Ở phía đầu phòng xử án, kê một cái ghế bành cao để quan Chánh thẩm ngồi. Ở dưới chân bục, có một cái bàn để cho các ông lục sư, bên phải và bên trái bàn đó kê nhiều chiếc ghế nữa. Một số những ghế này gom lại thành một nhóm riêng và được rào lại: chỗ đó dành cho đoàn phụ thẩm nhân dân khi nào cần. Đối diện bàn đó có mấy cái ghế và bàn cong theo hình bán nguyệt để cho các luật sư ngồi. Sau hình bán nguyệt đó, là cái ghế dài cho các bị cáo ngồi, với một lối đi đưa tới một cầu thang xuống hầm. Từ dưới hầm người ta dẫn những người bị xử lên. Phía cuối phòng xử có mấy dãy ghế, dãy sau cao hơn dãy trước để công chúng ngồi, người Âu ngồi các dãy bên mặt, người không phải gốc Âu thì ngồi các dãy bên trái đúng theo tục lệ. Trong phòng xử không được hút thuốc, không được nói lớn hoặc thì thầm hay cười. Ăn bận phải đàng hoàng; đàn ông phải bỏ nón ra, trừ khi theo một tôn giáo không cho phép bỏ nón. Như vậy để tỏ thái độ tôn trọng quan Chánh thẩm, tôn trọng Anh Hoàng đã trao quyền cho quan Chánh thẩm, tôn trọng Luật pháp mà quan Chánh thẩm thi hành và tôn trọng Quốc dân đã đặt ra Luật pháp. Khi quan Chánh thẩm bước vô thì mọi người phải đứng dậy, đợi ông ngồi xuống thì mới được ngồi. Khi quan Chánh thẩm bước ra, mọi người cũng đứng dậy đợi ông ra khỏi rồi mới được ra. Như vậy để tỏ thái độ tôn trọng quan Chánh thẩm và Luật pháp mà ông thi hành. Vì quan Chánh thẩm có một nhiệm vụ rất quan trọng: phán quyết và tuyên án, cả những án tử hình. Vì quyền cao chức trọng đó mà người ta gọi các vị Chánh thẩm đó là Ngài và trong các buổi lễ lớn, được đứng trước ngồi trên các người khác. Các vị đó được mọi người cả da trắng lẫn da đen tôn kính. Trong cái xứ có không khí sợ hãi này, một vị Chánh thẩm phải là một người vô uý, thì việc xử án mới được chính trực, đúng Pháp Luật được. Một vị Chánh thẩm phải rất mực thanh liêm. Các vị Chánh thẩm không làm Luật, Quốc dân mới làm Luật. Có khi một đạo Luật có thể bất công, nhưng bổn phận của các vị Chánh thẩm là phán quyết đúng theo Luật, áp dụng Luật pháp dù nó bất công. Bổn phận của vị Chánh thẩm là phán quyết theo Luật, chỉ có Quốc dân làm Luật mới có bổn phận phải công bằng. Do đó, nếu một vụ án xử đúng Luật mà không công bằng thì trách nhiệm không về Chánh thẩm mà về Quốc dân, nghĩa là về người da trắng, vì chính người da trắng làm ra Luật, chứ không phải người da đen. Ở Nam Phi người ta rất hãnh diện về các vị Thẩm phán, vì người ta tin rằng các vị đó thanh liêm. Ngay những người da đen cũng tin ở sự công tâm của các vị đó mặc dầu không tin vào sự công bằng của Pháp luật. Trong một xứ có cái không khí sợ hãi thì đức liêm khiết như một ngọn đèn đặt trên một cái bệ cao chiếu sáng chung cho mọi người trong