Dịch giả: NGUYỄN HIẾN LÊ
TỰA
Nguyên tác CRY, THE BELOVED COUNTRY.

 
KHÓC LÊN ĐI, ÔI QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU!
 
Quê hương yêu dấu, đây là xứ Nam Phi của các dân tộc Bantu, Soxa…đã trên ba thế kỷ nay sống điêu đứng, tủi nhục, căm thù và sợ sệt dưới sự đàn áp dã man kinh khủng của bọn thực dân Hòa Lan và Anh, dã man tới chính một người Âu, ông W.W. Howitt, trong cuốn Colonisation and Christianity ( Londres 1838 ) đã phải phẫn uất thốt lên rằng: “ Trên khắp thế giới, từ cổ tới kim không có một dân tộc nào đối xử với một dân tộc bị chinh phúc lại mọi rợ, thô bạo, tàn nhẫn và đáng phỉ hổ như những dân tộc tự cho là theo Ki Tô giáo đó ”(1)
Bắt đầu là năm 1652. Ba chiếc tàu của công ty Đông Ấn Hòa Lan chở chừng hai trăm người Hoà Lan ghé Table Bay ở Hảo vọng giác ( mỏm cực nam của Phi Châu ), để dựng ở đó một căn cứ nghỉ ngơi và tiếp tế thức ăn nước uống cho các tàu buôn hương liệu trên con đường từ Amsterdam qua Viễn Đông.
Đất cát phì nhiêu, khí hậu mát mẻ, bọn định cư đó làm ăn phát đạt, không chịu sự chi phối của công ty nữa, tách ra khỏi mẫu quốc, chế tạo lấy những thứ cần thiết và chỉ dùng mỗi cuốn Thánh Kinh để dạy con cháu. Người ta gọi họ là bọn Boer. Ngôn ngữ của họ lần lần biến đổi gồm thâu nhiều tiếng Nam Phi, chỉ còn lơ lớ cái giọng Hòa Lan, tới thế kỷ XIX, thành một ngôn ngữ riêng, tiếng Afrikaans, và người ta không gọi họ là người Boer nữa, mà gọi là người Afrikaner.
Từ Hảo vọng giác, họ chiếm lần đất đai, ăn sâu vào nội địa như tằm ăn dâu, đàn áp, tàn sát các thổ dân Hottentot, Bushmen.
Một nhóm người mà muốn làm chúa tể một khu đất mênh mông xa mẫu quốc, ở chân trời góc bể như vậy, tất nhiên phải đoàn kết với nhau, bảo tồn truyền thống, phong tục, sống tách biệt với người bản xứ, và tinh thần kỳ thị chủng tộc phát sinh từ đó: họ coi người bản xứ là dã man, chỉ đáng làm nô lệ cho họ thôi. Để biện hộ cho thái độ kỳ thị đó, họ cho rằng Thượng Đế đã sinh ra giống người da trắng, và giống người da đen thì dĩ nhiên là Ngài tán thành những hành động nào, có mục đích ngăn cản bước tiến của ngươi da đen. Thậm chí ( họ ) còn qui cho Ngài cái ý tạo ra người da đen để cưa củi và xách nước cho người da trắng nữa.
Nhưng tới năm  1814, Hòa Lan nhường thuộc địa Hảo Vọng giác ( Cape Colony ) cho Anh, thời vàng son của họ kết thúc. Họ phải bỏ phía Nam tiến lên phương Bắc, tính lập một quốc gia khác, sau khi đàn áp được thổ dân Bantu. Dĩ nhiên người Anh theo bén gót họ, nhất là khi tìm được mỏ vàng và kim cương, gây ra một cuộc chiến tranh tàn khốc, trong sử gọi là chiến tranh Boer ( 1899 – 1902 ). Người Anh thắng và Liên bang Nam Phi được thành lập năm 1910, gồm cả người Anh và người Boer, lúc này gọi là người Afrikaner; hai ngôn ngữ được cho là chính thức: tiếng Anh và tiếng Afrikaans. Năm 1961 liên bang đó thành một nước Cộng hòa gốm bốn xứ: Transvaal, Natal, Cap, Orange. Diện tích được 1.220.000 cây số vuông, kinh đô là Pretoria; châu thành lớn nhất là Johannesburg. Dân số năm 1966 được 18 triệu gồm:
( non 19% )
( non 68% )
( non 3% )
( non10% )
Vậy người da trắng chiếm không đầy một phần năm tổng số dân. Trong số người da trắng, người Afrikaner chiếm non 6 phần 10 ( còn 4 phần 10 kia là người Anh và các kiều dân Âu ), nghĩa là so với tổng số dân thì họ chiếm khoảng 3 phần 100. Nhưng vì đông hơn người Anh, nên họ đóng vai trò quan trọng trong chính sách của Nam Phi.
Chính sách đó là chính sách kỳ thị chủng tộc, mà kế hoạch là kế hoạch phân cách ( Apartheid )
Từ hồi thành lập đảng Quốc Gia năm 1912 ( quốc gia của người da trắng dĩ nhiên, vì người da đen không có một địa vị gì cả trên quê hương của mình ) chủ trương tách xa khỏi mẫu quốc Anh, rồi tổ chức một giáo hội mới năm 1933, giáo hội cải cách Hòa Lan, giải thích Thánh kinh theo một lối mới hợp với chính sách của họ, thì phong trào kỳ thị chủng tộc cho tới nay chỉ mỗi ngày mỗi tăng chứ không giảm, bất chấp những lời cảnh báo của Liên Hiệp Quốc, bất chấp sự phỉ hổ của nhân loại.
