thảm. Anh đẩy chén trà lạnh ngắt về phía tôi, lại ra hiệu bằng tay mời tôi uống nước, rồi anh thì thầm: -Thông cảm cho mình nhé, nói chuyện với nhau khe khẽ thôi, cậu đừng dùng đến từ “nước” nhé! Ta giao ước với nhau, tạm thay nó bằng hai chữ “dung dịch” vậy. Thằng con mình đang ốm nặng. Tôi giật mình khi nghe tin con trai anh ốm nặng, nhưng cũng không sao giấu được vẻ ngạc nhiên vì cái yêu cầu thay đổi từ kì lạ ấy. Tưởng anh nói đùa, tôi nhìn thẳng vào mắt anh. Đôi mắt quả thật đang chìm trong tuyệt vọng. Một ý nghĩ đau nhói bỗng loé lên trong đầu tôi: Hay là con anh bị chó dại cắn? Rất có khả năng như vậy. Chả thế mà phải nằm trong buồng tối, kiêng cả nói đến từ nước! Tôi cảm thấy bủn rủn cả chân tay, mồ hôi bắt đầu rấm rứt ứa ra. Để đồng cảm với nỗi buồn như đang bao trùm trong căn phòng lạnh lẽo, tôi ngồi khép nép như một kẻ tu hành. -Cháu mắc bệnh gì thế anh? Chó dại cắn à? Tôi hỏi mà trong thâm tâm mong mỏi điều đó không bao giờ xảy ra. Anh không trả lời ngay, lặng lẽ kéo tôi ra ngoài cửa rồi nói thầm: -Cháu chẳng may bị một thằng cha đang chửi nhau nhổ nhầm vào mặt…một bãi nước bọt. -Chả lẽ chỉ một bãi…mà cháu mang bệnh sao? Tôi ngạc nhiên đến không thể tin vào tai mình nữa. -Thế mới oái oăm chứ, ai có thể ngờ! Thà rằng bị chó dại cắn còn biết đường mà chạy chữa, đằng này thì… -Anh đừng lo, nước bọt của con người cũng không lấy gì làm độc hại lắm đâu! Tôi làm bộ an ủi anh mà trong lòng vẫn thấy lo ngay ngáy, bởi tôi đã từng được nghe ông nội tôi nói về sự độc hại của “dung dịch” này. Với một âm điệu thống khổ, anh thủ thỉ: -Cậu làm sao thấu hiểu được những gì mà mình đã gánh chịu trong mấy ngày vừa qua. Cậu biết không, chỉ sau một ngày dính phải cái dung dịch quái ác ấy thì mặt cháu bỗng sưng vù lên, rồi sốt cao đến nổi cơn co giật, mình vội vàng đưa cháu đến bệnh viện. Chết nỗi, suốt hai ngày hai đêm, các bác sĩ phải khốn khổ túc trực và đã dùng mọi phương tiện, máy móc tinh vi để tìm nguyên nhân mà cũng chịu. -Rồi sao nữa? Tôi hỏi anh với nỗi ngạc nhiên cùng cực. Những sự việc anh vừa kể quả là có sức lôi cuốn. -Không hiểu sao, bước sang ngày thứ ba. Khuôn mặt cháu trở lại bình thường, không còn sốt cao nữa. Nhưng đâu đã xong, bởi vì liền sau đó, cháu bỗng như người bị bệnh tâm thần. -Thế bác sĩ bảo cháu mắc bệnh gì? -Bị ám ảnh nên thành bệnh! -Chả lẽ vì… -Một thứ “dung dịch chết!” –Anh nói như trong cơn mê sảng. -Nhưng ai cũng có “của ấy” ở trong mồm cơ mà? Tôi hỏi anh mà trong thâm tâm như có một cái gì đang đổ vỡ. -Mình cho rằng, cái này chỉ có trong mồm kẻ xấu, những kẻ suy thoái nhân phẩm. Anh trả lời tôi tự tin như