nhà. Có lời yêu cầu yên lặng và mọi người đứng cả dậy. Dù trong phòng này có bị nào chức lớn hơn ông Chánh thẩm thì vị đó cũng đứng dậy, vì sau ông Chánh thẩm còn có Luật pháp đáng tôn trọng hơn bất kỳ người nào. Ông Chánh thẩm bước vô với hai ông Phụ thẩm: họ ngồi xuống và công chúng ngồi xuống theo. Phiên toà bắt đầu. Từ dưới hầm người ta dẫn lên ba người bị đem ra xử trong phiên toà đó và mọi người chăm chú nhìn họ….Có người thấy rằng họ có bộ mặt sát nhân, lại còn thì thầm với nhau như vậy nữa, mặc dù ở đây cấm thì thầm. Có người không thấy họ có bộ mặt sát nhân chút nào. Có người lại thấy tên này có vẻ sát nhân, tên kia không. Một người da trắng đứng dậy, tuyên bố rằng ba người đó bị buộc tội cố sát Arthur Trevelyan Jarvis, trong nhà ông này ở đường Planlation, Parkwold, Johannesburg, ngày thứ ba mùng tám tháng mười, năm 1946, vào lúc xế trưa. Bị cáo thứ nhất tên là Absalom Kumalo, bị cáo thứ nhì là Matthew Kumalo, bị cáo thứ ba là Johannes Pafuri. Người ta hỏi họ nhận tội hay không nhận tội. Bị cáo thứ nhứt nhận có giết nhưng không cố ý giết. Bị cáo thứ nhì bảo mình không có tội và bị cáo thứ ba cũng vậy. Mỗi lời tuyên bố và câu hỏi đều dùng bằng tiếng Anh và tiếng Zulu để cho ba bị cáo hiểu. Vì tuy Pafuri không phải là người Zulu nhưng bảo rằng hiểu tiếng Zulu. Vị luật sư, người da trắng vì Chúa mà biện hộ cho chuyện này, bảo rằng Absalom Kumalo sẽ nhận tội sát nhân chứ không cố sát vì không có ý muốn giết người. Nhưng ông Chưởng lý bảo không thể như vậy được: đây không phải là vụ xử tội sát nhân vì bị can bị buộc tội là cố sát. Như vậy thì Absalom Kumalo cũng bảo rằng không có tội, như hai bị can kia. - Rồi khi đã lập chương trình hành động rồi, anh quyết định ngày mồng tám tháng mười sẽ thi hành hả? - Dạ. - Tại sao anh lựa ngày đó? - Johannes bảo ngày đó trong nhà không có ai. - Johannes nào? Phải, Johannes Pafuri không? - Dạ phải, Johannes Pafuri bị cáo cùng với tôi đây. - Và lựa giờ đó: một giờ rưỡi trưa hả? - Dạ. - Lựa giờ đó không bậy sao? Giờ đó người da trắng thường về nhà dùng bữa trưa mà? Bị cáo làm thinh. - Tại sao anh lại lựa giờ đó? - Chính Johannes lựa giờ. Nó bảo rằng có một tiếng nói xúi nó lựa giờ đó. - Tiếng nói nào? - Cái đó, tôi không biết. - Tiếng nói của tội ác hả? Bị cáo lại làm thinh không đáp. - Rồi cả ba người đi lại phía cửa sau của ngôi nhà hả? - Dạ. - Anh và cả hai người bị cáo kia nữa, phải không? - Dạ, tôi với chính hai người đó. - Rồi sao nữa? - Rồi chúng tôi buộc khăn mùi xoa để che phía miệng. - Rồi sao nữa? - Rồi chúng tôi vô nhà bếp. - Lúc đó có ai trong nhà bếp? - Có người bồi trong đó. - Phải Richard Mpiring không? - Tôi không biết tên anh ta. - Phải người này không? - Dạ, chính người