Liên tiếp trong mấy nội các của Malan ( 1948 – 1954 ), Strijdom ( 1954 – 1958 ), Verwoerd ( 1958 – 1966 ) ông này bị ám sát năm 1966. Vorster ( 1966 - ….), sự phân cách chủng tộc đã thành một quốc sách được thi hành triệt để.
Người kỳ thị da đen hăng nhất là thủ tướng Malan. Ông ta vốn là một mục sư Tin Lành, có hồi học ở Đức, được thấy Hitler lên cầm quyền và coi cuốn Mein Kampf ( Cuộc chiến đấu của tôi ) của Hitler là sách gối đầu, rồi sau áp dụng chính sách của Đức Quốc Xã cả về lý thuyết lẫn thực hành.
Về lý thuyết ông ta và đảng Quốc Gia tức hầu hết là người Afrikaaner hoàn toàn tin rằng bạch chủng cao quý hơn hắc chủng. Chỉ có một số rất ít mà họ gọi là “ hạng bất lương ” mới nghi ngờ chân lý khách quan đó, luật tự nhiên của trời đó mà bọn đó không đáng kể. “ Vậy bạch chủng là giống người mà Thượng Đế phú cho những đức cao quý, phải lãnh cái thiên chức truyền bá văn minh châu Âu và đạo Ki Tô để dìu dắt người da đen trên con đường thịnh vượng và hạnh phúc. Vì chỉ có người da trắng mới làm tròn được thiên chức đó, mà muốn làm tròn thì phải đừng lai giống, nên họ giữ gìn cho khỏi bị lai tỏ ra nghiêm khắc, không có tình huynh đệ gì với người da đen cả. Giữ nước da trắng của mình chẳng những là bổn phận đối với chính họ, mà còn là bổn phận đối với người da đen nữa ”(2)
Đúng là giọng điệu của Hitler. Chỉ khác Hitler là Malan không cất những lò thiêu Dachau, Auschwitz mà để cho người da đen được sống tủi nhục điêu đứng trên quê hương của họ. Có thể nói cả Nam Phi là một cái ghetto khu tập trung vĩ đại cho người da đen, và trong ghetto ấy họ thỉnh thoảng bị cảnh pogrom ( hành hung ), y như người Do Thái ở Ba Lan, Nga ngày trước.
Muốn gìn giữ cho khỏi bị lai, mà lại không thể diệt hết giống da đen được thì chỉ có cách dựng lên hàng rào màu da ( Colour bar ), nghĩa là dùng kế hoạch phân cách ( Apartheid ). Họ lý luận như vầy: đã không thể sống chung với nhau được, như vậy lần lần sẽ bình đẳng mất, sẽ lai giống mất, thôi thì sống tách biệt nhau ra: cách biệt về lãnh thổ và cách biệt về chính trị. Người da trắng sẽ sống trên khu vực người da trắng, người da đen trên khu vực người da đen; người da trắng sẽ nắm hết quyền hành về chính trị, tuyệt nhiên không cho người da đen dự vào, đại diện cho người da đen ở Quốc Hội phải là người da trắng. Có như vậy người da trắng mới thực hiện được sứ mạng cao quý của mình; mới duy trì được màu da bảo vệ và phát huy được nền văn minh da trắng “ nền văn minh Ki – Tô giáo ”. Họ tự hào về kế hoạch phân cách đó thực là vẻ vang ( Honorable apartheid ) đáng được cả thế giới tôn trọng.
Để thực hiện kế hoạch đó họ:
Chia đất, chiếm hết 88% đất đai, dĩ nhiên là những miền phì nhiêu nhất. Chỉ để lại cho người da đen và người lai 12%, mà dân số của họ chỉ có 10%, còn dân số của người da đen và người lai tới 78%.
Tất cả những tài nguyên về mỏ: mỏ than, mỏ sắt nhất là mỏ kim cương ở Kimberley, mỏ vàng ở Witwatersrand, dĩ nhiên cũng về họ nữa.
Đặt ra không biết bao nhiêu luật lệ cực kỳ phiền toái để đàn áp, kiểm soát người da đen, in thành một cuốn sách dày tới ba trăm trang, mục đích là để bất kỳ lúc nào muốn bắt giam bất kỳ một người da đen nào cũng được. Người ta đã làm thống kê, chỉ nội trong một năm, có 968.000 vụ bắt bớ và 891.800 vụ xử phạt ngưởi da đen riêng về phạm luật thông hành trên tổng số dân da đen hồi đó là 5.000.000, nghĩa là cứ ba người da đen thì có một người bị phạt hoặc bắt giam.
