Từ Ixopo, chiếc xe lửa như con nít đó leo các ngọn đồi khác, những ngọn đồi xanh nhấp nhô ở Lufala, Eastwolds, Donnybrook. Từ Donnybrook, một đường sắt rộng đưa tới thung lũng lớn ở Umkomaas. Đây là miền của các bộ lạc, đất khô cằn như bị bệnh, cơ hồ không có cách nào chữa được. Chiếc xe leo lên bờ bên kia thung lũng, đi ngang qua Hemu-hemu, tới Elandskop. Nó chạy dọc theo thung lũng dài Umsindusi, qua Edendale và các chòi đen của thành phố xinh đẹp Pietermaritzburg. Tới đây hành khách sang chiếc xe lớn nhất, chiếc xe đi Johannesburg. Chiếc xe này là một phép màu nữa của ngưởi da trắng: không có đầu máy, chỉ có cái gì như cái lồng bằng sắt ở trên nóc, và năng lực từ những dây sắt dăng ở trên cao truyền xuống lồng sắt làm cho xe chạy.(1) Xe leo tới Hilton và tới sông Sư tử, tới Balgowan, Rosetta, sông Mooi, chạy ngang qua một khu đồi đẹp không sao tả nổi. Nó gầm lên ban đêm khi lăn trên khu chiến trường thời xưa. Nó leo lên Drakensberg rồi trở lại xuống cánh đồng. Khi trời tờ mờ sáng, hành khách tỉnh dậy trong toa xe lắc lư và rung chuyển. Lại có một chiếc đầu máy phun khói lên và không còn những sợi dây bằng sắt dăng ở không trung nữa. Miền này mới lạ, kỳ dị, trải ra ngút ngàn. Nhưng tên cũng lạ tai và khó đọc cho một người Zulu đã học tiếng Anh. Những tên đó thuộc về một ngôn ngữ, người ta gọi là Afrikaans (2) mà người Zulu chưa bao giờ được nghe. Có người la: - Mỏ kìa, mỏ kìa. Vì trong số hành khách có nhiều người lại miền mỏ này kiếm việc. Những cánh đồi trắng, lè tè ở đằng xa kia mà lại mỏ ư? Kumalo có thể hỏi câu đó mà không sợ xấu hổ, vì trong toa không còn những người đã nghe ông nói chuyện hôm qua nữa. - Thưa Umfundisi, đó là những tảng đá đào từ mỏ lên. Vàng lấy ở trong đó ra. - Làm cách nào đào tảng đá lên được? - Thưa Umfundisi, người ta xuống hầm rồi đào. Nếu đá cứng quá, không thể đục thì người ta bỏ đi, để cho người da trắng lại dùng những cái gậy lửa (3) làm cho nổ tung lên. Lúc đó người ta trở lại lượm, chất vào xe, đưa nó lên một cái lồng, lồng rút lên theo một ống như ống lò nhưng dài, cao không kể xiết. - Làm sao nó lên được? - Nhờ có một bánh xe lớn nó quay. Đợi chút nữa tôi sẽ chỉ cho Umfundisi thấy. Kumalo làm thinh, tim ông đập nhanh hơn một chút, vì kích thích và vì sợ. - Đây bánh xe đây, thưa Umfundisi. Bánh xe đây nè. Một cái giàn lớn, bằng sắt đưa vút lên trời, trên ngọn có một bánh xe bự quay tít, đi nhanh tới nỗi loá mắt không thấy căm của nó nữa. Chung quanh là những ngôi nhà lớn, những ống tua tủa phun khói, và người ta lăng xăng qua lại. Một đoàn xe tải dài vô tận leo lên một ngọn đồi lớn trắng, lên tít trên không. Ở dưới chân đồi, lộn xộn đủ các xe hơi, xe cam nhông, xe buýt. Kumalo hỏi: - Phải Johannesburg đấy không? Bọn hành khách cười, vẻ tự tin lắm. Có vài người lui tới miền này rất thường. Họ bảo: - Đã nhằm gì đâu. Ở Johannesburg, còn có những ngôi nhà cao, cao như… Nhưng họ không biết phải nói: cao như cái gì cho đúng. Một người hành khách nói với một người bạn: - Này anh, anh biết ngọn đồi dựng đứng sau khoảng đất rào kín của ba tôi không? Cao như ngọn đồi đó. Người bạn kia gật đầu, nhưng Kumalo không biết ngọn đồi đó ra sao. Bây giờ đây nhà cửa nối tiếp nhau không ngừng, nào nhà, nào đồi trắng, rồi những bánh xe hơi lớn, những đường phố nhiều vô kể, rồi xe hơi, xe cam nhông, xe buýt. Kumalo bảo: - Chắc đây là Johannesburg rồi? Hành khách lại cười nữa. Họ đã cảm thấy hôi mệt. Họ bảo: - Đã nhằm gì