đó. - Rồi sao nữa? Kể hết cho toà nghe đi. - Người đó sợ. Chú ta thấy cây súng sáu của tôi. Chú ấy đứng dựa vào chỗ rửa chén, chú ấy đương rửa chén thì chúng tôi vô. Chú ấy hỏi: “ Các người muốn gì? ”. Johannes bảo: “ Muốn tiền bạc quần áo ”. Chú ấy bảo: “ Không được làm cái trò đó ”. Johannes bảo: “ Mày muốn chết không? ”. Chú đó sợ rồi bỗng la lớn lên: “Ông chủ, ông chủ! ”. Rồi Johannes vung cây gậy sắt thu thu ở sau lưng đập lên đầu chú ta. - Đập mấy cái? - Một cái thôi. - Rồi người đó có la lên nữa không? - Không la một tiếng nào nữa. - Rồi các anh làm gì? - Chúng tôi làm thinh, Johannes bảo phải im. - Các anh làm gì nữa? Nghe ngóng chứ? - Chúng tôi nghe ngóng. - Nghe thấy gì không? - Thưa không. - Cây súng lục của anh lúc đó ở đâu? - Ở trong tay tôi. - Rồi thì sao? - Rồi thì một người da trắng tới hành lang. - Rồi sao nữa? - Tôi sợ, tôi nổ súng. - Rồi sao nữa? Tên bị cáo ngó xuống sàn nói: - Người da trắng gục xuống. - Rồi sao nữa? - Johannes vội vàng bảo: “ Phải dông đi thôi ”, và chúng tôi hấp tấp rút lui. - Ra cửa sau. - Dạ. - Rồi băng qua con đường, vô sở trồng cây? - Dạ. - Lúc đó cùng chạy với nhau không? - Không, tôi chạy theo phía tôi. - Anh gặp lại người kia hồi nào? - Ở nhà Baby Mkize. Nhưng viên Chánh Thẩm ngắt lời - Ông Chưởng Lý, xin ông cho tôi hỏi bị cáo thứ nhất một vài câu đã, rồi ông sẽ tiếp tục lấy khẩu cung. - Xin vâng ý ngài. - Tại sao anh mang theo khẩu súng lục đó? - Để doạ người bồi trong nhà. - Nhưng tại sao anh lại có được súng lục? Làm thinh. - Phải trả lời câu hỏi của tôi chứ. - Người ta bảo tôi nên có súng lục. - Ai bảo anh? - Không, người ta bảo tôi rằng Johannesburg là nơi nguy hiểm. - Người ta là ai? Lại làm thinh. - Phải người ta đó là hạng người chuyên làm cái việc ăn trộm ăn cướp đó không? - Thưa không phải. - Thế thì là ai? - Tôi không nhớ rõ. Có lần ở một chỗ nào đó tôi nghe thấy nói vậy. - Có phải muốn nói rằng trong một cuộc hội họp đông đảo nào đó có người bảo: Johannesburg là một nơi nguy hiểm, phải có súng lục mới được, phải anh muốn nói vậy không? - Dạ thưa phải, tôi muốn nói vậy. - Và anh biết rằng súng của anh nạp đạn sẵn rồi chứ? - Dạ tôi biết. - Nếu anh mang súng chỉ để doạ người ta thôi thì tại sao lại nạp đạn sẵn. Thanh niên đó làm thinh. - Vậy là anh sẵn sàng để bóp cò hả? - Thưa không, tôi không có ý định muốn bắn một người đàng hoàng. Tôi định chỉ khi nào người ta bắn tôi, tôi mới bắn lại. - Một cảnh sát trong khi thi hành phận sự mà bắn anh thì anh có bắn lại không? - Không, tôi không bắn cảnh sát. Viên Chánh Thẩm làm thinh. Mọi người im lặng. Rồi ông nghiêm nghị hỏi: - Thế người da trắng mà anh bắn đó không phải là một người đàng hoàng sao? Bị cáo lại ngó xuống sàn, rồi