Một em gái chạy lại ngôi giáo đường vách ván lợp tôn, tay cầm bức thư ra vẻ quan trọng lắm. Em rụt rè gõ cửa một ngôi nhà ở bên cạnh giáo đường. Mục sư Stephen Kumalo đang ngồi viết ở bàn, ngửng đầu lên, bảo: “ Vô đi ”. Em nhỏ nhè nhẹ đẩy cánh cửa, như sợ sệt không dám đẩy mạnh vì ngôi nhà uy nghiêm quá, rồi rón rén bước vô. - Thưa Umfundisi (1) con mang lại một bức thư đây. - Một bức thư ư? Ở đâu vậy con? - Thưa Umfundisi, ở thương điếm ạ. Ông da trắng ông ấy bảo con đem lại cho Umfundisi. - Ngoan lắm. Thôi con về mạnh giỏi. Nhưng em nhỏ không đi ra ngay mà còn đứng lại, chân này cọ vào chân kia, ngón tay rờ rờ mép bàn của mục sư. - Có lẽ con đói hả?. - Thưa Umfundisi, con không đói lắm. - Vậy chắc con hơi đói? - Dạ, con hơi đói. - Thế thì vô kiếm mẹ (2) đi. Có lẽ có cái gì cho con ăn đấy. - Con cám ơn Umfundisi. Em nhỏ rón rén bước, như ngại chân mình có thể làm hư một ngôi nhà to lớn đẹp đẽ như vậy, có bàn có ghế, có đồng hồ quả lắc, có một cây trồng trong chậu kiểng, và rất nhiều sách, nhiều sách hơn cả ở trường học nữa. Kumalo ngó bức thư. Nó lem luốc, nhất là ở chung quanh con tem. Chắc chắn nó chuyền qua tay nhiều người. Thư gởi từ Johannesburg. Ông cũng có nhiều bà con ở Johannesburg. Người em của ông tên là John làm thợ mộc, ra đó làm ăn và làm chủ một cửa tiệm ở Sophiatown. Em gái ông tên là Gertrude, nhỏ hơn ông hai mươi lăm tuổi, sanh hồi cha mẹ ông đã già, cũng dắt con trai nhỏ ra đó tìm chồng làm thợ mỏ đã bao lâu không về thăm nhà. Sau cùng người con trai độc nhất của ông cũng ra đó tìm cô là Gretrude và cũng không trở về. Rồi còn nhiều bà con xa cũng làm ăn ở ngoài đó nữa, thành thử khó mà đoán được bức thư đó của ai, vì đã lâu lắm rồi, có ai viết thư từ gì cho ông đâu, làm sao ông nhớ rõ được tuồng chữ. Ông lật đi lật lại bức thư, không có một dấu hiệu gì cho biết thư của ai. Ông ngại mở bức thư vì mở rồi thì không dán lại được nữa. Ông gọi vợ ra hỏi. - Em nhỏ đó đi chưa? - Nó đương ăn, mình à. - Để yên cho nó ăn. Nó đem lại một bức thư nè. Có chuyện gì vậy mình có biết không? - Làm sao em biết được? - Anh cũng không biết. Này, coi đi. Bà vợ cầm bức thư lên, rờ nắn. Nhưng rờ nắn bao thư thì làm sao biết được là của ai gởi tới. Bà lớn tiếng, chậm rãi, đọc từng chữ trên địa chỉ: Mục sư Stenphen Kumalo. Giáo đường Thánh Mark. Ndotsheni. NATAL. Bà thu hết can đảm lại, bảo: - Không phải của con mình đâu. Ông mục sư đáp: - Không phải của nó. - Rồi ông thở dài. Bà bảo: - Nhưng có thể là có tin về nó. - Ừ, có thể như vậy. Bà nói: - Không phải là thư của cô Gretrude. - Có thể là của chú John? - Không phải của chú John đâu. Cả hai đều im lặng, rồi bà vợ nói: - Chúng mình mong thư biết bao, mà khi thư tới thì sợ không dám mở. - Ai mà sợ? Mình bóc đi. Bà chậm chạp, cẩn thận bóc bức thư, vì ít khi bà nhận được thư lắm. Bà mở rộng bức thư, để trước mặt rồi chậm chạp, cẩn thận đọc nho nhỏ tới nỗi ông không nghe rõ được. Ông bảo: - Mình đọc lớn lên đi. Bà đọc lớn tiếng, từng từng chữ như các em Zulu đánh vần tiếng Anh vậy. Hội truyền giáo, Sophiatown. Johannesburg 25 - 09 – 49. Thưa Đạo huynh. Tôi có dịp được gặp một thiếu phụ ở đây, tại Johannesburg. Thiếu phụ đó tên là Gertrude Kumalo ở giáo đường Thánh Mark Ndotsheni. Thiếu phụ đó đau nặng nên tôi xin Đạo huynh lại ngay Johannesburg. Đạo huynh lại nhà Mục sư Theophilus Msimangu, ở hội truyền giáo Sophiatown và tối đó tôi sẽ chỉ dẫn Đạo huynh. Tôi cũng sẽ tìm một chỗ ở không tốn tiền lắm cho Đạo huynh. Thân ái chào Đạo huynh. Theophilus Msimangu. Hai ông bà im lặng hồi lâu. Sau cùng bà hỏi: - Sao, mình? - Mình hỏi cái gì? - Bức thư đó. Mình đã nghe kỹ rồi chứ? - Ừ, anh đã nghe kỹ. Rầy rà thật. - Ừ, rầy rà thật. Mình tính sao bây giờ? - Em nhỏ đó đã ăn xong chưa? Bà vô bếp và dắt đứa nhỏ trở ra. - Con ăn xong chưa? - Thưa, xong rồi ạ. - Thôi con về mạnh giỏi nhé. Cảm ơn con mang lại bức thư nhé. Con nhớ dùm cho nhé. - Dạ. Thưa Umfundisi ở lại mạnh giỏi. Thưa mẹ ở lại mạnh giỏi. - Ừ, con về mạnh giỏi. Em nhỏ rón rén bước ra, khe khẽ khép cửa lại, quay quả nắm thật chậm như sợ thả nó ra thình lình quá. Khi đứa bé ra rồi, bà vợ hỏi: - Sao, mình tính sao? - Về chuyện gì hả mình? Bà kiên nhẫn đáp: - Về chuyện bức thư đó. Ông thở dài bảo: - Mình đem số tiền Thánh Chad ra cho anh. Bà bước ra một lát rồi trở vô chìa cho ông một hộp thiếc, hộp thiếc đựng cà phê hay ca cao. Ông cầm cái hộp trong tay, ngắm nghía nó một hồi như thể tìm một giải pháp gì ở trong hộp, cho tới khi bà bảo: - Mình ạ, phải đi chứ. Ông nói: - Tiêu số tiền này ư? Sao đành? Để dành cho thằng Absalom lại học ở Thánh Chad mà. - Thằng Absalom sẽ thôi không lại học ở Thánh Chad. Ông gắt lên: - Sao mà mình ăn nói như vậy được? Sao mà thốt ra một lời như vậy được? Bà chán nản đáp: - Nó ở Johannesburg. Có ai ra Johannesburg mà trở về nhà bao giờ đâu? - Chính mình nói vậy đấy nhé. Đã nói rồi thì thôi. Số tiền này để dành để dùng việc đó, nhưng thôi, sẽ không bao giờ dùng về việc đó nữa. Mình đã mở cửa ra rồi, và cửa đã mở rồi thì phải bước ra. Và chỉ có Tixo (3) là biết được rồi việc này sẽ đi đến đâu. Thấy chồng đổ lỗi cho mình, bà đáp: - Đâu phải em mở. Nó đã mở từ lâu rồi mà mình không muốn thấy đấy thôi. Ông Mục sư có giọng gay gắt: - Chúng mình có một thằng con trai. Người Zulu thường có nhiều con, mà chúng mình có mỗi một con trai. Nó ra Johannesburg, và như mình nói: có ai ra Johannesburg mà trở về nhà bao giờ đâu. Họ cũng không viết thư về nhà nữa. Họ không lại họ ở Thánh Chad những điều tối cần cho đời sống một người da đen. Họ ra Johannesburg và ở đó họ biệt tăm, không ai có tin tức gì về họ nữa. Và số tiền này…. Thấy vợ làm thinh ông nói tiếp: - Số tiền này ở trong tay tôi. Bà vẫn làm thinh ông lặp lại: - Nó ở trong tay tôi, nè. Bà vợ bảo: - Mình cứ làm khổ mình. - Anh làm khổ anh ư? Anh làm khổ anh ư? Không anh không