đọc một ý định toán học. Tự nhiên, không hiểu vì lý do gì, mồm tôi cứ ứa ra cái thứ dung dịch mà giờ phút này tôi mới cảm thấy nó đang tồn tại. Thế mới biết, thật khó mà phát ngôn để há mồm ra không túa theo cái dung dịch hại người. Trời ơi! Chả lẽ trên đời này lại có một bệnh kinh khủng đến thế ư? Mà nó lại nẩy sinh ra từ mồm của kẻ cùng loại…rồi không hiểu sao, nỗi lo âu của anh bỗng lây sang tôi. Tôi ghê tởm đến lộn mửa cái “dung dịch chết” bệnh hoạn của người đời. Tôi thầm nghĩ, có thể nó chứa đựng ở trong đôi môi mọng đỏ, những vóc dáng ngọc ngà. Hoặc được ẩn náu trong những hình thù bảnh bao lịch lãm, sang hèn…càng suy tư, tôi lại càng bùi ngùi thương cảm cho số phận những tâm hồn đang ngấm bệnh. Tôi càng căm ghét những kẻ ti tiện, những kẻ suy thoái nhân phẩm. Tôi tin rằng, đến một lúc nào đó, họ sẽ phun vào đời cái thứ dung dịch của họ mà không biết rằng đã làm không gian ô nhiễm. Rồi sau đứa con của bạn tôi sẽ là ai phải đón nhận cái hậu quả đáng buồn ấy? Có thể là chính tôi chăng? Hay con cháu chúng ta, những tâm hồn trong trắng? Tôi rùng minh khi nghĩ đến điều đó. Cố nén những cảm xúc bi đát, tôi hỏi anh: -Bây giờ bệnh tình cháu ra sao? Tiếng của anh vẫn cứ run lên: -Tội lắm cậu ơi! Cháu như người mất hồn. Sợ nước đến hoảng loạn. Cháu sợ tất cả những cái mồm! Sợ đến nỗi không dám bước chân ra ngoài đường. Cháu đòi mua một chiếc mặt nạ của thợ lặn. -Để làm gì? -Để ra ngoài phố! Tôi giật mình khi nghe yêu cầu đòi mua mặt nạ của một đứa trẻ trong thời của chúng ta. Tôi cho rằng, cái yêu cầu quái dị ấy không phải được ý thức bằng tư duy của một cái đầu điên dại. Biết làm thế nào để ngăn được “Dung dịch chết!” bây giờ. Tôi hỏi anh mà trong long rối bời. -Khó lắm cậu ơi! -Chả lẽ không còn cách nào? -Có lẽ, phải bắt đầu từ lũ trẻ, phải cần cho tiêm cho chúng đủ liều vắc xin bắt buộc về “nhân phẩm”, cái mầm của sự sống lương thiện! -Thì chúng ta “tiêm” theo sách đấy thôi! -Cao siêu quá, lũ trẻ không hiểu nổi. Phải đơn giản và đều đặn. -Vậy thế nào cho đơn giản bây giờ? -Trước hết, phải dạy lũ trẻ biết “nhổ” cho đúng chỗ! -Còn những người đã ngấm bệnh? -Tập “há mồm” cho đúng lúc! Bạn tôi đã nói ra điều này những điều mà tôi chưa bao giờ cảm nhận được. Bây giờ thì tôi hiểu rằng, cái dung dịch vô tội ấy mà phun ra bất cứ lúc nào, thời đại nào từ mồm những kẻ ngu dốt, bất tài, vụ lợi, hợm hĩnh, đê tiện…đều có thể trở thành “Dung dịch chết!”. Tôi lặng lẽ ra về không một lời tạm biệt. Cả hai chúng tôi cùng im lặng nhìn nhau bằng ánh mắt lo âu. Thật lạ lùng, chưa bao giờ chúng tôi chia tay nhau trong cảnh tượng như vậy. Hàng Giầy Hà Nội.