Đại cương luật đó mà họ gọi là Pass Law như sau: người da đen phải luôn luôn đem theo mình giấy thuế thân ( y như chúng ta hồi Pháp thuộc ), giấy chứng nhận có công ăn việc làm, giấy chứng nhận có nhà ở, giấy được chủ sở cho phép ra khỏi trại ( nếu làm trong các mỏ ), giấy cho phép cư trú….Nếu thiếu một tờ giấy nào thì sẽ bị coi là phạm tội nặng.(3)
Tôi xin kể thêm một vài luật nữa
Luật về khu vực của các nhóm người ( Group Areas Act ). Theo luật này, bộ trưởng bộ Nội Vụ có thể bất kỳ lúc nào bắt cả một cộng đồng da đen dỡ nhà cửa, đất cát của tổ tiên đã cấy cầy từ cả chục đời trước, mà di cư lại một miền khác do chính phủ chỉ định. Luật đó cực kỳ tàn nhẫn, làm cho mười mấy triệu người da đen lúc nào cũng lo ngay ngáy phải bỏ hết của cải, đất đai công việc làm ăn mà cuốn gói ra đi. Nhất là hàng vạn ngươi da đen và ngươi lai Á ( vì luật áp dụng vào hết thảy các người không phải gốc Âu ) đã có một nghề sinh sống ở châu thành, có thể nhất đán bị đưa tới một nơi không có cách nào sinh nhai được.
Luật bảo hiểm thất nghiệp ( Unemployment Insurance act ) năm 1946. Chỉ do một chữ ký của nhà cầm quyền, nhất đán tất cả những công nhân bản xứ nào mà tiền công hằng năm không đầy 182 bảng ( họ là đa số ), sẽ phải nghỉ việc, không được làm việc nữa, vì người da trắng cho rằng họ không đủ tiền đóng bảo hiểm chăng? Như vậy là họ cấm thợ dở làm việc, nhưng một mặt khác, do luật về các thợ xây cất bản xứ ( Native Building worker act ) họ lại cấm những thợ da đen giỏi làm những công việc xây cất có tính cách mỹ thuật. Tóm lại là họ chỉ muốn cho người da đen làm cái hạng tôi tớ tạm dùng được cho họ thôi.
Ngoài ra còn có những luật lệ về hàng rào màu da nữa. Đâu đâu cũng có sự phân cách, từ chỗ ở, tới công viên, xe cộ chở chuyên, dưỡng đường, giáo đường, trường học, khách sạn cửa hàng, phòng giấy, nghĩa địa. Người da đen không được vô những công viên, ngồi trên những cái ghế dành cho người Âu (Europeans only ), không được dùng thang máy sợ làm nhơ nhuốc người da trắng, nhưng nực cười thay người ta vẫn dùng họ để điều khiển thang máy. Trên máy bay của công ty Hàng không Nam phi, những áo gối và mền cho hành khách không phải là người Âu đều phải đánh dấu bằng một miếng thẻ đỏ để khỏi lẫn lộn khi đem giặt. Mà giặt thì phải dùng một cách riêng để “ tẩy uế ”. Các nhà thể thao da màu ở nơi khác không được so tài ở Nam Phi.
Ngay bọn người lai cũng bị cự tuyệt hẳn, không được sống chung với người da trắng, người da trắng không còn được cưới một thiếu nữ lai nữa. Thành thử 1,7 triệu người lai sống chơi vơi không biết dựa vào đâu, bị cả người da trắng lẫn da đen hắt hủi, khinh bỉ.
Chính sách kỳ thị và kế hoạch phân cách đó làm cho người bản xứ mất đất đai, mất những quyền căn bản của con người, không được học hành nhất là học nghề, bộ lạc mỗi ngày một tan rã, con người mỗi ngày một trụy lạc. Họ bị nô lệ hóa theo lối mới chỉ có cách làm đầy tớ mãn kiếp cho người da trắng.
Bốn phần năm dân chúng mà chỉ chiếm được một phần mười đất đai, những đất bỏ đi, không được dậy dỗ cách canh tác, không được hưởng một kế hoạch cải thiện nông nghiệp nào cả ( ít nhất trước năm 1950 ), cho nên mỗi ngày họ một nghèo đói, vì đất đai mỗi ngày một cằn cỗi, bị mưa xối hết đất màu mỡ, bị bò gặm hết cây cỏ, chỉ còn trơ lại đá dưới ánh nắng cây cỏ.
Người da trắng cố tình bỏ đói họ như vậy để buộc họ phải bỏ nhà cửa, làng xóm vào làm cu li trong các đồn điền hoặc các mỏ.
Nhiều thung lũng trước kia mơn mởn, nay hóa trụi khô, chỉ còn các ông già bà cả, đàn bà và con nít sống lây lất để chờ chết. Ở khu Umata, trên 2.000 trẻ em mà chỉ có 4% được biết mùi thịt, 50% được ăn rau còn thì toàn ăn bắp, mà 80% trẻ em đi học chỉ được ăn có một bữa một ngày. Chính sách diệt chủng một cách từ từ thực tàn nhẫn không kém chính sách lò thiêu của Hitler.
Vì vậy bao nhiêu thanh niên cường tráng đều làm cu li hết. Năm 1949, 2.250.000 người da đen làm cu li trong các trại ruộng; họ được nuôi cơm và mỗi tuần được lãnh 10 si linh. Trại nào thiếu nhân công, chính quyền cung cấp cho một số người da đen tội nhẹ, chủ đồn điền cứ việc đem xe lại, lùa họ lên xe, chở về đồn điền, bắt làm quần quật và cuối tháng trả tiền lương cho chính phủ ( 9 pe-ni một ngày ), chứ không phải cho họ.
