(Viết theo lời kể của chú Q )

xuongrong1.jpg
Ông Tư đang lui cui chăm sóc mấy cây xương rồng kiểng nhỏ nhắn thì con Nhài báo rằng thằng Cuội sắp về; nghe đâu là về luôn. Ông thẫn người mất mấy giây, cúi xuống nắn lại một thân xương rồng nhỏ và lẩm bẩm, thế là nó tìm được câu trả lời rồi…
Ông Tư vốn là dân “Bắc kỳ di cư”. Thời đó, khi người ta hỏi thăm vì nghe giọng Bắc của ông, ông vẫn hay trả lời như thế. “Tôi vào Nam năm năm tư, rồi lấy vợ năm năm nhăm. Trước khi vào Nam, ông Tư làm y tá trong quân đội Pháp, sau đó ông học thêm nghề thú y và cả hộ sinh nữa. Cứ thế, ông sống với cái nghề chữa bệnh của mình. Ngày đó trình độ dân trí còn thấp, có được vốn hiểu biết về y dược như ông ở cái vùng này là quý báu lắm rồi. Ông chữa bệnh cho mọi người ở khắp huyện. Từ Tứ Thôn Đại Điền, Phước Tuy, Gò cà, Bót Bà Lá, Cây Đa Quán Giếng gì ông cũng có mặt. Những nẻo thôn xóm cheo leo mấy ông cũng đi tới nơi bằng được để chữa cho những người bệnh không đến nhà ông được. Mọi người ở Diên Khánh này ai cũng biết ông. Ngay cả những đứa trẻ con cũng biết. Đứa trẻ nào lại không có bệnh? Hầu như đứa nào cũng được ông Tư chích vào mông ít nhất một lần trong đời. Mà khổ nỗi, cũng vì thiếu hiểu biết, cứ mỗi lần đau ốm họ lại thích được chích thuốc. Thế là sau khi đặt cái ống nghe, nghe tim nghe phổi xong là ông Tư lại chích cho họ một mũi thuốc. Khi thì thuốc trợ tim, khi thì những ống B1, B12 hay vitamin C. “Chích đau nhưng họ lại an tâm, và thế là mau hết bệnh hơn”. Ông Tư thường nói thế. Nếu chỉ cho họ uống thuốc không thôi thì chính ông cũng không an tâm. Thời đó đâu có kê toa như bây giờ, họ chỉ phân biệt bằng những viên thuốc màu xanh, màu đỏ, màu vàng
Bà Tư ngày ấy là một cô gái hiền lành xinh đẹp người Diên Khánh. Con gái Diên Khánh vốn đẹp và hiền lành. Do vậy nên ngày mới vào Nam ông Tư đã từng vào Phan Thiết, vào Sài Gòn sống một thời gian, nhưng cuối cùng ông lại chọn mảnh đất này. Vợ ông làm y tá cho ông. Những hai vợ chồng ông lại hiếm muộn con, mãi đến gần 50 tuổi bà mới có thai. Đứa con muộn mằn hiện diện trong cuộc đời ông thì cũng là lúc nó thế chỗ cho vợ ông. Một tai biến sản khoa đã làm thằng bé mồ côi mẹ ngay lúc lọt lòng, và cũng làm cho ông Tư góa vợ. Ông xót xa, ông ân hận vì đã không học hành đến nơi đến chốn để cứu cho được vợ mình qua cơn vượt cạn. Nỗi ân hận dày vò ông, thế là ông từ bỏ nghề chữa bệnh. Mà khi đó ông cũng gần 60. Ông quanh quẩn trong nhà và trồng, chiết, ghép những cây xương rồng. Những quyển sách về Y Dược trên giá sách, trên cửa sổ, dần dần nhường chỗ cho những chậu xương rồng nhỏ nhắn, và những bông hoa bé nhỏ bất chấp thân cây gai góc nở những đóa hoa tươi tắn.
