin đừng quấy rầy!/Please do not disturb!", khoá trái cửa phòng làm việc lại mà bật khóc, mà vật vã tự thương tự thán: Ô hô...! Biết thế này... thì sắm lấy cái hạnh kiểm mềm mượt, làm quách chức tước từ hồi còn trẻ cho r... ô... ồi... hức, hức... ô hô... hô!
Lúc còn thanh xuân phơi phới, nhìn cả ngàn cả vạn cô gái mới thấy có vài cô tạm cho là xinh xắn. Bây giờ, không hiểu sao, nom cô nào cũng thấy hơ hớ mơn mởn, xinh lạ đẹp lùng và đâm đổ đốn, sinh ra chứng hay thở dài và bất mãn với bản thân. Thuở trẻ: chỗ không cần phồng thì cứ phồng, nơi cần phồng thì lúc nào cũng lép; bây giờ thì không như thế; Ôi, "trời xanh thăm thẳm, giận này biết bao giờ nguôi!" [1]. Thuở còn hàn vi, đi ra ngoài, các cô gái gọi mình là gì cũng được, trong bụng không mấy quan tâm. Bây giờ đốc chứng, lại hay để ý đến ngữ pháp tiếng mẹ đẻ, nhưng chỉ chủ về mảng đại từ nhân xưng. Trong cơ quan, thật vô phúc cho cô nào cứ hồn nhiên, lỡ miệng mà gọi trưởng phòng tôi là chú. Đi nhà hàng, gặp những cô mới vào nghề, chưa bỏ được thói lễ nghĩa rườm rà nơi thôn dã quê mùa, mà gọi là bác thì không bằng lòng ra mặt và, nếu các cô nàng không đủ năng động sửa chữa kịp thời, cứ gọi là đi đứt khoản tiền "bo". Lúc còn U20, khi sinh hoạt tập thể, mọi người bảo hát thì rụt rè không dám vì cứ đinh ninh rằng thanh quản mình bị vẹo nặng. Bây giờ, mới ngớ người, chợt phát hiện trong mình có đầy ứ chất nghệ sỹ và giọng ca cũng không ít chất công huân, bèn thường rủ nhau đi hát karaoke. Hát karaoke có phần nhạc đệm công nghệ chế sẵn, có nhịp phách đều tăm tắp, có cao độ tứng từng tưng gợi mở; lại triển khai trong phòng tối lờ mờ, có tẻ có nếp - tẻ cũ nếp mới - có thủ thỉ tình tứ, có bỗ bã cởi mở, nói năng không so đo ngữ pháp, hành xử chẳng phải luỵ quy phạm; có rượu ngoại sang trọng, mỗi chai giá trị bằng tiền vốn cho dăm hộ nông dân vay để xoá đói giảm nghèo là chuyện thường ngày ở nhà hàng. Phần thanh toán, trước đây do "Liên xô" phụ trách, bây giờ do "Nhà chùa" đảm nhiệm, nên tâm tư vô cùng thoải mái, mới nghếch mặt xênh sang, nháy mắt hóm hỉnh bảo nhau: Vô tư đi, mấy cha nội!
Thuở còn chưa đến cái mốc nhi lập, thường yêu mến bạn bè, giao du rộng rãi. Thấy bạn hữu có tài thì trong lòng tự nhiên vui mừng ngưỡng mộ, chỉ những mong giúp được bạn mình điều gì đấy để phát triển tài năng, làm nên điều phi thường trong đời. Lúc gặp gỡ người quen, hay đem bạn mình ra khoe và trong lòng lấy làm hãnh diện lắm. Thời gian thấm thoát tựa bóng xe hơi 4.5 thoáng qua khung cửa sổ Eurowindow, mới đấy mà đã ngoài ba chục năm, bạn bè thỉnh thoảng vẫn gặp nhưng tình cảm không còn hôi hổi như ngày còn trẻ; cũng chẳng biết ra làm sao. Có câu "Nhân lục thập ngôn thuận nhĩ". Nghe ra có vẻ đúng, nhưng cũng có khi cái thuận nhĩ ấy dường như là do kỹ thuật sử dụng ngôn từ và kỹ năng biểu cảm của cái tuổi từng trải mang lại hơn là do cái cảm thông, độ lượng, khoan dung mà người đời thường gán cho tuổi tác. Vào tuổi U60 này, khi gặp người quen, vẫn đem bạn mình ra khoe, nhưng những người được đem ra khoe lại thường là hạng có của hoặc có chút chức tước quyền hành. Mỗi khi thấy một người bạn có được điều may mắn hoặc mới làm được một việc gì đó có vẻ hay ho, thường trong lòng thấy buồn bực, khó chịu và dễ sinh cắm cảu không đâu. Hình như người đời gọi đó là chứng ghen tỵ và chua rằng nó không phải là đức của kẻ mạnh. Hèn chi!
Là kẻ tầm thường trong trường người thường, tôi chẳng có gì đáng để kể lể và hãnh diện. Kẻ tầm thường thì tất tầm thường, dù đến U60 vẫn tầm thường. Tầm thường mà muốn được người ta nom thấy thì phải sắm lấy cây sáo trúc, đóng vai bát âm thâm cứu mà học theo lối của Đông Quách tiên sinh. Cây bụi không bao giờ cao được vì chúng là cây bụi. Cây bụi luôn mong có bão cấp 15. Bão cấp 15 có thể làm đổ những cây có bóng cả. Tuy có câu “Tật phong tri kính thảo”, nhưng chưa thấy nói Tật phong tri đại thụ. Sau bão, những bụi cây chỉ còn một việc là âm thầm hả hê và hát lời ngợi ca Học thuyết tương đối. Cụ Allbert Einstein sẽ mỉm cười chứ? 
 