làm khổ anh, mà chính họ làm khổ anh. Chính con trai anh, chính em gái anh, chính em trai anh làm khổ anh. Họ bỏ nhà ra đi và không viết thư về nữa. Có lẽ họ không biết rằng chúng mình đau khổ. Có lẽ mình đau khổ họ chẳng quan tâm gì tới. Ông giận dữ lớn tiếng: - Mình lại hỏi ông da trắng đó đi. Có lẽ còn nhiều bức thư nữa. Có thể rớt đâu dưới quầy hoặc vướng đâu ở đống bao thực phẩm mà không thấy. Rồi nhìn lên ngọn cây xem, chưa biết chừng gió thổi nó bay lên trên đó. Bà vợ gào lên: - Mình cũng lại làm khổ tâm em nữa. Ông bình tĩnh lại, nhỏ nhẹ như xin lỗi: - Đáng lẽ anh không nên nói vậy. Ông chìa hộp thiếc bảo vợ: - Mình mở nó ra. Hai tay bà run run đỡ lấy hộp thiếc, mở ra, dốc hết lên trên mặt bàn vài tấm giấy bạc cũ lem luốc và một mớ tiền bạc và tiền đồng. - Mình đếm được xem bao nhiêu. Bà chăm chỉ đếm, lật cá tấm giấy bạc và các đồng tiền để coi cho chắc xem mỗi tấm, mỗi đồng là bao nhiêu tiền. - Mười hai bảng, năm si-ling và bảy pen-ni. Ông Mục sư bảo: - Anh sẽ lấy đi tám bảng, và hết chỗ tiền lẻ. - Mình cứ cầm hết đi. Có lẽ phải trả tiền bác sĩ, tiền dưỡng đường và tiêu vào chuyện khác nữa. Mình cầm hết đi. Và mang theo cuốn sổ chương mục bưu điện. Mình còn mười bảng gởi ở đó. Đem theo hết mà tiêu. - Số tiền đó anh để dành mua lò cho mình. - Làm sao được. Còn số tiền kia, tuy để dành cho con nó đi học ở Thánh Chad, nhưng em cũng có ý muốn cho mình dùng một phần để may một bộ đồ đen mới, mua một cái nón đen mới và mấy cái cổ cồn trắng mới. - Cái đó nữa, cũng đành phải dẹp thôi. Thử tính coi, anh sẽ đi… - Đi ngày mai. Từ Carisbrooke. - Vậy anh phải viết thư ngay báo cho đức Giám mục hay anh sẽ đi vắng không biết bao giờ mới về được. Ông Mục sư nặng nề đứng lên, đi lại đứng trước mặt vợ, bảo: - Anh ân hận đã làm phiền lòng mình. Anh qua bên giáo đường cầu nguyện đây. Ông bước ra ngoài và bà nhìn qua chiếc cửa sổ nhỏ, thấy ông chậm chạp tiến lại cửa giáo đường. Rồi bà lại ngồi ở bàn, quẹo đầu xuống bàn, im lặng, nhẫn nại đau khổ như mọi phụ nữ da đen, như loài bò, như các sinh vật không nói được. Con đường nào cũng đưa tới Johannesburg. Suốt các đêm dài, các chuyến xe lửa chạy về Johannesburg. Ánh đèn trong các toa lắc lư chiếu xuống hai bên đường rầy, lên những đám cỏ và tảng đá trên cánh đồng thiêm thiếp. Sung sướng thay những cặp mắt nào chợp được. Chú thích: 1 -Tiếng của dân tộc Zulu ( một dân tộc ở Nam Phi ) có nghĩa là mục sư, mà cũng trỏ người đáng trọng, tựa như tiếng “ thày ” của ta. Đọc là Um-fun-di-s ( chữ i cuối cùng đọc rất nhẹ ). Chúng tôi tôi để nguyên cho có màu sắc địa phương. Miền này theo đạo giáo phái Anglican của Anh. Cũng thờ chúa Ki tô, nhưng không chịu hệ thống của giáo hội La Mã. 2 - Các mục sư giáo phái Anglican được lập gia đình. Mẹ đây là vợ mục sư. Tín đồ gọi mục sư là cha, nên gọi vợ mục sư là mẹ. 3 - Một tiếng của thổ ngữ Xosa, tựa như tiếng Trời của ta. Đọc là Tích-xo, hoặc Tích-co