Những người khách đến nhà ông giờ đây không còn là những người nửa đêm gà gáy hớt hơ hớt hải tìm thầy chữa bệnh nữa, mà giờ đây là những người thích xem hoa cảnh, hiếu kỳ ghé đến. Ông Tư trở nên một nghệ nhân với những giống xương rồng quí hiếm. Thằng Cuội, đứa con mồ côi mẹ cũng lớn dần giữa những chậu xương rồng muôn sắc. Đôi lần ông phải bán đi những chậu xương rồng để có đủ tiền cho Cuội ăn học. Ông muốn thằng Cuội sẽ vào đại học Y Khoa, sẽ nối nghiệp ông. Cái nghiệp mà ông đã không đủ sức theo vì chiến tranh, vì nghèo. Cũng vì không theo cái nghiệp đến nơi đến chốn mà ông đã mất đi người vợ. Ông đặt tên con là Cuội vì thấy con mới sinh ra đã bơ vơ, trơ trọi. Nhưng một nỗi khát khao sâu kín trong lòng mà ông không hề tiết lộ cho ai hay biết ngoài cái tên trong khai sinh của con: Thế Hưng. Ông muốn con ông sẽ được sống trong một cuộc sống hưng thịnh. Một thời thế phù hợp với anh hùng.
Thằng Cuội vẫn thường hỏi ông vì sao chỉ trồng có mỗi một thứ cây xương rồng. Ông cười bảo rằng, vì đó là loài cây ít cần chăm sóc nhất. Nó hiện thân cho sự chịu đựng  và độ lượng. Dù nắng non, dù ít được chăm bón, nó vẫn dâng hiến cho đời những bông hoa tươi thắm. “Nhưng còn những cái gai?” Thằng Cuội lý sự. Nó không thích những chiếc gai chút nào. Gai to làm nó chảy máu, còn những gai nhỏ như lông tơ cũng làm cho nó thấy xót xót mỗi khi chúng vướng trên da thịt. Ông Tư trả lời: “gai chính là mặc cảm, và là sự tự cô lập của chính nó đấy”. Thằng Cuội không hiểu. Nó còn nhỏ quá. Sự hữu ích thiết thực của cây xương rồng mà nó thấy chính là một ngày có một ông khách đến xin đổi một chiếc xe đạp hiệu Pờ Giô để lấy một chậu xương rồng. Thằng Cuội thích quá, cứ nằn nì mãi, mà không nghe thấy một tiếng thở thật dài của ông Tư. Khi thấy nó ngồi trên chiếc xe đạp, ông Tư nhìn theo, một ngấn nước trong mắt ông. Không ai hiểu được đó là giọt nước mắt mừng cho con hay buồn vì phải chia tay với cây xương rồng quý giá.
Thằng Cuội vào trung học. Ông Tư gà trống nuôi con với một niềm hy vọng thằng Cuội sẽ trở thành bác sĩ. Ông mong muốn thằng Cuội biến giấc mơ của ông thành hiện thực. Thế nhưng, thằng Cuội bỗng biết yêu.
Một buổi chiều thằng Cuội đi học trên đường về nhà nhưng nó không quay xe đạp vào. Trên xe chở một cô bé áo dài thướt tha. Bữa cơm chiều hôm đó, thằng Cuội về muộn hơn mọi ngày. Ông Tư chuẩn bị sẽ cho con mình một bài học ra trò, nhưng mắt cậu bé ngời ngời hạnh phúc, chiếc xe đạp hàng ngày nó tưng tiu giờ đây nó quăng đánh “rầm” một tiếng mà chẳng bận tâm.
“Bố ơi, yêu là gì hả bố?”
Ông Tư sửng sốt. Sống cô độc với con mười mấy năm nay, ông nào ngó ngàng đến một bóng dáng phụ nữ nào. Động từ “Yêu” tưởng chừng đã hóa thạch tự bao lâu rồi. Giờ đây con ông hỏi với một vẻ bừng bừng hồ hởi. Ông không thể nào cho con “một bài học” như dự định. Ông lặng người giây lâu. Những nỗi niềm của một thời trai trẻ trong ký ức bỗng trỗi dậy. Ngày xưa ông vốn là một chàng trai Bắc Kỳ thanh lịch, cũng đã từng đọc đến chín vạn chín nghìn chín trăm câu thơ tình thuộc lòng, cũng đã đọc bao nhiêu sách thánh hiền, triết học cũng như tiểu thuyết của những bậc thức giả bên Tây cũng như bên Tàu, giờ đây ông lục lọi trong ký ức của một thời thanh xuân, những câu chuyện đã một thời làm ông ngưỡng mộ. Không giống như những người mẹ thường hay cật vấn con mình, ông là người đàn ông ít nói và lại không hỏi han dồn dập con mình. Ông nghiêm trang đáp lời con như một cậu học trò đang trả bài môn triết:
- Yêu là sống với niềm tin!.