Mặc dù dùng tới biện pháp đó mà có nơi nhân công vẫn không đủ, chính quyền Nam Phi nghĩ ra cách đánh thuế thật nặng, không phải để có tiền chi tiêu, mà để dân da đen muốn có tiền đóng thuế thì phải làm cu li cho người da trắng, mà đời sống gia đình, đời sống bộ lạc họ bị tan rã.
Lạ lùng nhất là thuế đánh vào chó. Bộ lạc Bondel ở miền tây nam Nam Phi sống về nghề chăn nuôi và săn sơn dương, vì vậy họ phải luyện tập một giống chó rất khôn. Muốn bắt họ làm cu li trong các đồn điền da trắng để lãnh số tiền chết đói là 10 si-linh một tháng, năm 1921 chính quyền đặt ra thứ thuế chó: một con chó mỗi năm đóng một bảng ( nghĩa là bằng hai tháng tiền lương của họ ), hai con chó, mỗi năm phải đóng 2 bảng 10 si-linh: bốn con chó, mỗi năm đóng 7 bảng; năm con chó, mười bảng…cứ như vậy mà lũy tiến. Nghĩa là một người Bondel làm quần quật suốt năm không đủ đóng thuế cho con chó! Thực là khắp cổ kim đông tây, không có một chính sách nào tàn nhẫn bằng (4)
Vô làm cu li trong các mỏ vàng, mỏ kim cương, dân bản xứ còn tủi nhục hơn nữa, hơn bọn phu đồn điền cao su của ta thời Pháp thuộc. Họ phải ký giao kèo làm 12 hoặc 14 tháng, nếu chưa hết hạn mà trốn đi thì bị tội rất nặng. Họ phải từ biệt vợ con mà một mình vô sống trong trại dưới sự giám thị của một tên cặp rằn da trắng tàn nhẫn. Vô trại rồi thì cũng như vô khám, hoàn toàn tách biệt với thế giới, muốn ra ngoài phải có giấy phép của giám đốc sở mỏ. Họ phải nằm trên nệm rơm trải trên nền xi măng. Họ được nuôi nấng và mỗi tháng lãnh hai bảng, nhưng tiền xe từ quê hương họ lại mỏ, tiền giầy, mền, người ta bắt họ chịu, trừ lần vào tiền lương của họ và đa số mãn giao kèo, không để dành một đồng nào dành cho vợ con. Tại nhiều mỏ người ta nghi ngờ phu mỏ nuốt vàng hoặc kim cương, nên bắt họ phải uống thuốc xổ trước khi ra ngoài phố nửa ngày hay một ngày. Dĩ nhiên họ còn bị lục soát tỉ mỉ rồi mới được rời trại.
Chính sách dã man tàn khốc đó, làm cho Nam Phi thành một nhà khám mênh mông nhốt hơn 12 triệu dân da đen thành cái xứ của tù đày, phạm pháp và sợ hãi. Từ da trắng tới da đen mọi người đều ngày đêm lo lắng hồi hộp. Người da đen thì lo không có đủ tiền đóng thuế, lo thất nghiệp, lo bị nhốt khám, bị bắt buộc di cư qua một miền khác; còn người da trắng thì lo bị bọn da đen hành hung, ám sát. Đói quá, bị áp bức quá, bộ lạc và gia đình tan rã, người ta có lúc phẫn uất lên, nổi điên lên còn nghĩ gì tới sinh mạng của mình và của người. Cho nên rất nhiều người da trắng vừa sẩm tối là đóng cửa cài then, không dám ra khỏi nhà. Họ sợ cho hiện tại không bằng sợ cho tương lai, họ là thiểu số, một ngày kia tất cả ngươi da đen biết đoàn kết với nhau nổi dậy đuổi họ, tàn sát họ thì họ chống cự thế nào? Bọn người Anh thì có thể trở về mẫu quốc được, còn bọn người Afrikaner, đã không còn mẫu quốc, tiếng Hòa Lan, cả chục thế hệ rồi không còn nói nữa, thì mới biết đi đâu? Mà cái ngày đó sớm muộn rồi cũng tới, vì cả Châu Phi lúc này đương ngửng đầu lên rồi, ở phía bắc sông Limpopo, tức là từ Nam Phi trở lên, cả trăm triệu người da đen đã đòi quyền sống hiên ngang trên đất đai tổ tiên họ rồi đấy.
Một số ít người da trắng ở Nam Phi một phần vì có lòng trắc ẩn đối với người da đen, một phần vì biết nhìn xa, nhận định được tương lai ghê gớm đó, nên chống lại chính sách kỳ thị của đảng Quốc Gia, như thống chế Smuts, người thua Malan năm 1948, các nghị sĩ quốc hội Friedman, Kentrige, Barlow…một số đại diện cho dân bản xứ ( người da đen được bầu đại diện nhưng đại diện của họ phải là người da trắng ) ở lưỡng viện như Ballinger, Brookes. Hết thảy họ đều ở trong đảng Thống Nhất, đảng đối lập với đảng Quốc Gia luôn luôn nắm chính quyền trong hai chục năm nay. Nổi nhất trong bọn họ là cặp bạn thân thiết Jan F. Hofmeyr và Alan Paton tác giả cuốn Khóc lên đi, ôi quê hương yêu dấu này.