đáp nho nhỏ: - Lúc đó tôi sợ quá, tôi sợ quá. Tôi không bao giờ có ý muốn giết ông ấy cả. - Anh kiếm cây súng lục đó ở đâu? - Tôi mua của người ta. - Ở đâu? - Ở Alexandra. - Người đó là ai? Tên là gì? - Tôi không biết tên người đó. - Nhà người đó ở đâu? - Tôi không biết. - Anh có thể tìm lại người đó được không? - Tôi có thể rán tìm xem. - Khi mua, súng có nạp đạn sẵn không? - Có nạp sẵn hai viên. - Khi anh lại ngôi nhà đó thì trong súng có mấy viên? - Còn một viên. - Thế còn viên kia đi đâu? - Tôi đem súng lại một sở cây, trên đồi phía sau Alexandra và tôi bắn một phát. - Bắn vào cái gì? - Bắn vào một thân cây. - Có trúng không? - Thưa trúng. - Và anh nghĩ bụng: “ Bây giờ mình biết dùng súng lục rồi ”, có phải vậy không? - Thưa phải. - Ai cầm cây gậy sắt? - Thưa, Johannes cầm. - Anh biết rằng y cầm không? - Thưa biết. - Anh biết rằng khí giới đó nguy hiểm, có thể giết người được chứ? Thanh niên đó cấm tiếng lớn: - Không phải giết ai, đập ai. Chỉ để doạ thôi. - Nhưng anh đã có một khẩu súng để dọa rồi mà? - Dạ, nhưng Johannes bảo sẽ cầm theo cây gậy. Hắn bảo gậy đó đã được ban phước lành. - Gậy đã được ban phước lành? - Hắn bảo vậy. - Johannes nói, vậy là nghĩa làm sao? - Thưa tôi không biết. - Có nghĩa là một mục sư đã cầu phước cho cậy gậy, phải vậy không? - Tôi không biết. - Anh không hỏi ư? - Thưa tôi không hỏi. - Thân phụ anh là một mục sư phải không? Thanh niên đó lại nhìn xuống sàn, đáp nho nhỏ: - Dạ. - Thân phụ anh có cầu phước cho một cây gậy như vậy không? - Thưa không. - Anh không bảo Johannes: “ Đừng mang cây gậy đó đi ” ư? - Thưa không. - Anh cũng không hỏi hắn: “ Làm sao một vật như vậy có thể được ban phước được hả ”. - Thưa không. - Xin ông Chưởng lý tiếp tục lấy khẩu cung. - Và khi hai người đó khai rằng ở trong nhà Baby Mkize, không có bàn bạc gì về vụ giết người đó, là họ nói dối hả? - Họ nói dối. - Và khi họ bảo rằng sau khi gặp họ ở nhà Mkize, anh mới bịa ra chuyện đó, thì họ cũng nói dối nữa hả? - Họ nói dối. - Và khi Baby Mkize bảo họ không nói chuyện giết người đó ở trước mặt y thị, thì là thị nói dối. - Thím ấy nói dối. Thím ấy sợ, bảo chúng tôi đi ra khỏi nhà thím ấy đi, đừng trở lại nữa. - Rồi cả ba người cùng đi ra một lượt? - Không, tôi đi trước. - Đi đâu? - Lại một sở cây. - Làm gì ở đó? - Lại chôn khẩu súng lục. - Phải khẩu súng lục đặt ở kia không? Người ta chìa cho bị cáo một khẩu súng lục. Bị cáo xem xét nó, rồi đáp: - Chính khẩu súng này. - Làm sao người ta kiếm được nó? - Không, chính tôi chỉ chỗ cho Cảnh sát kiếm. - Chôn xong khẩu súng anh làm gì? - Tôi cầu nguyện ở đó. Viên Chưởng lý có vẻ hơi sững sờ; viên Chánh thẩm hỏi: - Anh cầu nguyện điều gì? - Cầu nguyện được tha tội. - Rồi gì