Cậu con trai của ông, một cậu con trai không khờ khạo giống như cái tên cúng cơm của mình, nhìn người cha đã nhiều năm lặng lẽ không hề đọc một cuốn sách hay tờ báo nào, giờ đây trả lời cho cậu một câu  hỏi mang tính hàn lâm như thế. Một câu hỏi chưa chắc gì từ các cụ tổ của tình yêu _Adam và Eva, _ cho đến giờ mấy ai đã trả lời một câu thỏa mãn như thế. Cậu con trai hài lòng với cái định nghĩa của cha mình. Cậu ngồi vào mâm cơm ông Tư đã dọn sẵn và ăn ngấu nghiến.
Ngày qua ngày, Cuội đã thi tốt nghiệp trung học, và đỗ hạng giỏi. Đời cậu quả không khác với cái tên mà ông Tư đã đặt.  Ông Tư tom góp tiền bạc và gởi cho người hàng xóm những chậu xương rồng khắc khổ và đưa con lên thành phố thi đại học. Trái với sở nguyện của ông, Cuội đã thi vào kinh tế mà chẳng màng gì đến ước mơ bác sĩ mà ông bố già đã chờ đợi khắc khoải nhiều năm. Cuội không làm theo lời ông Tư chỉ vì một mối tình lớn với một cô bạn cùng lớp. Nàng thi muốn vào kinh tế.  Còn Cuội thì muốn cùng nàng sóng sánh nhiều năm đại học. Thế là Cuội đã đậu đại học cùng với nàng, còn ông Tư trở về côi cút cùng những chậu xương rồng. Giờ đây ông yêu những cây hoa nhỏ bé này hơn, nhưng ông cũng ngày càng già yếu và mệt mỏi hơn. Những chậu xương rồng lần lượt vơi đi theo học phí mà những năm tháng dài Cuội đi học. Thế rồi một mùa hè, Cuội đã ra trường và về thăm ông Tư.
-  Bố ơi, đau khổ là gì? Một buổi chiều Cuội hỏi ông Tư.
Câu hỏi này ông Tư trả lời dễ dàng. Ông đã từng chứng kiến cảnh tử biệt sinh ly, từng sống những tháng ngày vò võ, từng cảm thấy bất lực trước cuộc sống. “Đau khổ chính là sống với những giọt nước mắt”. Ông trả lời Cuội, trong lòng dậy lên một nỗi bất an.
Cuội nhìn xa xăm ra cửa sổ, ánh nắng chiều sắp tắt chợt lung linh rực rỡ trên những gốc xương rồng. Cậu chợt nhớ thêm một điều cần hỏi: “Thế còn hi sinh nghĩa là gì?”. Ông Tư nhìn cậu con trai của mình bằng cặp mắt già nua. Ông nhớ ra có lần mẹ nó đã ao ước một đứa con như thế nào trước khi sinh ra nó. Những ngày tháng mang thai là những ngày hạnh phúc nhất của bà. Khi nằm trên bàn sinh, ông nhìn thấy ánh mắt thương yêu của bà và đăm đắm nhìn ông với một niềm tin mãnh liệt. Cuội là món quà của tình yêu mà bà đã tặng cho ông. Trong cơn đau xé ruột khi vượt cạn, ông thoáng thấy bà đã nở nụ cười khi nghe tiếng con oe oe rồi trút hơi thở cuối cùng. Ông trả lời con bằng một giọng nhẹ như gió thoảng:
- Hy sinh nghĩa là chết với nụ cười.