Alan Paton sanh năm 1903 ở Pietermaritzburg trong xứ Natal ( Nam Phi ). Thân phụ ông là người Tô Cách Lan tới Nam Phi làm công chức hồi chiến tranh Boer sắp phát; thân mẫu ông gốc gác Anh, nhưng tổ tiên bà đã lập nghiệp ở Nam Phi. Alan Paton học ở trường đại học Pietermaritzburg, chuyên về khoa học nhưng được di truyền của cha, thỉnh thoảng cũng làm thơ. Năm hai mươi mốt tuổi mới về thăm nước Anh.
Ở đại học ra, ông viết hai tiểu thuyết rồi xé bỏ, và làm thơ, viết tiểu luận đăng báo; nghề chính của ông là dạy học trong những trường cho những trẻ em nhà giầu da trắng. Có lần ông dạy ở Ixopo ( xứ Natal ) “ một miền đồi núi nhấp nhô, cỏ xanh biếc, đẹp không sao tả xiết, lúc nào cũng véo von tiếng kêu khắc khoải của con chim titihoga ” mà sau này ông dùng làm bối cảnh cho tiểu thuyết Khóc lên đi, ôi quê hương yêu dấu của ông. Tại đó, ông gặp cô Dorrie Francis và kết hôn với cô. Kế đó ông dạy ở Pietermariztburg, và hồi ba mươi tuổi ông bị bệnh trường nhiệt5, phải dưỡng bệnh khá lâu. Chính trong lúc đó ông mới có dịp suy nghĩ về đời ông, thấy cái đời chuyên dạy cho bọn trẻ con nhà giầu là vô vị.
Năm đó, 1934, Nam Phi đang có một cuộc biến chuyển. Chính phủ có một cuộc cải cách nhỏ: những trại giam thiếu nhi và thanh niên phạm pháp dưới hai mươi mốt tuổi không thuộc bộ Tư pháp nữa mà giao cho bộ Giáo dục mà bộ trưởng là tiến sĩ Jan Hofmeyr, một người Afrikaner có tinh thần tấn bộ, cam đảm bênh vực người da đen và hô hào người da trắng phải bỏ cái lối đàn áp đổ máu đi mà tôn trọng nhân phẩm con người bất kỳ màu da nào, phải thay lòng oán thù sợ sệt bằng tình thương yêu, tin tưởng. Paton hồi nhỏ đã có lần cắm trại với ông, lúc này coi ông như một bực đàn anh đáng cho mình noi gương. Lòng yêu quý ngưỡng mộ đó không bao giờ giảm: khi Hofmeyr chết, Paton làm một bài thơ để khóc bạn, rồi đề tặng cuốn Khóc lên đi, ôi quê hương yêu dấu, lần tái bản ở Nam Phi.
Khi hết bệnh trường nhiệt, bình phục rồi, tư tưởng Paton thay đổi hẳn: ông muốn sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn, hy sinh cho người da đen. Hofmeyr bổ ông làm giám đốc trại cải huấn Diepkloof ở Johannesburg. Trong mười năm, nhờ sự hướng dẫn của Hofmeyr, ông biến đổi hẳn trại đó: hàng rào dây kẽm gai hạ xuống, vườn hoa thay vào, trại không còn cái vẻ u ám, bi thảm của nhà khám nữa. Ông đối xử nhân đạo với các thiếu niên da đen phạm pháp, dạy dỗ, dắt dẫn, giúp đỡ họ nhưng phương tiện để cải tà quy chính. Một số nhờ ông mà thành con người lương thiện, một số khác thì không như Absalom trong Khóc lên đi, ôi quê hương yêu dấu.
Trong mười năm đó, Paton vẫn không bỏ công việc văn chương, nhưng không làm thơ, không viết tiểu thuyết nữa, mà viết những bài luận thuyết nghiêm trang. Ông bảo thời gian đó là thời gian “ khô khan ” trong đời cầm bút của ông. Nhờ tiếp xúc với 650 thiếu niên phạm pháp từ 10 đến 21 tuổi, ông hiểu được tâm trạng của họ, hiểu được những nguyên nhân đưa họ tới sự phạm pháp; nguyên nhân chính là sự tan rã của gia đình và bộ lạc bản xứ mà người da trắng phải chịu trách nhiệm; sự tàn nhẫn của một chính sách kỳ thị, phân cách màu da, làm cho người da đen không có cách nào ngóc đầu lên nổi, nên sinh ra uất hận, căm thù, trụy lạc, hung dữ, chứ bản tính của họ vốn hiền lành và trung thực.
Những bài tiểu luận đó tuy thưa thớt nhưng giọng nồng nàn, chân thành được mọi giới chú ý tới và ông trở thành một người có uy tín về những vấn đề xã hội ở Nam Phi.
Thế chiến thứ nhì bùng nổ, kế hoạch cải huấn ở trại Diepkloof phải bãi bỏ vì thiếu tiền. Khi chiến tranh chấm dứt, ông muốn đi nghiên cứu những trại giam thiếu niên ở Na Uy, Thụy Điển, Anh và Mỹ. Ông phải bán các phiếu bảo hiểm nhân mạng của ông để có tiền lộ phí. Bà vợ khuyến khích ông và ở lại Nam Phi với hai người con.
