Thế là, sau hơn hai năm chạy ngược chạy xuôi, làm hơn ba chục lá đơn, thi tuyển khắp nơi, cuối cùng tôi đã có việc làm; mà lại làm trong một cơ quan của nhà nước hẳn hoi; một nơi, như người ta vẫn thường nói, rất ổn định và có nhiều tương lai.
Hôm ấy là ngày đi làm đầu tiên, tôi được phân công về phòng kỹ thuật của cơ quan. Trưởng phòng là một chú tuổi trạc ngoài năm mươi, đôi mắt sáng trên khuôn mặt hiền hậu, mỗi cử chỉ lời nói đều toát lên một cái gì đấy rất nền nã và đàng hoàng. Chú giới thiệu tôi với mọi người trong phòng. Rồi những cái bắt tay có độ lỏng chặt không đều nhau, những nụ cười có độ mở rộng không cùng kích thước, những câu chào làm quen thông thường... Một anh tên là Lưu, nét mặt tươi tỉnh, nhanh nhẹn đi pha nước. Mọi người mời tôi uống nước, hỏi han đôi điều và chúc mừng tôi được nhận vào làm tại cơ quan. Sau đó, chỉ với vài ba câu nói ngắn gọn của chú trưởng phòng, tôi đã rõ phần việc và trách nhiệm của mình. Cuối cùng, chú thông báo với cả phòng: "Hai giờ chiều nay chi bộ làm lễ kết nạp cậu Lưu và mời cả phòng đến hội trường cùng tham dự. Đề nghị những ai sắp xếp được công việc thì có mặt đúng giờ".
Trong đời sống, những sự kiện trong quan hệ xã hội như ma chay, cưới hỏi, đau ốm, tân gia, sinh nhật... tôi cũng đã trải, nhưng cái việc này thì quả thực là lần đầu trong đời. Trong phòng, tôi là em út, là kẻ hậu sinh, là lính mới tò te. Trường hợp này thì ứng xử như nhế nào đây? Mừng thì đương nhiên rồi, nhưng mừng cái gì cho nó phù hợp? Đầu óc tôi cứ băn khoăn, luẩn quẩn với ỹ nghĩ ấy. Gần hết buổi sáng mà vẫn chưa tìm ra lời giải đáp. Quan sát mọi người, thấy vẫn hí húi làm việc. Tôi không dám cất tiếng hỏi vì sợ gián đoạn công việc của mọi người, vì sợ rằng lại "cầm đèn chạy trước ôtô", gây khó chịu cho người khác. Cho đến cuối giờ làm việc buổi sáng vẫn không thấy ai có động tĩnh gì. Tôi nghĩ, chắc mọi người đã có chủ định riêng của mình rồi. Đầu giờ chiều, suy đi tính lại, tôi nghĩ, đây là một việc đặc biệt cao quý của một đời người, không thể mừng bằng phong bì hoặc vật chất thông thường được. Vậy là tôi quyết định dùng số tiền mẹ tôi mới cho sớm hôm đó mua một bó hồng thật tươi thắm. Buổi lễ kết nạp diễn ra thật trang trọng. Lưu ôm hai bó hồng tươi rói của chú trưởng phòng và của tôi mà đôi mắt cứ rơm rớm. Ôi, hạnh phúc nào mà chẳng có những cảnh tượng như thế. Cuối buổi, để kết thúc, đồng chí bí thư phát biểu ngắn gọn: Từ nay chúng ta lại có thêm một người ưu tú, một chiến sỹ đấu tranh không mệt mỏi vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, một xã hội phồn vinh, công bằng và hạnh phúc...
Về đến phòng, mọi người lại xúm vào chúc tụng Lưu một lần nữa.
- Thôi, "đại hỷ lâm môn", đề nghị cậu Lưu chiêu đãi anh em trong phòng một chầu bia! - Một anh tên là Thọ đề xuất.
- Đương nhiên rồi - anh Lưu cười - không có vấn đề gì. Chiều nay em mời trưởng phòng và anh em ra quán bia hơi Bò Tùng Xẻo!