đâu. Đường rầy đâu mà nhiều thế. Bên trái, bên phải, đếm không xuể. Một chuyến xe lửa bỗng chạy vụt qua phía trước, tiếng vang ầm ầm làm cho Mục sư giật mình đánh thót một cái. Ở phía bên kia một chuyến xe khác đuổi theo chiếc xe của họ rồi giảm tốc lực, ở lại phía sau. Hết ga này tới ga khác, không tưởng tượng nổi sao mà nhiều ga thế. Mấy trăm hành khách đứng đợi mà xe cứ chạy vụt qua làm mọi người thất vọng. Nhà cửa mỗi lúc một cao hơn, đường phố mỗi lúc một nhiều hơn. Cứ chằng chịt thế này làm sao cho khỏi lạc được? Hoàng hôn đã xuống, đèn phố bắt đầu cháy. Một hành khách đưa tay chỉ: - Johannesburg đấy, Umfundisi. Kumalo thấy những ngôi nhà cao thật cao, trên đó có những ánh đèn xanh đỏ, cao cũng gần bằng ngôi nhà. Ánh đèn chớp chớp. Nước từ một cái chai lớn chảy ra, tới khi đầy một cái ly thì ánh đèn tắt. Khi ánh đèn sáng lại thì lạ không, cái chai đã đầy lại rồi, dựng đứng lên còn cái ly thì cạn. Rồi cái chai lại nghiêng xuống. Có hàng chữ đen và trắng. Nhưng đâu phải đen và trắng; xanh và đỏ đấy chứ. Thực chẳng còn hiểu gì hết. Ông làm thinh, ông nhức đầu, ông hoảng sợ. Vô ga rồi này, một chỗ rộng mênh mông có vô số đường hầm. Chiếc xe lửa ngừng ở dưới một mái lớn, mấy ngàn người đứng ở đó. Có những bậc thang đưa xuống lòng đất, đường hầm đây rồi. Người da đen, người da trắng chen chúc nhau chật đường hầm, kẻ đi tới người đi lui. Kumalo thận trọng bước để khỏi đụng nhằm ai, ôm chặt chiếc tay nải. Ở đầu đường hầm, ông vô một phòng rộng. Ông theo dòng thác người, leo một cầu thang, ra khỏi hầm, tới đường rồi này. Tiếng ồn ào điếc cả tai. Xe hơi, xe buýt chạy nối đuôi nhau, sao mà nhiều thế không biết. Dòng thác người băng qua đường, nhưng ông dám theo họ, vì nhớ lại cái chết của đứa con trai anh Mpanza. Đèn xanh tắt, đèn đỏ bật, rồi đèn xanh lại cháy. Ông có nghe người ta nói, hễ đèn xanh bật thì qua đường được. Nhưng vừa tính qua thì một chiếc xe buýt bự chạy qua mặt ông. Chắc có luật lệ gì đây mà ông không hiểu, ông bước trở lên lề đường. Ông lại dựa lưng vào một bức tường, làm ra vẻ như đợi ai. Tim ông đập thình thịch như tim một em nhỏ, không làm cách nào, suy nghĩ gì cho nó bớt đập được. Ông lẩm bẩm: - Xin Tixo che chở cho con. Xin Tixo che chở cho con.Một gã thanh niên lại gần ông, nói một câu gì bằng một ngôn ngữ mà ông không biết. Ông bảo: - Nói gì tôi không hiểu. - Vậy ra Umfundisi là người Xosa? - Người Zulu. - Umfundisi tính đi đâu? - Lại Sophiatown, chú em. - Vậy Umfundisi đi theo tôi, tôi dẫn đường cho. Ông mang ơn gã đó, nhưng lòng hơi ngài ngại và mừng rằng gã không xin xách giùm chiếc tay nải. Gã ăn nói lễ phép nhưng thứ tiếng Zulu của gã hơi kỳ cục. Đèn xanh bật và gã bước xuống đường. Một chiếc xe tiến tới, nhưng gã tiếp tục băng qua đường và chiếc xe ngừng lại. Như vậy ông mới vững bụng. Họ đi quanh quẹo dưới chân mấy ngôi nhà cao, ông không nhớ hết được, nhưng khi cánh tay ông rã rời vì cái tay nải nặng trĩu thì họ tới một chỗ có nhiều xe buýt đậu. - Umfundisi phải đứng nối đuôi người ta. Umfundisi có tiền mua giấy xe đấy không? Kumalo vội vàng đặt chiếc tay nải xuống mở túi tiền ra, như muốn tỏ cho gã đó thấy rằng, ông quí tấm lòng sốt sắng của gã lắm. Ông không dám hỏi giấy xe bao nhiêu và lấy ra một bảng. - Umfundisi muốn để tôi mua giấy xe giùm không? Như vậy Umfundisi giữ được chỗ trong hàng, trong khi tôi lại chỗ bán giấy. - Ừ, cảm ơn chú em. Gã cầm đồng bảng rồi đi một quãng ngắn tới một góc đường. Khi