Ở Thụy Điển, ông xúc động khi đọc tiểu thuyết: Men uất hận ( Grapes of Wrath ) của John Stienbeck và nẩy ý định viết một tiểu thuyết tương tự, tả nỗi uất hận của dân da đen Nam Phi. Vì không quen thuộc ai ở Trondheim mà lại không biết nói tiếng Thụy Điển, ông sống cô liêu trong một phòng ở khách sạn, và một hôm, nguồn hứng dào dạt, ông viết một hơi từ năm giờ tới bảy giờ chiều trong chương đầu của quyển tiểu thuyết. Lúc đó ông chưa bố cục, chưa biết tình tiết sẽ biến chuyển ra sao, nhưng đề tài thì đã rõ ràng: ông sẽ chép lại những kinh nghiệm sống của ông.
Từ Trondhiem, ông lại Oslo rồi London rồi Huê Kỳ. Tới khách sạn nào, ông cũng tiếp tục viết và tới San Francisco thì truyện đã hoàn thành ( 1947 ).
Và khi ông trở lại Nam Phi thì trong hành lý của ông có thêm một bản thảo nó làm cho đời sống của ông thay đổi một lần nữa. Tác phẩm Khóc lên đi, ôi quê hương yêu dấu xuất bản lần đầu tiên ở Huê Kỳ ( Scribner, 1948 ) khi được hoan nghênh, khi tái bản ở Nam Phi thì bán chạy hơn bất cứ cuốn nào khác chỉ trừ Thánh kinh. Một năm sau, được dịch ra tiếng Pháp ( nhan đề: Pleure, pays bien aimé – nhà Albin Michel ), và tới nay được dịch ra trên hai mươi ngôn ngữ, và quay thành phim.
Ông nổi danh, từ bỏ chức giám đốc Trại cải huấn Diepkloof sau mười ba năm phục vụ, chuyên tâm sáng tác, làm các công việc xã hội và hoạt động cho đảng Tự Do thành lập năm 1953 để bênh vực công lý và dân chủ cho người da đen, đả phá hàng rào màu da của đảng Quốc Gia. Ông làm Phó chủ tịch rồi Chủ tịch đảng, cất một bệnh viện để săn sóc người da đen bị lao phổi, mở một trường học đầu tiên dạy công nghệ cho trẻ em da đen.
Trong thời gian đó ông sáng tác thêm một truyện nữa: The land and the people of Africa ( Non sông và dân tộc Nam Phi ).
Năm 1954 ông qua Huê Kỳ một lần nữa, viết một loạt bài cho tạp chí Colliers và được đại học đường Yale tặng bằng tiến sĩ danh dự vì công phụng sự nhân loại của ông.
Cơ hồ càng được nhân loại chú ý tới thì chính quyền Nam Phi càng tỏ ra gay gắt trong chính sách kỳ thị, để phản ứng lại.
Mùa thu năm 1955 một ngàn người chống luật phân cách chủng tộc bị bắt giam; năm sau 156 trí thức da trắng gồm: giáo sư, luật sư, khoa học gia, dân biểu Quốc hội cũng bị nhốt khám Johannesburg. Paton tổ chức ngay một cuộc mít tinh để phản đối, kêu gọi cả thế giới ủng hộ phong trào đảng Tự Do của ông đã gây nên, phong trào giải thoát người da đen:
“ Chúng tôi, những người Nam Phi, tuyên ngôn cho toàn thể đất nước chúng tôi và thế giới biết: Nước Nam Phi thuộc về tất cả những người sống trên đó, da đen và da trắng, và không chánh phủ nào có thể đòi quyền thống trị nó 6 trừ khi chánh phủ đó dựa vào ý chí toàn dân.”
Như vậy người da đen phải được bình quyền với người da trắng, mà họ đông gấp năm người da trắng, thì người da trắng sẽ vô phương làm mưa làm gió gì ở Nam Phi. Danh tiếng ông lớn quá, người ta gọi ông là: “ người bảo vệ ý thức Nam Phi ”, ông được mọi người trọng vọng vì ông rất nhân từ giản dị - mà cả bà cũng vậy – nên chính quyền thực dân Nam Phi không dám động tới ông, cứ dùng chính sách ỳ ra và làm thinh để đối phó lại: “ hắn nói thì cứ nói, chúng ta kỳ thị thì cứ kỳ thị ”.
Cho nên E. S. Sachs, một chiến sĩ da trắng tích cực chiến đấu cho người da đen, sanh ở Johannesburg trong cuốn The choice before South Africa ( London 1952 ) - bản dịch ra tiếng Pháp, nhan đề là L’Afrique du Sud au carrefour ( Nam Phi ở ngã ba đường ) Ed.du Seuil 1954 – chê ông rằng không thể thay đồi được tình thế chính trị ở Nam Phi, nhiều lắm là chỉ tuyên truyền thôi.