Cuội chợt rùng mình, cậu đã không nghĩ đến chuyện “chết chóc” khi đặt ra câu hỏi đó. Chỉ đơn gian là Cuội muốn ở lại thành phố, làm cho một công ty nước ngoài. Công ty này đã đến trường Cuội và “đặt hàng“ một sinh viên đầy thành tích như Cuội. Nhận công việc trợ lý giám đốc, cậu muốn đưa cả Hoàng Mai, cô bạn thời trung học và đại học vào làm. Lần này về Cuội muốn đưa bố lên thành phố, nhưng cậu vẫn biết trước câu trả lời của ông Tư. Làm sao ông có thể đi đến chỗ nào khác được. Nơi đây là nơi ông gặp gỡ bà Tư, là nơi biết bao kỷ niệm, biết bao người thương quí ông, là nơi bà Tư yên nghỉ vĩnh viễn, và biết đâu ông cũng sắp đi theo bà. Ông kiên quyết và có đầy đủ lý do để ở lại đây. Và sáng sớm hôm sau Cuội lại trở về thành phố để tiếp tục đi con đường cậu đã chọn. Cuội sẽ không bao giờ trở về nữa. Ông Tư biết thế
Thế nhưng, một đêm trời mưa tầm tả. Ông Tư nghe tiếng ai gọi trước sân. Cuội của ông trên chiếc xe hơi bước xuống. Ông cầm tay con mà ngỡ như không nhận ra. Da thịt của ông và bà Tư đây ư? Thằng Cuội hôm nay sao lạ hoắc lạ huơ. Mập mạp,đẫy đà. Khuôn mặt chữ điền năm xưa giờ đây tròn quay béo bệu. Bước chân con ông bây giờ sao nặng nề, mệt mỏi. Ông nhớ lại hình ảnh thằng Cuội ngày xưa trèo lên chiếc xe đạp Pờ giô. Sống trong cái thành phố đông đúc chật chội, lẽ ra con ông phải ốm như con gà nuôi trong ống tre chứ, sao bây giờ nó to tê thế này. Chỉ còn cái giọng nói, vẫn là giọng nói của con ông mà thôi.
- Bố ơi, con đi công tác, ghé về thăm bố. Sáng mai sớm con sẽ đi.
- Lúc này công việc bận lắm không con? Còn cái cô Hoàng Mai gì đó, chừng nào con định cho Bố có cháu nội đây?
Thằng Cuội _ giờ đây đã là Mit tơ Cuội - bỗng lặng yên không nói gì.  Cuội nằm trên chiếc võng dù, chiếc võng ngày xưa những thân chủ của ông Tư vẫn nằm để đợi ông đi khám bệnh trở về, chiếc võng bà Tư cũng thường nằm ngủ trưa, và cũng là chiếc võng ru giấc ngủ cho Cuội từ lúc mới vào đời.  Chiếc võng làm Cuội bỗng nhớ lại cái thời còn đi học, có hai bố con hủ hỉ, cái thời Cuội đã đặt những câu hỏi từ ngây ngô đến nghiêm trang. Giờ đây Cuội muốn đặt cho bố một câu hỏi_câu hỏi quyết định.
- Bố, người ta yêu, đau khổ rồi hy sinh; hay là yêu, hy sinh rồi đau khổ?
Ông Tư không ngạc nhiên. Ông biết thằng con hay tìm hiểu của ông sẽ có ngày đặt câu hỏi này. Ông không có câu trả lời sẵn cho con. Chính ông cũng muốn có được một câu trả lời. Ông lắc đầu. Mắt ông mê mải nhìn vào chậu xương rồng trên bàn, một cây xương rồng gầy cuộc và vặn vẹo:
“Bố không biết, có lẽ kiếp trước của cây xương rồng này là người, và khi nó trả lời được câu hỏi này thì nó đã ra nông nỗi này…”
Cuội trở về trên chiếc xe ôm, hốc hác và tiều tụy. Cuội bước vào nhà lặng lẽ như một chiếc bóng. Ông Tư chuẩn bị ra chợ mua món gì đó cho Cuội ăn. Cuội nắm lấy cánh tay gầy guộc của bố:
“Bố ơi, khoan đã, con sẽ về luôn. Con Hoàng Mai nó phụ bạc con rồi. Nó đi theo thằng sếp Tây và cuối cùng con đã bị thôi việc.”
Cuội nghẹn ngào khóc nức nở. Ông Tư ôm vai đứa con đau khổ. Bỗng niên ông không thấy buồn. Con ông đúng là đã tìm được câu trả lời rồi. Thằng Cuội giờ mới thật sự trưởng thành. Ông cũng có câu trả lời cho riêng ông.

Xem Tiếp: ----