Tất cả cùng vỗ tay nhiệt liệt, trừ chú trưởng phòng. Chú chỉ mỉm cười và về bàn của mình tiếp tục công việc. Còn tôi thì có vẻ chưa được thông lắm: Một việc thanh cao như thế sao lại có thể liên quan đến nhậu nhẹt cơ chứ?! Nhưng không thể làm khác được. Các bậc cha chú chẳng phải vẫn dạy ta "nhập gia tuỳ tục" đó sao?
Sau đó ít hôm, một lần, từ trong toa lét đi ra, tôi nhận ra có tiếng anh Thọ và mấy anh cùng phòng đang đứng ở đầu cầu thang:
- Cái thằng Sơn ấy cũng giỏi thật nhỉ?
- Mới làm thì cũng chưa biết được, còn phải chờ đã.
- Không, nói giỏi là giỏi “chạy” ấy chứ. Có được một chỗ làm ở một cơ quan "thơm" như cơ quan mình là điều khối kẻ phải mơ ước. Các ông quá biết rồi còn gì!
- Chắc cũng phải có thần thế hoặc mạnh "đạn" lắm...
Đúng là họ đang nói về tôi. Tôi thấy sẽ là rất bất tiện nếu cứ tiếp tục đi ra, xuất hiện trước họ. Tôi không muốn, tôi sợ tình cảm buổi đầu bị sứt mẻ. Vậy là tôi đành phải trở lại, vặn nhỏ vòi nước vờ rửa tay trong khi một nỗi buồn cùng sự ngờ vực cứ vẩn lên, dâng dần trong lòng của một kẻ đang ngơ ngác tập tọng vào nghề công chức. Sự kiện này khiến tôi hoang mang, thậm chí hoảng hốt. Quả thực, bố tôi chỉ là một "phó thường dân dự khuyết", không hề có cái gì đấy như người ta vừa nói, tôi đã tham gia thi tuyển một cách vô tư như tất cả những người ứng tuyển khác. Nếu có thể nói thì đó là do tôi đã cố gắng nhiều, do tôi gặp may mắn, do số phận mỉm cười... Trời ơi, ngày nào cũng phải giáp mặt, làm việc chung với những đồng nghiệp như thế này... Từ giờ đến lúc về hưu còn phải mấy chục năm nữa; để cho xuôi xẻ và nhẹ nhõm, tôi sẽ phải tồn tại như thế nào đây...?
Hai người khiến tôi gần gũi nhất là chú trưởng phòng và anh Lưu. Nhưng tôi lại hay nói chuyện, tâm sự với anh Lưu hơn; có lẽ vì tuổi tác của cả hai cũng chỉ chênh nhau dăm bảy năm. Buổi chiều hôm đó, tôi rủ anh Lưu đi uống cà phê và trút sang anh nỗi buồn thổn thức ghê gớm của mình.
- Rồi cũng quen dần thôi. Cuộc sống là như vậy, ta chẳng thể làm gì được, phải biết chấp nhận và hoà vào nó thôi. Cái chính là phải có kế hoạch cho tương lai của mình ngay từ giờ... - Lưu ngừng nói, nhìn tôi, dè dặt.
- Cái đó thì... lính mới tò te như em... không biết phải làm gì...
- Việc làm đầu tiên là phải phấn đấu tốt, để đứng vào hàng ngũ của đảng...
- Ôi, tưởng gì - Tôi cười vui vẻ - điều đó thì ai chẳng mong! Nhưng mà anh sẽ giúp em phấn đấu chứ?
- OK! Chỉ cần cậu là người có chí khí, đảng đang cần những người trẻ tuổi, trong sáng và nhiệt thành như cậu!
Thời gian trôi đi. Rồi tôi cũng dần quen với công việc và dần hiểu hơn về cái môi trường văn hoá công chức ấy. Trong tôi đang dần hình thành một năng lực thản nhiên, tức là ít ngạc nhiên, ít xúc động hơn với những điều mắt thấy tai nghe mà trước đây tôi coi là những việc lạ lẫm, nghiêm trọng, thậm chí là tày trời.