Đúng, đường lối của Paton có vẻ ôn hòa quá. Đọc cuốn Khóc lên đi, ôi quê hương yêu dấu này, độc giả sẽ thấy ông dùng những lời nhân ái của chúa Ki Tô để khuyên người da trắng bỏ chính sách kỳ thị, đàn áp đi, lo công việc giáo hoá dân bản xứ và cải thiện phương pháp canh tác để mức sống của họ khá lên, tổ chức lại đời sống cho họ, để gia đình bộ lạc họ khỏi bị tan rã. Đường lối đó không gây căm thù và đổ máu, nhất định là chậm - phải chịu nạn thực dân đàn áp bóc lột như chúng ta mới thấy được cái lòng lang dạ thú của bọn đó không dễ gì lay chuyển được, cải hoá được; nhưng bảo rằng tác phẩm của Paton chỉ có cái công cụ tuyên truyền thôi thì cũng hơi quá: từ hồi Verwoerd lên cầm quyền Thủ tướng ( 1958 ) mặc dầu sự kỳ thị còn gay gắt hơn trước nhưng đời sống của người da đen đã cải thiện được khá - trường học đã được mở nhiều, công tác khuếch trương nông nghiệp đã tăng tiến – như vậy thì biết đâu chẳng là do công lao tuyên truyền của Alan Paton? Vả lại trong một cuộc cách mạng công việc tuyên truyền nào mà chẳng cần thiết.
Có người lại trách Paton rằng vì đưa giải pháp ôn hoà mà làm cho dân da đen quên lãng việc chiến đấu. Xét như vậy là hẹp hòi. Trong việc dành lại cho người da đen cái quyền được sống cho ra con người trên quê hương của họ, người ta phải chia nhau công tác tuỳ khả năng và tính khí cá nhân. Không phải chỉ có mỗi một con đường là đưa tới La Mã.
Ở trên tôi đã nói Khóc lên đi, ôi quê hương yêu dấu ghi lại những kinh nghiệm sống của tác giả. Nó là tiểu thuyết mà hơi có tính cách tự truyện.
Bối cảnh, miền thung lũng và đồi núi Ixopo, là nơi Paton đã dạy học. Johannesburg là nơi ông đã sống trên mười năm, khi làm Giám đốc trại Cải huấn Diepkloof; mà trại cải huấn này chính là trại cải huấn ông tả trong truyện.
Trừ hai nhân vật có thực, giáo sư Hoernle và Ernest Oppenheimer tác giả chỉ nhắc qua, còn các nhân vật khác đều do ông xây dựng cả, nhưng xây dựng trên sự thật. Ta có thể chắc chắn rằng viên công chức Anh trẻ tuổi ở trại cải huấn là ông, vợ chồng Arthur Jarvis là ông và vợ ông, và đoạn “ Tâm sự của một người Nam Phi ” ( chương 24 ) chính là ghi tâm sự của ông:
Tôi sinh ra trong một trại ruộng, trong một gia đình nền nếp, được cha mẹ chiều chuộng, cung cấp cho đủ, không thiếu thốn thèm khát gì cả. Cha mẹ tôi là những người ngay thẳng, hiền từ…Các người đã dạy cho tôi tất cả những điều cần biết về danh dự, nhân ái, bao dung. Nhưng về Nam Phi tôi chẳng học được chút gì cả ( nghĩa là chẳng biết được chút gì về bi kịch của Nam Phi, về tình trạng thê thảm của người da đen cả ). Cho nên, tôi sẽ hy sinh đời tôi, thì giờ của tôi, sức lực của tôi, tài năng của tôi để phụng sự Nam Phi….”
Ông tưởng tượng câu chuyện bi đát của gia đình mục sư da đen Stephen Kumalo, tan nát vì chính sách tàn nhẫn của ngườ da trắng; em gái thì thành một gái điếm, còn đứa con trai duy nhất thì thành một kẻ sát nhân, bị xử giảo. Ông tả đời sống của người da đen trong những căn nhà ổ chuột ( hai phòng chứa trên mười người nhà trẻ, trai gái ) ở tại một châu thành xây dựng nhờ vàng của đất đai Nam Phi: châu thành Johannesburg. Châu thành đó, năm 1946, hồi chuyện xảy ra, chỉ có 700.000 người - hiện nay gần hai triệu người ( 1968 ) – mà đã là một ổ trụy lạc, trộm cướp, cờ bạc, rượu chè, đĩ điếm và mọi người sống nơm nớp trong cảnh sợ sệt: người da đen thì sợ thất nghiệp, sợ bị nhốt khám; người da trắng thì sợ bị cướp bóc, hành hung.
Trong lời giới thiệu bản dịch ra tiếng Pháp, tác giả lớn tiếng vạch tội của người đồng chủng:
Người da trắng không phải chỉ xây dựng các châu thành, xưởng máy mà còn đem lại ( cho người da đen ) các thứ rượu mới, các món hàng cám dỗ, súng ống, các bệnh mới lạ nữa….”