nữa? - Thế thôi, tôi không cầu nguyện gì khác. - Rồi hôm sau anh trở lại Johannesburg hả? - Dạ. - Và anh đi lẫn trong đám người tẩy chay xe buýt? - Dạ. - Anh có nghe thấy họ còn bàn tán về tên sát nhân không? Thưa, họ có bàn tán. Có người bảo rằng thế nào nó cũng bị bắt. - Rồi sao? - Tôi sợ hãi. - Sợ thì anh làm gì? - Tối đó tôi lại ngủ ở Garmiston. - Trong ngày hôm đó anh làm gì? Có lẩn trốn nữa không? - Không, tôi mua một chiếc áo sơ-mi, ôm gói áo đi lang thang. - Tại sao làm vậy? - Để người ta cho tôi là một người đi giao hàng. - Còn làm gì khác nữa không? - Thưa không. - Rồi anh trở lại Germiston? Tới chỗ nào? - Tới nhà Joseph Bhengu, số 12 đường Maseru khu đất chia lô cho mướn. - Rồi sao nữa? - Trong khị tôi đang ở đó thì cảnh sát tới. - Rồi xảy ra chuyện gì? - Cảnh sát hỏi tôi có phải là Absalom Kumalo không. Tôi đáp phải, và tôi sợ hãi, hôm đó tôi đã có ý muốn lại thú tội với Ty cảnh sát và lúc đó tôi thấy rằng tôi ngu dại mà chần chừ. - Cảnh sát bắt anh tức thì chứ? - Thưa không. Họ hỏi tôi có biết Johannes ở đâu không, tôi bảo không, tôi không biết, nhưng không phải Johannes giết ông da trắng mà chính tôi đã giết. Con Johannes đập người bồi té bất tỉnh. Và toi bảo rắng Matthew cũng có ở đó. Và tôi bảo họ rằng tôi sẽ chỉ chỗ tôi chôn cây súng lục. Và tôi bảo rằng hôm đó tôi đã có ý lại ty cảnh sát thú tội, nhưng tôi đã ngu dại chần chừ, vì tôi sợ. - Rồi anh làm tờ khai trước mặt ông Andries Coetzee Phó hành chánh ở Johannesburg? - Tôi không biết tên ông ấy. - Phải đây là tờ khai của anh không? Người ta đưa tờ khai cho hắn, hắn coi rồi đáp: - Phải đây chính là tờ khai của tôi. - Lời khai nào cũng đúng cả chứ? - Thưa lời nào cũng đúng hết. - Không có lời nào khai man chứ? - Không có lời nào khai man vì tôi nghĩ bụng: “ Từ nay mình không nói dối nữa, suốt đời không nói dối nữa, không làm cái gì ác nữa ”. - Tóm lại là anh đã hối hận hả? - Dạ, tôi đã hối hận. - Vì anh đương ở trong cảnh nguy hả? - Dạ, vì tôi đương ở trong cảnh nguy. - Anh hối hận còn vì lý do nào khác không? - Thưa, không có lý do nào khác. Khi phiên thẩm vấn dời lại, viên Chánh thẩm và các viên Phụ thẩm bước ra thì mọi người đứng cả lên, rồi đi ra cửa ở sau các dãy ghế dài kê thành từng cấp, người Âu đi một cửa riêng, người không phải gốc Âu đi một cửa riêng, theo tục lệ. Kumalo và Msimangu, Gertrude và bà Lithebe cùng ra với nhau và họ nghe có người bảo: - Thân phụ của người da trắng bị giết kia kìa. Kumalo đưa mắt kiếm và thấy đúng ông đó là thân phụ người bị giết, ông chủ điền có cái trại ở trên các đồi cao, phía trên Ndotsheni, người mà ông ta thấy đã có lần cưỡi ngựa đi ngang qua giáo đường. Và Kumalo run lên, quay mặt đi. Vì làm sao nhìn một người như vậy.