Rồi đến một hôm, do tắc đường, kẹt xe, tôi đến cơ quan muộn. Chú trưởng phòng đi công tác miền nam chưa về. Mở cửa bước vào phòng, thấy mọi người không ai làm việc, đang ngồi xung quanh cái bàn nước, nét mặt đều tỏ ra căng thẳng, bức xúc. Riêng anh Lưu thì mặt buồn rười rượi, chẳng còn chút khí thế nào. Tôi lẳng lặng ngồi vào với mọi người, tự rót nước cho mình, không dám hé răng hỏi tại sao.
- Lưu này - một anh đang ngồi ghé vào mép bàn quay sang -  Bây giờ xoá bỏ chế độ tem phiếu rồi, sổ hộ khẩu có gì quan trọng đâu, cứ từ từ mà làm, bao giờ xong cũng được, thậm chí không được cấp cũng chẳng chết ai. Động rồ hay sao mà phải đưa tiền cho mấy cái thằng bỏ mẹ ấy?
- Vẫn biết là như vậy, nhưng khổ lắm mày ơi, thằng con tao sắp đi học, nếu không có hộ khẩu thì phải đóng tiền trái tuyến, căng lắm, lương của vợ chồng tao không chịu nổi. Mà cực lắm, đi đăng ký cái xe máy cũng hỏi đến hộ khẩu, bắt cái điện thoại cũng hỏi đến hộ khẩu, bắt công tơ điện, công tơ nước cũng thế. Rồi còn vấn đề bầu cử... lần bầu cử nào cũng phải về quê bỏ cái phiếu, đi lại mệt mỏi, tốn kém lắm!
- Thế đã đưa cho nó bao nhiêu?
- Bốn chục triệu.
- Lâu chưa?
- Gần một năm nay rồi. Tao sốt ruột, đến hỏi, nó cứ bảo việc này bây giờ khó lắm, phải kiên trì đợi. Cuối cùng, không chịu nổi, tao đến đòi lại tiền. Nó bảo đã chi phí phân tán đi các nơi cần thiết rồi.
- Vậy thì đi tiêu rồi! Nếu không gặp may, còng lưng ra mà làm lụng, ky cóp cho đến hưu cũng không bao giờ có nổi số tiền ấy!
- Tiêu là thế nào? Đến cơ quan thằng ấy mà phản ảnh, nếu cần thì đưa thằng bố nó ra toà ấy chứ!
- Có mà đưa vào mắt - Anh Thọ nổi xung - Làm gì có chứng cớ, cẩn thận không lại mắc tội vu khống! Việc này không thể xử đàng hoàng tử tế được. Phi dân luật không xong. Thằng Lưu không việc gì phải buồn chảy nước ra như thế, để tao xử lý, nó sẽ phải trả, không thiếu một cắc!
- Ấy đừng, không thể được - Anh Lưu hoảng hốt, đứng nhỏm dậy, đôi bàn tay huơ huơ, cặp môi run run – Làm thế là phạm pháp, rồi lại rước lấy cái khổ cho vợ con mày, tao xin mày Thọ ơi!
- Vớ vẩn! - Anh Thọ đứng dậy, lừ mắt giận dữ - Thằng nào thích thì làm cùng tao!
Anh Lưu vẫn phản ứng, nhưng không thể kháng lại được với cái khí bức xúc đang ngùn ngụt lúc bấy giờ của anh Thọ. Mọi người, tuy không ai nói gì thêm, nhưng tôi hiểu không ai là không đồng tình với anh Thọ. Cái cảm giác hoang mang tôi đã gặp trong cái buồng toa lét hồi nào bỗng quay trở lại, vẫn là cái không hiểu được, nhưng lần này lại hoàn toàn không phải là cái cảm giác vừa lo lắng vừa chán nản đã khiến tôi phải chúi mặt vào cái bồn rửa tay mà giấu diếm nữa. Bất giác, tôi như kẻ ở đẳng cấp thấp hơn, vô tình ngước khuôn mặt thộn lên mà ngắm nhìn không biết chán những đồng nghiệp lớn tuổi vừa quen thuộc, vừa xa lạ của mình.
 
Tháng 10 năm 2005

Xem Tiếp: ----