Bọn thực dân đó đi tới đâu gây trụy lạc, đổ vỡ căm hờn tới đó. Giọng ông nồng nàn nhất khi đả kích nền văn minh Ki Tô giáo:
“ Sự thực là nền văn minh Ki Tô giáo của chúng ta đầy những mâu thuẫn nan giải. Chúng ta tin ở tình huynh đệ của con người, mà ở Nam Phi này, chúng ta lại không muốn có cái tình huynh đệ đó….Chúng ta tin rằng phải giúp đỡ các huynh đệ hạ đẳng mà chúng ta lại muốn họ ở hoài tình trạng hạ đẳng….Sự thực là nền văn minh của chúng ta chẳng có gì là Ki Tô giáo cả, nó là một sự hỗn hợp bi đát gồm một lý tưởng cao cả lẫn lộn với sự thực hành nhút nhát….một tình nhân ái bao la lẫn lộn với lòng tham lam chụp giật mà sợ sệt…” ( chương 21 )
Nhiều đoạn cảm động như đoạn tả cảnh dân da đen sống chui rúc ở Johannesburg kiếm cả năm không ra một căn nhà, sau phải rủ nhau cất chòi ở bên cạnh đường xe lửa trong một đêm cho xong; đoạn tả tâm trạng của mục sư Kumalo vì đau xót bực tức mà dằn vặt đứa con trai khi vô thăm nó trong khám, dằn vặt thiếu nữ thơ ngây có mang với con trai ông; đoạn Kumalo nói dối để gây nỗi hoang mang sợ sệt trong lòng con trai ông cho bỏ ghét….Những đoạn đó lời văn, nhất là văn đối thoại cực kỳ bình dị, mộc mạc làm cho truyện càng thêm bi đát và Gabriel Marcel phải khen là tiểu thuyết đạt được cái mức trác tuyệt, đáng làm kiểu mẫu, vì không tô chuốt, che dấu một chút gì để làm vừa lòng ai cả.
Nhưng chúng ta còn nhận thấy tác giả còn là một thi sĩ. Chương đầu tả cảnh đồi núi và thung lũng ơ Ixopo, và chương cuối tả tâm trạng của mục sư Kumalo vô núi thức một đêm để cầu nguyện, chờ lúc mặt trời mọc, tức lúc mà con trai ông bị xử tử, hai chương đó đáng được coi là những bài thơ bằng văn xuôi, rất đẹp mà cũng rất buồn. Rõ ràng là tác giả tha thiết yêu Nam Phi, quê hương của người da đen mà cũng là quê hương của ông.
Để giữ màu sắc của Nam Phi, chúng tôi chỉ phiên âm và chú thích chứ không dịch một số tiếng Nam Phi như Umfundisi, Umnumzana, Tixo….và trong những đoạn đối thoại, chúng tôi rán theo sát cái giọng chất phác của các nhân vật da đen.
Chúng tôi mong rằng sẽ có dịp giới thiệu với độc giả một tiểu thuyết nữa cũng về Nam Phi, cũng rất cảm động “ viết bằng máu ” cuốn Tell Freedom của Peter Abrahams, một văn sĩ lai cũng có hồn thơ như Alan Paton.
Saigon ngày 25-11-1968.
NGUYỄN HIẾN LÊ.
Chú thích:
1.Do René Dumont dẫn trong L’Afrique noire est mal partie…Ed du Seuil. 1962.
2.Những vấn đề chủng tộc của Pierre Gouron và Georges Balandier trong Ecyclopédie francaise. La Vi Internationale-Conflits-Larousse.
3.Peter Abrahams, trong tiểu thuyết Tell Freedom đã kể ra tất cả chín thứ giấy tờ:
- Một người da đen hoặc lai từ làng muốn ra châu thành ( chẳng hạn Johannesburg ) để làm ăn thì trước hết phải xin một tờ giấy phép đi đường. Tới châu thành rồi phải xin ngay một tờ giấy “ căn cước thông hành ”. Mỗi tháng sẽ xin đổi giấy và phải đóng một số tiền bằng 100 quan hồi 1956. Nếu hết sáu ngày cư trú đặc biệt rồi, không kiếm được việc làm mà không lại Phòng thông hành, xin đổi giấy phép khác, thì sẽ bị nhốt về tội lêu lổng.
- Nếu kiếm được việc làm, thì sẽ được cấp cho một tờ thông hành hàng tháng, sự thực giấy này là tờ giao kèo làm việc. Trong những ngày làm việc thì phải ở trong trại của sở mướn mình tại ngoại ô; cuối tuần được nghỉ, muốn ra châu thành chơi, thì phải xin giấy phép du lịch và chỉ được đi chơi một lát thôi rồi về trại.
- Nếu quen ai ở châu thành, muốn ra thăm cả ngày chủ nhật thì phải có một giấy thông hành đặc biệt cho suốt cả ngày. Người quen đó dỉ nhiên là người da đen hoặc người lai, ở trong một cái “ lỏm đất ” ( enclave ) trên địa phận của một người da trắng; muốn vô cái lỏm đó thì phải xin một tờ thông hành cho vô thăm.
- Làm việc một thời gian, được chủ tin cậy, muốn xin ra ở ngoài trại thì phải xin chủ giới thiệu với Sở thông hành, để sở phát cho một giấy phép cư trú. Ra ở ngoài trại rồi, mà tối, muốn đi đâu chơi sau chín giờ, thì phải có một giấy phép thông hành đặc biệt đi đêm, vô phúc mà thiếu thì bị bắt nhốt khám.
4.Theo cụ Nguyễn Thượng Hiền trong bài “ Tang thương lệ ngữ ” thì trước thế chiến thứ nhất, thực dân Pháp cũng đánh thuế chó trong các châu thành Việt Nam: một đồng một năm. Một đồng hồi đó đủ nuôi một người bình dân trong một năm.
5.Ta thường gọi sai là thương hàn: Enteric Fever – Fievre typhoide.
6.Hoài Khanh, Văn hào Alan Paton và nạn kỳ thị chủng tộc ở Nam Phi – Bút hoa số 19, năm 1965
CADAO xuất bản lần thứ nhất 6/1969.
SAIGON - VIỆT NAM.