hắn quẹo mất hút rồi, Kumalo hơi lo ngại. Hàng người nhích tới và ông ôm chặt chiếc tay nải nhích theo. Nhích tới nữa, tới nữa, sắp phải lên xe buýt rồi mà giấy vẫn chưa có. Rồi như bỗng nhớ ra điều gì, ông bước ra ngoài hàng. lại chỗ góc đường mà gã thanh niên đã quẹo rồi mất hút. Không thấy bóng dáng gã đâu cả. Ông thu hết can đảm lại để kiếm người hỏi thăm, và bước lại gần một ông cao tuổi ăn bận đàng hoàng sạch sẽ. - Xin ông chỉ giúp tôi chỗ bán giấy xe ở đâu? - Chỗ bán giấy xe nào Umfundisi? - Bán giấy xe buýt. - Lên xe buýt rồi mới mua giấy. Không có chỗ bán giấy. Người đó có vẻ lương thiện, và mục sư nói giọng khiêm tốn: - Tôi đã đưa một đồng bảng cho một thanh niên, cậu ấy bảo lại chỗ bán giấy mua giấy cho tôi. - Hắn lừa gạt Umfundisi rồi. Có nhớ mặt gã không? Không à, mà Umfundisi không bao giờ còn gặp mặt lại hắn đâu. Thôi, đi theo tôi, Umfundisi đi đâu, lại Sophiatown? - Vâng, lại Sophiatown. Lại hội Truyền Giáo. - Vậy ư? Tôi cũng theo đạo Anglican. Tôi đứng đây chờ một người, nhưng lâu quá rồi, tôi không chờ được nữa. Để tôi dắt đường Umfundisi. Umfundisi quen mục sư Msimangu? - Quen chứ, tôi có bức thư của mục sư đây. Họ lại đứng nối đuôi và một lát sau bước lên xe buýt. Chiếc xe ra khỏi bến, len lỏi vô các con đường đầy xe cộ. Người tài xế thản nhiên hút thuốc, can đảm thật đáng phục. Xe chạy hết đường này tới đường khác, hết đèn xanh đèn đỏ này tới đèn xanh đèn đỏ khác, cơ hồ như bất tận, có lúc chạy nhanh tới nỗi xe lắc lư và máy rồ ù cả tai. Họ xuống xe, vô một con đường nhỏ mà cũng có cả ngàn người qua lại. Họ đi một quảng xa, đường nào cũng chật ních người. Người bạn mới quen xách giúp tay nải cho Kumalo, nhưng lần này ông không ngại nữa. Sau cùng họ ngừng ở trước một ngôi nhà có đèn sáng rồi gõ cửa. Cửa mở ra, một thanh niên cao lớn bận áo thầy tu mời họ vô. - Ông Msimangu, tôi dắt lại cho ông bạn đây, mục sư Kumalo ở Ndotsheni. - Mời các ông vô. Xin chào ông, ông Kumalo, tôi hân hạnh được gặp ông. Lần này là lần đầu tiên ông lại Johannesburg? Kumalo hãnh diện vô cùng: đã được dắt dẫn tới nơi tới chốn, lại được tiếp đón niềm nở. Ông khiêm tốn đáp: - Tôi lấy làm thẹn lắm. Toi mang ơn ông bạn của ông nhiều lắm. - Thật may mà gặp được ông ấy đấy. Ông Mafolo là một đại thương gia ở đây mà cũng là một tín đồ ngoan đạo nữa. Mafolo nói: - Nhưng trước khi gặp tôi, ông ấy đã bị chúng lừa gạt. Thế là phải kể lại việc đã xảy ra, và hai người kia tỏ vẻ thương hại Kumalo, dặn ông đủ điều. - Nhưng chắc là ông đói rồi, ông Kumalo. Ông Mafolo ở lại cùng ăn cho vui nhé? Ông Mafolo có việc phải đi. Cánh cửa khép lại rồi, Kumalo ngồi vào một chiếc ghế bành lớn và mặc dầu không quen hút, nhưng cũng nhận một điếu thuốc. Phòng sáng sủa, phía sau cửa ngoài kia, là đô thị lớn náo nhiệt quay cuồng. Ông phì phào điếu thuốc, phà khói ra như một em nhỏ, trong lòng cảm bội, hân hoan. Thế là xong cuộc hành trình dài tới Johannesburg và ông đã mến ngay vị mục sư trẻ tuổi đáng tin cậy này. Đợi lát nữa chắc chắn họ sẽ nói vì lý do cuộc hành trình may mà tới nơi tới chốn này. Bây giờ ông hãy hưởng cái vui được yên ổn và được tiếp đón niềm nở đã. Chú thích: 1. Tức xe điện. 2. Ngôn ngữ của những người Afrikaaner, tức người Hoà Lan sinh trưởng ở Nam Phi. Ngôn ngữ đó là một thứ tiếng Hoà Lan giản dị, tuy đẹp, nhưng bị người Anh ở Nam Phi và cả một số người Hoà Lan nữa khinh bỉ. Tiếng Anh và Afrikaans là hai ngôn ngữ chính thức ở Nam Phi. 3. Tức dùng mìn.