°
 
Trong cơ quan của tôi - là một viện nghiên cứu khoa học đầu ngành - có một người làm ở phòng Tổ chức - Hành chính, tên là Học. Từ thuở mới đi làm cho đến U40, cả cơ quan gọi là Anh Học; nghe chẳng ra gì. Khi vào U50, được gọi là Chú Học; xem ra có khá hơn chút ít. Và khi sang U60, đương nhiên, được gọi là Bác Học; nghe mới thật đã; cũng thực bõ cái công sống lâu! Tất nhiên, sau này, khi đã vào U70, Bác Học sẽ chuyển sang Cụ Học; nhưng lúc ý đã hết tuổi cống hiến, đã hạ cánh an toàn xuống đời thường (Té ra ở nơi trần thế của chúng ta có dững hai cuộc đời kia đấy!), sinh hoạt trong cộng đồng những người vốn là động lực của cách mạng, mặc pidama lụa mỡ gà, hình tiên vóc Di lặc, chủ về tưới cây, nuôi chim cá cảnh nên cũng chả thiết gì đến chất lượng danh từ nữa.
 
°
 
Cứ bảo rằng "Ngũ thập tri thiên mệnh", nhưng khi đã ngoài 80, tại sao Nguyễn Công Trứ không chịu an hưởng thú yên hà, cứ nhất quyết đòi vua cho cầm quân ra trận? Đoàn Tử Quang [2], lúc đã vào tuổi 82, vẫn lếch thếch lều chõng đi thi; thi đỗ cử nhân, nhận quà của vua đem về dâng lên mẹ già lúc bấy giờ đã 99 tuổi. Vào tuổi ngoài 50, Mãi Thần vẫn còn vai gánh củi, tay cầm sách, vừa đi vừa học, bị vợ và chị cười chê, chẳng phải là gàn ư?! Tục ngữ cũng nói: Trẻ trồng na, già trồng chuối. Cố nhiên, đa số người già thích trồng chuối. Nhưng thời nay, khát vọng hơn và sáng kiến hơn, một số U60 và những U bậc cao hơn, còn chuyển sang canh tác cả rau mồng tơi. Hiểu sâu sắc mồng tơi là giống rất ngắn ngày, nhưng vẫn âm thầm xịt thuốc trừ sâu, bón thúc quyết liệt bằng phân hoá học và chăm sóc chu đáo bằng thuốc kích thích tăng sản. Việc này, hình như cũng góp phần dẫn đến tình trạng quá tải ở bệnh viện K và khiến Quốc hội bắt đầu phải nghĩ tới Luật an toàn thực phẩm. Nhưng cũng thấy khối cụ, ngược đời, lại tà tà, túc tắc trồng cả rừng lim rừng lát, cũng chẳng phải là gàn ư? Cũng thời nay, có một bộ phận U20-30-40 đang nỗ lực thực hiện mô hình Nông lâm kết hợp: Trên Keo dưới Đỗ. Giống Keo này chỉ trong vòng 8 đến 10 năm đã cho giá trị thương phẩm, giống đỗ cho hạt trong vòng có mấy tháng. Keo và Đỗ, đến lượt chúng, vào hùa với nhau tẩy chay phân hoá học cùng các loại dục tốc nông dược và làm tăng nhanh độ phì của đất. Bộ phận người này là hậu duệ nhà ai vậy? Trong người họ có mang thứ gien gàn dở chăng?
Vậy thì, còn nghĩ gì nữa: Các cụ gàn dở muôn năm!
 
 
Tháng 5 năm 2006
Chú thích:
[1] Lời than của Gia Cát Võ hầu - Tam quốc diễn nghĩa.
[2] Cụ thi khoa Canh Tý (1900). Cụ Phan Bội Châu cũng đi thi khoa này.

Xem Tiếp: ----